Báo
EVENING CHRONICLE
Ngày 20 tháng Mười một, 1947
NGÀY NÀY HẠNH PHÚC:
CÔNG CHÚA ELIZABETH LỘNG LẪY
KẾT HÔN VỚI ÔNG HOÀNG THỦY THỦ
Charlotte quyết định không dự sinh nhật lần thứ sáu mươi của Arno Schultz vì nàng chưa cảm thấy tin tưởng khi giao con cho cô bảo mẫu người Đức. Từ khi nàng ở Lyon qua, Dick có vẻ chăm chút tới gia đình hơn, thỉnh thoảng còn về nhà đúng giờ để thăm con trước khi nàng cho nó ngủ.
Tối đó, sau bảy giờ, Armstrong đến nhà Arno. Anh hứa với Charlotte chỉ ghé qua, uống ly rượu mừng rồi về. Nàng mỉm cười, hứa khi anh về lúc 9 giờ thì bữa tối cũng đã chuẩn bị xong.
Anh vội vã qua thành phố, hy vọng nếu đến trước khi mọi người ngồi vào bàn ăn, anh có thể uống cốc rượu rồi đi. Như vậy, anh còn có thể chơi với Max Sackville vài ván bài trước khi về nhà.
Gần tám giờ Armstrong gõ cửa nhà Arno. Khi chủ nhà dẫn anh vào căn phòng đã đông người, anh thấy ngay là họ đang đợi anh để ngồi vào bàn. Arno giới thiệu anh với bạn bè; họ chào anh như vị khách danh dự.
Sau khi chủ nhân đưa anh cốc vang trắng rót từ chiếc chai mà mới trông đã biết ngay không phải rượu từ khu người Pháp, anh được dẫn vào một phòng ăn nhỏ, ngồi cạnh một người tự giới thiệu là Julius Hahn, còn Arno thì mô tả ông ta là “người bạn thân nhất và địch thủ ghê gớm nhất”.
Armstrong đã nghe cái tên đó, nhưng không nhớ là ở đâu. Lúc đầu anh phớt lờ, tập trung vào đồ ăn trước mặt. Anh bắt đầu ăn súp mà không hiểu là súp gì thì Hahn hỏi anh về tình hình ở London. Anh nhanh chóng hiểu ra rằng người đàn ông Đức này hiểu London còn hơn anh rất nhiều.
“Tôi hy vọng không lâu nữa lệnh hạn chế ra nước ngoài sẽ bị bãi bỏ”, Hahn nói. “Tôi rất cần trở lại đất nước của ngài”.
“Tôi nghĩ cũng còn lâu lâu các nước đồng minh mới đồng ý như vậy”, anh nói trong khi bà Schultz thay đĩa súp của anh bằng món bánh nướng nhân thịt thỏ.
“Thế tôi mới càng lo”, Hahn bảo. “Tôi thấy ngày càng khó theo dõi hoạt động của một số công ty của tôi ở London”. Lúc đó thì anh nhớ ra cái tên, và lần đầu tiên anh để dao dĩa xuống đĩa. Hahn là chủ bút tờ Der Berliner, tờ báo địch thủ trong khu vực của người Mỹ. Nhưng ông ta còn sở hữu những gì nữa?
“Tôi muốn gặp ông từ lâu”, Armstrong nói. Hahn có vẻ ngạc nhiên, bởi cho đến lúc này đại uý Armstrong không hề tỏ ra quan tâm đến ông. “Mỗi số Der Berliner in ra bao nhiêu?”, Armstrong hỏi mặc dù đã biết, nhưng anh muốn Hahn tiếp tục nói chuyện trước khi anh ném ra câu mà anh thực sự muốn hỏi.
“Khoảng 260.000 một ngày. Và tôi sung sướng nói rằng nhật báo của chúng tôi ở Frankfurt cũng lại đã bán được trên 200.000 số”.
“Ông có tất cả bao nhiêu tờ báo?” Armstrong làm vẻ vô tình hỏi, tay cầm lấy dao dĩa.
“Chỉ có hai. Trước chiến tranh thì có mười bảy tờ cùng một vài tạp chí chuyên mục khoa học. Nhưng tôi khó hy vọng lại có được ngần ấy số cho đến khi lệnh hạn chế được bãi bỏ”.
“Nhưng tôi nghĩ trước chiến tranh, người Do thái, tôi cũng là người Do thái (Hahn lại một lần nữa ngạc nhiên) không được phép sở hữu báo chí cơ mà?”
“Đúng vậy, thưa đại uý Armstrong. Nhưng tôi bán toàn bộ cổ phần cho một đối tác không phải Do thái, và ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, ông ta đã bán lại cho tôi với cái giá trước đây đã mua của tôi”.
“Còn các tạp chí?”, Armstrong hỏi, bắt đầu cắt miếng bánh đầu tiên. “Vào thời kỳ khó khăn này, chúng có lãi không?”
