Sau Khi Trở Thành Bạo Quân

Chương 187: Ngoại truyện 3



Dòng người chậm rãi tiến về phía trước, có quá nhiều người muốn đến xem bức thư đích thân Purlan I viết, dòng người di chuyển chậm chạp. Nhưng, nữ phóng viên của “Nhật báo xương rồng” rốt cuộc vẫn may mắn được vào trước khi đóng cửa.

Sau khi tắt livestream theo quy định, phóng viên và những người khác đi dọc theo hàng cột của bức tượng. Sau khi vào viện bảo tàng, hệt như bước vào một thế giới khác, tiếng ồn ào bên ngoài bị ngăn cách, thời gian dừng lại ở đây, mọi thứ bỗng trở nên nặng nề uy nghiêm. Ở phía bên trái của bảo tàng là phòng trưng bày nghệ thuật, vật trưng bày quan trọng nhất trong thời kỳ này là hai kiệt tác bất hủ của họa sĩ nhân văn Gracq.

Một bức là “Quốc vương và thành phố của người”, một bức là “Rồng và Tường Vi”.

Gracq được ca ngợi là “người khai sáng chủ nghĩa nhân văn”, là họa sĩ sơn dầu đầu tiên của thế kỷ 15 thách thức trường phái hội họa Eyck truyền thống, bất cứ ai được giáo dục cơ bản đều biết câu chuyện của ông và quốc vương. Trong lịch sử, vì đưa ra quan điểm cho rằng “hội họa, là một nghệ thuật thể hiện cảm xúc và suy nghĩ, không nên chỉ giới hạn trong các chủ đề tôn giáo“, mà Gracq suýt bị thiêu sống. Sau khi chạy trốn đến Legrand, ông đã dành hơn mười năm, cuối cùng được Purlan I đánh giá cao và được bổ nhiệm làm trưởng họa sĩ cung đình.

Lấy “Quốc vương và thành phố của người” làm điểm phân chia, hội họa thế kỷ 15 đi theo hai con đường khác nhau, một là trường phái hội họa chủ nghĩa thánh linh tuyên dương thần học, một là trường phái nhân văn tập trung đề cao lý tính và nhân văn.

Còn “Rồng và Tường Vi” là tác phẩm được hoàn thành trong mười năm cuối đời của Gracq.

Nếu nói, “Quốc vương và thành phố của người” lấy bối cảnh dịch bệnh Kossoya mở ra cảnh tượng đầu tiên trong lịch sử hội họa chuyển ánh nhìn từ thần linh sang con người thì “Rồng và Tường Vi” là tác phẩm vĩ đại đầu tiên lấy chủ nghĩa dân tộc, tinh thần dân tộc làm cốt lõi trong lịch sử thế giới.

Theo lời giới thiệu của triển lãm, bảo tàng đã viết:

“Vào thế kỷ XV, sự phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi sự ra đời của một chính phủ hùng mạnh hơn để bảo vệ sự chuyển đổi và phát triển của thương mại và thủ công nghiệp, để đáp ứng nhu cầu đó, vương quyền biểu tượng quốc gia của thời đại đó, bắt đầu trỗi dậy. “Rồng và Tường Vi” là dấu hiệu thức tỉnh dần dần ý thức dân tộc trong thời đại đó —— ở bờ Tây của eo biển Abyss, đã xuất hiện một quốc gia non trẻ phá vỡ truyền thống từ thời thần quyền.”

Gracq đã mất mười năm để hoàn thành tác phẩm cuối cùng này, khi vẽ nét cuối cùng, ông ngã xuống và không bao giờ tỉnh lại nữa. Học trò của ông không ai ngạc nhiên, theo lời kể lại của các học trò sau này, trong suốt mười năm đó, Gracq cứ mải miết vẽ, trong mắt ngoài tranh ra thì chẳng có gì cả: “Hệt như thứ ông ấy vẽ không phải là tranh, mà là mạng của ông ấy.”

Tất cả người đi qua bức tranh này đều vô thức ngừng thở.

Vì nó quá hùng vĩ.

