Quo Vadis

Chương 7



Đã có thời những cái đầu cao ngạo nhất của thành Roma từng cúi thấp trước Akte, người tình xưa của Nerô. Song ngay cả hồi ấy nàng cũng không hề muốn can dự vào chuyện xã hội, và nếu như có khi nào đó nàng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với kẻ cầm quyền trẻ tuổi ẩy, thì chẳng qua cũng chỉ để cầu xin lòng thương cho một ai đó mà thôi. Lặng lẽ và nhún nhường, nàng được nhiều người hàm ơn mà chẳng biến kẻ nào thành thù địch với mình. Thậm chí, đến Oktavia cũng không thể thù ghét nàng. Đối với những kẻ hay ghen, nàng không có vẻ gì nguy hiểm cả. Về nàng, ai cũng biết rằng bao giờ nàng cũng yêu Nerô bằng một tình yêu buồn bã và đau đớn, một tình yêu không còn được nuôi sống bởi niềm hi vọng nữa, mà chỉ bằng hồi ức về những giây phút, khi cái gã Nerô ấy không chỉ còn trẻ hơn, còn yêu thương nàng, mà còn tương đối tốt bụng. Người ta cũng biết rằng nàng không thể dứt khỏi tâm linh và đầu óc những hồi ức ấy, song nàng chẳng hề chờ đón điều gì nữa cả, rằng quả thực không cần phải lo là Hoàng đế sẽ quay trở lại với nàng, người ta nhìn nàng như nhìn một sinh linh không hề có vũ khí tự vệ, và vì thế người ta để cho nàng được yên ổn. Poppea xem nàng là một người đầy tớ lặng lẽ và vô hại, đến nỗi ả không thèm yêu cầu đuổi nàng ra khỏi hoàng cung nữa.

Song, vì rằng đã có thời Hoàng đế yêu nàng, rồi bỏ rơi nàng không một chút ác cảm, một cách rất thản nhiên, – thậm chí có vẻ thân thiện nữa – nên người ta vẫn còn giữ lại cho nàng một ít đặc ân. Khi giải phóng nàng, Nerô cho nàng một tư thất riêng trong cung điện, trong đó có một phòng ngủ nhỏ cùng một nhúm kẻ hầu người hạ. Rồi vì có thời Palax và Narxyz, mặc dù là những nô lệ mới được hoàng đế Klauđius giải phóng, song không những được cùng ngồi dự các yến tiệc với Klauđius mà còn được chọn cho mình chỗ tốt vì là những đại thần có uy thế, nên thỉnh thoảng người ta cũng mời Akte ngồi cùng bàn với Hoàng đế. Người ta làm thế có lẽ vì dáng người tuyệt đẹp của nàng quả là thứ đồ trang sức chân chính cho bữa yến tiệc. Mà nói cho cùng, từ lâu Hoàng đế đã bỏ qua việc đắn đo cân nhắc trong khi lựa chọn bạn bè. Ngồi cùng bàn với Ngài là một mớ hỗn tạp đa dạng nhất của đủ mọi hạng người. Trong đó có mặt các vị nguyên lão, nhưng chủ yếu là những kẻ cam chịu làm thêm nghề hề nữa. Có mặt các vị quý tộc già và trẻ, thèm khát lạc thú, xa hoa và tiêu phí. Thường có mặt đám đàn bà mang những tên họ quyền quý nhưng đến đêm lại không ngần ngại đội lên đầu những bộ tóc giả đã phai màu đi tìm lạc thú giải trí trên các đường phố tối tăm. Cũng thường có cả mặt những vị quan chức cao cấp cùng các tăng lữ, những kẻ mà hễ ngồi bên hồ rượu đầy là lại rất vui lòng đích thân giễu cợt các vị thần thánh của mình, bên cạnh họ là đủ các loại tiện dân, gồm bọn xướng ca, kịch câm, nhạc công, vũ công và vũ nữ, đám thi sĩ mà khi xướng ngâm thi ca chỉ mơ tới những đồng xextexi sẽ được người ta ném xuống để thưởng công tán tụng những vần thơ của Hoàng đế, các nhà triết – học – ma – đói dõi mắt thèm thuồng nhìn các món ăn được bưng qua, và rốt cuộc, cả đám đánh xe đua nổi danh, bọn thầy tuồng, đám làm trò ảo thuật, lũ hề, bọn trefnix, cùng đủ mọi hạng quan tước được phong theo mốt hay do sự ngu xuẩn, hợp thành một đám người thời – thượng – phong – lưu – trong – vòng – một – ngày, trong số đó, không thiếu chi những kẻ cố dùng bộ tóc dài để giấu đi cặp dái tai bị đục thủng – dấu hiệu của nô lệ.

Những người nổi tiếng hơn được ngồi vào bàn tiệc, còn những kẻ kém thứ bậc thì giúp vui trong tiệc và chờ đợi giây phút lũ gia nhân cho phép chúng được lăn xả vào phần thừa của những món đồ ăn thức uống. Khách khứa thuộc loại này do Tygelinux và Vetelius cung cấp, và thường thường, họ còn buộc phải cung cấp luôn cả cho đám khách này những loại quần áo thích hợp với phòng khách của Hoàng đế; vả chăng, họ cũng rất thích đám khách ấy, vì sống giữa chúng, họ cảm thấy hết sức thoải mái. Sự xa hoa của cung đình dát vàng lên mọi thứ, làm cho tất cả đều được ánh lên. Đại nhân và tiểu nhân, đám con cháu của những dòng họ thế phiệt trâm anh cùng lũ vô lại đường phố, các nghệ sĩ lớn cùng lũ bòn mót được chút tài mọn, chen vai thích cánh nhau len vào hoàng cung để được trố mắt ngưỡng mộ sự xa hoa gần như vượt quá sức tưởng tượng của con người và được men tới gần kẻ ban phát mọi thứ ân sủng, của cải và tài sản, kẻ mà chỉ cần một lần ngự lãm cũng có thể hạ thấp họ xuống hoặc nâng họ lên cao tột cùng.

Ngày hôm ấy, cả Ligia cũng phải tham dự vào một bữa yến tiệc tương tự như thế. Nỗi sợ hãi, sự phấp phỏng, sự phẫn uất dễ hiểu sau bước ngoặt bất ngờ cùng ý muốn chống đối giằng co nhau trong lòng nàng. Nàng sợ Hoàng đế, hãi mọi người, ngại cái hoàng cung mà tiếng huyên náo khiến nàng loạn trí, sợ những bữa yến tiệc mà về sự tởm lợm của chúng nàng đã từng được nghe ông Aulux, bà Pomponia Grexyna và bạn bè của họ nói tới. Dẫu hãy đang còn là một thiếu nữ ít tuổi song nàng không phải là kẻ chưa hiểu biết gì, bởi vì vào thời ấy, ý niệm về cái ác từ rất sớm đã tác động ngay cả đến tai của lũ trẻ thơ. Vì vậy, nàng hiểu rằng, trong cung điện này, nàng bị đe dọa bị thất thân, điều mà bà Pomponia đã dặn nàng phải đề phòng lúc biệt ly. Song với một tâm hồn trẻ trung chưa hề biết đến sự hư đốn, lại được giác ngộ cái giáo lý cao siêu do bà mẹ nuôi truyền thụ, nàng nguyện sẽ tự vệ chống lại sự thất thân ấy; nàng thề với mẹ, với bản thân nàng và với Người Thầy Thiêng Liêng nọ, người mà nàng không những chỉ tin tưởng mà còn kính yêu bằng cả trái tim non trẻ của mình bởi vị ngọt ngào của giáo lý, vị cay đắng của cái chết và áng ngợi ca của sự phục sinh.

Nàng cũng biết chắc rằng, giờ đây cả ông Aulux lẫn bà Pomponia Grexyna sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nữa về những hành động của nàng, nàng nghĩ không hiểu có nên cưỡng lệnh mà không đi dự tiệc hay chăng. Trong lòng nàng, một bên là nỗi sợ hãi và sự lo âu lớn tiếng than vãn, còn bên kia lại nảy sinh ý muốn được thể hiện lòng can đảm, ý chí chịu đựng, dám dấn thân vào cực hình và chết chóc. Vả chăng, chính Thầy Thiêng Liêng cũng đã dạy nàng như thế. Chính Người đã làm gương trước hết. Bà Pomponia kể cho nàng nghe là những kẻ thành tâm nhất trong số các tín đồ hết lòng khát khao có được một sự thử thách như thế, họ cầu nguyện để được chịu thử thách. Ngay chính Ligia, hồi còn ở nhà ông bà Aulux cũng đã nhiều lần từng bị nỗi khao khát ấy ngự trị. Nàng tưởng thấy mình là một kẻ tử vì đạo, với những vết thương trên cánh tay và bàn chân trắng toát như tuyết, với một vẻ đẹp thiên giới tuyệt vời, được các vị thiên sứ cũng màu trắng tinh khiết như thế đưa dẫn lên chốn thẳm xanh; trí tưởng tượng của nàng thường thích hình dung ra những cảnh tương tự như thế. Trong đó có nhiều phần mơ ước trẻ thơ, song cũng pha chút lòng tự tôn do bà Pomponia truyền thụ cho. Giờ đây, khi việc cưỡng chống lại ý chí của Hoàng đế có thể sẽ mang lại sự trừng phạt khủng khiếp, khi những cực hình mà nàng hằng hình dung trong mơ ước có thể sẽ được biến thành sự thực, thì thêm vào những viễn cảnh tuyệt đẹp và sự ham muốn ấy còn có một nỗi tò mò – pha lẫn hãi hùng – nào đó, không hiểu người ta sẽ xử tội nàng ra sao đây, sẽ nghĩ ra cho nàng những thứ cực hình nào đây?

Cứ thế, tâm hồn hãy còn nữa phần trẻ thơ của nàng dao động giữa hai phía. Còn Akte, khi được biết những dao động đó, liền kinh ngạc nhìn nàng, cứ như nàng đang nói trong cơn mê sảng vậy. Chống lại ý muốn của Hoàng đế? Ngay từ đầu đã làm Người nổi giận? Phải là một đứa trẻ con chưa hiểu những điều mình nói mới định làm việc đó. Cứ theo lời Ligia thì nàng đâu phải là một con tin, mà chỉ là một thiếu nữ bị dân tộc mình bỏ rơi. Chẳng hề có thứ luật lệ nào giữa các dân tộc che chở cho nàng cả, mà dù có đi chăng nữa, thì một khi đã nổi cơn thịnh nộ, Hoàng đế cũng đủ hùng mạnh để chà đạp lên thứ luật lệ ấy. Hoàng đế thích thì bắt nàng mang về cung, và kể từ giờ trở đi, Người muốn sai khiến nàng thế nào tùy thích. Kể từ giờ, nàng chỉ còn cái quyền lệ thuộc vào ý chí của Hoàng đế, không một ý chí nào khác vượt nổi lên trên.

