Quyền Lực Thứ Tư

Chương 27



Báo

THE GLOBE

Ngày 1 tháng Sáu, 1967

QUYẾT ĐỊNH CỦA BẠN !

“Cô có thể cho tôi tới London trong chuyến bay tới được không?” Armstrong quát vào máy với người nhân viên đặt vé.

“Chắc chắn là được, thưa ngài,” cô ta nói.

Anh gọi cuộc thứ hai tới văn phòng ở London. Pamela – thư ký mới nhất của anh – xác nhận rằng ông Walter Sherwood đã đồng ý gặp anh lúc 10 giờ sáng mai. Cô nhất quyết không nói gì thêm.

“Tôi cũng sẽ cần nói chuyện với ông Alexander Sherwood ở Paris. Cô phải đảm bảo là Reg sẽ có mặt ở sân bay và Stephen Hallet sẽ có mặt tại văn phòng khi tôi trở về. Tất cả phải được sắp xếp trước khi Townsend đến London.”

Khi Sharon bước vào phòng ít phút sau đó, tay xách nặng các món hàng mới mua, cô ngạc nhiên thấy Dick đã thu xếp hành lý.

“Chúng ta sẽ đi à?” Cô hỏi.

“Chúng ta sẽ rời khỏi đây ngay bây giờ,” anh nói, không một lời giải thích. “Cô hãy thu xếp hành lý trong khi tôi đi thanh toán.”

Một nhân viên mang hành lý của Armstrong xuống chiếc Limousin đang đợi sẵn trong khi anh đi lấy vé máy bay từ bàn đặt vé và sau đó đến quầy lễ tân trả tiền khách sạn. Anh nhìn đồng hồ — sẽ kịp chuvến bay, và sẽ về tới London vào sáng sớm mai. Chừng nào Townsend còn chưa biết về qui tắc hai trên ba, anh vẫn có thể chiếm được 100 phần trăm công ty. Alexander Sherwood đang thúc ép Walter chấp nhận đề nghị của anh.

Khi Sharon vừa kịp ngồi vào, Armstrong liền bảo lái xe đưa họ ra sân bay.

“Nhưng hành lý của em còn chưa được mang xuống,” Sharon nói.

“Thì nó sẽ được gửi sau. Anh không thể lỡ chuyến bay này.”

Suốt dọc đường đến sân bay Sharon không nói lời nào. Khi tới nơi, Arrmstrong sờ vào hai chiếc vé ở túi trong, để chắc là anh không để quên chúng. Họ ra khỏi xe, và anh đề nghị Skycap gửi thẳng hành lý của anh tới London, sau đó bắt đầu chạy bổ tới nơi kiểm tra hộ chiếu, với Sharon theo sau gót.

Họ nhanh chóng được dẫn thẳng tới cửa ra, nơi một nữ chiêu đãi viên đang kiểm tra hành khách. “Đừng lo, thưa ông,” cô nói. “Ông bà vẫn còn dư một hai phút. Ông bà có thể thở lấy hơi.”

Armstrong lấy hai chiếc vé từ túi ra và đưa cho Sharon một chiếc. Một nhân viên kiểm tra vé của anh, và anh vội vã theo hành lang dài dẫn tới chiếc máy bay đang đợi.

Sharon đưa vé của cô. Người nhân viên nhìn nó và nói, “Thưa bà, vé của bà không phải là chuyến bay này.”

“Anh nói gì vậy?” Sharon kêu lên. “Tôi đã đặt vé khoang hạng nhất trong chuyến bay này cùng ông Armstrong. Tôi là trợ lý riêng của ông ấy.”

“Tôi chắc vậy, thưa bà, nhưng tôi e rằng chiếc vé này chỉ có giá trị cho chuyến bay chiều của hãng Pan Am. Tôi sợ là bà sẽ phải đợi lâu.”

oOo

“Em đang gọi từ đâu đấy?” Anh hỏi.

“Sân bay Kingsford-Smith,” nàng đáp.

“Vậy thì em có thể mua vé trở lại đây trên cùng một máy bay.”

“Tại sao? Vụ làm ăn đổ bể rồi à?”

“Không, bà ta ký rồi – nhưng với giá khác. Vấn đề nảy sinh ở cuốn tiểu thuyết của bà Sherwood, và anh nghĩ rằng em là người duy nhất có thể giải quyết việc đó cho anh.”

“Em không thể được ngủ yên một đêm sao, Keith? Em vẫn sẽ quay lại New York vào ngày kia cơ mà.”

“Không, không được,” anh đáp. “Vẫn còn một số việc chúng ta cần làm trước khi em bắt tay vào cuộc, mà anh thì chỉ có một buổi chiều rảnh rỗi.”