“Ô, có chứ. Về lâu dài, chúng là nguồn thu nhập đáng tin cậy hơn báo chí. Trước chiến tranh, công ty của tôi chiếm phần lớn trong các ấn phẩm khoa học của Đức. Nhưng ngay khi Hitler tiến vào Ba Lan, chúng tôi bị cấm không được xuất bản bất cứ thứ gì có thể có ích cho kẻ thù của Đế chế thứ ba. Tôi hiện đang ngồi trên đống tài liệu nghiên cứu khoa học của tám năm chưa được xuất bản, trong đó hầu hết là các tài liệu khoa học in ấn ở Đức trong thời gian chiến tranh. Giới xuất bản sẽ sẵn sàng trả rất nhiều tiền để có được những tài liệu đó, nếu tôi có được đầu ra.”
“Sao bây giờ ông không cho xuất bản đi?” Armstrong hỏi.
“Nhà xuất bản London trước đây ký hợp đồng với tôi không sẵn sàng chịu trách nhiệm phát hành cho tôi”.
Đèn điện trên trần vụt tắt, một chiếc bánh thắp nến được để vào giữa bàn.
“Sao lại thế?” Armstrong hỏi, quyết không để câu chuyện gián đoạn trong khi Arno thổi nến và mọi người vỗ tay.
“Chuyện đáng buồn là người con trai duy nhất của ông Chủ tịch đã bị giết trong trận Dunkirk”, Hahn nói trong khi người ta đặt vào đĩa của Armstrong miếng bánh ngọt to nhất. “Tôi viết thư tỏ ý chia buồn, nhưng ông ta không trả lời”.
“Ở Anh còn có các nhà xuất bản khác”, Armstrong nói, cắt bánh đưa lên miệng.
“Có, nhưng hợp đồng không cho phép tôi lúc này được tiếp cận các nhà xuất bản khác. Tôi cũng chỉ còn phải đợi một vài tháng nữa thôi. Tôi cũng đã quyết định nhà in nào ở London có thể đại diện cho tôi tốt nhất”.
“Vậy à?” Armstrong hỏi, lau bánh dính ở miệng.
“Nếu ngài có thời gian, tôi sẽ dành một tiếng đưa ngài đi thăm các xưởng in của tôi”.
“Chương trình của tôi lúc này hơi bận”.
“Tất nhiên, tôi hiểu”, Hahn nói.
“Nhưng lần sau có việc sang khu vực người Mỹ, có lẽ tôi sẽ ghé thăm ông”.
“Xin mời ngài”, Hahn nói.
Khi tiệc tan, Armstrong cám ơn chủ nhân về một buổi tối đáng ghi nhớ, và tính thời gian ra về đúng khi Julius Hahn cũng về.
“Hy vọng chúng ta còn gặp lại nhau”, Hahn nói khi họ đi trên hè đường.
“Chắc chắn là như thế”, Armstrong nói, bắt tay người bạn thân nhất của Arno Schultz.
Khi Dick về tới nhà lúc gần nửa đêm, Charlotte đã ngủ say. Anh thay quần áo, mặc bộ đồ ngủ, nhẹ chân leo cầu thang lên phòng David. Anh đứng bên nôi rất lâu, chăm chú nhìn con trai.
“Bố sẽ xây dựng cho con một vương quốc, mà một ngày nào đó con sẽ tự hào tiếp quản”, anh thầm thì.
oOo
Sáng hôm sau, Armstrong báo cáo lên đại tá Oakshott việc anh đã dự sinh nhật lần thứ sáu mươi của Arno Schultz, nhưng không nói gì về cuộc gặp Julius Hahn. Oakshott báo cho Dick biết thiếu tá Forsdyke gọi điện nói muốn anh sang khu Nga một chuyến nữa. Armstrong hứa sẽ gọi cho Forsdyke, nhưng không nói thêm rằng anh dự định trước tiên là thăm khu vực của Mỹ.
“À Dick này. Sao tôi không đọc thấy bài báo của cậu về việc ta đối xử với người Đức thế nào trong các trại cải tạo nhỉ?” Đại tá hỏi.
“Không, thưa ngài. Tôi lấy làm tiếc phải nói rằng bọn chúng không chịu hợp tác. Tôi e rằng cuối cùng hoá ra chúng ta đã phí thời gian”.
“Cái đó tôi không ngạc nhiên. Tôi đã báo trước với cậu…”
“Và ngài đã đúng, thưa ngài”.
“Dạo này tờ Der Telegraf làm ăn ra sao?”
“Chưa khi nào tốt hơn”, anh trả lời. “Từ tháng sau, chúng tôi ra báo số Chủ nhật, còn báo ngày thì vẫn tiếp tục phá kỷ lục”.
“Tuyệt vời. À, tôi vừa nghe ông hoàng xứ Gloucester có thể sẽ thăm chính thức Berlin vào tháng tới. Báo tha hồ mà đưa tin”.
“Ngài có muốn thông báo trên trang nhất của tờ Der Telegraf không ?”
“Sau khi tôi làm việc xong với bên an ninh đã, rồi thì anh sẽ có cái gọi là gì nhỉ? tin đặc biệt dành riêng cho báo, đúng không?”.
“Thật thú vị”, Armstrong nói, nhớ việc vị đại tá này say mê với chuyến viếng thăm của các quan chức, đặc biệt là của các thành viên Hoàng gia Anh. Anh đứng dậy.
