Quo Vadis

Chương 39



Bác Urxux vừa kéo dây buộc đôi bình lấy nước trong thùng chứa, vừa khẽ ngâm nga một khúc ca kỳ dị nào đó của xứ sở Ligi và đưa cặp mắt tràn trề vui sướng ngắm nhìn Ligia và Vinixius. Giữa những cây trắc bá trong vườn nhà ông Linux, trông họ hệt như hai pho tượng trắng ngần. Không một chút gió nào làm xao động trang phục của họ. Bóng chiều vàng tím trùm lên thế gian, trong khung cảnh thanh bình của ban chiều, tay trong tay, họ trò chuyện cùng nhau.

– Chàng Marek, liệu điều gì không lành có thể đến với chàng chăng, một khi chàng rời khỏi Anxium thiếu sự ưng thuận của Hoàng đế? – Ligia hỏi

– Không đâu, nàng thân yêu của tôi, – Vinixius đáp, – Hoàng đế tuyên bố rằng ngài sẽ đóng cửa suốt hai ngày liền để cùng với Terpnox soạn những khúc ca mới. Ngài thường hay làm điều đó, và những lúc như vậy ngài không hề hay biết, không hề nhớ gì đến những chuyện khác. Vả chăng, ngay cả Hoàng đế cũng có nghĩa lý gì đâu khi tôi được ở bên nàng, được nhìn ngắm nàng. Quá đỗi nhớ nàng, những đêm gần đây tôi không tài nào chợp mắt. Nhiều khi thiếp đi vì quá mệt mỏi, tôi lại chợt bừng tỉnh dậy với cảm giác là có một mối nguy hiểm nào đó đang rình rập trên đầu nàng, có lúc tôi lại mơ thấy người ta cướp mất những con ngựa trạm mà tôi bố trí ở dọc đường, những con ngựa sẽ đưa tôi từ Anxium về Roma, và quả thực trên lưng ngựa, tôi đã vượt quãng đường ấy nhanh hơn tất thảy các điệp sứ của Hoàng đế. Tôi không thể thiếu nàng lâu hơn được nữa. Tôi yêu nàng quá mất rồi, Ligia thân yêu, người yêu quý nhất đời của tôi ơi!

– Em biết trước rằng chàng sẽ về. Theo lời em khẩn cầu, bác Urxux đã hai lần tới nhà chàng trên đồi Karyny để hỏi thăm tin tức của chàng. Ông Linux phải cười em, cả bác Urxux nữa cũng thế.

Quả thực có thể nhận thấy là nàng biết trước việc chàng trở về, bởi lẽ thay cho bộ quần áo thẫm thường ngày, lúc này nàng đang mặc một chiếc xtola mềm mại màu trắng, bờ vai và mái đầu nàng vươn lên từ những nếp áo tuyệt diệu nom như những bông hoa mùa xuân đầu tiên nở xoè trên mặt tuyết. Vài đoá thu mẫu đơn màu hồng điểm tô cho mái tóc nàng.

Vinixius áp đôi môi chàng vào bàn tay nàng, rồi cả hai cùng ngồi xuống chiếc ghế dài đặt giữa khóm nho dại, vai kề vai, cùng lặng ngắm hoàng hôn, những tia sáng cuối cùng của ráng chiều lấp lánh trong mắt họ.

Vẻ kiều diễm của ban chiều dần dần chế ngự hai trẻ.

– Chốn này thật lặng lẽ và thế gian mới đẹp làm sao! – Vinixius hạ giọng nói – Đêm đang đến, vô cùng thanh tĩnh. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy mình hạnh phúc dường này. Hỡi Ligia, nàng hãy nói xem: đó là cái gì vậy? Không bao giờ tôi lại ngờ rằng có thể có một tình yêu như thế. Tôi cứ ngỡ rằng tình yêu chỉ là dục vọng, là lửa sôi trong huyết quản, và mãi đến lúc này tôi mới thấy rằng có thể yêu bằng từng giọt máu, bằng từng hơi thở mà vẫn cảm nhận được vẻ thanh bình ngọt ngào đến vô biên kia, dường như cả Thần Mộng lẫn Tử thần cùng nhau ru đưa tâm hồn ta vậy. Với tôi, đó thật là một điều mới lạ. Tôi ngắm vẻ bình lặng của những hàng cây kia và cảm thấy sự thanh tĩnh tràn ngập trong lòng. Đến bây giờ tôi mới hiểu được rằng có thể có một niềm hạnh phúc, mà cho tới nay nhân loại chưa từng được biết. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao nàng và bà Pomponia Grexyna lại bình tâm đến thế… Phải rồi… Chính Đức Chúa Crixtux đã cho ta điều ấy.

