Báo
DAILY MIRROR
Ngày 7 tháng Sáu, 1944
CUỘC ĐỔ BỘ VÀO NORMANDY THÀNH CÔNG
Khi Lubji Hoch kể cho toà nghe toàn bộ câu chuyện, họ trố mắt nhìn cậu với vẻ nghi ngờ. Họ không thể cả quyết cậu là siêu nhân, hay một tên nói dối bệnh hoạn.
Người phiên dịch tiếng Tiệp nhún vai. “Một số chi tiết thì đúng sự thật”, ông ta nói với viên Sĩ quan thẩm vấn. “Nhưng phần lớn tôi nghe có vẻ khó tin”.
Ông chánh án suy nghĩ rồi quyết định một lối thoát dễ dàng nhất. “Cho cậu ta vào trại, sáu tháng sau sẽ xem lại trường hợp này. Cậu ta sẽ kể lại câu chuyện và chúng ta sẽ nghe xem nó đã được thay đổi thế nào”.
Lubji ngồi nghe mà không hiểu được lời nào của ông ta, nhưng chí ít thì lần này họ cũng cho cậu một phiên dịch, vì vậy cậu có thể theo dõi được các thủ tục của phiên toà. Trên đường về trại, cậu đi tới một quyết định. Sáu tháng sau, khi họ xét lại trường hợp này, cậu sẽ không còn cần phải có phiên dịch.
Nhưng việc đó xem ra không dễ như Lubji tưởng, vì một khi trở lại trại ở cùng với đồng bào của mình, họ chỉ toàn nói tiếng Tiệp với nhau. Thực tế họ chỉ dạy cậu có mỗi một việc là chơi bài, và chẳng bao lâu cậu đã thắng cả đám những người thầy. Hầu hết họ nghĩ sẽ trở về nước sau khi chiến tranh kết thúc.
Sáng sáng, Lubji là người dậy đầu tiên, và luôn luôn làm những người khác khó chịu bằng việc lúc nào cũng muốn hoạt động nhiều hơn họ. Phần lớn những người Tiệp nhìn cậu như một thằng lưu manh Do thái, nhưng lúc này cậu đã cao trên một mét tám và vẫn còn đang tuổi lớn, nên chẳng ai dám nói ra điều đó.
Về trại khoảng tuần lễ thì cậu gặp một bà già. Trên đường từ nơi ăn sáng trở về, cậu thấy bà đẩy chiếc xe đạp chở đầy báo ngược lên đồi. Khi bà đi qua gần cổng trại, cậu không nhìn rõ mặt vì bà chùm khăn kín đầu, có lẽ cho khỏi lạnh. Bà bắt đầu phân phát báo, trước tiên là cho số sĩ quan, sau đó là ở khu nhà của các hạ sĩ quan. Lubji chạy qua sân, đi theo bà, hy vọng bà sẽ nhận giúp cậu. Khi đã phát hết túi báo trên xe, bà trở lại phía cổng trại. Khi bà đi ngang qua, Lubji nói to, “Chào bà”.
“Chào cậu”, bà đáp, ngồi lên xe đạp đi, không nói gì thêm.
Sáng hôm sau, Lubji không ăn sáng mà đứng ngay ở cổng trại nhìn xuống đồi. Trông thấy bà đẩy xe báo lên dốc, cậu chạy xuống giúp trước khi lính gác kịp ngăn lại. “Chào bà”, cậu chào, tay nắm lấy xe đạp đẩy giúp lên.
“Chào cậu”, bà trả lời, “Tên tôi là Sweetman. Hôm nay cậu thế nào?”. Lubji hẳn đã trả lời nếu cậu hiểu được bà đang nói gì.
Trên đường đi, cậu xăng xái ôm đống báo cho bà. Một trong những từ đầu tiên mà cậu học được là “báo”. Sau đó, cậu đặt cho mình nhiệm vụ mỗi ngày phải học mười từ mới.
Đến cuối tháng, lính gác cổng chẳng cần để ý khi Lubji đi qua cổng mỗi buổi sáng giúp người đàn bà đẩy xe lên dốc.
Đến tháng thứ hai, sáng sáng, lúc sáu giờ, cậu đã ngồi ở cửa hàng của bà Sweetman, sắp xếp các loại báo đúng thứ tự trước khi đẩy xe báo lên đồi. Khi bà đề nghị được gặp người phụ trách trại vào đầu tháng thứ ba, vị thiếu tá đã nói với bà là không thấy có gì trở ngại trong việc để Hoch làm việc giúp bà một vài tiếng mỗi ngày tại cửa hàng, miễn là cậu ta về trại trước giờ điểm danh.
Bà Sweetman nhanh chóng phát hiện ra rằng cửa hàng của bà không phải là quầy báo đầu tiên mà cậu thiếu niên này làm việc: vì vậy bà để mặc cậu sắp xếp lại các giá sách, lịch giao báo và một tháng sau thì trông luôn cả việc thu tiền. Bà không ngạc nhiên khi thấy sau một vài tuần, theo gợi ý của Lubji, số tiền bà thu được lần đầu tiên đã cao hẳn lên kể từ năm 1939.
Khi cửa hàng vắng khách, bà giúp Lubji học tiếng Anh bằng cách đọc cho cậu nghe những bài trên trang nhất của tờ Citizen. Sau đó Lubji đọc lại cho bà nghe. Bà thường cười phá lên mỗi khi cậu mắc cái mà bà gọi là “lỗi ấm ớ”. Lại thêm một từ mới cho vốn từ vựng của Lubji.
Đông qua xuân tới, thỉnh thoảng cậu mới lại mắc “lỗi ấm ớ”, và không lâu sau đó Lubji đã có thể ngồi một mình trong góc, im lặng đọc báo, chỉ hỏi bà Sweetman những từ mà cậu chưa biết. Rất lâu trước khi phải trở lại tòa, cậu đã nghiên cứu tiếp các cột tin chính trên tờ Manchester Guardian, và một buổi sáng, khi bà Sweetman nhìn vào từ “insouciant” mà không giải thích nổi, cậu quyết định tránh làm bà bối rối bằng cách từ nay về sau sẽ tra trong cuốn Từ điển bỏ túi Oxford bám đầy bụi dưới gầm quầy.
“Cậu có cần phiên dịch không?” Ông chánh án hỏi.
“Cám ơn ngài, không cần ạ”, Lubji trả lời ngay.
Ông ta nhướng mày. Mới sáu tháng trước, cậu ta còn không hiểu một từ tiếng Anh nào. Đây có phải là cậu thiếu niên đã làm họ mất nhiều thời gian vì câu chuyện khó tin bằng cách nào cậu ta tới được Liverpool không? Lúc này cậu kể lại chính xác câu chuyện từ đầu đến cuối, chỉ sai một vài lỗi ngữ pháp với giọng Liverpool đặc sệt. Điều này tác động đến toàn bộ phiên toà hơn cả lần trước.
“Vậy thì sắp tới đây cậu muốn làm gì, Hoch?” Ông ta hỏi khi chàng trai người Tiệp kết thúc câu chuyện.
