Papillon - Người Tù Khổ Sai

Chương 35: Trong rừng



Trước khi mặt trời lặn, tôi vội vã tiến sâu vào rừng, vừa bơi, vừa đi vì ở đây vẫn còn lớp bùn cứ muốn hút lấy người ta. Nước vào rất sâu trong rừng, và đêm đã xuống, mà người tôi vẫn chưa khô. Một mùi thối úng sộc vào mũi tôi và thán khí bốc lên làm tôi bị cay mắt. Chân tôi ngập đầy cỏ và lá cây. Tôi vẫn đẩy cái bao tải của tôi. Mỗi lần tiến một bước, tôi lại lấy bàn chân dò khoảng đất ở dưới nước, chỉ khi nào không thấy đất lún, tôi mới bước lên.

Tôi qua đêm đầu tiên trên một cây to. Rất nhiều con thú đi phía dưới tôi. Cả người tôi nóng hừng hực và như bị chín khắp nơi. Sau khi kéo bao tải lên thân cây và buộc chắc hai đầu vào cây, tôi lấy áo va-rơi ra mặc. Trong bao tải là nguồn sống, vì chỉ bổ dừa là tôi có cái ăn để lấy sức chịu đựng. Tôi buộc con dao phát vào cổ tay phải của tôi. Tôi nằm dài trên cây, người mệt lả, giữa hai cành cây tạo thành cái hốc, và tôi ngủ thiếp đi không kịp nghĩ đến bất cứ việc gì. Không, có lẽ tôi còn lẩm bẩm hai ba lần: “Tội nghiệp cho Sylvain” trước khi ngủ như chết. Tiếng chim đã đánh thức tôi dậy. Nắng chiếu xiên ngang rất sâu vào rừng: Vậy thì bây giờ phải là bảy tám giờ sáng. Xung quanh tôi toàn là nước; vậy là nước thủy triều đang lên. Có thể là đợt nước lên lần thứ mười đang chấm dứt.

Tôi rời đảo Quỷ đã được sáu mươi giờ. Tôi không nhận ra chỗ tôi có ở xa biển không. Dù sao tôi cũng phải chờ cho nước rút để ra bờ biển hong cho khô người và tắm nắng. Tôi không còn nước ngọt. Tôi ăn nốt ba miếng cùi dừa còn lại rất ngon lành, tôi lấy dừa xoa lên các chỗ đau. Cùi dừa có chất dầu, làm dịu các vết bỏng của tôi. Rồi tôi hút hai điếu thuốc. Tôi lại nghĩ đến Sylvain lần này còn xót xa hơn. Trước hết, đáng lẽ tôi không nên rủ bạn cùng vượt ngục thì hơn? Vì tôi vẫn có tham vọng tự mình xoay xở lấy. Nếu vậy, sẽ không có gì thay đổi, chỉ có điều là một nỗi buồn mênh mông làm tim tôi thắt lại và tôi nhắm nghiền hai mắt, tưởng chừng làm như thế tôi sẽ không còn trông thấy cảnh bạn tôi sa lầy nữa. Đối với anh, thế là hết.

Tôi đã nhét chắc bao tải vào chạc cây, bắt đầu lấy trái dừa ra. Tôi lột vỏ được hai trái bằng lấy hết sức đập mạnh dừa vào thân cây giữa hai chân tôi. Phải đập ở khoảng đầu trái dừa mới bửa nó ra được. Dùng dao phạt càng tốt. Tôi ăn cả một trái dừa tươi và uống chút nước dừa ngọt lịm. Nước rút rất nhanh, và chỉ lát sau tôi đã có thể dễ dàng đi trên bùn để ra bãi biển. Ánh nắng thật rạng rỡ, và hôm nay biển đẹp không lấy gì so sánh nổi. Tôi nhìn mãi về nơi mà tôi cho là Sylvain đã chìm xuống. Quần áo tôi đã khô, người tôi sau khi được kỳ cọ ở một hố nước mặn cũng đã khô. Hút xong một điếu thuốc, tôi nhìn lần cuối nơi đã chôn vùi bạn tôi, rồi đi vào rừng, bước không khó khăn lắm.