Khác với tranh sơn dầu thông thường, “Rồng và Tường Vi“ là một bức tranh sơn dầu cuộn dài hiếm thấy, phá vỡ giới hạn thời gian truyền thống và không mô tả một sự kiện hay một khung cảnh tại một thời điểm nào. Bắt đầu từ bên phải, mô tả theo trình tự thời gian là khởi đầu, phát triển và kết thúc của phong trào Thánh quân đã thay đổi vận mệnh của thế giới vào thế kỷ 15.

Phần đầu tiên của cuộn tranh bắt đầu với vụ thảm sát thành Kossoya, ai ai cũng đang chạy, gồng lên phản kháng hoặc gào khóc giữa đống đổ nát. Binh sĩ đội tự vệ bị Thánh quân võ trang đầy đủ dồn vào ngõ cụt, sau lưng họ là tòa thị chính của Kossoya, lửa lớn cuốn lên như rắn, vương kỳ Legrand trên đỉnh thành bị bắt lửa.

Máu tuôn ra từ cổng thành Kossoya, nhuộm đỏ tới phần tranh thứ hai là vùng đất Đông Nam Legrand, báo hiệu cho chiến tranh tiến thêm một bước xấu.

“Chiến tranh…”

“Chiến tranh.”

Phóng viên nghe được tiếng thì thầm đè nén của mọi người, các bậc cao quý dừng lại trước bức tranh sơn dầu này, cúi đầu bày tỏ tiếc thương. Gracq là họa sĩ nhân văn nổi tiếng nhất, đã thể hiện kỹ thuật hội họa cao siêu của mình tại đây, sự tuyệt vọng, phẫn nộ, khổ đau thuộc về chiến tranh, sau hàng trăm năm vẫn hiển hiện ra trước mắt mọi người.

Phóng viên nhanh chóng viết một dòng chữ lên sổ lưu niệm:

May mắn thay, chúng ta sống trong một thời đại hòa bình, và, đằng sau hòa bình là xương trắng chồng chất của người chết trong chiến tranh.

Phần chuyển tiếp giữa phần hai và phần ba của bức tranh là dòng sông Doma dâng trào mãnh liệt, bờ Đông sông Doma là khu vực chiếm đóng chìm trong khói lửa chiến tranh, bờ Tây là quân đội Legrand đang tập hợp, vương kỳ phấp phới như lửa như sóng, dưới vương kỳ, Purlan I trẻ tuổi mặc khôi giáp đứng ở phía trước quân đội chỉ huy.

“Nhà quân sự thiên tài.”

“Trẻ đến mức khó tin…”

“Gia tộc Tường Vi, một gia tộc nổi tiếng điên rồ…”

Mọi người khẽ tán thưởng.

Dường như trong gia tộc Tường Vi luôn xuất hiện lớp lớp thiên tài, Phong Vương Henri, Sư Vương Charles, William III, công tước Buckingham, Purlan I… hàng loạt tên đặt cạnh nhau, chính là một bộ lịch sử huy hoàng. Sau khi một nhà sử học nghiên cứu cuộc đời của các vị vua và công tước của gia tộc Tường Vi, thì đã từng nói một câu:

“Người gia tộc Tường Vi, chưa bao giờ có một tuổi thơ vô tư, vì đó là thứ xa xỉ.”

“Dòng họ của họ đã định sẵn phải gánh vác trọng trách tiến lên.”

Bức tranh chiến tranh thứ ba bùng nổ trong bức thứ tư, Thánh quân và quân đội Legrand chiến đấu trên mặt đất. Gracq kết hợp nhiều trận đánh kinh điển trong chiến tranh thành một. Không giống như tác phẩm hội chiến tranh thông thường mù quáng đề cao lòng dũng cảm của phe mình, mà vẽ đoàn kỵ sĩ Thần Điện và quân đội Legrand đều đằng đằng sát khí, cả hai bên đều chồng chất xương trắng. Khi cuộn tranh đến đây, dường như không khí đều vang lên tiếng kim qua thiết mã.

Không khí căng thẳng kịch liệt đã biến thành một khí thế hùng vĩ áp đảo ở phần cuối, những đám mây đen như núi tập trung trên bầu trời. Mặt đất bị kéo ra xa, bản đồ của Legrand trải rộng, từng thành phố đều sáng đèn như đang cháy. Trên thành phố đang bốc cháy, hắc long bay vút lên trời, dang rộng đôi cánh, nghênh đón với hàng ngàn tia sét sắp giáng xuống. Màu trắng tuyết chói mắt và màu đen gớm ghiếc tạo nên sự tương phản mạnh mẽ.

