Nơi Nào Củi Gạo Không Vương Khói Bếp

Chương 8: Phá vỡ cửa



Cứ như vậy, chúng tôi ở cùng một chỗ. Không biết là tốt hay
không tốt, cuộc sống cứ bình thản như nước chảy, ý nghĩ trong lòng và
hành động bên ngoài hoàn toàn tách biệt, mặc dù đặc thù quan hệ của hai
chúng tôi biến từ đơn giản thành phức tạp, cử chỉ lời nói khiến chúng
tôi trông không khác gì người yêu, nhìn thấy anh tôi cũng rất vui sướng, nhưng nếu là bạn, bạn sẽ nhận ra ngay tôi và Trần Dũng không phải là
người yêu, cho dù chúng tôi có thân mật 1 chỗ đi chăng nữa.

Thói quen không lừa người, giống như tôi có thói quen mua rau chân
vịt trong siêu thị, còn anh thường nhớ lầm tôi tuổi Mùi thay vì tuổi Mã, chúng tôi vẫn chưa thể quên được. Vậy sao còn ở chung với nhau? Chỉ là
phải như thế thôi.

Tôi không phải nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết tình cảm vì yêu mà chết đi sống lại, anh cũng không phải Dương Quá vì 1 hàng chữ khắc là
có thể khổ sở chờ đợi người yêu 18 năm. Dấu vết của quá khứ còn đang
sưng tấy, nhưng thực tế là tàn khốc, dù vết thương trong lòng có bị
khoét sâu hơn thì cũng chỉ có thể một mình tìm nơi liếm nó, tỉnh lại đi, làm người phải nhìn về phía trước. Nói chi tới lãng mạn, thực tế không
cần phải yêu nhau mới có thể ở bên cạnh nhau, không yêu, thì không cần
nói yêu.

Chúng tôi chỉ là 2 kẻ ích kỉ.

.

.

.

Hôm nay Trần Dũng đi công tác. Khi ở bên cạnh anh rồi tôi mới biết,
làm ông chủ của 1 nhà hàng nhỏ không thể làm anh cam lòng, biết bao dã
tâm nung nấu, giống lần này, vì tìm được 1 bếp trưởng tốt đồng ý nhận
lương không cao, anh quyết định tấn công, chiếu theo lời anh nói thì
chính là “Lưu Bị thủ 3 phía, thì anh phải thủ 5”. Vừa nói, vừa vung tay
vung chân, lộ ra hàm răng trắng đều. “Để anh xem, hắn ta có thể khó khăn mời hơn Gia Cát Lượng tới mức nào!”.

Lúc đó, giọng điệu anh rất nóng gắt, vẻ mặt sinh động nhìn như đại
biểu lớp thanh niên đầy hứa hẹn trên film truyền hình dài tập, nên tôi
nói giỡn trêu chọc anh là “chị hai Thời đại”*, anh không tức giận, đùa
giỡn ngược lại. “Cũng hay, không gọi anh là bà nội A Tín* là đã giữ mặt
mũi cho anh lắm rồi”.

(*2 nhân vật trong film truyền hình Trung Quốc)

Nhếch môi, tôi chợt nhớ lại mà cười khẽ. Người đàn ông này, đúng là đáng yêu.

“Cười khúc khích cái gì đó, Ân Sinh, anh phải lên xe rồi”. Vỗ vỗ vai, gọi tỉnh tôi. Trần Dũng vừa xách hành lý, vừa vuốt nhẹ qua mặt tôi.
“Một người cũng nhớ ăn cơm no nhé, gần đây ăn mặc quần áo nhớ chú ý thời tiết, anh mua đèn pin cầm tay để ở tủ đầu giường cho em rồi, cúp điện
đừng hoảng hốt chạy ra ngoài, nhớ tìm nó…”. Nói liên miên cằn nhằn,
nói cằn nhằn liên miên.

