Quái Khách Muôn Mặt

Chương 1: Màn kịch trên đỉnh núi - Màn kịch trên đỉnh núi



Đêm khuya, mặt bể lóng lánh những phản chiếu của các vì sao trên nền trời trong đẹp vô cùng.

Lúc ấy, trên đỉnh núi cạnh bờ bể, bỗng có hai tiếng than thở vẳng lên. Sau tiếng thở than lại có tiếng rên rỉ.

Ai lại than thở và rên rỉ giữa sườn núi chơ vơ này?

Đó là một người mặt gầy gò, râu cằm đã hoa râm, dính đầy máu. Nửa người ngâm dưới nước, nửa người nằm tựa trên một hòn đá. Vẻ mặt đau khổ và mệt mỏi đang há hốc để nuốt lấy không khí. Hình như y vừa lặn dưới nước lên thì phải. Nghỉ ngơi giây lát, y lại tuột xuống nước và bơi tới một bãi cát ở về phía xa khơi. Nhưng bãi cát xa quá, phải tốn công hơn hai tiếng đồng hồ mới bơi đến bãi gần sườn núi cao chót vót.

Y cố gắng lắm mới bò lên được bãi. Quá mệt mỏi, y nằm mọp xuống bãi cát thở hổn hển, sau mấy phút, y gượng ngồi dậy, xếp bằng tròn để điều hơi, vận sức. Có lẽ vì bị thương nặng quá, nội tạng đã bị chấn động nát, nên vừa vận khí một cái, y đã hộc ra ngay mấy bụm máu tươi.

Y lẩm bẩm nói mấy lời rồi thở dài, gương mặt y vẫn lạnh lùng.

Nhưng chỉ thoáng cái, hai mắt của y đã tia ra hai luồng ánh sáng phẫn nộ.

Y đứng lên, người lảo đảo, thất thểu leo lên sườn núi ở trước mặt.

Sườn núi dốc và rất trơn trượt, y leo mãi mới lên được. Hai bên mép y lại rỉ ra khá nhiều máu tươi, nhưng vẫn không chịu ngừng cứ tiếp tục cố leo lên được trên đỉnh núi mới thôi.

Không ngờ trên đỉnh núi đó, lại có một bãi đất bằng rộng mấy chục trượng, một mặt hướng ra biển một mặt tựa vào sườn núi ở phía sau, trên mặt bãi đất lại có mấy hàng cây thông cổ thụ cao chọc trời, trông như một tấm bình phong.

Người đó lên tới bãi đất bằng và bò tới góc cây thông ngồi nghỉ ngơi chốc lát. Đoạn y lảo đảo đi sâu vào vùng cây um tùm.

Bây giờ là mùa hè. Trên bãi đất trống, ở giữa rừng có nhiều kỳ hoa dị thảo. Nhưng lạ thay, giữa không khí trong lành và tươi mát ấy, giữa muôn hoa đua nở mà người nọ không ngửi thấy một tí hoa thơm nào cả, trái lại chỉ ngửi thấy mùi máu tanh xông lên.

Trên nền trời, đám mây đen vừa bay qua, mặt trăng lưỡi liềm, chiếu xuống bãi đất ánh sáng le lói khiến người nọ trông thấy rõ hết cả cảnh vật quanh mình. Không biết ai lại tàn nhẫn chà đạp nát những luống hoa xinh đẹp như thế mà lại có người nằm phục lên hoa như ngủ say. Y lẩm bẩm :

– Ủa? Không phải ngủ, hình như người này đã chết thì đúng hơn, và có rất nhiều người chết.

Y thấy nhiều người chết vậy mà không kinh hoảng tý nào, trái lại còn đến gần đếm :

– Một, hai, ba… bốn, năm, sáu, bảy!

Tất cả mười cái xác nằm trên những luống hoa.

Dưới ánh trăng trông mặt người đó càng nhợt nhạt và thảm khốc thêm, y loạng choạng bước qua những cái xác đó, đi thẳng về phía sườn núi, vừa đi vừa cười ha hả như điên loạn.

Tiếng cười của y khiến ai nghe cũng phải rùng mình kinh hoảng. Tiếng cười của y mường tượng tiếng ma kêu quỷ khóc.

Y cười được một hồi thì thổ ra một đống máu tươi. Nhưng có lẽ y không coi sự sống chết ra gì thì phải, và đang lẩm bẩm hình như muốn thổ lộ tâm sự của mình cho những người chết kia nghe.

– Hừ, các người là những quân khốn khiếp. Các người dám đến Quan Nhật Nhai (sườn núi xem mặt trời mọc) này quấy nhiễu, các người không biết tự lượng mới bỏ xác như vậy. Bây giờ các ngươi đã chết rồi, các người đã biết ta Cô Độc Khách không phải là một nhân vật dễ bắt nạt chứ?

Y giẫm lên bụng một hòa thượng to béo và hậm hực đá cái xác đó một cái. Xác ấy không nhúc nhích chút nào vẫn nằm yên, trái lại suýt tí nữa thì y đã trợt chân té ngã, tiếp theo đó y lẩm bẩm mắng chửi.

– Hòa thượng chó chết này, ngươi chả là Giám viện của Thiếu Lâm là gì?

Tại sao ngươi lại tầm thường đến thế, sư huynh mi là Chưởng môn của phái Thiếu Lâm, y tự biết không địch nổi một chưởng của Độc Cô Khách, nên y chỉ đứng đằng xa hò reo trợ oai thôi, còn để cho các ngươi, những quân chó chết đến đây nộp mạng? Các ngươi tự vấn thân, chứ không còn vu ai được nữa, bây giờ các người yên tâm rồi chứ!… Ta đã yên tâm chưa…?

Y tự hỏi như vậy rồi lẩm bẩm :

– Không lòng ta không bao giờ yên hết. Ta phải giết sạch những kẻ đã âm mưu đến đây sát hại ta. Nơi đây chỉ có mười bảy người, nhưng không có ai chủ mưu cả. Hừ, sẽ có một ngày, ta bước chân tới cửa nhà những tên chủ mưu rồi ta sẽ đánh chết chúng cho mà xem, ta còn muốn… đồ đệ ngoan ngoãn của ta trả thù cho ta…

Vừa nói vừa loạng choạng đi đến gần vách núi, dưới vách ấy trước kia có một căn nhà lá nho nhỏ. Bây giờ đã bị thiêu rụi rồi và chỉ còn là đống tro tàn thôi. Y đi vòng qua đống tro tàn đó, tới vách núi thò tay vào một lỗ thật nhỏ, bên ngoài ngụy trang khéo léo để không ai có thể thấy được. Y lấy ra một cái hộp sắc hình dài cặp dưới nách, rồi lại loạng choạng quay người đi luôn.

Trăng ở trên nền trời đã lặn xuống rồi, trên đỉnh núi đột nhiên trời tối âm u. Góc trời bên phía đông sáng dần. Mặt trời dần dần nhô lên. Lúc bấy giờ, trên mặt biển cạnh sườn núi đã xuất hiện một chiếc thuyền buồm nho nhỏ đang lướt sóng tiến thẳng ra khơi. Chiếc thuyền ấy càng đi càng xa, sau cùng chỉ còn là chấm đen nho nhỏ thôi.

Người ta không còn trông thấy ông già bị thương nặng xuất hiện trên đỉnh núi nọ nữa. Nhưng khi mặt trời đã mọc lên cao, trên đỉnh núi ấy lại xuất hiện bọn người khác. Bọn người này đa số là thanh niên tuổi ngoài hai mươi. Trong số các thanh niên đó, đạo sĩ có, hòa thượng có và cũng có cả người thường. người nào người nấy đều võ trang, lưng mang kiếm.

Họ leo lên đỉnh núi với vẻ thản nhiên, riêng chỉ có vài người ứa nước mắt thôi. Họ lẳng lặng đi đến các luống hoa nhận xác chết. Một số nhìn xuống sườn núi, ngó nhìn xuống phía vực sâu rồi mới quay lại dùng những chiếc chiếu, gói các xác chết lại vác lên vai rồi lẳng lặng xuống núi.

Một đêm kỳ lạ và kinh khủng đã qua rồi. nhưng sự tích của đêm này đã được bọn thanh niên đến nhặt xác truyền bá khắp nơi.

