Ruồi Trâu

Chương 13



Giêma cùng Ruồi trâu lặng lẽ đi theo bờ sông Lâng Ac-nô. Hứng thú nói thao thao bất tuyệt của Ruồi trâu dường như đã cạn rồi. Từ lúc bước ra khỏi nhà Ri-cac-đô đến giờ , Ruồi trâu hầu như không nói một lời. Sự im lặng của anh làm cho Giêma thực sự vui sướng. Bao giờ gặp Ruồi trâu là Giêma cũng cảm thấy lúng túng. Nhất là trong ngày hôm nay chị lại cảm thấy lúng túng bởi vì thái độ kỳ dị của Ruồi trâu ở nhà Ri-cac-đô làm cho chị hết sức bối rối.

Đến cạnh cung điện Up-phi-tsi, Ruồi trâu thình lình dừng lại, quay sang hỏi chị :

– Bà có mệt không ?

– Không. Sao ?

– Và chiều nay bà không bận lắm phải không ?

– Không.

– Vậy xin bà một vinh dự đặc biết mời bà cùng dạo chơi với tôi.

– Ta đi đâu ?

– Đi đâu cũng được. Xin tùy bà.

– Nhưng để làm gì ?

Ruồi trâu do dự, không trả lời ngày.

– Tôi không thể nói được, ít nhất đó là điều rất khó nói…nhưng tôi rất mong bà đồng ý nếu có thể. Ruồi trâu bỗng ngước mắt nhìn chị. Ý tứ của đôi mắt làm Giêma rất ngạc nhiên.

Chị dịu dang nói :

– Hình như ông có một tâm sự gì.

Ruồi trâu bứt một chiếc lá khỏi cành hoa trên ve áo rồi xé nhỏ nó ra thành từng mảnh. Cử chỉ này gợi cho chị chạnh nhớ tới ai ? Cũng những ngón tay run run cử động một cách hấp tấp đó..

Mắt không rời tay. Ruồi trâu nói như bằng một hơi thở :

– Tôi thấy trong lòng phiền muộn lắm. Chiều nay tôi không muốn cô đơn. Bà đi chơi với tôi nhé ?

– Vâng, ta đi. Nhưng tốt nhất là mời ông về nhà tôi.

– Không, mời bà đi ăn cơm với tôi ở hiệu ăn, hiệu ăn cách đây không xa, ở quảng trường Xi-nhô-ri-a. Bà đã hứa thì xin chớ từ chối.

Họ đi vào hiệu ăn. Ruồi trâu gọi thức ăn nhưng anh không đụng tới một tí gì. Anh cứ đăm chiêu, lặng lẽ nghiền nát một mẩu bánh mỳ trên mặt bàn và vân vê mép khăn bàn.

Giêma cảm thấy rất khó xử và bắt đầu hối hận là đã trót nhận lời đi với Ruồi trâu. Sự im lặng mỗi lúc một trở nên nặng nề nhưng chị vẫn không muốn mở đầu câu chuyện với người mà chị vảm thấy người đó hầu như đã quên bẵng rằng có mình đang ngồi trước mặt. Cuối cùng Ruồi trâu ngước mắt nhìn chị và đột nhiên nói :

– Bà có muốn đi xem xiếc không ?

Giêma kinh ngạc nhìn anh. Sao lại nghĩ tới chuyện xem xiếc ?

Chị chưa kịp trả lời thì Ri-va-ret lại hỏi :

– Có bao giờ bà đi xem xiếc không ?

– Chưa, tôi chưa xem bao giờ. Tôi không thấy xiếc có gì là hay lắm.

– Xiếc rất hay. Tôi nghĩ nếu không xem xiếc thì không thể nào nghiên cứu được sinh hoạt của nhân dân. Ta quay lại cửa Cơ-rô-trê đi.

Đám xiếc rong đã cắm xong lều ở cạnh cổng thành . Khi Ruồi trâu và Giêma tới nơi thì tiếng vĩ cầm đã rít lên lanh lảnh , tiếng trống rộn ràng, báo hiệu buổi biểu diễn đã bắt đầu.