Nàng chợt áp khuôn mặt tuyệt vời của mình vào vai chàng mà thốt lên:

– Chàng Marek thân yêu của em!

Nàng không sao nói được gì hơn. Niềm vui sướng, lòng biết ơn và cái cảm giác rằng đến giờ đây nàng mới được thoả nguyện yêu chàng đã khiến cho cổ nàng nghẹn lời, khiến mắt nàng ứa tràn những giọt lệ xúc cảm. Vinixius quàng tay ôm tấm thân nhỏ nhắn của nàng áp vào người mình giây lâu, rồi chàng nói:

– Ligia nàng ơi! Cầu cho được ban phước lành cái phút giây đầu tiên tôi được nghe gọi tên Người.

Nàng khẽ đáp:

– Marek, em yêu chàng!

Rồi đôi trẻ lại lặng im, đôi lồng ngực quá căng tràn không sao nói thêm được lời nào nữa. Những ánh hồi quang tim tím cuối cùng đã tắt đi trên những cây trắc bá và khu vườn bắt đầu được dát bạc bởi một lưỡi liềm trăng.

Lát sau, Vinixius cất tiếng nói:

– Tôi biết chứ… Vừa bước chân vào đây, vừa được hôn đôi bàn tay thân yêu của nàng, tôi đã đọc thấy trong ánh mắt nàng câu hỏi: tôi đã thừa nhận giáo thuyết của Đức Chúa mà nàng thuận theo hay chưa? Chưa đâu, tôi chưa được rửa tội. Nhưng nàng biết vì sao không, hỡi đoá hoa xinh tươi? Vì ông Paven bảo tôi rằng: “Tôi đã làm cho anh tin rằng Đức Chúa đã giáng thế và đã chịu đóng đinh câu rút để chuộc tội cho thế gian, nhưng để ông Piotr sẽ rửa tội cho anh ở ngọn nguồn ân sủng, bởi chính ông là người đầu tiên đã ban phước cho anh”. Chính tôi cũng muốn để nàng, hỡi người thân yêu nhất của tôi, được chứng kiến lễ rửa tội của tôi, tôi muốn mẹ đỡ đầu của tôi sẽ là bà Pomponia. Vì thế, cho đến lúc này đây, tôi vẫn chưa được rửa tội, mặc dù tôi đã tin vào Đấng Cứu thế và giáo thuyết ngọt ngào của Người. Ông Paven đã thuyết phục tôi, đã cải tín cho tôi, và làm sao có thể khác được kia chứ! Làm sao tôi có thể không tin rằng Chúa Crixtux đã từng giáng thế, một khi chính Đức Piotr, – học trò của chính Chúa, – và ông Paven, – người đã từng trông thấy Chúa hiển hiện – đều nói như thế? Làm sao tôi có thể không tin rằng Người là Đức Chúa, một khi Người đã từng phục sinh? Người ta đã từng gặp Người cả trong thành phố, cả trên mặt hồ lẫn trên núi, và những người được trông thấy Chúa vốn là những kẻ mà miệng chưa từng biết đến dối trá bao giờ. Tôi đã tin vào điều ấy từ khi nghe Đức Piotr nói chuyện ở Oxtrianum, vì ngay từ hồi ấy tôi đã tự nhủ: khắp thế gian, bất kỳ một ai khác cũng có thể nói dối nhiều hơn con người đã thốt ra “Chính tôi nhìn thấy!” Nhưng hồi đó tôi vẫn còn e sợ giáo thuyết của các người. Tôi ngỡ là nó sẽ cướp mất nàng. Tôi cứ nghĩ là trong giáo thuyết ấy không hề có sự thông tuệ, không có cái đẹp lẫn niềm hạnh phúc. Còn hôm nay, một khi đã hiểu được nó, liệu tôi có còn