– Phải, – nàng nói tiếp – chính chị cũng từng đọc những bức thư của Đức Paven xứ Tarxu, chị hiểu rằng ở bên trên trái đất có Đức Chúa và con Chúa, người đã được sống lại, nhưng còn trên mặt đất thì chỉ có mỗi mình Hoàng đế mà thôi. Em hãy nhớ lấy điều ấy, Ligia ạ! Chị cũng hiểu rằng, giáo lý của em không cho phép em trở thành một kẻ như chị đã từng phải trải qua, rằng các em cũng giống như những người khắc kỷ mà Epiktet đã từng kể cho chị nghe, chỉ được phép chọn cái chết mà thôi, một khi cần phải lựa chọn giữa cái chết và sự ô nhục. Nhưng làm sao em lại dám chắc rằng chỉ có một cái chết đang chờ đón em chứ không phải là sự ô nhục? Em có nghe chuyện con gái của Xeyan, một đứa con gái hãy còn nhỏ, mà theo lệnh của Tyberius, để tuân theo đúng luật lệ quy định cấm xử tội chết đối với gái trinh, đã phải chịu nhục rồi mới được chết hay chăng? Ligia, Ligia em, chớ nên khiêu khích Hoàng đế! Đến giây phút quyết định, khi em phải lựa chọn giữa sự ô nhục và cái chết thì em có thể hành động theo như Chân lý của em chỉ lối, nhưng em chớ đi tìm cái chết và đừng vì một nguyên cớ vẩn vơ nào đó mà khiêu khích vị chúa tể vô cùng tàn bạo ấy của trái đất.

Akte nói với một tình thương yêu rất lớn lao và thậm chí rất sôi nổi, và vì rằng hơi cận thị nên nàng ghé sát khuôn mặt ngọt ngào của mình vào khuôn mặt Ligia như muốn theo dõi xem lời nói của mình gây nên ấn tượng như thế nào cho cô gái.

Ligia quàng tay ôm ghì lấy cổ nàng bằng một sự tin cẩn trẻ thơ và nói:

– Chị tốt quá, chị Akte ạ.

Đón nhận lời khen và lòng tin cẩn, Akte ôm chặt cô gái vào ngực mình, rồi gỡ tay của Ligia ra, nàng đáp:

– Hạnh phúc của chị đã qua đi, cả tình yêu cũng qua đi rồi, nhưng chị không phải là kẻ xấu bụng đâu em ạ.

Rồi bước những bước gấp gáp trong phòng, nàng nói với chính mình, vẻ gần như tuyệt vọng:

– Không! Cả chàng nữa cũng không phải là người xấu! Hồi đó, chính chàng cũng từng nghĩ rằng chàng tốt và mong muốn được là người tốt. Chị biết rõ mà. Còn tất cả những chuyện kia mãi sau này mới có… khi chàng không còn yêu nữa… Chính những kẻ khác đã khiến cho chàng trở thành như hiện nay – chính bọn chúng và ả Poppea!

Hàng mi nàng đẫm lệ. Ligia đưa cặp mắt xanh thẳm theo dõi nàng một lúc lâu, mãi sau nàng mới lên tiếng:

– Chị hãy còn tiếc nuối ngài ư, chị Akte?

– Chị tiếc chứ! – cô gái Hi Lạp âm thầm đáp lại

Rồi nàng lại bắt đầu bước đi, với hai tay nắm xiết chặt dường như đau đớn, với vẻ mặt bất lực.

Ligia rụt rè hỏi tiếp:

– Chị vẫn còn yêu Ngài ư, chị Akte?

– Yêu…

Rồi lúc sau nàng nói thêm:

– Ngoài chị ra không một ai yêu chàng cả.

Im lặng bao trùm. Akte cố gắng lấy lại sự bình tĩnh đã bị những hồi ức làm xáo động, mãi sau, nét mặt nàng mới có lại được nét ưu tư lặng lẽ thường nhật, nàng bảo:

– Ligia ơi, ta hãy nói về em nhé! Em chớ nghĩ tới chuyện cưỡng chống Hoàng đế làm gì. Đó chỉ là chuyện điên khùng mà thôi. Xin em hãy bình tâm lại đã. Chị hiểu rõ cái nhà này lắm, chị cho rằng về phía Hoàng đế thì chẳng có chuyện gì đe dọa em đâu. Nếu như Nerô ra lệnh bắt cóc em về cho Người thì hẳn Người đã chẳng ra lệnh mang em về cung điện Palatyn này làm chi. Ở đây, Poppea cai quản; còn Nerô, từ khi ả ta sinh hạ cho Người được một đứa con gái, lại càng bị lệ thuộc vào ả ta hơn… Không, Nerô quả có ra lệnh cho em phải có mặt trong bữa tiệc, nhưng cho tới nay, Hoàng thượng chưa hề trông thấy mặt em cũng chẳng hề hỏi han gì về em cả, vậy không phải là Người muốn em đâu. Có thể Người chỉ bắt em về do tức giận gì ông Aulux và bà Pomponia… Ngay Petronius có viết thư cho chị nhờ chị chăm sóc em, và cả bà Pomponia cũng viết cho chị – như em biết đấy – vậy có lẽ họ đã thỏa thuận với nhau. Cũng có thể ngài Petronius làm chuyện ấy theo lời yêu cầu của bà Pomponia. Nếu vậy, nếu đúng là cả ông ta cũng chăm lo tới em theo yêu cầu của bà Pomponia, thì sẽ chẳng có gì đe dọa em cả, và biết đâu được, có khi cả Nerô cũng sẽ bị ông ta thuyết phục lại trả em về với ông bà Aulux cũng nên. Chị không biết Nerô có yêu ông ta lắm không, nhưng chị biết rằng rất ít khi Người dám có ý kiến ngược với ông ta.

– Ôi, chị Akte! – Ligia đáp – Ngài Petronius đến nhà em trước khi bọn chúng bắt em đi, mẹ em thì lại nghĩ rằng sở dĩ Nerô đòi trả em là do sự xui khiến của ông ta đấy.

– Nếu thế thì hỏng, – Akte nói.

Nhưng sau khi suy nghĩ hồi lâu, nàng lại tiếp:

– Cũng có thể trong một bữa tối nào đó, Petronius đã vô tình kể cho Nerô rằng đã gặp ở gia đình Aulux một thiếu nữ con tin của dân Ligi, còn Nerô, vốn là người hay động lòng về quyền lực của mình, bèn đòi phải giao trả em, vì con tin là thuộc quyền Hoàng đế. Thêm nữa, Người cũng chẳng ưa gì ông Aulux và bà Pomponia. Không! Chị vẫn không thể nghĩ rằng vì muốn đoạt em từ tay ông bà Aulux mà ông Petronius lại dùng cách ấy. Chị không hiểu ông Petronius có tốt hơn những kẻ xun xoe chung quanh Hoàng đế hay không, song ông ta khác hẳn bọn chúng… Cùng lắm ngoài ông ta ra, có thể em còn thấy ai khác nữa muốn đứng ra bênh vực em chăng? Hồi ở nhà Aulux em có quen ai trong số các cận thần của Hoàng đế hay không?

– Em thường gặp ngài Vexpazian và Tylux.

– Hoàng đế chẳng ưa họ đâu.

– Cả ngài Xeneka nữa.

– Ngài Xeneka mà khuyên một đằng thì chắc chắn Nerô lại làm một nẻo.

Khuôn mặt trong sáng của Ligia chợt ửng hồng:

– Và chàng Vinixius.

– Chị không biết anh ta.

– Chàng là một người bà con của Petronius mới từ Acmênia trở về.

– Thế em có nghĩ là Hoàng đế thích anh ta không?

– Mọi người ai cũng yêu mến Vinixius.

– Còn anh ta thì muốn bênh vực em?

– Vâng ạ.

Akte mỉm cười âu yếm:

– Thế thì chắc em sẽ được gặp mặt chàng trong bữa tiệc. Em phải có mặt trong bữa tiệc, trước hết vì em buộc phải thế… Chỉ có một đứa trẻ như em mới dám nghĩ khác mà thôi. Thứ hai, nếu em muốn được trở về nhà ông bà Aulux thì trong tiệc em hãy tìm cách khẩn cầu ngài Petronius và chàng Vinixius, để bằng ảnh hưởng của mình, họ xin cho em được phép quay về nhà. Nếu có mặt ở đây, họ cũng sẽ nói với em như chị nói, rằng thật là điên rồ và cầm chắc cái chết nếu định chống lại. Rất có thể Hoàng đế sẽ không lưu ý đến sự vắng mặt của em, song nếu như Người nhận thấy và nghĩ rằng em cố tình dám chống lại ý chí của Người, thì không còn gì cứu nổi em nữa. Đi nào, Ligia. Em có nghe tiếng ồn ào trong nhà đấy không? Mặt trời đang xuống thấp rồi, chẳng mấy chốc khách khứa sẽ bắt đầu kéo tới đấy.

– Chị nói phải, chị Akte ạ, – Ligia đáp – em sẽ làm theo lời khuyên của chị.

Thật ra, chính bản thân Ligia cũng không hiểu rõ bao nhiêu phần trong cái quyết định đó là ý muốn được gặp Vinixius và ông Petronius, còn bao nhiêu phần là sự tò mò của phụ nữ muốn có một lần trong đời được trông thấy một bữa yến tiệc, trong ấy có mặt cả Hoàng đế, các triều thần, cả nàng Poppea lừng danh cùng bao nhiêu trang tuyệt thế giai nhân khác, thấy cảnh xa hoa vô kể được người ta đồn đại như chuyện thần thoại ở Roma. Song Akte có lý theo cách nghĩ của mình, và cô gái cảm thấy rõ điều đó. Cần phải đi, nên khi sự bắt buộc và lý chí thuần túy cùng ủng hộ cho niềm ham muốn ngấm ngầm thì nàng không còn do dự gì nữa.

Akte dẫn cô gái đến buồng trang điểm riêng của mình để xức dầu thơm và thay đổi y phục, và mặc dù trong cung chẳng thiếu chi nô tỳ, bản thân Akte cũng có riêng nhiều kẻ hầu người hạ, nhưng đồng cảm với cô gái mà sự trong trắng và sắc đẹp đã chinh phục trái tim nàng, Akte quyết định tự mình trang điểm cho thiếu nữ. Và hóa ra, mặc dù nàng đang mang nỗi u buồn, dù nàng đã từng được đọc những bức thư của Đức Paven xứ Tarxu, người phụ nữ Hi Lạp trẻ trung này vẫn mang nhiều nét tâm hồn Helena thuở trước, đối với tâm hồn ấy, cái đẹp của cơ thể có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn hẳn mọi thứ khác trên đời. Sau khi cởi bỏ xiêm y cho Ligia, nhìn thấy hình vóc vừa mảnh mai vừa đầy đặn, dường như được tạc bằng ngọc trai và hoa hồng của cô gái, nàng không kìm nổi một tiếng kêu kinh ngạc, vừa lùi lại mấy bước, nàng đắm đuối ngắm nhìn thân thể thanh xuân khôn sánh ấy:

– Ligia! – mãi sau nàng mới thốt lên, – em còn đẹp hơn Poppea gấp trăm lần!