Buổi biểu diễn hôm ấy hết sức đơn sơ. Cả gánh xiếc chỉ có mấy vai hề mấy vai Ac-lơ-canh và mấy tài tử nhào lộn một người đi ngựa nhảy qua vòng, một vai Cô-lôm-bi-na đỏm dáng và một vai gù múa may một cách nhạt nhẽo và ngớ ngẩn để làm vui cho công chúng. Nói chung, những câu pha trò không đến nỗi quá chướng tai thô bỉ, nhưng đều rất tầm thường và hủ lậu. Mọi cái đều đầy một vẻ dung tục. Công chúng cười và vỗ tay với vẻ nhã đặc biệt của dân Tô-scan. Tiết mục duy nhất làm cho khán giả thực sự vui cười có lẽ là tiết mục của vai gù. Nhưng Giêma thấy ở vai gù này cũng chẳng có gì là láu lỉnh và khéo léo cả, mà chỉ toàn là múa may quay cuồng một cách vụng về, gớm ghiếc. Người xem thì luôn luôn nhại vai gù, cho trẻ con ngồi trên vai để cho chúng thấy ” thằng gù”

Ruồi trâu đứng cạnh Giêma, một tay vịn vào cột lều. Giêma quay lại phía anh hỏi :

– Ông Ri-va-ret, chả lẽ ông lại thực sự cho những trò này là hay, hay sao ? Theo rôi thì…

Giêma không nói hết và lặng lẽ nhìn anh . Suốt đời có lẽ chỉ có lần đứng với Mông-ta-ne-li cạnh cổng vườn ở Li-voóc-nô là chị mới nhìn thấy nỗi đau khổ không bờ bến và tuyệt vọng như thế này trên khuôn mặt con người. Nhìn Ruồi trâu Giêma sực nghĩ tới cảnh ” Địa ngục” của Đăng-tê.

Ở sân khấu người gù đang bị một vai hề đá. Anh ta lộn nhào và gieo mình ra ngoài vòng sân với một tư thế hết sức kỳ cục. Khi hai vai hề bắt đầu đối đáp thì Ruồi trâu bỗng dường như bình tỉnh khỏi một giấc mơ. Anh hỏi :

– Ta đi chứ ? Hay bà muốn ở lại xem nữa ?

– Không, đi đi thôi.

Họ bước ra khỏi lều, vượt qua dặm cỏ đen tối mà tiến về phía bờ sông. Cả hai đều im lặng trong mấy phút.

Ruồi trâu cất tiếng hỏi :

– Sao, bà thấy xiếc thế nào ?

– Tôi thấy khiếp quá, và có tiết mục thấy hết sức khó chịu

– Tiết mục nào khó chịu ?

– Những cái trò nhăn nhó, quằn quại ấy là hết sức khó chịu. Thật là lố bich, không có gì là khôn khéo cả.

– Bà nói tiết mục của người gù có phải không ?

Nhớ rằng Ruồi trâu đặc biệt nhạy cảm về sự tàn tật của mình, Giêma hết sức tránh không nói tới tiết mục ấy. Nhưng chính Ruồi trâu lại nhắc đến vai gù nên chị đành phải trả lời :

– Vâng, tôi không thích tiết mục ấy một chút nào.

– Nhưng đó lại là tiết mục mua vui cho công chúng nhiều nhất.

– Tôi dám cả quyết rằng cái tệ là ở đó.

– Tại sao cơ ? Có phải tại tiết mục của anh ta không có chút nghệ thuật nào chăng ?

– Tiết mục nào cũng phi nghệ thuật cả. Nhưng tôi muốn nói rằng : tại vì nó tàn nhẫn…

Ruồi trâu mỉm cười.

– Tàn nhẫn ? Đối với người gù có phải không ?

– Tôi muốn nói là… Dĩ nhiên, chính anh ta thì rất bình thản trước sự tàn nhẫn đó. Đối với anh ta , đó chính là một cách kiếm ăn, không khác gì người đi ngựa phải nhảy và cô gái phải đóng vai Cô-lôm-bi-na. Nhưng nó làm cho tâm hồn người ta thấy nặng nề. Đó thật là nhục nhã. Đó là một sự sa sút của con người.

