Nữ Thần Báo Oán

Chương 16



Cuộc điều tra –

Cô Marple thong thả đi dọc phố chính của làng để tới nơi mà cảnh sát tư pháp sẽ tiến hành cuộc điều tra. Nhìn đồng hồ và thấy còn sớm tới hơn hai mươi phút, cô dừng lại ở một cửa hàng bán len và vật dụng cho trẻ. Bên trong, một cô bán hàng trẻ đang thử quần áo cho hai đứa trẻ. Ngồi xa hơn, sau quầy, là một phụ nữ đứng tuổi.

Cô Marple đi vào, đến gần bà tà, rút ra trong túi xách một mẩu len màu hồng. Cô nói cần đan tiếp nhưng còn thiếu một cuốn. Bà bán hàng tìm ngay được thứ cô cần. Cô trả tiền, rồi có vẻ say sưa đúng ngắm nhìn một bảng quảng cáo trưng bày đủ loại len các màu, ra chiều thích thú. Tiếp đó, cô khéo léo gài vào cuộc chuyện trò một câu nhắc đến tai nạn của cô Temple. Bà Merrypit – nếu đúng đó là tên bà chủ cửa hàng ghi ở ngoài cửa – liền than phiền không biết đến bao giờ chính quyền địa phương mới áp dụng các biện pháp cần thiết để những tai họa như vậty khỏi xảy ra. Bà nói :

– Bà biết đấy, trời mưa, đất ải đi, và đá rơi xuống. Tôi nhớ có một năm xảy ra tới ba tai nạn. Một lần, đứa bé suýt chết ; sáu tháng sau, một ông bị gẫy tay ; và người thứ ba là bà Well tội nghiệp, vừa mù vừa điếc. bà ta không nghe thấy gỉ, nếu không thì đã lùi lại, tránh được. Bà ta chết ngay tại chỗ.

– Thật đáng buồn, cô Marple thở dài. Tai họa là do thiên nhiên, nhưng … có khi cũng do những kẻ nghịch ngợm, bất cẩn. Họ hè nhau đẩy hòn đá …

– À, đúng rồi ! bao giờ cũng có những lũ trẻ chơi trò ngu ngốc. Song, ở Bonaventure, chưa bao giờ có chuyện ấy.

Cô Marple chuyển câu câu chuyện sang đề tài áo thun :

– Không phải cho tôi đâu, mà cho một đứa cháu. Nó thích một áo thun cổ lộ, màu tươi.

– Vâng, bọn trẻ thích các màu sáng, đập vào mắt, trừ quần thì lại dùng màu đen hoạc màu xanh sẫm.

– Cô Marple nói rõ : Muốn mua một áo thun kẻ ô vuông. Đỏ và đen chẳng hạn. Trong cửa hàng, có rất nhiều áo thun đủ màu, nhưng không có đỏ và đen. Và cũng chưa bao giờ có loại áo ấy. Vừa chọn len, cô Marple lái câu chuyện sang các vụ án mà cô nghe nói đã từng xẩy ra trong vùng. Bà Merrypit :

– Người ta đã bắt được thủ phạm. Một thanh niên bảnh trai, thoạt trông không ai nghĩ lại atén ác đến thế. Được nuôi dạy tử tế, học đại học, nghe nói có ông bố rất giàu. Hẳn tâm thần nó rối loạn thế nào, vì có đến năm, sáu đứa con gái khác đã bị giết như thế. Cảnh sát lần lượt thẩm vấn tất cả thanh niên trong vùng, đặc biệt một cậu tên là Geoffroy Grant. Lúc đầu, ai cũng nghĩ cậu ta là thủ phạm, vì thái độ hơi kỳ quặc. Ngay từ thời đi học, hắn đã hay bám theo con gái, cho kẹo rồi rủ chúng đi vào đường vắng. Đúng, người ta nghi ngờ hắn, nhưng hóa ra không phải. Có một kẻ tình nghi khác, là Bert William. Nhưng tên này cũng có bằng chứng ngoại phạm. Rồi đến Michael này. Như tôi đã nói, hắn đẹp trai, những đã có nhiều tiền sự : ăn cắp, dùng ngân phiếu giả, vân ..vân. Không kể hai vụ làm con gái người ta chửa …

– Cái cô bị giết lúc đó có mang hay không ?

