Trời đến là âm u, lúc Ngô Đình Phương xuống xe, gió thổi mạnh, hơi ấm ủ suốt nửa tiếng đồng hồ trong xe cũng bị cuốn đi mất.
Anh vừa rẽ vào con hẻm từ phía ngoài tường rào thì bắt đầu đổ mưa, chẳng rõ là mưa đông hay mưa xuân. Ba anh đang bế Trần An An, thong thả tản bộ dưới mái hiên, ngân nga hát: “Mưa rả rích, nước ngập phố, anh hai gánh củi lên phố bán, chị dâu ra đường xỏ giày hoa… A, bác về rồi kìa!”
An An hễ mà tỉnh dậy, là lại luôn miệng ồn ào đòi ra ngoài chơi, bất kể gió mưa. Trời mưa, nó vẫn đứng dưới hiên, liên tục chỉ tay về phía ngoài ngõ. Ông ngoại chỉ có thể chốc chốc lại đánh lạc hướng nó đi.
Trời lạnh, An An mặc nhiều áo đến nỗi tròn vo một cục, ngó lơ luôn bác nó, i a lắc người, chẳng hề quên việc phải đòi ra ngoài chơi. Ông ngoại chỉ đành ngâm nga khúc hát kia, để An An ngắm mưa. Đã lâu không có mưa lớn. Đối với An An, ngắm những cơn mưa mùa hè còn chưa đủ đã, giờ thấy mưa càng lúc càng lớn, nó bèn tò mò chăm chú ngắm nhìn.
Đình Phương bước lên tầng hai, Huệ Mẫn đang nằm trên giường đọc sách. Qua ngày hôm đó, Huệ Mẫn không nhắc gì đến nữa, chỉ lẳng lặng nằm một chỗ dưỡng thai, đến giờ thì ăn cơm, mót giải thì đi vệ sinh, chiều chiều lại đợi Đình Phương về nhà tiêm cho cô hai mũi progesterone.
Mưa xối xả như trút nước. Lạnh thật đấy. Huệ Mẫn lẩm bẩm. Đình Phương đóng cửa ra vào và cửa sổ lại, kéo quạt sưởi điện, đặt trước giường Huệ Mẫn, cắm điện lên. Huệ Mẫn ngập ngừng một lúc, rồi nói: “Em không dám bật, trên mạng bảo bức xạ lớn lắm.”
“Không sao đâu.”
Đã không được thì cẩn thận đến mấy cũng vô dụng, đã có duyên thì dù thế nào cũng chẳng sảy được. Đình Phương cười tự giễu, nhưng không nói ra miệng. Anh chợt nhớ tới tay thầy bói thư sinh nho nhã đó, dáng vẻ khá giống phần tử trí thức. Bất kể A Ba có nóng nảy đến đâu, hắn vẫn chỉ đứng một bên bày ra vẻ mặt như thể đang thưởng thức một vở kịch, dửng dưng tự đắc. Đình Phương kìm lòng không đặng bắt đầu để ý đến giới tính của thai nhi mười lăm tuần tuổi kia.
Anh kể chuyện này với Huệ Mẫn, muốn chọc cho cô vui lên. Huệ Mẫn nghe Đình Phương miêu tả gã thầy bói, chẳng hề bật cười như trong tưởng tượng của Đình Phương, mà lại lặng thinh không nói.
Cuối cùng, Huệ Mẫn mở miệng: “Thầy Trần quả thực rất giỏi.”
Đình Phương lờ mờ phát giác ra điều gì, cũng nhận ra sự kích động bất thường của Huệ Mẫn ngày hôm đó. Lòng anh chợt nặng nề khôn tả.
“Em đừng tin mấy thứ đó, không phải lần này anh ta cũng mắc sai lầm rồi đấy sao?” Đình Phương nói, “Bảo em dưỡng thai cho tốt, sao em lại chạy lung tung rồi?”
“Em không đến chỗ anh ta. Có điều trước đây mẹ đã từng giúp chúng ta hỏi thử, cũng không biết đã hỏi từ đời nào rồi. Hôm ấy Đình Hoa lỡ lời nói hớ ra.”
