Quả thật là những tiếng hò hét, đe dọa, cảnh ồn ào của đám đông đã không thoát khỏi lỗ tai của Canolles. Qua các chấn ssong cửa sổ, chàng cũng đã được chứng kiến cảnh tượng hhỗn độn đang diễn ra trong khắp thành phố.
– Mẹ kiếp! – Chàng nói – Thật đúng là một chuyện trắc trở, cái chết của Richon… Tội nghiệp Richon! Một con người dũng cảm. Cái chết của Richon sẽ làm cảnh giam cầm của ta thêm khe khắt, họ sẽ không để cho ta bay nhảy khắp thành phố như trước đây, sẽ không còn hẹn hò và có lẽ cũng chẳng có hôn lễ nữa, nếu như Claire không chấp nhận một lễ cưới trong nhà nguyện của nhà tù. Nàng sẽ chấp nhận. Hôn lễ ở nhà nguyện nào mà chẳng được chứ? Thế nhưng như vậy là điềm xui. Quỷ thật! Tại sao lại không nhận được tin vào ngày mai thay vì hôm nay nhỉ?
Rồi đến sát bên cửa sổ và nhìn ra ngoài:
– Canh gác kỹ thế? Hai tên lính canh! Cứ nghĩ đến chuyện phải bị giam giữ ở đây tám ngày mà cũng có thể là mười lăm ngày, cho đến khi có một biến cố nào đó khiến cho họ quên đi chuyện hôm nay. May sao, thời buổi này các sự kiện cứ dồn dập, mà dân Bordeaux lại rất mau quên. Ồ, phải, chắc là nàng biết sẽ không trách móc là lỗi tại ta. Ái cha! Mà cái đám người đó đi đâu vậy nhỉ? Hình như về phía pháp trường! Nhưng mà, vào giờ này làm gì có xử tội hoặc là một cuộc thao diễn nào, họ đều đổ xô về đấy cả.
Canolles đi qua đi lại trong phòng mình, tay chắp sau lưng, những bức tường của một cảnh giam cầm thực sự đã khiến chàng trở thành một triết gia trong chốc lát điều mà chàng chẳng bận tâm đến!
– Chiến tranh đúng là một chuyện điên rồ! – Chàng lẩm bẩm – Anh chàng Richon đáng thương cách đây ít lâu còn dùng bữa với ta, thế mà bây giờ đã không còn nữa. Anh ta đã chết với chính những khẩu thần công của mình, kẻ gan lì, và có lẽ ta cũng hành động như vậy nếu như không phải chính nàng tử tước đã hãm thành ta. Cuộc chiến tranh giữa các phu nhân này quả thật là cuộc chiến tranh nguy hiểm hơn cả mọi cuộc chiến khác. Ít ra ta cũng đã không nhúng tay vào cái chết của một người đẹp. Tạ ơn trời, ta đã không phải rút gươm ra vì một người anh em, điều này khiến ta được an ủi ít nhiều. Mà thôi, lần này nữa, ta phải biết ơn trí thông minh của một người thiếu nữ, xét cho cùng ta phải mang ơn nàng rất nhiều.
Ngay khi đó, một viên sĩ quan bước vào và cắt ngang dòng tư tưởng của Canolles.
– Ông có cần dùng bữa không, thưa ông? – Viên sĩ quan hỏi chàng – Nếu không xin ông cứ ra lệnh, người giám ngục đã nhận được chỉ thị là sẽ dọn các món ăn tùy theo ý ông.
– Chà, chà! – Canolles nói – Hình như họ có ý định đối xử thật lễ độ suốt thời gian ta phải ở đây. Hồi nãy ta đã e sợ điều ngược lại khi thấy bộ mặt khó đăm đăm của quận chúa và bọn man rợ, của đám quan tòa…
– Tôi xin đợi lịnh! – Viên sĩ quan nghiêng mình nhắc lại.
– À, xin lỗi! Câu hỏi quá lễ độ của ông đã khiến cho tôi phải suy nghĩ… Hãy trở lại vấn đề thôi, vâng, thưa ông, tôi sẽ dùng bữa thôi bởi vì tôi đang rất đói, nhưng bình thường tôi ăn uống rất đạm bạc. Vậy bữa ăn của một người lính là đủ cho tôi rồi.
Bây giờ viên sĩ quân bước lại gần chàng, với vẻ quan tâm:
– Ông có cần dặn dò gì… ai ở thành phố không?… Ông có chờ đợi điều gì không? Ông đã nói rằng ông là chiến sĩ. Tôi cũng vậy, ông cứ tin tưởng vào tôi như một người bạn.
