Rồi Sau Đó... (Afterwards...)

Chương 8



Vậy ra chúng ta hoàn toàn đơn độc trong bóng tối của cuộc đời này sao?

Lời thoại trong phim Abyss của James Cameron

Về đến nhà, anh chuẩn bị nấu món mì. Nui trộn với húng dổi và pho mát Parma dùng làm đồ nhắm cho chai rượu vang California. Ăn xong, anh tắm một lần nữa, mặc vào người một chiếc áo chui đầu sợi lông dê và một bộ vest lịch lãm.

Anh quay ra gara, đỗ chiếc xe địa hình vào chỗ rồi ngồi vào trong chiếc Jaguar. A ha, anh sống lại rồi! Ngày mai, anh sẽ lại chạy trong công viên, rồi anh sẽ nhờ Peter lùng vé xem một trận bóng rổ tuyệt hay tại sân vận động có mái che tại Madison Square Garden. Anh lục tìm trong hộc đựng găng giữa hàng chục CD mà anh rất thích nghe trong lúc cầm lái. Anh đặt một đĩa của Eric Clapton vào ổ và sảnh sỏi thưởng thức những đoạn lặp ngắn mang âm hưởng dân gian không thể quên của ca khúc Layla.

Thế mới là âm nhạc đích thực chứ!

Đây là những gì anh sẽ làm trong vài ngày nghỉ phép này; dành thời gian cho những thứ anh thực sự yêu thích. Anh có tiền, anh sống tại một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, cuộc đời đáng ra còn có thể tệ hơn nhiều.

Nathan thấy nhẹ người. Thật vậy. Lần này, anh phải thú nhận là anh đã sợ. Nhưng ngay lúc này, anh không còn thấy đau đớn chút nào nữa. Thế đấy. Đó chỉ là một chút căng thẳng thần kinh. Thứ thuế anh đã buộc phải đóng cho cuộc sống hiện tại và chỉ thế thôi.

Sau khi đã tăng âm lượng của máy nghe nhạc, anh hạ cửa kính xe rồi ngửa mặt lên trời, hét lên một tiếng trong khi động cơ V6 gầm rú. Ý thức rõ mình đã hơi lam dụng rượu vang trắng California, anh liền chạy xe chậm lại. Đây không phải là lúc gây tai nạn.

Anh lái xe lên phà và đến thẳng trung tâm phẫu thuật đã ghé thăm hôm qua. Nhưng bác sĩ Goodrich không có ở đó.

– Vào giờ này, ông sẽ tìm thấy bác sĩ ở bên khu điều trị tạm thời, cô tiếp tân ở lối vào hướng dẫn anh và viết tháu một địa chỉ lên mẩu giấy nhắn.

Nathan lại nhanh chóng quay ra. Anh nhất định phải cho Garrett biết kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát của anh.

Năm phút sau, anh đã đứng trước khuôn viên của khu điều trị, một tòa nhà xinh xắn ốp đã granit màu hồng có cây xanh bao quanh.

Khi đẩy cửa bước vào tầng trệt, anh có một cảm giác lạ lùng. Nơi này không thực sự giống một cơ sở khám chữa bệnh. Không có những máy móc điều trị phức tạp, cũng không có sự náo nhiệt thường ngự trị trong bệnh viện. Một cây thông lớn với những món trang trí truyền thống chiếm phần lớn diện tích sảnh ngoài. Dưới gốc cây, một vài gói quà đang chất thành đống. Nathan tiến về phía khung của sổ rộng nằm sát đất trông xuống một vườn cây nhỏ trưng đèn sáng rực và phủ kín tuyết. Đêm đã buông và một vài bông tuyết trắng đang xoay lượn trong không khí. Anh rời khỏi ô cửa sổ rồi men theo hành lang dẫn tới một đại sảnh thông với các lối đi, trên tường căng vải màu tía và vàng rực. Những ngọn nến nhỏ được đặt rải rác khắp gian sảnh, hệt như những cọc tiêu, trong khi những bài thánh ca đem lại vẻ đẹp lạ thường phát ra dìu dặt. Chừng ấy yếu tố đã góp phần tạo cho nơi này một không khí bình lặng và tạo cảm giác an toàn.

Tất cả nhân viên đều có vẻ đang bận rộn với công việc của mình, đến nỗi không ai thực sự để ý đến sự hiện diện của anh.