“Đừng quên gọi cho Forsdyke đấy”, đại tá nói trước khi Armstrong chào trở về văn phòng.
Armstrong có nhiều việc cấp bách hơn là gọi cho viên thiếu tá an ninh. Ngay khi đọc xong chồng văn thư trên bàn, anh báo Sally rằng định đến khu người Mỹ cả ngày. “Nếu Forsdyke gọi, hãy hẹn với anh ta lúc nào đó ngày mai”.
Khi binh nhì Benson đưa anh qua thành phố về phía khu người Mỹ, Armstrong rà lại trình tự các sự kiện cần thiết để mọi việc có vẻ như không định trước. Anh bảo Benson đỗ xe gần Holt &Co để anh rút 100 bảng trong tài khoản. Anh gần như rút hết, chỉ để lại một ít gọi là, vì sĩ quan Anh vẫn bị ra toà án binh nếu thiếu nợ trong ngân hàng.
Vào tới khu vực của Mỹ, Benson đỗ lại ở một ngân hàng khác: tại đó Armstrong đổi từ bảng ra được 410 đô la mà anh hy vọng đủ để chơi bài suốt đêm cho tới khi Max Sackville rơi vào bẫy của anh. Hai người ăn trưa với nhau ở CLB dành cho sĩ quan Mỹ, Armstrong đồng ý tối đó sẽ quay lại chơi bài. Trở lại xe, anh bảo Benson đưa tới văn phòng báo Der Berliner.
Julius Hahn ngạc nhiên thấy gặp lại đại uý Armstrong nhanh đến vậy. Ông lập tức bỏ việc đang làm để đưa vị khách nổi tiếng này đi thăm xí nghiệp. Chỉ vài phút sau, Armstrong nhận ra rằng cái vương quốc mà Hahn đang kiểm soát lớn biết dường nào mặc dù ông ta cứ ca cẩm: “Thế này chưa thấm vào đâu so với trước chiến tranh”.
Sau khi đi hết một vòng, kể cả thăm hai mươi mốt máy in dưới tầng hầm, anh hiểu rằng so với cơ sở của Hahn, Der Telegraf chẳng là cái gì, nhất là khi chủ nhân nói rằng ông còn bảy xưởng in khác cùng cỡ trên khắp nước Đức, trong đó có một xưởng ở khu vực của Nga.
Khoảng sau năm giờ, Armstrong rời toà báo. Anh cám ơn Julius, lúc này anh đã gọi ông thân mật vậy và nói: “Chúng ta cần sớm gặp nhau, ông bạn ạ. Có lẽ ông sẽ cùng ăn trưa với tôi lúc nào đó chăng?”
“Rất cám ơn anh. Nhưng tôi chắc anh biết tôi không được phép vào khu vực của Anh”.
“Vậy thì tôi phải tới chỗ ông vậy”, anh mỉm cười nói.
Hahn đưa khách ra tận cửa, nồng nhiệt bắt tay từ biệt. Armstrong đi qua đường, thả bộ dọc theo phố mà không gọi lái xe. Anh dừng lại khi tới một quán rượu có tên là “Joe”, tự hỏi không biết trước chiến tranh nó mang tên gì. Anh bước vào quán trong khi Benson dừng xe ở cuối đường, cách đó khoảng một trăm mét.
Anh gọi một cốc côca côla, rồi tới ngồi ở góc quầy. Anh mừng vì không ai nhận ra anh, hoặc mò đến chỗ anh ngồi. Sau cốc thứ ba, anh kiểm tra lại số tiền 410 đô la. Đêm nay sẽ phải ngồi lâu, anh nghĩ.
oOo
“Anh ta biến đâu rồi?” Forsdyke hỏi.
“Đại uý Armstrong phải đến khu vực của Mỹ ngay trước bữa trưa, thưa ngài”, Sally trả lời. “Có việc rất gấp sau khi ông ấy gặp đại tá Oakshott. Nhưng trước khi đi, ông ấy có dặn tôi nếu ngài gọi thì hẹn cho ông ấy được gặp”.
“Chu đáo quá”, Forsdyke mỉa mai. “Có chuyện gấp trong khu vực của Anh. Tôi rất cám ơn nếu đại uý Armstrong có mặt tại phòng tôi lúc 9 giờ sáng ngày mai”.
“Thưa thiếu tá Forsdyke. Khi ông ấy về tôi sẽ báo lại ngay”, Sally nói. Cô muốn liên lạc ngay với anh, nhưng hiềm nỗi không biết anh đang ở đâu.
oOo
“Lại bài năm lá như mọi khi chứ?” Max nói, đẩy chai bia cùng cái mở qua phía bên kia bàn.
“Được thôi”, Armstrong vừa nói vừa trộn bài.
“Tôi có linh cảm về buổi tối nay. anh bạn ạ”, Max vừa nói vừa cởi áo ngoài treo lên tay ghế. “Tôi hy vọng là anh có đủ tiền mà đốt”. Anh ta từ từ rót bia vào cốc.