– Trước khi bắt đầu đi làm trò, chưa chắc anh ta đã sa sút đếnt hế. Số đông chúng ta đều có sa sút cách này hay cách khác.

– Phải, nhưng ở đây… Có lẽ ông thì ông cho đó là một thành kiến vô lý nhưng tôi thì tôi cả quyết rằng thể xác con người là rất thiêng liêng. Khi thấy người ta giày xéo và bôi nhọ thể xác con người tôi không sao chịu nổi.

– Thế còn linh hồn con người ?

Ruồi trâu đứng sững lại, một tay tựa vào lan can bên bờ sông, nhìn thẳng vào mặt Giêma.

– Linh hồn ư ?

Chị nhắc lại và cũng dừng bước, ngạc nhiên quay lại nhìn anh. Ruồi trâu vung hai tay, đột nhiên trở nên sôi nổi :

– Vậy bà chưa hề nghĩ rằng vai hề khốn khổ ấy có thể có một linh hồn, một linh hồn sống, một linh hồn chiến đấu của con người , một linh hồn bị trói chặt vào một thể xác méo mó và bị buộc phải phục vụ cho vai hề ấy như một kẻ nô lệ hay sao ? Bà là một người đa cảm biết xót thương thể xác trong tấm áo lố lăng treo đầy nhạc ngựa của vai hề ấy. Vậy có bao giờ bà nghĩ tới một linh hồn bất hạnh không có lấy một manh áo sặc sỡ ấy để che lấp cái trần trụi ghê gớm của nó không ? Bà thử nghĩ xem, khi linh hồn đó run rảy vì rét mướt khi linh hồn đó đau khổ vì nghèo hèn và hổ thẹn trước mặt mọi người, khi những lời nhạo báng quất vào linh hồn đó như một ngọn roi da, khi tiếng cười đốt cháy linh hồn đó như một mũi dùi nung đỏ xiên vào da thịt ? Bà thử nghĩ xem lúc ấy linh hồn đó tuyệt vọng nhìn bốn xung quanh , nhìn lên núi cao nhưng núi cao không muốn sụp xuống, nhìn vào vách đá nhưng đá không lăn lại để che chở cho mình; linh hồn đó ước ao cả kiếp làm chuột nhắt vì chuột nhắt còn có thể chui vào tổ mà lẩn tránh. Và bà nên nhớ rằng linh hồn vốn câm lặng không biết nói, nó không kêu la được. Linh hồn phải chịu đựng và chịu đựng mãi…Ồ! Có lẽ tôi lại nói nhảm rồi… Tại sao bà lại không cười nhỉ ? Bà thật thiếu tính cười đùa.

Giêma chậm rãi quay đi và lặng lẽ bước. Suốt buổi chiều nay, chị không hề nghĩ rằng nỗi lòng phiền muộn của Ruồi trâu lại có liên quan tới gánh xiếc rong. Và giờ đây, khi chị đã thấy được một cảnh tượng mờ mờ trong nội tâm của Ruồi trâu lộ ra qua thái độ sôi nổi bất ngờ ấy, thì chị không biết lấy gì mà an ủi anh, mặc dù lòng chị dạt dào xót thương. Ruồi trâu bước bên cạnh chị, mặt quay đi, nhìn xuống nước.

Bỗng nhiên, anh quay lại nhìn Giêma đầy vẻ thách thức :

– Mong bà hiểu cho những điều tôi vừa nói chỉ thuần túy là tưởng tượng. Tôi rất ưa tưởng tượng nhưng lại không thích người ta cho những điều tưởng tượng của tôi là thật.

Giêma không đáp. Hai người cứ lặng lẽ cất bước. Khi đi qua cổng lớn cạnh cung điện Up-phi-tsi bỗng Ruồi trâu rảo bước qua đường. Anh cúi nhìn một vật gì đen đen nằm bên cạnh hàng rào sắt.

– Làm sao thế hở cháu ?

Ruồi trâu hỏi bằng một giọng rất dịu dàng mà Giêma chưa nghe thấy bao giờ.