Nathan lặng ngắm trong thoáng chốc một phụ nữ còn trẻ, ngồi trong xe đẩy. Thân mình cô ta trơ xương và đầu nghiêng sang một bên trong một tư thế cố định đến tuyệt vọng. Một nhân viên của khu điều trị vừa bón cho cô ta từng thìa nhỏ, vừa bình luận với cô ta một chương trình đang phát trên ti vi. Đó là một bộ phim hoạt hình.

Nathan cảm thấy một bàn tay vỗ vỗ lên vai anh.

– Xin chào Del Amico, Goodrich nói giản dị, không lấy làm ngạc nhiên khi gặp anh. Thế nào, cậu ghé qua thăm chúng tôi đấy ư?

– Ấn tượng đấy, Garrett. Tôi chưa từng đến một nơi như thế này.

Bác sĩ mời anh đi thăm xung quanh. Khu điều trị có khoảng một trăm giường bệnh, tiếp nhận những người mắc phải những chứng bệnh vô phương cứu chữa, chủ yếu là ung thư giai đoạn cuối, AIDS hoặc những bệnh về thần kinh. Đa số bệnh nhân đã bị hủy hoại về thể xác và thoạt đầu, luật sư khó mà chịu đựng được khi nhìn vào họ.

Đến chỗ ngoặt của một hành lang, anh mới dám hỏi Goodrich:

– Bệnh nhân có biết rằng…?

– Rằng họ sẽ chết à? Dĩ nhiên là biết. Ở đây, chúng tôi không nói dối họ: giờ phút cuối cùng không phải là lúc để lừa gạt.

Với Nathan bám theo sát gót, Garrett kết thúc vòng thăm bệnh buổi tối. Ông giữ một thái độ vui vẻ và khiến người khác an tâm, mỗi lần thăm bệnh, bác sĩ lại dành thời gian trao đổi vài câu thân tình với người bệnh. Thường thì cuộc nói chuyện không xoay quanh chủ đề bệnh tật: ông hỏi thăm tin tức của gia đình hay bạn bè với những người có khách tới thăm. Và những bệnh nhân khác, ông sẵn sàng bình luận – đôi khi rất lâu – kết quả của trận đấu vừa kết thúc – thời tiết hay những sự kiện quốc tế. Đó là một diễn giả không có đối thủ và điều khiển khiếu hài hước vô cùng thuần thục. Ngay cả những bệnh nhân khó tính nhất rồi cũng mỉm cười và hiếm khi bác sĩ rời khỏi phòng mà không nhận được một nụ cười.

Lão già này hẳn sẽ là một luật sư đáng gờm đây, Nathan nghĩ thầm.

Chuyến thăm bệnh khắp khu điều trị khiến người ta ngao ngán, nhưng bầu không khí không đến nỗi bệnh hoạn như anh hình dung, giống như người ta có thể tạm thời gạt cái chết sang một bên, tuy biết chắc rằng nó sẽ quay trở về lẩn quất đâu đây.

Goodrich giới thiệu với anh một vài tình nguyện viên đến phục vụ trong khu điều trị. Nathan thực sự khâm phục những người đã dành một phần thời gian của bản thân để chăm sóc người khác và anh không khỏi nghĩ đến vợ mình. Anh hiểu cô quá rõ, anh biết chắc cô sẽ thoải mái ở nơi này, rằng cô sẽ truyền ánh sáng và niềm lạc quan cho người bệnh. Anh những muốn chính mình cũng có khả năng cảm thông với họ, nhưng anh chưa bao giờ biết cách xích lại gần người khác.

Bất chấp tất cả những điều ấy, để không biến mình thành người duy nhất nhàn rỗi trong tòa nhà, anh đi khắp các phòng và rụt rè đề nghị giúp đỡ: anh thảo luận về chương trình truyền hình với một thợ nhiếp ảnh trẻ tuổi bị nhiễm AIDS và giúp một cụ già đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ thanh quản dùng bữa.