“Cũng đủ”, Armstrong trả lời. Anh chỉ nhấm nháp chút bia vì biết rằng trong vài tiếng tới, anh cần phải tỉnh. Khi anh trộn xong, Max sẻ bài, rồi châm thuốc. Hết tiếng đầu tiên, Armstrong được 70 đô. Anh nghe phía bên kia bàn lẩm bẩm “may thôi”. Sau giờ thứ hai, anh được gần 500 đô. “Anh toàn gặp may từ tối đến giờ”, Max nói, mở chai bia thứ tư. “Nhưng thức lâu mới biết đêm dài, anh bạn”.
Armstrong mỉm cười gật đầu khi chia cho Max một quân bài nữa và anh cũng lấy quân thử hai. Anh nhìn bài: một con bốn và một con chín bích. Anh đặt 5 đô lên bàn, rút thêm hai quân bài nữa.
Max cũng đặt vào đó 5 đô, lật hé con bài Dick vừa chia. Anh ta cố không mỉm cười, đặt thêm 5 đô la nữa lên trên số Dick vừa đặt.
Armstrong rút con bài thứ năm, nghiên cứu các con bài trên tay một lúc rồi vào gà thêm 10 đô. Max không ngần ngại rút ngay 10 đô khác từ túi áo trong ném lên đống tiền giữa bàn rồi liếm môi nói: “Tạm biệt anh bạn”.
Armstrong lật bài: một đôi bốn. Max cười mép đến mang tai khi anh ta chìa ra một đôi mười. “Đừng có đùa với tôi”, anh chàng người Mỹ vừa nói vừa vơ tiền.
Đến cuối giờ thứ hai, Max đã được một chút. “Tôi đã nói trước với anh rồi. Cờ bạc ăn nhau về sáng”, Max bảo. Anh ta đã bỏ cốc, uống thẳng từ chai. Đến giờ thứ ba, sau khi Max đã thắng ba ván liền, thì Dick mới nhắc đến cái tên Julius Hahn. “Ông ta nói là biết anh”.
“A, biết quá đi chứ. Ông ta chịu trách nhiệm in tờ báo ở khu này. Nhưng tôi chưa bao giờ thèm đọc”.
“Ông ta làm ăn có vẻ được”, Armstrong nói, chia tiếp ván khác.
“Đương nhiên. Nhưng vì có tôi”. Armstrong đặt 10 đô la vào giữa bàn, mặc dù bài của anh cao nhất chỉ là con át. Max lập tức ném 10 đô la lên trên và rút thêm một quân nữa.
“Vì có anh nghĩa là thế nào?” Armstrong hỏi, để một tờ 20 đô la nữa lên trên xấp tiền vào gà ngày càng cao.
Max lưỡng lự, xem lại bài, nhìn đống tiền hỏi: “20 đô la anh vừa mới vào gà à?” Armstrong gật đầu, và anh chàng người Mỹ theo luôn.
“Nếu tôi không giao cho tờ báo, thì sáng dậy ông ta thậm chí chẳng có gì để mà rửa đít”, Max nói, mắt chăm chú nhìn bài trên tay. “Tôi cấp giấy phép hàng tháng. Tôi kiểm soát nguồn cung cấp giấy. Tôi quyết định được dùng bao nhiêu điện. Tôi quyết định khi nào đóng hay cắt cầu dao. Anh và Arno Schultz cũng thế chứ gì ?”
Max ngẩng lên, ngạc nhiên thấy Armstrong lôi từ trong ví ra một tập tiền. “Chú mày không đùa đấy chứ?” Anh ta hỏi. “Nghe có mùi khét đây”. Anh ta lưỡng lự. “Lần này định vào bao nhiêu?”
“Năm mươi đô la”, Armstrong trả lời tỉnh bơ.
Max thọc tay vào túi áo khoác, lấy ra hai tờ mười, sáu tờ năm đô, rón rén đặt lên bàn. “Nào, xem lần này thế nào”, anh ta nói với giọng lo lắng.
Armstrong chìa ra một cặp bảy. Max lập tức cười phá ra, lật bài gồm ba con bồi.
“Tôi biết ngay mà. Bốc cứt chưa em!” Anh ta tu một hơi thẳng từ chai. Trong khi chia ván tiếp theo, anh ta lúc nào cũng cười. “Tôi không hiểu ai là người dễ đánh bóng hơn, cậu hay Hahn”, anh ta bảo, giọng đã bắt đầu líu lại.
“Anh có chắc đó không phải bia nói chứ?” Dick hỏi, ra vẻ chăm chú nhìn bài mình.
“Rồi cậu sẽ thấy ai là người đang nói”, Max trả lời. “Trong vòng một tiếng nữa, tớ sẽ vặt trụi lông cậu”.
“Tôi đâu có nói về mình”, Armstrong nói, bỏ 5 đô la lên bàn. “Tôi đang nói về Hahn mà”.
Im lặng một lúc khi Max cầm chai tu một hơi dài. Sau đó anh ta xem kỹ bài trước khi úp xuống bàn. Armstrong rút một quân bài khác, vào gà thêm 10 đô. Max rút một quân, nhìn nó và liếm môi. Anh ta theo.
“Xem nào bạn ơi”, Max nói, tin rằng mình phải thắng với đôi át và đôi bồi.