xứng làm người nữa không nếu tôi không muốn rằng trên cuộc đời này sẽ ngự trị sự thật chứ không phải điều dối trá, tình yêu chứ không phải hận thù, điều thiện chứ không phải cái ác, sự thủy chung chứ không phải bội bạc, tình thương chứ không phải lòng căm ghét? Liệu có ai kia là kẻ không mong muốn, không thích được như thế hay chăng? Chính giáo thuyết của nàng lại răn dạy điều đó. Những học thuyết khác cũng muốn có công lý, nhưng chỉ một mình giáo thuyết này khiến được cho trái tim con người trở nên công bình. Ngoài ra nó còn khiến trái tim con người trở nên trong sạch như trái tim nàng và Pomponia, trở nên trung trinh như trái tim nàng và bà Pomponia. Tôi có là kẻ mù loà mới không nhìn thấy điều ấy. Và nếu như một khi đã có Chúa Crixtux, Đức Chúa hứa hẹn một cuộc sống vĩnh hằng, một hạnh phúc vô biên mà chỉ có sự toàn năng của Đức Chúa Trời mới cho ta có được, thì liệu con người còn mong muốn điều gì hơn nữa? Nếu tôi có hỏi ngài Xeneka, vì lý do gì ngài lại khuyên người ta sống có đạo đức một khi tính tráo trở hiện đang mang lại nhiều hạnh phúc hơn, thì chắc chắn ngài ấy sẽ không thể trả lời được một điều gì mạch lạc. Nhưng bản thân tôi giờ đây đã hiểu rõ vì sao tôi phải sống có đạo đức. Đó là vì cái thiện và tình yêu toả ra từ chính Đức Chúa Crixtux, và còn vì để cho một khi cái chết đã khép kín đôi mắt tôi, tôi sẽ lại tìm được sự sống, tìm được hạnh phúc, tìm được chính bản thân mình và tìm lại được nàng, hỡi con người thân yêu nhất… Tại sao lại có thể không yêu mến, không chấp nhận thứ giáo thuyết vừa nói sự thật vừa xua cái chết? Ai không đặt cái thiện lên trên cái ác? Tôi đã từng nghĩ rằng giáo thuyết kia chống đối hạnh phúc, nhưng đức Paven đã thuyết phục tôi rằng chẳng những nó không hề tước đoạt một thứ gì, mà lại còn cho thêm nhiều nữa. Khó khăn lắm, tất cả những điều đó mới lọt được vào đầu óc tôi, nhưng tôi cảm thấy quả đúng như thế, bởi lẽ chưa bao giờ tôi sung sướng hơn và tôi cũng không thể nào hạnh phúc hơn, dù tôi có dùng sức mạnh bắt được nàng và có được nàng trong nhà tôi đi nữa. Nàng vừa ngỏ cùng tôi: “Em yêu chàng!” Những lời này tôi không tài nào có thể buộc nàng thốt ra, dù có dùng cả sự hùng cường của La Mã đi chăng nữa. Ôi Ligia! Trí óc mách bảo rằng đó chính là giáo thuyết tốt đẹp nhất của thiên giới, trái tim cũng cảm nhận được điều ấy, và liệu có ai cưỡng nổi hai sức mạnh ấy chăng?

Ligia lắng nghe chàng nói và say sưa nhìn chàng với đôi mắt xanh thẳm, trong ánh trăng trông hệt như những cánh hoa huyền hoặc, và cũng bừng nở như hoa.

– Phải đó! Chàng Marek! Đúng lắm! – nàng nói, mái đầu áp chặt hơn nữa vào vai chàng.

