Quo Vadis

Chương 35



Chiều ấy, khi đi ngang qua Forum trở về nhà, Vinixius nhìn thấy bên lối vào Vicux Tarcux chiếc kiệu mạ vàng của ông Petronius do tám người Bitini khiêng, chàng bèn vẫy tay bảo họ dừng lại và tiến sát tấm rèm che kiệu:

– Chúc cậu giấc ngủ say sưa và êm dịu! – chàng gọi và bật cười khi nhìn thấy ông Petronius đang ngủ.

– À! ra anh! – ông Petronius mắt, thốt ra – Phải! Cậu vừa chợp mắt được một chút, vì cả đêm cậu ở trên Palatyn. Bây giờ cậu vừa mới đi mua chút ít mang theo đến Anxium để có cái đọc… Có gì mới không anh?

– Cậu vẫn đang lùng sách đấy ư? – Vinixius hỏi.

– Ừ. Vì không muốn làm lộn xộn thư viện, nên cậu mua thêm một ít sách riêng mang đi đường. Hình như mới ra một số sách mới của Muxonius và Xeneka. Cậu cũng đi tìm sách của Perxius và một bản in các bài mục ca của Vergil mà cậu chưa có. Ôi, cậu phát mệt cả người, phát đau cả tay vì các bó sách đây này bởi vì hễ cứ vào hiệu sách là lại muốn xem cái này cái kia một chút. Cậu đã tới hiệu sách Avirunus, hiệu Atraktax trên đồi Agriletum, trước đó đã tới hiệu Xozius ở Vicux Xandalarius. Nói có thần Kaxtor! Cậu buồn ngủ quá đi mất!…

– Cậu đã có mặt trên đồi Palatyn, vậy cháu xin hỏi có gì mới chăng? Hay thế này vậy cậu nhé! Cậu bảo chúng nó mang kiệu và các gói sách về nhà, còn cậu tới nhà cháu. Ta sẽ trò chuyện về Anxium và về một việc khác nữa.

– Hay lắm, – ông Petronius vừa nói vừa bước ra khỏi kiệu. – Nhưng mà anh cần biết là ngày kia chúng ta phải đi Anxium rồi đấy

– Làm sao cháu biết được cơ chứ?

– Anh đang sống ở thế giới nào vậy? Thế ra cậu là người đầu tiên báo cho anh tin ấy hay sao? Phải! Hãy sửa soạn vào sáng ngày kia. Đậu ngâm dầu ô liu chẳng ích gì, khăn lụa quàng quang cái cổ to bự cũng chẳng ích gì: Râu Đỏ bị khản tiếng! Vậy nên không thể nào trì hoãn được nữa. Hoàng đế nguyền rủa thành Roma và bầu không khí ở đấy, nguyền rủa cả thế giới. Ngài sẽ sung sướng lắm nếu sang được nó thành bình địa hay đốt trụi nó đi, ngài chỉ muốn ra biển càng nhanh càng tốt. Ngài nói rằng những mùi hôi thối mà gió mang từ các dẫy phố chật chội kia về sẽ đẩy ngài xuống mồ. Hôm nay, người ta đã dâng biết bao lễ vật lên tất cả các thần miếu để cầu xin giọng hát của ngài được hồi phục lại. Và đáng thương thay cho thành Roma, nhất là cho Nguyên lão viện, nếu như nó không mau mau bình phục.

– Vậy thì chẳng còn lý do gì để đi Akhai nữa cả.

