Phiến Phiến Hoa Phi

Chương 20: Nghi phi



Ngày hai mươi mốt tháng mười một, Gia tần sinh ra một bé trai, là Ngũ hoàng tử của Hoàng thượng.

Ngày hai mươi ba tháng hai năm sau, huynh trưởng bên mẫu gia của Thục phi nhiều lần lập công đẩy lùi kẻ địch trong chiến dịch Tây Bắc, được phong làm Định Sóc Đại tướng quân, Thục phi nhờ vậy được tấn lên làm Thục quý phi. Cô ta càng kiêng căng ngang ngược hơn trước, có điều ta cũng chẳng để trong lòng, bởi vì cuối cùng Hoàng thượng đã có thể ngủ ngon.

Mà Gia tần có công sinh dục Ngũ hoàng tử, thêm việc chăm chỉ giúp đỡ quản lý Hậu cung, lại thường đến cung Khôn Ninh chép kinh cầu phúc cho Hoàng thái hậu nên được người tán thưởng, gia thế cũng lớn, phong Phi không coi là vượt quy củ, tháng tư được tấn làm Gia phi.

Hôm ấy trời rất đẹp, hai cây hải đường trong cung cô ấy đã ra hoa.

Ta vẫn ở cung Đường Lê của ta, an ổn làm Dao quý nhân, Hoàng thượng thỉnh thoảng có ghé thăm, lúc lại bận rộn mà vắng bóng.

Nhưng Thất tịch năm đó, ta không gặp được bệ hạ.

Ở trong cung đã lâu, chỗ đặt chân đến thêm nhiều. Ta quay lại chỗ Hoàng thượng cho ta kẹo hoa quế hồi năm thứ hai vào cung.

Giờ là cuối thu, hành lang phủ đầy lá cây rơi rụng, trước cửa lại được quét dọn nhổ cỏ sạch sẽ. Cửa cung bị khóa, ta ngẩng đầu lên nhìn, ba chữ “cung An Khánh” đập vào mắt, dù không có Ngự ấn bên cạnh, ta cũng nhận ra chữ của bệ hạ.

Ta đã đứng ở đó lâu thật lâu.

Về sau Cẩn phi nương nương kể ta nghe, cung An Khánh là nơi vị Nghi phi mất sớm kia từng sống.

Hoàng thượng và Nghi phi gặp nhau ngày Thất tịch, chia ly cũng vào ngày Thất tịch. Sau khi Nghi phi tạ thế, chức Phi bỏ trống một chỗ, cung An Khánh cũng được giữ nguyên, cứ ba ngày lại có người vào quét dọn một lần.

Dường như ta đã hiểu những ngày Thất tịch của mấy năm trước, ta đã gặp được Hoàng thượng thế nào.

Bệ hạ nói đây là duyên phận giữa ta và người, nhưng chủ yếu vẫn là tình nghĩa của bệ hạ với Nghi phi.

Bệ hạ vẫn đối xử tốt với ta, ta mỗi ngày vẫn vui vẻ chờ người đến.

Ta biết, bệ hạ đã cho ta tất cả những gì người có thể cho.

Trước đây tuổi nhỏ vô tri, nghĩ Hoàng thượng có thể ban nhiều thứ, có thể san sẻ tình cảm cho nhiều người. Bây giờ lớn khôn đã hiểu rồi, không phải bệ hạ cứ ban thứ gì cho ai là thích người đó đâu. Bệ hạ giàu vật chất nhưng tâm tư cũng nhỏ lắm thay. Trong lòng bệ hạ có hình bóng nhớ mãi không quên, trái tim lại chẳng thể chứa nhiều “nhớ mãi không quên” đến thế.

Lúc ta gặp được bệ hạ, người đã qua tuổi nhi lập mất rồi, là ta tới trễ. Đời này của bệ hạ không thể thuộc về mình ta. Thậm chí hiện tại bệ hạ cũng không thể thuộc về mình ta, vì người là vua một nước. Ngay từ đầu, ta và bệ hạ đã khác nhau nhiều lắm.

Bệ hạ yêu chiều ta như con nít, nghĩ ta bốc đồng, nhưng ta đã vào cung bốn năm rồi, không còn vô tri ngốc nghếch như trước nữa.

Ta không để ý người trong lòng bệ hạ là ai.

Ta không thấy bất công. Thế gian này, không phải cứ móc tim móc phổi yêu một người thì sẽ được đáp lại tương đương. Cũng không phải cứ cố gắng không ngừng là sẽ được toại nguyện. Giống như ta mỗi ngày đều để ý hoa quế bên ngoài, nhưng đến một ngày kia, nó vẫn sẽ lặng lẽ rụng xuống thôi.

Ta chỉ cần an ổn ở bên bệ hạ là được rồi.

Buổi tối ngày mười sáu tháng tám, bệ hạ đến chơi. Lúc người đến, Mịch Nhi đang mài mực cho ta, ta làm bài bệ giao. Bệ hạ luôn chê chữ của ta xấu, ta xấu hổ xé hết thơ văn ta viết cho người, người lại trách ta.

Ta thấy bệ hạ muốn đến xem nên giang tay che đi, quên cả thỉnh an. Bệ hạ làm như giận dữ:

– Nàng mà xé không cho trẫm đọc, tháng này cắt điểm tâm.

Ta chỉ đành thu tay lại, bệ hạ xem xong khen ta tiến bộ hơn trước nhiều lắm.