“Là gì vậy?” Kate hỏi.

“Cưới,” Keith đáp

Một lát im lặng kéo dài ở đầu dây bên kia, sau đó Kate nói. “Keith Townsend, anh là người đàn ông ít lãng mạn nhất mà Chúa đã đưa xuống trái đất!”

“Như thế là “vâng” phải không?” Anh hỏi. Nhưng đường dây đã bị cắt. Anh đặt máy xuống và nhìn về phía bàn có Tom Spencer.

“Cô ấy chấp nhận đề nghị của anh chứ?” Viên luật sư hỏi với nụ cười toe toét.

“Không chắc lắm,” Townsend đáp. “Nhưng tôi vẫn muốn anh xúc tiến các cuộc hẹn theo kế hoạch.”

“Vâng, vậy tốt hơn tôi nên tiếp xúc với City Hall.”

“Và phải đảm bảo là anh được rảnh vào chiều mai.”

“Tại sao?” Tom hỏi.

“Bởi vì, ông cố vấn của tôi ơi, chúng tôi sẽ cần một người làm chứng cho lễ cưới.”

oOo

Số lời chửi rủa mà Walter Sherwood dùng trong ngày hôm đó cao hơn cả mức trung bình trong cả tháng của ông ta. Tràng chửi rủa đầu tiên là sau cuộc nói chuyện với ông anh trai qua điện thoại. Alexander gọi từ Paris ngay trước bữa sáng, báo rằng ông ta đã bán số cổ phần trong tờ Globe của mình cho Richard Armstrong, với giá 20 triệu đô la. Ông ta khuyên Walter cũng nên làm như vậy. Nhưng tất cả những gì Walter đã nghe nói về Armstrong chỉ khiến ông ta tin rằng anh ta chỉ xứng đáng kiểm soát tờ báo mang chất Anh, như món thịt bò nướng và bánh pudding Yorkshire, khi không một người đàn ông nào còn sống.

Ông đã bình tĩnh lại chút ít sau bữa trưa ngon miệng tại Câu lạc bộ nhưng rồi lại suýt lên cơn đau tim khi bà chị dâu gọi từ NewYork tới cho biết bà ta đã bán số cổ phần của mình, không phải cho Armstrong, mà là cho Keith Townsend, người đàn ông mà Walter coi là đã đem đến cho thuộc địa một danh tiếng xấu. Ông không bao giờ quên một tuần lễ mắc kẹt ở Sydney và phải cam chịu quan điểm của tờ nhật báo Chronicle Sydney về đề tài “người được gọi là Nữ hoàng nước Úc.”

Ông đã đóng cửa tờ Continent chỉ vì khám phá ra rằng nó ủng hộ việc Úc trở thành nước cộng hòa.

Cuộc gọi cuối cùng trong ngày là từ người kế toán ngay trước khi ông ngồi ăn tối với vợ. Không cần phải nhắc Walter rằng số bán ra của tờ Globe giảm xuống từng tuần một trong năm qua, và rằng do đó ông nên khôn ngoan chấp nhận lời đề nghị 20 triệu đô la từ bất kỳ phía nào. Ít nhất là vì, như gã chó chết đó nói toẹt vào mặt ông. “Hai kẻ đó đã trói được ông rồi, và ông nên nhận tiền càng sớm càng tốt.”

“Nhưng tôi nên giao dịch với ai trong số hai gã đó?” Ông ảo não hỏi. “Cả hai kẻ đó đối với tôi đều tồi tệ như nhau.”

“Điều đó không làm hại đến lời khuyên của tôi.” viên kế toán đáp. “Có lẽ ông nên tiếp xúc với người nào ông ghét ít hơn.”

Sáng hôm sau, không như lệ thường, Walter đến văn phòng từ sớm, và thư ký đưa cho ông từng tập hồ sơ dày của từng đối tác đáng quan tâm. Ông xem qua chúng, và chần chừ. Nhưng nhiều ngày trôi qua, thủ quỹ, luật sư và vợ ông không ngừng nhắc ông về số lượng phát hành tiếp tục giảm, và rằng ông thừa biết đâu là lối thoát dễ dàng nhất.

Cuối cùng ông đành chấp nhận điều không thể tránh được, và quyết định chừng nào ông vẫn còn là chủ bút tờ báo trong bốn năm nữa – khi dó ông tròn 70 tuổi – có thể ông sẽ học được cách chung sống với Armstrong hoặc Townsend. Ông cảm thấy việc bạn bè ông ở Câu lạc bộ đua ngựa biết ông vẫn là chủ bút là rất quan trọng.