Vào giây phút ấy, cả hai đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc, họ hiểu rằng, ngoài tình yêu ra, họ còn liên kết với nhau bởi một sức mạnh khác nữa, ngọt ngào mà không sao cưỡng nổi, nó khiến cho ngay cả tình yêu cũng trở nên không thể chạm tới, không chịu ảnh hưởng của sự đổi thay, những đua tranh, phản bội, thậm chí cả cái chết. Trái tim đôi trẻ chan chứa một lòng tin vững chắc, rằng dù có xẩy ra chuyện gì chăng nữa họ cũng sẽ không ngừng yêu nhau, không ngừng thuộc về nhau. Và vì thế lòng họ tràn đầy một sự bình yên khôn tả. Vinixius cảm thấy đó là thứ tình yêu không những chỉ thanh cao và sâu sắc mà còn hoàn toàn mới mẻ, thứ tình yêu thế gian cho đến nay chưa từng được biết, và cũng không ai có được. Trong trái tim chàng trai, tất thảy đã quyện lại để hình thành nên tình yêu ấy: cả Ligia, cả giáo thuyết của Chúa Crixtux, cả ánh trăng đang ngủ yên lành trên những cây trắc bá, cả cái đêm thanh bình này; chàng ngỡ như cả vũ trụ chỉ tràn ngập tình yêu mà thôi.

Lát sau, chàng nói tiếp với giọng khe khẽ, run run:

– Nàng sẽ là linh hồn của linh hồn tôi, nàng sẽ là người thân yêu nhất trên đời! Trái tim của đôi ta sẽ cùng đập chung một nhịp, đôi ta sẽ chung một lời cầu nguyện, cùng một niềm ơn đối với chúa Crixtux. Ôi, nàng thân yêu! Được cùng sống, cùng thờ phụng một Đức Chúa xiết bao ngọt ngào, và biết rằng sau khi cái chết đến, mắt chúng ta sẽ lại được mở bừng ra như sau một giấc ngủ ngon lành để nhìn thấy một thứ ánh sáng mới – liệu còn có thể nghĩ thêm được điều gì tốt đẹp hơn nữa hay chăng! Tôi chỉ ngạc nhiên tại sao mình không hiểu ra được điều ấy sớm hơn. Nàng có biết tôi cảm thấy điều gì không? Rằng không một ai có thể chống lại nổi giáo thuyết này. Sau ba trăm năm nữa, toàn thế giới sẽ tuân phục nó; người ta sẽ quên đi thần Jupiter, sẽ không còn một vị thần linh nào khác ngoài Chúa Crixtux, sẽ không còn một thần miếu nào khác ngoài thánh đường Thiên chúa giáo. Ai là kẻ chẳng mong muốn hạnh phúc cho mình? À mà tôi đã được nghe cuộc trò chuyện giữa ông Paven với cậu Petronius, và nàng có biết rốt cuộc cậu Petronius đã nói thế nào không? “Thứ này không phải dành cho tôi” – song cậu ấy không còn gì hơn nữa để đáp lại.

– Chàng hãy thuật lại lời của Đức Paven cho em nghe với nào! – Ligia nói.