– Thánh thượng của chúng ta đâu có phải chỉ có mỗi một thứ thiên tài ấy? – ông Petronius vừa đáp vừa cười. – Ngài sẽ biểu diễn ở hội thi Olimpic với tư cách một thi sĩ bằng chính tác phẩm của ngài về đám cháy thành Tơroa, với tư cách một nguời đua xe, một nhạc công, một lực sĩ, thậm chí là như một vũ công – và trong mọi trường hợp, ngài đều đoạt được tất cả các vương miện dành cho kẻ thắng cuộc. Anh có biết vì sao con khỉ ấy bị khản tiếng không? Đó là vì hôm qua ngài muốn sánh tài nhảy múa với Paryx, ngài đã múa biểu diễn cho chúng tôi xem câu chuyện ly kỳ của nữ thần Leđa, ngài mới toát mồ hôi ra và bị cảm lạnh đấy. Thân hình ngài ướt và dính nhem nhép như một con cá sình vừa lội từ dưới nước lên. Ngài thay hết mặt nạ này đến mặt nạ khác, uốn lượn như một con thoi, vung vẩy đôi tay như một tên phù thủy say rượu, thật phát buồn nôn khi nhìn cái bụng to tướng trên một cặp chân khẳng khiu. Paryx đã huấn luyện cho ngài suốt hai tuần liền, nhưng anh cứ hình dung gã Ahenobarbux trong vai nữ thần Leđa hay chúa thiên nga mà xem! Thiên nga ra thiên nga! Chẳng cần nói thêm làm gì! Ấy thế mà ngài lại muôn công diễn cái kịch câm này đấy, trước tiên tại Anxium, sau đó sẽ tại Roma.

– Người ta đã phát ớn khi nghe ngài hát rồi, nhưng cứ nghĩ đến một vị Hoàng đế La Mã mà lại trình diễn kịch câm thì, ôi thôi! La Mã có lẽ không sao chịu đựng nổi chuyện ấy!

– Anh cháu thân yêu ơi! La Mã có thể chịu đựng được mọi thứ, và Nguyên lão viện sẽ đồng thanh cảm ơn “Người cha của tổ quốc”!

Lát sau ông tiếp lời:

– Đám tiện dân thậm chí còn tự hào rằng Hoàng đế là một thằng hề nữa kia.

– Cậu hãy nói xem liệu có thể tồi tệ hơn được nữa hay không!

Ông Petronius nhún vai:

– Anh cứ chúi trong nhà, trong những suy nghĩ về nàng Linga và đám tín đồ Thiên chúa, nên có lẽ anh không hay chuyện gì xảy ra vài ngày trước đây. Nêro đã công khai làm lễ cưới chàng Pitagorax! Hoàng đế sắm vai cô dâu! Chuyện quá sức điên rồ phải không? Và anh sẽ bảo sao: Bọn thầy tu flamin được vời đến đã tới, long trọng làm lễ cưới cho Hoàng đế! Chính cậu cũng có mặt trong buổi lễ đó! Cậu có thể chịu đựng được nhiều điều, nhưng xin thú thật, cậu đã nghĩ rằng, nếu quả các thần có thật thì hẳn họ sẽ ra tay trừng phạt… Nhưng Hoàng đế không tin các thần và ngài có lý!

– Một con người vừa là thầy cả thượng đẳng, vừa là thần, lại vừa là kẻ vô thần. – Vinixius thốt lên.

Ông Petronius lại cười.

– Quả có thế! Cậu không nghĩ ra, nhưng đó quả thật là một sự kết hợp mà thế giới chưa từng thấy bao giờ.

Rồi ông đứng dậy nói:

– Và cũng cần hải thêm, rằng chính vị thầy cả thượng phẩm ấy không hề tin các thần, còn vị thần kia vốn giễu cợt thần linh lại sợ hãi họ, bởi y là một kẻ vô thần.

– Bằng chứng là chuyện xảy ra ở thần miếu Vexta.

– Thế gian ơi là gian thế!

– Thế gian nào thì vua nấy! Nhưng chuyện ấy chẳng kéo dài lâu đâu.

Vừa trò chuyện, họ vừa bước vào ngôi nhà của Vinixius: chàng vui vẻ sai dọn bữa tối, rồi quay sang nói với ông Petronius:

– Không đâu, thưa cậu, thế giới phải được tái sinh.

– Chúng ta không thể nào tái sinh thế giới – ông Petronius đáp. – Trong thời Nêro con người chỉ là cánh bướm: nó sống đấy trong vầng dương ân sủng nhưng khi cơn gió lạnh đầu tiên nổi lên thì nó đã lìa đời… dù nó không muốn thế! Thề có con trai của nữ thần Maia! Nhiều lần cậu tự đặt ra cho mình câu hỏi; vì phép nhiệm màu nào mà cái lão già Luxius Xaturniux lại sống đến chín mươi ba tuổi, sống qua cả Tyberius, Kaligula, Klaudius?… Nhưng mà thôi. Anh cho phép cậu phái kiệu anh đi đón Eunixe nhé. Cơn buồn ngủ qua rồi, cậu muốn vui chơi một chút. Hãy ra lệnh cho bọn nhạc công đàn tranh đến phục vụ bữa tối, rồi sau đó chúng ta sẽ trò chuyện về Anxium. Cần phải suy nghĩ về chuyện ấy, nhất là anh.