“Tôi muốn nhập ngũ và góp phần vào chiến thắng”. Đó là câu trả lời mà Hoch đã thuộc lòng.
“Điều đó không hẳn dễ đâu, Hoch”, ông nhìn cậu cười hiền hậu.
“Nếu các ông không cho tôi súng, tôi sẽ giết bọn Đức bằng đôi tay này”, Lubji tự tin nói. “Hãy cho tôi cơ hội để chứng minh điều đó”.
Ông lại mỉm cười nhìn cậu trước khi gật đầu ra hiệu cho một thượng sỹ. Người này đứng nghiêm chào và nhanh chóng dẫn Lubji ra khỏi phòng.
Phải mất vài ngày Lubji mới biết được phán quyết của toà. Cậu đang phân phát báo buổi sáng ở khu sĩ quan thì một hạ sĩ quan đến nói với cậu mà không giải thích: “Này, sĩ quan chỉ huy muốn gặp cậu”.
“Khi nào?” – Lubji hỏi.
“Ngay bây giờ”, tay hạ sĩ trả lời, xoay người đi thẳng. Lubji vất chồng báo xuống đất, chạy vội theo anh ta về phía khu sĩ quan, cả hai dừng lại trước cái cửa có để hàng chữ Sĩ quan chỉ huy.
Người hạ sĩ quan gõ cửa rồi đứng nghiêm trước bàn chào vị đại tá.
“Thưa ngài, tôi có mặt theo mệnh lệnh” – anh ta oang oang, cứ như đang ở ngoài sân tập đội ngũ. Lubji đứng ngay sau người hạ sỹ, và suýt nữa thì bị xô ngã khi anh ta lùi lại một bước.
Lubji ngắm vị sĩ quan ăn mặc chỉnh tề ngồi sau bàn. Cậu đã một hai lần nhìn thấy ông ta, nhưng từ đằng xa. Cậu cũng đứng nghiêm, tay đưa lên trán, cố bắt chước cách chào của người hạ sĩ. Vị sĩ quan chỉ huy nhìn cậu một lát, rồi lại nhìn mảnh giấy nhỏ để trước mặt.
“Hoch”, ông bắt đầu nói. “Cậu sẽ được chuyển từ trại này đến một đơn vị huấn luyện đóng tại Staffordshire với tư cách là binh nhì của Lữ đoàn Một”.
“Vâng, thưa ngài”, Lubji sung sướng hét lên.
Vị sĩ quan chỉ huy vẫn nhìn tờ giấy trước mặt. “Sáng mai, đúng bảy giờ, cậu sẽ lên xe buýt tại trại”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Còn gì cần hỏi không, Hoch?”.
“Có, thưa ngài. Lữ đoàn có được chiến đấu giết quân Đức không ạ?”.
“Không đâu, Hoch”, vị đại tá cười. “Nhưng cậu sẽ phải có những sự hỗ trợ cao nhất đối với những người đang chiến đấu giết quân Đức”.
Chiều đó, đúng như chỉ thị, cậu gặp người thư ký và được trao vé xe lửa cùng mười bảng tiêu vặt. Sau khi cho mấy thứ đồ dùng vào túi, cậu xuống đồi lần cuối để cám ơn bà Sweetman về những gì bà đã giúp cậu trong việc học tiếng Anh bảy tháng vừa qua. Bà không muốn thú nhận với chàng thanh niên cao to này là cậu ta nói tiếng Anh còn chuẩn hơn bà.
Sáng hôm sau, Lubji lên chuyến tàu đi Stafford lúc 7 giờ 20 phút. Sau ba lần đổi tầu và một số lần tầu chậm, cậu đến nơi sau khi đã đọc xong từ trang đầu đến trang cuối tờ The Times.
Một chiếc xe jeep đang đợi Lubij ở ga. Ngồi sau tay lái là một hạ sĩ quan thuộc trung đoàn Bắc Staffordshire, trông chỉnh tề đến nỗi cậu buột miệng gọi anh ta là “Ngài”. Trên đường về trại lính, viên hạ sĩ làm cho Lubji hiểu rõ rằng “cu-li” – Lubji vẫn thấy khó hiểu hết nghĩa tiếng lóng – là tầng lớp mạt hạng nhất trong xã hội. “Chúng chỉ là một lũ người trốn việc chuyên luồn lách để tránh phải tham gia vào những hoạt động thực sự”.
“Tôi muốn tham gia vào những hoạt động thực sự”, Lubji nói mạnh. “Tôi không muốn là cu li”. Cậu ngập ngừng hỏi: “Đúng không?”.
“Phải xem rồi mới nói được”, tay hạ sĩ đáp khi dừng xe trước kho quân nhu.
Sau khi được phát bộ quân phục binh nhì, quần thì ngắn năm sáu phân, hai áo ka ki, hai đôi tất màu xám, một cà mèn, dao, nĩa, thìa và hai chiếc chăn, cậu được dẫn về trại lính, ở cùng với khoảng hai mươi lính mới tuyển trong khu vực Staffordshire; những người này trước khi vào lính đã từng là thợ lò hoặc thợ gốm. Phải mất một thời gian cậu mới hiểu là họ đang nói thứ tiếng mà bà Sweetman đã dạy cậu.
Mấy tuần tiếp theo, Lubji chỉ có mỗi việc là đào công sự, lau rửa bồn vệ sinh và thỉnh thoảng lái xe chở rác đi đổ cách trại khoảng hai ba dặm. Mặc cho đồng đội khó chịu, anh luôn làm việc tích cực hơn, nhiều hơn bọn họ. Anh nhanh chóng phát hiện tại sao tay hạ sĩ lại nghĩ dân cu li chỉ là một lũ lẩn tránh công việc.
Mỗi khi đổ rác cho các sĩ quan, Lubji bao giờ cũng lọc lại những tờ báo họ vất đi, cho dù là báo cũ. Đêm đêm anh thường nằm trên chiếc giường hẹp, chân thò ra ngoài và lật từng trang báo. Anh rất quan tâm đến tin tức chiến sự, nhưng càng đọc càng sợ mọi việc sẽ đến hồi kết thúc và cuộc chiến sẽ tàn trước khi anh có cơ hội tự tay tiêu diệt bọn Đức.
Lubji phục vụ trong đội cu li được khoảng sáu tháng thì trong buổi nhận lệnh sáng, anh được biết trung đoàn sẽ tổ chức vòng đấu bốc thường niên để chọn người đại diện tham dự giải toàn quốc được tổ chức vào cuối năm. Đơn vị của Lubji được giao nhiệm vụ làm đấu trường và mang ghế vào sân vận động để toàn trung đoàn có thể ngồi xem trận trung kết. Lệnh do trung uý trực ban Wakeham ký.
Sau khi võ đài đã được dựng giữa sân, Lubji bắt đầu xếp ghế thành các hàng xung quanh. Lúc mười giờ, đơn vị được lệnh nghỉ giải lao, hầu hết lính tráng chuồn đi uống bia. Còn Lubji thì ở lại xem các võ sĩ tập dượt.