Chắc là năm kia, sau lần thụ tinh ống nghiệm đầu tiên thất bại, mẹ đã lấy ngày sinh tháng đẻ của cả hai người đến chỗ tay thầy bói xem. Thầy bói chẳng nói gì, chỉ lấy bút lông tiện tay viết một dòng chữ lên trang nháp cuốn sổ:
Cô có một trai
. Khi đó mẹ mừng lắm, quay về đưa tờ nháp bà coi như kho báu kia cho anh xem. Mấy ngày sau lại tiếp tục càm rà càm ràm, kêu đi hỏi người trong làng, thì thấy bảo thầy bói xem đường con cái cho người ta đều viết có mấy trai mấy gái, chỉ có vợ chồng sau khi tái hôn vẫn muốn sinh con thì mới viết cô có mấy trai mấy gái. Như thế là có ý gì? Bà lại đi hỏi thầy bói, nhưng thầy bói không giải thích lại cho bà.
Đình Phương chẳng để tâm, cũng dặn luôn với mẹ rằng đừng nhắc đến mấy chuyện vô căn cứ này trước mặt Huệ Mẫn. Lúc đó, anh không tin trời, không tin đất, cũng không tin vào số mệnh, hiện giờ lại không nén được mà dùng đến hai chữ “có duyên” này.
Câu “cô có một trai” kia có hàm ý gì? Ngô Đình Phương nhớ tới lối viết thảo tùy hứng đó, con chữ vô cùng phóng khoáng.
(Lối viết thảo là kiểu chữ Hán, có đặc điểm là nét bút liên tục, viết nhanh.)
Mưa càng lúc càng nặng hạt, gõ vào kính cửa sổ lộc cộc lộc cộc. Căn phòng không lớn, chỉ một lát quạt sưởi điện đã làm ấm không khí trong phòng. Huệ Mẫn và Đình Phương đều thất thần, mãi tới khi Huệ Mẫn nói: “Hay là chúng ta tới chỗ thầy Trần xem thử đi?”
Tuy Huệ Mẫn là bác sĩ, nhưng Đình Phương biết cô rất sợ ma quỷ. Năm đó được nhận vào bệnh viện Bác Ái, trước là làm ở khoa phụ sản, làm được hai năm, trải nghiệm một vòng ở phòng sinh và phòng phá thai xong bèn xin chuyển đến khoa nhi. Ở bệnh viện, chưa từng có ai làm vậy. Mọi người đều bảo Huệ Mẫn ngu ngốc quá. Cô cũng chẳng giải thích với bất kỳ ai, chỉ bảo với Đình Phương rằng cô không muốn gặp ác mộng nữa.
Hồi Huệ Mẫn còn làm việc trong phòng sinh, có thành viên trong gia đình của phụ sản mười ba tuổi, mang thai ba mươi sáu tuần tuổi, yêu cầu phá thai, yêu cầu nhất định không được để đứa bé sống sót ra ngoài. Bác sĩ cấp trên ngày hôm đó không động tay vào mà đứng bên cạnh, bắt Huệ Mẫn làm. Sau ca phá thai đó, Huệ Mẫn về nhà khóc suốt một đêm.
Cô không kìm được, nói với Đình Phương: “Em chưa từng giết một con gà, ấy vậy mà hôm nay lại giết người.”
Từ đó về sau, cô liên tục gặp ác mộng. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi cô ở trong phòng phá thai. Mà trong chính khoảng thời gian đó, lần đầu tiên mang thai của cô bị suy tim thai ở khoảng tuần thứ bảy.
Huệ Mẫn không phải là người biết cách giãi bày tâm sự trong lòng. Lần thứ ba thai chết lưu, là Đình Phương tự tay nạo thai cho cô. Tỉnh dậy sau khi hết thuốc mê, mặt cô xám như tro tàn, hỏi Đình Phương một câu: “Có phải là báo ứng không?”
Đình Phương quên anh đã an ủi Huệ Mẫn như thế nào. Sau khi xét nghiệm ra nguyên nhân gây sảy thai liên tục là do vấn đề về t*ng trùng của Đình Phương, anh gần như lặng lẽ thở phào nhẹ nhõm.
Không phải là lỗi của Huệ Mẫn, mà là do anh.
Nhưng đối với lời đề nghị lúc này của Huệ Mẫn, Đình Phương lại nói cho cô hay: Thầy Trần đang ở trong bệnh viện. A Ba gần như giam lỏng hắn ở đấy. Đại ý của A Ba là: Biết đâu được lúc phá ra, lỡ không tận mắt nhìn thấy, hắn ta lại giờ trò vô lại.
Nghe đến giở trò vô lại, cuối cùng Huệ Mẫn cũng cười, nói: “Thằng A Ba này đúng là thứ chẳng ra gì.”