Anh Trần Dũng biến thành thím Trần Dũng, là tôi thì ngược lại, đi là
đi thẳng, đi sớm về sớm gì cũng chẳng nói ra. “Anh, anh cũng chú ý thân
thể”. Cố sức hồi lâu, tôi nghẹn bật ra 1 câu, buồn bực chính mình không
biết cắn trúng lưỡi hay bị mèo ăn mất lưỡi, từ biệt tử tế vài câu thì có bao nhiêu khó khăn?

“Ân Sinh, trở về đi, anh nhất định sẽ nhớ đến em mỗi giờ mỗi khắc”.
Anh nâng cằm tôi lên, nhìn thẳng vào mắt, những đường cong xếp nếp trên
mặt khi anh cười nhợt nhạt, trong đôi mắt chứa đựng sủng nịch nồng đậm,
trong khoảng thời gian ngắn, anh chân thành thâm tình.

Tôi hoảng hốt, đầu óc bắt đầu không rõ ràng lắm, anh như vậy, thái độ như vậy… Câu nói gặp ở đâu đó ngỡ đã quên bỗng vang trong lòng : giả
làm thật thì thật cũng giả, tình cảm không phải là trò chơi, thời gian
lâu dần rồi, chúng ta còn có thể đảm bảo phân biệt chính xác được đâu là chân tình đâu là giả vờ sao?

Tôi… Phân biệt được không?

“Ha ha, bị anh dọa rồi hả? Thấy sao, có đủ tư cách diễn vai nam chính trong tiểu thuyết ngôn tình chưa?”. Thấy tôi ngu ngơ, anh cười ha ha,
giải tỏa nghi ngờ. “Mau cho anh cái ôm chia tay”.

Hất đầu, thầm mắng bản thân tự mình đa tình, người ta nói giỡn, mày
làm thật cái gì! Đi đến để cho anh ôm, dù mùi nước hoa “Bích sóng” bị
không khí làm tản đi ít nhiều, vẫn thật thơm ngào ngạt.

“Sẽ nhớ em”. Anh nói khẽ bên tai tôi.

Thần trí mới vừa tỉnh lại bị lời này của anh thổi vào trạng thái mơ
hồ lần nữa, trong lúc hồ đồ tôi đáp lại. “Không cho hái hoa dại, nghe
chưa?”. Vừa nói ra ngay lập tức mặt đỏ như gấc : tôi đây là bị sao, cũng chẳng là gì của anh, nào có tư cách nói như vậy.

Nghe tôi nói xong, anh cười đắc chí vừa lòng, cũng không nhiều lời
nữa, cầm túi xách đi về phía cửa xe, vừa đi vừa hát “Hoa dại ven đường,
anh đừng nên hái nha, không hái không hái, không được hái”. Lại quay đầu cạnh cửa, hướng tôi nói. “Cho cũng không hái”. Rốt cuộc, anh cười 1
tràng, lên xe.

Quả nhiên, chúng tôi đã không phân ra được đâu là thật đâu là giả.

Tiễn anh đi xong, trên đường trở về công ty, ánh nắng ấm áp sau giờ
ngọ sáng rỡ chiếu lên người, tâm tình tôi rất tốt. Trời màu lam, cây màu lục, trên đường đều là người thiện lương tốt tính, đầy đủ mọi thứ đều
đẹp và viên mãn. Niếp Ân Sinh, mày cũng có người thương, có người sưởi
ấm cho, có người sẽ nhớ tới mày. Ý nghĩ này làm người ta thật cao hứng.
Khẽ cười, không tự chủ được tâm trạng “đưa anh ra khỏi ngõ nhỏ, còn có
câu muốn nói”, tôi móc di động ra, định nhắn tin cho anh.

Nhắn gì đây? Chẳng lẽ nói : Anh Dũng, em cũng sẽ nhớ anh; Anh Dũng,
một mình bên ngoài, nhớ chăm sóc bản thân; Anh Dũng, anh phải đi nhanh
về nhanh; Anh Dũng, em đang đợi anh…

Giả mù sa mưa, thật là buồn nôn! Đứng ở rìa đường, tôi cố gắng nhắn
tin, nghĩ tới lúc Trần Dũng đọc được nó, sẽ bị tôi làm cho cảm động.

