Say Mộng Giang Sơn

Chương 96: Kiều ca hồ đồ chịu chết



Dương Phàm chần chừ một lát, tự nhủ mình phải thận trọng. Chợt trông thấy Tô Phường chính chắp tay sau lưng, nhíu mày bước ra từ trong ngõ, hắn lập tức chạy theo, vẫy tay chào hỏi:

– Tô Phường chính!

Tô Phường chính thấy hắn liền dừng lại, nói:

– Ồ, Tiểu Phàm đã về rồi!

Dương Phàm nói:

– Vâng, ra ngoài dạo chơi mấy ngày, chẳng tìm được nghề ngỗng gì tử tế cả. Phường chính, mấy ngày nay trong chúng ta phường không xảy ra chuyện gì chứ? Sao trông mọi người đều có vẻ kì lạ vậy?

– Phường chúng ta…ôi!

Tô Phường chính lắc đầu thở dài nói:

– Ngươi đó, mau đi gặp Mã Kiều đi, đứa nhỏ này, lần này coi như xong rồi!

Dương Phàm giật mình kinh hãi, nói:

– Mã Kiều làm sao vậy?

Tô Phường chính lại lắc đầu thở dài nói:

– Chuyện nói ra thì dài lắm, ây da, đợi lão phu kể xong thì e là ngươi không kịp nhìn mặt hắn lần cuối rồi, ngươi mau đi gặp hắn đi.

– Vậy được.

Dương Phàm không hỏi thêm gì nữa mà vội vàng chạy tới Mã gia, Tô Phường chính nói với theo:

– Ngươi chạy đi đâu vậy, hắn đang ở nơi hành hình Nam môn của Nam thị ấy! Đến nhà hắn bây giờ phỏng có ích gì?

– Hành hình ư?

Dương Phàm càng kinh hãi hơn, liền ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài phường, vừa chạy vừa nghĩ:

“Hành hình? Mới qua có mấy ngày mà Mã Kiều đã xảy ra chuyện gì?”

Tô Phường chính ngẩng đầu lên nhìn trời, lắc đầu thở dài rồi lại cúi đầu than thở, dậm chân nói:

– Không được, lần này không trừ tà không được rồi! Ai ya, Nhị Hỏa, ngươi mau tới chỗ Hoằng Thủ quan kêu Nhất Trọc tới đi!…. À, Nhất Trọc đạo trưởng giờ đã là hòa thượng rồi, ngươi vào thành xem còn có vị đạo trưởng nào nữa không, mời y vào phường làm phép xua đuổi tà ma, mau lên!

Ngã tư phố lúc này người xúm lại xem còn đông hơn hôm hành quyết bảy phạm nhân, chỉ có điều, giờ đây người sắp sửa bị hành quyết lại chỉ có một, đó chính là Mã Kiều.

Mã Kiều hiện giờ đã là người nổi tiếng khắp thành Lạc Dương.

Tuy gã đã thông dâm với thê tử của thương nhân Ngô Quảng Đức, lại lỡ tay đẩy ngã chết người đàn bà này nhưng quan phủ lại không điều tra được gã. Nhưng ngay tại pháp trường này, gã đã quang minh lỗi lạc đứng ra nhận tội để minh oan cho Ngô Quảng Đức thì trong lòng bách tính thời Đường, rất nhiều người đã quên đi hành vi bại hoại của gã lúc trước mà chỉ nhớ tới hành động trượng nghĩa của gã bây giờ mà thôi.

Bởi vậy nên người kéo tới xem hành hình hôm nay đặc biệt đông, có người thì là vì tò mò, người thì muốn trông thấy tận mắt người “nổi tiếng” ở Lạc Dương này.

Kỳ thực trong lòng những người tường tận nội tình và am hiểu luật pháp cũng cảm thấy bất bình thay cho Mã Kiều. Bởi theo pháp luật thời Đường thì trừ cố ý giết người, các hành vi phạm tội khác nếu không bị quan phủ bắt giam mà chủ động tự thú thì có thể được miễn tội. Nhưng lúc này, có ai dũng cảm dám đứng ra bênh vực cho một thanh niên đường phố mà đắc tội với Hình Bộ phủ Lạc Dương Chu Hưng đây?