– Chuyện đó diễn ra vào buổi tối ở nhà tôi. Như thường lệ, cậu Petronius bắt đầu nói và đùa cợt với vẻ coi thường, nhưng ông Paven bảo cậu ấy rằng: “Thưa ngài Petronius thông tuệ, sao ngài lại có thể bác bỏ việc Đức Chúa Crixtux đã giáng sinh rồi lại phục sinh một khi hồi đó ngài chưa có mặt trên đời, còn chính các ông Piotr và Jan đã từng trông thấy Chúa, riêng bản thân tôi cũng được nhìn thấy Người trên đường đi Đamat? Xin trí thông tuệ của ngài trước hết hãy làm ơn chứng minh rằng chúng tôi là những kẻ dối trá đã, rồi ngài hãy bác bỏ những bằng chứng của chúng tôi sau”. Cậu Petronius đáp rằng cậu ấy không hề nghĩ tới chuyện bác bỏ, bởi cậu ấy biết rằng có bao nhiêu điều mà người ta không hiểu nổi vẫn đang xảy ra và được những người khả kính khẳng định. Song cậu bảo rằng việc phát hiện ra một Đức Chúa siêu nhiên mới mẻ nào đó là một chuyện, còn thừa nhận giáo thuyết của ông ta lại là chuyện khác. “Tôi không muốn biết – cậu ấy nói – về bất cứ một thứ gì có thể làm hỏng cuộc đời và hủy hoại vẻ đẹp của nó. Các vị thần linh của chúng tôi có thật hay chăng không phải là điều đáng quan tâm nhưng họ đẹp, bên cạnh họ chúng tôi vẫn được phần vui vẻ và có thể sống không lo lắng là được”. Khi ấy ông Paven bèn trả lời: “Ngài chối bỏ một giáo thuyết của tình yêu, công lý và nhân từ vì e rằng phải gánh chịu những nỗi âu lo của cuộc đời, nhưng thưa ngài Petronius, xin ngài hãy suy nghĩ xem có phải cuộc sống của các ngài thật sự không hề vướng bận lo âu? Chính ngài cũng như bất cứ một người nào khác trong số những người giàu có và hùng mạnh nhất, buổi tối trước khi đi ngủ cũng không biết chắc rằng liệu khi thức dậy có nhận được bản án tử hình hay không. Xin ngài hãy nói đi: nếu như Hoàng đế thâu nhận giáo thuyết này, giáo thuyết truyền bá tình yêu và công lý, thì có phải hạnh phúc của ngài sẽ được thêm phần chắc chắn hơn không? Ngài lo cho niềm vui của ngài, nhưng có phải khi ấy cuộc đời sẽ vui hơn không? Còn nếu nói về những thứ điểm tô cho cuộc đời, về cái đẹp, thì nếu các ngài đã dựng nên ngần ấy thần miếu với các pho tượng tuyệt vời để thờ phụng các vị thần linh độc ác, thù hằn, lang chạ và giả dối, thì tại sao các ngài lại không thể xây đền để thờ phụng một Đức Chúa duy nhất của tình yêu và chân lý? Ngài tự khen cho số phận của mình bởi vì ngài giàu có và sống trong lạc thú, nhưng đồng thời ngài cũng rất có thể là một kẻ nghèo hèn và bị bỏ rơi, mặc dù ngài xuất thân từ một gia đình quyền thế; khi ấy hẳn ngài sẽ thấy tốt hơn cho bản thân nếu trên đời mọi người đều tin theo Đức Chúa Crixtux. Ở thành đô của các ngài, ngay cả các bậc cha mẹ giàu có cũng không muốn nuôi dạy con cái, mà thường vứt chúng ra khỏi nhà, những đứa trẻ được gọi là alumna. Và chính ngài cũng rất có thể là một đứa trẻ như thế. Nhưng nếu như song thân của ngài sống theo giáo thuyết của chúng tôi thì điều ấy sẽ không bao giờ xảy đến với ngài. Khi tới tuổi thành niên, ngài cưới người con gái ngài yêu, ngài mong muốn rằng người con gái ấy sẽ chung thủy với ngài cho tới trọn đời. Ấy vậy mà ngài hãy nhìn xem chuyện gì đang diễn ra ở chốn các ngài, biết bao nhơ bẩn, bao nhục mạ, bao bỉ báng đối với tình chung thủy vợ chồng! Đến nỗi chính các ngài phải lấy làm ngạc nhiên khi có người phụ nữ nào đó sống đoan chính, những người mà các ngài gọi là univira. Tôi xin thưa cùng ngài, những người phụ nữ mang hình Đức Chúa Crixtux trong tim sẽ không bao giờ lừa dối chồng, cũng như những người đàn ông Thiên chúa giáo không bao giờ phản bội vợ. Còn các ngài thì không tin cả vua chúa, cả cha ông, cả vợ con lẫn tôi tớ. Toàn thế giới run sợ trước các ngài, nhưng chính các ngài lại run sợ trước đám nô lệ của mình, vì các ngài hiểu rõ rằng từng giờ từng phút họ có thể vùng lên tiến hành một cuộc chiến tranh khủng khiếp chống lại sự áp bức của các ngài như họ đã hơn một lần nổi dậy. Ngài đang giàu có đấy, nhưng ngài cũng không dám chắc liệu ngày mai người ta có buộc ngài phải từ bỏ của cải hay chăng; ngài còn trẻ đấy, nhưng rất có thể ngay ngày mai ngài sẽ phải lìa đời; ngài yêu đương đấy, nhưng sự bội phản đang rình rập ngài; ngài say mê biệt thự và tượng đài, nhưng có thể ngày mai ngài sẽ bị lưu đầy đến những miền hoang vui của Panđataria. Ngài đang có hàng nghìn tôi tớ, nhưng ngày mai tôi tớ có thể sẽ khiến ngài đổ máu. Và nếu thế thì làm sao các ngài còn có thể yên tâm, có thể sung sướng, có thể sống trong niềm vui được cơ chứ? Còn tôi, tôi truyền bá tình yêu thương, truyền bá cái giáo thuyết khuyên kẻ cầm quyền phải yêu người thuộc hạ, khuyên ông chủ phải yêu nô lệ, khuyên nô lệ phải phục dịch bằng tình yêu thương, thực hành công lý và lòng nhân từ và cuối cùng tôi hứa hẹn niềm hạnh phúc như một biển cả vô biên dào dạt. Vậy, thưa ngài Petronius, sao ngài lại có thể nói rằng giáo thuyết này làm hỏng cuộc đời, một khi nó sửa chữa cho cuộc đời, một khi các ngài đã được trăm lần sung sướng và vững dạ hơn nếu như nó chiếm lĩnh được toàn thế giới như đế quốc La Mã của các ngài đã chiếm lĩnh?”