Vinixius ra lệnh đi đón Eunixe, song chàng nói rằng chàng không hề muốn phải đau đầu cân nhắc về chuyến đi Anxium. Cứ để mặc cho chúng vò đầu bứt tai, những kẻ không biết sống theo cách nào khác ngoài cách sống trong ánh dương ân sủng của Hoàng đế. Thế giới không phải kết thúc trên đồi Panatyn, đặc biệt là đối với những người có một cái gì khác trong trái tim và trong tâm hồn.

Chàng nói điều ấy một cách phóng khoáng, sôi nổi và vui vẻ đến nỗi ông Petronius đâm để ý, ông chăm chú ngắm chàng rồi hỏi:

– Anh làm sao thế? Hôm nay anh trông hệt như thời anh còn đeo bùa khánh trên cổ vậy.

– Cháu sung sướng quá, – Vinixius thốt lên – cháu cố tình mời cậu về đây để nói với cậu chuyện ấy.

– Có chuyện gì xảy ra với anh thế?

– Có một điều mà dẫu có đổi cả đế quốc La Mã cháu cũng không đánh đổi.

Nói đoạn chàng ngồi xuống, tỳ tay vào tay ghế, ngả đầu tựa lên lưng ghế và bắt đầu nói, với khuôn mặt tươi cười, cái nhìn tỏa sáng.

– Cậu còn nhớ cái lần chúng ta cùng đến nhà ông Aulux Plauxius, nơi đó, lần đầu tiên cậu được trông thấy nàng thanh nữ thiên thần, người mà chính cậu đã phải gọi là Nữ thần Rạng Đông và Nàng Xuân hay chăng? Cậu có nhớ nàng Pxyse đó, nàng thiếu nữ không ai sánh nổi, người đẹp nhất trong số tất cả những trinh nữ và các nữ thần trên đời này hay chăng?

Ông Petronius nhìn chàng kinh ngạc, dường như muốn kiểm tra xem đầu óc chàng có bình thường hay không?

– Anh nói bằng thứ tiếng gì vậy? – mãi sau ông mới nói – Tất nhiên là cậu nhớ nàng Ligia.

Vinixius nói:

– Cháu là hôn phu của nàng.

– Cái gì?

Nhưng Vinixius đã đứng bật dậy và gọi viên quản nô:

– Bảo tất cả nô lệ đến đay trước mặt ta, không trừ một ai hết! Nhanh lên!

– Anh là chồng chưa cưới của nàng à? – Ông Petronius hỏi lại.

Nhưng trước khi ông kịp trấn tĩnh cơn thảng thốt thì gian chính sảnh của nhà Vinixius đã đông đặc người. Hổn hển chạy vào những cụ già, đàn ông tráng niên, đàn bà, đám thiếu niên, thiếu nữ. Mỗi lúc gian chính sảnh một thêm chật ních. Trong các hành lang được gọi là fauces vang lên những tiếng gọi nhau bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ. Lát sau, tất cả mọi người xếp thành một khối dày đặc dọc theo tường và đứng giữa các hàng cột; chàng Vinixius đứng gần bể hứng nước mưa, quay về phía Đemax – nô lệ giải phóng và nói:

– Những ai đã phục dịch trong nhà ta 20 năm, sáng mai hãy có mặt tại dinh pháp quan, sẽ được trả tự do; những ai chưa đủ thời gian sẽ được nhận mỗi người ba thoi vàng và khẩu phần ăn gấp đôi trong suốt cả tuần. Gửi lệnh ngay tới các trại gia hình ở thôn quê bảo tha phạt, tháo xiềng ở chân mọi người và cho họ ăn uống tử tế. Các người hãy biết là ta có một ngày hạnh phúc, ta muốn cả nhà đều vui.