– Tại sao cháu không về nhà.

Vật đen ấy động đậy.Một tiếng rên khe khẽ. Giêma lại gần và thấy một em bé chừng sáu tuổi, rách rưới, bẩn thỉu nằm nép vào hàng rào như một con thú nhỏ đang khiếp sợ. Ruồi trâu đứng bên cúi xuống vuốt mái tóc rối tung của nó.

– Sao thế hở cháu ?

Ruồi trâu nhắc lại và cúi thấp hơn để nghe rõ tiếng trả lời yếu ớt.

– Cháu phải về đi ngủ thôi. Đêm, trẻ con không nên ra đường. Ở đây thì chết rét mất. Đưa tay đây cho chú, đứng dậy như người lớn ấy nào ! Nhà cháu ở đâu ?

Ruồi trâu nắm lấy tay em bé để nâng nó dậy, nhưng nó hét lên rồi lại nằm phục xuống đất.

– Sao, cháu làm sao thế ?

Ruồi trâu quỳ xuống sát cạnh đứa bé.

– Trời, bà nhìn xem !

Vai em bé và chiếc áo ngắn của nó đầy máu.

Ruồi trâu lại âu yếm hỏi :

– Cháu làm sao thế, nói đi ! Cháu ngã có phải không ?…Không phải à ?…Ai đánh cháu chứ gì ?…Chắc là thế. Ai đánh cháu thế ?

– Bác cháu đánh.

– À ra thế ! Đánh bao giờ ?

– Ban sáng. Bác ấy say rượu, cháu, cháu…

– Cháu lại đứng gần bác ấy phải không ? Chớ đứng gần người say rượu cháu ạ ! Người say họ không thích thế đâu…Bà xem làm thế nào bây giờ nhỉ ? Nào cháu đi ra chỗ sáng cho chú xem vai cháu nào. Ôm lấy cổ chú, đừng sợ… Thế, được rồi.

Ruồi trâu ẵm em bé qua phố, đặt nó ngồi lên một lan can bằng đá rộng. Anh rút dao díp khỏi túi, lanh lẹ cắt ống tay áo rách, ghì đầu em bé vào ngực mình; Giêma nâng cánh tay bị thương của em. Vai em bị đánh thâm tím, sưng vù. Trên cánh tay còn có một vết thương khá sâu.

– Nhóc con thế này mà bị đánh tệ thế !

Ruồi trâu vừa nói vừa lấy khăn của mình quấn cho áo khỏi chà sát vào vết thương.

– Bác ấy đánh cháu bằng gì ?

– Bằng xẻng. Cháu hỏi xin bác ấy một xu để mua quà thế mà bác ấy lấy xẻng đánh cháu.

Ruồi trâu rùng mình. Anh êm ái nói :

– Ừ, cháu bị đánh đau quá đấy, cháu nhỉ ?

– Bác ấy lấy xẻng đánh cháu, cháu…cháu chạy mất vì bác ấy đánh cháu.

– Suốt ngày cháu phải nhịn đói lang thang khắp phố à ?

Em nhỉ chỉ khóc nức nở, không trả lời. Ruồi trâu ẵm nó khỏi lan can bằng đá :

– Thôi, cháu đừng khóc, đừng khóc nữa ! Không sao đâu. Làm thế nào gọi được xe bây giờ ? Rạp hát hôm nay có biểu diễn lớn chắc đông người xem, xe ở đó cả. Xin lỗi bà, tôi đã lôi bà đi hết chỗ nọ đến chỗ kia, nhưng…

– Tôi sẵn lòng đi với ông. Chắc ông cũng cần tôi giúp. Ông có bế được nó đến nơi không ? Có nặng không ?

– Không sao, tôi bế được, bà cứ yên tâm.

Trước cửa rạp hát chỉ còn mấy chiếc xe nhưng người ta thuê cả rồi.

Buổi hát đã tan, phần lớn người xem đã ra về. Tên của Di-ta được in bằng chữ lớn trên các tời quảng cáo cạnh lối ra vào. Di-ta biểu diễn vở ba lê tối nay. Ruồi trâu bảo Giêma chờ một chút rồi tiến tới lối ra vào của nghệ sĩ và hỏi người phục vụ :

– Bà Rê-ni về chưa ?