– À ! Khi tìm thấy thi thể, thoạt đầu người ta tưởng đó là Nora Broad, cháu gái ông thợ xay. Cô này cũng hay chạy theo con trai, và đi đâu mấy tích. Nhưng không phải là cô ta, mà là một cô khác.

– Sau có tìm thấy Nora không ?

– Không, người ta cho là xác đã bị vứt xuống sông.

– Cô ấy kia, tìm được xác ấy, hình như sống ở gần đây ?

– Virity Hunt, phải, sống ở Lâu Đài Cổ từ khi bố mẹ mất trong một tai nạn máy bay. Nghe nói bà Glynne là bạn của mẹ cô ấy. Nhưng lúc đó bà chưa về ở Lâu Đài, còn đang sống với chồng ở nước ngoài. Clotilde, chị của bà Glynne, là người chăm nuôi con bé. Cô ấy yêu nó lắm, nên khi nó mất tích, cô ấy đau khổ đến tuyệt vọng. Cô ấy khác hẳn cô Anthea.

– Anthea là cô út trong ba chị em, phải không ạ ?

– Phải. Nghe nói trí óc cô ấy không bình thường. Thỉnh thoảng, thấy cô ấy đi ngoài phố, đầu lắc lư và nói to một mình, trẻ con phải sợ. Ông bố của cô ấy, ngày xưa cũng là một nhân vật hơi kỳ. Ông ta bắn súng loạn xạ trong vườn, khoe là mình bắn giỏi.

– Còn cô Clotilde thì hoàn toàn bình thường chứ.

– Ồ, hoàn toàn bình thường. Cô ấy rất thông minh. Đáng lẽ học lên đại học, nhưng phải ở nhà chăm sóc em ốm. Cô ấy rất yêu con bé Verity, coi nó như con. Thế rồi cái thằng mất dạy kia xuất hiện, và con bé đi biệt, chẳng nói một tiếng với ai. Tôi không biết là Clotilde có biết là con bé có mang hay không.

– Nhưng bà thì biết.

– Ồ! Tôi có kinh nghiệm. Nhìn cô nào có mang, tôi biết ngay. Không chỉ nhìn dáng người đâu, còn cách đi, đứng lên, ngồi xuống và nhiều thứ khác. Tôi nói ngay: ” Lại bị rồi.”. A! Khổ thân cô Clotlede, nhất là khi phải đi nhận xác. Từ đó, cô thay đổi nhiều.

– Còn cô em, Anthea?

– Thật lạ, tôi lại thấy cô ấy có vẽ mãn nguyện. Cứ như là vui vì đã xảy ra chuyện ấy. Không hay lắm, phải không?.Nhưng ôi, chuyện trong gia đình là như thế đấy.

Cô Marple cáo từ, đi về phía chợ. Còn ít phút nữa mới đến giờ. Cô rẽ vào trạm bưu điện, mua tem, ngắm các bưu ảnh, các sách trưng bày. Một bà trung niên, nét mặt cau có ngồi sau quầy, đưa cho cô cuốn sách cô hỏi xem.

Lúc này trạm bưu điện vắng người. Cô Marple nhăn mặt nhìn bìa sách vẽ một phụ nữ trần truồng, mặt đầy máu, và một hung thủ gớm ghiếc đang cúi xuống, tay cầm dao. Cô nói:

– Quả thật, tôi không ưa những hình ảnh khủng khiếp này.

– Đúng là sách vở bây giờ trình bày quá đáng. Nhiều người không thích. Quá nhiều bạo lực.

– Thời đại ngày nay thật đáng buồn.

– Vâng. Mới hôm qua, đọc trên báo có một vụ bắt cóc trẻ em ngay giữa phố, trước cửa siêu thị. Cảnh sát đã bắt được mụ mẹ mìn, mụ khai không biết mình đang làm gì. Chúng nó đều nói thế …

– Có thể họ hành động vô ý thức …

– Làm sao mà tin được!

Cô marple liếc mắt nhìn quanh. Không có ai. Cô lại gần cửa sổ :

– Tôi nhờ bà việc này. Tôi đã làm một chuyện vô tâm. Từ hai, ba năm nay, tôi hay nhầm lẫn như vậy. Đó là một gói quần áo trẻ em tôi định gửi cho một tổ chức từ thiện. Nhưng sáng nay tôi mới chợt nhớ đã ghi lầm địa chỉ. Tôi biết bà không ghi lại địa chỉ các gói hàng, nhưng có khi bà nhớ. Tôi định gửi nó cho Hội từ thiện các xưởng đóng tầu.