Thế là trên giang hồ, ai ai cũng đều hay tin: “Sát Tinh Độc Cô Khách, người mà các tay cao thủ võ lâm đều sợ hãi đã bị bảy Đại chưởng môn liên hiệp và tổ chức một đạo quân chính nghĩa trừ toi mạng rồi!”

Nhưng sự thật, Cô Độc Khách đã hùng cứ võ lâm ngót hai mươi năm có thật bị bọn người của bảy đại môn phái đó giết chết không? Sát Tinh Cô Độc Khách có thật là kẻ tàn sát vô nhân đạo đáng để cho đội quân chính nghĩa của bảy đại môn phái liên hiệp diệt trừ không?

Những câu hỏi đó thật khó trả lời cho đúng vì trong võ lâm rất ít người biết rõ chuyện.

Nhưng rồi tất cả những bí mật ấy dần dần được tiết lộ dưới ánh mặt trời.

Câu chuyện bảy đại môn phái liên hiệp diệt trừ Cô Độc Khách đã qua được năm năm rồi.

Trên Quan Nhật Nhai ở núi Lao Sơn, hoa vẫn đua nở và còn nở nhiều hơn, đẹp hơn trước nữa là khác. Đồng thời dưới sườn núi lại mới xây một căn nhà rất đẹp đẽ.

Tòa nhà mới xây đó thật hùng vĩ. Những cột và sàn nhà đều có chạm rồng phụng, kỳ hoa dị thảo và các sự tích đời xưa.

Nhà đó có tất cả chín căn, căn nào cũng có lầu và xây bằng gạch đỏ. Căn nào cũng có hành lang liên thông với nhau, và chín căn xây vòng quanh theo hình bán nguyệt, chính giữa lại có nhà thủy tạ, đình đài và vườn hoa. Tòa nhà trang hoàng lịch sự không kém gì những lâu đài của vương hầu bá tước.

Bây giờ là mùa hè, gió bể thổi tới mát dịu, khiến người ở trong nhà không thấy oi bức, nhất là những buổi hoàng hôn. Trời xanh biếc, trông ra ngoài khơi người ta không thể nào phân biệt được đâu là trời đâu là biển. Mặt trời sắp lặn, mặt trời đỏ bừng như say rượu nên những ngọn sóng phản chiếu những ánh sáng ngũ sắc.

Dưới chân núi, từng làn sóng trắng một, đánh tạt vào vách đá dội lên trên bãi cát, những tiếng rì rào êm tai. Những con hải điểu sắp trở về tổ bay lượn trên mặt biển, dưới sườn núi thêu dệt cảnh sắc thành một bức tranh đẹp vô cùng.

Sắp đến giờ ăn tối, trong lầu hồng khói bốc lên nghi ngút, đột nhiên cửa lầu của căn nhà giữa hé mở. Một đứa bé mặc quần màu phấn hồng ở bên trong chạy ra nhanh như thỏ rồi tiến thẳng vào trong rừng thông ở gần đó.

Chú bé quay đầu lại nhìn, thấy chưa có ai chú ý nên khoái chí cười khì rồi chạy nhanh qua khu rừng đó. Em chạy xuống một cái dốc nho nhỏ để tới bãi cát.

Chủ nhân của tòa nhà đồ sộ này họ Long. Gia đình này có tất cả chín anh em. Người lớn nhất tức là lão đại Long Chí Lễ, lão nhị Chí Nghĩa, lão tam Chí Nhân, lão tứ Chí Tín, lão ngũ Chí Trung, lão lục Chí Đạt, lão thất Chí Tri, lão bát Chí Tiến, lão cửu Chí Dũng. Người nào người nấy tuổi đều trên ngũ tuần.

Trước kia, chín anh em, mỗi người ở một nơi, người làm quan, kẻ đi buôn bán, mỗi người làm một nghề, người nào người nấy đều khá giả, riêng có lão cửu Chí Dũng tính thích hành hiệp và đã được Nhất Phong Thượng Nhân ở Bạch Vân Quán ở núi Thái Sơn thâu nhận làm đồ đệ. Nhờ có võ công cao siêu, hành hiệp trượng nghĩa ở chốn giang hồ, nên Chí Dũng được người trong võ lâm ban danh hiệu Quá Sơn Long.

Chín anh em thấy mình đã luống tuổi nên cùng rủ nhau về quê hương tỉnh Sơn Đông đoàn tụ dưới một mái nhà. Trong chín anh em, chỉ có một mình Chí Dũng sanh được một người con trai thôi.

Tám người nọ, tuy có một vài người đã có năm thê bảy thiếp mà vẫn hiếm muộn.

Vì vậy, con trai của Chí Dũng là Uyên nhi, vô hình trung trở nên vật quý nhất của nhà họ Long, tám người anh đều muốn nhận Uyên nhi thừa tự cho mình.

Nhưng Chí Dũng chỉ được một đứa con như vậy mà thằng nhỏ mới lên ba, tất nhiên không khi nào mẹ nó lại chịu để cho nó sang ở những nhà của các người anh kia. Vả lại có những tám người thì biết để nó với ai? Hơn nữa nó hãy còn nhỏ nên cha nó cũng không muốn xa nó. Vì vậy, chín anh em mới tìm đến chỗ Quan Nhật Nhai phong cảnh tuyệt đẹp này, để xây một tòa nhà đồ sộ, rồi cùng ở chung với nhau và cũng để tạo cơ hội gần gũi đứa con duy nhất của nhà họ Long.

Thấm thoát đã được ba năm, Uyên nhi đã lên sáu.

Hằng ngày tám ông già đều thương Uyên nhi nên để căn lầu giữa cho nó và cha mẹ nó ở. Đại sảnh lớn dưới lầu là phòng ăn, mỗi ngày hai bữa, cả nhà họ Long già trẻ lớn bé đều đến phòng đó dùng cơm.

Uyên nhi được cả nhà thương như vậy, tất nhiên em muốn gì được nấy, chỉ có một điều là không được tự do thôi.

Một đứa trẻ mới lên sáu, suốt ngày bị vú già và con sen trông coi, nào là không được nghịch nước, nghịch bùn… Vì vậy nó bực mình vú già và con sen lắm, cho nên hễ hai người trông coi nó lơ đễnh một chút là nó lẻn trốn đi chơi một mình ngay. Nó thích xuống bãi cát ở dưới nhặt những vỏ trai, vỏ hến chơi, cũng vì thế mà vú già và con sen cứ bị chủ nhân mắng chửi luôn.

Sở dĩ mọi người thương yêu Uyên nhi như vậy là vì nó vừa ngoan, vừa đẹp trai, vừa lanh lợi, không khác gì một tiên đồng đầu thai xuống trần.

Chí Tri, người em thứ bảy, năm xưa đã làm mấy năm tri phủ, học vấn uyên thâm, lại tinh thâm cả y bốc, tinh, tướng. Theo sự nhận xét của ông ta thì cốt cách của Uyên nhi rất thanh kỳ, sau này thế nào cũng trải qua một lần đại nạn nhưng lại gặp quới nhân ngay nên rốt cuộc trở thành một kỳ nhân trong thiên hạ.

Thấy Chí Tri nói như thế, cha mẹ của Uyên nhi là vợ chồng Chí Dũng đều là hiệp sĩ, tính rất khoáng đạt, nhưng còn bảy người anh kia thì lại càng lo âu thêm vì người nào người ấy đều coi Uyên nhi như con đẻ của mình, ai ai cũng mong sau này nó nối dòng dõi cho nhà họ Long, nhưng họ chỉ mong cho Uyên nhi trưởng thành lấy vợ, đẻ con nối dòng chứ không mong nó phiêu bạt giang hồ.

Cũng vì thế mà nhà họ Long không những ra nghiêm lệnh cho vú già và con sen phải trông coi Uyên nhi mà còn cấm đứa bé ra khỏi nhà nữa.

Năm Uyên nhi lên năm, mấy người anh bắt Chí Tri phải phụ trách việc dạy học cho Uyên nhi. Ý của họ là muốn Uyên nhi bận lo việc học hành khỏi chạy rong chơi ngoài đường.

Ngờ đâu Uyên nhi thông minh vô cùng, những bài học mà người khác học ba ngày chưa thuộc lòng thì nó chỉ học nửa ngày là thuộc liền.

Chí Tri thấy Uyên nhi thông minh như vậy biết nó không phải là đứa trẻ tầm thường, nên để cho nó tự do tùy theo số mạng, thuận lòng trời thì hơn.

