Tôi đã lấy lại thói quen dậy sớm mỗi ngày để thành công của mình.
Mẹ thấy tôi tìm mua thảm yoga, lục đục mỗi sớm trải ra giữa nhà để tập, không kìm được tò mò mà lên tiếng:
“Dậy sớm tập thể dục cơ à? Tính được mấy ngày vậy con?”
Mẹ đâu có biết đây là thói quen từ năm 24 của tôi.
Hồi trẻ như bây giờ, không để ý tập thể dục nhiều, thân hình vẫn cứ thấp bé, yếu ớt.
Đến năm 24, 25 tuổi mới thấy hối hận.
“Tập cho khoẻ đi mẹ.
Với lại, nhỡ đâu lại cải thiện được chiều cao vỏn vẹn này thì sao?”
Mẹ chẹp miệng lắc đầu.
Cơ bản là không tin vào sự kiên nhẫn của tôi, cho rằng đó chỉ là hứng thú nhất thời thôi.
Sau 20 phút tập luyện, tôi đi tắm rửa thay quần áo.
Mẹ tôi ở dưới bếp thủ thỉ với bố, nói rằng tôi sắp bị điên rồi.
Hai người làm sao mà tin được.
Đến con còn không tin đây.
Xong xuôi mọi thứ, bây giờ là 6 giờ 10 phút.
Còn rất sớm.
Bình thường 6 giờ 35 tôi mới rời khỏi nhà.
Tôi đi đi lại lại quanh phòng khách, để mắt tới cuốn lịch.
Hôm nay là ngày 18 tháng 10.
Bận rộn nhiều thứ, giờ tôi mới nhớ ra, sắp đến sinh nhật mình.
Đã từ lâu, tôi coi ngày sinh nhật như ngày thường, nên chẳng để tâm cho lắm.
Như thường lệ, gần giờ vào lớp rồi tôi mới đến trường.
Sở dĩ muốn đi sớm hơn, nhưng Hoa vốn là một người chăm chỉ đi học sớm, lại bị tôi biến thành người lúc nào cũng đi học đúng giờ từ những năm cấp hai, vậy nên khó có thể đưa Hoa về trạng thái cũ nhanh chóng.
Vừa vào đến cửa, Giang đang đứng trên bục, tay cầm giẻ lau, lúc ấy tôi mới nhận ra hôm nay đến lượt bàn mình trực nhật.
Tôi phi ngay đến bàn mình, ném chiếc cặp không một chút thương tiếc xuống ghế.
Tên Hiếu ngồi bàn dưới là lớp phó lao động, đang làm bài thì nghe thấy tiếng động mạnh, giật mình ngẩng đầu lên, thấy tôi thì bắt đầu ca thán:
“Minh Hân mày lại trực nhật muộn à? Hôm qua tao nhắc trong nhóm lớp rồi mà?”
Tôi gãi gãi tai, thói quen mỗi khi lúng túng.
“À, tao tắt thông báo nhóm lớp.
Còn gì để tao làm không?”
Giang từ bục giảng xuống, hai tay phủi phủi vào nhau cho rơi hết đống phấn, mặt đằng đằng sát khí:
“Còn rác phần mày.
Đi đổ rác dùm.”
Tôi cười tươi rói, cũng may còn có cái để làm.
Tôi lật đật chạy đến góc lớp, vừa chạm vào quai xách của thùng rác thì có một bàn tay khác vươn tới.
“Đi đổ chung đi.” Quỳnh xách thùng rác lên trước.
Phải rồi, nó cũng ngồi cùng bàn với mình mà.
Đi đổ rác chung là chuyện bình thường.
Tôi cất ánh mắt không mấy thiện cảm đi, nở một nụ cười công nghiệp, gật đầu: “Ừ.”
Tôi không muốn nói chuyện với Quỳnh, một chút cũng không muốn.
Chẳng phải người đã chế giễu, nói xấu ngay trước mặt tôi khiến tôi khóc không ra hơi bên gốc cây ngoài kia đang đứng cạnh đây sao?
Suốt cả chặng đường đi đến bãi rác đằng sau dãy nhà A, chúng tôi chẳng nói câu nào.
Đến lúc về, tôi cầm lấy thùng rác.