Còn thiếu nữ, được dạy dỗ trong ngôi nhà nghiêm khắc của bà Pomponia, nơi người ta gìn giữ sự kín đáo ngay cả khi chỉ còn toàn phụ nữ với nhau, nàng đứng đó – tuyệt vời như một giấc mộng đẹp tuyệt vời, hài hòa như một tác phẩm của Prakxytelex, như một khúc ca, song bối rối, ửng hồng vì hổ thẹn, hai đầu gối khép chặt lại, đôi cánh tay ôm vòng che lấy ngực và hàng mi hạ xuống. Rồi đột ngột, nàng vươn tay lên, rút ra những chiếc trâm giữ tóc, và chỉ trong một giây, bằng một cái lắc đầu, mái tóc nàng đã như một tấm áo choàng che kín lấy thân thể.

Akte liền tiến lại gần, sờ tay vào những lọn tóc màu sẫm của nàng và nói:

– Ô, tóc của em mới tuyệt vời làm sao chứ! Chị sẽ chẳng cần rắc phấn vàng lên tóc làm gì, tự nó cũng đã có ánh vàng ở những chỗ lượn sóng rồi. Có thể chị sẽ điểm xuyết thêm đôi chút ánh vàng ở chỗ này chỗ nọ, nhưng chỉ thật nhẹ thôi, thật nhẹ để như có ngọn lửa làm sáng óng thêm làn tóc. Quê hương Ligi của các em hẳn phải tuyệt vời lắm mới có thể sản sinh ra những người con gái như em.

– Em không còn nhớ được gì về quê hương cả, – Ligia đáp – Bác Urxux kể với em rằng quê em toàn rừng, rừng và rừng.

– Trong rừng thì nở đầy hoa, – Akte vừa nói vừa nhúng tay vào chiếc lọ chứa đầy mã tiên thảo và xoa lên tóc Ligia.

Làm xong việc ấy, nàng bắt đầu dùng dầu thơm A Rập xoa rất nhẹ nhàng lên toàn thân Ligia, rồi tiếp đó, mặc cho cô gái một chiếc áo tunica không tay màu vàng mềm mại, để bên ngoài sẽ mặc thêm một áo dài peplum màu trắng như tuyết nữa. Song vì trước đó còn phải chải tóc nên nàng khoác lên người con gái một cái áo choàng rộng, gọi là synthesis, đặt cô ngồi lên ghế cho đám nữ tỳ phục dịch và đứng lùi ra xa một quãng để theo dõi việc chải chuốt. Hai thị nữ cùng một lúc mang vào chân cho Ligia đôi hài màu trắng thêu màu chỉ huyết dụ, buộc vào cổ chân trắng nuột nà bằng những dải màu vàng. Khi tóc đã chải xong, người ta mặc cho cô gái một chiếc áo dài peplum tuyệt đẹp có những nếp gấp mềm mại, rồi sau khi đeo cho nàng một chuỗi hạt ngọc trai quanh cổ và điểm thêm chút bụi vàng lên những lượn sóng tóc, Akte mới truyền lệnh trang điểm cho bản thân mình, song suốt trong thời gian ấy, nàng vẫn đưa cặp mắt ngưỡng mộ ngắm nhìn Ligia.

Akte trang điểm xong thì cũng vừa lúc trước cổng chính xuất hiện những chiếc kiệu đầu tiên, cả hai bên bước ra hàng hiên ẩn phía bên, từ nơi ấy thấy rõ cổng chính, dãy hành lang có mái bên trong và khoảng sân có hàng cột bằng cẩm thạch Numiđi vây quanh.

Mỗi lúc thêm nhiều người bước qua dưới vòm cung cao vút của chiếc cổng lớn, bên trên cổng có cỗ xe tứ mã tuyệt vời của Lizyp trông như đang đưa thần Apolon và nữ thần Điana bay lên khoảng không. Mắt Ligia choáng ngợp trước một cảnh tượng kỳ thú, một cảnh tượng mà ngôi nhà của ông Aulux không thể mang lại cho nàng một chút ý niệm nào cả. Lúc ấy, mặt trời đang lặn, và những tia sáng cuối cùng của hàng cột khiến chúng sáng ánh lên như bằng vàng thật đồng thời lại ngả sang sắc hồng hồng. Giữa các cột bên cạnh những pho tượng màu trắng của các tiên nữ Đinaiđa và tượng các vị thần khác cùng những anh hùng, trôi đi những đám người, đàn ông và đàn bà, trông cũng giống hệt như các pho tượng, bởi lẽ họ cũng khoác những chiếc toga peplum hoặc xola với những nếp gấp mềm mại duyên dáng tuôn dài xuống tận đất, trên đó tắt dần đi ánh mặt trời đang lặn. Pho tượng dũng sĩ Herkulex khổng lồ, đầu vẫn đang ngập trong ánh sáng, nhưng từ ngang ngực trở xuống đã chìm vào bóng râm của hàng cột, đang từ trên cao nhìn xuống đám người đó. Akte chỉ cho Ligia thấy các vị nguyên lão mặc những chiếc toga có viền rộng, những chiếc áo tunica đủ màu và mang hình bán nguyệt trên giầy, các vị hiệp sĩ, các nghệ sĩ nổi tiếng cùng các phu nhân La Mã với trang phục La Mã, y trang Hi Lạp hay trang phục kỳ thú của phương Đông với những mái tóc được cuộn cao thành hình nón, hình kim tự tháp hoặc chải thấp xuống sát đầu theo kiểu các pho tượng của các nữ thần và được tô điểm thêm bằng những đóa hoa. Nhiều người cả đàn ông lẫn đàn bà, được Akte gọi tên kèm theo các mẩu chuyện nho nhỏ, nhiều chuyện thật khủng khiếp, khiến cho Ligia sợ hãi, kinh ngạc và thán phục. Đối với nàng, đấy là cái thế giới kỳ lạ mà vẻ đẹp khiến nàng lóa mắt, nhưng những mâu thuẫn của nó thì trí óc trẻ thơ của nàng không sao tiếp thu nổi. Trong ánh chiều trên bầu trời, giữa những hàng cột bất động khuất dạng về phía sau, giữa đám người trông giống hệt những pho tượng ấy, có một vẻ thanh bình kỳ vĩ nào đó, dường như giữa những khối cẩm thạch thẳng tuột kia chỉ có những vị nửa thần thánh nào đó, không gợn một chút ưu tư, đầy viên mãn và hạnh phúc sinh sống mà thôi, trong khi đó thì giọng nói khẽ khàng của Akte cứ chốc chốc lại vạch trần một điều bí mật kinh khủng nào đó của cái cung điện này, của những con người kia. Này đây, ở phía đằng xa có thể trông thấy hàng hiên ẩn, mà trên các cột và sàn nhà của nó hãy còn đỏ bầm những vết máu của Kaligula bắn tóe lên lên mặt đá cẩm thạch trắng khi bị ngã xuống dưới lưỡi đao của Kaxius Serea, nơi đó người ta đã giết cả vợ của ông ta, nơi đó người ta đập đầu con ông ta vào đá, nơi đó, bên dưới một cánh cửa toà nhà, có chiếc hầm ngầm, trong đó Đruxux – Em đã phải tự gặm cánh tay mình vì quá đói, nơi đó người ta đã đầu độc Đruxux – Anh, nơi đó Gemelux từng phải rú lên kinh hoàng, nơi ấy Klauđius đã giẫy chết, nơi ấy cả Germanik cũng thế. Khắp chốn, những bức tường kia đã từng nghe tiếng rền rĩ và than vãn của những kẻ hấp hối, còn những người lúc này đang vội vã bước vào yến tiệc trong những chiếc áo toga, những chiếc tunica nhiều mầu với muôn sắc hoa và đồ trang sức kia, rất có thể là những kẻ ngày mai sẽ phải chịu tội hình. Có thể trên không ít gương mặt, nụ cười đang che giấu đi nỗi hãi hùng, lo lắng, sự phấp phỏng ở ngày mai, rất có thể chính lúc này đây, cơn sốt của lòng tham lam và ghen tỵ đang sôi lên trong tim những vị nửa thần thánh có bề ngoài không chút ưu tư và đang được ngưỡng mộ ấy. Những ý nghĩ hoảng hốt của Ligia không sao theo kịp những lời kể của Akte, và trong khi thế giới kỳ diệu nọ thu hút mắt nàng mỗi lúc một mạnh hơn, thì con tim nàng càng ngày càng bị nỗi kinh hoàng bóp nghẹt, và trong tâm hồn nàng bỗng trào lên một niềm nhớ tiếc vô biên không thể nói thành lời với bà Pomponia Grexyna, đối với ngôi nhà yên bình của ông bà Aulux, trong đó tình yêu chứ không phải tội ác ngự trị.

Trong khi đó, từ Vieux Apolinix mỗi lúc lại tràn về thêm những làn sóng khách khứa mới. Từ bên ngoài cổng lớn vang vào tiếng huyên náo và những tiếng kêu của dân chúng tiễn theo những người bảo trợ của họ. Khoảng sân trong và các hàng cột tấp nập hàng đàn hàng lũ nô lệ, nô tỳ của Hoàng đế, các tiểu đồng và lính cấm vệ đang canh phòng cung điện. Đây đó, giữa những khuôn mặt da trắng hay xam xám, đỏ rực lên bộ mặt của một người Numiđi với cái mũ trụ cài lông chim và những chiếc khuyên lớn mạ vàng đeo lủng lẳng ở tai. Người ta mang tới những chiếc đàn thi cầm, đàn tranh, hàng bó chồi cây được nuôi trồng nhân tạo dù tiết thu đã muộn, những bó hoa, những cây đèn tay bằng bạc, bằng vàng và bằng đồng. Tiếng ồn của những lời trò chuyện mỗi lúc rộ lên, hoà với tiếng rào rào của vòi phun nước, với những tia nước uốn cong hồng rực ánh chiều rơi từ trên cao xuống mặt đá cẩm thạch và vỡ toé ra trên đó với tiếng như nức nở.

Akte đã ngừng kể, nhưng Ligia vẫn dõi nhìn mãi, dường như đang cố tình tìm ai đó trong các đám đông. Bỗng mặt nàng ửng hồng, Vinixius và Petronius xuất hiện giữa những hàng cột và đang bước về phía phòng tiệc lớn, tươi đẹp, bình thản, và trong những chiếc áo toga của mình, trông họ giống hệt các vị thần màu trắng. Ligia cảm thấy như trút được gánh nặng quá sức khỏi lòng mình, khi mà giữa những kẻ xa lạ, nàng được thấy hai gương mặt quen thuộc và thân ái đó, nhất là khi nàng nhìn thấy Vinixius. Nàng cảm thấy ít cô đơn hơn. Và nỗi nhớ tiếc vô biên về bà Pomponia và ngôi nhà của giòng họ Aulux một phút mới đây vừa trào sôi lên trong lòng nàng bỗng thôi không cào xé nữa. Lòng ham muốn được gặp Vinixius và được trò chuyện cùng chàng át đi những tình cảm khác. Nàng bất lực nhớ lại tất cả những cái xấu xa đã được nghe kể về hoàng gia, cả những lời kể của Akte lẫn những lời dặn dò của bà Pomponia. Song mặc những lời kể chuyện cùng những lời căn dặn ấy, nàng bỗng cảm thấy rằng nàng có mặt trong bữa tiệc này không những chỉ vì bị bắt buộc mà còn chính vì nàng cũng muốn thế nữa; lòng nàng tràn ngập niềm vui sướng khi nghĩ rằng chỉ chốc nữa thôi nàng sẽ được nghe giọng nói có duyên và đáng yêu nọ, cái giọng sẽ nói với nàng về tình yêu và hạnh phúc có thể sánh ngang các vị thần, giọng nói cho tới nay vẫn còn ngân vang trong lòng nàng như một khúc ca.