Đến thìa mứt cuối cùng, Nathan nhận ra tay mình đang run lên nhè nhẹ. Những tràng ho su sụ và những tiếng khò khè phát ra từ cổ họng người bệnh khiến anh ghê sợ. Anh không thể làm chủ cảm xúc của mình trước chừng ấy nỗi đau đớn. Thiếu chút nữa anh đã phải cáo lỗi với cụ già nhưng cụ vẫn vờ như không nhân thấy sự khó chịu của anh. Cụ cảm ơn anh bằng một nụ cười rồi nhắm nghiền mắt.

Đúng lúc đó Goodrich bước vào phòng. Ông ta nhận ra sự bối rối của Nathan.

– Ổn chứ, Del Amico?

Luật sư tảng lờ câu hỏi. Cái nhìn của anh vẫn gắn chặt vào khuôn mặt bình thản đến lạ lùng của kẻ đang hấp hối.

– Tại sao người đàn ông này không có vẻ gì là sợ hãi? Anh hạ giọng hỏi bác sĩ trong lúc cả hai người rời khỏi phòng bệnh.

Garrett gõ bỏ cặp kính đang đeo và day day quanh mắt mình, vẻ như đang cân nhắc câu trả lời đưa ra cho câu hỏi này.

– Gil là một trong những bệnh nhân nội trú có thâm niên nhất của chúng tôi. Ông cụ đã tương đối già cả và đã tỉnh táo chấp nhận căn bệnh của mình. Điều đó đã giúp ông cụ có thời gian tiến hành những bước từ giã cuộc đời và trở nên thanh thản.

– Tôi sẽ không bao giờ được như vậy, Nathan ghi nhận.

– Cậu biết câu châm ngôn này chứ: “Bạn sẽ biết sợ hãi một khi đã thôi hy vọng”? Mà nó cũng có thể áp dụng cho trường hợp này: nỗi sợ sẽ giảm bớt khi người ta không còn dự định nào nữa.

– Làm thế nào để sống mà không chờ đợi điều gì?

– Cứ cho là Gil không còn mong chờ điều gì nữa ngoài một điều cuối cùng, bác sĩ trả lời với giọng điệu cam chịu số phận. Nhưng cậu chớ nhầm lẫn: không phải người đang hấp hối nào cũng ra đi nhẹ nhàng như ông cụ. Đa phần họ chết trong nỗi giận dữ, hoàn toàn phẫn nộ với căn bệnh mình đang mang trong người.

– Tâm trạng của những kẻ đó thì tôi lại có thể hiểu được, Nathan khẳng định không chút ngạc nhiên.

Một tấm màn buồn bã phủ lên trên mặt anh. Garrett nói với anh cộc lốc:

– Nào, đừng có chường bộ mặt ấy ra, Del Amico. Những người này cần đến một tình yêu vô điều kiện và sự cảm thông, chứ không phải thương hại. Đừng quên rằng khoảng thời gian này cần có phần đặc biệt hơn: phần đông bệnh nhân ở đây đều biết đây sẽ là kì Giáng sinh cuối cùng trong đời họ.

– Có phải ông tính cả tôi vào lũ người đó không? Luật sư hỏi với vẻ khiêu khích.

– Ai mà biết được? Goodrich nhún vai đáp.

Nathan không muốn kề cà thêm về chủ đề này. Một câu hỏi luẩn quẩn trong đầu anh:

– Như vậy không phải là thiệt thòi cho một bác sĩ như ông sao?

– Cậu muốn nói…. Vì không chữa khỏi bệnh được cho những bệnh nhân đó ấy à?

Nathan gật đầu.

– Không, Goodrich đáp. Ngược lại thì có: công việc này mang tính động viên vì việc chữa lành bệnh cho họ là quá khó. Không phải vì lẽ người ta không chữa khỏi được mà người ta thôi chăm sóc họ nữa. Ngành phẫu thuật là một cái gì đó đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nhưng không phải nhờ cậy đến trái tim. Ở đây thì khác. Chúng tôi ở bên họ trong những giây phút cuối cùng. Nghe thì có vẻ sáo rỗng nhưng riêng chuyện đấy thôi đã là quá nhiều, cậu biết đấy. Nói cho đúng ra, mổ xẻ một người trên bàn phẫu thuật dễ hơn nhiều so với việc đi cùng họ về những nơi tối tăm.

– Nhưng đồng hành ở đây có nghĩa là làm những gì?