Bao tải trên vai, tôi từ từ đi sâu vào lùm cây. Sau hai giờ, tôi thấy một khoảng đất mà nước không bao giờ tới. Dưới gốc cây, không có một vết tích gì chứng tỏ nước thủy triều tràn vào tận đây. Tôi sẽ cắm lại đây để nghỉ hẳn hai mươi bốn giờ. Tôi bổ dần các trái dừa, nạo cùi và cho tất cả vào xắc để khi muốn là ăn được ngay. Tôi có thể châm lửa, nhưng tôi nghĩ làm như vậy là không thận trọng. Phần còn lại của ngày và đêm hôm đó đã trôi qua vô sự. Tiếng chim ồn ào đã đánh thức tôi dậy. Tôi nạo nốt cùi dừa rồi đi về hướng đông, vai mang xắc. Khoảng ba giờ chiều, tôi thấy một con đường mòn. Đây là một con đường nhỏ của những người đi kiếm balata (một thứ nhựa cây thiên nhiên) hoặc đi khai thác gỗ, hoặc đi tiếp tế cho những người đi tìm vàng.

Con đường hẹp nhưng quang đãng, không có những cành cây chắn ngang, nghĩa là thường có người đi lại. Thỉnh thoảng lại có vết chân lừa hay la không đóng móng. Những chỗ bùn đã khô, tôi để ý thấy có vết chân người, ngón cái hằn rất rõ nét trong đất sét. Tôi đi cho đến khi trời tối, miệng nhai cùi dừa vừa để nuôi dưỡng cơ thể vừa để khỏi khát. Thinh thoảng tôi nhai thật kỹ chất bã có dầu lẫn nước miếng và lấy chất bã đó xoa lên mũi, môi và má. Mắt tôi đầy mủ, hai mí cứ dán vào nhau. Mỗi lần có dịp là tôi rửa bằng nước ngọt. Trong bao tải của tôi, cùng các trái dừa, còn có cả một cái hộp, kín nước không thấm được, ở trong có một miếng xà phòng Marseille, một con dao cạo hiệu Gillette mười hai lưỡi dao lam và một cái chổi cạo râu, tôi đã thu hồi được cái hộp đó nguyên vẹn. Tôi bước đi, tay cầm con dao phạt nhưng không có chướng ngại. Tôi để ý thấy ven đường có những cành cây mang những vết chặt còn mới. Trên con đường mòn này, có người đi lại, tôi phải thận trọng hơn.

Rừng ở đây không giống như rừng mà tôi được biết trong chuyến vượt ngục đầu tiên ở Saint-Laurent du- Maroni. Rừng này có hai tầng cây và không rậm rạp như ở Maroni. Tầng cây thứ nhất cao độ năm, sáu mét, và cao hơn nữa là tầng trên cùng, cao đến hai mươi mét. Chỉ phía bên phải con đường mòn là còn sáng. Bên trái tối âm u như thể ban đêm. Tôi đi nhanh, thỉnh thoảng lại qua một khoảng trống do người làm cháy rừng hoặc sét đánh gây ra. Tôi nhận thấy có những tia nắng. Độ nghiêng của ánh nắng chứng tỏ là mặt trời sắp lặn. Tôi quay lưng lại phía mặt trời và đi về hướng đông, nghĩa là phía làng của người da đen ở Kourou hay trại giam tù cũng mang tên ấy. Đêm đến đột ngột. Tôi không thể đi đêm được, bèn vào rừng để tìm chỗ ngủ. Cách lối mòn hơn ba mươi mét. dưới một đùm lá phẳng như lá chuối, tôi dùng dao phạt chặt những tàu lá ấy để trải chỗ nằm.

Chỗ tôi nằm rất khô ráo. Cũng may mà trời không mưa. Tôi hút hai điếu thuốc. Chiều nay tôi không mệt lắm. Cùi dừa giữ sức cho tôi và tôi không thấy đói. Tôi chỉ khát đến khô cổ, tôi cố làm cho nước bọt là ra nhưng cũng khó khăn. Giai đoạn hai của chuyến vượt ngục đã bắt đầu, đây là đêm thứ ba tôi ở trên đất liền mà không gặp phải sự kiện gì khó chịu đến với tôi. Chà! Nếu có Sylvain bên cạnh tôi! Nhưng anh không còn nữa, biết làm sao bây giờ? Trên đời này mi không bao giờ cần có người khuyên bảo hay nâng đỡ mi cơ mà? Mi là chỉ huy hay là lính trơn? Đừng có nghĩ vớ vẩn Papillon, nếu không phải vì nỗi buồn thường tình vì mất bạn, dù một mình ở trong rừng, mi cũng vẫn mạnh không kém ai.