Chợt nàng lại thấy sợ hãi niềm vui ấy. Nàng cảm thấy hình như chính vào giây phút này đây nàng đang phản bội lại cái giáo thuyết thanh cao mà nàng được giáo huấn, phản bội cả bà Pomponia lẫn bản thân nàng. Bị bắt buộc phải đi dự tiệc là một chuyện, còn vui mừng vì sự bắt buộc ấy là một chuyện hoàn toàn khác. Nàng cảm thấy mình có lỗi, không xứng đáng và lầm lạc. Một nỗi tuyệt vọng tràn ngập trong lòng nàng khiến nàng muốn oà lên khóc. Giá như chỉ có một mình thì hẳn nàng đã quỳ sụp xuống và vừa đập tay vào ngực vừa lặp đi lặp lại: Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi! Song giờ đây, nắm tay nàng, Akte đang dắt nàng qua gian nội cung đi tới phòng ăn lớn, nơi sẽ diễn ra bữa yến tiệc, mắt nàng hoa lên, tai nàng ù đi bởi những xúc động nội tâm, nhịp đập gấp gáp của trái tim khiến nàng nghẹn thở. Như trong mơ, nàng nhìn thấy hàng nghìn đèn nến chập chà chập chờn trên bàn và trên tường, như trong mơ nàng nghe tiếng kêu của mọi người chào đón Hoàng đế, nàng trông thấy Hoàng đế như nhìn qua một lớp sương mờ. Tiếng kêu thét khiến tai nàng ù đặc, ánh sáng làm nàng loá mắt, những mùi hương khiến nàng ngây ngất, và trong trạng thái gần như bất tỉnh, nàng chỉ còn mơ hồ nhận thấy Akte đưa nàng ngồi vào bàn rồi ngồi xuống bên nàng.

Lát sau, chợt một giọng trầm trầm quen thuộc vang lên từ phía bên kia:

– Xin chúc sức khoẻ con người đẹp nhất trong số những nàng trinh nữ trên mặt đất và những vì tinh tú trên bầu trời! Xin chúc sức khoẻ nàng, hỡi Kalina tiên nữ!

Hơi định thần lại, Ligia nhìn sang: bên cạnh nàng là Vinixius.

Chàng không còn mặc áo toga, vì để được thoải mái và thuận theo phong tục, chàng đã cởi áo toga trước khi bước vào tiệc. Thân thể chàng chỉ còn được phủ một chiếc áo tunica không tay màu huyết dụ có thêu những cây cọ bằng bạc. Tay chàng để trần, và theo phong tục Đông phương, được trang điểm bằng hai chiếc vòng vàng rộng bản đeo bên trên khuỷu tay, phía dưới là cẳng tay được nhổ sạch lông, rất nhẵn nhụi nhưng cuồn cuộn bắp thịt, cánh tay của một người lính sinh ra là để cầm gươm và khiên. Đầu chàng đội một vòng hoa hồng. Với đôi lông mày giao nhau trên sống mũi, với đôi mắt tuyệt đẹp và nước da rám nắng, chàng là hiện thân của tuổi thanh xuân và sức lực, Ligia thấy chàng đẹp đến nỗi, mặc dù sự choáng váng ban đầu của nàng đã qua đi, nhưng nàng cũng chỉ đủ sức đáp lại:

– Xin chúc sức khoẻ chàng, Marek…

Chàng nói:

– Hạnh phúc thay đôi mắt của tôi khi được nhìn thấy nàng, hạnh phúc thay đôi tai của tôi khi tôi được nghe nàng nói, giọng nói mà đối với tôi còn đáng yêu hơn tiếng đàn tiếng sáo. Nếu như người ta bảo tôi lựa chọn ai, – nàng, hỡi Ligia, hay nữ thần sắc đẹp Venux – sẽ là người ở cạnh tôi trong bữa tiệc này, tôi sẽ xin được chọn nàng thôi, hỡi tiên nữ!

Và chàng bắt đầu nhìn chăm chăm, như được ngắm nàng cho thoả, mắt chàng thiêu đốt da thịt nàng. Ánh mắt của chàng trượt dần từ khuôn mặt nàng xuống cổ và đôi vai trần, vuốt ve những đường nét tuyệt diệu của nàng, mơn trớn, cuốn lôi và hưởng thụ nàng, song bên cạnh dục vọng, trong ánh mắt chàng vẫn sáng lên niềm hạnh phúc, lòng thương mến và một sự ngưỡng mộ không bờ bến.

– Tôi biết trước là sẽ được gặp nàng tại hoàng cung – chàng nói tiếp. – Song khi nhìn thấy nàng, cả tâm hồn tôi rung động một niềm vui to lớn như được gặp hạnh phúc hoàn toàn không ngờ trước vậy.

Tĩnh trí lại, và cảm thấy rằng trong cái đám người này, trong ngôi nhà này, chàng là sinh linh duy nhất gần gụi với nàng, Ligia bắt đầu trò chuyện cùng chàng và hỏi chàng về tất cả những chuyện mà nàng không sao hiểu nổi, những chuyện đã khiến nàng sợ hãi. Tại sao chàng lại biết trước là sẽ gặp nàng ở hoàng gia và tại sao nàng lại phải vào đây? Tại sao Hoàng đế cướp nàng khỏi tay bà Pomponia? Nàng sợ hãi nơi đây và muốn được trở về với bà. Hẳn nàng sẽ chết heo hắt vì nhớ thương và lo lắng nếu như không có niềm hi vọng là ông Petronius và chàng sẽ giúp nàng cầu xin Hoàng đế.

Vinixius kể cho nàng hay là chàng được chính ông Aulux cho biết việc nàng bị bắt đi. Tại sao nàng được đưa về đây thì chàng không được rõ. Hoàng đế chẳng hề thổ lộ với ai nguyên do những quyết định và mệnh lệnh của mình. Song xin nàng hãy bình tâm. Bởi vì chàng, Vinixius, đang ở bên nàng và sẽ ở bên nàng. Thà chàng mất đi đôi mắt còn hơn là không được trông thấy nàng, thà chàng phải chết còn hơn rời bỏ nàng. Nàng là linh hồn của chàng, chàng sẽ bảo vệ nàng như giữ gìn linh hồn của chính mình. Tại nhà mình, chàng sẽ xây cho nàng một bàn thờ như cho một vị thần của riêng chàng, trên bàn thờ đó chàng sẽ dâng hiến nhựa lô hội và nhựa thơm, về mùa xuân thì dâng hoa xaxanka và hoa táo. Và nếu nàng thấy e sợ nơi chốn hoàng gia thì chàng xin thề với nàng rằng nàng sẽ không phải ở lại trong ngôi nhà này nữa.

Mặc dù chàng nói quanh co và đôi chỗ bịa đặt, nhưng trong giọng nói của chàng vẫn cảm thấy sự thật, bởi lẽ những tình cảm của chàng là chân thực. Lòng chàng tràn ngập một tình thương chân thành, và những lời nói của nàng thấm sâu vào tâm hồn chàng đến nỗi khi nàng cảm ơn và đoan chắc với chàng rằng bà Pomponia sẽ yêu mến chàng vì lòng hảo tâm của chàng, còn nàng suốt đời mang ơn chàng, thì chàng không sao kìm nổi xúc động, chàng ngỡ rằng trong đời chàng sẽ không bao giờ có thể cưỡng lại lời cầu xin của nàng. Trái tim chàng như tan ra. Sắc đẹp của nàng làm cho các giác quan của chàng đắm đuối, chàng vừa khao khát nàng, vừa cảm nhận được rằng, đối với chàng, nàng xiết bao gần gũi và yêu dấu, rằng quả thật chàng có thể thờ phụng nàng như một vị thần, đồng thời chàng cũng cảm thấy cái nhu cầu không thể kìm hãm được là phải được nói về sắc đẹp của nàng và lòng ngưỡng mộ của chàng đối với nàng, và vì rằng tiếng ồn ào trong tiệc mỗi lúc một lớn thêm, chàng bèn xích lại sát nàng hơn và thủ thỉ với nàng những lời lẽ tốt lành, ngọt ngào tuôn trào tự đáy lòng, những lời lẽ thánh thót như tiếng nhạc và làm người ta say mê như rượu vang.

Và chàng đã khiến nàng say ngây ngất. Giữa những kẻ xa lạ vây quanh, nàng thấy chàng mỗi lúc một thêm gần gũi, mỗi lúc một đáng yêu hơn, hoàn toàn đáng tin cậy và sẵn sàng dâng hiến cả tấm lòng. Chàng yên ủi nàng, hứa sẽ cứu nàng thoát khỏi hoàng cung, hứa sẽ không rời bỏ nàng và sẽ phục vụ nàng. Thêm vào đó, hồi trước ở nhà ông bà Aulux chàng chỉ nói với nàng một cách chung chung về tình yêu và hạnh phúc mà nàng có thể mang lại, còn giờ đây chàng thổ lộ thẳng rằng chàng yêu nàng, rằng nàng là người yêu quý nhất, thân thiết nhất của chàng. Lần đầu tiên Ligia được nghe những lời như thế từ miệng đàn ông, càng nghe nàng càng cảm thấy như có cái gì đó trong lòng nàng chợt tỉnh khỏi giấc điệp mơ mộng, lòng nàng chứa chan một thứ hạnh phúc nào đó, trong ấy niềm vui sướng vô biên trộn lẫn với nỗi lo lắng vô bờ. Gò má nàng nóng bừng lên, tim nàng đập mạnh, môi nàng hé mở như kinh ngạc điều gì. Nàng vừa sợ hãi vì nghe những điều ấy, vừa không muốn đánh đổi lấy bất cứ thứ gì trên đời để phải bỏ qua mỗi lời nàng nói. Chốc chốc, nàng lại hạ mi mắt xuống để rồi lại ngước lên nhìn Vinixius với cái nhìn long lanh, vừa e ấp, vừa dò hỏi, dường như nàng muốn nói với chàng: “xin chàng hãy nói nữa đi!” Tiếng ồn ào, âm nhạc, hương hoa và mùi trầm hương Ả Rập lại bắt đầu khiến nàng ngây ngất. Ở La Mã có phong tục nằm trong khi dự tiệc song lúc ở nhà, Ligia thường nằm giữa bà Pomponia và chú bé Aulux. Còn giờ đây nằm bên nàng là chàng Vinixius trẻ trung, lực lưỡng, đang yêu say đắm, si mê. Cảm thấy sức nóng toát ra từ người chàng, nàng vừa xấu hổ vừa hân hoan. Một sự đê mê dịu ngọt nào đó, một sự ngây ngất và lãng quên nào đó chế ngự nàng, nàng như chìm vào giấc mộng.