Canolles ngạc nhiên nhìn viên sĩ quan.
– Không, thưa ông! – Chàng nói – Tôi không có gì để dặn dò cả. Không, tôi không chờ đợi điều gì, nếu không muốn nói đến một người mà tôi không thể không nêu tên ra. Còn về chuyện trông cậy ông như một người bạn, tôi xin cám ơn lòng tốt của ông. Nào chúng ta hãy bắt tay nhau, và sau này nếu tôi có cần gì, tôi sẽ nhớ đến lời ông hứa.
Lần này thì đến lượt viên sĩ quan kinh ngạc nhìn Canolles.
– Được rồi, thưa ông. – Người đó nói – Bữa ăn tối của ông sẽ được dọn lên ngay bây giờ!
Và người đó rút lui. Một lát sau, hai người lính bước vào mang theo một bữa ăn tối thịnh soạn, quá thịnh soạn so với yêu cầu của Canolles. Chàng ngồi vào bàn và ăn ngon lành.
Đến lượt hai người lính kinh ngạc nhìn chàng. Canolles cho thái độ kinh ngạc đó là do thèm thuồng, và vì rượu là một loại hảo hạng của vùng Braune nên chàng bảo với họ:
– Là các bạn hãy tìm thêm hai chiếc ly đi.
Một trong hai người lính quay ra và trở vào với hai chiếc ly.
Canolles rót đầy hai ly và đổ vài giọt vào ly của mình.
– Chúc mừng sức khỏe của hai ông bạn! – Chàng nói.
Hai người lính nâng ly lên và chạm một cách máy móc vào ly của chàng và uống cạn mà không chúc mừng lại chàng.
– Họ chẳng lịch sự gì cả. – Canolles nghĩ bụng – Mà thôi ta đòi hỏi làm gì.
Và chàng tiếp tục dùng cho đến cuối bữa, ăn xong, chàng đứng dậy, hai người lính đến dọn chén bát mang ra.
Viên sĩ quan trở ra.
– Chà, thưa ông. – Chàng nói với người đó – Đáng lẽ ông phải ở lại dùng bữa với tôi, bữa ăn thật ngon.
– Tôi không thể hưởng vinh dự đó được thưa ông, bởi vì tôi cũng mới vừa rời khỏi bàn ăn, mới đây… và tôi trở lại.
– Để bầu bạn với tôi chứ gì? – Canolles nói – Nếu vậy tôi vô cùng cảm ơn ông, ông thật tử tế.
– Không đâu, thưa ông, nhiệm vụ của tôi không dễ chịu như vậy đâu. Tôi đến báo với ông rằng vị linh mục ở đây thuộc giáo hội công giáo, nhưng tôi biết là ông theo đạo tin lành, nhưng khác biệt này có thể làm cho ông khó chịu…
– Tôi đấy à, thưa ông? Để làm gì chứ? – Canolles ngây thơ hỏi.
– Thì… – Viên sĩ quan bối rối nói – Để cùng ông cầu kinh.
– Cầu kinh!… Chà! – Canolles cười nói – Ngày mai tôi sẽ nghĩ đến điều này… Tôi chỉ cầu kinh vào ban sáng thôi.
Viên sĩ quan nhìn Canolles với một vẻ sửng sốt chuyển dần sang nét cảm thương sâu sắc. Người đó chào rồi bước ra.
– Ái chà! – Canolles nói – Tất cả đều điên rồi cả hay sao nhỉ? Từ khi nghe tin cái chết của anh chàng Richon đáng thương, mọi kẻ mà ta gặp đều tỏ vẻ hoặc điên khùng, hoặc là điên loạn… Chà! Lẽ nào ta không thể gặp một bộ mặt biết điều hay sao đây?
Vừa nói dứt mấy tiếng đó thì cánh cửa nhà giam lại mở ra, và trước khi Canolles kịp nhận ra là ai thì một người chạy ùa vào tay chàng, hai cánh tay quàng lên cổ chàng và những giọt lệ ướt đẫm bên hai má chàng.
– Thôi nào! – Người tù binh vừa nói vừa tìm cách thoát ra khỏi vòng tay – Lại thêm một kẻ điên nữa. Ta đang ở đâu thế này nhỉ?
Nhưng khi lùi lại, tay chàng đã hất rơi chiếc nón của người xa lạ kia và những tóc vàng óng của phu nhân De Cambes xõa xuống vai chàng.
– Bà đấy ư? – Canolles thốt lên và ôm choàng lấy nàng -Ồ! Xin tha thứ cho tôi không nhận ra em, hoặc nói đúng hơn là đã không đoán ra được.