Khi vô địch trung đoàn nặng gần một trăm năm mươi ký bước lên võ đài, người tổ chức không tìm đâu ra một người để cùng tập với anh ta, vì vậy võ sĩ vô địch đành bằng lòng với một người lính to con nhất làm chân giữ bao cát cho anh ta ra đòn. Nhưng không ai có thể giữ nổi cái túi vừa to vừa nặng ấy được lâu, và sau khi cả bọn đã kiệt sức, người võ sĩ đành đấm vào không khí, huấn luyện viên bảo anh ta hãy tưởng tượng rằng đang cho đo ván một võ sĩ vô hình.
Trung uý Wakeham đứng cạnh võ đài, nhíu mày nhìn võ sĩ hạng nặng đang đấm vào không khí. “Có chuyện gì vậy, trung sỹ? Chẳng lẽ cậu không tìm được ai khác so găng với Mathew ư ?”.
“Không, thưa ngài”, anh ta đáp ngay. “Không ai cùng cân hạng có thể trụ được anh ta vài phút”.
“Tiếc thật”, viên trung uý nói. “Nếu không được so găng với người ngang cơ thì anh ta sẽ han rỉ mất thôi. Phải tìm cho ra người nào có thể cầm cự được vài hiệp với cậu ta chứ “.
Lubji vất ghế, chạy lại phía võ đài. Anh chào viên trung uý rồi nói: “Tôi sẽ cố gắng đấu với anh ta thật lâu, nếu ngài cho phép”.
Tay vô địch từ võ đài nhìn xuống, cười hềnh hệch. “Tôi không đấu với bọn cu li.”
Lubji lập tức nhảy lên võ đài, đeo găng và tiến về phía nhà vô địch.
“Thôi được! Thôi được!” Viên trung uý nhìn Lubji nói. “Cậu tên gì?”.
“Binh nhì Hoch, thưa ngài”.
“Hãy đi thay đồ, thử xem cậu cầm cự được với Mathew bao lâu”.
Mấy phút sau, khi Lubji trở lại, Mathew vẫn còn đang đấm loạn lên. Anh ta tiếp tục phớt lờ đối thủ lúc đó đang leo lên võ đài. Huấn luyện viên giúp Lubji đeo găng.
“Nào, xem cậu làm ăn thế nào, Hoch”, trung uý bảo.
Lubji dũng mãnh bước về phía võ sĩ vô địch trung đoàn, và khi còn cách một bước, anh thoi ngay một quả vào mũi Mathew. Nhà vô địch né đầu tránh, rồi đấm thẳng vào mặt Lubji.
Lubji loạng choạng lùi lại, tựa người vào dây rồi lại tiến lên. Anh kịp tránh một đòn phía trên vai, nhưng không may mắn như thế với đòn tiếp theo vào đúng cằm. Anh chỉ cầm cự thêm được vài giây nữa trước khi ngã vật xuống sàn lần thứ nhất. Đến cuối hiệp, mũi anh bị giập, cạnh mắt bị rách, máu hoen ra đỏ lòm.
Trung uý Wakeham cho dừng trận đấu, hỏi Lubji đã bao giờ học đấm bốc chưa. Cậu lắc đầu. “Nếu được huấn luyện tốt, cậu có thể khá đấy. Bỏ những việc cậu đang làm hiện nay. Hàng ngày, vào lúc sáu giờ, hãy đến nhà thể thao. Tôi nghĩ để cậu làm việc khác có ích hơn là đi xếp ghế”.
Đến khi giải vô địch quốc gia được tổ chức, những người cu li khác không còn cười nữa. Ngay cả Mathew cũng phải thừa nhận tập với Hoch tốt hơn tập bằng túi đấm rất nhiều, và đó có thể là lý do anh ta vào đến vòng bán kết.
Buổi sáng, sau khi giải vô địch kết thúc, Lubji được lệnh trở lại làm nhiệm vụ cũ. Anh đang cuộn chiếc nệm cao su thì một trung sĩ bước vào nhà thể thao, nhìn quanh và gọi: “Och”.
“Ngài gọi tôi?”, Lubji giập gót đứng nghiêm.
“Cậu không nghe lệnh của trung đoàn sao, Och?” Viên trung sĩ từ phía kia nói vọng sang.
“Có, à không thưa ngài”.
“Hãy quyết định đi, Och, lẽ ra cậu phải trình diện sĩ quan tuyển lính mười lăm phút trước”.
”Tôi không nhận ra…”, Lubji nói.
“Tỏi không muốn nghe cậu viện lý do, Och. Tôi chỉ muốn cậu hãy vắt chân lên cổ mà chạy”. Lubji chạy vụt đi, dù không hiểu là chạy đi đâu. Cậu đuổi kịp viên trung sĩ và anh này chỉ bảo: “Theo tôi nhanh lên, Och. Pronto”.
“Pronto”, Lubji nhắc lại. Mấy ngày rồi cậu mới lại gặp một từ mới.
Viên trung sĩ đi nhanh qua bãi tập và hai phút sau Lubji đã đứng trước mặt viên sĩ quan. Trung uý Wakeham cũng đã trở lại nhiệm vụ hàng ngày. Ông ta dụi điếu thuốc đang hút.
“Hoch này”, Wakeham nói sau khi Lubij đứng nghiêm chào. “Tôi đã đề nghị chuyển cậu sang một trung đoàn chiến đấu, cấp bậc binh nhì”.
“Vâng, thưa ngài, Cám ơn ngài”, viên trung sĩ nói.
“Vâng, thưa ngài. Cám Ơn ngài”. Lubji nhắc theo.
“Vậy được rồi. Còn điều gì cần hỏi không?”.
“Không, thưa ngài. Cám ơn ngài”, trung sĩ đáp ngay.
“Không, thưa ngài. Cám ơn ngài”. Lubji nói theo. “Nhưng…”.
Viên trung sĩ sầm mặt.
”Nhưng sao?” Trung uý ngước mắt lên.
“Điều này có nghĩa là tôi sẽ có cơ hội giết bọn Đức chứ ạ? ”
“Nếu tôi không giết cậu trước”, viên trung sĩ làu bàu.
Viên sĩ quan trẻ mỉm cười. “Có, có chứ. Bây giờ chỉ còn việc phải điền vào đơn tuyển.” Trung uý Wakeham nhúng ngòi bút vào mực, ngước nhìn Lubji. “Tên đầy đủ của cậu là gì?”
“Thưa ngài, tôi có thể làm được việc này”. Lubji bước tới cầm bút. “Tôi có thể tự điền vào được”.
Hai người đứng nhìn Lubji điền vào tất cả các ô trước khi ký tên rất to ở dưới.
“Khá lắm, Hoch”, viên trung uý nói sau khi kiểm tra tờ khai. “Nhưng cho tôi khuyên cậu một lời”.
“Vâng, thưa ngài. Cám ơn ngài”, Lubji nói.
“Có lẽ đã đến lúc cậu nên thay tên. Tôi nghĩ cậu khó mà trụ lâu được ở trung đoàn Bắc Stafford với cái tên Hoch”.