Việc xử án oan, giết lầm người vô tội đã mang lại tiếng xấu cho phủ Lạc Dương, họ đã cố ý gán cho Mã Kiều tội cố ý giết người, ban án tử hình.

Mà Mã Kiều lại không hiểu chút nào về luật pháp, gã căn bản không hiểu tội danh ghi trong bản án là “ Quá phẫn nộ gây án mạng” và “Đẩy ngã gây chết người” đối với phán quyết cuối cùng dành cho gã lại có sự khác biệt lớn đến như thế nào. Trong đầu gã chỉ nghĩ tới cái chết, lại nghĩ Bảo Ngân Ngân tuy ác độc nhưng cũng không đáng chết trong tay mình nên giờ nhận án tử như vậy cũng là đích đáng. Thế là gã cũng chẳng suy nghĩ nhiều, lập tức điểm chỉ nhận tội.

Giang Húc Ninh và mẹ hai người hai bên dìu Mã mẫu, nước mắt lưng tròng nhìn Mã Kiều trên hình đài.

Mã Kiều tay bị trói quặt về sau, lưng cắm một thẻ bài ghi chữ “Trảm” bên trên, quỳ gối trên hình đài.

Huynh đệ Mã gia đều đã đến đây, các cô dì chú bác của Mã Kiều tổng cộng có sáu người còn tại thế, hàng anh em với gã thì có đường huynh đường đệ, đường tỷ đường muội tất cả gần như đều đã có mặt đông đủ, chiếm trọn một góc pháp trường, nhưng lại không đem quan tài đến.

Bởi vì sau khi Võ Tắc Thiên lên cầm quyền thì đã khởi xướng khôi phục Chu Lễ, tội nhân sau khi bị xử tử thì sẽ bị bỏ xác ngoài đường thị chúng ba ngày rồi mới cho phép người nhà đem thi thể về. Sáu phạm nhân bị hành quyết mấy hôm trước cũng bị phơi thây ba ngày giữa chợ rồi người nhà mới được đem quan tài đến đưa về. Mã Kiều tuy là tự thú nhưng cũng không ngoại lệ.

Hôm nay người giám sát hành hình không phải Lạc Dương úy Đường Túng, bởi lần trước y đã vội vàng kết án lầm cho Ngô Quảng Đức nên rất mất mặt, đương nhiên không dám tới giám sát việc hành hình nữa. Chủ trì việc hành quyết là một vị quan khác của phủ Lạc Dương – thôi quan Hô Phá.

Mã Kiều quỳ gối trên pháp đài, nhìn mẹ già mà khóc không thành tiếng, kêu lớn:

– Mẹ, hài nhi bất hiếu, đã phụ công ơn nuôi dưỡng của mẹ rồi!

Nói xong, Mã Kiều dập đầu ba cái.

Mã Kiều thẳng lưng, nước mắt lăn dài, hướng sang các huynh đệ Mã gia nói:

– Các vị huynh đệ, Mã Kiều đi đây, Cao đường lão mẫu sau phải nhờ vả cả vào các vị rồi.

Dứt lời, gã cúi người khấu đầu ba cái.

Quan giám trảm Hô Phá khẽ cau mày, vươn người thò tay rút ra một tấm thẻ màu đỏ ném xuống pháp đài, trầm giọng nói:

– Giờ khắc đã tới, hành hình!

Một đao phủ mình trần, cổ quàng một chiếc khăn đỏ cầm một chén rượu lên nói với Mã Kiều:

– Người anh em họ Mã này, ngươi là một đại trượng phu mà ta vô cùng khâm phục, hôm nay tiễn ngươi lên đường, mời người anh em cạn chén rượu này để lên đường cho thanh thản.

Gã đao phủ này mặt mày dữ tợn, giọng nói cũng đầy vẻ hung dữ. Mã Kiều nhìn gã, vuốt cằm nói:

– Đa tạ lão huynh, chén rượu này, mượn tay huynh, ta cạn.

Đao phủ cười ha hả, nói:

– Sảng khoái lắm!

Gã nâng bát rượu tới trước mặt Mã Kiều, Mã Kiều tu ừng ực một hơi.