– Suỵt! – Nàng nói, vội vàng nhặt nón và đội lên đầu – Khẽ chứ! Bởi vì nếu người ta biết được là em, họ sẽ cướp mất hạnh phúc này… Vậy là em đã được phép gặp lại anh… Ôi, lạy Chúa! Lạy Chúa! Tôi sung sướng quá.
Và Claire òa lên khóc nức nở.
– Gặp lại! – Canolles nói – Em được phép gặp lại tôi, tại sao vậy? Và tại sao lại có những giọt nước mắt kia? Kìa, em sẽ không được quyền gặp lại tôi nữa hay sao? – Chàng cười và nói tiếp.
– Ôi, xin đừng cười nữa! – Claire nói – Cái vui của anh làm cho em đau lòng quá. Đừng cười nữa, em van anh! Em đã phải khó khăn biết bao nhiêu mới đến được đây… anh chẳng biết được đâu… và thiếu chút nữa thôi là em không thể đến được! Nếu không có Lenet, con người tốt bụng ấy… Nhưng chúng ta hãy trở lại chuyện của anh đi, người yêu quý đáng thương của em. Lạy Chúa! Vậy là em đã được gặp lại anh! Vậy là em đã được ôm anh vào tay em!
– Phải rồi, chính tôi đây, chính tôi đây! – Canolles mỉm cười nói.
– Ôi! Vô ích thôi, giả vờ vui vẻ mà làm gì?… Em biết cả rồi… Người ta đâu có biết là em yêu người ta đến mức nào, người ta không trốn tránh em…
– Nhưng em biết điều gì kia nhỉ?
– Có phải là anh đang đợi em không? Có phải là anh đang buồn giận vì thái độ im lặng của em không? Có phải là anh đang kết tội em đấy không?
– Tôi? Buồn phiền và không hài lòng, có thể như vậy! Nhưng tôi không kết tội em… Tôi cũng nghi ngờ rằng có một tình thế nào đó mạnh hơn ý chí của em đã buộc em phải xa tôi, và nỗi đau khổ lớn nhất của tôi trong mọi chuyện này là hôn lễ của chúng ta bị hoãn lại, có lẽ là tám ngày hoặc mười lăm ngày gì đó…
Đến lượt Claire nhìn Canolles với cùng một vẻ kinh hãi như viên sĩ quan đã nhìn chàng ban nãy.
– Kìa! Ông nói nghiêm túc đấy chứ? Hay là ông không biết sợ hãi là gì?
– Tôi sợ hãi à? – Canolles nói – Sợ hãi điều gì?… Hay là… – Chàng cười và nói tiếp – Tôi đang gặp một hiểm nguy gì mà chính tôi cũng không biết chăng?
– Ôi, kẻ khốn khổ! – Nàng kêu lên – Anh ấy không biết gì cả.
Và, có lẽ sợ phải nói ra một sự thật mà chẳng chuẩn bị gì với kẻ đang bị sự thật đó đe dọa một cách tàn nhẫn, nàng cố gắng kềm hãm những câu nói đang muốn thoát ra khỏi lồng ngực.
– Không, tôi không biết gì cả. – Canolles nghiêm trang nói – Nhưng em hãy nói đi Claire, tôi là một người đàn ông, em cứ nói đi…
– Anh có biết là Richon đã chết rồi không?
– Có. Tôi biết.
– Nhưng anh có biết là Richon đã chết như thế nào không?
– Không, nhưng tôi có thắc mắc… Anh ấy đã chết trên tường lũy thành Vayres, có đúng vậy không?
Claire im lặng giây lát, rồi nghiêm trang như tiếng chuông cầu hồn.
– Ông ấy đã bị treo cổ trước quảng trường ở Libourne. – Nàng nói.
Canolles giật lùi ra phía sau một bước…
– Treo cổ! – Chàng kêu lên – Richon, một chiến sĩ!
Rồi chàng bỗng tái đi và bàn tay run rẩy đưa lên trán.
– A! Bây giờ thì tôi hiểu rồi! – Chàng nói – Bây giờ thì tôi hiểu lý do của sự giam giữ này, bây giờ thì tôi hiểu lý do của việc hỏi cung, bây giờ thì tôi hiểu sự cải trang của em, những giọt nước mắt khi thấy tôi vui vẻ như vậy, bây giờ thì tôi hiểu tại sao có đám đông kia, những tiếng hò reo khiêu khích… Richon đã bị giết chết! Và người ta sẽ dùng tôi để báo thù cho Richon!