Có ánh sáng chiếu vào mắt tôi, ngẩng đầu, nhìn thấy ở cửa hàng đối
diện có treo 1 chiếc sơ mi trắng, ngón tay ấn phím dừng lại ngay lập
tức, tâm trạng tốt như mưa tháng 6 dưới ánh mặt trời – bốc hơi nhanh
không còn dấu vết. Sững sờ tại chỗ, chiếc áo trắng ở sân bay khi đó và
chiếc áo trắng này thật giống nhau, tôi lẳng lặng nhìn, giống như bị
nguyền.

Một hồi lâu, thu hồi điện thoại di động, cất bước tiếp tục đi về phía trước. Về phần nhắn tin, chữ nhiều như vậy, tôi lười như vậy, hay là… thôi không viết nữa.

Mới vừa về công ty liền nghe nói có người gọi đến tìm tôi, vội vàng
gọi lại, người bắt điện thoại là bác Hai của tôi, còn chưa kịp hỏi ba mẹ tôi đi đâu, bác đã báo cho tôi 1 tin động trời : bà nội bệnh tình nguy
kịch, mau trở về. Tôi cuống cuồng, có cảm giác máu dồn về đỉnh đầu, vội
vàng xin phép, mua vé máy bay lập tức về nhà.

Nhưng khi vào cửa, đã thấy hình bà đặt trên linh cửu.

Bà nội của tôi, bà nội mập mạp hiền lành của tôi, bị đóng trong cái
khung đen ảm đạm, nhìn tôi cười. Túi du lịch rớt xuống đất, tôi đi tới,
ôm chầm lấy hình bà, mặt áp sát vào mặt kính lạnh như băng, tôi cắn chặt môi, khóc không thành tiếng.

.

.

.

Thời gian sau đó bận rộn đến cực điểm, cho đến lúc đứng ở sảnh cáo
biệt, chuẩn bị đưa xác vào hỏa táng, tôi vẫn không tin đây là thật : bà
nội tôi không có chết, bà chỉ nằm 1 chỗ, da mềm mại, mặt mũi hiền từ, bà chẳng qua là đang ngủ thôi, chỉ cần để bà nghỉ ngơi thật tốt, một lúc
sau sẽ tỉnh lại.

Nhưng mà, bọn họ muốn thiêu hủy bà, bà rõ ràng đâu có chết, tại sao
có thể đưa bà vào cái lò nóng hổi đó, để hơi lửa ăn lần toàn thân bà
chứ!

Tôi tức giận, liều mạng chạy tới ngăn cản, lại bị người nhà giữ lại,
người cha từ trước đến giờ vẫn kiên cường của tôi vừa khóc nức nở vừa
mắng. “Ân Sinh à, bà nội con đã đi rồi, bình tĩnh lại, bà đã đi rồi!”.

Bà nội đi? Không thể nào, tuyệt đối không thể nào, bà nội, bà mau tới đây, bọn họ dám khi dễ cháu gái bà thương nhất, bà mau tới dạy dỗ bọn
họ!

Tôi điên rồi, nghẹn ngào gào lên. “Bà nội! Bà nội!”.

Nhưng mà, đáp lại tôi, trừ tiếng khóc, chỉ có 2 bàn tay trắng.

Bà nội không tới. Bà không bao giờ tới nữa… Sẽ không bao giờ bà hấp bánh bao trắng như tuyết thơm nức mũi đưa đến trường học cho tôi ăn, sẽ không bao giờ bà chuẩn bị nước mật ong trứng gà chờ tôi sau giờ tan
học, rồi nói “Nước mật ong trứng gà uống bổ lắm cháu à”, buộc tôi uống
sạch…

Hai vai rũ xuống, trong lòng tôi như có ai cầm chùy đập vào, phịch 1 tiếng.

Tôi hiểu. Bà nội tôi – người nhìn tôi lớn lên, người đối xử tốt với tôi nhất – bà nội, thật sự đã chết.

Trong hỗn loạn chịu đựng đến lúc kết thúc, trong hỗn loạn kiên trì về đến nhà, theo thói quen đi vào phòng bà nội chào hỏi, nhưng đẩy cửa ra
lại phát hiện : phòng bà đã là căn phòng không ánh đèn. Ngẩn ngơ đi ra,
tìm cớ thay quần áo xuống lầu, tôi chạy như muốn trốn khỏi căn phòng.