Vì thế chiều nào Uyên nhi học xong, là Chí Tri cho đi ra ngoài chơi, và dặn nó về trước giờ ăn cơm.

Một năm đã qua, Uyên nhi học thuộc mấy cuốn kinh điển và lẻn đi chơi chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ngày nào Uyên nhi cũng xuống bãi cát chơi. Nó đã quen thuộc đường đi nước bước đồng thời nó lại tìm được một cái hang bí ẩn dưới chân núi.

Ngày nào nó cũng vào đó quét dọn rất sạch và nhặt được những vỏ trai vỏ hến đem vào chơi. Một chiều nọ cũng như mọi khi, Uyên nhi vừa xuống tới bãi cát đã trông thấy một chiếc thuyền nhỏ đậu sẵn ở bãi biển. Nó ngạc nhiên và mừng rỡ vì ven bờ bể không có một nhà nào khác, cho nên quanh năm không có một chiếc thuyền nào đậu cả.

Uyên nhi đi đến cái hang động bí mật, nhưng mặt ngoảnh về phía sau nhìn chiếc thuyền.

Ngờ đâu nó vừa bước chân vào hang động thì cảm thấy có sự khác lạ vì cái nhà đắp bằng vỏ trai của nó đã bị người ta phá nát.

Nó tức giận vô cùng, vội chạy vào bên trong cúi xuống nhặt vỏ trai vỏ hến.

Ngờ đâu nó vừa cúi đầu xuống, bỗng thấy phía sau lưng tê tái, rồi ngã lăn trên đống vỏ trai mê man bất tỉnh.

Lúc ấy phía sau Uyên nhi có một đại hán tuổi ngoài ba mươi, mặt hung dữ. Thấy Uyên nhi té ngã, tỏ vẻ đắc chí, ung dung móc túi lấy một lá thư để xuống đất, rồi ẵm Uyên nhi lên, nhảy luôn ra ngoài hang chạy thẳng về phía bờ bể.

Gã đại hán đặt Uyên nhi xuống thuyền, sửa soạn kéo buồm nhổ neo, thì bỗng thấy người của Uyên nhi trắng như ngọc ngà, mặt hồng hào, trán cao mũi to, đôi môi đỏ như son, lông mày hình lưỡi kiếm, xếch lên làn mái tóc, hai mắt nhắm nghiền, lông mi rậm như hai cái quạt lông ghép vào nhau. Trông đứa bé anh tuấn như vậy, gã đại hán ngẩn người ra tự hổ thẹn với lương tâm.

Có lẽ lúc ấy lương tri của y vẫn còn một phần nào nên y mới có phản ứng như vậy, suýt tí nữa đã ẵm thằng nhỏ đem lên bờ trả về chỗ, nhưng vì lòng tham mạnh hơn lương tri, sau cùng y nghiến răng mím môi ẵm đứa bé vô khoang thuyền đặt nó trên một cái giường, rồi mới giương buồm thẳng ra khơi.

Trời đã sẩm tối, tòa nhà chín căn ở trên Quan Nhật Nhai đã lần lượt thắp đèn phòng ăn lớn rộng nơi chính giữa đèn đuốc thắp sáng như ban ngày, chín vợ chồng của chín người anh em họ Long và tỳ thiếp tụ họp đông đủ nơi phòng ăn riêng thiếu có một mình Uyên nhi thôi.

Lão đại Chí Lễ tính nóng nẩy nhất quát hỏi con sen. Chí Tri ung dung dắt tay cửu đệ đứng dậy nói :

– Đại ca chớ có nóng nẩy như vậy, đệ biết Uyên nhi đi đâu chơi, cửu đệ cùng huynh đi ra ngoài đó tìm Uyên nhi.

Chí Dũng vâng lời, sai người thắp sáng đèn lồng rồi hai anh em dắt tay nhau đi ra ngoài bể.

Cái hang bí mật dưới chân núi là chỗ chơi riêng của Uyên nhi chỉ có Chí Tri và Chí Dũng biết thôi, nhưng vì hai người tính rất khoáng đạt, nên không ngăn cấm nó.

Hai người đi xuống đến bãi, thì trời đã tối sầm. Hai người thấy vậy càng thêm lo âu, vì từ xưa đến nay, không bao giờ Uyên nhi lại ở trong hang động đó chơi cho tối như thế này cả.

Chí Dũng là cha của Uyên nhi, càng lo âu thêm, vội buông tay của Chí Tri và nói :

– Tri thất ca ở đây để đệ đi tìm kiếm quanh đây xem Uyên nhi có đi chơi quanh đây lạc lối về không.

Nói xong, y không chờ Chí Tri trả lời, đã vội giở khinh công ra tựa như một cái bóng đen tiến về phía hang động bí mật kia.

Tuy Chí Tri biết người em của mình võ công rất cao siêu, nhưng chưa hề thấy em biểu diễn bao giờ. Bây giờ thấy Chí Dũng giở khinh công tuyệt mức ra đi nhanh như thế, Chí Tri vừa kinh hãi vừa thán phục, đứng ngẩn người ra.

Một lát sau, y bỗng thấy dưới chân núi có một đạo ánh sáng vừa thấp thoáng và nhanh như gió bay lên.

Thì ra đó là Chí Dũng tay cầm đèn lồng đã lên tới nơi Chí Tri, thấy mặt cửu đệ rầu rĩ vừa tới nơi đã thở dài nói :

– Tri thất ca, Uyên nhi nó đã bị bắt đi rồi!

Tựa như sét đánh ngang tai. Chí Tri đã sớm biết thế nào cũng có ngày Uyên nhi ngộ nạn, nhưng y không ngờ lại nhanh chóng đến thế, nên y cứ đứng ngẩn người ra ấp úng hỏi lại :

– Thật… có thế không? Cửu đệ…

Chí Dũng thấy thái độ của người anh như vậy càng đau lòng thêm, liền đưa lá thư cho Chí Tri xem rồi dắt tay Chí Tri đi trở lên, vừa đi, y vừa nói tiếp :

– Tên giặc để lá thư đòi chúng ta phải chuộc Uyên nhi bằng hai trăm ngàn lạng bạc, nếu ba ngày sau, không chuộc thì tên giặc đấy sẽ giết Uyên nhi liền.

Chí Tri nghe nói hơi yên tâm vội hỏi lại :

– Tên giặc bắt đứa bé là muốn có được một số tiền, vậy bây giờ chỉ có cho nó là Uyên nhi vô sự ngay. Nhưng trong ba ngày phải làm thế nào để đem hai trăm ngàn lạng bạc tới đây, không thì nguy cho Uyên nhi lắm đấy.

Hai anh em về tới đại sảnh. Các người anh ngồi ở trong sảnh đợi đứa cháu quý báu về để cùng ăn cơm, cho nên họ vừa thấy hai người về mà không thấy hình bóng Uyên nhi đâu, nên Chí Lễ hỏi ngay :

– Cửu đệ, các người làm trò quỷ gì thế, Uyên nhi đâu?

Chí Dũng lẳng lặng đưa lá thư cho người anh cả. Lão đại thấy vậy, biết điềm chẳng lành rồi, vội cầm lá thư lên tiếng đọc :

“Thơ gửi cho chín ông già họ Long.

Con của các người đã bình yên tới trại của thái gia rồi. Hiện giờ nó vẫn bình yên vô sự, nhưng đến trưa ba ngày sau mà các ngươi không sửa soạn hai trăm ngàn lạng bạc để dưới bãi cát cạnh chân núi, để thái gia sai người đến nhận. Nếu không thiếu lạng nào, thì đúng giờ hẹn thái gia sẽ trả lại con cho các người liền, quyết không sai hẹn. còn nếu các người thương tiền thì ngày thứ tư thái gia sẽ bỏ thằng nhỏ vào vạc dầu chiên để ăn nhậu tức thì.

Ký tên: Náo Hải Giao”.

Lão đại đọc xong lá thư đó, vừa tức giận vừa kinh hãi, hai tay run lẩy bẩy.

Tám người đàn ông, nghe lão đại đọc xong thư chỉ lắc đầu than thở, mặt biến sắc thôi.