– Không, không đâu, người yêu quý của em! – Claire vui vẻ kêu lên – Anh sẽ không phải là người họ sẽ đem ra làm vật hy sinh đâu. Anh đã không lầm, họ đã chỉ định anh, vâng anh đã bị kết án, vâng, đáng lẽ ra anh sẽ phải chết, vâng, cái chết đã gần kề bên anh, người yêu quý của em, nhưng anh hãy an tâm, có thể nơi đến tương lai và hạnh phúc với người sẽ dâng hiến cả cuộc đời cho anh!… Hãy vui lên, nhưng khe khẽ thôi, bởi vì anh có thể đánh gục người bạn khốn khổ cùng số phận với anh, dông tố sẽ ụp xuống đầu kẻ ấy, kẻ sẽ phải chết thay cho anh.
– Ôi, em đừng nói nữa, đừng nói nữa! Em làm cho tôi lạnh cả người. Tôi vẫn bình thản, vẫn tin tưởng, vẫn vui vẻ, thế mà tôi đây vừa gần cái chết! Và chừng nào? Khi nào?… Trời ơi! Tôi sẽ được làm chồng của em?… Ôi! Khác nào giết tôi hai lần!
– Họ gọi như vậy là…
– Phải, phải đúng rồi… họ có lý. Ồ! – Canolles kêu lên – Tôi không sợ chết, nhưng cái chết chia lìa tôi với em…
– Nếu anh chết, anh yêu quý, thì em cũng sẽ chết cùng với anh… Nhưng thay vì buồn phiền như vậy, hãy cùng vui lên với em… Coi nào, đêm nay, có lẽ một trong vai giờ nữa… anh sẽ ra khỏi đây. Đấy! Hoặc là em sẽ đến đây tìm anh, hoặc là em sẽ đợi anh ngoài cổng… Và khi đó, không chậm trễ thêm một giây phút nào nữa, chúng ta sẽ ra đi… Ô, ngay lập tức. Em không muốn chờ đợi thêm nữa, em đã quá sợ cái thành phố này rồi… Ngày hôm nay em còn có thể cứu anh được, nhưng ngày mai, biết đâu sẽ có một tai họa nào khác đang chờ đón chúng ta!
– Phải, phải… em nói đúng lắm… Ôi, tại sao không đưa tôi ra khỏi đây ngay bây giờ nhỉ?… Nào thiên thần của tôi ơi, hãy mở đôi cánh tay của em và hãy mang tôi ra khỏi đây đi!
– Hãy kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn, hỡi anh yêu! Ngày mai, em sẽ đem anh đi… đi đâu? Em cũng không biết nữa… đến thiên đường tình yêu của chúng ta… Còn tạm thời thì em đi.
Và Canolles ôm choàng lấy nàng.
Ngay khi đó, cửa mở ra và viên sĩ quan bước vào báo rằng nửa giờ trong tờ giấy phép đã hết.
– Vĩnh biệt! – Canolles thì thầm – Hay em giấu tôi trong chiếc áo choàng của em và hãy mang tôi ra khỏi đây!
– Đáng thương cho anh! – Claire cũng trả lời với một giọng thật nhỏ, xin anh đừng nói nữa, những gì anh nói làm tan nát tim em! Chẳng lẽ anh lại không thấy rằng em rất mong muốn điều đó hay sao? Hãy kiên nhẫn vì anh, và nhất là vì em! Chỉ còn vài giờ nữa thôi, chúng ta sẽ gặp lại nhau để không bao giờ phải xa rời nhau nữa!
– Tôi sẽ chờ đợi! – Canolles vui vẻ nói, hoàn toàn yên tâm vì lời hứa ấy – Chúng ta phải xa nhau thôi. Nào, hãy can đảm lên. Chúng ta hãy nói với nhau lời từ biệt thôi, xin hãy từ biệt em, Claire.
– Xin từ biệt anh! – Nàng nói và cố gắng mỉm cười – Hẹn…
Nhưng nàng không thể nói hết được. Những tiếng nấc chặn câu nói của nàng lại.
– Xin từ biệt em! Từ biệt em! – Canolles kêu lên và lại ôm choàng lấy phu nhân De Cambes, vừa hôn lên trán nàng – Từ biệt em!
– Quỷ thật! – Viên sĩ quan lẩm bẩm – Cũng may là ta biết anh chàng này chẳng còn gì phải sợ hãi nữa, nếu không thì đây là một cảnh tượng làm cho ta phải tan nát tâm can.
Viên sĩ quan đưa Claire đến cửa rồi quay trở lại.