Song sự gần gũi với nàng cũng bắt đầu tác động cả tới chàng nữa. Mặt chàng tái đi. Cánh mũi chàng phồng ra như một con ngựa phương Đông. Trái tim chàng đập loại nhịp dưới làn áo tunica màu huyết dụ, hơi thở chàng trở nên gấp gáp và lời của chàng cứ đứt quãng trên môi. Cả chàng nữa, cũng chỉ mới lần đầu tiên được gần gũi nàng đến thế. Những ý nghĩ của chàng bắt đầu hỗn độn, chàng cảm thấy trong mạch máu bốc lửa. Thứ lửa mà chàng muốn dùng rượu vang dập tắt đi song chỉ vô hiệu. Chưa phải rượu vang mà chính khuôn mặt tuyệt vời của nàng, đôi cánh tay trần của nàng, bộ ngực trinh nữ phập phồng dưới làn áo tunica màu vàng, thân hình nàng khuất dưới những nếp gấp trắng trong của chiếc áo peplum, mới khiến cho chàng một lúc một thêm say ngây ngất. Chàng cầm lấy cánh tay nàng ở phía trên cổ tay như đã có lần chàng làm hồi ở nhà ông bà Aulux, và vừa kéo nàng về phía mình, chàng vừa thì thào bằng đôi môi run rẩy:

– Ta yêu em, Kalina… tiên nữ của ta

– Marek, buông em ra – Ligia nói

Song chàng vẫn tiếp tục nói với đôi mắt đã phủ một lớp sương mù:

– Tiên nữ của ta! Hãy yêu lấy ta!

Chính lúc ấy vang lên tiếng nói của Akte, người đang nằm phía bên kia Ligia:

– Hoàng đế đang nhìn các người kìa!

Một cơn giận đột ngột cả đối với Hoàng đế lẫn Akte chợt bùng lên trong lòng Vinixius. Lời nàng nói xua tan mất cái huyền diệu của sự đắm đuối. Vào lúc ấy, đối với chàng thanh niên, ngay cả tiếng nói thân tình cũng có vẻ đáng ghét, chàng cho rằng Akte cố tình cản trở chàng trò chuyện cùng Ligia.

Vì vậy, chàng ngẩng đầu lên nhìn người nô tỳ được giải phóng trẻ tuổi qua vai Ligia và nói một cách cay độc:

– Hỡi Akte, đã qua rồi cái thời nhà ngươi được nằm nghỉ bên cạnh Hoàng đế trong yến tiệc, mà người ta nói rằng ngươi đang bị chứng mù loà đe doạ, vậy làm sao ngươi lại có thể trông thấy Hoàng đế?

Nàng đáp lại vẻ buồn buồn:

– Vậy mà tôi vẫn trông thấy Hoàng đế… Người cũng cận thị nên đang nhìn các ngươi qua một viên ngọc bích kia kìa!

Mọi cái Nerô làm đều khiến cho người ta – ngay cả những người thân cận Ngài nhất – phải cảnh giác, nên bất chợt, Vinixius bỗng thấy lo lắng nguội bớt tình cảm đi và thận trọng liếc nhìn về phía Hoàng đế. Ligia, lúc đầu bữa tiệc vì đang còn bối rối nên chỉ nhìn thấy Hoàng đế lờ mờ như qua một làn sương mờ, rồi sau đó nàng lại bị thu hút bởi sự có mặt của Vinixius và việc trò chuyện cùng chàng nàng hoàn toàn không hề nhìn, lúc này nàng cũng hướng đôi mắt vừa tò mò vừa e sợ về phía Ngài.

Akte nói đúng, Hoàng đế đang khom người trên bàn, một mắt nheo lại, và lấy tay giữ một viên bích ngọc hình tròn được mài bóng – mà Ngài thường dùng – trên con mắt bên kia đang nhìn họ. Trong một giây, cái nhìn của ngài gặp cặp mắt của Ligia và trái tim cô gái thắt lại vì kinh hoàng. Khi nàng còn là một đứa trẻ sống ở trại ấp miền Xixylia của ông bà Aulux, một nô tỳ già người Ai Cập thường kể cho nàng nghe về những con rồng sinh sống trong chốn núi thẳm rừng sâu, giờ đây nàng ngỡ như con mắt màu lục của một con rồng như thế đột nhiên chiếu thẳng vào mắt nàng. Nàng chụp lấy tay Vinixius, hệt như một đứa trẻ đang sợ hãi. Bao ấn tượng hỗn độn và đổi thay nhau ùa vào óc nàng. Y đấy ư? Chính con người khủng khiếp có quyền làm tất thảy mọi chuyện đấy ư? Cho tới nay, nàng chưa bao giờ trông thấy mặt y và nàng hình dung về y khác hẳn. Nàng hình dung ra một bộ mặt gớm ghiếc bằng đá mang những nét dữ tợn, thế mà giờ đây nàng lại trông thấy một cái đầu lớn trên chiếc cổ to bành, cái đầu quả là đáng sợ nhưng lại hơi buồn cười bởi nhìn từ xa trông giống như đầu trẻ con. Chiếc áo tunica màu ngọc tím, màu cấm dùng đối với người phàm trần, hắt ánh xam xám lên bộ mặt ngắn ngủn to ngang của y. Tóc y màu sẫm, để theo mốt của chàng Otho thành bốn lượn phồng lên. Y không có râu cằm, vì cách đây chưa lâu y đã cạo để dâng hiến thần Jupiter, một hành động mà cả La Mã đã phải bày tỏ lòng biết ơn lên y, mặc dù người ta vẫn xì xào với nhau rằng y hiến bộ râu cằm chẳng qua vì bộ râu của y màu hung hung đỏ như tất thảy mọi người trong dòng họ y mà thôi. Song trong vầng trán dô ra trên hàng lông mày lại có vẻ gì đó thiên thần. Ở bộ lông mày kéo dài có thể thấy rõ ý thức của một kẻ có toàn quyền, song phía dưới vầng trán của vị nữa thiên thần ấy lại là một bộ mặt khỉ, bộ mặt của một kẻ say rượu và của một tay kép hát, rỗng tuếch, đầy những dục vọng chóng đổi thay, bộ mặt phị mỡ mặc dù tuổi còn đang trẻ, bộ mặt bệnh hoạn và dung tục. Ligia cảm thấy y có vẻ thù địch, song trước hết là đáng tởm.

Lát sau, y đặt viên ngọc bích xuống, thôi không nhìn nàng nữa. Lúc đó nàng mới trông thấy cặp mắt lồi màu xanh lam của y đang hấp háy dưới ánh sáng quá mạnh, một đôi mắt thủy tinh, vô tri giác, giống mắt người chết.

Y quay sang Petronius và hỏi:

– Đó có phải đứa con tin mà Vinixius yêu không?

– Vâng, chính con bé đấy ạ – Petronius đáp.

– Dân tộc của nó gọi tên là gì?

– Thưa, người Ligi.

– Vinixius coi cô ta là tuyệt đẹp phải không?

– Nếu hoàng thượng mặc áo peplum cho một gốc cây ôliu mục ruỗng giả làm thanh nữ thì Vinixius cũng sẽ coi nó là tuyệt đẹp. Song trên nét mặt Người, hỡi con người sành sỏi không ai bằng, thần đã đọc thấy lời phán quyết cho cô ta rồi. Người không cần phải tuyên đọc thành lời đâu. Chính thế đấy. Cô bé khô khẳng quá! Còm nhom, một quả thuốc phiện đeo trên một cái cuống khẳng khiu, còn Người, hỡi nhà thẩm mỹ thần thánh, đối với đàn bà, Người lại coi trọng thân hình, và Người quả có lý đến ba bốn lần. Chỉ riêng khuôn mặt thôi thì chưa có nghĩa lý gì. Ở bên cạnh Người, thần học được biết bao điều hay, nhưng chưa thể có nổi cái nhìn sắc sảo như Người. Thần sẵn sàng đánh cuộc với Tulius Xenexion đổi lấy người tình của ông ta, rằng mặc dù trong tiệc mọi người đều nằm và thật khó đánh giá toàn thân, nhưng bệ hạ đã tự nhủ: “Cô ả có cái hông quá hẹp”

– Cô ả có cái hông quá hẹp – Nerô vừa nhắc lại vừa nhắm mắt

Trên môi Petronius hiện ra một nét cười kín đáo khó nhận thấy, còn Tulius Xenexion, mãi đến lúc này bận nói chuyện với Vextynux – thực ra hắn đang chế nhạo những chuyện mộng mị mà Vextynux vốn rất tin – liền quay sang phía Petronius, và mặc dù chẳng biết người ta đang bàn chuyện gì hắn đã thốt ra ngay:

– Ông lầm rồi. Tôi ủng hộ ý kiến Hoàng thượng.

– Hay quá, Petronius đáp, – Tôi vừa mới chứng minh rằng ông hãy còn một chút trí tuệ, còn hoàng thượng thì lại khẳng định rằng ông chỉ là một con lừa vô tri vô giác mà thôi.

– Habel! – Nerô vừa bật cười vừa nói và quay chúc ngón tay cái xuống phía dưới như ở hý trường người ta thường làm khi ra hiệu là đấu sĩ đã bị đâm trúng và cần phải tiếp tục nện thêm nữa.

Còn Vextynux lại nghĩ rằng người ta đang bàn chuyện mộng mị bèn kêu lên:

– Còn tôi, tôi vẫn tin vào mộng, ngài Xeneka từng nói với tôi rằng chính ngài cũng tin.

– Đêm qua tôi mơ thấy mình trở thành ni cô giữ đền thần Vexta(1) – Kanvia Kryxpinilla nhoài người qua bàn góp chuyện.

Nghe thấy thế, Nerô liền vỗ tay, những người khác cũng theo gương y và suốt hồi lâu, chung quanh chỉ nghe thấy tiếng vỗ tay rầm rầm, vì Kryxpinilla, một mệnh phụ đã ly dị chồng dăm ba bận, vốn là người lừng danh trong toàn cõi La Mã về tính phóng đãng đến huyền thoại của mình.

Song ả ta chẳng chút bối rối, vẫn nói tiếp:

– Chứ sao nữa, tất thảy đám đàn bà kia đều già nua và xấu xí cả. Chỉ mỗi mình cô Rubria là trông còn giống người đôi chút, vậy nên có lẽ chỉ còn hai chúng tôi là đẹp dẫu phải thừa nhận rằng ngay cả cô Rubria về mùa hè cũng còn hay bị tàn hương.

– Song xin lỗi nàng, hỡi nàng Kanvia vô cùng trong trắng, – Ông Petronius nói – có lẽ chỉ trong mơ nàng mới có thể trở thành ni cô giữ đền thờ nữ thần Vexta được mà thôi.