Bà nhân viên bưu điện tỏ vẻ thông cảm với bà khách già lẫn :

– Chính bà mang đến đây gửi ?

– Không . Tôi đang ở Lâu Đài Cổ, và bà Glynne hứa sẽ đi gửi hộ …

– Để tôi nghĩ xem nào. Hôm ấy là thứ ba … phải không ? Nhưng không phải bà Glynne đến gửi, mà là cô Anthea.

– Vâng, tôi nhớ là thứ ba.

– Giờ tôi nhớ rồi. Một gói to, hình chữ nhật. Bà nói là gửi cho Hội từ thiện các xưởng đóng tầu? Không phải. Tôi nhớ địa chỉ người nhận là cha sứ Matthew, Quỹ cứu trợ phụ nữ East Ham.

Cô Marple chắp hai tay lại như vẻ hiểu ra:

– Thôi đúng rồi. Lễ Giáng Sinh vừa rồi, tôi gửi một bưu kiện cho cha Mattew. Thành ra lần này, lại quen tay ghi địa chỉ ấy. Tôi sẽ viết thư để yêu cầu chuyển tiếp bưu kiện tới địa chỉ đúng. Cảm ơn bà lắm lắm.

Cô Marple lũn cũn đi ra, và bà bưu điện quay sang nói với đồng nghiệp ngồi ở phía xa:

– Khốn khổ ! Già lão là như thế đấy!

Ra khỏi bưu điện, cô Marple gần như đụng đầu với Emlyn Price và Joanna Grawford. Cô gái mặt tái nhợt, vẻ sợ hãi:

– Cháu phải ra làm nhân chứng. Không biết họ sẽ hỏi gì, cháu hơi sợ. Nhìn thấy gì, thì cháu đã nói với cảnh sát rồi.

– Em đừng ngại. Emlyn Price nói. Đây chỉ là điều tra của cảnh sát tư pháp. Họ sẽ hỏi một số câu, em biết gì thì nói.

– Thì anh cũng nhìn thấy thôi.

– Phải. Anh nhìn thấy có người trên mỏm núi. Nào, ta đi.

Cô gái quay lại phía cô Marple:

– Cảnh sát vào khám xét các phòng chúng cháu ở khách sạn. Khám cả hành lý.

– Chắc họ muốn tìm chiếc áo thun ô vuông mà em đã khai. Dù sao, có gì đâu mà lo. Nếu em cũng có một cái áo như thế, chắc em sẽ không nói ra, phải không?

– Cuối cùng họ chẳng tìm thấy gì và em không thấy ai mặc áo thun đỏ và đen. Còn anh?

– Không. Nếu có thì anh cũng chẳng nhìn rõ, vì anh có phân biệt được đỏ và đen đâu

– À phải. Hôm nọ em đã nhận ra là mắt anh mù màu đỏ. Em hỏi anh có trông thấy cái khăn xanh trong phòng ăn. Anh đi lấy nó cho em, vẫn là đỏ, thế mà anh nhìn là xanh.

– Em đừng kể cho mọi người là anh mù màu đỏ nhé. Anh không thích thế.

Joanna giải thích, vẻ thông thạo

– Đàn ông mắc chứng mù màu nhiều hơn đàn bà. Đây là một trong nhiều vấn đề liên quan đến giới tính. bệnh mù màu truyền qua đàn bà, và đàn ông lại thưòng bị.

– Nghe em nói, cứ như nói về bệnh sởi ! A ! Ta đến nơi rồi.

– Anh có vẻ vô tư, không ngại gì ?

– Không. Anh chưa bao giờ tham dự một cuộc điều tra, mà cái gì được chứng kiến lần đầu đều gây thích thú.

* * *

Bác sĩ Stokes, đảm nhiệm chức trách cảnh sát tư pháp, là người tóc đã hoa râm, đeo kính to.

Đầu tiên là nghe lời chứng của cảnh sát, rồi đến thầy thuốc. Bà Sandbourne tiếp đó báo cáo chi tiết về tổ chức của đoàn tham quan nói chung, và chuyến đi ở Bonaventure nói riêng. Bà nói:

– Cô Temple không còn trẻ, nhưng đi chân rất khoẻ. Một nhóm khách đi theo lối đi thường lệ quanh đồi rồi leo dốc thoai thoải dẫn tới nhà thờ cổ Moorland. Ở mỏm núi bên cạnh, có cái gọi là tượng đài Bonaventure. Ở phía ấy, dốc cao hơn, mỗi người leo nhanh chậm khác nhau. Trẻ thường đi trước và leo tới đích sớm hơn nhiều so với người khác.