– Thưa ông! – Người đó nói với Canolles, chàng đã ngồi phịch xuống ghế, hãy còn xúc động mạnh, bây giờ vấn đề không phải chỉ là vui mừng mà còn nên tỏ ra thông cảm – Người láng giềng của ông, người bạn đồng cảnh ngộ khốn khổ của ông, kẻ sắp phải chết đang cô độc, kẻ ấy chẳng có ai để che chở, chẳng có ai để an ủi. Người đó muốn được gặp ông. Tôi đã nhận trách nhiệm thỏa mãn yêu cầu đó, nhưng không biết ông có đồng ý không?
– Tôi bằng lòng không à? – Canolles kêu lên – Ôi, tại sao lại không được? Kẻ đáng thương! Tôi đang đợi người ấy, tôi không quen biết anh ta nhưng tôi xin sẵn sàng mở rộng vòng tay chờ đón anh ta.
– Thế mà, hình như người đó biết ông.
– Người đó có biết số phận dành cho mình không?
– Chắc là không đâu. Ông cũng hiểu là không nên để cho ông ấy biết điều đó.
– Ông hãy an tâm.
– Xin ông hãy nghe tôi đây: Đã sắp mười một giờ đêm rồi, tôi sẽ trở về vị trí của tôi. Kể từ mười một giờ, các vị giám ngục là chủ nhân ở chốn này. Người giám ngục của ông đã được cho biết rồi, người đó biết là vị láng giềng sẽ qua đây cùng với ông, và sẽ đưa bạn ông trở về buồng riêng khi cần thiết. Nếu người tù kia không biết gì thì ông cũng không nên nói cho ông ấy biết, nếu ông ấy có biết chút ít, thì xin ông hãy thay mặt chúng tôi mà nói rằng các chiến sĩ chúng tôi thành thật thương cảm cho số phận của ông ấy. Bởi vì, nói cho cùng, chết, thì không có gì cả, nhưng mà mẹ kiếp, bị treo cổ, đúng là chết hai lần.
– Như vậy là ông quyết định người đó phải chết hay sao?
– Cùng một cái chết như Richon. Hoàn toàn là sự thật. Nhưng chúng ta thì đang trò chuyện còn ông ấy có lẽ đang trông chờ câu trả lời của ông.
– Vậy ông hãy đi mời người đó đi, và xin hãy tin là tôi rất biết ơn ông, vì người đó cũng như vì tôi.
Viên sĩ quan bước ra ngoài, đến ở cửa xà lim bên cạnh và Cauvignac mặt hơi tái, nhưng bước chân ung dung, đầu ngẩng cao, bước vào xà lim của Canolles.
Thế là viên sĩ quan đưa tay ra hiệu chào Canolles một lần cuối cùng, nhìn Cauvignac đầy thương hại, và trở ra ngoài cùng với đám lính, tiếng giày của họ còn vang vọng mãi dưới những vòm cửa nhà tù.
Chẳng bao lâu, viên giám ngục bắt đầu bước chân tuần tra của mình. Tiếng xâu chìa khóa loảng xoảng vọng lại từ hành lang.
Cauvignac không tỏ ra buồn khổ bở vì trong con người ấy mang một lòng tự tin vô hạn, một hy vọng không bao giờ cạn vào tương lai. Thế nhưng đằng sau một bề ngoài thản nhiên và một bộ mặt nạ gần như vui vẻ, một nỗi đau khổ rứt tâm can y. Tâm hồn đa nghi ấy, luôn luôn nghi ngờ và tất cả, đã bắt đầu nghi ngờ chính mình.
Từ khi biết được cái chết của Richon, Cauvignac không ăn, không ngủ nữa.
Vốn đã quen chế giễu cảnh khổ của kẻ khác và sẵn sàng chịu đựng nỗi khổ của mình một cách vui vẻ, thế nhưng nhà triết gia của chúng ta cũng không dám nghĩ đến chuyện cười cợt trước một biến cố dẫn đến hậu quả khủng khiếp đó và ngoài ý muốn của y, qua những sự liên hệ huyền bí đã khiến y phải trở thành kẻ phải chịu trách nhiệm trước cái chết của Richon, y đã bắt đầu nhận thấy bàn tay của Đấng Bề Trên và bắt đầu tin, nếu không phải vào sự tưởng tượng của các hành động tốt, thì ít ra cũng là vào sự trừng phạt của các hành vi xấu.
Thế là y đành cam chịu và hồi tưởng lại, và trong sự cam chịu đó, y không ăn, không ngủ nữa.
