Trần Dũng có quỹ đen, tin này chưa chắc, nhưng tôi vẫn hoảng.
Đại khái khi tôi còn học cấp 2, đôi vợ chồng nhà hàng xóm tính tình
rất bạo lực, tôi tận mắt thấy cả hai cãi nhau, ông chú bỏ ra ngoài với
cái miệng tóe máu, vợ ông ta mở cửa chạy theo, ném hết quần áo của ông
ta ra ngoài vườn, sau đó ngồi bệt xuống đống quần áo mà há mồm gào khóc : trời ơi đất ơi, tôi không muốn sống nữa…
Sau tôi nghe người lớn kể lại, cặp vợ chồng này đánh nhau thành như
vậy vì bà dì dọn dẹp nhà cửa, phát hiện cái hòm dưới ngăn tủ áo khoác,
tá hỏa ông chú giấu một trăm đồng quỹ đen. Không lâu sau, hai vị hàng
xóm hung hãn đó chuyển đi, sự kiện đánh nhau sứt đầu mẻ trán đó bị khu
phố quên lãng, hiện giờ trong ấn tượng của tôi chỉ có gương mặt nhăn
nhúm khó coi của ông chú và đống quần áo tả tơi ngoài hàng hiên.
Cũng có quỹ đen, liệu tôi có đánh Trần Dũng đến nỗi tơi bời hoa lá thế không nhỉ?
Tôi rụt cổ, tự nổi da gà lạnh sống lưng vì ý nghĩ này.
Về đến nhà đã là hai giờ chiều, Trần Dũng ngái ngủ dụi mắt ghé vào
trên giường nhìn tôi cười, vẻ mặt như một cậu bé con, tinh thuần và khờ
dại. Người như thế sẽ tồn quỹ đen sao? Tôi thật mê muội. Vậy năm trăm
đồng đó đi đâu? Ngày xưa Trần Dũng luôn thành thật kể hết mọi chuyện lớn nhỏ cho tôi nghe sao lại bỏ quên điều này? Chẳng lẽ tiền tự mọc cánh
bay mất? Tôi rất muốn biết.
Thay quần áo rửa tay chân, lấy thuốc, xoay ngược anh lại rồi ngồi lên mông anh. “Nằm yên, nằm yên”.
“Bà xã, sao hôm nay em về sớm vậy?”. Anh chưa biết tôi định làm gì,
mặc tôi đùa nghịch, mái tóc hỗn độn xù lên, như con vật nhỏ đáng yêu nhu thuận.
“Tám tháng ba, công ty cho nhân viên nữ nghỉ nửa ngày, em về sớm”.
“Ế, vậy em nghỉ ngơi chút đi, đợi lát nữa chồng nấu đồ ăn ngon cho em, bà xã, em muốn ăn… Ai da, đau, đau!”.
Tràng lải nhải bị tiếng la đau cắt ngang, tôi không trả lời anh, chỉ
mãi nghĩ tới cái quỹ đen đó, lòng bực bội, không muốn nhẹ tay, ai bảo tụ máu phải đánh tan chứ, ông xã, anh ráng mà chịu đi.
“Ân Sinh, nhẹ chút, nhẹ chút”.
“Dầu hoa hồng không xoa bóp không hiệu quả, đúng rồi, mua thuốc hết
năm mươi đồng, anh trả!”. Lấy cớ thôi, nhưng tôi nghẹn không xả không
chịu được.
“Tiền trong túi quần, tự em lấy đi”. Nghĩ nghĩ, lại ngẩng đầu, quệt
miệng tội nghiệp xin tha. “Bà xã, chừa chút ít để tối thối tiền cho
khách”.
Có lý quá nhỉ! Tôi không phản đối. Hít hít vài hơi, cố gắng áp chế
xúc động muốn bóp chết anh, hai tay đặt lên lưng anh, quyết định nói
thẳng.
“Anh Dũng, hôm nay em tình cờ gặp được một người”.
“A. Ai?”. Đầu tiên hỏi hời hợt, tiện đà anh xoay người, hỏi tôi. “Có phải họ Lý không?”.
Nhìn trộm người đàn ông luôn mồm không thèm để ý, hiện tại biểu hiện
thế nào? Lòng tôi thoải mái hơn, kiên quyết ấn anh nằm trở về, trong lời nói pha chút tiếng cười, vừa như trách móc vừa như giận hờn. “Nghĩ đi
đâu, là Đại Hải”.
“………”. Cơ bắp trên lưng tự dưng cứng lại. “Em… Tình cờ gặp cậu ta?”.
“Đúng”. Tôi giả bộ hồ đồ. “Bác Hai nhà cậu ấy còn hỏi thăm anh đó”.
“A, haha, có gì đâu, chỉ là giúp đỡ chút xíu, ổng rất khách khí”.
Còn giả bộ, giả bộ chết anh đi! Cục tức vừa xẹp xuống lại phồng lên, cứ cái kiểu này không thuốc đắng không dã tật.
