Thứ năm, ngày mồng 2
Hôm qua, cha tôi dẫn tôi ra trường để xem lớp học tối. Khi chúng tôi đến thì đèn các lớp đều thắp sáng trưng và học trò đang lục tục kéo đến.
Ông hiệu trưởng đang bực tức vì có người vừa ném đã vào vỡ mất miếng kính.
Người gác cổng chạy xổ ra và bắt được một đứa trẻ, nó kêu khóc và cãi không phải mình.
Anh Xtanđi, nhà ở trước cửa trường, thấy thế liền chạy sang và bảo người gác cổng:
_ Không phải thằng bé này đâu. Chính thằng Phơranti nó ném, mắt tôi trông thấy. Nó doạ nếu mách nó sẽ đánh tôi, song tôi không sợ.
Người gác cổng buông ngay đứa bé kia và ông hiệu trưởng bảo cha tôi rằng mai ông sẽ thẳng tay đuổi Phơranti ra, không thể dung thứ được nữa.
Tôi chưa được xem lớp học tối bao giờ. Thực là một cảnh tượng rất hứng thú.
Trong trường có tới 200 người thợ đủ các hạng tuổi, từ trẻ con 12,13 tuổi cho đến những người lớn đã có râu, đi làm về, đến để học thêm, nào thợ mộc, nào thợ nề, nào thợ máy, nào thợ sơn, v.v… Trong bọncó cả mấy người lính pháo thủ do viên cai dẫn đến.
Cửa các lớp để ngỏ. Giờ học bắt đầu. Nhìn vẻ chăm chú của các “ông học trò” ngồi nghe giáo viên dẫn giảng, tôi rất lấy làm thán phục! Tôi thấy chỗ thì mấy người cầm vở lên bàn giấy hỏi nghĩa lại, chỗ thì 4,5 người thợ quây quần một giáo viên đang chấm bài. Thầy giáo trẻ nhất trường tôi mà, chúng tôi đặt tên là “Tiểu luật sư” cũng có mặt ở đấy. Tôi thấy thầy chìa quyển vở loang lỗ những vết đỏ, vết xanh cho cậu học trò thợ nhuộm xem và cười…!
Trong bọn thợ học tối nay, cũng có nhiều người chưa kịp về ăn cơm nên trông có vẻ mệt nhọc.
Mấy cậu bán bánh vào học được nửa giờ thì gục xuống bàn ngủ. Giáo viên lại gần lấy đuôi bút lông ngỗng khẽ quệt vào má để đánh thức các cậu. Còn những người lớn thì chú ý lắm,mắt đăm đăm nhìn giáo viên cắt nghĩa: người ta có thể nghe được tiếng ruồi bay.
Tôi rất lấy làm đắc ý trông thấy những người lớn ngồi vào chỗ cúng tôi. Nếu chúng tôi bắt chước được như những người thợ ấy, ngồi im lặng học chăm chú thì thích biết dường nào!
Chỗ tôi ngồi là một người trẻ tuổi có râu ria, có lẽ là người thợ máy vì người ấy bị thương ở một ngón tay bên phải còn quấn bông ; tuy nhiên, người ấy cũng cố viết nắn nót như các người khác!
Thực là một tấm gương nhẫn nại cho tôi.
Còn chỗ “chú phó nề” thì buồn cười quá! Tôi thấy cha chú ngồi. Ông phó người to lớn ngồi vào chỗ con khí hẹp quá, nên có vẻ “câu thúc” nhưng ông ta thích thế vì ông ta đã xin phép ngồi vào chỗ thân yêu ấy!
Cha tôi và tôi đứng ngoài xem cho đến lúc mãn giờ. Đó cũng là một bài học thực hành cho tôi, một bài học dạy về “ý tứ” về “cử chỉ” rất có ích lợi.
Ở cửa trường có nhiều bà ẵm con đến đón chồng. Thấy cha ra, đứa bé giơ tay theo, người cha bế lấy và hôn một cách rất yêu dấu. Còn bà vợ thì cầm đỡ sách vở cho chồng và giục:
_ Nhanh lên! Cái ăn nguội cả!
Họ đi từng toán về nhà. Phố xá đông đúc và rộn rịp một lúc rồi lại yên lặng, vắng tanh. Tôi chỉ còn nhìn thấy bóng ông hiệu trưởng trường tôi đi lừ thừ ra vẻ mệt nhọc.
Ông là người đến sớm nhất và cũng là người về sau nốt. Ông hiệu trưởng đáng tôn quí ấy, thực là một người cúc cung tận tuỵ với nghề!
Trông gương học trò tối trước, sáng nay tôi cố ngồi im và hết sức chăm chú khiến ông Perbôni phải lấy làm lạ và để ý đến tôi.