Hay là phía ngoài tốt hơn, có ánh sáng, có ấm áp, có tiếng người,
có… Tôi dụi mắt. Trần Dũng? Người đang hỏi đường ở góc kia, thế nào
lại là anh?

“Anh Dũng? Thật… Là anh ư?”. Không thể tin được, tôi lầm bầm tự
hỏi. Chạy vội vàng về nhà, quên mất mang đồ sạc pin, điện thoại di động
đã sớm tắt nguồn, làm sao anh biết được, lại làm sao chạy đến đây tìm
tôi được?

Dường như nghe thấy tiếng tôi hỏi, anh ngẩng đầu, ánh mắt chạm ánh
mắt, nhất thời vui mừng vô hạn, nhưng chỉ la lên. “Ân Sinh, cuối cùng
cũng tìm được em”.

Tạm dừng, vẻ mặt anh trở nên phức tạp, thẳng tắp đi tới, nhìn thẳng
cánh tay buộc dải lụa đen của tôi. “Liên lạc với em không được, thật vất vả mới thông qua Lệ Văn tìm được công ty em, biết được nhà em xảy ra
chuyện, Ân Sinh, em…”. Ngập ngừng, có chút chỉ trích than nhẹ. “Em nên nói cho anh biết”.

Anh trầm lặng làm tôi cảm động, lòng tôi chua xót, nước mắt trào ra
ào ạt, thật muốn lập tức nhào tới, gục đầu vào vai anh như người chết
tìm được khúc củi khô, mượn cánh tay anh trì hoãn vết thương của tôi.

Nhưng ban ngày ban mặt, hàng xóm láng giềng đều ở đó, thứ duy nhất
tôi làm được cũng chỉ là kéo cổ tay anh, cúi đầu, đè nén khóc. “Anh
Dũng, bà nội em mất rồi”.

Chân tình cũng được, giả vờ cũng được, nếu tôi khóc, chỉ có ở bên
cạnh người đàn ông tên Trần Dũng này mới có thể khóc 1 cách bình thường.

Cám ơn trời, anh đã tới. Dàn xếp xong xuôi đã là buổi tối, ăn cơm
xong, tôi theo Trần Dũng trở về quán trọ. Dọc đường im lặng, thấm lạnh
dưới bóng đêm, bóng cả 2 bị ánh đèn đường rọi nghiêng ngả dưới đất,
giống như 2 con ốc sên đeo vỏ trên lưng, chậm chạp, nhích từng bước từng bước.

“Ân Sinh, ngày mai anh muốn nấu cho ba mẹ em ăn, để bọn họ nếm thử
tài nấu nướng của anh”. Nắm tay tôi, Trần Dũng câu được câu không tán
gẫu, hận không thể cách xa vạn dặm đề tài bi thương kia, ranh giới mỏng
manh rất dễ bị xé rách.

“Bọn họ thích ăn gì? Ừm… Người lớn tuổi hẳn là thích ăn đồ ăn nhẹ 1 chút, mềm 1 chút. Vậy nấu canh đậu hũ, cá mè hấp, cần tây bách hợp, gà
hầm nấm, đúng rồi, chợ hải sản ở đây nằm chỗ nào, anh muốn đi mua 1
ít…”.

Ngẩng đầu, lẳng lặng nhìn anh liệt kê các món, trong lòng tôi có tư vị khó nói.

Anh Dũng, không nên tốt với em như vậy! Em sẽ bị mê hoặc, không biết
phải làm sao để giữ cho trò chơi này cân bằng, sợ sẽ té xuống vỡ đầu lần nữa, máu chảy thành sông. Trái tim đột nhiên quặn lại, rút tay ra,
thoát khỏi bàn tay anh, tôi sợ, tôi thật sự sợ.

“Không cần, cũng không nghĩ nỗi trong tình huống này làm sao bọn họ có khẩu vị mà ăn”.