Lubji ngần ngừ, nhìn xuống bàn trước mặt. Mắt cậu dán vào bao thuốc lá với hình một thuỷ thủ râu rậm nổi tiếng đang nhìn lại vào cậu. Cậu gạch cái tên Lubji Hoch và thay nó bằng John Player.
*
**
Ngay sau khi thay trang phục mới, việc đầu tiên của binh nhì Player là dạo một vòng quanh trại lính, giơ tay chào bất cứ cái gì động đậy.
Thứ Hai sau đó, anh được chuyển tới Aldershot theo một khoá huấn luyện cơ bản mười hai tuần. Sáng sáng anh vẫn dậy vào lúc sáu giờ, và mặc dù đồ ăn cũng chẳng khá hơn, ít nhất anh cũng cảm thấy mình được huấn luyện vì một mục đích xứng đáng là tiêu diệt quân Đức. Trong thời gian ở Aldershot, đêm ngày anh học bắn súng, sử dụng lựu đạn, địa bàn, học cách xem bản đồ. Anh có thể di chuyển chậm hoặc nhanh, bơi và đi bộ ba ngày liền không cần ăn uống. Ba tháng sau, khi anh trở lại trại, trung uý Wakeham không thể không nhận thấy vẻ tự tin ở anh chàng di cư người Tiệp, và cũng không ngạc nhiên khi đọc báo cáo rằng chàng lính mới này được đề nghị thăng cấp trước niên hạn.
Binh nhất Player được chuyển tới Tiểu đoàn Hai ở Cliftonville. Chỉ vài giờ sau khi phiên chế vào đơn vị, anh đã biết được Tiểu đoàn này cùng với hơn 10 Tiểu đoàn khác đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào Pháp. Tới mùa xuân năm 1944, miền nam nước Anh đã trở thành khu vực huấn luyện rộng lớn và binh nhất Player thường tham gia tập trận với binh lính Hoa Kỳ, Canada và Ba Lan.
Anh nóng lòng chờ tướng Eisenhower phát lệnh cuối cùng, để có thể, một lần nữa đối mặt với bọn Đức. Mặc dù luôn tự nhủ mình đang được chuẩn bị cho những trận cuối cùng của cuộc chiến, nhưng sự chờ đợi làm anh muốn phát điên. Ngoài những cái đã học ở Aldershot, ở Cliftonville, anh học thêm về lịch sử của Trung đoàn, địa hình bờ biển Normandy và thậm chí cả luật chơi crickét, nhưng dù chuẩn bị như thế, anh vẫn sốt ruột nằm trong trại “chờ ngày quả bóng bay lên”.
Và rồi vào lúc nửa đêm ngày mùng 4 tháng Sáu năm 1944, mọi người đều tỉnh giấc bởi tiếng động cơ của hàng ngàn xe vận tải, và nhận ra rằng công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Mệnh lệnh được truyền đi khắp trại và binh nhất Player biết rằng cuối cùng thì cuộc đổ bộ cũng đã bắt đầu.
Anh cùng đồng đội trèo lên xe, không thể không nhớ lại lần đầu bị ném lên xe tải. Khi đồng hồ điểm một tiếng vào sáng mồng 5, xe chở các trung đoàn Bắc Staffordshires lần lượt rời trại. Binh nhất Player ngước mắt nhìn sao và đoán họ đang di chuyển về phía nam.
Đoàn xe chạy suốt đêm, binh lính ôm súng chắc trong tay. Một vài người nói chuyện. Ai cũng nghĩ liệu có còn sống sót sau hai mươi bốn giờ tới không. Khi xe qua Winchester, những tấm biển mới dựng chỉ đường tới bờ biển. Vậy là những người khác cũng đã tích cực chuẩn bị cho ngày mồng 5. Binh nhất Player nhìn đồng hồ. Mới hơn ba giờ sáng. Đoàn xe vẫn tiếp tục chạy, binh lính không hề biết gì về nơi họ đang đến. “Tớ chỉ muốn được biết mình đang đi đâu”, một hạ sĩ ngồi đối diện Player nói.
Phải một tiếng sau đoàn xe mới dừng lại ở bến cảng Portsmouth. Từng đoàn lính xuống xe, xếp thành đội ngũ chờ lệnh.
Đơn vị của Player đứng thành ba hàng im lặng, một vài người run rẩy vì lạnh, một số khác vì sợ, trong khi đứng chờ bước lên những chiếc tàu lớn đang neo trong cảng trước mặt. Họ phải vượt khoảng cách hơn một trăm dặm biển trước khi đến được bờ biển nước Pháp.
Binh nhất Player nhớ lại lần đầu tìm kiếm chiếc tàu để chở anh đi càng xa bọn Đức càng tốt. Ít ra thì lần này anh cũng không còn phải lo chết ngạt trong hầm tầu chất đầy bao tải bột mỳ.
Có tiếng lạo xạo trên loa phóng thanh.
“Đây là thiếu tướng Hampston”, giọng người nói trên loa. “Tất cả chúng ta sẽ lên tầu tham gia chiến dịch Overlord, đổ bộ vào nước Pháp. Một đội tàu lớn nhất trong lịch sử sẽ đưa chúng ta vượt eo biển Măngsơ. Hộ tống chúng ta là chín tầu chiến, hai mươi ba khinh hạm, một trăm linh bốn khu trục hạm và bảy mươi mốt tầu hộ tống nhỏ khác. Đó là chưa kể vô vàn những tầu khác thuộc đội thương thuyền cùng phối hợp. Bây giờ các trung đội trưởng sẽ truyền đạt mệnh lệnh”.
Mặt trời mọc lên khi trung uý Wakeham phổ biến xong mọi việc, truyền lệnh cho toàn trung đội lên chiếc tầu mang tên Undaunted. Họ vừa lên hết thì chiếc khu trục hạm nổ máy, bắt đầu chuyến hải trình đầy sóng gió qua biển Măngsơ, mà vẫn không biết họ sẽ đổ bộ lên địa điểm nào.
Trong giờ đầu tiên (Tướng Einsenhower đã chọn một đêm biển động, mặc cho các chuyên gia khí tượng can ngăn), binh lính hát, kể chuvện tiếu lâm và những câu chuyện về những cuộc chinh phục khó có khả năng xảy ra. Khi binh nhất Player kể cho họ nghe anh đã lần đầu làm tình với một cô gái di-gan như thế nào, sau khi cô này giúp lấy viên đạn của bọn Đức ghim sâu trên vai anh, họ cười càng mạnh hơn và viên trung sĩ bảo đó mới là câu chuyện khó tin nhất mà họ nghe hôm đó.
Trung úy Wakeham, lúc này đang quỳ phía mũi tầu, đột nhiên giơ cao tay phải ra hiệu cho mọi người im lặng. Chỉ vài phút nữa, họ sẽ đổ bộ vào vùng bờ biển chẳng lấy gì làm mến khách. Player kiểm tra trang bị. Anh mang theo một mặt nạ chống hơi độc, một súng trường, hai túi đạn, một số đồ ăn và một chai nước. Mang tất cả những thứ đó trên người chẳng khác gì bị cùm chân khoá tay. Khi chiếc khu trục hạm thả neo, anh vọt theo trung uý Wakeham lên một chiếc xe lội nước. Vài phút sau, họ đã tiến về phía bờ biển Normandy. Nhìn xung quanh, anh có thể thấy nhiều đồng đội còn đang lò dò vì say sóng. Một loạt đại bác rót vào đội hình của họ, và Player thấy đồng đội của mình trên các tầu khác bị chết hoặc bị thương.