Mã Kiều bình thường rất thích ẩu đả gây lộn trên phố, hung hăng không biết sợ chết là gì, đến mức gã còn được người ta đặt cho biệt danh là “ Mã to gan” . Nhưng hôm nay, khi thực sự phải đối mặt với cái chết, trong lòng gã cũng không khỏi kinh sợ, bát rượu trước mặt một hơi uống cạn, đầu óc đã có chút choáng váng nên nỗi sợ hãi cũng đã giảm đi nhiều.

Sau khi uống cạn không còn một giọt rượu, Mã Kiều thở dốc, liếm chút rượu còn lại bên mép, gã nhìn lướt qua mẫu thân đang đứng dưới. Mẫu thân gã tuổi đã cao, tận mắt trông thấy con mình sắp sửa bị chém đầu thì không chịu nổi kích động mà ngất lịm đi.

– Tráng sĩ, lên đường thôi!

Gã đao phủ hét lớn một tiếng, liền giương cây đao đầu quỷ trong tay lên!

– Dừng tay!

Một tiếng hét lớn vang lên, chỉ thấy một một gã công nhân duy trì trật tự ngã nhào trên mặt đất. Sau đó là một lưỡi đao sáng loáng như gương tức thì bay về phía hình đài, ngăn lại cây đao trong tay gã đao phủ. Tiếp đó, một bóng người nhào tới, nhảy lên pháp trường, ngay lập tức chộp lấy đao đầu quỷ, chặt đứt dây trói sau lưng Mã Kiều chỉ trong nháy mắt.

– Đi!

Người che mặt hét lớn một tiếng, kéo Mã Kiều đi. Lúc này tên công nhân duy trì trật tự mới chật vật bò lên, rút đao bên hông ra hét lớn:

– Có kẻ cướp pháp trường!

Nhưng vừa sờ tới hông gã đã phát hiện ra đao của mình đã bị lấy mất từ bao giờ.

Người bịt mặt một tay cầm đao, một tay kéo Mã Kiều đi, bước chân vô cùng gấp gáp.

– Cướp pháp trường! Có kẻ cướp pháp trường!

Đám dân chúng vây lại xem cũng hô to, vừa có chút hoảng sợ lại vừa cảm thấy phấn khích.

Người phía sau ra sức đẩy người phía trước, sợ kẻ cướp pháp trường kia sẽ giết nhầm mình mà cố sống cố chết chen chúc xô đẩy nhau, cả pháp trường lập tức trở nên hỗn loạn.

Mã gia có nhiều huynh đệ tỷ muội như vậy, những người cơ trí thông minh trông cảnh tượng tán loạn trước mắt bèn mau chóng giúp Mã Kiều chạy trốn.

Cảnh cướp pháp trường này ở trong Bình thư, trong hí kịch được tái hiện hàng trăm lần, nhưng ở trong hiện thực thì trăm năm cũng khó gặp được một lần, đám công nhân quan phủ làm việc đã quen, xưa nay xử quyết phạm nhân nhiều lắm chỉ gặp cảnh người nhà phạm nhân khóc rống gào thét, dân chúng vây quanh náo loạn quá thì dùng cọc gỗ đóng bốn gốc rồi lấy dây thừng kéo căng xung quanh để tạo cách ly với người dân, chỉ duy có cảnh cướp pháp trường này thì đúng là lần đầu tiên nên kinh nghiệm không đủ, trong lúc nhất thời không kịp phản ứng.

Người bịt mặt kia một tay đánh lui được hai gã công nhân, xông vào đám đông trước mặt. Hơn ngàn người lập tức trở thành một đám hỗn loạn. Hơn hai mươi công nhân phụ trách duy trì trật tự ở pháp trường cũng đành bó tay, trong biển người trước mặt làm sao còn phân biệt ra được tội phạm với dân thường nữa?

Mẹ của Mã Kiều từ trong cơn hôn mê dần dần tỉnh lại, kêu lên một tiếng thống thiết:

– Con của ta…

Giang Húc Ninh mừng rỡ kêu lên:

– Đại nương, Mã Kiều được người ta cứu đi rồi! Có người cướp pháp trường!

Giang Húc Ninh nói xong, trong lòng dậy lên một nỗi nghi vấn:

“ Kì lạ thật, người tới cướp pháp trường kia có thể là ai đây? Nhìn bóng hắn sao lại giống Tiểu Phàm như vậy?”