Người đó giương mắt nhìn cảnh tượng một vị ăn mặc sang trọng tay ẵm một đứa trẻ lang thang rách rưới, trả lời :

– Thưa ông, chưa ạ ! Bà ấy sắp ra. Xe còn đang đợi…Kìa bà ấy đã ra kia rồi.

Di-ta khoác tay một vị sĩ quan kị binh trẻ tuổi, bước xuống bậc thang. Trông nàng thật lộng lẫy trong chiếc măngtô nhung đỏ khóac trên bộ y phục dạ hội với một chiếc quạt lông đà điểu to giắt bên mình.

Cô gái tsi-gan dừng bước ở cửa. Nàng rút tay ra khỏi cánh tay viên sĩ quan rất ngạc nhiên rảo bước tới chỗ ruồi trâu.

Nàng khẽ mói :

– Phi-lê-trê ! Ông ôm cái gì thế ?

– Tôi bắt gặp em bé này ngoài phố. Nó bị đánh đau lắm và đói nữa. Tôi phải đưa nó ngay về nhà càng sớm càng hay. Không còn chiếc xe nào cả. Chị nhường xe cho tôi nhé !

– Phi-lê-trê ! Ông định mang thằng bé ăn mày kinh tởm này về nhà đấy à ? Nên gọi cảnh sát tới cho họ mang nó vào nhà tế bần hoặc mang đi đau thì mang. Người ăn xin đầy thành phố thì làm sao rước về nhà cho hết được…

– Em bé bị thương đau lắm. Nếu cần thì sáng mai đưa nó vào nhà tế bần cũng được. Nhưng bây giờ phải băng bó và cho nó ăn đã.

Di-ta nhăn mặt với một vẻ khinh ghét :

– Ông trông kìa ! Nó gục đầu vào người ông mà sao ông chịu để yên ? Bẩn thế kia kìa !

Ruồi trâu ngẩng đầu nhìn Ri-ta đôi mắt tóe một tia lửa giận dữ. Anh giật giọng :

– Thằng bé đang đói ! Chị không hiểu đói là gì hay sao ?

Giêma tiến lại xen lời :

– Ông Ri-va-ret ! Nhà tôi rất gần đây. Đưa em bé về nhà tôi. Nếu chưa kiếm được xe thì để nó ngủ ở nhà tôi một đêm…

Ruồi trâu quay ngoắt lại phía chị :

– Bà không khinh nó ư ?

– Tất nhiên là không… Xin chào bà Rê-ni !

Vũ nữ tsi-gan lạnh lùng gật đầu nhún vai. Nàng lại khoác tay viên sĩ quan, cuốn tà váy, lòa xòa tiến lại cỗ xe ngựa mà người ta định cuỗm mất.

Nàng ngoái cổ lại ở bậc xe :

– Ông Ri-va-rét nếu ông cần thì tôi sẽ cho xe lại đón ông và đứa bé.

– Được. Tôi sẽ bảo chỗ cho xe đến.

Anh ra bờ đường bào cho người xà ích biết địa chỉ rồi trở lại với Giêma, tay vẫn ôm đứa bé.

Kê-ti đợi chủ ở nhà. Nghe rõ đầu đuôi câu chuyên, cô liền chạy đi lấy nước nóng và lấy các đồ băng bó.

Ruồi trâu đặt em bé ngồi lên ghế, quỳ xuống bên cạnh và lẹ làng cởi bỏ bộ quần áo rách của em ra. Anh nhẹ nhàng khéo léo rửa và băng vết thương. Khi Giêma mang khay thức ăn vào phòng thì anh vừa tắm rửa xong cho em bé và lấy chăn ấm bọc cho nó.

– Sao ? Có thể cho bệnh nhân của ông ăn được rồi chứ ? – Chị cất tiếng hỏi rồi mỉm cười với chú bé – Tôi đã làm cơm cho em bé rồi đây.

Ruồi trâu đứng dậy, thu nhặt các mảnh giẻ rách trên sàn.