Armstrong lật bài: ba con năm. Max cau mặt nhìn số tiền đang của mình lại thành của đối thủ. “Cậu có dám đút tiền vào mõm không?” Anh ta hỏi.
“Tôi vừa làm đây thôi”, Armstrong vừa nói vừa nhét tiền vào túi.
“Không, tôi nói chuyện Hahn cơ”.
Dick không nói gì.
“Đầu cậu toàn cứt”, Max nói sau khi Dick vẫn im lặng.
Dick đặt bộ bài lên bàn, nhìn anh ta rồi lạnh lùng nói: “Tôi cuộc với anh một ngàn đô là anh không thể làm Hahn sập tiệm được”.
Max đặt chai xuống nhìn qua bàn như thể không tin vào điều vừa nghe. “Anh cho tôi thời gian bao lâu?”
“Sáu tuần”.
“Không, không đủ. Đừng quên tôi phải làm như thể việc đó không có dính dáng gì đến mình. Tôi cần ít nhất là sáu tháng”.
“Tôi không có sáu tháng. Nếu anh dám đánh cuộc, tôi có thể làm tờ Der Telegraf đóng cửa trong vòng sáu tuần”.
“Nhưng việc làm ăn của Hahn lớn hơn Arno Shultz nhiều”, Max bảo.
“Tôi hiểu điều đó. Vì vậy tôi cho anh ba tháng”.
“Cược thế nào?”
Một lần nữa Armstrong lại làm ra vẻ cần thời gian suy nghĩ. “Một ăn hai”, cuối cùng anh nói.
“Một ăn ba thì chơi”, Max nói.
“Xong”, Armstrong trả lời, hai người bắt tay nhau qua bàn. Viên đại uý Mỹ sau đó loạng choạng đứng dậy, đi tới bức tường phía trước, nơi treo cuốn lịch có hình một phụ nữ ăn mặc hở hang. Anh ta lật các tờ, tìm thấy tháng Mười, rút bút từ trong túi, miệng đếm rất to, rồi khoanh một vòng vào con số 17. “Đó sẽ là ngày tôi nhận một ngàn đô của mình”, anh ta lẩm bẩm.
“Vô vọng thôi, anh bạn”, Armstrong nói. “Tôi đã gặp Hahn, và tôi phải nói vói anh rằng ông ta không dễ chơi đâu”.
“Cứ đợi đấy”, Max vừa nói vừa trở lại bàn. “Tôi sẽ làm với Hahn những việc mà người Đức không làm được”.
Max tiếp tục chia bài. Trong giờ tiếp theo, Dick gỡ lại hầu hết số tiền anh đã thua từ tối đến giờ. Khi anh về vào khoảng nửa đêm, Max vẫn còn ngồi đó liếm môi.
oOo
Sáng hôm sau, từ phòng tắm ra, Dick thấy Charlotte đang ngồi bó gối trên giường.
“Tối qua mấy giờ anh mới về?” Nàng lạnh lùng hỏi trong khi anh mở ngăn tủ tìm áo sơ mi.
“Mười hai giờ”, Dick trả lời. “Có lẽ một giờ. Anh ăn ở ngoài luôn để em khỏi phải lo cho anh”.
“Em chỉ mong anh về nhà vào cái giờ văn minh, để anh với em được cùng ăn bữa tối mà em nấu cho anh”.
“Anh đã nói mãi với em rồi, cái anh làm là vì em và con”.
“Em bắt đầu nghĩ anh không biết cái gì là tốt nhất cho mẹ con em”, Charlotte bảo.
Dick nhìn vợ qua gương, không nói gì.
“Nếu anh không thể thoát ra khỏi cái địa ngục này, thì có lẽ đã đến lúc em lại phải trở về Lyon”.
“Giấy tờ xuất ngũ của anh cũng sắp xong”, Dick vừa nói vừa kiểm tra nút thắt cravát trong gương. “Đại tá Oakshott bảo nhiều nhất là ba tháng nữa”.
“Có một chuyện mới xuất hiện, có thể rất quan trọng cho tương lai của chúng mình”.
Charlotte hỏi với vẻ không tin.
“Và cũng lại như mọi lần, anh không thể cho em biết”.
“Không, tuyệt mật”.
“Tiện quá nhỉ! Mỗi lần em muốn bàn với anh những chuyện trong cuộc sống của mình, thì anh bao giờ cũng bảo có chuyện mới xuất hiện. Và khi em muốn biết, anh bao giờ cũng nói là tuyệt mật”.
“Sao em lại nói thế”, Dick bảo. “Tuyệt mật thật mà. Tất cả những gì anh đang cố làm cuối cùng thì cũng là vì em và David”.
“Làm sao anh biết? Anh có khi nào ở đây lúc em cho David ngủ đâu? Và trước khi con dậy, anh đã đến văn phòng rồi. Những ngày này, con nó ít thấy anh đến nỗi nó không chắc anh và Benson, ai là bố nó nữa”.
“Anh còn có trách nhiệm của anh”, Dick cao giọng.
“Vâng. Đó là trách nhiệm với gia đình. Mà trách nhiệm quan trọng nhất là tìm cách đưa mẹ con em ra khỏi cái thành phố Chúa đã lãng quên này càng sớm càng tốt”.