– Thế nếu hoàng thượng ra lệnh thì sao?

– Thì tôi sẽ phải tin rằng ngay cả những giấc mộng kỳ lạ nhất chắc cũng sẽ biến thành sự thật.

– Chúng vẫn biến thành sự thật mà, – Vextynux nói – Tôi có thể hiểu được những người không tin vào thần vì một lý do gì khác ngoài chuyện hắn không phải là một con lợn.

Vitelius chợt ngừng bặt giữa tràng cười, rồi chép chép đôi môi bóng nhẫy những nước xốt cùng nước mỡ, hắn bắt đầu nhìn ngó những người đang có mặt với vẻ ngạc nhiên như từ trước hắn chưa từng trông thấy họ bao giờ.

Rồi giơ bàn tay chuối mắn múp míp quá mức của mình lên, hắn nói giọng khàn khàn:

– Tôi bị rơi đâu mất chiếc nhẫn hiệp sĩ thừa kế của cha tôi rồi.

– Người cha ấy nguyên là một thằng thợ giầy, – Nerô nói thêm

Song Vitelius bỗng lại bật lên một tràng cười bất thần nữa rồi bắt đầu sờ soạng tìm chiếc nhẫn của hắn bên trong áo peplum của Kanvia Kryxpinilla.

Thấy thế, Vatynius bèn giả vờ thốt ra tiếng kêu kinh hoảng của đàn bà, còn Nigiđia, bạn gái của Kanvia, một quả phụ trẻ có khuôn mặt trẻ thơ và đôi mắt đĩ thoã liền nói to lên:

– Hắn tìm cái mà hắn không hề bị mất.

– Và cái mà hắn cũng chẳng biết dùng làm gì nếu như hắn có tìm thấy đi nữa, – thi sĩ Lukan kết thúc.

Tiệc rượu trở nên vui nhộn hơn. Những đám nô lệ mang ra mỗi lúc một nhiều món ăn, cứ chốc chốc từ những chiếc vại khổng lồ chứa đầy tuyết và quấn quanh bằng dây trường xuân người ta lại lôi ra những chiếc bình nhỏ hơn chứa đủ mọi loại rượu nho. Mọi người đều uống no rượu. Từ trên trần nhà thỉnh thoảng những đoá hoa hồng lại rơi xuống mặt bàn và đám thực khách.

Song ông Petronius bắt đầu cầu khẩn Hoàng đế dùng tiếng hát của mình làm cho bữa tiệc thêm phần thanh cao trước khi khách khứa say sưa. Nhiều tiếng nói hoà theo ủng hộ lời đề nghị của ông, nhưng Nerô lại chống chế. Không phải là chuyện dũng cảm hay không, mặc dù đức tính đó thì ngài luôn luôn thiếu… Các vị thần linh chứng giám cho ngài, mỗi một cố gắng biểu diễn hao tổn biết bao nhiêu… Quả tình ngài không hề tránh né việc biểu diễn, vì dù sao cũng phải làm một cái gì cho nghệ thuật chứ; vả chăng, nếu thần Apolon đã ban cho ngài giọng hát thì đâu thể để cho món quà tặng ấy của thần bị phí hoài đi. Ngài còn hiểu được rằng đó là bổn phận của ngài đối với quốc gia nữa kia. Nhưng quả thực hôm nay giọng ngài bị khản. Đêm qua ngài đã phải đặt các vật nặng bằng chì đè lên ngực, song cũng chẳng ích gì… Thậm chí ngài cũng đã nghĩ cả tới chuyện đi Anxium để hít thở không khí vùng biển nữa.

Nhưng nhân danh nghệ thuật và toàn nhân loại, chàng Lukan bắt đầu kêu gọi Hoàng đế. Mọi người đều biết rằng nhà thi sĩ và danh ca thần thánh vừa soạn xong một khúc ca mới dâng lên nữ thần sắc đẹp Venux, bên cạnh ca khúc ấy thì những bài ca của Lukrexius chỉ còn giống như tiếng hú của con chó sói non một tuổi mà thôi. Hãy cho bữa tiệc này được thật sự trở thành tiệc! Người cầm quyền từ tâm nhường ấy không nên ban phát cho bề tôi của mình những đau khổ nhường kia: “Xin Hoàng thượng chớ nhẫn tâm!”

– Xin Hoàng thượng chớ nhẫn tâm! – tất cả những người ngồi gần đều lặp lại.

Nerô bèn chìa hai tay ra dấu là buộc lòng phải nhượng bộ. Khi ấy tất cả các bộ mặt đều khoác vẻ hàm ơn, và mọi cặp mắt đều hướng cả vào ngài. Song ngài ra lệnh trước hết hãy báo cho Hoàng hậu Poppea biết rằng Hoàng đế sắp hát; ngài nói với những người có mặt rằng hoàng hậu không đến dự tiệc bởi ngọc thể bất an, song bởi lẽ chẳng có vị thuốc nào làm nàng dễ chịu như tiếng hát của ngài nên ngài không nỡ lòng nào tước đi của nàng cơ hội này.

Quả thật Poppea đến ngay lập tức. Cho đến nay ả vẫn cầm cương xỏ mũi Nerô như một kẻ dưới quyền, song ả lại biết rằng sẽ rất nguy hiểm nếu động chạm đến lòng tự ái của ngài với tư cách là một danh ca, một người đánh xe đua hay một thi sĩ. Vì vậy, ả tới, đẹp như một thiên thần, và cũng giống như Nerô, ả mặc chiếc áo dài màu ngọc tím, mang chuỗi hạt gồm những hạt ngọc trai to cướp được đâu đó ở vùng Maxynixa, tóc vàng, dịu ngọt, và mặc dù là một kẻ đã hai đời chồng, ả vẫn có được cái nhìn và khuôn mặt của một trinh nữ.

Người ta chào đón ả bằng những tiếng la và danh hiệu “Auguxta thần thánh”. Chưa bao giờ trong đời, Ligia được trông thấy ai đẹp đến thế, nàng không tin vào mắt mình nữa, bởi lẽ nàng được biết rằng Poppea Xabina là một trong những người đàn bà thiếu chính đính nhất trên thế gian. Bà Pomponia cho nàng hay rằng chính Poppea đã đưa Hoàng đế tới chỗ giết cả mẹ lẫn vợ, nàng còn được biết thêm về ả qua lời kể của khách khứa và gia nhân của gia đình ông Aulux. Nàng từng được nghe nói rằng đêm đêm, người ta phá đổ những pho tượng của ả được dựng lên trong phố, nàng được nghe nói tới những dòng chữ mà kẻ viết bị người ta xử bằng cực hình khủng khiếp nhất, song mỗi buổi sáng những dòng chữ ấy vẫn cứ hiện ra trên các bức tường thành phố. Thế mà giờ đây, khi nhìn thấy cái ả Poppea đầy tai tiếng ấy, kẻ được các tín đồ của đấng Krixlux coi là hiện thân của cái xấu và tội ác thì nàng lại nghĩ rằng các thiên sứ hay các linh hồn trên thiên giới cũng chỉ có thể xinh đẹp đến thế mà thôi. Nàng không sao rời nổi mắt khỏi Poppea và một câu hỏi vô tình bật ra từ miệng nàng:

– Ôi, chàng Marek, liệu có thể như thế được chăng?…

Còn chàng, hứng khởi vì rượu nho và dường như khó chịu vì ngần ấy chuyện khiến nàng mất chú ý, tách nàng ra khỏi chàng cùng những lời chàng nói, liền lên tiếng:

– Phải, ả ta đẹp, song nàng còn đẹp gấp trăm lần! Nàng không biết mình đấy thôi, nếu không nàng đã tự phải lòng mình như chính Narxyz. Ả ta tắm trong sữa lừa, còn nàng có lẽ được chính nữ thần Venux cho tắm trong sữa của nữ thần. Nàng không tự biết mình ocelle mi! Đừng nhìn ả ta làm gì! Hãy quay lại đây nhìn tôi đây này, ocelle mi! … Hãy chạm môi nàng vào cốc rượu này để sau đó tôi sẽ ghì môi tôi vào đúng chỗ ấy…

Và chàng cứ dịch sát mãi lại gần nàng, còn nàng bắt đầu lùi dần về phía Akte. Song đúng lúc ấy người ta ra lệnh giữ yên lặng, vì Hoàng đế đã đứng lên… Ca sĩ Điođo dâng cho ngài cây thi cầm kiểu đenta, còn ca sĩ thứ hai là Terpnox, người sẽ đệm đàn cùng Hoàng đế, thì xích lại gần với thứ nhạc cụ được gọi là nablium. Nerô tì cây đàn đenta lên bàn, ngước mắt nhìn lên, và suốt giây lâu, cả phòng tiệc im lặng như tờ, chỉ xao động bởi tiếng những đoá hoa hồng rơi lả tả từ trần nhà xuống mà thôi.

Sau đó Hoàng đế bắt đầu hát khúc ca của mình dâng nữ thần Venux, nói đúng hơn là ngài nói có nhạc điệu và tiết tấu, có tiếng hai cây thi cầm đệm theo. Cả giọng hát – mặc dù hơi đục – lẫn lời thơ đều không đến nỗi tồi, khiến cho nàng Ligia tội nghiệp lại một lần nữa thấy lương tâm áy náy, vì nàng thấy bài ca rất hay, – mặc dù ngợi ca nữ thần Venux ngoại đạo – còn Hoàng đế, với vòng nguyệt quế trên vầng trán và đôi mắt ngước nhìn lên, chợt trở nên tuyệt vời, ít đáng sợ hơn rất nhiều và bớt kinh tởm hơn so với phút đầu bữa tiệc.

Đám thực khách làm dậy lên một tràng sấm vỗ tay. Những tiếng kêu: “Ôi, hỡi giọng hát thiên thần” vang lên khắp bốn chung quanh, một vài phụ nữ giơ bàn tay lên cao ra giấu tán thưởng và giữ nguyên như thế ngay cả khi tiếng hát đã chấm dứt, các vị phu nhân khác lau đôi mắt ướt lệ, cả phòng tiệc xôn xao như một tổ ong. Poppea cúi mái đầu tóc vàng của mình xuống nâng bàn tay Nerô lên môi và giữ nó như thế hồi lâu trong lặng im, còn chàng trai Hi Lạp có sắc đẹp tuyệt vời tên là Pitagorax, chính người về sau trong trạng thái nữa điên nữa dại, Nerô đã ra lệnh bắt phải cưới lũ chim hồng hạc với đầy đủ nghi thức, giờ đây quỳ sụp xuống chân ngài.