Khi chiếc xe lội nước bò lên bờ, Player nhảy xuống theo trung uý Wakeham. Mới được khoảng hai mươi mét thì một trái đạn pháo rơi ngay phía trái anh. Vài giây sau, anh nhìn thấy một hạ sĩ loạng choạng chạy thêm vài bước trước khi bị một băng đạn găm thẳng vào ngực. Phản xạ theo bản năng là tìm chỗ nấp, nhưng xung quanh không có, vì vậy anh buộc mình phải tiếp tục tiến lên. Anh bắn, tuy không biết quân địch ở chỗ nào.
Anh vẫn chạy, không để ý đến bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống. Bãi biển vào buổi sáng tháng Sáu ấy phủ đầy xác lính. Player không nhớ đã bị ghìm chân trên mặt cát bao lâu, vì cứ vài bước nhích lên được thì anh lại phải nằm im dưới làn đạn với thời gian gấp đôi. Mỗi lần nhỏm dậy, số đồng đội chạy cùng anh lại ít hơn đi. Trung Uý Wakeham cuối cùng cũng dừng lại khi tới được chỗ vách đá. Player chạy sau một đoạn. Viên sĩ quan trẻ thở hồng hộc, phải một lúc sau mới đủ sức ra mệnh lệnh.
Khi Trung đội đã thoát khỏi khu vực bãi biển, trung uý Wakeham điểm lại số quân: hai mươi tám người nay chỉ còn mười một. Người giữ máy bộ đàm truyền lệnh phải tiếp tục tấn công. Player là người duy nhứt tỏ ra hài lòng. Hai tiếng đồng hồ sau đó, họ chậm chạp di chuyển về phía địch, chỉ có những rào cây và những hố sâu làm nơi che chắn, mỗi lúc lại thêm người ngã xuống. Mãi khi mặt trời sắp lặn, họ mới được phép dừng lại nghỉ. Trại được dựng vội vã, nhưng ít ai ngủ được trong khi tiếng đạn địch vẫn nổ như xé vải.
Player muốn là người đầu tiên giáp mặt với quân Đức. Khi biết chắc không ai nhìn thấy, anh ra khỏi trại, hướng về phía địch, cứ theo luồng đạn dẫn đường của chúng mà tiến. Sau bốn mươi phút chạy, đi và cả bò, anh nghe thấy tiếng nói của bọn Đức. Anh đi vòng quanh chỗ có vẻ là vị trí tiền tiêu của chúng, cho tới khi phát hiện một tên lính Đức đang ngồi ỉa trong bụi rậm. Anh bò đến phía sau, và đúng khi hắn cúi người kéo quần thì nhảy bổ lên. Một tay chẹn họng, anh vặn đầu bẻ gẫy cổ rồi buông hắn xuống bụi cây. Anh lấy thẻ quân hiệu, mũ sắt của hắn rồi trở về trại.
Khi cách trại khoảng một trăm mét, anh nghe có tiếng quát: “Ai?”
“Cô bé quàng khăn đỏ”, Player vừa vặn nhớ ra mật hiệu.
“Bước lên để nhận diện”.
Player bước lên vài bước và đột nhiên cảm thấy đầu nhọn của lưỡi lê dí sát lưng, một chiếc khác tì sát cổ họng. Không nói một lời, họ dẫn thẳng anh tới lều của trung uý Wakeham. Viên trung uý trẻ chăm chú lắng nghe Player kể, chỉ thỉnh thoảng mới hỏi lại một vài thông tin cho chính xác.
“Được rồi, Player”, trung uý nói sau khi tay trinh sát nghiệp dư nói xong. “Tôi muốn cậu vẽ lại chính xác nơi cậu cho là địch đóng trại. Tôi cần biết chi tiết địa hình, khoảng cách, số lượng…. bất cứ cái gì cậu nhớ đều có thể giúp cho chúng ta tiến công. Làm việc đó xong, hãy cố mà ngủ một chút. Khi trời sáng, cậu sẽ là người dẫn đường cho đơn vị.”
“Tôi có phải phạt anh ta vì đã rời trại khi chưa có lệnh của sĩ quan chỉ huy không?” Viên trung sĩ trực ban hỏi.
“Không”, Wakeham trả lời. “Với cương vị chỉ huy trung đội, tôi quyết định thăng cấp hạ sĩ cho Player và lệnh này có hiệu lực ngay lập tức”. Hạ sĩ Player mỉm cười, giơ tay chào và trở về trại. Nhưng trước khi đi ngủ, anh đã khâu hai vạch lên tay áo.
*
**
Trong khi Trung đoàn vất vả vượt qua từng dặm đường tiến sâu vào đất Pháp, Player tiếp tục dẫn các thám quân luồn về phía sau phòng tuyến địch và bao giờ cũng trở về với những tin tức quan trọng. Đáng giá nhất là cái lần anh mang theo một sĩ quan Đức bị bắt sống khi chưa kịp kéo quần lên.
Trung uý Wakeham rất có ấn tượng với chiến công này của Player và càng hài lòng hơn khi mở cuộc thẩm vấn hắn thì lại phát hiện ra rằng viên hạ sĩ của mình còn có thể đóng vai trò phiên dịch.
Sáng hôm sau, họ tấn công làng Orbec và đến tối thì vào được trong làng. Viên trung uý gửi một bức điện về sở chỉ huy, báo cáo rằng nhũng tin tức của hạ sĩ Player đã góp phần rút ngắn trận đánh.
Ba tháng sau ngày binh nhất Player đổ bộ lên Normandy, trung đoàn Bắc Staffordshires diễu hành trên đường Champs Elysees, và thượng sĩ Player chỉ duy nhất nghĩ tới một điều là tìm được một phụ nữ nào đó có thể cùng với anh nghỉ ngơi trong ba ngày phép, hoặc may mắn hơn nữa là tìm được ba người phụ nữ, mỗi người ngủ với anh một đêm.
Nhưng trước khi được phép đi nghỉ, tất cả các hạ sĩ quan được lệnh phải trình diện uỷ ban đón tiếp quân đồng minh. Tại đó họ sẽ được chỉ dẫn cho cách thức đi lại, sinh hoạt ở Paris. Thượng sĩ Player không tưởng tượng ra cách nào có thể làm lãng phí thời gian vàng ngọc của anh hơn thế. Anh thừa biết cách đi lại ở bất cứ một thành phố thủ đô nào của châu Âu và chỉ muốn được nhanh chóng ra đi trước khi đám lính Mỹ tán tỉnh hết những phụ nữ dưới bốn mươi.