Chí Lễ đứng ngẩn người ra giây lát, nước mắt ràn rụa, giọng gào la lớn :

– Quân giặc thật to gan, ban ngày ban mặt mà dám đến đây bắt cóc Uyên nhi…

Mẹ của Uyên nhi là Liễu thị phu nhân, tuy là vợ của Chí Dũng, nhưng không biết võ công, tính nết lại nhân từ, nghe tin con bị bắt cóc như vậy, đau lòng mà chết giấc luôn.

Chí Dũng vội xoa bóp cho vợ. Chí Tri phu nhân đứng cạnh đó cũng khóc sướt mướt và trách chồng :

– Ông… Ông làm thầy nó mà để cho nó đi chơi, bị bắt cóc như vậy… trời… tội nghiệp cho Uyên nhi của tôi… Suốt ngày nó ở trong phòng sách của ông… đến bị người ta bắt cóc đi rồi… Chỉ tại ông…

Chí Tri phu nhân vừa khóc vừa trách chồng làm những người đàn bà khác cũng òa lên khóc theo.

Lão đại quát bảo im, họ mới chịu nín.

Chí Lễ chờ mọi người yên lặng rồi mới ôn hòa nói :

– Bây giờ việc đã xảy ra như vậy rồi, chúng ta có hối cũng vô ích. Chúng ta phải nghĩ cách nào lấy ra hai trăm ngàn lạng bạc rồi sai người đem tới đây và đồng thời đến phủ đường báo cho tri phủ biết việc này, để cho ông ta phái người ngấm ngầm theo dõi để phòng tên giặc Náo Hải Giao không giữ tín nghĩa, lấy tiền rồi không trả Uyên nhi cho chúng ta.

Y dặn bảo xong, liền xua tay ra hiệu bảo vợ là Vương thị phu nhân cùng mình đi về phòng nghỉ ngơi.

Các ông già khác thấy anh cả đã về phòng nghỉ, ai nấy cũng lần lượt đi về phòng mình. Trong đại sảnh chỉ còn lại lão thất Chí Tri và vợ chồng Chí Dũng thôi.

Chí Dũng bảo người nhà dọn mâm cơm chưa ai ăn qua xuống, và sai con sen đỡ vợ về phòng nghỉ trước còn y ở lại bàn tán với Chí Tri. Hai anh em rầu rĩ vô cùng.

Chí Dũng có võ học rất cao siêu, Chí Tri thì tài trí hơn người, nhưng vì sợ thiệt hại tính mạng của Uyên nhi nên không dám tìm đến ổ giặc để cứu Uyên nhi.

Ngày thứ hai, Chí Dũng tuân theo lời dặn bảo của người anh cả, một mình xuống núi để lấy tiền và báo cáo tự sự với tri phủ.

Ngày thứ ba Chí Dũng đã sai người chở mười mấy xe bạc về tới nơi, khiêng ra từng rương một để ngoài bãi cát để chờ giao nộp đổi lấy Uyên nhi.

Nhưng rồi năm ngày đã qua mà không thấy tên giặc Náo Hải Giao xuất hiện nhận tiền.

Chín ông già lần lượt thay phiên xuống bãi cát canh gác để xem có người đến nhận bạc không. Nhưng hết ngày này đến ngày khác, hai trăm ngàn lạng bạc vẫn còn chồng chất trên bãi cát không thiếu một hòm nào, mà tin tức Uyên nhi vẫn bặt tăm hơi.

Sức khỏe của các ông già có hạn, lo âu nửa tháng liền như vậy làm sao chịu đựng nổi, nên trong chín người đã có bảy người đau ốm nằm liệt giường, liệt chiếu rồi. Chỉ còn lại Chí Tri bận thăm bệnh, khai toa, bốc thuốc. Chí Dũng thì bận vào trong thị trấn hốt thuốc và làm ăn việc vặt.

Chí Tri biết trước thế nào cũng có ngày như vậy, cho nên, lúc bấy giờ tuy ông ta rất lo âu, nhưng vẫn còn tâm trí bói một quẻ thử xem.

Trong quẻ cho hay Uyên nhi nhân họa đắc phúc, sau cùng sẽ học được võ công kỳ học, nhưng mười mấy năm sau, mới có thể trở về gia đình đoàn tụ.

Y báo tin đó cho cho tất cả anh em hay. Thoạt tiên mọi người không tin, lại còn trách y nói bậy bạ, nhưng mãi về sau, không thấy tên giặc đến lấy tiền, nên mọi người mới tin quẻ bói của Chí Tri là linh nghiệm.

Chí Dũng vốn là nhân vật giang hồ tính rất hào phóng, ngày trước thường lại rất phục người anh thứ bảy, nên y đã xuống núi nhiều lần gặp rất nhiều bạn bè trong giới giang hồ, hỏi thăm Náo Hải Giao ở đâu thì không ai biết tên giặc đó ở đâu cả và cũng không biết y là người của phe phái nào. Chí Dũng đoán tên giặc đó chắc là mã tặc ở ngoài Quan ngoại mới vào Trung thổ, hay là giặc bể ở ngoài khơi chẳng hạn.

Vì không biết tung tích và lai lịch của tên giặc, Chí Dũng không biết đi đâu mà tìm kiếm Uyên nhi, nhưng y cũng biết Uyên nhi có xương cốt kỳ lạ và cũng không phải là người chết yểu, nên giờ nó bị người ta bắt cóc đem đi chắc chỉ chịu đôi chút khổ sở thôi, chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Chưa biết chừng nhân dịp may đó, nó lại luyện thành một tay cao thủ độc nhất vô song, theo như quẻ bói của Chí Tri cũng nên?

Vì vậy mà y cũng đỡ lo âu, cùng Chí Tri hợp sức chữa bệnh cho các anh, rồi sai người khiêng những hòm bạc đó đem trở vào trong thành.

* * * * *

Nói về Náo Hải Giao bắt cóc Uyên nhi đi, quả là một tên hải tặc ở Đông Hải thật.

Lúc bấy giờ, hải tặc phần nhiều chỉ cướp thuyền bè của những người ngoại quốc đến cống nạp hay thông thương với Trung Quốc thôi. Thuyền của người ngoại quốc lại to, chở nhiều hàng hóa nên chúng cướp được một vố là đủ cho bọn hải tặc ăn sung mặt sướng trong nửa đời người.

Do đó bọn hải tặc Đông Hải một khi cướp được thuyền của người ngoại quốc rồi, chúng liền phân tán ra rồi đem giấu thuyền vào trong những nơi hoang đảo, cải trang thành những người khách vào trong nội địa ăn chơi sung sướng, đến khi nào hết tiền rồi mới tụ hợp nhau đi làm ăn nữa.

Cũng vì thế mà bọn hải tặc vào tới Trung thổ ít người biết được tung tích của chúng, có người cứ tưởng là phú thương thích ăn chơi mà thôi.

Náo Hải Giao cũng là một tên hải tặc, y còn là một tiểu đầu mục nữa. Năm ngoái cướp được một chiếc thuyền ngoại quốc, chia tiền xong, y một mình cởi một chiếc thuyền buồm đổ bộ vào vùng Giang Đông ăn chơi cờ bạc hả hê không đầy nửa năm số tiền cũng đã cạn, vì chuyến cướp đó mỗi người được chia một số tiền khá lớn, cho nên chúng hẹn một năm sau sẽ gặp lại và hợp nhau trên hoang đảo.

Náo Hải Giao xài tiền quá nhanh. Mới nửa năm đã hết sạch, nên y mới nghĩ cách để sinh sống, vì vậy y dò biết anh em họ Long giàu nhất vùng, có thể làm tiền được.

Nhưng y lại dò biết Chí Dũng là sư đệ của Xuất Trần đạo nhân người Chưởng môn của phái Thái Sơn công lực siêu việt, oai danh rất lớn, nếu ra tay cướp thẳng thì khó mà thành công. Cho nên y mới dùng cách bắt cóc Uyên nhi đi để đòi chuộc hai trăm ngàn lượng bạc.

Lúc bấy giờ, với số tiền ấy quả thật lớn không thể tưởng được. Y muốn lấy số tiền đó rồi cao chạy xa bay, tìm nơi hưởng thú an nhàn hầu thoát ly nghề trộm cướp này. Y ẩn núp dưới sườn núi Quan Nhật Nhai, điều tra biết Uyên nhi ngày nào cũng xuống chơi dưới bãi bể.