Bọn ở đảo Royale, Saint-Joseph và đảo Quỷ đã xa rồi, mi chia tay với chúng đã được sáu ngày. Bọn ở Kourou chắc đã được báo tin rồi. Trước hết bọn gác Lâm trường, rồi đến bọn da đen ở lán đều biết. Chắc phải có một đồn cảnh binh ở đó. Liệu đi về hướng làng có gì nguy hiểm không? Tôi không biết gì về vùng lân cận làng này. Trại giam nằm dính giữa làng và sông. Tôi chỉ biết có thế và Kourou. Ở Royale, tôi đã tính bắt người đầu tiên tôi gặp phải dẫn tôi đến gần trại Inini, nơi của các phạm nhân người tàu, và là nơi ở của Quých-Quých, anh của Chang. Tại sao tôi lại thay đổi kế hoạch nhỉ? Nếu ở đảo Quỷ, bọn chúng cho là chúng tôi bị chết đuối thì không có chuyện rùm beng. Nếu chúng xác nhận là có cuộc vượt ngục thì ở Kourou lại nguy hiểm. Vì đây là lâm trường nên chắc phải lắm dân A-rập và sẽ có rất nhiều kẻ đi săn người.

Papi, cẩn thận kẻo bị chúng tóm được đấy. Không được phạm sai lầm. Đừng để bị kẹp chả đấy. Mi phải trông thấy người ta trước, bất kể người đó là ai, trước khi người ta trông thấy mi. Kết luận là không được phép đi trên đường mòn mà phải đi trong rừng, song song với con đường nọ. Hôm nay, mi đã phạm sai lầm khá lớn là cứ nhông nhông đi trên con đường ấy, mà chỉ có một vũ khí duy nhất là con dao phạt. Như thế không phải là vô ý thức mà là điên rồ. Vậy là ngày mai tôi phải đi trong rừng. Tiếng thú và tiếng chim hót chào mừng ngày mới đã đánh thức tôi dậy rất sớm, tôi bừng tỉnh cùng một lúc với rừng cây. Một ngày mới cũng đắt đầu đối với tôi.

Tôi bỏ một nắm cùi dừa vào miệng và nhai thật kỹ. Tôi lấy bã ra để xoa lên mặt, rồi xuất phát. Dưới lùm cây sát bên đường, tôi đi hơi khó, vì tuy dây leo và cành cây không nhiều và rậm lắm, cũng phải gạt sang một bên mới tiến lên được. Dù sao tôi không đi trên đường là phải vì tôi chợt nghe có tiếng huýt sáo. Con đường có một đoạn thẳng dài năm mươi mét. Tôi không trông thấy người huýt sáo. A! Y đến đây rồi. Đó là một người da đen Tombouctou. Y vác một bọc trên vai và tay phải y cầm một khẩu súng trường. Mình y mặc áo sơ mi ka ki, quần cụt, đùi để trần và chân đi đất. Y cúi đầu xuống đất, lưng trĩu dưới sức nặng của bọc đồ to kềnh càng. Tôi nấp sau một cây to ngay bên cạnh đường, tay cầm con dao, chờ y đến ngang chỗ tôi. Y vừa bước tới cây đó thì tôi lao vào y. Tay phải tôi chộp lấy tay cầm súng của y và tôi vặn tréo tay y làm y phải buông súng “Đừng giết tôi! Vì Chúa, xin hãy thương tôi!”

Y vẫn đứng thẳng, mũi dao của tôi kề sát cổ y. Tôi cúi xuống nhặt cây súng lên, đấy là một khẩu súng cổ lỗ sĩ một nòng, chắc đã tọng thuốc nổ và chì đầy ắp. Tôi lên cò và lùi lại hai mét, ra lệnh:

– Hạ cái dao xuống, để dưới đất. Mày mà chạy là tao bắn chết ngay!

Thằng da đen khiếp đảm, làm theo lời tôi. Rồi hắn nhìn tôi.

– Ông vượt ngục phải không?

– Phải.

– Ông muốn gì? Tôi có gì, ông lấy hết đi. Nhưng xin ông đừng giết tôi. Tôi có năm con. Ông làm phúc cho tôi được sống.

– Im mồm! Tên mày là gì?

– Jean.

– Mày đi đâu?

– Tôi mang thức ăn và thuốc men cho hai anh tôi đang chặt củi trong rừng.

– Mày từ đâu đến?

– Từ Kourou.

– Mày có phải ở làng này không?

– Tôi đẻ ở đây.

– Mày có biết trại Inini không?

– Có, tôi thỉnh thoảng vẫn buôn bán với người Tàu ở trại giam.

– Mày có thấy cái này không?

– Cái gì đấy?

– Một tờ giấy bạc năm trăm francs. Mày hãy chọn đi: hoặc tao bảo gì mày làm thế, thì tao sẽ cho mày năm trăm francs và trả súng cho mày, còn nếu mày từ chối hay tìm cách đánh lừa tao, tao sẽ giết mày. Hãy chọn đi.