Sáng hôm sau, ông bảo thư ký lần lượt mời hai đối tác kình địch tới ăn trưa ở Câu lạc bộ Đua ngựa. Ông hứa sẽ cho họ biết quyết định của mình trong vòng một tuần.

Nhưng sau khi ăn trưa với cả hai người, ông vẫn không thể quyết định được mình ghét người nào nhiều nhất – hay, như trong trường hợp này, ít nhất, ông khâm phục thực tế là Amrstrong đã thắng trận MC đối với thành phố nuôi dưỡng ông, nhưng không thể chịu được ý nghĩ rằng một chủ bút của tờ Globe lại không biết cách cầm dao và dĩa. Ngược lại, ông khá thích thú với ý nghĩ chủ bút của Globe vốn là một cựu sinh viên Oxford, nhưng cảm thấy phát ốm mỗi khi nhắc lại quan điểm của Townsend về chế độ quân chủ. Ít ra thì cả hai người bọn họ đều cam đoan rằng ông vẫn sẽ là Chủ tịch công ty. Nhưng khi một tuần sắp qua đi, ông vẫn không sao quyết định được.

Ông bắt đầu tìm lời khuyên từ tất cả mọi người ở Câu lạc bộ đua ngựa, kể cả người bán bar, nhưng vẫn không hết chần chừ. Chỉ khi ngân hàng cho biết đồng bảng tiếp tục lên giá so với đồng đô la vì tổng thống Johnson ngày càng sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì cuối cùng ông mới đi tới quyết định.

Thật nực cười là một lời nói đơn giản lại khởi động những luồng ý nghĩ chẳng ăn nhập gì và biến chúng thành hành động, choán lấy Walter. Khi đặt máy xuống sau cuộc nói chuyện với ngân hàng, ông đã rõ nên giao phó việc đưa ra quyết định cuối cùng cho ai. Nhưng ông cũng biết là cần phải giữ bí mật điều này, thậm chí với cả Tổng biên tập của Globe, cho đến phút cuốỉ cùng.

Chiều thứ Ba, Armstrong bay tới Paris với cô gái có tên là Julie làm ở phòng quảng cáo. Anh lệnh cho Pamela rằng không được liên hệ với anh trừ phi có tình huống khẩn cấp. Anh nhắc đi nhắc lại câu “tình huống khẩn cấp”.

Townsend đã bay về New York từ ngày hôm trước khi phong phanh biết rằng cổ đông chính của tờ New York Star có lẽ cuối cùng đã sẵn lòng muốn bán số cổ phần của mình trong tờ báo. Anh bảo Heather là ít nhất hai tuần nữa anh mới trở lại nước Anh.

Điều bí mật của Walter được tiết lộ vào chiều thứ Ba. Người đầu tiên trong số nhân viên của Amstrong nghe được tin đã lập tức gọi điện đến văn phòng anh và được biết số máy nhà riêng thư ký của anh. Khi người ta giải thích cho Pamela về kế hoạch của Walter, cô không hề nghi ngờ rằng, xét theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, thì đây cũng chính là tình huống khẩn cấp và lập tức gọi điện đến khách sạn George V. Viên quản lý khách sạn cho biết ngài Armstrong và “cộng sự” đã rời khỏi khách sạn sau khi tình cờ gặp một nhóm Bộ trưởng thuộc Công đảng đến Paris để tham dự hội nghị khối NATO đang ngồi ở quầy bar. Pamela đã dành cả thời gian còn lại của buổi chiều để gọi tới tất cả các khách sạn hạng nhất ở Paris, nhưng không có kết quả, cho mãi tới gần nửa đêm, cuối cùng cô mới tóm được Armstrong.

Người trực đêm khăng khăng bảo cô rằng ngài Armstrong đã ra lệnh không được quấy rầy ngài trong bất kỳ tình huống nào. Nhớ đến tuổi của cô gái đi cùng với ông, anh ta cảm thấy sẽ trượt mất khoản tiền boa nếu không nghe theo mệnh lệnh này. Pamela đã thức trắng đêm và đến 7 giờ sáng cô gọi lại lần nữa, nhưng đến tận 9 giờ ngày thứ Sáu người quản lý mới đến, cô lại nhận được cùng một câu trả lời lạnh nhạt.