Bà Sandbourne nói them là bà thường đi ở phía sau, để trông chừng khách, và an ủi, khuyên giải những người bị mệt. Hôm đó, cô Temple đi một lúc cùng với ông bà Butler. Rồi thấy họ đi hơi chậm, cô đã đi vượt lên xa họ, khuất vào một chỗ rẽ. Đúng vài phút sau thì mọi người nghe thấy tiếng kêu. Bà Sandbourne và một số người nữa chạy tới và thấy cô Temple nằm vật trên đường. Một tảng đá từ trên mỏm cao đã rroi và lăn xuống dốc

– Bà có nghĩ cho đây là cái gì khác, không phải tại nạn? Viên cảnh sát hỏi:

– Không. Chỉ là tai nạn, còn gì khác nữa ?

– Bà không trông thấy ai ở trên cao ?

– Không .

Joanna Crawford được gọi tiếp :

– Nghe nói, cô không đi cùng với các khách khác lúc xảy ra tai nạn ?

– Không. Anh Price và tôi không theo đường ấy mà đi vòng mỏm núi.

– Có nghĩa là hai người bị khuất, người khác không nhìn thấy?

– Không phải lúc nào cũng vậy.

– Cô có nhìn thấy cô Temple?

– Có. Cô ấy đi trước mọi người, và tôi trông thấy cô ở chỗ rẽ. Sau đó, lại khuất mắt.

– Còn có ai nữa phía bên trên cô, trên đỉnh ?

– Có. Có một người đứng giữa đống đá trên đỉnh đồi.

– Cô thấy người đó đang làm gì ?

– Tôi có cảm tưởng người đó đang đẩy một tảng đá lớn, và tôi ngạc nhiên không hiểu làm thế để làm gì. Có vẻ như người đó muốn đẩy nó sang bên. Tôi cho là khó làm được, nhưng có lẽ tảng đá ở thế cân bằng bất ổn, nên nó lung lay.

– Người đó là đàn ông hay đàn bà ?

– Hừ, tôi cho là … là đàn ông, vì mặc quần áo thun đàn ông, cổ cao.

– Áo màu gì ?

– Kẻ ô vuông to, đỏ và đen. Nguời đó đội đội một kiểu bê rê thòi tóc dài ra ngoài. Nhưng … vẫn có thể là đàn ông.

– Ồ, tất nhiên! Bác sĩ Stokes ngắt lời. Bây giờ mà căn cứ vào tóc dài ngắn để xác định là đàn ông hay đàn bà thì khó đấy. Rồi xẩy ra gì nữa?

– Tảng đá chao đi rồi lăn xuống dốc. Chúng tôi nghe tiếng ầm ầm, rồi hình như có tiếng kêu

– Rồi cô làm gì?

– Anh Price và tôi liền chạy lên một chỗ cao để có thể nhìn thấy con đường phía dưới.

– Và nhìn thấy gì?

– Tảng đá nằm giữa đường, và có người xóng xoài bên cạnh. Mọi người bắt đầu chạy tới.

– Có phải tiếng kêu của cô Temple?

– Có lẽ thế. Nhưng cũng có thể là của người nào khác.

– Thế còn người lạ mà trước đó cô thấy đứng trên đỉnh? Người đó còn ở đấy không?

– Kh … không. Ít nhất là lúc tôi nhìn lên, không thấy nữa.

– Người đó có thể là một thành viên trong đoàn du lịch ?

– Ồ không ! Chắc chắn là không. Nếu thế tôi đã nhận ra. Vả lại trong đoàn không ai mặc áo thun đỏ và đen.

– Xin cảm ơn cô Crawford.

Emlyn Price cũng được mời ra, nhưng lời khai của anh ta chỉ lặp lại những gì Joanna đã nói, không thêm điều nào mới.

Ông Stokes tuyên bố cuộc điều tra tạm dừng, và vẫn chưa xác định được nên đánh giá cái chết của Elizabett Temple như thế nào, vì chưa đủ bằng chứng


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.