– Tôi phải làm gì nào? ông cứ bảo đi, tôi sẽ làm hết, dù không được gì.

– Mày hãy dẫn tao cho an toàn đến gần trại Inini. Sau khi tao gặp được một người Tàu, mày có thể đi. Bằng lòng không?

– Tôi đồng ý.

– Đừng có đánh lừa tao, không thì chết đấy.

– Không đâu, tôi thề sẽ giúp ông một cách trung thực.

Gã đa đen có mang một thùng sữa hộp. Y lấy ra sáu hộp đưa cho tôi cùng một mẩu bánh mì và một miếng mỡ lá đã hun khói.

– Đem bao tải của mày dấu vào rừng đi, mày sẽ trở lại lấy sau. Tao lấy dao đánh dấu để mày nhớ chỗ nhé.

Tôi uống một hộp sữa. Y còn cho tôi một cái quần dài và một cái áo thợ màu xanh. Tôi mặc cả hai vào người tay vẫn không rời khẩu súng.

– Đi trước đi. Jean. Chú ý, cẩn thận đừng để ai trông thấy chúng ta vì nếu ta bị ai bắt gặp, đấy là lỗi tại mày và lúc ấy tao phải cho mày chết.

Jean biết cách đi trong rừng hay hơn tôi, vì y tránh cành cây và dây leo rất khéo nên tôi khó nhọc mới theo kịp y.

– Ông phải biết rằng ở Kourou, người ta được báo tin là có hai tên ở đảo đã vượt ngục. Vì vậy tôi thành thật nói với ông, nếu chúng ta đi gần trại giam Kourou thì nguy hiểm lắm.

– Mày có vẻ tốt và thật thà. Tao hy vọng không lầm. Mày hãy cho tao biết đến Inini bằng cách nào là tốt nhất? Mày phải nghĩ rằng tao được an toàn thì mày được sống vì nếu tao bị bọn cai tù hay bọn đi săn người bắt gặp là tao buộc lòng phải giết mày đấy.

– Tôi phải gọi ông là gì?

– Tao là Papillon.

– Được rồi, thưa ông Papillon. Phải đi hẳn vào rừng và tránh xa đường mòn. Tôi bảo đảm sẽ đưa ông đến Kourou bằng cách băng qua rừng.

– Tao tin vào mày đấy. Đi đường nào mày thấy chắc chắn nhất.

Đi trong rừng chậm hơn, nhưng từ khi rời con đường mòn, tôi cảm thấy gã da đen bớt căng thẳng. Y không ra nhiều mồ hôi nữa, nét mặt y cũng không co rúm lại, y như yên tâm hơn.

– Jean này, tao thấy hình như bây giờ mày bớt sợ rồi phải không?

– Đúng thế, ông Papillon ạ. Đi gần đường mòn nguy hiểm cho ông lắm, nghĩa là nguy hiểm cả cho tôi.

Chúng tôi đi nhanh. Gã da đen này thông minh, không bao giờ y đi cách tôi xa quá ba bốn mét.

– Dừng lại đã, để tao cuốn điếu thuốc.

– Có bao Gauloises đây.

– Cảm ơn Jean, mày tốt lắm.

– Đúng là tôi rất tốt. Tôi theo đạo, và khi thấy các giám thị da trắng đối xử với các tù nhân ra sao tôi cũng khổ tâm lắm.

– Mày được thấy nhiều cảnh ấy lắm à? Ở đâu?

– Ở lâm trường Kourou. Thấy họ chết dần chết mòn vì phải chặt củi, vì sốt rét và kiết lỵ, thật là thương tâm. Các ông ở đảo khá hơn. Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy một tù nhân được khỏe mạnh như ông đấy.

– Đúng, ở đảo khá hơn.

Chúng tôi ngồi một lát trên một cành cây to, tôi đưa cho y một hộp sữa. Y từ chối, y thích nhai cùi dừa hơn.

– Vợ mày còn trẻ không?

– Còn trẻ, mới ba mươi tuổi. Tôi bốn mươi. Chúng tôi được năm con, ba gái, hai trai.

– Mày kiếm đủ ăn không?

– Tôi làm gỗ hồng tâm, cũng kiếm được; vợ tôi giặt và ủi đồ cho các giám thị. Cũng đỡ được chút đỉnh. Chúng nó cũng có giầy đi.