Dick khoác chiếc áo ka ki bốn túi, quay người lại nhìn vợ. “Anh vẫn đang cố. Lúc này không dễ dàng gì. Em cần thông cảm cho anh”.
“Em nghĩ là em quá hiểu, vì em thấy việc đó khá dễ dàng với một số người mà em biết. Như tờ Der Telegraf luôn đưa tin, hiện giờ tàu hoả rời Berlin ngày hai chuyến. Có lẽ em và David sẽ lên chuyến tàu nào đó”.
“Em nói thế là thế nào?”, Dick quát to, tiến về phía vợ.
“Đơn giản là một lúc nào đó về nhà, anh sẽ thấy không còn vợ con anh nữa”.
Dick tiến đến, giơ nắm tay, nhưng nàng vẫn đứng im. Anh dừng tay, nhìn vào mắt vợ.
“Anh định đối xử với em như đối xử với bất cứ ai dưới hàm đại uý chứ gì?”.
“Tôi không hiểu tại sao lại không nữa”, Dick nói, bỏ tay xuống. “Cô đã không giúp tôi trong những lúc tôi cần sự giúp đỡ nhất, và mỗi khi tôi cố làm gì đó vì cô, thì cô lại chỉ biết phàn nàn. Nếu cô muốn thì về đi, đồ chó cái ngu ngốc, nhưng đừng nghĩ rằng tôi sẽ chạy theo cô đâu”. Anh hầm hầm ra khỏi phòng ngủ, vớ mũ và gậy trên giá, xuống cầu thang và vọt ra cửa. Benson đứng cạnh chiếc xe vẫn đang nổ máy, chờ đưa ông chủ tới văn phòng.
“Đi mẹ nó đâu thì đi, mặc xác cô?” Anh vừa quát vừa chui vào xe.
“Xin lỗi, ngài bảo gì ạ?”, Benson hỏi.
Armstrong quay lại hỏi lái xe: “Cậu có vợ chưa, Reg?”.
“Chưa, thưa ngài. Hitler cứu tôi đúng lúc”.
“Sao lại Hitler?”.
“Vâng, đúng thế đấy. Tôi được gọi vào lính ba ngày trước khi hôn lễ được tiến hành”.
“Cô ta vẫn đợi anh chứ?”.
“Không, thưa ngài. Cô ta lấy người bạn thân nhất của tôi”.
“Anh vẫn thương cô ta chứ?”.
“Không, nhưng tôi thương thằng bạn”.
Armstrong cười trong khi Benson dừng xe ngoài văn phòng.
Người đầu tiên anh gặp khi vào là Sally. “Anh nhận được điện tôi nhắn chứ?” Cô ta hỏi.
Armstrong đứng phắt lại. “Điện nào?”.
“Tôi gọi về nhà anh, nhắn Charlotte nói với anh là thiếu tá Forsdyke cần gặp anh lúc chín giờ sáng nay”.
“Con mụ này!”, anh nói, đi thẳng qua mặt Sally ra cửa. “Hôm nay còn gì nữa không?” Anh vừa đi vừa nói như quát.
“Nhật trình không có gì, trừ chiêu đãi mừng Thống chế Auchinleck”, cô vừa chạy theo vừa nói. “Mời cả Charlotte. Anh phải có mặt ở CLB sĩ quan khoảng từ 7 giờ đến 7 giờ 30 phút. Tất cả các tướng lĩnh đều dự”.
Ra đến cửa, Armstrong nói với vào: “Ngày hôm nay tôi không quay lại văn phòng”.
Benson vội vàng dụi điếu thuốc lá vừa mới châm, “Đi đâu, thưa ngài,” trong khi Armstrong nhảy vào xe.
“Văn phòng thiếu tá Forsdyke, và tôi phải có mặt ở đó lúc chín giờ”.
“Nhưng thưa ngài…”, Benson vừa nổ máy vừa nói, song quyết định thôi không bảo sếp rằng chẳng ai có thể đến phía bên kia của khu vực trong vòng có mười bảy phút.
Armstrong xuống xe bên ngoài văn phòng của Forsdyke khoảng sáu mươi giây trước chín giờ. Benson thì mừng vì không bị quân cảnh chặn xe.
“Chào anh, Armstrong”, Forsdyke nói khi Dick bước vào. Anh ta đợi anh chào lại, nhưng không thấy. “Có việc gấp đây. Chúng tôi cần anh mang gói này đến cho bạn anh là thiếu tá Tulpanov”.
“Anh ta không phải là bạn tôi”, Armstrong nói cộc lốc.
“Không cần nhạy cảm như thế, anh bạn”, anh ta bảo. “Đến lúc này, anh nên biết là khi làm việc cho chúng tôi, anh không cần phải nhạy cảm như vậy”.
“Tôi không làm việc cho các anh”, Armstrong gầm lên.