Họ đứng lặng hồi lâu, dường như không tin vào tai mình nữa, rồi tất thẩy những cánh tay nhất loạt vươn lên trời, tất thảy những cái miệng đều kêu lên:

– Aa! Ông chủ! Aa!…

Vixinius vẫy tay ra hiệu cho họ ra ngoài, nên mặc dù muốn cảm ơn và phục dưới chân chàng, họ vội vã bước ra ngoài. Niềm sung sướng tràn ngập cả ngôi nhà, từ tầng hầm lên đến tận mái.

– Ngày mai – Vinixius nói – cháu sẽ ra lệnh cho họ ra vườn, mỗi người sẽ vẽ trước mặt dấu hiệu gì họ muốn. Những ai vẽ hình con cá sẽ được chính Ligia phóng thích.

Nhưng ông Petronius, người vốn chẳng bao giờ ngạc nhiên quá lâu về bất cứ chuyện gì, đã trấn tĩnh lại và hỏi:

– Cá hả? A ha! Cậu nhớ ra điều mà lão Khilon nói: đó là biểu tượng của người Thiên chúa giáo.

Rồi ông chìa tay cho chàng Vinixius mà bảo:

– Hạnh phúc luôn luôn có mặt tại nơi nào người ta tìm thấy nó. Cầu nữ thần Floria sẽ rải đầy hoa dưới chân anh chị suốt cả tháng năm dài. Cậu chúc anh tất cả những điều gì mà anh muốn tự chúc cho bản thân mình.

– Cháu xin cảm ơn cậu. Cháu lại cứ nghĩ rằng cậu sẽ khuyên cháu làm ngược lại kia chứ, mà cậu thấy dấy, khuyên như thế chỉ là chuyện tốn thì giờ vô ích mà thôi.

– Cậu mà khuyên ngược lại? Đời nào! Trái lại thì có: cậu bảo rằng anh làm thế là hay lắm.

– Ha, kẻ tráo trở! – Vinixius vui vẻ kêu lên – Thế cậu đã quên điều cậu nói với cháu khi chúng ta rời nhà bà Grexyna rồi sao?

Ông Petronius thản nhiên trả lời:

– Không quên! Nhưng mà cậu đã thay đổi ý kiến rồi.

Lát sau ông nói thêm:

– Cháu thân yêu! Ở La Mã mọi thứ đều thay đổi. Các đức ông chồng thay đổi vợ, các bà vợ thay đổi chồng, vậy hà cớ gì cậu lại không thay đổi ý kiến cơ chứ? Chỉ một chút xíu nữa thôi là Nêro đã cưới nàng Akete, cô gái mà người ta đã cố gắng chứng minh cho Hoàng đế thấy là nàng thuộc dòng dõi hoàng tộc. Thế rồi sao? Ngài sẽ có một người vợ ngay thẳng còn chúng ta có một vị hoàng hậu chính trực. Thề có thần Proteus và những vùng biển hoang vắng của thần! Cậu sẽ luôn luôn thay đổi ý kiến khi nào cậu xem là thích hợp hoặc có lợi. Còn nói về Ligia, thì dòng dõi hoàng tộc của nàng còn chắc chắn hơn nhiều so với các bậc cha ông đáng nghi vấn của Akete. Tuy nhiên tại Anxium anh phải chú ý đến Poppea đấy nhé, cô ả hay thâm thù lắm!

– Không bao giờ! Tại Anxium sẽ không ai động được tới một sợi tóc của cháu đâu.

– Nếu như anh cho rằng anh có thể làm cậu ngạc nhiên thêm một lần nữa thì anh nhầm đấy! Nhưng làm sao anh có thể nói chắc thế?

– Chính Đức Sứ đồ Piotr bảo cháu thế.

– À! Đức Sứ đồ Piotr bảo anh! Vậy thì chẳng có gì phải bàn, tuy nhiên xin hãy cho phép cậu lo trước một vài biện pháp dự phòng dù đó chỉ là để ông Piotr khỏi phải trở thành một nhà tiên tri không đúng; một khi Sứ đồ tình cờ nhầm lẫn, ông ta có thể sẽ đánh mất lòng tin của cháu, lòng tin chắc sẽ vẫn còn có ích cho Piotr sứ đồ.

– Cậu muốn làm gì xin cứ làm, nhưng cháu vẫn tin ông ấy. Còn nếu cậu nghĩ rằng cậu có thể chia rẽ cháu với ông ấy bằng cách lặp đi lặp lại tên ông với vẻ giễu cợt thì cậu nhầm đấy.