Tội nghiệp cho anh chàng da đen đã nghĩ rằng khi các con y có giày đi là mọi việc đều tốt đẹp. Y to gần bằng tôi, bộ mặt da đen của y trông cũng dễ có cảm tình. Trái lại, mắt y đễ lộ rõ ràng y có những tình cảm tốt đẹp. Đó là một con người lành mạnh, một người cha tốt, một người chồng tốt, một tín đồ của đạo cơ đốc.

– Còn ông thế nào, ông Papillon?

– Tôi đang tìm cách sống lại. Tôi bị chôn sống đã mười năm nay, tôi đã mấy lần vượt ngục để có ngày được tự do như anh, để được sống bên cạnh vợ con và tôi sẽ không làm hại cho ai, ngay cả trong ý nghĩ. Anh đã nói ra rồi đấy, chốn lao tù này thối nát lắm, và người biết tự trọng phải tìm cách trốn khỏi vũng bùn ấy.

– Tôi sẽ hết lòng giúp ông thành công. Ta lên đường thôi.

Với giác quan định hướng rất tài tình, không do dự chút nào trên đường đi, Jean dẫn thẳng tôi về phía khu trại của người Tàu. Trời tối được hai giờ thì chúng tôi đến nơi. Từ xa đã nghe thấy tiếng đập, không thấy có ánh đèn. Jean giải thích cho tôi hiểu là muốn đến thật gần trại, phải tránh một hay hai tiền đồn nữa. Chúng tôi quyết định dừng lại để qua đêm. Tôi mệt nhoài, tưởng chết được chỉ sợ ngủ quên mất. Nếu tôi nhận định lầm anh chàng da đen này thì sao? Nếu y đóng kịch chờ tôi ngủ, rồi cướp lại khẩu súng và giết tôi chết thì sao? Giết được tôi y có hai cái lợi: trừ bỏ được tôi là một nguy cơ đối với y, và còn được thưởng vì đã giết được một tên tù vượt ngục. Phải, y rất thông minh. Y không nói gì, cũng không chờ đợi lâu la mà nằm ngủ say.

Tôi vẫn giữ sợi xích và cái bù-loong. Tôi định trói y lại, rồi tôi lại nghĩ, y có thể tháo ốc bù-loong ra cũng như tôi vậy, và nếu y làm cấn thận, nếu tôi ngủ quá say, tôi sẽ không biết gì. Trước hết tôi cố thức. Tôi có nguyên cả một bao thuốc Gauloises. Tôi biết cách làm để không ngủ gục. Tôi không thể phó thác mình cho một người dù sao cũng thuộc loại lương thiện và do đó phải xếp tôi vào loại gian phi. Đêm đen nghịt, y nằm cách tôi hai mét, tôi chỉ nhận ra được đôi gan bàn chân trắng của ỵ Ban đêm, rừng có những tiếng động riêng biệt của nó, tiếng hú liên tục của loài khỉ có bướu to, tiếng hú khàn khàn và rất mạnh, vang xa đến hàng cây số. Tiếng đó rất quan trọng, vì nó đều đều thì có nghĩa là bầy của chúng có thể yên tâm ăn hay ngủ. Nếu nó biểu hiện nỗi lo sợ hay mối nguy cơ, như vậy, là quanh đấy có thú dữ hay người.

Toàn thân căng thẳng, tôi không phải cố gắng lắm cũng giữ để mình không ngủ thiếp đi, nhờ vài lần dí thuốc lá đang cháy vào da và nhất là nhờ đàn muỗi chừng muốn hút hết máu của tôi. Nếu tôi dùng nước bọt trộn với ni-cô-tin xoa lên vai, tôi cũng có thể tránh không bị chúng đốt. Nhưng nếu xoa thứ nhựa ni-cô-tin này mà tránh được muỗi đốt thì tôi lại ngủ mất. Chỉ cầu sao cho đàn muỗi này không mang vi trùng sốt rét hay bệnh sốt vàng. Thế là tôi thoát ra được con đường thối rữa có lẽ mới chỉ tạm thời. Khi tôi bước vào đấy là năm 1931, tôi mới hai mươi lăm tuổi. Bây giờ là năm 1941, đã mười năm qua. Vào năm 1932, Pradel, lão biện lý không tim với một bản buộc tội tàn nhẫn và vô nhân đạo đã ném tôi vào cái giếng khơi là nơi ao tù này. Nó là cái hố đầy thứ nước lầy nhầy sẽ làm tôi phải tan rữa dần dần và hiến thành hư không. Cuối cùng, tôi cũng thực hiện thành công được phần đầu của cuộc vượt ngục. Tôi đã từ đấy giếng ngoi lên và đang ở trên bờ giếng. Tôi phải tập trung hết nghị lực và trí thông minh của mình để giành phần thắng ở hiệp hai.