Song Nerô chỉ chằm chằm nhìn Petronius, người mà lời khen bao giờ cũng được ngài mong đợi nhất; ông cất tiếng:

– Nếu nói về nhạc thì chắc chàng Orfeus lúc này đang vàng người đi vì ghen tị, hệt như chàng Lukan đang có mặt nơi đây; còn nếu nói về thơ thì tôi tiếc rằng lời thơ đã không dở hơn vì khi ấy may ra tôi mới có thể tìm thấy lời ngợi ca xứng đáng

Song chàng Lukan không hề oán ông vì câu ví von về lòng ghen tị, mà chàng lại nhìn ông với vẻ biết ơn, và vừa làm ra vẻ phật ý, chàng vừa bắt đầu rên rỉ:

– Đáng nguyền rủa thay Fatum, kẻ đã bắt tôi phải sống cùng thời với một thi sĩ thế này! Nếu không, hẳn người ta cũng đã chiếm được một chỗ trong trí nhớ của nhân loại cũng như trên thi đàn Parnax, chứ cứ như thế này thì chỉ còn biết lụi tắt như một ánh đèn đặt bên vừng dương chói lọi mà thôi.

Ông Petronius, vốn có trí nhớ đáng kinh ngạc, bắt đầu đọc lại một vài khổ thơ trong bài ca ấy, ngâm từng câu, bình phẩm và phân tích từng lời hay ý đẹp. Lukan, dường như quên bẵng sự ghen tức về vẻ đẹp của thi ca, cũng góp vào cùng ông những lời thán phục của mình. Trên nét mặt Nerô bừng lên vẻ thoả mãn và sự trống rỗng vô chừng, sự trống rỗng không những chỉ gần với sự ngu xuẩn mà hoàn toàn có thể sánh ngang với nó. Chính ngài còn nêu thêm cho họ những vần thơ mà ngài cho là tuyệt tác, rồi ngài an ủi Lukan, khuyên anh ta chớ để mất lòng can đảm, vì mặc dù con người ta ai sinh ra làm sao thì chỉ được vậy thôi nhưng lòng thành kính mà loài người dâng lên cho thần Jupiter cũng sẽ làm vinh quang cho các thần khác nữa.

Sau đó ngài đứng dậy để đưa tiễn Poppea, quả thực ngọc thể bất an nên muốn đi nghỉ. Với những thực khách còn lại, ngài ra lệnh cho họ trở về chỗ và nói là sẽ quay trở lại. Chỉ lát sau ngài quay lại, để được thở hít khói hương trầm và xem những trò vui mà chính ngài, Petronius hoặc Tygelinux đã sửa soạn cho bữa tiệc.

Người ta lại đọc thơ và nghe những lời đối thoại trong đó sự kỳ quái chiếm mất chỗ của hài hước. Rồi chàng Paryx, nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng, trình bày những chuyện gay cấn của nàng Iona, con gái Inach. Những vị khách chưa quen với những biểu diễn của thể loại này – nhất là Ligia – thì cứ ngỡ như được trông thấy phép lạ lẫn trò phù thủy vậy. Bằng những cử động của tay và toàn thân, Paryx biết cách mô tả những vật dường như không thể nào thể hiện nổi trong khi múa. Hai bàn tay của chàng quấy đảo trong không khí làm thành một đám mây khói tỏa sáng, sinh động, run rẩy, yêu chiều, quấn quanh một thân hình trinh nữ gần như bất tỉnh, đang rùng lên những cơn run rẩy khoái lạc. Đó chính là một bức tranh chứ không phải điệu múa, một bức tranh rõ ràng phanh phui những bí ẩn của ái tình, đầy sức hấp dẫn ma quái và không một chút hổ thẹn.

Khi trò ấy kết thúc, các vị tăng lữ korybantơ bước ra, và trong tiếng đàn tranh, tiếng sáo, tiếng sanh tiền và tiếng trống họ bắt đầu cùng các thiếu nữ Xyri trình bày vũ điệu dâng thần rượu, vũ điệu đầy những tiếng kêu man dã và những cảnh tượng trụy lạc còn dã man hơn. Ligia thấy mình như ngồi trên đống lửa, nàng nghĩ lẽ ra sét phải đánh ngay xuống đầu các thực khách mới phải.

Song từ cái lưới vàng căng trên trần chỉ rơi xuống toàn hoa hồng, trong khi ấy chàng Vinixius nữa tỉnh nữa say bảo nàng:

– Ta trông thấy nàng bên đài nước phun trong nhà họ Aulux và ta say đắm yêu nàng. Lúc đó, trời mới rạng sáng, chắc nàng nghĩ rằng không có ai nhìn, nhưng ta đã trông thấy nàng… Và ta nhìn thấy nàng nguyên vẹn như thế cho tới tận lúc này, mặc dù cái áo peplum kia che khuất đi. Hãy cởi peplum ra như Kryxpinilla. Nàng thấy không. Cả các vị thần lẫn con người đều đi tìm ái tình. Trên thế giới không có gì khác ngoài ái tình. Hãy tựa đầu lên ngực ta và nhắm mắt lại nào!

Mạch máu nàng đập nặng nề ở cổ tay và thái dương. Nàng có cảm giác như đang bay vào một vực thẳm nào đó, còn Vinixius, con người mới đây đối với nàng còn gần gũi và đáng tin cậy là thế, thì thay vì cứu nàng lại kéo thêm nàng lao xuống vực. Nàng thấy oán trách chàng. Nàng bắt đầu thấy sợ bữa tiệc này, sợ chàng lẫn sợ bản thân mình. Một tiếng nói nào đó, giống như tiếng bà Pomponia, kêu lên trong tâm linh nàng: “Ligia ơi, hãy tự cứu lấy mình đi!”, nhưng một cái gì đó khác lại bảo nàng rằng đã quá muộn rồi, kẻ nào bị ngọn lửa này vây bọc, kẻ nào đã trông thấy những gì diễn ra trong yến tiệc này, kẻ nào mà trái tim đập như đang đập trong ngực nàng khi nghe những lời Vinixius, kẻ nào rùng mình lên như nàng khi chàng xích lại gần, kẻ ấy vĩnh viễn vô phương cứu chữa. Nàng thấy yếu hẳn đi. Chốc chốc nàng có cảm giác là mình sắp ngất đi đến nơi, rồi sau đó sẽ xảy ra một cái gì đó thật khủng khiếp. Nàng biết rằng vì sợ hãi cơn giận của Hoàng đế không một ai được phép đứng dậy trước khi Hoàng đế đứng dậy, và nếu như không có chuyện đó đi chăng nữa thì nàng cũng chẳng còn chút hơi sức nào nữa để đứng lên.

Trong khi ấy đến cuối tiệc hãy còn lâu lắm. Bọn nô lệ mang tiếp ra những món ăn mới và đều đặn rót rượu nho vào những chiếc bình, còn phía trước các bàn tiệc, người ta đặt một cái khung vây để ngỏ một phía và xuất hiện hai lực sĩ biểu diễn trò đấu vật cho khách xem.

Cả hai bắt đầu vờn nhau. Hai thân mình lực lưỡng, bóng nhoáng vì bôi dầu ô liu, chập vào nhau thành một khối, xương họ kêu răng rắc trong những vòng tay sắt, từ những hàm răng nghiến chặt bật ra những tiếng rít dữ tợn. Chốc chốc lại nghe thấy tiếng giẫm gấp gáp và trầm đục của chân họ đập xuống sàn nhà đã được dọn sạch hoa kỵ phù lam, lúc lúc họ lại đứng bất động câm lặng và người xem tưởng như họ là một nhóm tượng tạc bằng đá. Những đôi mắt của dân La Mã hau háu theo dõi cái trò chơi của những chiếc đầu, những cặp đùi và những cánh tay, căng thẳng đến khủng khiếp. Song trận đấu chẳng kéo dài bao lâu, vì Kroton, thầy dạy, cũng là người cai quản trường dậy đấu sĩ không phải vô cớ được mệnh danh là người khoẻ nhất trong cả nước. Địch thủ của anh ta bắt đầu thở mỗi lúc một hổn hển, rồi quằn quại, mặt tái xám đi, cuối cùng miệng ộc máu tươi và thõng người xuống.

Một tràng sấm vỗ tay chào mừng kết quả trận đấu, còn Kroton, giẫm chân lên lưng địch thủ, hai cánh tay khổng lồ vòng lấy ngực, đưa cặp mắt của người chiến thắng nhìn khắp phòng.

Tiếp đến, bọn bắt chước và bọn giả tiếng súc vật, bọn làm xiếc và lũ hề bước vào, song người ta ít để ý đến chúng, vì rượu nho đã làm mờ những cặp mắt nhìn. Bữa tiệc dần dần biến thành một cuộc cuồng hoan say sưa và trụy lạc. Đám thiếu nữ Xyri vừa múa tế thần rượu bị kéo lẫn vào giữa đám thực khách. Âm nhạc biến thành một thứ tiếng ồn ào lộn xộn và hoang dã của đàn tranh, thi cầm, sênh tiền Acmênia, đàn xixtơ Ai Cập, kèn và tù và, và khi một số thực khách muốn nói chuyện với nhau thì người ta phải quát mắng đám nhạc công đuổi họ xéo đi. Không khí nồng nặc mùi hoa, sực nức hương các loại dầu thơm mà đám tiểu đồng xinh đẹp suốt buổi tiệc luôn nhỏ lên bàn chân thực khách, chan chứa mùi hoa kỵ phù lam cùng hơi người trở nên ngột ngạt, đèn cháy leo lét, những vòng hoa xộc xệch trên trán, những bộ mặt nhợt nhạt và lấm tấm mồ hôi.

Vitelius ngã gục xuống gầm bàn. Nigiđia, nửa người trần như nhộng, tựa mái đầu trẻ thơ say bét nhè của ả vào ngực Lukan, còn chàng thi sĩ cũng say, vừa thổi bay những hạt bụi phấn vàng từ tóc ả vừa ngước đôi mắt rất đỗi hân hoan lên trời. Với sự bướng bỉnh của người say, Vextynux nhắc lại tới lần thứ mười câu thần Mopxux trả lời bức thư phong kín của viên thái thú. Còn Tolius, giễu cợt các vị thần, nói bằng giọng lè nhè đứt đoạn vì những tiếng nấc:

– Bởi nếu như Xferox của Kxenofanex hình tròn quay, thì ông nghĩ xem có thể lăn thần bằng chân như lăn một cái thúng được chớ, hả?

Song Domixius Afer, một tên kẻ cắp già đời kiêm kẻ ton hót, lại phẫn nộ vì câu chuyện ấy, và vì phẫn nộ hắn bèn đổ rượu nho falee lên chiếc áo tunica của mình. Hắn lúc nào cũng tin vào thần thánh. Người ta bảo là La Mã sẽ bị diệt vong thậm chí có kẻ còn dám khẳng định rằng nó đang bị tiêu vong nữa kia. Nhất định rồi!… Nhưng nếu như điều đó có xảy ra thì chỉ vì đám thanh niên thiếu lòng tin, mà đã thiếu lòng tin thì không thể nào sống có phẩm hạnh được. Người ta cũng đã quá ngán những phong tục hà khắc cổ xưa và chẳng ai còn nghĩ rằng các môn đồ của Epicur sẽ không cưỡng chống lại bọn dã man. Mà không công nhé..! Còn y, y chỉ tiếc là đã phải sống tới cái thời nay và y phải tìm cách tự vệ cho mình trong các thú vui để chống lại các lo buồn phiền não, nếu không lo buồn phiền não ấy sẽ xơi tái y ngay.