Forsdyke nhìn người đứng phía bên kia bàn. Mắt anh ta nheo lại, miệng nhành ra. “Tôi biết anh có ảnh hưởng ở khu vực của Anh, đại uý Armstrong ạ. Nhưng tôi cũng xin nhắc rằng cho dù anh nghĩ mình có thế lực thế nào đi nữa, tôi vẫn cao hơn anh. Và có lẽ quan trọng hơn, tôi hoàn toàn không có ý định xuất hiện trên trang nhất của cái rẻ rách đáng sợ của anh đâu. Vì thế anh có thể đừng dại dột làm mình làm mẩy, mà hãy tiếp tục với công việc hiện nay”.
Im lặng kéo dài. “Anh muốn tôi chuyển một gói đồ”, cuối cùng Armstrong nói.
“Đúng thế”, viên thiếu tá trả lời. Anh ta mở ngăn kéo, lấy ra một cái hộp giống hộp giầy đưa cho Armstrong. “Hãy chuyển cho thiếu tá Tulpanov sớm nhất”.
Armstrong kẹp hộp vào nách, chào theo cách hơi cường điệu rồi ra khỏi văn phòng.
“Khu người Nga”, anh vừa quát vừa trèo vào xe.
“Vâng, thưa ngài”, Benson nói, hài lòng vì ít nhất cũng đã có đủ thời gian kéo vài hơi thuốc. Vài phút sau khi xe vào khu vực của Nga, Armstrong ra lệnh cho xe ghé lại bên đường.
“Đừng chạy đâu cho tới khi tôi quay lại”, anh nói, bước ra khỏi xe, đi về phía quảng trường Lênin.
“Xin lỗi ngài”, Benson nhảy ra khỏi xe, chạy vội theo.
Armstrong quay ngoắt lại, trừng mắt nhìn người lái xe. “Cái gì?”.
“Ngài có cần cái này không ạ?” Anh ta hỏi, giơ ra chiếc hộp giấy màu vàng.
Armstrong giật chiếc hộp, bỏ đi không nói gì. Benson tự hỏi không biết có phải sếp mình tới thăm bồ hay không, nhưng lúc này mới có mười giờ.
Mấy phút sau khi đến quảng trường Lênin, Armstrong cũng đã bớt bực dọc. Anh đi thẳng vào toà nhà, leo cầu thang qua phòng chỗ cô thư ký đang ngồi, sục thẳng vào văn phòng của Tulpanov.
“Xin lỗi ngài”, cô thư ký đang ngồi gọi với theo, nhưng đã quá muộn. Armstrong đến cửa văn phòng trước khi cô ta đuổi kịp. Anh đẩy cửa bước vào.
Anh đứng chết lặng khi thấy người mà Tulpanov đang nói chuyện là ai. “Xin lỗi ngài”, anh lắp bắp, vội vàng quay lui, suýt đâm sầm vào cô thư ký lúc đó đang chạy tới.
“Không sao đâu, Lubji”. Tulpanov nói. “Anh ở đây với chúng tôi cũng được”.
Armstrong quay người lại, đứng nghiêm chào. Anh cảm thấy mặt nóng bừng. “Thưa nguyên soái”, viên thiếu tá KGB nói. “Tôi không nghĩ ngài đã gặp đại uý Armstrong, phụ trách Văn phòng Kiểm soát Dịch vụ thông tin và Quan hệ công cộng trong khu vực của Anh”.
Armstrong bắt tay vị tổng chỉ huy khu vực của Nga, tiếp tục xin lỗi đã làm gián đoạn câu chuyện của ông, nhưng lần này bằng tiếng Nga. “Tôi rất vui được gặp anh”, nguyên soái Zhukov đáp bằng tiếng Nga. “Nếu tôi không nhầm, tối nay tôi sẽ gặp anh trong bữa tiệc”.
Armstrong tỏ vẻ ngạc nhiên. “Thưa ngài, tôi không nghĩ thế”.
“Ô, đúng đấy. Sáng nay tôi đã xem danh sách khách mời. Tôi được hân hạnh ngồi cạnh vợ anh”.
Sau đó là im lặng kéo dài, Armstrong quyết định không nói gì thêm. “Cám ơn ngài ghé thăm”, Tulpanov nói, phá tan im lặng. “Và cám ơn ngài đã giúp giải toả sự hiểu lầm”.
Thiếu tá Tulpanov hờ hững chào. Zhukov cũng nhạt nhẽo đáp lại, rồi đi không nói gì thêm. Sau khi cửa đã khép, Armstrong hỏi: “Trong quân đội Nga, nguyên soái thường tới thăm thiếu tá à?”.
“Chỉ khi đó là thiếu tá KGB”, Tulpanov mỉm cười nói. Mắt anh ta dán vào chiếc hộp. “Tôi thấy là anh đến chơi có mang theo quà tặng”.
“Tôi không biết đó là cái gì”, Armstrong nói, đưa cái hộp cho anh ta. “Chỉ thấy Forsdyke dặn đưa ngay tận tay cho anh”.
Tulpanov cầm chiếc hộp, từ từ cởi dây, trông giống đứa trẻ mở hộp quà tặng nhân dịp Giáng sinh. Sau khi bỏ lớp giấy nâu gói ngoài, anh ta nhấc nắp hộp thì bên trong là một đôi giầy da hiệu Church màu nâu. Tulpanov ướm chân. “Vừa khít”, anh ta vừa nói vừa nhìn mũi giầy bóng lộn. “Forsdyke có thể đúng là loại người mà anh bạn Max của anh gọi là đồ chó đẻ ngạo mạn, nhưng lại có thể rất hài lòng trong việc nhờ chọn lựa hàng hóa.”