Đêm trôi đi từ từ nhưng cũng đã qua, và tôi cũng không ngủ. Tay không rời khẩu súng, tôi tỉnh táo được là do bị muỗi đốt, và không một lần nào đánh rơi súng. Tôi hài lòng về mình vì đã không vì mệt mỏi mà bất cẩn để có thể bị mất tự do, tinh thần của tôi đã mạnh hơn vật chất. Tôi vui mừng khi nghe tiếng chim hót báo hiệu ngày sắp rạng. Mấy con chim dậy sớm hơn những con khác ấy là khúc dạo đầu báo hiệu ngày tới liền sau đó. Gã da đen vươn vai ngồi dậy và xoa chân.

– Chào ông, ông có ngủ được không?

– Tôi không ngủ.

– Ông ngốc quá, vì tôi đã bảo đảm là ông không phải lo gì về tôi. Tôi đã quyết định giúp ông để ông đạt được dự tính của ông mà

– Cám ơn anh, Jean. Ánh nắng sắp chiếu đến đây chưa?

– Độ một giờ nữa.

Chỉ có thú vật mới thấy được nó trước khi trời sáng, trước cả người.

– Độ một giờ nữa là sáng rõ ông Papillon ạ. Đưa tôi mượn con dao của ông.

Tôi đưa ngay dao cho y không do dự, y đi vài ba bước chặt một cành cây có nước, đưa cho tôi một đoạn dài và giữ lại khúc kia.

– Ông uống nước trong cành cây đi, rồi lấy nước ấy mà rửa mặt.

Với cái bình đựng nước kỳ lạ ấy, tôi uống và rửa mặt.

Trời đã sáng rõ. Jean trả lại tôi con dao. Tôi châm một điếu thuốc và Jean cũng hút. Chúng tôi lại lên đường. Sau mấy lần lội bì bõm trong những vũng bùn rộng rất khó vượt qua, gần giữa trưa, chúng tôi đã đến vùng lân cận trại giam Inini mà không gặp chuyện gì, dù lành hay dữ. Chúng tôi đến gần một con đường lớn dẫn tới trại. Một con đường sắt hẹp chạy dọc bên khoảng đất rộng đã được phát quang. Jean cho tôi biết con đường sắt này chỉ có những chuyến xe goòng do người Tàu đẩy đi qua. Những chuyến xe goòng đó lăn bánh ầm ầm, nghe được từ xa. Chúng tôi đã thấy một toa xe goòng đi ngang, trên đặt một chiếc ghế băng, có hai tên lính ngồi. Đằng sau là hai người Tàu cầm hai cây gỗ dài dùng để hãm xe. Bánh xe lăn làm tóe ra những tia lửa. Jean nói cho tôi rõ là gậy có một đầu bịt sắt, để đẩy goòng đi hay hãm lại. Con đường sắt rất đông người đi lại. Những người Tàu, người thì vác những cuộn dây rừng, người thì vác heo rừng, người thì lại vác hàng bó lá dừa. Tất cả đều như đi về hướng trại giam. Jean nói với tôi là có nhiều lý do để đi vào rừng: đi săn, đi kiếm mây làm bàn ghế, kiếm lá dừa để đan những tấm phên che cho vườn rau khỏi bị nắng, rồi đi bắt bướm, bắt muỗi, bắt rắn v v Có một số người Tàu được phép vào rừng mỗi lần vài giờ sau khi đã làm xong công việc chính quyền. Họ đều phải về trước năm giờ chiều.

– Jean ơi, đây, năm năm francs và cây súng (trước đó tôi đã đổ hết thuốc súng ra). Tôi đã có con dao và cây dao phạt rồi. Anh đi đi. Cảm ơn anh. Cầu Chúa ban thưởng cho anh khá hơn tôi, vì anh đã giúp đỡ một người đau khổ đang tìm cách sống lại. Anh trung thực lắm, cảm ơn anh lần nữa. Tôi mong rằng khi anh kể lại chuyện này cho cái con anh, anh sẽ nói với chúng: Người tù khổ sai này có vẻ là người tử tế, bố không hối hận vì đã giúp người ấy.