***

Người bịt mặt kéo Mã Kiều chạy như điên không dám ngơi nghỉ một một phút nào. Sau khi thoát khỏi sự truy đuổi của đám công nhân, chạy vào phường Gia Thiện, họ rẽ vào một con phố, cuối cùng dừng lại ở một con hẻm nhỏ yên tĩnh, quay lại nhìn Mã Kiều, dùng giọng nói người khàn khàn của người trung niên nói:

– E là ngươi không về được nhà nữa rồi, nhân lúc cổng thành vẫn còn chưa bị phong toả, hãy mau chóng lánh đi đi.

Mã Kiều dùng ánh mắt nghi hoặc nhìn gã, nói:

– Tiểu Phàm?

Ánh mắt người bịt mặt trong phút chốc lộ ra vẻ kì quặc, trong lúc cấp bách, hắn chỉ kịp xé tạm một mảnh áo làm khăn che mặt, đầu tóc còn chưa kịp cải trang nên trông không giống với một gã trung niên chút nào. Thế nhưng vì sao Mã Kiều lại dám chắc đây nhất định là hắn?

Mã Kiều chắc như đinh đóng cột, nói:

– Tiểu Phàm, ta biết chính là đệ!

Người bịt mặt thoáng chút do dự, tháo khăn bịt mặt xuống. Quả nhiên là Dương Phàm, Dương Phàm vẻ mặt đầy hoài nghi, nói:

– Sao huynh nhận được ra ta?

Mã Kiều trên mặt cũng hiện ra vẻ kì quái:

– Ta không nhận ra, chỉ biết rằng, chắc chắn là đệ! Còn có ai có thể cứu ta đây? Ha ha…thực ra… đêm hôm đó, ở phủ Dương lang trung, thời điểm Hoàng Kỳ Lân bị giết, ta đã tận mắt trông thấy đệ bắn chết Hoa Tiểu Tiền bằng một mũi tên rồi lại giả bộ lăn ra bất tỉnh.

Dương Phàm giật mình, trong mắt liền lộ ra một tia ấm áp, vỗ vỗ vai Mã Kiều, nói:

– Nơi này không phải chỗ để nói chuyện, chúng ta mau ra khỏi thành đã rồi nói!

Phạm nhân bị cướp ra khỏi pháp trường, mà pháp trường này lại còn ở ngay dưới chân thiên tử, tin tức này lập tức gây xôn xao cả kinh thành. Vị quan giám trảm hôm đó đã bị mang tiếng xấu, một mặt sai người về nha môn bẩm báo, một mặt sai người thông báo cho Cửu thành sát sao việc kiểm tra những người ra vào thành, huy động tất cả nhân lực hùng hậu nhất đuổi theo hướng bọn Dương Phàm đã biến mất.

Dương Phàm quẳng đao quỷ đầu và khăn che mặt đi, cùng Mã Kiều chạy qua mọi hàng cùng ngõ tận, mau chóng chạy tới cổng thành. Thấy người ra vào thành xếp thành một hàng dài, Mã Kiều mặt biến sắc, bực bội nói:

– Không hay rồi! Chúng ta chậm mất rồi!

Lúc này, lại thấy trên đường lớn có bảy tám gã công nhân tay xách đao vội vã chạy tới, trong đó có cả gã quan giám sát hành hình ban nãy. Gã tức giận quát lớn:

– Phải đề phòng cẩn mật không được lơ là! Phủ nha đã tăng cường điều động nhân sự, nhất định phải tóm bằng được phạm nhân và tên hung đồ to gan dám cướp pháp trường kia!

– Nơi này không ổn rồi, chúng ta đi thôi!

Dương Phàm kéo Mã Kiều chạy vào trong ngõ rồi rẽ theo một hướng khác.

Lúc này, Tiết Hoài Nghĩa chùa Bạch Mã dẫn theo một đám hòa thượng ô lại, nghênh ngang bước trên phố, thấy lúc này có rất nhiều công nhân sai nha, kẻ xách đao người cầm côn, dáng vẻ ai nấy vô cùng vội vã thì không khỏi tò mò lẩm bẩm:

– Đám cẩu tử kia vội vã đi đâu thế?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.