Khi thượng sĩ Player đến uỷ ban đón tiếp có trụ sở trong một ngôi nhà bị trưng dụng ở Place de la Madeleine, anh ngồi xếp hàng đợi nhận một tập thông tin về những quy định và những chỉ dẫn khi ở trên lãnh thổ đồng minh : làm thế nào đến đuợc tháp Eiffel, câu lạc bộ hoặc tiệm ăn nào vừa với túi tiền, cách tránh bị bệnh hoa liễu… Những thông tin này xem ra được soạn thảo bởi một nhóm các bà sồn sồn, hai mươi năm qua chưa biết bên trong một hộp đêm có cái gì.
Cuối cùng, khi đến được đầu hàng, anh đứng đờ người, không thốt được lời nào bằng bất cứ thứ tiếng gì. Một cô gái trẻ, mảnh dẻ, đôi mắt nâu sâu thẳm, tóc đen gợn sóng đang đứng sau bàn, mỉm cười với anh chàng thượng sĩ cao to, bẽn lẽn. Nàng trao tập thông tin, nhưng anh đứng im không động đậy.
“Ngài còn hỏi gì không?” Nàng hỏi bằng tiếng Anh pha giọng Pháp.
“Có đấy”, anh trả lời. “Tên cô là gì?”
“Charlotte”, nàng đáp, mặt đỏ bừng, mặc dù từ sáng tới giờ đã phải trả lời câu này hàng chục lần.
“Cô là người Pháp?” Anh hỏi tiếp.
Nàng gật đầu.
“Thôi chứ, thượng sỹ”, một hạ sĩ đứng sau anh giục.
“Ba ngày tới cô có bận gì không?” Anh chuyển sang hỏi bằng tiếng Pháp.
“Cũng không bận lắm. Nhưng tôi còn phải làm nhiệm vụ độ hai tiếng nữa”.
“Vậy thì tôi sẽ đợi”, anh nói và đi tới ngồi xuống chiếc ghế băng bằng gỗ gần đó.
Trong 120 phút tiếp theo, John Player không mấy khi rời mắt khỏi cô gái tóc đen, trừ những lúc sốt ruột nhìn chiếc kim phút chậm chạp nhích trên chiếc đồng hồ treo tường phía sau nàng. Anh thấy mừng vì đã ngồi đợi, chứ không nói là lát nữa quay lại, bởi vì trong hai tiếng đồng hồ ấy, anh thấy một vài người lính khác cũng vươn người hỏi nàng đúng câu anh đã hỏi. Mỗi lần như vậy, nàng lại nhìn về phía chàng thượng sỹ, mỉm cười và lắc đầu. Cuối cùng, sau khi trao lại nhiệm vụ cho một bà trạc ngoài bốn mươi, nàng đến chỗ anh. Bây giờ đến lượt nàng đặt câu hỏi.
“Trước tiên anh muốn làm gì?”.
Anh không nói, nhưng sung sướng đồng ý để nàng dẫn đi thăm Paris.
Trong ba ngày tiếp theo, lúc nào anh cũng cặp kè bên cạnh Charlotte, chỉ trừ khi nàng buộc phải trở lại căn phòng nhỏ của mình vào lúc mờ sáng. Anh đã trèo lên tháp Eiffel, đi bộ dọc sông Seine, thăm bảo tàng Louvre, theo đúng những lời khuyên trong tập tài liệu được phát, tức là lúc nào cũng có ít nhất vài anh lính quanh quẩn gần đó, mà mỗi lần anh đi qua là họ lại không giấu nổi ánh mắt ghen tị.
Họ dùng bữa trong một khách sạn đông nghịt, khiêu vũ trong các hộp đêm cũng đông đến nỗi chỉ có thể đứng yên một chỗ mà xoay người, và nói đủ mọi thứ chuyện, trừ nói về cuộc chiến. Trong lúc uống cà phê ở khách sạn Cancelier, anh kể cho cô nghe về gia đình mình ở Douski mà bốn năm nay chưa được gặp lại.
Anh kể cho nàng nghe tất cả những gì đã xảy ra với mình, kể từ ngày trốn khỏi Tiệp Khắc, trừ những đêm anh có với Mari. Nàng kể cho anh nghe về cuộc sống ở Lyon, nơi cha mẹ nàng có một quầy rau quả nhỏ, và nàng đã sung sướng thế nào khi quân đồng minh tái chiếm nước Pháp thân yêu của nàng. Và bây giờ thì nàng chỉ mong chiến tranh sớm chấm dứt.
“Nhưng phải sau khi tôi được huân chương chiến công”, anh nói với nàng.
Nàng rùng mình, vì nàng đọc trong báo thường thấy nhiều người chỉ được tặng huân chương sau khi đã hy sinh. “Nhưng khi chiến tranh kết thúc, anh định làm gì?” Nàng hỏi. Lần này anh ngần ngừ, vì nàng đã hỏi đúng điều mà anh chưa sẵn sàng có câu trả lời.
“Trở lại Anh để làm giàu”, cuối cùng anh bảo.
“Bằng cách nào?”
“Chắc chắn không phải là đi bán báo”, anh đáp.
Trong ba ngày ba đêm ấy, họ chỉ ngủ một vài tiếng; đó là thời gian duy nhất họ xa cách nhau. Cuối cùng, khi chia tay Charlotte trước căn phòng nhỏ của nàng, anh hứa: “Ngay sau khi chiếm dược Berlin, anh sẽ trở lại tìm em”.
Mặt buồn rười rượi, Charlotte nhìn theo chàng thượng sĩ mà nàng đã đem lòng yêu, bởi vì có quá nhiều người bạn đã cảnh báo nàng rằng một khi họ đã ra đi, nàng sẽ không còn bao giờ thấy lại họ. Và những lời nói xem ra là đúng, vì Charlotte Reville không còn bao giờ gặp lại John Player.
Thượng sĩ Player trình diện ở trại chỉ vài phút trước khi điểm danh. Anh vội vàng cạo râu, thay áo trước khi xem mệnh lệnh của đại đội để biết rằng sĩ quan chỉ huy muốn anh tới gặp ông vào lúc 9:00 giờ.
Anh bước vào văn phòng, đứng nghiêm chào khi đồng hồ điểm chín tiếng. Anh đã nghĩ tới cả trăm lý do cho cuộc gặp này. Nhưng hoá ra sai tất.
Vị đại tá ngồi sau bàn ngước mắt nhìn, “Tôi rất lấy làm tiếc, Player ạ. Nhưng cậu phải rời khỏi trung đoàn”, ông nhẹ nhàng bảo.
” Tại sao, thưa ngài?” Player không tin, hỏi lại. “Tôi làm gì sai ạ?”
“Không phải”, ông cuời bảo. “Không làm gì sai, mà còn ngược lại. Đề nghị của tôi về việc đề bạt cậu làm sĩ quan đã được Bộ chỉ huy tối cao chấp thuận. Vì vậy cậu nên tới một đơn vị khác để khỏi phải chỉ huy những người mới vừa đây còn ngang vai phải lứa với cậu “.
Player đứng nghiêm, miệng há hốc.