Vừa nói thế, y vừa kéo một vũ nữ Xyri ôm ghì vào lòng và bằng cái miệng móm hết răng hôn lên gáy, lên lưng nàng. Trông thấy thế, chấp chính quan Memmius Regulux phì cười và ngẩng cái đầu hói nhẵn thín khoác chéo một vòng hoa lên, y nói:

– Ai dám bảo rằng La Mã đang tiêu vong? … Chuyện vớ vẩn!… Ta, chấp chính quan, ta biết rõ nhất. Videant consules! Ba mươi chiến đoàn đang canh giữ cho Pas romana của chúng ta!

Đến đây, y vung hai nắm đấm lên ngang thái dương và bắt đầu kêu vang khắp phòng:

– Ba mươi chiến đoàn! Ba mươi chiến đoàn. Từ Brytania đến biên giới Parlơ.

Đột nhiên y chợt suy nghĩ rồi đặt một ngón tay vào trán y thốt ra:

– Mà lạy trời sao cho có được tới ba mươi hai.

Rối y lăn nhào xuống gậm bàn, và chỉ lát sau bắt đầu ộc ra nào là lưỡi chim hồng hạc, nào là nấm sữa nướng, nào là nấm ướp đông, nào châu chấu nấu mật, nào cá nào thịt, cùng tất cả mọi thứ mà y vừa mới ăn hoặc uống vào bụng.

Tuy vậy số lượng chiến đoàn đang canh giữ cho sự yên ổn của La Mã vẫn không làm cho Đomixius yên lòng. Không! Không! La Mã phải bị tiêu vong bởi vì lòng tin vào các vị thần linh và những thuần phong mỹ tục nghiêm ngặt xưa đã bị tiêu ma rồi. La Mã phải bị diệt vong, tiếc thay, bởi vì dù sao cuộc sống cũng vẫn tốt đẹp biết bao, hoàng thượng ưu ái biết bao, rượu nho ngon lành biết bao! Ôi! Thật đáng tiếc!

Và giấu đầu vào giữa hai đùi cô vũ nữ tế thần rượu người Xyri, y oà lên khóc nức nở.

– Cuộc sống kiếp sau mà làm gì!… Asilex nói có lý, thà làm nông nô trên dương thế còn hơn làm vua ở cõi âm. Và thử hỏi, liệu các vị thần linh có tồn tại thật chăng, dẫu bọn trẻ đã đánh mất lòng tin đi rồi….

Lúc này, chàng Lukan đã thổi bay sạch bụi vàng ra khỏi mái tóc Nigiđia, ả ta, sau khi uống say, đã ngủ thiếp đi. Chàng bèn tháo những dây trường xuân từ cái bình đặt trước mặt và quấn chung quanh người đàn bà đang ngủ, sau khi làm xong công trình ấy, chàng đưa mắt nhìn những người có mặt với vẻ hân hoan và dò hỏi.

Sau đó, chàng cũng dùng những dây trường xuân trang điểm cho bản thân mình rồi nhắc đi nhắc lại với một giọng tin tưởng sâu sắc:

– Ta đâu phải là người, ta chính là thần Đồng Nội đây!

Petronius không say, còn Nerô, lúc đầu vì giữ gìn cái “giọng hát thiên giới” của mình nên uống ít, đến gần cuối lại nốc hết cốc này sang cốc khác và đã say mèm. Ngài muốn hát tiếp khúc ca của mình, lần này bằng tiếng Hi Lạp, nhưng lại quên mất và hát nhầm sang một bài ca của Anakreontơ. Pitagorax, Điođor và Terpnox phụ hoạ theo ngài, song không thành công nên đành bỏ cuộc. Nerô lại bắt đầu ca ngợi – với tư cách là một nhà sành sỏi và một nhà duy mỹ – sắc đẹp của chàng trai Pitagorax, thậm chí ngài hôn cả tay chàng trai vì quá ngưỡng mộ chàng. Có lúc nào đó ngài đã từng trông thấy những bàn tay đẹp đẽ nhường này… nhưng ở ai ấy nhỉ?

Và tỳ bàn tay vào trán nhớp nháp ngài cố nhớ lại. Giây lát sau ngài chợt lộ vẻ kinh hoàng:

– A! Ở mẹ ta! Ở Grypina!

Và đột nhiên những cảnh tượng thê lương chế ngự ngài:

– Người ta kể rằng, – ngài nói, – đêm đêm bà ta đi dạo trên mặt biển theo sau vầng trăng, gần Baiae và Baula. Chẳng làm gì hết, chỉ đi, đi, như đang tìm kiếm vật gì vậy. Và nếu có con thuyền nào tiến lại gần thì bà ta liền giương mắt nhìn rồi bỏ đi, tên ngư dân nào bị bà ta nhìn đều bị chết cả.

– Một đề tài không đến nỗi nào, – ông Petronius nói.

Còn Vextynux thì vươn dài cổ ra như một con sếu, thì thào vẻ đầy bí ẩn:

– Tôi thì không tin thần thánh, nhưng lại tin vào ma quỷ… Ối!

Song Nerô không thèm để tai đến lời họ mà vẫn nói tiếp:

– Ta đã làm lễ vong hồn rồi kia mà! Ta không muốn trông thấy bà ta! Đã năm năm rồi còn gì. Ta buộc lòng, buộc lòng phải giết bà ta vì bà ta sai kẻ khác tới giết ta, và nếu như ta không ra tay trước thì ngày nay các ngươi đâu còn được nghe tiếng hát của ta nữa!

– Xin đa tạ hoàng thượng, nhân danh cả thành bang và toàn thế giới – Đomixius Afer kêu to.

– Rượu đâu! Hãy gõ sanh tiền lên!

Tiếng ồn ào lại dậy lên. Lukan, người quấn đầy dây trường xuân, muốn át tiếng ồn bèn đứng dậy thét lớn:

– Ta không phải là người đâu, ta là thần Đồng Nội, ta ở trong rừng! E… hô… ôôôô…

Rốt cuộc, Hoàng đế say mềm, Venexius không ít say sưa hơn những kẻ khác và bên cạnh dục vọng, trong chàng còn nổi lên ý muốn gây sự, điều bao giờ cũng xẩy ra khi chàng quá chén. Khuôn mặt rám nắng của chàng nói bằng giọng phấn khích và mệnh lệnh với Ligia:

– Chìa môi ra! Hôm nay, ngày mai, đằng nào cũng thế!… Thôi đủ rồi! Hoàng thượng bắt em từ tay ông bà Aulux là để ban cho ta, em hiểu chưa? Ngày mai, chiều tối, ta sẽ phái người tới đón em, hiểu chưa!… Hoàng thượng đã hứa sẽ ban em cho ta, ngay từ trước khi bắt em về kia… Em phải là của ta! Chìa môi ra nào! Ta không muốn chờ đến mai nữa! Chìa môi ra, mau!

Và chàng ôm ghì lấy nàng, song Akte bắt đầu chống cự để bảo vệ nàng, cả nàng nữa, còn chút hơi sức nào cũng đem ra tự vệ, vì nàng cảm thấy rằng mình chết đến nơi rồi. Song hai cánh tay nàng bất lực không sao bứt nổi cánh tay nhẵn thín của chàng ra khỏi người mình, giọng nàng run rẩy nỗi sợ hãi và niềm oán hận vô vọng van xin chàng đừng làm thế, hãy thương lấy nàng. Hơi thở sặc sụa mùi rượu phả lên người nàng mỗi lúc một gần, mặt chàng đã kề sát mặt nàng. Đó không còn là chàng Venexius trước đây, tốt bụng và gần như thân thiết với tâm hồn nàng, mà là một đương thần Xatyr hung dữ đang say, khiến nàng hãi hùng và kinh tởm.

Song sức nàng mỗi lúc một cạn. Vô vọng, nàng ngả người ra, quay mặt đi tránh những cái hôn của chàng. Chàng nhỏm cả người lên, ôm ghì nàng bằng cả hai tay, kéo đầu nàng vào ngực và bắt đầu vừa hổn hển thở vừa dùng đôi môi tái nhợt giày xéo đôi môi nàng.

Chính vào giây phút ấy, bỗng một sức mạnh kinh hoàng đột ngột tháo tung vòng tay chàng ra khỏi cổ nàng dễ dàng như đó chỉ là vòng tay một đứa trẻ con, và đẩy bật chàng ra một bên như một chiếc cành khô hay lá mục vậy. Chuyện gì thế? Venexius vuốt đôi mắt bàng hoàng và chợt trông thấy trước mặt mình thân hình khổng lồ của người đàn ông Ligi tên là Urxux mà chàng đã quen mặt hồi còn ở nhà ông bà Aulux.

Người đàn ông Ligi đứng bình thản, chỉ chằm chằm nhìn Venexius bằng cặp mắt xanh biếc với một vẻ lạ lùng đến nỗi máu dường như dừng lại trong huyết quản chàng, rồi bế nàng công chúa của mình lên, bác ta bước đi khoan thai và khẽ khàng ra khỏi phòng tiệc.

Trong một thoáng, Venexius ngồi sững như hoá đá, rồi chàng bật dậy lao về phía lối ra:

– Ligia! Ligia!…

Song dục vọng, nỗi kinh hoàng, sự cuồng nộ cùng rượu nho đã dần ngáng chân chàng. Chàng ngã lăn xuống, một lần, hai lần, rồi túm lấy cánh tay trần của một cô đồng tế rượu, chàng vừa chớp chớp mắt vừa hỏi:

– Có chuyện gì thế?

Ả ta cầm một cốc rượu nho đưa cho chàng với nụ cười trong đôi mắt mơ màng:

– Uống đi, – ả nói.

Venexius uống cạn và đổ gục xuống chân.

Phần lớn khách khứa đã nằm lăn dưới gầm bàn, những người khác lảo đảo đi lại xiêu vẹo trong phòng tiệc, bọn khác nữa lại ngủ trên các ghế dài đặt dọc bàn ăn, ngáy rền hoặc ựa ra phần rượu nho quá chén trong giấc mơ, còn những đoá hoa hồng vẫn rơi và rơi đều từ cái lưới căng trên trần nhà xuống những vị chấp chính quan và nguyên lão say mèm, xuống các vị hiệp sĩ, thi sĩ, triết gia say mèm, xuống các vũ nữ và quý tộc say mèm, xuống cả cái thế giới này, tuy hãy còn toàn quyền ngự trị nhưng đã quá vô lương, quá mãn nguyện, quá phân rã và đang lụi tàn đi.

Ngoài sân, trời bắt đầu rạng sáng.

Chú thích:

(1) Đây là các nữ tăng lữ trông giữ ngọn lửa vĩnh cửa ở đền thờ nữ thần Vexta ở Cổ La Mã. Họ được lựa chọn trong đám thiếu nữ từ sáu đến mười tuổi và đảm nhiệm chức vụ ba mươi năm. Họ rất được trọng vọng. Song nếu để ngọn lửa vĩnh cửu bị tắt thì sẽ bị tội hình, còn nếu để bị mất trinh thì bị chôn sống.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.