Mất thăng bằng, tôi ngắt lời anh, từ chối không sót thứ gì, nhưng nói xong tôi lại lập tức hối hận : tôi tại sao, người ta có lòng tốt muốn
an ủi đã quý, bằng hữu bình thường càng không nên trách móc như thế,
huống hồ, người này lại là Trần Dũng.

“Anh Dũng, em, em…”.

“Là anh không đúng, không biết chọn thời điểm”. Anh không để ý, thay tôi xóa đi sự bối rối.

“Ngồi bên này đi”. Một lần nữa nắm tay tôi, ngồi xuống ghế đá, nhìn
bóng cây trong công viên lắc lư vì gió thổi, tạo thành những tiếng xào
xạc.

“Rất đau lòng phải không?”. Đề tài cấm kỵ rốt cuộc bị nhắc tới, đề cập về chuyện đó còn nhanh hơn tránh né.

“Không biết, chẳng qua cảm thấy trong lòng trống rỗng, giống như,
giống như có cơn gió lớn thổi qua vòm cầu, trống trải đến dọa người”. So sánh chẳng ra sao, vừa nói, vừa mơ hồ đau đớn. Nhưng nếu cứ giấu và bị
giày vò hằng ngày càng khó chịu, không bằng nói ra.

“Biết không, tên của em, là bà nội đặt. Nghe nói năm đó mẹ sinh non,
thiếu chút nữa em không sống được, nhưng rốt cuộc vẫn bình an, bà nội là tín đồ Cơ đốc giáo nên đặt cho em cái tên ‘Ân Sinh’, ý muốn nói ‘Đứa
trẻ được Chúa ban cho'”.

“Anh Dũng, anh nói thử xem thiên đường có tồn tại không?”. Ngồi
thẳng, tôi bắt lấy chéo áo anh. “Sau khi chết, mọi người có phải đứng
trước mặt Đấng tối cao mà chịu phán xét, người tốt được thiên sứ mang
đến thiên đường không? Nói thật, em chưa bao giờ tin vào mấy chuyện thần thánh, nhưng ở khoảnh khắc đó, em hy vọng thiên đường có thật”.

Đưa tay quàng qua vai tôi, anh không nói gì. Im lặng một hồi lâu, cuối cùng mở miệng tâm sự.

“Bên cạnh căn nhà cũ của anh cũng có công viên, mỗi ngày cơm nước
xong, mẹ sẽ cho anh đi dạo một chút, nói là học hành cả ngày mệt mỏi
rồi, cần thay đổi không khí”.

“Mỗi lần đi, mẹ anh đều đưa cho anh 1 ít đậu hoặc bắp này nọ để cho
mấy cặp ngỗng trắng trong công viên ăn, mẹ anh rất lương thiện, bà cảm
thấy cuộc sống của chúng cực khổ quá, muốn cho bọn chúng thêm ít thức
ăn”.

Chậm rãi, anh kể về lúc mình còn nhỏ. Trần Dũng đang cười – không
phải nụ cười chuyên nghiệp của ông chủ nhà hàng tôi vẫn thấy – mà là nụ
cười từ đáy lòng anh, ấm áp như gió xuân.

“Ba anh mất sớm, trong nhà toàn dựa vào 1 mình mẹ anh chống đỡ, bà là kế toán, cả ngày cũng bề bộn nhiều việc. Bất quá cho dù bận rộn, mẹ
chưa ngày nào quên nhắc anh đi tản bộ, sau đó đưa túi chứa thức ăn nho
nhỏ cho anh. Khi đó anh không hiểu, những con vật không biết nói, không
biết cảm kích, mẹ đối tốt với chúng như vậy có ích lợi gì? Nhưng mẹ đã
dặn nên dù không hiểu anh vẫn đi, cho những con thú được du khách cho ăn đến béo mượt kia ăn”.