Và, điều bí ẩn kỳ lạ của tâm hồn khác thường, mặc dù không hề ích kỷ, là điều khiến y xúc động hơn cả chính cái chết của mình là cái chết của người bạn tù mà y biết chỉ cách y có hai bước chân, người đang chờ đợi, hoặc bản án cay nghiệt, hoặc là cuộc hành hình mà không cần xử án. Điều đo lại càng khiến y nhớ đến bóng ma ám ảnh của Richon và hai lần tai họa, hậu quả của điều mà thoạt đầu y chỉ cho là một trò đùa.
Ý nghĩ đầu tiên của y là trốn thoát, bởi vì mặc dù là tù binh danh dự, người ta đã không giữ lời hứa với y và đã giam y vào ngục tối, nên đến lượt mình, y nghĩ rằng có quyền để qua một bên lời hứa của mình. Thế nhưng, mặc dù có đầu óc nhanh nhạy và tay chân khéo léo, y đành phải nhìn nhận rằng điều đó là không thể thực hiện được. Đến khi đó y mới chấp nhận rằng mình đang ở trong móng vuốt của số phận nghiệt ngã. Từ đây y chỉ còn hỏi xin có một điều, là được trò chuyện ít lâu với người bạn đồng cảnh ngộ, dường như tên người đó đã khơi dậy trong y một nỗi kinh ngạc đầy buồn phiền và hòa hoãn tâm hồn y với toàn thể nhân loại mà y đã xúc phạm một cách tàn nhẫn.
Chúng ta sẽ không thừa nhận rằng những ý nghĩ ấy là lòng ân hận. Không, Cauvignac là một kẻ quá tự do tư tưởng để có thể biết hối hận là gì, nhưng ít ra thì thấy mình là tương tự, nghĩa là một sự giận dữ vô cùng khi nhìn thấy mình làm điều ác một cách vô ích. Cùng với thời gian là một thời thế khả dĩ giữ Cauvignac trong những suy nghĩ đó, thì những ý nghĩ ấy có thể có cùng một kết quả như hối hận, nhưng không còn thời gian nữa.
Khi bước vào phòng giam của Canolles, Cauvignac chờ đợi, theo tính cẩn thận thường nhật của mình, viên sĩ quan đã rút lui, và khi thấy cửa đã được đóng kín, y bước về phía Canolles, chàng cũng tiến về phía y và hai người thân mật siết tay nhau.
Mặc cho tính cách nghiêm trọng của tình thế, Cauvignac không thể nào không mỉm cười khi nhận ra chàng trai trẻ bảnh bao, lịch sự, với đầu óc phóng khoáng, tính tình vui vẻ mà y đã hai lần gặp gỡ bất thần trong những tình thế hoàn toàn khác hẳn hiện tại, một lần gởi chàng đến Nantes mang theo một sứ mạng, một lần để đưa chàng đến Saint Georges. Ngoài ra y còn nhớ rằng mình đã có lần mượn tên chàng để phỉnh gạt ngài công tước. Và mặc dù ngục tối âm u, những hình ảnh cũ hiện ra thích thú đến nỗi quá khứ, trong một phút giây, làm quên đi hiện tại.
Về phần mình ngay từ cái nhìn đầu tiên Canolles đã nhận ra ngay người đã đến gặp chàng trong hai dịp như chúng ta vừa nói, và vì trong hai lần đó Cauvignac chỉ mang đến tin vui cho chàng, nên lòng thương hại của chàng đối với con người khốn khổ kia lại càng tăng thêm, càng sâu sắc hơn nữa khi nghĩ rằng sự giải thoát của mình sẽ là nguyên nhân gây nên cái chết không thể nào cứu vãn được của Cauvignac. Và trong một tâm hồn tế nhị nơi chàng, những ý nghĩ tương tự gây nên ân hận nhiều hơn là tội ác thật sự đối với anh chàng kia.
Bởi vậy, chàng đón tiếp người đó với một sự trìu mến thật lòng.
– Kìa, nam tước! – Cauvignac nói – Bạn nghĩ sao về tình thế của chúng ta đây nhỉ, hình như nó cũng khá bất ổn đấy.
– Đúng vậy, chúng ta bây giờ trở thành là tù binh rồi và có trời mới biết được chừng nào chúng ta mới có thể ra khỏi đây. – Canolles trả lời, cố tỏ ra bình tĩnh để dùng hy vọng làm nhẹ bớt cảnh khổ của người bạn tù.