“Cậu ấy còn hỏi em năm trăm đồng có đủ không, không đủ nói người ta,
người ta đưa thêm”. Ngừng lại, tay xoa bóp nhè nhẹ. “Anh Dũng, mướn cái
gì mà một lần những năm trăm đồng?”.
“………..”.
Ồ, biến thành người điếc, không phản ứng tôi.
“Anh Dũng”.
Anh im lặng. “………..”.
“Ông xã?”.
Anh vẫn im lặng. “………….”.
“Nè!”.
Vẫn tiếp tục im lặng. “…………”.
“Em đang hỏi anh đó!”. Tôi lên giọng, xoa bóp nhẹ chuyển sang nhéo
thật mạnh, dám làm đà điểu với tôi, nghĩ không nói lời nào sẽ không sao? Không nói, đánh tới khi nào anh nói mới thôi!
“Anh người này, sao lại như thế, chỉ là năm trăm đồng thôi, dùng hay không nói cho em biết, em có thể ăn anh sao?”.
“………….”.
“Trần Dũng, em hỏi anh lần nữa, có nói không?”.
“……………..”.
Uy hiếp vô dụng, người ta hạ quyết tâm làm hến, nằm ở đó không nhúc
nhích. Còn có thể thế nào, đánh thật ư? Tôi chắc chắn là không đánh
được, trong lòng rất rõ ràng, thật ra chỉ cần anh không nói tôi cũng
không có cách nào. Nghĩ ngợi, cả người uể oải, tự giác leo xuống khỏi
lưng anh, qua một bên ôm đầu gối, hai tay dính đầy dầu hoa hồng không
biết đặt ở đâu, cứ huơ qua huơ lại như hai nhánh cây, tuy rằng vươn lên
nhưng ủ rũ chẳng chút tinh thần.
“Trải qua nhiều chuyện như vậy, em còn tưởng, còn tưởng…”. Câu nói
kế tiếp tôi nuốt trở về bụng, tưởng cái gì? Tưởng thổ lộ tình cảm rồi sẽ là một thể không thể phân tách? Tưởng tôi có thể cùng anh sống cả đời
này? Tưởng… Từ “tưởng” này chỉ do chủ nghĩa cá nhân của chính mình,
không đáng nhắc tới. Từ “ấm ức” bất quá cũng thuộc về chủ nghĩa duy tâm, không đáng giá nói ra.
“Ân Sinh, Ân Sinh, em… giận sao?”. Trần Dũng đưa tay vuốt tóc tôi, thật cẩn thận vuốt từng lọn tóc, một chút, rồi rời đi.
Giận ư? Tự mình kiếm tiền tự mình xài, hành vi xã hội công bằng, tôi giận được sao.
Không hé răng, tôi bò xuống giường, yên lặng tiến vào phòng vệ sinh,
rửa tay bằng xà phòng. Dầu dính trên tay, dính dớp đến phiền, cảm giác
mập mờ ái muội này không thích hợp với tính cách rõ ràng của tôi, tôi
muốn rửa thật sạch nó đi.
“Ân Sinh, em, em đừng giận”. Anh đi theo, đứng ở cửa buồng vệ sinh,
vóc dáng cao ngăn chặn khung cửa, làm cho không gian vốn nhỏ càng thêm
chật hẹp.
“Muốn đi toilet? Đi đi, em đi ra ngoài ngay đây”. Tôi không tranh với anh, nếu quản không được thì tội gì giận, muốn làm gì mặc anh. Xoay
người muốn ra lại không có đường ra, cái tên tay dài chân dài này thật
đáng giận, anh giữ cửa, tôi phải ra ngoài, va ngay vào lồng ngực anh.
Mới không thèm cho anh ôm đâu! Tôi đứng lại, oán giận trừng anh, lạnh
lùng. “Tránh ra!”.
“Số tiền đó, anh… Anh có cầm, còn về phần tiêu xài, em tin anh đi, anh không dùng loạn đâu”.
Anh vừa nói ra, tôi lập tức vui vẻ : xem, cuối cùng cũng chịu nhận.
Nhưng làm cái gì thần bí vậy? Một người bình thường sống qua ngày bình
thường cần tiêu tiền vào thứ gì mà không thể nói với vợ anh ta? Tôi bỗng trở nên cố chấp, anh giải thích như vậy tôi càng muốn biết năm trăm
đồng đó dùng để làm gì.
“Vì sao không thể nói cho em biết, anh Dũng, có chuyện gì hai chúng ta không thể thương lượng?”.
“Anh…”. Anh nghẹn lời, nhìn tôi có điểm kích động. “Ân Sinh, em đừng hỏi”.
“Vì sao!”. Tôi phát cáu, người này lằng nhằng không chịu được, thím
Trần mãi mãi chẳng thể sửa nổi tật xấu đó, dứt khoát một lần không được
ư, làm người ta giận đến ngứa răng. Cáu tiết lập tức tụ lại, tiện thể
miên man suy nghĩ : chẳng lẽ anh lại đưa năm trăm đồng đó cho Lâm Mi?