“Anh nhớ rất rõ, chuyện phát sinh trước lúc anh thi tốt nghiệp trung
học 1 tuần, tính tình đang ở thời kỳ dậy thì, người lại mệt mỏi, quả
thực lúc nào cũng nóng nảy, vốn đã không định đi cho ngỗng ăn nữa rồi,
nhưng nhìn vẻ mặt mẹ sống chết túm anh theo bà đi công viên, anh miễn
cưỡng đi, anh xách túi thức ăn dùm bà, trong lòng anh vẫn hiểu bà muốn
anh thả lỏng”.

Dừng 1 chút, giọng anh bỗng trầm xuống, Trần Dũng trong dòng hồi
tưởng bỗng siết chặt nắm tay, ánh mắt nhìn về xa xăm hun hút biến khác
đi.

“Anh xách túi đi phía trước, lòng hậm hực không thích, mẹ anh đi theo phía sau, bà không ngừng kéo anh, anh lại không ngừng hất tay bà ra.
Cúi đầu sang đường, 1 lòng nghĩ đi nhanh về nhanh, qua loa cho xong
chuyện. Bỗng nhiên anh nghe mẹ hét lên : Dũng, con! Không kịp phản ứng,
anh đã bị đẩy ra thật xa, tâm trí chưa tỉnh đã thấy mẹ nằm dưới chiếc xe tải, máu từ đó chảy ra ngoài ồ ạt”.

Nhắm mắt lại, tay khẽ buông, anh không nói, tôi không động, lòng chúng tôi cùng bị cào xé mạnh mẽ, tan nát, không chút lưu tình.

“Bà nằm viện nửa năm, cuối cùng qua đời”.

“Tòa xử 2 năm sau đó, tài xế gây chuyện bồi thường 15 vạn, dùng hết
còn dư 6 vạn. Anh không còn tâm tư đi học, bán nhà xong, anh dùng số
tiền đó và khoản dư kia bắt đầu làm ăn”.

“Ân Sinh em biết không”. Anh nhìn về phía tôi, ánh mắt tràn đầy kiên
định. “Chờ anh kiếm đủ tiền, anh sẽ mua 1 nông trường ngắm cảnh, nuôi
500 con ngỗng trắng trước, sau đó sẽ nuôi 1000 con”.

Ôm lấy anh, nước mắt chảy dài trên 2 gò má, sự thống khổ của tôi so
với của anh chẳng thấm vào đâu, người có tư cách oán trách ông trời,
người khổ sở nhất căn bản không phải là tôi, mà là anh.

Tôi cũng chìm vào giấc mơ của anh, nhắm mắt lại, bắt đầu suy nghĩ lung tung.

“Đến lúc đó trong vườn sẽ xây 1 giáo đường nho nhỏ, anh Dũng, nhất
định anh đoán không ra đâu, em hát rất nhiều thánh ca, ngay cả sách làm
thánh lễ em cũng đọc được”.

Lồng ngực của anh phập phồng nhè nhẹ, tôi không rõ là do anh cười hay thở dài, liên tiếp hít mấy hơi, ngữ điệu trở lại nhẹ nhàng. “Đúng,
chúng ta nhất định phải vui vẻ, để bọn họ ở trên trời không phải lo
lắng, cứ như vậy đi, có tiền mua đất, anh nuôi ngỗng em xây giáo đường”.

Tôi cười, tương lai phác họa thật đẹp, làm tôi nghĩ đến cặp thiên
tiên trên trời Ngưu Lang và Chức Nữ. Cười một lát dừng lại, kéo thân thể tôi dựa vào bả vai anh, đang muốn tìm đề tài để nói, lại nghe giọng anh nhẹ nhàng.

“Ân Sinh, chúng ta kết hôn đi?”.

Thanh âm nhiễu trên đỉnh đầu, không vang dội cũng rất rõ ràng, tốc độ chầm chậm, từng chút từng chút thấm vào trong lòng.

Đèn đường vẫn mờ nhạt như trước, nhìn thật kỹ, có rất nhiều con thiêu thân nhỏ đang khiêu vũ dưới ánh đèn đó, nóng đến tan ra cũng không hối
hận, giống như người ta thường nói thiêu thân trời sinh có mệnh chết
cháy.

Giữ tư thế không thay đổi, tôi vùi đầu vào cổ anh, nghe thấy mình trả lời.

“Dạ”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.