– Nếu vậy, hãy còn có một câu hỏi nữa: Anh đã trở thành tín đồ Thiên chúa giáo chưa?

– Cho đến lúc này vẫn chưa, nhưng ông Paven xứ Tarus sẽ cùng đi với cháu để giải thích cho cháu giáo thuyết của Đức Chúa Crixux, sau đó cháu sẽ chịu lễ rửa tội. Điều mà trước đây cậu nói với cháu, rằng bọn họ là kẻ thù của sự sống và tình yêu là một điều không đúng.

– Thế thì lại càng tốt cho anh và Ligia chứ sao – ông Petronius đáp.

Rồi ông nhún vai như tự nhủ:

– Tuy nhiên, thật là điều đáng ngạc nhiên, tại sao những con người này lại biết cách chinh phục tín đồ giỏi thế, làm sao cái đạo giáo này lại mở rộng ra đến thế?

Vinixius trả lời nhiệt tình cứ như chàng đã được rửa tội:

– Vâng! Hàng nghìn, hàng chục nghìn người ở Roma, ở các thành phố của Italia, Hy Lạp và Châu Á. Trong hàng ngũ các chiến đoàn và lính cấm vệ cũng có tín đồ Thiên chúa giáo, họ có mặt ngay cả trong hoàng cung. Giác ngộ giáo thuyết này có cả nô lệ lẫn công dân, kẻ nghèo và người giàu, tiện dân và quý tộc. Cậu có biết rằng một số người trong dòng họ Kornenius cũng là tín đồ Thiên chúa, bà Pomponia Grexyna là tín đồ Thiên chúa, Akte và hình như cả Oktavia cũng như vậy. Vâng! Giáo thuyết này đang chiếm lĩnh thế giới và chỉ mỗi mình nó có thể làm cho thế giới được hồi sinh. Xin cậu chớ có nhún vai, biết đâu sau một tháng hoặc một năm nữa chính cậu lại chẳng thừa nhận nó.

– Cậu ấy ư? ông Petronius thốt lên – Không! Thề có con trai của nữ thần Leto! Cậu sẽ không thừa nhận nó, dù cho nó có chứa đựng chân lý và sự thông tuệ của cả nhân loại lẫn thần linh chăng nữa. Việc ấy đòi hỏi phải khá nhọc công, mà cậu lại không thích nhọc lòng… Nó đòi hỏi phải chối bỏ bản thân mình, mà cậu thì không hề muốn từ bỏ bất cứ cái gì trong cuộc đời… Với bản tính giống như nước sôi lửa bỏng của anh, lúc nào anh cũng có thể bắt gặp một thứ gì tương tự như thế, nhưng còn cậu? Cậu có những viên ngọc chạm những đá mài chạm nổi, những chiếc bình cổ và nàng Eunixe của cậu rồi. Cậu không tin vào thế giới Olympơ, song cậu sẽ tự tạo ra cho mình một Olympơ trên mặt đất, cậu sẽ trổ hoa kết trái cho tới khi những mũi tên của vị thần xạ xuyên suốt qua người cậu, hay tới lúc Hoàng đế ra lệnh cho cậu phải mở phanh mạch máu. Cậu đã chót quá yêu thương hoa đồng thảo và một phòng tiệc đầy đủ tiện nghi mất rồi. Thậm chí, cậu cũng đã đâm thích các vị thần linh của chúng ta… với tư cách những hình tượng hoa mỹ, cậu thích cả Akhai, nơi cậu sẽ đi đến cùng với vị hoàng đế béo ị, chân khẳng khiu, vô song, thiêng liêng của chúng ta, một Auguxt, một Periodonixex, một Herkunex – Nerô!

Nói đoạn ông bật cười khi nghĩ rằng ông có thể tiếp thu giáo thuyết của những người dân đánh cá xứ Galilei, ông cất giọng hát khe khẽ:

Ta sẽ quấn luỡi gươm sáng của ta bằng lá trường xuân xanh biếc.

Theo vết Harmođiox và Aryxtagiton…

Song ông chợt ngừng lại vì viên xướng danh báo là nàng Eunixe đã đến.