Tôi biết ý niệm này thực vớ vẩn, nhưng nó tự nhiên xuất hiện trong
não, muốn xóa bỏ cũng không xóa bỏ được. Kẻ có tiền như Lâm Mi cần gì
năm trăm đồng lẻ tẻ này? Nhưng nếu là năm trăm đồng của người yêu cũ, ý
nghĩa phi phàm, sao lại không cần? Tiêu rồi, càng nghĩ càng bốc hỏa, cái gì dính dáng tới Lâm Mi là dính tới một cái tổ ong, tôi ngồi ngay trước lỗ cửa của nó cũng sắp phát điên.
“Ân Sinh, anh dùng đúng chỗ thật mà”.
“Đúng chỗ?”. Lỗ mũi phun khói, thật kỳ quái. “Em nghĩ chắc chắn có
quỷ trong đó”. Vừa dứt lời, tôi tự giác mình quá phận, thấy mặt Trần
Dũng càng lúc càng ngưng trệ, tôi cảm giác tình thế có chút không ổn.
“Anh tránh ra, em phải đi ra ngoài”.
Ba mươi sáu kế chạy là thượng sách, lần trước hòa hảo chưa được bao
lâu, hơn nữa chỉ là tiền mà thôi, người vẫn bảo toàn, nếu có thể không
tranh cãi thì thôi đừng tranh.
“…… Ân Sinh, em có ý gì?”. Anh không cho tôi đi, thân mình chắn phía trước, như một bức tường lạnh lẽo.
“Tự trong lòng anh hiểu được”.
“Anh không hiểu!”. Nắm lấy cằm tôi, anh buộc tôi ngẩng đầu lên. “Giải thích đi, giải thích”.
Muốn giết ai đây, tôi đã xuống nước trước rồi anh còn muốn khơi chuyện!
“Ai biết anh đưa tiền đó cho cô nào!”. Tôi gạt tay anh đi, mọi thứ âm trầm khiến người ta phát run.
Trong giây lát, một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi : Niếp Ân Sinh,
mày cần quái gì số tiền đó, cảm giác này rõ ràng là ghen! Tôi, tôi ghen? Ghen vì cái gì? Vì cái gì?
Lảo đảo, lung lay sắp đổ dưới ánh nhìn chăm chú của Trần Dũng, trong
lòng muốn tìm đáp án, nhưng những suy nghĩ trong đầu hoàn toàn hỗn loạn
không thể liên kết nổi.
“Ân Sinh, em à…”. Anh thở dài, chậm rãi dựa vào cửa, cả người dường như rất mệt mỏi, tay vắt ngang mắt, rất lâu không hạ xuống.
Còn tôi, cứ đứng mãi như thế, nhìn anh không chuyển mắt, đầu óc ngơ ngẩn.
“Tiền đó, anh không tiêu cho ai cả”. Rốt cuộc anh chịu nói chuyện,
ngữ khí thảm đạm, hơi khàn khàn. “Mỗi một đồng, một cắc, đều là cho em”.
“Nói hưu nói vượn, mướn người bộ không cần tiền sao?”. Thật muốn vả
chính mình một bạt tai, tích cực truy hỏi chi vậy, cũng chẳng phải việc
tốt gì.
“Không mướn ai cả”.
“Gì?”.
“Hơn một trăm bộ linh kiện máy tính đó, là mình anh khiêng từ hai giờ đến năm giờ sáng”. Anh khoanh tay, ngẩng đầu nhìn tôi. “Hiện giờ tiết
kiệm tiền, mướn thêm người thì anh lấy gì mua nhẫn cho em?”.
“Ân Sinh, quà anh mua cho em, đối với em…”. Anh quay đầu đi, biểu
tình thống khổ. “Bỏ việc lái xe, anh chỉ tiết kiệm được có năm trăm
đồng, năm trăm đồng đáng thương!”. Nắm đấm lạc tới cánh cửa đánh “rầm”
một tiếng, Trần Dũng đưa lưng về phía tôi, không biết anh thế nào, chỉ
nhìn được tấm lưng xanh tím.
Tôi bỗng hiểu ra vì sao anh cứ mãi không chịu nói lý do của những vết bầm tím, những vết bầm đã qua nhiều ngày vẫn chưa tan, mỗi một vết bầm
đều là mỗi lần anh vác một kiện hàng! Có ai đó vừa đóng đinh vào não
tôi, thậm chí tôi còn chưa nhận biết được đau đớn đã đổ máu, mất hết xúc cảm, lặng im nhìn chằm chằm vào những vết bầm tím đó, tôi nhìn chúng
che phủ da thịt anh, tim nhói lên từng chặp. Lòng chân thành của Trần
Dũng.
“Anh Dũng anh…”.
Bàn tay run rẩy, muốn đặt lên vai anh, chưa đợi da thịt tiếp xúc, nước mắt đã không kìm chế được, lã chã rơi.
Chồng à, em thật xin lỗi.