– Ông Papillon ơi, đã muộn rồi, tôi không đi được xa trước khi trời tối. Ông cứ giữ lấy khẩu súng, tôi sẽ ở lại với ông cho đến sáng mai. Nếu ông muốn, tự tôi sẽ kêu người Tàu nào ông ưng để đi báo tin cho Quých-Quých. Người ấy sẽ không sợ mấy nếu gặp một người tù da trắng vượt ngục. Ông cứ để tôi ra đường lớn. Nếu có ai xuất hiện, dù là lính họ cũng không cho việc tôi có mặt ở đây là bất thường. Tôi nói là tôi đến đây để xem có gỗ hồng tâm cho xí nghiệp gỗ “Synphorien” ở Cayenne không, ông cứ tin tôi đi.

– Nếu thế thì anh cầm lấy chúng, vì đi rừng mà không mang súng cũng kỳ.

– Phải rồi.

Jean đứng ngay giữa đường. Khi thấy người Tàu nào ưng ý, tôi sẽ khẽ huýt sáo.

– Chào Me-xừ – một người tàu già bé nhỏ, vai vác một thân cây chuối, chắc là một cây cái dừa, ăn rất ngon, chào bằng thổ ngữ. Ông già bé nhỏ này lại chào Jean trước. Tôi ưng ý nên đã huýt sáo * (*ở đoạn này nhân vật nói tiếng Tây bồi – ND.).

– Chào bác. Dừng lại một chút tôi có chuyện muốn nói.

– Me-xừ muốn gì? – Ông già đứng lại.

Họ nói với nhau gần năm phút. Tôi không nghe được chuyện họ nói với nhau.

Lại hai người Tàu khác đi qua, họ khiêng một con nai cái to buộc vào một cây đòn dài, thân treo ngược, đầu thõng xuống đất. Họ đi qua mà không chào anh da đen nhưng nói vài câu với đồng hương bằng tiếng Tàu, ông già đáp lại vài ba câu. Jean dẫn ông già vào rừng, đến chỗ tôi. Đến gần tôi, ông đưa tay ra.

– Anh vượt ngục hả?

– Phải.

– Từ đâu đi?

– Đảo Qủy?

– Tốt! – Ông ta cười và mở to cặp mắt xếch nhìn tôi – Tốt lắm, anh tên gì?

– Papillon

– Tôi không biết.

– Tôi bạn của Chang. Chang Vô Kiện, anh em với Quých-Quých.

– A, tốt lắm – Rồi ông lại bắt tay tôi lần nữa – Anh muốn gì?

– Báo cho Quých biết là tôi chờ anh ấy ở đây.

– Không thể được.

– Tại sao?

– Quých-Quých ăn cắp sáu chục vịt của xếp trại. Xếp trại muốn giết Quých-Quých, Quých-Quých trốn rồi.

– Trốn được bao lâu?

– Hai tháng.

– Đi đường biển?

– Tôi không biết, tôi bây giờ về trại nói chuyện với người Tàu khác cũng là bạn thân của Quých-Quých. Anh đừng đi, cứ ở đây. Đêm nay, tôi đến.

– Mấy giờ?

– Tôi không biết nhưng tôi còn đem thức ăn, thuốc lá lại đây cho anh nữa, anh đừng đốt lửa nhé. Tôi sẽ thổi sáo bài “Ma- đơ-lông”. Khi anh nghe thấy bài đó, anh hãy ra đường lớn, hiểu không?

– Biết!

Rồi ông quay đi.

– Anh thấy thế nào, Jean?

– Chưa mất gì đâu, vì nếu ông muốn, chúng ta có thể quay về Kourou, tôi sẽ kiếm cho ông một chiếc thuyền độc mộc, thức ăn và buồm để đi ra biển.

– Jean ơi, tôi đi rất xa, không thể đi một mình được. Cảm ơn đề nghị của anh. Cùng lắm, tôi mới nhận.

Ban nãy người Tàu có cho chúng tôi một súc bắp cải dừa lớn, chúng tôi ăn ngay. Nó mát ngon có hương vị hạt phỉ rất đậm. Jean thức để canh, tôi đã tin anh tạ. Tôi xoa bã thuốc lá vào mặt và hai bàn tay vì muỗi đã bắt đầu đốt. Jean đã đánh thức tôi dậy.

– Papillon, có tiếng huýt sáo bài “Ma- đờ-lông”.

– Mấy giờ rồi?

– Chưa khuya, có lẽ chín giờ.

Chúng tôi đi ra đường.

Trời tối đen. Người huýt sáo đã tới gần, tôi đáp lại, ông ta đến gần hơn, chúng tôi đứng gần sát nhau mà tôi chẳng trông thấy gì. Cứ huýt mãi, chúng tôi đã gặp được nhau. Họ có ba người. Từng người một đến gần nắm lấy tay tôi. Chẳng bao lâu nữa trăng sẽ lên.