Legrand, đất nước ác long.

Người phàm trên xương rồng, kiêu hãnh như đóa tường vi rực lửa.

Phóng viên có thể hiểu tại sao Bảo tàng Hoàng gia lại trưng bày chung hai bức tranh quý này. Vì hai bức tranh này, có thể nói là hình ảnh thời kỳ lịch sử thu nhỏ của Purlan I. Mà cách này, còn nhắc nhở người tham quan về bối cảnh xã hội của Purlan I, điều đó có nghĩa là những gì được trưng bày hôm nay có thể sẽ gây tranh cãi gay gắt.

Gây tranh cãi?

Chẳng lẽ bản thân Purlan I còn ít tranh cãi sao?

Phóng viên vừa viết vào sổ lưu niệm vừa suy nghĩ về vấn đề này.

Trong suốt thời gian qua, bản thân Purlan I có rất nhiều việc chưa sáng tỏ, thường có nhiều đánh giá phân hóa gay gắt thành hai thái cực với các sự kiện của cậu. Cậu sinh ra để làm vua, thời kỳ đầu thống trị có thể nói là bạo quân, khi đó thoáng bị người ta hoài nghi lại là một “vua điên” khác. Mãi cho đến sau “Biến cố Tường Vi”, cuối cùng bản thân Purlan I cũng thể hiện ra quyết đoán và trí tuệ của một hoàng đế. Nhưng nhiều biện pháp mà ông thực hiện trong thời gian trị vì vẫn quá mức đanh thép mà liên tục bị lên án.

Các sắc lệnh của ông luôn nổi tiếng là tuyệt đối thể vi phạm, ví dụ điển hình là việc phong tỏa thành Kossoya, theo thống kê có tới 1.000 dân thường chết vì phong tỏa bờ biển vào năm 1432. Ngoài ra, những cải cách mà ông thực hiện trong thời gian trị vì cũng thực hiện bằng những biện pháp mạnh, danh xưng “bạo quân“ đã nhiều bị gán cho ông.

Giữa chủ nghĩa nhân đạo và nhu cầu thiết thực, Purlan I không bao giờ ngần ngại lựa chọn cái sau.

Cho đến tận ngày nay, mọi người vẫn có thể cãi nhau ba ngày ba đêm về việc “Purlan I có quá tàn nhẫn hay không”

Khi phóng viên ghi lại một số suy đoán liên quan vào sổ lưu niệm, hàng cột của bức tượng đã kết thúc.

Triển lãm đã đến.

Trong căn phòng ánh sáng dịu nhẹ, những bức thư cuối cùng được công khai, trưng bày sau tủ kính kín. Các nhà thiết kế trưng bày của bảo tàng rất biết cách kíc.h thích hứng thú của mọi người, đặt ở phía trước là thư từ của một số quan thư ký và quý tộc chính trị quan trọng cùng thời kỳ.

Bên dưới lá thư ố vàng là tên của người đã viết lá thư, bên cạnh còn đặt giới thiệu vắn tắt về cuộc đời.

“Derrick thân yêu:

Mọi việc đang trở nên rất tồi tệ, Purlan I là một  quân khốn nạn, cậu ta không hề nhớ rõ ai đã giúp cậu ta đánh thắng trận chiến này! Vì thực hiện chính sách trọng thương (*) của mình, cậu ta đã quyết tâm tiến hành thay đổi đến cùng… “Đạo luật Vương quyền Tối cao” của Nghị Hội trao cho cậu ta quá nhiều quyền lực, tình hình của chúng ta bây giờ rất tệ.