Hỡi Ligia, ông Paven đã nói như thế. Cậu Petronius bèn đáp: “Thứ ấy không phải dành cho tôi”, rồi cậu ấy giả vờ buồn ngủ ra về, khi đi ra còn nói thêm: “Ta thích nàng Eunixe của ta hơn giáo thuyết của các người, hỡi người dân xứ Juđei kia, nhưng ta không muốn tranh luận với người làm chi”. Còn tôi, tôi lắng nghe những lời ông Paven nói với tất cả tâm hồn, và khi ông nói đến những người phụ nữ của chúng ta, trái tim tôi tràn ngập lòng ngưỡng mộ đối với giáo thuyết này, giáo thuyết mà từ đó nàng đã lớn dậy như những đoá hoa huệ nhú lên về mùa xuân từ một mảnh đất phì nhiêu. Khi ấy, tôi nghĩ thầm trong dạ: đó là ả Poppea đã vứt bỏ hai người chồng để lấy Nerô, là Kanvia Kryxppinilla, là Nigiđia, là gần như tất thẩy những người đàn bà tôi từng quen biết, ngoại trừ mỗi mình bà Pomponia, bởi vì bọn họ đã mua bán lòng tin và những lời thề thốt, và chỉ riêng một mình nàng, riêng một mình người thân yêu của tôi đây, là sẽ không chối bỏ, không bội phản, không dập tắt ngọn lửa, dù cho tất thẩy những gì tôi tin đều đã chối bỏ và phản bội tôi. Vì vậy, tôi thầm nói cùng nàng rằng: tôi biết đền ơn nàng bằng cách nào đây nếu không phải bằng tình yêu và lòng thành kính? Nàng có cảm thấy rằng tôi đã trò chuyện với nàng tại chốn Anxium kia, trò chuyện hoài không nghỉ, dường như có nàng ở bên tôi vậy hay chăng? Tôi yêu nàng trăm lần hơn lên vì nàng đã từng chạy trốn tôi mà rời bỏ cung điện Hoàng đế. Tôi cũng không còn thích thú gì nó nữa cả. Tôi không còn ham những lạc thú và âm nhạc của nó, chỉ khao khát mỗi mình nàng thôi. Xin nàng hãy nói một lời thôi, chúng ta sẽ rời bỏ Roma để về sống ở một nơi nào đó thật xa.

Còn nàng, không nhấc đầu khỏi vai chàng, nàng ngước đôi mắt nhung đang mải suy tư nhìn lên những ngọn trắc bá đang được vầng trăng dát bạc, rồi nói:

– Hay lắm, chàng Marek! Chàng đã có lần viết cho em về đảo Xyxilia, nơi ông bà Aulux muốn lui về sinh sống những năm tuổi già…

Vinixius sung sướng ngắt lời:

– Phải rồi, nàng thân yêu! Đất đai của chúng ta nằm cạnh nhau. Bờ biển đẹp tuyệt vời, khí hậu lại còn ngọt ngào hơn, ban đêm còn thanh bình hơn ở Roma, những đêm ngạt ngào hương thơm và sáng tỏ… Nơi ấy cuộc sống gần như cũng chính là hạnh phúc.