Goodrich khoát tay:

– Việc ấy cùng lúc cực kì phức tạp và cũng cực kì đơn giản: cậu có thể đọc sách cho người bệnh nghe, giúp họ chải tóc, vỗ cho gối cao lên, dẫn họ đi dạo trong vườn…. Nhưng thường thì cậu không làm gì cả. Cậu ngồi lại bên họ để chia sẻ với họ nỗi sợ về mặt tinh thần và đau đớn về mặt thể xác. Cậu chỉ việc có mặt khi họ cần và lắng nghe họ.

– Tôi vẫn không hiểu làm thế nào người ta lại quyết định chập nhận cái chết.

– Chối bỏ cái chết không phải là một giải pháp! Xã hội chúng ta đã biến điều đó thành một điều kiêng kị bằng cách xóa bỏ phần lớn những nghi thức của bước chuyển sang thế giới bên kia. Chính vì vậy mà con người thấy bối rối khi họ phải đối mặt với cái chết!

Bác sĩ im lặng vài giây trước khi nói thêm:

– Nhưng cái chết đâu phải một điều dị thường.

Ông ta nói những lời cuối cùng này rất hùng hồn, như thể đang cố gắng thuyết phục bản thân.

Bấy giờ hai người đàn ông đã tiến về sảnh ngoài. Nathan đã bắt đầu cài nút áo choàng. Nhưng trước khi đi, anh có điều cuối cùng muốn nói:

– Nói cho rõ nhé, Garrett: tôi hoàn toàn không sợ ông đâu.

– Cậu nói gì kia?

– Tất cả những chuyện ông đã nói với tôi, tất cả những phỉnh phờ của ông về cái chết và Sứ giả. Tôi không tin lấy một lời nào đâu.

Goodrich không tỏ ra ngạc nhiên.

– Ổ! Tôi hiểu mà, những ai nghĩ đang làm chủ cuộc đời mình đều không muốn bị người khác thuyết phục tin vào điều ngược lại.

– Mặt khác, tôi muốn cho ông thấy rằng tôi hoàn toàn đang khỏe mạnh. Thực sự lấy làm tiếc cho ông, nhưng tôi tin ông đã lầm: tôi không phải là kẻ đang hấp hối.

– Rất vui được biết chuyện đó.

– Thế mà tôi đã xin nghỉ phép vài ngày cơ đấy.

– Hãy tận hưởng những ngày phép đó đi.

– Ông làm tôi khó chịu đấy, Garrett.

Nathan nhấn nút gọi thang máy. Goodrich vẫn đứng cạnh và nhìn anh như thể đang tìm cách ước lượng anh. Cuối cùng, lão quyết định:

– Tôi nghĩ cậu nên tới gặp Candice.

Nathan thở dài:

– Candice là ai vậy?

– Một phụ nữ sống tại đảo Staten. Cô ấy làm phục vụ trong quán Dolce Vita, một quán ăn nhanh thuộc khu trung tâm St. Geogre, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé qua uống cà phê buổi sáng.

Luật sư nhún vai.

– Rồi sao?

– Cậu sẽ hiểu tôi rõ hơn. Nathan ạ.

Đột nhiên, kí ức về Kevin hiện lên trước mắt anh.

– Ông muốn nói cô ta sắp…

Garrett gật đầu xác nhận.

– Tôi không tin ông đâu. Ông lướt qua trước mặt cô ta và rồi bỗng nhiên, ông nhận ra cô gái ấy sắp chết ư?

Garrett không nói gì cả. Del Amico tiếp tục xấn tới:

– Và đầu đuôi ra làm sao? Có phải đầu cô ta bắt đầu nhấp nháy từ giữa đám đông trên nền bản nhạc “Hành khúc tang lễ” không?

– Đã nói đến thế rồi mà cậu vẫn không tin, Goodrich rầu rĩ nói. Đôi khi xuất hiện một loại ánh sáng trắng mà cậu là người duy nhất nhận thấy. Nhưng đó không phải là dấu hiệu quan trọng nhất.

– Cái gì mới quan trọng nhất?

– Đó là điều cậu tự cảm nhận được. Đột nhiên, cậu biết, cậu tin chắc rằng người này chỉ còn sống được vài tuần lễ nữa.

– Tôi nghĩ ông thật nguy hiểm.

– Còn tôi, tôi nghĩ cậu nên gặp Candice, Garrett chỉ nhắc có thế.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.