Chẳng lẽ hai đứa đi mà chỉ có một đứa làm còn một đứa chơi hay sao? Thế thì không được.
Chúng tôi vào lớp cùng lúc.
Tôi cúi xuống cất thùng rác, vừa ngẩng lên đã nhận thấy được ánh mắt từ phía góc lớp đối diện.
Tôi liếc sang người đứng cạnh mình, thầm nghĩ: “Bớt ảo tưởng Hân ơi.
Có lẽ mày đã là bù nhìn từ tận lúc này rồi, chứ chẳng đợi đến năm sau đâu.”
Tôi nhanh chóng về chỗ, mở cặp lấy vở ghi văn ra ôn bài.
Đang học đến văn bản “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ.
Thú thật là môn văn chẳng có gì thú vị, thứ tôi đang lẩm bẩm trong miệng chỉ là học vẹt, không phải kiến thức tôi đã được tiếp thu.
Tốn năm phút truy bài phải đi đổ rác, tôi chỉ còn mười phút để đọc lướt qua cả trang giấy này.
Những ý lớn tôi đã học qua ở nhà, giờ chỉ cần đọc mấy ý nhỏ thôi.
Chả mấy mà mười phút đã hết.
Trống báo hiệu tiết một vang lên, cô Trang văn bước vào nhanh chóng.
Như mọi lần, cô chầm chậm giở sổ điểm và nói: “Kiểm tra bài cũ nhé.
Có ai xung phong không?”
Cả lớp im thin thít.
Chiến thuật đúng đắn ngay lúc này là cúi đầu vừa phải, nhất định không được chạm mắt với giáo viên.
Căn phòng rộng lớn, chỉ nghe thấy tiếng vở lật nhẹ, tiếng thở chậm rãi và tiếng nhịp tim mỗi lúc một tăng của tôi.
“Không ai xung phong thì cô gọi nhé, hôm nay có là sinh nhật của bạn nào không nhỉ?”
Ặc, câu tử thần chí mạng.
Ánh mắt tôi đảo khắp lớp, tìm xem có đứa nào sinh ngày này không.
Nếu không, kẻ dính đạn 80% sẽ là tôi.
“A, có bạn sắp sinh nhật rồi này…”
Tôi như sét đánh ngang tai, mặt mày nhăn nhó, cố liếc qua một chút nữa.
“Trần Minh Hân.”
Tiếng thở phào nhẹ nhõm của cả lớp vang lên.
Lúc này các bạn mới bắt đầu xì xào to nhỏ được chút.
Tôi thì không có tâm trạng.
Lặng lẽ gật đầu, nuốt nước bọt giao phó cho số mệnh mà xách đít lên bục giảng.
“Đọc thơ và phân tích bốn câu đầu.” Cô Trang vừa lật vở ghi kiểm tra ghi chép của tôi vừa nói.
Tôi mở to mắt, quay xuống cầu cứu Linh và Hoa đang ngồi bàn hai.
Tôi nhớ phân tích, nhưng thơ đã học từ tối qua, sáng chưa nhìn lại, chữ lại bay đâu không biết.
Tôi nhướng lông mày ra hiệu.
Linh mấp máy môi, tôi cố gắng đọc khẩu hình, nhưng thất bại.
Hoa nhanh nhẹn lấy giấy bút, ghi chữ lớn câu đầu tiên cho tôi.
Tôi nheo mắt, đẩy kính.
Chiếc kính đen gọng tròn dày ba độ bị tôi đẩy đi đẩy lại nhiều lần mà chẳng nhìn rõ là chữ gì.
Loay hoay một hồi, cô không thấy động tĩnh gì, liền ngẩng đầu nhìn tôi: “Sao thế? Không thuộc bài à?”
Tôi lúng túng: “Dạ, em có học rồi.”
Cô lại lần nữa cúi xuống, giọng điệu thảm nhiên: “Thế trình bày đi chứ.”
Hải Nam ngồi bàn đầu nhanh trí, kéo quyển vở của cậu ta ra, đặt ở mép bàn.
Tấm trải bàn giáo viên che đi phần lớn, khiến cô không mảy may chú ý.
Tôi như cá đớp được mồi, ngay lập tức đọc to cả bài thơ.