Y tính toán cướp xong Uyên nhi, đem đến một hòn đảo nhỏ, rồi mướn những người thuyền chài đến chỗ hẹn khuân bạc hộ y. Khi khuân hết chỗ bạc rồi, y mới sai thuyền chài đưa Uyên nhi vào bờ trả cho khổ chủ, còn y sẽ đổ bộ ở miền duyên hải gần tỉnh Phúc Kiến để sinh cơ lạc nghiệp tại đó.

Ngờ đâu mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên, y điểm yếu huyệt cho Uyên nhi ngủ say, xong chở luôn đứa bé ra ngoài khơi.

Y là hải tặc rất quen đường bể nên chỗ nào có đá ngầm là y biết ngay. Từ chân núi Lao Sơn trở đi có một quãng đường rất nguy hiểm, các thuyền chài và thương thuyền đều không dám lui tới nơi đó, ngay cả đảo Hắc Triều Dữ nữa. Đảo ấy toàn là những hòn đá lởm chởm và sóng gió lại lớn nên không ai dám lên trên đảo đó để nghỉ chân hoặc tránh gió bão hết, vì sợ chưa vào đến nơi, đã bị đá ngầm bên dưới đâm thủng thuyền.

Hơn nữa dưới bể ở chung quanh đó, có rất nhiều cá mập xuất hiện. Xưa kia, những chiếc thuyền lại gần vùng đó, thì mười chiếc có đến chín chiếc bị đâm, và người trên thuyền bị cá mập nuốt hết. Nhưng cũng may hòn đảo Hắc Triều Dữ đó khá cao, chung quanh lại có những tảng đá lố nhố như răng chó và cũng trông như tường thành vậy, rất dễ cho người đi bể nhận thấy.

Những thuyền bè qua lại, xa xa trông thấy hòn đảo đã vội vòng qua mấy chục dặm chứ không ai dám xuyên qua vùng này cả.

Khi ra khỏi vùng Lao Sơn, Náo Hải Giao tính sáng sớm ngày hôm sau mới trông thấy hòn đảo Hải Triều Dữ. Lúc ấy y sẽ đi vòng qua phía nam và đi thêm nửa ngày đường nữa thì tới chỗ của y liền. Nào ngờ đâu y mới đi được nửa đêm, thì buồn ngủ quá, bỗng giật mình thức tỉnh vì thân thuyền rung động rất mạnh và gió bể lồng lộng.

Náo Hải Giao chưa kịp xem xét nguyên nhân ra sao thì bỗng có một ngọn sóng lớn, đánh phủ đầu, chỉ nghe thấy kêu lách cách một tiếng, cột buồm bị đánh gãy luôn. Nếu y không nhanh tay ôm chặt lấy cái lái thì thuyền đã bị ngọn sóng đó cuộn đi rồi.

Náo Hải Giao thấy một cột buồm gãy và rơi xuống bể, cả kinh yên trí phen này không bị chết đắm thì thuyền không buồm lênh đênh ở trên biển như thế này thế nào cũng bị chết khát chứ không sai.

Y hoảng sợ nhìn xung quanh, bỗng thấy phía đằng trước có một cái núi nhỏ nhô lên trên mặt biển. Trên núi nhỏ đó có một vòi nước như rồng cuộn nước đang bắn lên không, cao hai ba chục trượng nên nước đó lúc rớt xuống bắn cả vào thuyền của y.

Người của y cũng bị ướt như chuột lột.

Chỉ trong thoáng cái, y đã nhận xét ra núi đó không phải là núi mà chính là lưng con cá voi, còn vòi nước kia là vòi nước của con cá voi chứ không phải là rồng hút nước gì hết nên y hoảng sợ, bụng bảo dạ rằng :

– Ta cứ ở trên thuyền thế nào cũng bị vòi nước của con cá voi đánh chết, chi bằng lo bỏ thuyền nhảy xuống bể bơi đi nơi khác, may ra còn sống sót.

Náo Hải Giao không đợi chờ vòi nước của con cá voi phun tới mà đã vội nhảy xuống bể và lặn xuống đáy nước luôn.

Vòi nước của con cá voi rất mạnh, nếu bị đánh trúng dù thuyền kiên cố đến đâu cũng bị tan vỡ, tên giặc yên trí đứa bé nằm ở trong khoang thuyền thế nào cũng toi mạng chứ không sai.

Ngờ đâu vòi nước sắp đánh xuống và cũng là lúc tên giặc mới bơi ra khỏi đó được vài thước thì con cá voi đột nhiên há mồm ngoạm một cái. Một luồng sức vô hình hút luôn chiếc thuyền nhỏ đó về phía trước hai trượng, nhờ vậy vòi nước đánh xuống mặt bể thôi. Nước bể bị đánh dựng lên thành một làn sóng cao mấy trượng.

Náo Hải Giao đang lặn ở dưới đáy nước, bị vòi nước của con cá voi nặng hàng vạn cân đánh xuống trúng ngay vào chỗ y đang lặn. Thế là lục phủ ngũ tạng của y bị chấn nát, mồm, mũi, tai, mắt đều vọt máu tươi ra, chỉ trong nháy mắt một đàn cá với cả tên giặc đều nổi cả lên trên mặt nước.

Con cá voi đang kiếm mồi ăn bỗng trông thấy đàn cá bị vòi nước của nó đánh và đang nổi lênh đênh trên mặt nước, vội há mồm hút mạnh một cái, thế là cả nước bể, đàn cá, xác của Náo Hải Giao, lẫn chiếc thuyền bị gãy cột buồm đều chui vào trong mồm con cá.

Uyên nhi bị Náo Hải Giao điểm trúng yếu huyệt ngủ, đang ngủ ngon giấc dù sóng gió đánh mạnh và thuyền bị chui vào trong mồm cá chấn động như long trời lỡ đất mà nó vẫn chưa thức tỉnh.

Không biết trải qua bao lâu, Uyên nhi thì đã từ từ thức dậy. Nó bỗng ngửi thấy mùi tanh hôi khiến nó phải nhảy mũi mấy cái, lại tưởng đang nằm ở trong nhà, theo thói quen liền lên tiếng gọi lớn :

– Mẹ!…

Nhưng không thấy ai trả lời, nó ngạc nhiên vô cùng và cảm thấy cái giường mình đang nằm cứ tròng trành và rung động tựa như động đất vậy.

Nó có vẻ sợ sệt, ngồi dậy ngắm nhìn xung quanh. Nó chỉ thấy trời u ám mà không trông thấy một vật gì hết. Nhưng có một điểm nó có thể xác định trước là nó đang ở một nơi xa lạ, chứ không phải ở trong nhà. Vì vậy suýt tí nữa, nó khóc òa lên.

Nhưng nó cố trấn tĩnh lại để khỏi hãi sợ. Lúc này nó mới biết nó đang nằm ở trên một con thuyền, tuy nó chưa đi thuyền lần nào.

Lúc ấy, không khí ở trên khoang thuyền đã bớt tanh hôi rồi, nhưng vẫn còn có một mùi gì xông lên khó chịu hết sức và chiếc thuyền cũng bớt tròng trành, và hình như đậu lại rồi.

Uyên nhi thấy phía sau giường có hai cánh cửa sổ đóng kín, nó muốn bò tới trước cửa mở ra để mong có ánh sáng chiếu và không khí trong sách lùa vào cho đỡ mùi tanh hôi.

Nó vừa mở toang hai cánh cửa sổ thì quả nhiên bên ngoài có ánh sáng chiếu vào, mùi tanh hôi không bớt tí nào mà lại còn nồng nặc hơn là khác.

Suýt tí nữa thì Uyên nhi đã nôn ra tại chỗ, vội đưa tay lên bịt mũi và dùng mồm hô hấp.

Theo sự ước đoán của nó, bên ngoài là bể cả hay là nước chảy róc rách. Ngờ đâu hoàn cảnh bên ngoài đã trái hẳn với sự tưởng tượng của, khiến nó mơ hồ hết sức vì bên ngoài tựa như một cái hang động, mới thoáng trông thấy không khác gì cái hang động bí mật mà nó hằng ngày vẫn xuống chơi.

Dưới đáy động lại còn một chút nước đang tròng trành nên chiếc thuyền của nó cũng đưa đi đưa lại theo.