Rồi chàng bắt đầu mơ về tương lai:

– Ở đó có thể quên hết mọi ưu tư. Chúng ta sẽ đi dạo trong những khu rừng, những khóm ô liu và sẽ nghỉ chân dưới những bóng cây. Hỡi Ligia! Cuộc đời tuyệt vời làm sao khi được yêu nhau, được hoà hợp, được cùng nhau ngắm biển nhìn trời, cùng nhau thờ phụng một Đức Chúa ngọt ngào, cùng thực thi điều thiện và công lý trong yên bình với chung quanh.

Cả hai cùng lặng nhìn về tương lai. Chàng ôm ghì nàng sát vào người mình mỗi lúc một chặt hơn. Trong ánh trăng, chiếc nhẫn vàng hiệp sĩ trên tay chàng run rẩy lấp loáng. Trong khu lao động nghèo khổ mọi vật đã ngủ say, không một tiếng động nào khuấy động sự tĩnh mịch.

– Chàng sẽ cho phép em lui tới thăm bà Pomponia chứ? – Ligia hỏi

– Chứ sao, nàng thân yêu. Chúng ta sẽ mời ông bà tới thăm nhà hoặc chúng ta sẽ tới thăm ông bà. Nàng có muốn chúng mình sẽ đưa Đức Sứ đồ Piotr đi cùng không? Người đã mệt mỏi vì tuổi tác và công việc rồi. Ông Paven cũng sẽ lui tới thăm chúng ta, ông ấy sẽ cải đạo cho ông Aulux Plauxius, và cũng như binh lính lập các khu dân cư tại những vùng đất xa xôi, chúng ta sẽ lập nên khu đạo Thiên chúa giáo.

Ligia đưa tay nắm lấy bàn tay Vinixius định đưa lên môi, song chàng vội thì thầm, dường như sợ xua tan mất niềm hạnh phúc:

– Đừng, Ligia, đừng! Chính tôi mới thờ phụng và ngưỡng mộ nàng, xin hãy đưa tay cho tôi.

– Em yêu chàng!

Song chàng đã kịp áp môi vào đôi bàn tay trắng như những đoá hoa nhài của nàng, và suốt giây lâu, họ chỉ còn nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Trong bầu không khí không một hơi gió thoảng, những cây trắc bá đứng lặng yên, dường như chúng cũng đang nín thở…

Đột nhiên sự im lặng bị rách toạc bởi một tiếng gầm bất ngờ, sâu thăm thẳm, dường như từ dưới lòng đất vọng lên. Cơn rùng mình chạy suốt thân mình Ligia, Vinixius đứng bật dậy nói:

– Đó là lũ sư tử đang gào thét trong các chuồng thú đấy!(1)

Cả hai bắt đầu lắng nghe. Trong lúc ấy, tiếng gầm đầu tiên được tiếng thứ hai, thứ ba, rồi thứ mười vang từ khắp bốn phía, khắp các khu phố, đáp lại. Có lúc trong thành phố chứa tới vài nghìn con sư tử, nhốt trong các chuồng thú tại các đấu trường khác nhau, và nhiều khi đêm về, chúng lần tới bên các gióng sắt, tỳ cái đầu khổng lồ của chúng vào đấy để gào lên nỗi nhớ nhung đối với tự do và hoang mạc. Lúc này đây, chúng cũng đang nhớ rừng, con này đáp lại tiếng con kia giữa sự tĩnh mịch của đêm trường, khiến cho cả thành phố ngập tràn tiếng gầm rống. Trong đó có cái gì dữ dội và buồn thảm rất khó tả, những tiếng gầm ấy xua tan mất cái viễn cảnh tươi sáng và thanh bình của Ligia, nàng lắng nghe chúng với trái tim chợt thắt lại bởi một nỗi sợ hãi kỳ lạ và một nỗi buồn mơ hồ.

Song Vinixius đã quàng tay ôm nàng và nói:

– Đừng sợ, nàng thân yêu! Thế vận hội đã tới gần nên tất cả các chuồng thú đều đầy thú dữ đấy mà.

Rồi cả hai cùng bước vào nhà ông Linux, đuổi theo họ là những tiếng gầm gào mỗi lúc một dữ dội hơn của lũ sư tử.

Chú thích:(1) Nguyên văn: vivarium (La Tinh) – chuồng thú có tạo các điều kiện sống gần với tự nhiên


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.