“Tôi chỉ làm đúng theo những quy định trong quân ngũ”, vị đại tá giải thích. “Tất nhiên trung đoàn sẽ thiếu đi những khả năng đặc biệt của cậu, nhưng tôi tin một lúc nào đó trong tương lai, sẽ lại được nghe tin về cậu. Tất cả những gì tôi có thể làm bây giờ là chúc cậu may mắn ở Trung đoàn mới”.
“Cám ơn ngài”, anh nói và nghĩ cuộc gặp đến đó là kết thúc. “Cám ơn ngài rất nhiều”.
Anh chuẩn bị chào thì vị đại tá nói thêm: “Tôi có thể khuyên cậu một lời trước khi cậu đến đơn vị mới không?”
“Vâng, thưa ngài”, viên trung uý mới được phong chức đáp.
“John Player là một cái tên nghe hơi buồn cười. Hãy tìm một cái tên nào đó ít có khả năng làm cho binh lính dưới quyền cười nhạo sau lưng cậu”.
Sáng hôm sau, lúc 7 giờ, trung uý Richard lan Armstrong trình diện tại văn phòng sĩ quan của Trung đoàn Nhà Vua.
Khi đi ngang sân của đơn vị trong bộ quân phục được may đo, phải mất mấy phút anh mới quen với cảm giác được các binh lính đi qua giơ tay lên mũ chào. Khi vào ăn sáng với các sĩ quan cùng đơn vị, anh cẩn thận để ý xem họ sử dụng thìa dĩa như thế nào. Sau bữa sáng ăn rất ít, anh đến trình diện sĩ quan chỉ huy mới của mình, đại tá Oakshott, mặt đỏ như gà chọi, tính tình dễ gần và vừa gặp đã oang oang nói ông từng nghe danh tiếng của anh ngoài mặt trận.
Richard, hay Dick như các sĩ quan khác gọi anh, hãnh diện được phục vụ trong một Trung đoàn nổi tiếng như thế. Nhưng anh càng thấy thích thú hơn vì là một sĩ quan quân đội Anh song lại nói thứ tiếng Anh pha giọng nước ngoài, mà chỉ nghe là nhận ra ngay. So với cái thời còn ở trong hai phòng chật cứng ở Douski, thì anh đã tiến một bước rất xa. Ngồi bên lò sưởi trong Câu lạc bộ sĩ quan của Trung đoàn Nhà vua, nhâm nhi li rượu ngọt, anh thấy chẳng có lý gì mình lại không thể tiến xa hơn nữa.
Tất cả các sĩ quan phục vụ trong Trung đoàn Nhà vua chẳng bao lâu đã biết về những chiến công trước đây của trung uý Armstrong, và khi trung đoàn tiến vào đất Đức, bằng lòng dũng cảm và luôn đi đầu ngoài mặt trận, anh đã làm mọi người, kể cả những người đa nghi nhất, tin rằng đó không phải là những chuyện huyênh hoang. Nhưng ngay cả binh lính trong trung đội của anh cũng sửng sốt trước lòng can đảm của người chỉ huy trong trận Ardennes, chỉ sau khi anh về đơn vị được ba tuần.
Toán quân tiên phong do Armstrong chỉ huy thận trọng tiến vào ngoại vi một làng nhỏ, nghĩ rằng quân Đức đã rút về củng cố vị trí trên những ngọn đồi nhìn xuống làng. Nhưng Trung đội của anh vừa đi được vài trăm mét dọc con đường chính trong làng thì gặp phải lưới lửa của địch. Trong tay chỉ có khẩu súng ngắn và một trái lựu đạn, trung uý Armstrong lập tức xác định được vị trí hỏa lực địch và “không kể gì mạng sống” như điện báo sở chỉ huy mô tả hành động của anh, lao ngay về phía đó.
Anh kịp giết chết ba tên lính Đức cố thủ trong đó, trước khi người phó của anh kịp đến hỗ trợ. Sau đó anh lại lao về phía chiến hào thứ hai, ném lựu đạn vào, giết chết ngay hai tên nữa. Cờ trắng xuất hiện ở chiến hào cuối cùng, rồi ba tên lính trẻ măng từ từ chui lên, giơ tay hàng. Một tên mỉm cười bước tới. Armstrong cười đáp lại, rồi nổ súng vào đầu hắn. Hai tên còn lại ngước nhìn anh, nét mặt cầu khẩn. Armstrong tiếp tục mỉm cười trong khi nổ súng vào ngực cả hai.
Viên thượng sĩ chạy đến, miệng vẫn còn thở hồng hộc. Viên trung uý trẻ xoay người nhìn anh ta, nụ cười còn đọng trên môi, tra súng vào bao và bảo: “Với những thằng khốn nạn này, làm thế mới chắc”.
“Vâng, thưa ngài”, viên thượng sĩ nói nhỏ.
*
**
Tối đó, sau khi hạ trại, Armstrong lấy chiếc mô tô Đức phóng về Paris nghỉ phép bốn mươi tám tiếng, đến bảy giờ sáng hôm sau thì tới cửa căn phòng của Charlotte.
Khi được người gác cổng báo có trung uý Armstrong muốn gặp, Charlotte bảo không quen ai có cái tên đó, nghĩ chắc lại một sĩ quan nào đó muốn cô đưa đi thăm thú Paris. Nhưng khi bước ra, nàng giang rộng hai tay ôm chặt lấy anh, và họ không rời khỏi phòng suốt ngày đêm hôm đó. Bà gác cổng, tuy là người Pháp chính cống cũng phải sửng sốt. “Tôi nghĩ vẫn còn chiến tranh, mà hai người trước đây chưa từng quen nhau”, bà nói với chồng.
Tối chủ nhật, khi trở lại mặt trận, Dick bảo rằng lần sau trở lại, hẳn anh đã vào Berlin và lúc đó họ sẽ làm lễ cưới. Anh ngồi lên xe, nổ máy phóng đi. Nàng đứng bên cửa sổ, trong bộ đồ ngủ, nhìn mãi cho tới khi anh khuất bóng. “Chỉ trừ phi anh chết trước khi vào được Berlin, anh yêu quý”.
Trung đoàn Nhà Vua là một trong những đơn vị được chọn để tấn công Hambourg, còn Armstrong thì lại muốn mình là viên sĩ quan đầu tiên đặt chân vào thành phố. Sau ba ngày chiến đấu ác liệt, Hambourg thất thủ.
Sáng hôm sau, Thống chế Bernard Montgomery vào thành phố. Ông đứng phía sau xe jeep nói chuyện với binh lính thuộc các binh chủng. Ông đảm bảo với họ rằng không bao lâu nữa, chiến tranh sẽ kết thúc và họ sẽ được về nhà. Sau đó ông xuống xe trao tặng huân chương cho những người dũng cảm. Trong số những người được tặng Huân chương chiến công có đại uý Richard Ian Armstrong.
Hai tuần sau, Tướng Einsenhower chấp nhận việc Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày hôm sau, đại uý Richard Armstrong được nghỉ phép một tuần. Dick lại phóng xe về Paris. Lần này, bà gác cổng đưa anh lên thẳng phòng Charlotte.