– Chừng nào chúng ta ra khỏi đây à? – Cauvignac lập lại – Cầu mong cho ông trời mà bạn vừa nhắc đến đoái thương quyết định cho chúng ta ra khỏi đây càng trễ càng tốt! Nhưng tôi không tin là ông ấy sẵn sàng để cho chúng ta được nghỉ ngơi dài hạn đâu. Từ cửa sổ xà lim của mình tôi đã thấy thì cũng như bạn thấy từ bên cửa sổ bên này vậy thôi, một đám đông điên cuồng chạy về một nơi có lẽ là pháp trường, nếu không thì chắc là tôi lầm. Anh bạn cũng biết pháp trường là gì và dùng để làm gì chứ?
– Ôi chà, ông bạn bi thảm hóa vấn đề đấy thôi. Phải, dân chúng đang tuôi về pháp trường, nhưng có lẽ để xem trừng phạt vài tên lính nào đó thôi. Bắt chúng ta trả giá cho cái chết của Richon thì khủng khiếp thật! Bởi cả hai chúng ta đâu ai có lỗi về cái chết đó.
Cauvignac rùng mình và nhìn sững Canolles với một ánh mắt từ u tối chuyển dần qua thương hại.
“Nào” – Y tự nhủ – “Lại một tên tự dối mình về chính tình trạng của mình, dẫu sao thì ta cũng cần cho anh chàng rõ vấn đề, bởi vì lừa dối để mà làm gì để sau này phút quyết định sẽ vô cùng nặng nề, trong khi đó nếu có thời gian chuẩn bị thì dẫu sao con đường cũng bớt dốc hơn.”
Và sau một khoảng im lặng và thăm dò.
– Anh bạn à! – Y nói với Canolles và nắm lấy bàn tay chàng, vừa tiếp tục nhìn chàng với một ánh mắt khiến cho chàng khá hoang mang – Ông bạn thân mến, có lẽ chúng ta nên hỏi xin một hai chai rượu thành Braune mà chắc ông cũng có dịp thưởng thức. Than ôi! Nếu tôi được làm tổng đốc lâu hơn, thì có lẽ tôi đã được uống thỏa thích và tôi cũng thú nhận với ông bạn rằng chính sở thích đặc biệt của tôi đối với loại rượu hảo hạng đó đã khiến tôi đòi xin được chức tổng đốc ở đấy! Trời đã phạt thói háu ăn của tôi.
– Được lắm! – Canolles nói.
– Vâng, và tôi sẽ kể lại cùng với ông mọi chuyện trong khi uống, và nếu câu chuyện cũng dở như là rượu ngon thì hai thứ sẽ bù đắp cho nhau vậy.
Thế là Canolles đến gõ cửa, nhưng chẳng có ai trả lời cả, chàng lại gõ mạnh hơn, và một lát sau, một thằng bé đang chơi ngoài hành lang tiến đến gần người tù.
– Ông muốn gì? – Thằng bé hỏi.
– Rượu! – Chàng trả lời – Hãy đi nói với bố cháu mang đến đây hai chai rượu.
Thằng bé bỏ đi và một lát sau quay trở lại.
– Bố đang bận trò chuyện với một ông. – Nó nói – Lát nữa bố sẽ lại.
– Xin lỗi! – Cauvignac nói – Xin phép để tôi hỏi một câu.
– Ông bạn cứ hỏi đi.
– Cậu nhỏ à! – Y nói với giọng ngọt ngào nhất – Bố đang trò chuyện với ông nào vậy?
– Với một ông lớn.
– Thằng bé dễ thương thật! – Cauvignac nói – Khoan đã, rồi chúng ta sẽ được biết ít nhiều là ông đó ăn mặc như thế nào hả cháu?
– Mặc toàn đen.
– Ái chà, quỷ thật! Bạn có nghe không, toàn đen! Mà ông mặc toàn đen kia gọi là gì, anh bạn nhỏ có biết không?
– Họ gọi ông ấy là ngài Lavie.
– À! À! Viên chưởng lý của nhà vua, có lẽ ông ấy không mang đến điều gì xấu đâu. Hãy lợi dụng lúc họ đang trò chuyện để trò chuyện về phần chúng ta thôi.
Rồi nhét một đồng tiền dưới cánh cửa.
– Hãy cầm lấy, anh bạn nhỏ. – Cauvignac nói – Để mà mua bi chơi. Cần phải kết càng nhiều bạn càng tốt. – Y nói tiếp và đứng dậy.
Thằng bé mừng, đã cầm đồng tiền và cám ơn hai tù nhân.