Người đầu tiên thông báo cho Townsend biết điều sắp xảy ra là Chris Slater, phó biên tập mục Biếm họa của tờ Globe, người đã quyết định gọi sang bờ biển bên kia để thông báo vấn đề, hy vọng nhờ đó có thể cứu vãn được tương lai của mình trong tờ báo. Trên thực tế, đã có một vài cuộc gọi tới Townsend ở Câu lạc bộ Quần vợt, nơi cuối cùng người ta tìm thấy anh đang cùng Tom Spencer so tài trong trận đấu trị giá 1000 đô la. Townsend đang đấu hiệp cuối cùng thì có tiếng gõ lên cửa kính và người phục vụ Câu lạc bộ hỏi liệu ông Townsend có thể ra nghe điện thoại khẩn được không. Cố không để mất tập trung, Townsend chỉ hỏi “Ai gọi? “.

Vì cái tên Chris Slate chẳng có ý nghĩa gì đối với anh, anh nói “Hãy bảo ông ta là tôi sẽ gọi lại sau”. Ngay trước khi giao bóng, anh hỏi thêm, “ông ta có nói là gọi từ đâu không?”

“Không, thưa ông,” người phục vụ đáp. ” Ông ấy chỉ bảo là có liên quan tới tờ Globe.”

Townsend bóp chặt quả bóng và cân nhắc.

Anh đã gần được 2000 đô la từ người mà anh không đánh bại được trong nhiều tháng, và anh biết rằng nếu anh rời sân, cho dù chỉ ít phút, Tom sẽ làm chủ trận đấu.

Anh đứng nhìn chằm chằm vào bức tường trước mặt thêm 10 giây nữa, cho đến khi Tom gắt, “Giao bóng đi”.

“Đó là lời khuyên của anh đấy à, luật sư?” Anh hỏi.

“Đúng thế,” viên luật sư trả lời. “Hãy tiếp tục hoặc chịu thua. Sự lựa chọn là của ông.” Townsend thả rơi quả bóng, chạy khỏi sân và đuổi theo người phục vụ. Anh bắt kịp ngay trước khi anh ta cầm máy lên.

“Điều này hẳn phải rất thú vị, ông Slater, vì ông đã làm tôi mất 2000 đô la.”

Anh nghe với vẻ nghi hoặc khi Slater nói rằng trong số ngày mai của tờ Globe, ngài Walter sẽ mời các độc giả của tờ báo bỏ phiếu cho người mà họ cảm thấy xứng đáng trở thành chủ bút của tờ báo. “Tiểu sử của cả hai ứng cử viên sẽ được đăng bằng nhau trên cả trang báo,” Slater giải thích, “kèm theo mảnh phiếu nhỏ ở cuối tờ báo.” Sau đó anh ta đọc ba câu cuối cùng trong bản thảo.

Những độc giả trung thành của Globe

không cần phải lo lắng cho tương lai của tờ

báo được yêu mến nhất trong toàn Vương quốc.

Cả hai ứng cử viên đều đồng ý rằng

ngài Walter Sherwood vẫn sẽ là Chủ tịch

công ty, việc đảm bảo sự tiếp nối liên tục là

dấu hiệu thành công của tờ báo trong một

giai đoạn tốt đẹp hơn ở thế kỷ này. Vì thế

hãy gửi phiếu bầu của bạn, và kết quả sẽ

được thông báo vào thứ Bảy tới.

Townsend cảm ơn Slater, và đảm bảo rằng nếu trở thành chủ bút, anh sẽ không quên anh ta. Ý nghĩ đầu tiên khi anh đặt máy xuống là không biết Armstrong đang ở đâu.

Anh không quay lại sân bóng mà ngay lập tức gọi điện cho Ned Brewer, trưởng chi nhánh của anh ở London. Anh nói vắn tắt cho anh ta biết những gì phải làm ngay trong tối nay, và kết thúc bằng việc dặn rằng anh sẽ gặp lại anh ta ngay khi đáp xuống sân bay Heathrow. “Trong lúc ấy, Ned,” anh nói, ” khi tôi tới văn phòng, anh phải đảm bảo có sẵn ít nhất 20 000 bảng trong két.”

Townsend đặt máy, lấy vội chiếc ví từ chỗ bảo vệ, bước ra Đại lộ số 5 và gọi taxi. “Sân bay,” anh nói. “Và anh sẽ được 100 đô la nếu chúng ta kịp chuyến bay sớm nhất đến London.” Anh nói thêm “nhanh lên”.