Nhưng cái đó vẫn chưa phải lạ lùng, cái mà nó ngạc nhiên nhất là nguồn gốc của những ánh sáng đỏ. Ánh sáng đỏ đó không phải là ánh sáng của mặt trời mà tựa như một số khá nhiều hột gà nổi có hột nổi ở trên mặt nước, có trái bay lơ lửng, bay xuyên đi xuyên lại, cũng có trái nhảy nhót tựa như những con ma trơi vậy. Uyên nhi càng ngắm càng cảm thấy lo sợ, nghĩ mãi cũng không sao hiểu được chỗ mình đang ở là đâu. Đang lúc đó, bụng Uyên nhi sôi và nghe đói bụng. Lúc bấy giờ, nó mới biết mình chưa ăn cơm tối và nó cũng không hiểu tại sao mình lại ngủ ở trong hang động bí mật này nên tự nhủ :

– Sao bỗng nhưng ta lại đến chỗ ma quái bí mật này.

Nghĩ đến đây, Uyên nhi bỗng sợ hãi vội nhảy xuống giường, lần mò đến trước cái bàn gỗ, mở ngăn kéo lên tìm kiếm đá đánh lửa. Nó đánh lửa, châm vào một tờ giấy nhặt được ở dưới khoang. Ánh sáng vừa thấp thoáng một cái, nó đã trông thấy trên đỉnh đầu có treo một ngọn đèn dầu. Nhưng vì còn bé, nên nó không với lấy được chiếc đèn đó xuống. Cũng may nó còn một chút hơi sức nên nó kéo cái bàn đến gần chiếc đèn rồi leo lên trên bàn để thấp đèn lên.

Châm xong ngọn đèn dầu, nó mới trông thấy trong thuyền chỉ còn một cái giường, một bàn và một ghế thôi. Ngoài ra không còn có một vật gì đáng kể để cho nó lấy ăn cho đỡ đói cả.

Uyên nhi ngồi lên trên mặt bàn. Sau đó, nó nhảy xuống dưới sàn định mở cửa để tìm kiếm xem bên ngoài có cái gì ăn cho đỡ đói không? Nhưng chưa ra tới nơi thì thân thuyền tròng trành mạnh hơn trước nhiều. Nó vội giơ tay lên bịt mũi bò lên trên giường ngó ra cửa sổ. Không hiểu tại sao, bỗng nhiên có rất nhiều nước bể chạy vào. Trong nước có rất nhiều cá to, cá nhỏ đang bơi đi bơi lại và giãy giụa, nhảy nhót lung tung, thuyền mà nó đang đi bị nước vào quá nhiều nổi lên thêm suýt tí nữa thì mũi thuyền đụng vào hang động.

Uyên nhi ngửng đầu nhìn hang động thì thấy vách đang rung động hoài. Có những giọt nước nhờn rỉ rã rớt xuống mui thuyền kêu lộp độp như nước mưa nhỏ xuống lá cây vậy.

Nhưng mùi hôi thối càng nồng thêm.

Nó hoảng sợ hết sức, vì không đoán ra được tại sao vách động lại biết rung động như thế.

Trong khi đó, bỗng có một giọt nước nhỏ xuống cánh tay của nó. Lạ thực, không hiểu nước đó là nước gì mà lại dính vào người thì đâu nhức dữ dội và chỗ có nước nhỏ xuống hình như sắp thối. Nó thấy đau buốt và ứa nước mắt ra. Đồng thời nó dùng tay kia lau chùi xem có hết đau không. Ngờ đâu tay nó vừa đụng vào nước đó, thì cả bàn tay sưng lên nốt. Nó sợ mất hết hồn vía.

Chỗ bị đau thối nát dần và hóa thành giọt nước mọt nhỏ giọt xuống. Nó đau đến nỗi quên cả đói.

Trong lúc ấy, đột nhiên ngoài cửa sổ có ánh sáng đỏ thấy thoáng một hạt châu gì đỏ và to như hột gà ở bên ngoài bắn vào và bay tới trước mặt Uyên nhi.

Hạt châu ấy bắn trúng ngay vào mũi nó, nó biết bị nó bắn trúng mũi thế nào cũng bị đau nhức cho nên nó vội quỳ ngay xuống, dùng trán húc vào trái châu ấy. Trán nó trúng ngay vào hạt châu. Nó cảm thấy đau như búa bổ, loạng choạng lui về phía sau, ngã lăn ra ván thuyền. Nó cảm thấy trên trán có vật gì dính vào người vừa nóng vừa thơm và cũng có mùi tanh nữa. Nó vội ngồi dậy giơ tay lên nắm lấy vật đó xuống xem, mới hay hạt châu đó vì chạm khá mạnh, nên bể ra nước từ bên trong vừa nóng vừa nhớt chảy ra. Nước này rất thơm, lại vừa tanh nữa.

Nước nhớt ấy lạ lùng lắm, chảy vào tay của nó thì tay nó hết sưng và hết đau ngay.

Đồng thời mũi nó cũng không còn ngửi thấy mùi hôi thúi như trước nữa. Hình như mùi tanh đã bị mùi thơm của hạt châu ấy lấn áp đi.

Uyên nhi cả mừng vội bôi nước nhớt đó vào vết thương ở trên cánh tay. Quả nhiên bôi đến đâu vết thương lành mạnh đến đó.

Nó vừa khỏi đau lại thấy đói bụng. Bụng cứ sôi lên, mồm thèm ăn vô cùng.

“Nhưng biết lấy gì mà ăn?”

Nghĩ tới đó, nó thấy hạt châu nằm ở lòng bàn tay là có thể ăn được thôi, nên nó đưa lên mồm dùng lưỡi nếm thử. Thoạt tiên nó thấy hơi tanh, sau lại thấy thơm vị ngọt, cho nên nó không do dự gì hút luôn những nước nhớt ở trong hạt châu ấy rồi. Sau cùng chỉ còn lại cái vỏ không thôi, nhưng nó cũng bỏ nốt vào mồm nhai một cách ngon lành.

Ăn xong hạt châu ấy, Uyên nhi vẫn còn thèm thuồng giơ tay lên vuốt nước nhớt dính ở trên trán định bỏ vào mồm nuốt thì nó bỗng thấy hai mắt ngứa ngáy khó chịu vội dùng tay dụi.

Y càng dụi, mắt lại càng ngứa thêm vì nhớt trong tay dính vào. Về sau đôi mắt nó đau nhức như bị kim châm vậy. Nó hãy còn ít tuổi, không biết sự ngứa ngáy đó là vì dính phải nhớt của hạt châu, nên nó càng thấy ngứa ngáy lại càng lấy tay dụi thêm cho tới khi thấy mắt đau như kim châm nó mới để ý. Nhưng tới khi nó hay biết thì hai mắt đã dính đầy nhớt rồi, dù có buông tay xuống cũng vô ích. Nó bị đau đến nỗi, lăn qua lăn lại hoài.

Một lát sau, nó mới cảm thấy đỡ đau nhưng giờ nhớt hạt châu ở trong bụng nó lại bắt đầu hành hạ, nó cảm thấy trong bụng nóng kỳ lạ. Một luồng hơi nóng phát ra tận tứ chi. Lúc ấy, nó thấy nóng ran người, mồ hôi chảy ra như tắm, quần áo đều ướt đẫm.

Uyên nhi nằm ở trên ván thuyền nóng bức chịu không nổi nên nó cởi trần truồng ra mà vẫn còn thấy nóng. Một lát sau mới thấy dịu dần.

Nhưng lạ thực, tuy bớt nóng rồi mà vẫn thấy luồng hơi nóng ở trong người còn tồn tại. Hơi nóng ở trong bụng tựa như một con rắn bắt đầu bò từ nơi Đan điền chỗ dưới bụng bò lên người đi khắp mình, nó đi đến đâu thì Uyên nhi cảm thấy trong người tê dại và nóng rần lên đến đó. Nhưng sau đó nó lại cảm thấy dễ chịu khôn tả.

Nó bò dậy và lúc ấy thấy người nhẹ nhõm hơn trước nhiều. Nó nhảy thử xem nào ngờ chiếc giường cao ba thước mà nó chỉ khẽ nhảy một cái bay lên liền, đầu của nó suýt chút nữa va chạm vào mui thuyền.

Nó vừa kinh ngạc vừa lo ngại nhưng nó vẫn chưa biết đó là do nước của hạt châu gây nên, ngẫu nhiên nó ngó mặt nhìn ra ngoài cửa sổ giật mình kinh hãi, bụng bảo dạ :

– Lạ thật, sau bên ngoài lại sáng tỏ như thế?