“Vậy ra tôi chỉ là một anh chàng loong toong thôi sao?” Armstrong hỏi.
“Tôi đảm bảo với anh, trong quân đội Nga không có gì gọi chính xác hơn, Lubji ạ”.
“Tôi đã bảo Forsdyke, và tôi sẽ nói với anh…”, Armstrong bắt đầu cao giọng. Nhưng anh dừng lại ở giữa câu.
“Tôi hiểu rồi”, thiếu tá KGB nói. “Như người Anh nói, hôm nay anh xuống phía giường không đúng”.
Armstrong đứng trước mặt anh ta, tức run lên.
“Nói tiếp đi, Lubji. Hãy cho tôi biết anh đã bảo Forsdyke thế nào”.
“Không có gì. Tôi không nói gì cả”.
“Thế thì tôi lấy làm mừng”, anh ta nói. “Bởi vì anh phải hiểu rằng tôi là người duy nhất anh có thể nói thật mọi chuyện”.
“Tại sao anh dám cả quyết như thế?”.
“Bởi vì, giống như Faust, anh đã ký hợp đồng với ma quỷ, Lubji ạ”. Anh ta dừng lại. “Và cũng bởi vì tôi đã biết rõ cái mưu đồ nho nhỏ của anh để làm mất ổn định, một từ tiếng Anh diễn tả rất đúng ý định của anh, ông Julius Hahn”.
Armstrong tựa như định phản đốỉ. Viên thiếu tá nhướng mày, nhưng anh lại không nói gì.
“Lẽ ra anh phải cho tôi biết bí mật đó ngay từ đầu, Lubji ạ”, Tulpanov nói tiếp. “Lúc đó chúng tôi đã có thể giúp đỡ. Chúng tôi có thể ngừng cung cấp điện, ấy là chưa nói chuyện ngừng cung cấp giấy cho xưởng in của Hahn ở khu vực của Nga. Mà có lẽ anh cũng biết ông ta in toàn bộ các tạp chí trong một toà nhà cách nơi chúng ta đang đứng chỉ một tầm ném thôi. Giá như anh thổ lộ với chúng tôi, hẳn chúng tôi đã có thể thay đổi cách cá cược một ngàn đô la của đại úy Sackville.. một cách đáng kể”.
Armstrong vẫn không nói gì.
“Nhưng có lẽ đó chính là cái anh đã định làm. Một ăn ba thì cũng được đấy, chừng nào một trong ba đó là tôi, Lubji ạ”.
“Nhưng làm sao anh…”.
“Lại một lần nữa anh đánh giá thấp chúng tôi, Lubji. Nhưng yên tâm đi, chúng tôi vẫn còn nghĩ đến anh mà”.
Tulpanov bắt đầu đi về phía cửa. “Nhờ anh nói lại với Forsdyke khi gặp anh ta là đôi giầy vừa khít”.
Rõ ràng anh ta không có ý định mời anh ở lại ăn trưa. Armstrong đứng nghiêm chào, rời văn phòng Tulpanov, trở về xe với nét mặt cau có.
“Der Telegraf”, anh nói nhỏ.
Họ chỉ phải đợi ít phút ở vọng gác trước khi được phép vào khu vực của Anh. Khi Armstrong vào xưởng in của tờ Der Telegraf, anh ngạc nhiên thấy các máy in đang chạy hết công suất. Anh đi thẳng tới chỗ Arno đang kiểm tra các chồng báo mới.
“Sao vẫn còn in thế này?”, Armstrong nói to, trong tiếng máy ầm ầm. Arno chỉ về phía văn phòng; cả hai không nói gì cho tới khi vào tới nơi.
“Anh không biết à?” Ông ta hỏi, chỉ tay mời Armstrong ngồi xuống ghế.
“Biết cái gì?”.
“Tốì qua chúng ta bán được 350.000 số, mà họ vẫn còn muốn nữa”.
“350.000 số mà họ vẫn còn muốn thêm! Có chuyện gì vậy?”
“Hai ngày qua Der Berliner không xuất hiện trên đường phố. Sáng nay Julius Hahn gọi đến, bảo điện của ông ta đã bị cắt bốn mươi tám tiếng rồi”.
“Thật rủi ro quá thể”, Armstrong nói, cố làm vẻ thông cảm.
“Tệ hơn nữa, ông ta còn mất nguồn cung cấp giấy thường xuyên từ khu vực của Nga. Ông ta muốn biết chúng ta có bị như thế không”.
“Ông trả lời thế nào?”
“Tôi bảo chúng ta không bị rắc rối từ khi anh tiếp quản tờ báo”, Amo trả lời. Armstrong mỉm cười đứng dậy.
“Nếu ngày mai họ cũng không ra báo”, Arno nói khi Armstrong bắt đầu đi ra cửa, “chúng ta sẽ in ít nhất là 400.000 số”.
Armstrong khép cửa và nhắc lại “Thật rủi ro quá thể”.