Khi chiếc taxi len lỏi trong dòng xe cộ, Townsend chợt nhớ ra là Tom vẫn đợi anh ở sân quần vợt, và rằng anh đã nghĩ tới việc đưa Kate đi ăn tối để nàng cho anh biết về tiến trình xuất bản cuốn Cô nhân tình của ngài Thượng nghị sĩ. Nhiều ngày đã qua, Townsend thầm cảm ơn Chúa, anh không tin rằng Kate đã bay về Syney. Anh cảm thấy mình may mắn đã tìm thấy một người có thể chấp nhận kiểu sống không thể chấp nhận được của anh, phần nào vì nàng đã chấp nhận hoàn cảnh kéo dài trước khi cưới. Kate không lần nào khiến anh có cảm giác phạm tội vì những giờ bận việc, vì những lần trễ hoặc thất hẹn. Anh chỉ hy vọng Tom sẽ gọi điện để nàng biết là anh đã biến mất. “Không, tôi chẳng biết ông ấy đi đâu,” anh có thể nghe thấy anh ta nói.

Sáng hôm sau, khi anh đáp xuống Heathrow, người lái taxi không hề cảm thấy muốn hỏi tại sao vị khách của mình lại mặc bộ đồ thể thao và đem theo vợt. Có lẽ tất cả các sân ở New York đều đã được đặt trước.

Bốn mươi phút sau anh đã tới văn phòng chi nhánh ở London, và nắm qua tình hình từ Ned Brewer. Đến 10 giờ tất cả các nhân viên có mặt đã được cử tới mọi góc phố của thủ đô. Tới giờ ăn trưa không một người nào trong vòng bán kính 20 dặm của Hyde Park Corner có thể tìm được một tờ Globe với bất kỳ một giá nào. Tới 9 giờ tối Townsend đã mua được 126 212 tờ báo.

Armstrong về tới Heathrow vào chiều thứ Sáu, dành phần lớn buổi sáng ở Paris ra những mệnh lệnh cho nhân viên trên khắp nước Anh. Đến 9 giờ sáng Chủ nhật, nhờ mạng lưới xuất sắc từ bộ phận West Riding, anh đã mua được 79 107 tờ Globe.

Anh dành ngày chủ nhật gọi điện tới Tổng biên tập của tất cả các tờ báo vùng của anh và đề nghị họ viết lên trang nhất các số báo buổi sáng tiếp theo thúc giục độc giả của họ tìm ra tờ Globe ngày thứ Sáu và bỏ phiếu cho Armstrong. Sáng thứ Hai anh nói chuyện trên chương trình Today và trên càng nhiều chương trình tin tức càng tốt. Song các chủ nhiệm chương trình đều đã quyết định cho Townsend quyền trả lời vào ngày tiếp theo.

Đến thứ Năm, nhân viên của Townsend đã mệt lử vì ký tên, nhân viên của Armsttrong phát ốm vì liếm phong bì. Đến chiều thứ Sáu, cả hai người cứ ít phút lại gọi tới Tờ Globe, thử tìm hiểu xem việc tính toán diễn ra như thế nào. Nhưng vì Walter đã đề nghị Hiệp hội cải cách bầu cử kiểm phiếu, và họ quan tâm tới độ chính xác hơn là tốc độ, thậm chí Tổng biên tập cũng không được biết kết quả trước lúc nửa đêm.

Trên trang nhất số báo thứ Bảy chạy dòng tít lớn “Chó Dingo ranh mãnh đã thắng lực sĩ Séc”. Bài báo kèm theo cho độc giả Globe biết rằng có 232 712 phiếu bầu cho Dân thuộc địa và 229 874 phiếu bầu cho Dân nhập cư.

Luật sư của Townsend tới văn phòng tờ Globe lúc 9 giờ sáng thứ Hai, mang theo khoản tiền 20 triệu đô la. Mặc dù Armstrong phản đối kịch liệt, và mặc dù cho đăng nhiều lời đe dọa, anh vẫn không thể khiến Walter đừng đặt bút ký chuyển số tài khoản của ông cho Townsend vào buổi chiều.

Trong cuộc họp đầu tiên của ban biên tập mới, Townsend đề nghị Walter sẽ vẫn là Chủ tịch, với mức lương hiện tại là 100 000 bảng một năm. Ông già mỉm cười và có một bài diễn văn rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, các độc giả đã lựa chọn đúng đắn.

Townsend không nói gì cho đến cuộc họp lần sau, khi anh gợi ý rằng tất cả mọi nhân viên của tờ Globe nên tự động nghỉ hưu ở tuổi 60, giống như chính sách nghỉ ở các tập đoàn của anh. Ông Walter ngay lập tức làm bản đề nghị, vì ông đã nhập bọn với hội bạn cánh hữu của ông ta ở Câu Lạc bộ Đua ngựa. Bản đề nghị được đồng ý thông qua.

Cho đến một đêm, sau khi Walter lên giường, vợ ông đã giải thích cho ông ý nghĩa của quyết định cuốỉ cùng đó.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.