Sáng hôm sau, Charlotte trong bộ đồ trắng và Dick trong bộ quân phục mới, đi bộ dến toà thị chính. Ba mươi phút sau, họ bước ra dưới cái tên ông và bà Armstrong, bà gác cổng đóng vai người làm chứng. Ba ngày trăng mật, họ phần lớn ở trong căn phòng của Charlotte. Khi Dick trở lại đơn vị, anh nói với nàng rằng chiến tranh đã kết thúc, anh định sẽ rời quân đội, đưa nàng trở lại Anh cùng xây dựng sự nghiệp và hạnh phúc.
*
**
“Giờ hết chiến tranh rồi, cậu định làm gì hả Dick?” Đại tá Oakshott hỏi.
“Thưa ngài, có đấy. Tôi định trở về Anh tìm một công việc nào đó”, Armstrong đáp.
Oakshott giở một tập hồ sơ trên bàn trước mặt ông. “Nhưng mà tôi lại có việc cho cậu ở Berlin này”.
“Làm gì, thưa ngài?”.
“Bộ chỉ huy tối cao đang tìm một người đứng đầu PRISC, và tôi nghĩ cậu là ứng cử viên lý tưởng cho chức vụ đó”.
“PRISC là cái gì….”
“Ban Kiểm soát Dịch vụ Thông tin và Quan hệ Công cộng. Cái ban này cứ như đặt ra để dành riêng cho cậu vậy. Chúng tôi đang tìm một người có thể bảo vệ có hiệu quả trường hợp của Anh, đồng thời cũng đảm bảo báo chí không bị xiết nghẹt quá. Thắng cuộc chiến đã khó, nhưng thuyết phục được thế giới bên ngoài rằng chúng ta đối xử với kẻ thù một cách bình đẳng xem ra còn khó hơn. Ngưòi Mỹ, người Anh, người Pháp sẽ chỉ định đại diện của họ, vì vậy chúng ta cũng cần có người làm việc đó. Cậu nói được nhiều thứ tiếng, có đầy đủ tiêu chuẩn đáp ứng công việc. Mình nên nói thẳng với nhau, Dick ạ. Cậu đâu có gia đình ở Anh mà phải vội về”
Armstrong gật đầu. Một lát sau. anh nói: “Nói theo kiểu Thống chế Montgomery: Để làm việc đó, ngài cho tôi vũ khí gì?”
“Một tờ báo”, Oakshott đáp. “Der Telegraf là một trong những tờ nhật báo ở thành phố này. Hiện nó thuộc quyền sở hữu của một người Đức tên là Arno Schultz. Ông ta luôn kêu ca không thể cho máy in chạy đủ công suất vì luôn phải lo chuyện thiếu giấy, còn điện thì liên tục bị cắt. Chúng ta muốn Der Telegraf xuất hiện hàng ngày trên đường phố, phổ biến quan điểm của chúng ta. Tôi không nghĩ được ai có thể làm nó tốt hơn cậu”.
“Der Telegraf không phải là tờ báo duy nhất ở Berlin”, Armstrong nói.
“Đúng thế. Một người Đức khác đang làm chủ tờ Der Berliner trong khu người Mỹ; việc này lại càng có thêm lý do tại sao Der Telegraf phải thành công. Vào lúc này, Der Berliner bán được gấp đôi số lượng Der Telegraf, và chúng ta muốn ngược lại”.
“Vậy thì tôi có những quyền hành gì?”.
“Cậu được tự do hành động. Cậu có thể lập văn phòng, tuyển nhân viên với số lượng mà cậu nghĩ là cần cho công việc. Cậu được một căn hộ, có nghĩa là cậu có thể đón vợ qua”. Oakshott dừng lại. “Dick này! Có lẽ cậu cần một chút thời gian suy nghĩ về việc này chứ?”.
“Thưa ngài, tôi vui lòng nhận nó”.
“Tốt lắm. Bắt đầu bằng việc thiết lập các mối quan hệ. Nếu có vấn đề gì, hãy liên hệ với tôi. Còn nếu cậu thực sự gặp rắc rối, thì những từ “Uỷ ban Kiểm soát Đồng minh” có thể bôi trơn mọi thứ bánh xe trên đời.
Đại uý Armstrong chỉ cần một tuần đã trưng thu được một văn phòng phù hợp với công việc ở ngay trung tâm khu vực do Anh quản lý : một phần vì trong các câu nói anh luôn sử dụng từ “Uỷ ban Kiểm soát Đồng minh”. Còn để ký được hợp đồng với mười một nhân viên văn phòng thì mất nhiều thời gian hơn một chút, vì những người giỏi nhất đã và đang làm việc cho Uỷ ban Kiểm soát. Anh bắt đầu lén liên hệ với một người có tên là Sally Carr, thư ký của một vị tướng; người này trước chiến tranh đã từng làm cho tờ Daily Chronicle ở London.
Khi Sally đến, chỉ vài ngày sau văn phòng đã bắt đầu hoạt động. Cú tiếp theo của Armstrong là khi anh phát hiện ra trung uý Wakeham đang ở Berlin, làm việc phân bổ vận tải. Sally bảo Wakeham đang chán ngấy cái việc suốt ngày ngồi điền vào các tài liệu đi đi lại lại. Armstrong bèn mời anh ta làm phó cho mình và ngạc nhiên khi thấy người chỉ huy cũ vui vẻ nhận lời. Phải mấy ngày sau anh mới quen với việc gọi anh ta bằng cái tên Peter.
Armstrong tuyển đội ngũ gồm một thượng sỹ, hai hạ sĩ và nửa tá binh nhì trong Trung đoàn Nhà vua, những người có đủ tiêu chuẩn mà anh yêu cầu. Họ trước đây đều là dân đi bụi ở khu phía đông Lonđon. Trong số đó, anh chọn binh nhì Reg Benson, người sắc sảo nhất, làm tài xế riêng. Việc tiếp theo là trưng dụng một căn hộ ở Paulsstrasse của một vị thiếu tướng đã trở lại Anh. Sau khi đại tá Oakshott ký các giấy tờ cần thiết, Armstrong bảo Sally gửi điện cho Charlotte ở Paris.
“Anh muốn nói gì nào?” Sally giở giấy ra và hỏi.
“Đã tìm được chỗ ở thích hợp. Thu xếp mọi việc qua đây ngay”.
Trong khi Sally viết lại, Armstrong đứng dậy. “Tôi đến toà báo Der Telegraf xem Arno Schultz thế nào. Cô lo mọi việc cho tốt khi tôi trở lại”.
“Còn cái này thì sao?” Sally hỏi, đưa cho anh một lá thư.
“Thư nói gì?” Anh liếc qua rồi hỏi.
“Thư của một nhà báo ở Oxford muốn tới thăm Berlin để viết về việc người Anh chiếm đóng đối xử với người Đức thế nào”.
“Vậy thì quá tốt”, Armstrong vừa nói vừa đi ra cửa. “Nhưng cô nên sắp xếp cho anh ta gặp tôi trước đã”.