– Bà trông chúng tôi bày bừa hết ra đây rôi ! Phải đem đốt sạch nhưng giẻ rách này rồi mai mua cho nó một bộ đồ mới. Bà có rượu mạnh không ? Cho chú bé tội nghiệp này một ngụm thì tốt quá. Còn tôi thì xin phép bà đi rửa tay.

Ăn xong, đứa bé ngủ thiếp ngay trên lòng Ruồi trâu , gục đầu mái tóc rối bù vào chiếc áo sơ mi trắng muốt của anh. Giêma giúp Kê-ti dọn dẹp sạch sẽ trong phòng rồi lại ngồi vào bàn.

– Ông Ri-va-ret, ông phải ăn chút gì rồi hãy về. Lúc nãy ông chưa ăn được gì mà bây giờ thì khuya lắm rồi.

– Tôi sẵn lòng xin uống một ly trà. Đã khuya mà còn phiền bà quá !

– Không hề gì ! Ông đặt em bé xuống đi văng một tí, bế mãi nặng. Nhưng ông chờ cho một lát tôi lấy tấm chăn phủ đệm đã…Ông định ngày mai sẽ thế nào ?

– Mai à ? Mai tôi xem ngoài con ma men ấy em còn người thân thích nào không, nếu không thì có lẽ phải theo lời khuyên của bà Rê-ni đưa nó vào nhà tế bần. Kể ra, đúng hơn cả là buộc cho nó một hòn đá vào cổ rồi quẳng xuống sông. Nhưng làm thế thì tôi sẽ phải chịu những hậu quả không hay…Ngủ say chưa này ! Thật khổ thân cho thằng bé xấu số ! Mày yếu lom nhom như một chú mèo con thì chống cự sao nổi !

Khi Kê-ti bưng trà lên thì chú bé vừa mở mắt, ngồi nhỏm dậy, ngơ ngác nhìn bốn phía. Trông thấy Ruồi trâu nay đã trở thành người che chở tự nhiên đối với nó, nó bò khỏi đi văng lúng túng trong tấm chăn, đến nép chặt vào Ruồi trâu. Chú bé đã tươi tỉnh và đủ sức hỏi những câu tò mò. Em chỉ vào bàn tay trái méo mó đang cầm chiếc bánh ngọt của Ruồi trâu mà hỏi :

– Cái gì đây hả chú ?

– Cái này ư ? Bánh ngọt đây. Cháu có muốn ăn không ? Thôi, hôm nay ăn thế là đủ rồi. Mai hãy ăn, cháu ạ !

– Không, cái này cơ !

Chú đưa tay sờ vào mấy ngón tay cụt và vết sẹo lớn ở cổ tay Ruồi trâu .

Ruồi trâu bèn đặt miếng bánh lên bàn.

– À cái này ấy à ! Nó cũng giống như cái ở vai cháu ấy mà. Một người khỏe hơn chú đã đánh chú thành sẹo như thế đấy.

– Thế chú có đau lắm không ?

– Chú không nhớ. Nhưng có nhiều cái còn đau hơn, cháu ạ. Thôi bây giờ đi ngủ đi không hỏi lôi thôi nữa, khuya rồi.

Khi xe tới, em bé đã ngủ say. Ruồi trâu cố tránh cho em khỏi thức giấc, nhẹ nhàng bế em xuống dưới nhà.

Dừng bước ở cửa, anh nói với Giêma :

– Hôm nay bà là thiên thần phù hộ cho tôi. Nhưng tất nhiên điều đó chưa làm cho bà và tôi sau này hết tha hồ cãi nhau đâu.

– Tôi chẳng muốn cãi cọ với ai cả.

– Nhưng tôi lại cứ muốn cãi nhau cơ. Đời mà không có chuyện cãi cọ với nhau thì không sao chịu nổi. Cãi nhau một cách lành mạnh là điều không thể thiếu trên đời này. Nó còn hay hơn cả xiếc nữa kia !

Ruồi trâu khẽ cười một mình rồi đi xuống thang gác. Chú bé vẫn ngủ say trong tay anh.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.