Nó đến gần cửa sổ thì ngửi phải mùi tanh hôi ở bên ngoài đưa đến mà nó không buồn nôn buồn mửa như hồi nãy nữa. Nó đưa mắt nhìn kỹ trong hang động đó, lần này nó trông thấy rõ mồn một. Nó thấy trong hang động đó, hình tròn rộng chừng bảy tám trượng, vách động màu hồng hồng như thịt người và chỗ nào cũng rung động. Nhưng lúc bấy giờ, trên vách động không còn nước nhỏ xuống như trước nữa và nước ở bên dưới cũng cạn dần.

Uyên nhi ở bên cửa sổ, nhìn xuống nước ở bên dưới thấy nước màu vàng nhạt và dáng dấp tựa như hồ vậy. Cá trong nước đã biến mất, chỉ còn lại ít xương đang chìm dưới đáy thôi.

Ngoài ra trong nước còn có những trái châu đỏ như lửa cứ bơi đi bơi lại, có lúc nhảy lên bay tứ tung.

Uyên nhi muốn đi ra bên ngoài chơi, nhưng lại nghĩ đến giọt nước hồi nãy nhỏ vào cánh tay đau nhức như vậy lại không dám ra nữa.

Đồng thời, nó lại muốn bắt những hạt châu đó để ăn, nhưng lại nghĩ đến sức nóng hồi nãy, nó lại thôi. Tuy không dám ăn, nhưng vẫn muốn bắt một hai trái để chơi.

Thực đấy, hạt châu vừa đỏ vừa tròn lại chữa được đau nhức, cầm ở trên tay chơi thích thú biết bao, nhỡ bị nước ở trên vách động nhỏ trúng có thể nhờ nó chữa trị được.

Nước bên dưới cạn dần, còn lại độ một hai thước thôi. Lúc bấy giờ Uyên nhi mới hay cá dưới động đã trốn mất, nơi chính giữa đáy động có một vật gì vừa vuông, vừa đen trông như một cái hòm sắt vậy. Đồng thời phía sau lưng động, trên mặt nước có một lỗ hổng nhỏ đường kính chừng năm, sáu thước. Nó đoán, nước chạy theo lối đó nên mới cạn dần như vậy.

Có lẽ vì nước cạn gần hết nên những hạt châu dưới nước đều bay lên, có vài trái lại bay lướt qua cửa sổ nữa. Nếu Uyên nhi nhanh tay có thể bắt được.

Thấy vậy Uyên nhi cả mừng, đợi chờ cơ hội khác và chuẩn bị chộp lấy vài trái. Đồng thời tánh hiếu kỳ của nó muốn biết cái hòm sắt ở dưới đáy động là gì?

Còn đang suy nghĩ, bỗng một hạt châu bay qua, nó vội giơ tay ra chộp. Lần này sao lại dễ dàng đến thế. Nó mừng rỡ, nên đứng trên giường nhảy nhót, nó mới nhìn kỹ lại hạt châu đó như hột gà, trong suốt và bóng loáng, lại có ánh sáng lấp lóe, khiến mặt và tóc nó như nhuộm đỏ vậy. Nó định chộp thêm vài trái nữa, nhưng vừa ló đầu ra nhìn thì bỗng thấy lỗ hổng ở phía sau đã kín và ở phía trước lại có một lỗ hổng lớn, đường kính dài hơn ba trượng. Lỗ hổng đó vừa xuất hiện thì đã có nước bên ngoài tràn vào như thác nước chảy xuống. Trong nháy mắt, nước bên trong đã dâng lên rất cao, thuyền lại hình như đụng vào đỉnh hang động vậy.

Uyên nhi thấy vậy hoảng sợ vô cùng, vội nắm lấy chấn song sắt ở cửa sổ để cho người mình khỏi bị tung lên tung xuống, và sợ bị bắn ra ngoài nguy hiểm. Nó ngồi ở trên giường, nghe tiếng nước chảy nhỏ róc rách vào mũi thuyền, nó đoán vách động sẽ lại nhỏ nước chua ra như trước nên không dám giơ tay ra hứng nữa vì sợ nó nhỏ vào da thịt thì đau chịu không nổi.

Nó hãy còn nhỏ tuổi nhưng không lúc nào chịu ngồi yên hết, vì hễ ngồi yên là nó lại nghĩ đến cha mẹ và bác ở nhà.

Uyên nhi lẳng lặng ngồi yên trên giường để tìm cách ra khỏi nơi kỳ lạ này để trở về nhà với cha mẹ cùng các bác thôi. Nhưng nó nghĩ đến những cái vừa trông như hai cái lỗ hổng to nhỏ ở phía trước một, ở đằng sau một, khó mà chui ra lọt lắm. Nhưng ngoài hai nơi đó, không còn lối thoát nữa.

Huống hồ, vách động lại có những nước chua rỉ ra vừa hôi thối, lại độc, làm cho da người ta đau nhức và thối, nên nó không dám rời khỏi thuyền đó nửa bước.

Nó nghĩ nửa ngày mà chưa tìm ra được cách gì thoát thân. Thế rồi, vì quá mệt mỏi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Cũng không biết trải qua một thời gian bao lâu vì chiếc thuyền tròng trành quá mạnh nên Uyên nhi thức giấc. Lần này, nó mở mắt ra là cảm thấy đói bụng như cào, nhưng biết lấy gì để ăn?

Ngoài hai hạt châu đỏ cầm trong tay, quả thật nó không kiếm ra vật gì khác để ăn cho đỡ đói cả. Mãi về sau, vì không sao chịu đói nổi, nó đưa hạt châu đó vào mồm cắn luôn và hút hết nước ở bên trong rồi lại ăn cả cái vỏ bên ngoài nữa.

Quả nhiên khi ăn hai trái châu đó, nó không còn nghe đói khát và trong người bắt đầu nóng hổi. Tuy vậy lần này không đến nỗi khó chịu như lần trước, chỉ thấy mồ hôi toát ra xong là hơi nóng dịu dần ngay. Con rắn nhỏ trong người hình như lớn hơn trước và chạy đi chạy lại cũng nhanh hơn trước nữa. Nhưng lần này nó không cảm thấy tê buốt, trái lại thấy mình mẩy nhẹ nhõm và có sức lực dồi dào hơn trước nhiều. Tất nhiên nó không sao hiểu rõ nguyên nhân đó, nhưng nó chỉ thấy vui vẻ. Nó ngồi dậy nhìn ra bên ngoài thấy nước đã cạn dần.

Nó lại đứng ở chỗ cửa sổ để chờ trái châu bay qua là chộp luôn. Không hiểu sao, lần này trái châu nọ vừa lướt qua là chộp được liền, vừa nhanh, vừa trúng không hề trật lần nào.

Chỉ trong nháy mắt nó đã bắt được ba trái liền, nó lại thấy hang động ở phía đằng trước mở rộng ra. Nước biển lại chảy vào cuồn cuộn.

Trải qua hai lần như vậy rồi, nên Uyên nhi không còn sợ hãi nữa, nhưng lúc này không sao ra khỏi được hang động ấy và ngủ cũng không ngủ được nên nó thấy buồn bực vô cùng. Nó liền xuống giường chạy đi, chạy lại.

Lần này nó mới thấy dưới giường có rất nhiều đồ đạc, nó vội lôi ra xem. Nó thấy trong đống đồ có một cái đinh ba bằng gang, dài chừng năm thước, bén nhọn vô cùng. Nó đoán chắc đây là dụng cụ của người thuyền chài dùng để đánh cá.

Ngoài ra còn có một cái cần câu bằng sắt, dây câu cột trên cái cần đó to bằng ngón tay út, dai và bền lắm. Móc câu vừa to vừa thô, có lẽ to gấp móc thường đến mười lần. Nó lại còn thấy có một ít quần áo người lớn và tiền bạc lẻ nữa. Uyên nhi thấy cần câu đó liền nghĩ ra một kế, cầm ra trước cửa sổ, thả dây và móc xuống nước. Lúc ấy trong nước có rất nhiều cá nhảy nhót. Một con cá lớn dài hơn trượng, trông thấy móc câu liền đớp ngay.