Đến phần phân tích thì tôi nhớ, nên chém y như những gì mình đã học.
Cuối cùng may mắn vớ được con 9 điểm miệng đem về.
Trước khi xuống không quên nháy mắt cảm ơn Nam vì đã cứu người “chị em” này một mạng.
Giờ ra chơi, tôi tự giác lên lấy cầm giẻ lau bảng.
Tiết ngữ văn nào cũng là đầy một bảng phấn.
Lau phần dưới xong, tôi phẩy phẩy bàn tay mỏi nhừ, đổi sang tay khác để lau phần phía trên.
Với chiều cao vỏn vẹn 1m53 này, tôi phải kiễng chân hết cỡ, mãi mới có thể chạm đến phần trên cùng mép bảng.
Một bàn tay với ngang qua đầu tôi, giật lấy cái giẻ lau một cách nhanh chóng.
Người phía sau đứng gần quá, tôi vừa kiễng chân lên thì chạm phải cằm của cậu ta.
Tiếng kêu nhỏ vang lên.
Đăng đang đứng xoa xoa chiếc cằm V-line của mình.
“Nứt chiếc cằm đẹp của tao rồi đấy.”
Tôi chìa tay ra: “Ai bảo mày tự dưng đứng sau.
Đưa đây tao còn làm, không rảnh để đùa với mày đâu.”
Đăng tiến đến lau nốt phần còn lại giúp tôi, miệng không ngừng cằn nhằn:
“Tao lau giúp mày, ai mà đùa.
Chỉ giỏi nghĩ xấu.”
Thằng Lâm ngồi cuối lớp với lũ anh em, nhìn thấy cảnh tượng này, liền hò reo:
“Anh Đăng làm gì đó? Rủ chơi game mà lại đi giúp gái lau bảng à?”
Mấy đứa này hay gọi Đăng là anh Đăng, phần lớn là vì trêu đùa, muốn gọi hùa theo mấy em gái fandom, phần nhỏ là do Đăng có chút tiếng tăm.
“Tao tiện tay thôi.
Giờ có việc ra ngoài tí, chúng mày chơi trước đi.”
Đăng đưa lại giẻ cho tôi rồi đi ra ngoài.
Tiếng xì xào cuối lớp mãi không ngớt.
Hoa và Linh ngồi chung cũng để ý từ nãy đến giờ, không kịp để tôi nói gì, chúng nó tiến đến kéo tôi ra ngoài.
Tôi tiện thể cầm giẻ ra sân sau giặt.
Linh đẩy đẩy vai tôi, có mười phần thì cả mười là phấn khích:
“Trời ơi Hân ới, mày cua được thằng Đăng đấy à?”
“Điên.” Tôi chẳng thể nói gì hơn cho tình huống này.
Hoa cũng tò mò chẳng kém, bình thường nó chẳng quan tâm đến mấy chuyện như thế này:
“Nó lên lau bảng cho mày cơ đấy? Chúng mày chưa yêu nhưng chắc là nó có ý rồi.”
Tôi lắc đầu: “Thôi má ơi.
Má đừng phán rõ thế.
Không nghe nó vừa nói gì à? Tiện đường đi ra ngoài, trông tao lau bảng ngứa mắt quá, nên phẩy hộ tao vài nhát thôi.”
Linh chán ngán nhìn tôi: “Mày cứ tự thêm chữ vào câu của thằng Đăng thế?”
Linh quàng tay qua vai tôi, vỗ vỗ vài cái, giọng điệu tự hào: “Cố lên con của ta, cua được hotboy của trường không phải ai cũng được cái phước phận ấy đâu.”
Tôi đẩy tay Linh ra: “Nó là trapboy đấy.”
Linh và Hoa có vẻ bất ngờ.
Bởi lẽ, Đăng tuy được nhiều người theo đuổi, nhưng tiến đến mối quan hệ yêu đương thì chưa đến hai người.
Người không thân đương nhiên không biết, nó tuy không yêu, nhưng mập mờ với khối đứa.
Việc nó đối xử với tôi như thế này, có khi lại chỉ là con cá trong ao của nó thôi.
Đời trước cũng thế, vậy mà chúng tôi nào có thành đôi..