Ngay sau khi nàng tới, bữa tối cũng được dọn ra. Trong lúc ăn tối, sau khi nghe một nghệ sĩ đàn tranh ca mấy khúc, Vinixius thuật lại cho ông Petronius nghe chuyện lão Khilon đến thăm chàng, cuộc viếng thăm ấy đã khiến chàng nảy ra ý nghĩ đi gặp thẳng các vị sứ đồ, ý nghĩ ấy đã nảy ra vào lúc đang trừng phạt lão Khilon.

Nghe thấy thế, ông Petronius – người đã lại bắt đầu buồn ngủ – bèn đặt tay lên trán và nói:

– Một khi kết quả đã tốt thì ý tưởng phải là tốt. Còn nếu nói về lão Khilon, thì phải tay cậu, chắc cậu đã tặng cho lão tới năm thoi vàng. Song nếu anh đã ra lệnh nện lão, tốt nhất anh cứ nện tiếp là hơn, bởi biết đâu sau này chẳng có lúc ngay cả các vị nguyên lão nghị viện cũng sẽ phải cúi đầu chào lão như giờ đây họ đang phải chào vị hiệp sĩ – Thợ giày Vatynius của chúng ta! Chúc anh ngon giấc!

Rồi khi tháo vòng hoa, ông cùng nàng Eunixe sửa soạn ra về. Khi họ đã đi, Vinixius bèn vào thư viện và viết cho nàng Ligia những dòng sau đây:

“Hỡi thần nữ, tôi muốn khi nàng mở đôi mắt tuyệt mỹ của mình ra, thì bức thư này sẽ nói với nàng: Chào em! Vì thế hôm nay tôi vẫn cứ viết dẫu ngày mai đã lại được gặp nàng. Ngày kia Hoàng đế sẽ đi Anxium, và tôi, than ôi! phải tùy giá ngài. Như tôi đã nói với nàng, không tuân lệnh là nguy đến tính mạng, mà giờ đây tôi không có đủ can đảm để chết. Song nếu nàng muốn, xin cứ viết cho tôi một chữ, tôi sẽ ở lại, mặc cho cậu Petronius phải tìm bằng được cách tránh mối hiểm họa cho tôi. Hôm nay, trong cái ngày sung sướng này, tôi đã ban thưởng cho tất cả nô lệ, ngày mai tôi sẽ đưa những kẻ đã phục dịch trong nhà đủ hai mươi năm đến gặp pháp quan để giải phóng cho họ. Nàng thân yêu, chắc nàng sẽ khen ngợi tôi, vì tôi nghĩ rằng việc đó thuận với giáo thuyết mà nàng thuận theo, hơn nữa tôi làm việc ấy chính là vì nàng đấy. Ngày mai, tôi sẽ bảo với họ rằng họ chịu ơn nàng về việc được giải phóng để họ biết ơn và ca ngợi tên tuổi của nàng. Còn chính tôi sẽ tự nguyện làm một kẻ nô lệ cho hạnh phúc và cho nàng, cầu trời đừng bao giờ tôi bị giải phóng! Đáng nguyền rủa thay cái xứ Anxium lẫn chuyến du hành của Ahenobarbux! Tôi may mắn xiết bao bởi đã không được thông thái như cậu Petronius, vì nếu không, tôi sẽ nhất thiết phải đi Akhai. Hồi ức về nàng sẽ làm dịu ngọt giây phút chia tay. Bất cứ lúc nào có dịp, tôi sẽ nhảy ngay lên ngựa nhảy ngay về Roma để mắt tôi được vui sướng ngắm nhìn nàng, tai tôi được lắng nghe giọng nói ngọt ngào của nàng. Bất cứ lúc nào có thể, tôi sẽ phái nô lệ mang thư về hỏi thăm nàng. Xin cầu chúc nàng mạnh khỏe, hỡi nữ thần, tôi xin được ôm đôi chân nàng. Xin chớ giận tôi đã mạo muội gọi nàng là nữ thần. Nếu nàng cấm, tôi xin vâng lời, nhưng hôm nay tôi vẫn chưa biết gọi nàng bằng cách nào khác. Từ ngôi nhà tương lai của nàng, bằng tất cả tâm tình, xin chúc nàng sức khỏe”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.