– Chúng ta ngồi xuống bên đường này đi, một người trong bọn họ nói tiếng Pháp rất thạo.

– Ngồi trong bóng tối, không sợ ai nhìn thấy đâu.

Jean đã ra ngồi với chúng tôi.

– Ăn trước đi, xong rồi sẽ nói, – người có vẻ học thức trong bọn họ nói.

Jean và tôi ăn một tô xúp rau rất nóng. Chúng tôi thấy ấm người và quyết định để lại một phần thức ăn để ăn sau. Chúng tôi uống trà đường có vị bạc hà ngon tuyệt.

– Anh là bạn thân của Chang à?

– Phải, anh ấy bảo tôi đến kiếm Quých-Quých để cùng vượt ngục với nhau. Tôi đã có lần vượt ngục đi rất xa, đến tận Colombia. Tôi đi biển giỏi lắm, vì vậy Chang muốn tôi đưa anh của anh ấy đi. Anh ấy tin tôi.

– Tốt lắm. Chang xâm những gì trên người?

– Ở ngực, một con rồng, bàn tay trái, ba dấu chấm. Anh nói ba cái dấu đó chỉ rõ anh ấy là một trong các thủ lĩnh cầm đầu cuộc nổi loạn ở Côn Đảo. Người bạn thân nhất của anh ấy cũng là một người chủ huy cuộc nổi loạn, anh này tên là Văn Huê, anh này bị cụt một tay.

– Tôi đây, – người trí thức nói. – Chắc chắn anh là bạn của Chang rồi, do đó cũng là bạn của chúng tôi. Quých-Quých chưa đi biển được vì không biết lái tàu. Sau nữa, vì anh ấy có một mình, anh ấy ở trong rừng cách đây chừng mười kilômét. Anh ấy làm than củi, các bạn giúp anh bán than rồi đưa tiền cho anh ấy. Khi dành dụm đủ tiền, anh ấy sẽ mua một cái ghe và kiếm người để cùng vượt ngục. Anh đang ở chỗ không có gì nguy hiểm cả. Không ai có thể đến được cái vũng cù lao mà anh ấy đang ở, vì xung quanh toàn là bùn loãng. Người nào không biết đường mà đi liều thế nào cũng bị sa xuống bùn. Hừng đông là tôi đến tìm anh để dẫn anh tới chỗ Quých-Quých. Bây giờ anh đi với chúng tôi.

Chúng tôi đi bên ven đường, vì trăng đã lên và trời đủ sáng để có thể trông xa tới năm mươi mét về phía trước. Đến một cái cầu gỗ, anh nói với tôi:

– Anh xuống dưới cầu mà ngủ. Sớm mai, tôi sẽ đến tìm anh.

Chúng tôi bắt tay nhau và họ ra về. Họ đi công khai, trường hợp có bị ai trông thấy, họ nói là họ vào thăm các bẫy đặt trong rừng lúc ban ngày, Jean nói với tôi

– Papillon, anh đừng ngủ ở đây, tôi sẽ gọi anh.

– Phải rồi.

Tôi đi vào rừng và sau khi hút vài điếu thuốc, tôi ngủ ngay, sung sướng vì được ăn đẫy món xúp ngon. Trước khi trời sáng, Văn Huê đã đến chỗ hẹn. Để đỡ mất thì giờ, chúng tôi đi trên đường cho đến lúc trời sáng bạch. Chúng tôi rảo bước hơn bốn mươi phút. Trời đột ngột bừng sáng và từ xa đã nghe được tiếng xe goòng lăn trên đường sắt. Chúng tôi vào rừng để đi.

– Từ biệt Jean nhé, cảm ơn anh, chúc anh may mắn. Cầu Chúa ban phước lành cho anh và cả gia đình anh.

Tôi cố ép anh nhận năm trăm francs. Anh chỉ cho tôi cách nếu không thành công với Quých-Quých thì trở về làng anh ta như thế nào, đi vòng ra sao để lại đến được con đường mòn mà tôi đã gặp anh. Anh phải đi qua đấy, mỗi tuần hai lần. Tôi nắm tay anh da đen cao thượng, và anh nhảy lên mặt đường. “Đi thôi” – Văn Huê vừa đi vào rừng vừa nói. Anh tìm ra hướng đi ngaỵ không chần chừ, và chúng tôi đi khá nhanh vì rừng không rậm lắm. Anh tránh dùng dao chặt cành cây hay các dây leo làm vướng lối đi. Anh chỉ gạt chúng sang bên.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.