Dường như cậu ta đã không còn thỏa mãn với chế độ nghĩa vụ quân sự và một đội quân hoàng gia được mở rộng, cậu ta định chuyển giao quyền lực quân sự về chính phủ… Chúng ta còn biết đi đâu nữa đây? Vinh quang của kỵ sĩ, huy hoàng của kỵ sĩ, cậu ta đã quyết tâm quét tất cả thứ này vào đống đổ nát. Thậm chí cậu ta đã quên mất mình cũng là một kỵ sĩ…”

Người viết bức thư là Roger, người đã từng đầu nhập vào đảng tân vương trong “Biến cố Tường Vi”, nhưng quốc vương đã tha thứ cho ông ta và tiếp tục trọng dụng trong phản loạn miền Bắc, ông ta còn lập nhiều chiến công trong phong trào Thánh quân.

Khi đọc lá thư đầu tiên, phóng viên lập tức hiểu được nội dung triển lãm hôm nay là gì.

Một cuộc cải cách lớn vào giữa và cuối thế kỷ 15.

Cải cách đẫm máu.

Đây là cuộc cải cách cuối cùng xảy ra vào cuối triều đại của Purlan I, đồng thời cũng là cuộc cải cách tàn nhẫn và vô tình nhất kể từ khi ông lên ngôi.

Trong lịch sử, có rất ít cuộc cải cách đặt tên là “đẫm máu“, sau khi phong trào Thánh quân kết thúc được 20 năm thì cuộc cải cách diễn ra, hệ thống kỵ sĩ cũ ở Legrand đã sụp đổ trong cuộc cải cách, máu của phái của bảo thủ đã nhuộm đỏ cổng cung điện hoàng gia ở Metzl.

Hệt như ứng với chủ đề vĩnh hằng trong văn hóa hí kịch của Lagrand “Người làm vua mãi mãi không có ngày an yên”.

Khi Purlan I được sinh ra, Legrand đã trải qua cuộc nội chiến do cái chết của William III, mà trong thời kỳ cai trị cuối cùng của ông, Legrand lại một lần nữa bạo loạn vì cải cách. Cuộc nội chiến này cuối cùng cũng kết thúc với thắng lợi của phe cải cách do quốc vương đại diện. Trong cuộc cải cách, số quý tộc chết của Legrand thậm chí còn vượt xa số người chết trong phong trào Thánh quân.

Từ đó, khôi giáp, kỵ sĩ, tòa thành rời khỏi lịch sử, lãnh chúa trở thành dĩ vãng, địa vị quân sự của tòa thành tuột dốc không phanh. Ba mươi sáu bang quốc hoàn toàn bị xóa sổ khỏi vùng đất Legrand, chỉ còn lại một đại đế quốc hoàn toàn thống nhất.

Xảo trá, máu lạnh, tàn bạo, không từ thủ đoạn… Những tính từ này bị thêm vào cho Purlan I sau cuộc cải cách này.

Nhưng, cũng chính vì sự thay đổi này mà Purlan I đã trở thành “Quân chủ cuối cùng của thời Trung cổ, vị vua đầu tiên của thế kỷ mới”.

Ông đã mở ra thời đại mới của sắt và súng.

(*) Chủ nghĩa trọng thương là một ứng dụng thực hành giả thuyết kinh tế, được sử dụng rộng rãi ở châu Âu từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, thúc đẩy việc chính quyền điều phối nền kinh tế quốc gia với mục đích làm tăng quyền lực nhà nước đó bằng việc làm suy giảm sức mạnh của các nước đối địch. Chủ nghĩa trọng thương là thời kỳ chủ nghĩa duy vật đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm.

(*) Chế độ quân chủ hoặc quân chủ chế hay còn gọi là Chế độ quân quyền, là một thể chế hình thức chính quyền mà trong đó người đứng đầu nhà nước là một vị vua.

Thể chế xưa kia trong thời quân chủ phần đông là chế độ quân chủ chuyên chế. Theo đó, mọi quyền lực, mọi chi phối các hoạt động trong xã hội gần như tuyệt đối tập trung trong tay nhà vua hay nữ hoàng lãnh đạo, được kế thừa theo nguyên tắc cha truyền con nối. Chế độ quân chủ tuyệt đối thường dùng hình thức phong kiến (hình thức phân phong đất đai) để truyền nối và chiếm hữu đất đai. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, như vua Nghiêu, vua Thuấn,… những trường hợp thiện nhượng. Trong nhiều trường hợp, những thời kỳ quân chủ trước kia cũng được gọi là thời kỳ phong kiến.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.