Ta nghiêng đầu nhìn bệ hạ:

– Tất nhiên rồi, hai tháng nay Hoàng thượng không đến, thần thiếp luyện tập mỗi ngày phải tiến bộ chứ.

Bệ hạ nhéo mũi ta:

– Biết ngay nàng chấp nhặt mà, trẫm khen nàng còn bị trách hai câu. Hai tháng trước trẫm bận quá, cũng chẳng vào được Hậu cung mấy lần. Hôm nay xem như đến cửa nhận lỗi, người trẫm tới trước, quà mai đến sau.

Nói xong liền làm dáng muốn ôm quyền chắp tay.

Ta phì cười, lắc đầu nói:

– Thần thiếp không mong gì cả.

Ta nhìn khóe mắt bệ hạ, đếm được mấy nếp nhăn mới, giọng mềm nhũn:

– Chỉ mong Hoàng thượng được bình an, không phải mệt mỏi như vậy.

Bên đêm đi ngủ, ta không nhịn được mà hỏi:

– Hoàng thượng có thích thần thiếp không?

Cứ luẩn quẩn nghĩ mãi trong lòng, sau cùng vẫn phải thốt ra câu.

Bệ hạ nói có chứ.

Ta nghiêng người nhìn bệ hạ, đổi giọng nghe vui tươi hơn:

– Thật ra thần thiếp thấy mình rất giống một miếng như ý cao. Như ý như ý, nghĩ là điềm lành nên dù như ý cao nhạt nhẽo cũng ráng nuốt thêm được hai miếng. Bệ hạ để ý thần thiếp không phải vì bản thân thần thiếp, mà bởi vì con chim nhỏ mang điềm lành. Thần thiếp tự thấy mình còn không bằng một con hỉ thước.

Bệ hạ sầm mặt bảo ta nói linh tinh, ta kéo chăn che mặt lùi ra phía sau, hé mắt nhìn biểu cảm của người.

Ta gọi, Hoàng thượng.

– Hử? – Bệ hạ nhắm mắt, không thèm nhìn ta nữa.

– Người có thích ăn như ý cao không?

– Sao nàng lại hỏi chuyện này?

– Thần thiếp không thích như ý cao. Thần thiếp kể người nghe, người có biết kẹo hồ lô không? Loại được bán thành từng xâu trên đường ở kinh thành ấy ạ, một lần thần thiếp có thể ăn đến ba xâu. Kẹo hồ lô ngon lắm, vỏ đường óng ánh, quả sơn tra chua ngọt. Người ăn thử một miếng chắc chắn sẽ thấy ngon hơn bánh sơn tra nhiều. Người nói xem bột sơn tra làm sao ngon bằng quả sơn tra tươi chứ…

Ta còn đang lải nhải, người vươn tay ôm lấy ta, hơi thở bên tai ta dần đều đặn.

Ta thấy hẳn bệ hạ đã mệt mỏi lắm rồi.

Lông mày người cau chặt, tay ta vuốt lên mà chẳng làm giãn ra được. Cả lúc ngủ người cũng chau mày phiền lo, ta sao mà không xót lòng.

Nhưng ta chẳng giúp được gì cho bệ hạ cả. Ta không có huynh đệ giỏi đánh trận cho người, cũng không có mẫu gia hiển hách phân ưu giúp người, chỉ có thể kể những chuyện vụn vặt thường ngày để bệ hạ được thư giãn.

Ta kéo chăn cho bệ hạ, vùi đầu vào lồng ngực người, nhắm mắt ngủ say.

Hôm sau, bữa sáng lại là món cũ hôm qua, ta không thích nên chạy đến chỗ Gia phi xin bánh tía tô, làm cô ấy buồn cười.

Về đến cung Đường Lê, lại thấy Hoàng thượng đang đứng dưới hiên nghịch tua rua trên tấm màn che lồng anh vũ.

Ta chưa kịp thỉnh an, bệ hạ đã gọi:

– Nàng đúng là Thao Thiết thành tinh mà, ba xâu kẹo này làm sao ăn hết được?

Ta chạy vào trong điện, nhìn ba xâu kẹo hồ lô vừa to vừa đỏ cắm trên gậy rơm mà nuốt niếng miếng, sau đó rút một xâu xuống.

– Hoàng thượng, đây mới một xâu thôi.

Bệ hạ nghiêm túc nói với ta:

– Trẫm muốn nàng biết, trong lòng trẫm có nàng.

Ta ăn kẹo hồ lô, gật đầu.

– Mấy lời ngốc nghếch như tối qua về sau không được nói nữa, trẫm để ý nàng không phải vì một con chim.

– Vậy thì vì sao?

– Bởi vì hôm ấy nàng là người cuối cùng, mẫu hậu bảo trẫm vẫn chưa chọn đủ người, trẫm thấy nàng ưa nhìn nhất nên mới giữ lại.

– À.

– Nhưng ai ngờ nàng càng ngày càng tham ăn, sắp biến thành heo con rồi.

– Vậy có phải Hoàng thượng hối hận rồi không?

– Thiên tử há có thể hối hận. Còn nữa, nàng có biết Tống thái tổ Triệu Khuông Dận không?

Ta gật đầu.

– Năm đó, ngài ấy nuôi hàng ngàn con heo nhỏ trong cung, bây giờ trẫm đường đường là vua một nước, quốc lực cường thịnh, nuôi một bé heo con là nàng cũng không sao.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.