Uyên nhi không hiểu tại sao hai mắt bỗng sáng hơn trước nhiều, có thể trông suốt xuống đáy biển được. Nó trông thấy con cá cắn câu nên mừng rỡ vô cùng và nó cũng quên là một đứa bé thì làm sao mà đủ sức lôi được con cá dài hơn trượng lên được?

Ngờ đâu một chuyện lạ khiến không ai có thể tưởng tượng được, trong lúc Uyên nhi mừng rỡ hất mạnh cần câu lên, lôi được con cá to đó lên khỏi mặt nước. Nhưng vì con cá cắn móc câu chưa chắc, nên vừa lôi lên khỏi mặt nước, thì con cá đã sút khỏi móc câu và va vào vách động kêu “bộp” một tiếng.

Vách động ấy hình như có cảm giác, bị con cá va chạm một cái liền tự động co giãn rất mạnh và nhỏ ra nước chua càng nhiều hơn trước. Chỉ trong nháy mắt Uyên nhi đã ngửi thấy mùi hôi thối khó chịu vô cùng.

Lúc ấy, tuy Uyên nhi không sợ nước chua đó nữa, nhưng các con cá thì không sao chịu nổi, con nào con nấy bị nước chua tưới phải bị phình bụng lên và thoáng cái đã biến thành nước liền.

Uyên nhi thấy vậy hoảng sợ hết sức. Nó đã hiểu nước chua ở trên vách động nhỏ xuống có tác dụng làm cho thịt và xương cá đều hóa ra nước. Nước ở trong động lại dần dần chảy về phía sau, thuyền cũng hạ thấp xuống dần. Nó đang cầm cần câu ở trong tay, ngẫu nhiên trong thấy một cái hộp nhỏ ở dưới đáy động liền thả câu xuống để móc cái hộp sắt lên.

Một lát sau, nó đã móc được cái vòng ở bên trong, vội kéo cái rương đó lên. Nhưng nó loay hoay mãi mà không sao mở được nắp hộp đó ra xem. Nó thất vọng và tức giận không thèm nghĩ đến chuyện mở cái hộp sắt ấy nữa, vội chạy ra bắt những hạt châu đỏ. Lần này kết quả nhanh hơn lần trước nhiều, chỉ trong nháy mắt nó đã chộp hết ba trái châu còn lại.

Nó để những trái châu đỏ đó xuống dưới gầm giường, tất cả tám trái vào một đống. Ánh sáng càng chói lọi thêm khiến trong khoang thuyền đỏ rực như lửa đang bốc cháy trông rất đẹp mắt!

Đột nhiên nước trong khoang lại dâng lên, những hạt châu dưới gầm giường bị rung động, trái nào trái nấy bỗng nhảy nhót lung tung, có hai trái còn định nhảy xuống dưới nước nữa. Uyên nhi thấy vậy, sợ hãi hạt châu đó bị ván thuyền làm vỡ, vội đuổi theo, giơ hai tay ra chộp bắt.

Chờ tới khi nó nhặt được cả sáu trái để vào một chỗ, hai trái kia đã lặn xuống nước mất. Nó thấy có hai trái rạn nứt và có nước bên trong rỉ ra, nhân lúc đang bực mình, nó liền ăn luôn hai trái một lúc.

Còn bốn trái kia, nó dùng áo bọc lại, bỏ vào trong hộc tủ bàn cạnh đó.

Ăn xong hai trái châu đỏ, nó lại toát mồ hôi ra như trước, nhưng lần này, nó thấy trong người dễ chịu hơn trước nhiều, và bước đi cũng nhẹ nhõm như biết bay vậy.

Uyên nhi ngạc nhiên vô cùng, thấy hai đầu ngón chân của mình chỉ khẽ đụng xuống mặt ván thuyền một cái thì đầu đã bắn trở lại va vào mũi thuyền kêu “bộp” một tiếng.

Nó rờ tay lên đầu, không thấy đau đớn gì cả, trái lại chỗ vách ván còn thủng một lỗ lớn.

Nó ngẩng đầu, nhìn chỗ ván thủng đó, ngẩn người ra suy nghĩ. Bỗng có mấy giọt nước ở lỗ thủng đó nhỏ xuống, trúng ngay vào mặt. Nó hoảng sợ la lớn một tiếng, vội mở hộc tủ lấy mấy trái châu ra để cứu chữa, nhưng khi nó lấy hạt châu ra thì thấy trên mặt không đau nhức chút nào.

Nó ngạc nhiên vô cùng, đưa tay lên lau chùi nước ở trên mặt và đưa vào mũi ngửi thấy nước đó vẫn có mùi tanh và chua nhưng không hiểu tại sao bây giờ nước ấy lại không làm cho nó đau nhức, nó tự nghĩ :

– Có lẽ vì ta ăn mấy trái châu đỏ nên mới không việc gì chăng? Như vậy ta khỏi cần sợ thứ nước chua ấy nữa.

Nghĩ tới đó, nó can đảm và hăng hái thêm, đồng thời nhận thấy những trái châu đỏ đó rất ngon, giải khát, lại còn quý báu nữa.

Nó vội mặc quần áo vào, bỏ mấy trái châu đỏ đó vào túi và lấy một trái ra ăn, rồi mới mở cửa khoang ra ngoài.

Nó thấy bên ngoài vẫn chòng chành hoài, nhưng lúc này cảm thấy mình như là người khác, chứ không còn là Uyên nhi trước kia nữa, vì sức lực của nó rất mạnh, người lại nhẹ nhàng, đầu óc trầm tĩnh vô cùng. Nó để mặc cho thân thuyền chòng chành mạnh đến đâu nó cũng chẳng cần tựa tay vào bất cứ một cái gì, mà hai chân vẫn đứng vững như thường.

Nó đứng ở trên mũi thuyền ngắm nhìn một hồi thì thấy hang động đó cũng như khi ở trong ngõ ra ngoài cửa sổ trông thấy vậy.

Nó nhìn trước nhìn sau, không thấy có đường lối nào có thể thoát ra khỏi hang động được. Đang lúc ấy hai trái châu rớt xuống nước hồi nãy vừa bay qua, nó vội giơ tay ra bắt luôn. Nó khoái chí thở nhẹ một cái, nhưng lại thất vọng luôn?

Lúc ấy, nước càng cao, mui thuyền đã sắp đụng vào đỉnh hang rồi. Nó ngẩng đầu lên nhìn, thì thấy vách động này không phải bằng đá, mà cũng không phải bằng sắt, hình như bằng thịt vậy.

Nó không dám tin, vội chạy vào trong khoang lấy cái đinh ba ra, một tay nắm lấy cái đinh ba lao mạnh lên đỉnh động. Nó định thử xem vách động ấy làm bằng gì, ngờ đâu vì nó ăn luôn ba bốn trái châu đỏ, nên người nhẹ vô cùng, sức mạnh xương cốt trong người đã thay đổi hẳn.

Cái ném đó, nó lại dùng toàn lực hàng nghìn cân. Chiếc đinh ba đi như tên bay, chỉ nghe tiếng “xoẹt” một cái, đã cắm sâu vào trong ngập đến nửa cán.

Vách động đó bị đinh ba đâm trúng, liền có một vòi nước như máu túa xuống, nếu Uyên nhi không chạy nhanh vào trong khoang thì đã bị tia nước đó tưới ướt đẫm cả người.

Uyên nhi vừa vào đến trong hang thì đã cảm thấy như long trời đất lở, vách động rung chuyển mạnh không thể tưởng tượng được, nước ở trong động cũng nổi sóng, thân thuyền chòng chành như sắp bị lật. Nó hoảng sợ vô cùng, vội nắm lấy cái chân bàn để khỏi té.

Đột nhiên thân thuyền quay tít vù một tiếng, thân thuyền lẫn nước bên dưới đều bắn cả về phía cái hang rộng lớn ở phía trước. Uyên nhi người bé nhỏ nằm ở cạnh cái bàn, nên không trông thấy tình cảnh bên ngoài mà nó chỉ cảm thấy chiếc thuyền nó đang nằm tựa như “đằng vân giá vũ”.

Tiếng kêu thật lớn vang lên, tiếp theo là tiếng rung động mạnh.

Thì ra chiếc thuyền đã bị va chạm phải một tảng đá, thân thuyền vỡ tan và mui thuyền vỡ ra thành bốn năm mảnh. Cả người lẫn bàn cũng bị văng ra khỏi tức thì.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.