– Sao! – Canolle nói – Hồi nãy ông bạn vừa nói?…
– À, phải rồi! – Cauvignac trả lời – Tôi nói là ông bạn có vẻ như đang sai lầm lớn về số phận đang chờ đợi chúng ta khi ra khỏi nhà tù này, ông bạn nói đến pháp trường, đến chuyện hình phạt của mấy tên lính, còn tôi thì cứ nghĩ đến chuyện chúng ta, đến một cảnh tượng nào đó ngoạn mục hơn.
– Thôi đi! – Canolles nói.
– Hừm! Ông bạn nhìn vấn đề dưới một khía cạnh ít u tối hơn là đối với con mắt của tôi, có lẽ bởi vì ông bạn không có đầy đủ những lý do để lo sợ như tôi. Dẫu sao ông bạn cũng không khoan khoái sớm về chuyện của mình, nó cũng chẳng đẹp đẽ gì hơn đâu. Nhưng câu chuyện của anh bạn không ăn nhập gì đến câu chuyện của tôi, và chuyện của tôi, tôi phải nói là khá phức tạp. Ông bạn có biết tôi là ai không?
– Đấy là câu hỏi khác thường đấy. Hình như ông bạn là đại úy Cauvignac, tổng đốc thành Braune thì phải.
– Vâng, hiện thời là như vậy, nhưng không phải tôi vẫn luôn mang tên đó cũng như không phải luôn luôn giữ chức vụ đó. Tôi thường xuyên thay đổi tên, tôi đã kinh qua nhiều chức vụ, ví dụ một hôm, tôi cũng mang tên nam tước De Canolles y như ông vậy.
Canolles nhìn thẳng vào mặt Cauvignac.
– Phải! – Y nói tiếp – Ông bạn đang tự hỏi phải chăng tôi điên rồi, có đúng vậy không? Ấy, ông bạn cứ an tâm, tôi hoàn toàn làm chủ đầu óc của mình và chưa bao giờ tỉnh táo hơn lúc này.
– Vậy ông bạn hãy kể rõ hơn đi.
– Chẳng có gì dễ hơn. Ngài công tước D Epernon… Ông bạn biết rõ công tước D Epernon chứ?
– Chỉ biết tên thôi, bởi vì tôi chưa bao giờ giáp mặt ông ấy.
– Thật là may mắn cho tôi. Ngài D Epernon như tôi vừa nói, có một lần gặp tôi nơi nhà của một phụ nữ, mà ở đấy tôi biết là ông bạn được đón tiếp khá nồng hậu, thế là tôi đã tự cho phép mình mượn tên ông bạn.
– Kìa, ông muốn nói gì vậy?
– Từ từ, làm gì mà dữ vậy, chẳng lẽ ông bạn lại ích kỷ đến nỗi ghen với một người đàn bà này trong khi chuẩn bị rước một người đàn bà khác hay sao? Mặc dù có như vậy đi nữa, điều này đúng là nằm trong bản tánh con người mà, thì rồi ông bạn cũng sẽ tha thứ cho tôi. Tôi là người khá thân thuộc với ông bạn để chúng ta lại đi cãi cọ với nhau.
– Tôi không hiểu một chữ nào của những gì ông vừa nói cả.
– Tôi nói là tôi có quyền được ông bạn xem như một người anh, hay nói đúng hơn là anh vợ.
– Ông nói đi, mà bí ẩn quá, tôi chẳng hiểu được gì thêm.
– Chỉ cần một tiếng thôi là ông bạn sẽ hiểu. Tên thật của tôi là Roland De Lartigues và Nanon là em gái tôi.
Canolles chuyển từ sự nghi ngờ qua niềm vui vô hạn.
– Anh là anh của Nanon! – Chàng kêu lên – Ôi, ông anh đáng thương!
– Ồ, phải đấy, đáng thương! – Cauvignac lập lại – Ông bạn đã dùng đúng từ, ông bạn đã đặt ngón tay lên đúng vết thương, bởi vì ngoài một lô những điều bực mình do vụ án của tôi ở đây gây nên, tôi lại còn mang thêm cái tội nữa là có tên gọi Roland De Lartigues và là anh của Nanon. Mà ông bạn cũng biết rõ ràng cô em yêu quý của tôi chẳng được các ngài dân chúng Bordeaux quý chuộng gì cho lắm. Nếu người ta mà biết được tôi là anh của Nanon, thì tai họa đến với tôi bằng gấp ba, thế nhưng ở đây có một ông De La Rochefoucauld và một ông Lenet biết tất cả.
– À! – Canolles nói, đối chiếu những gì Cauvignac vừa nói với những kỷ niệm cũ – Bây giờ thì tôi hiểu tại sao trong một lá thư gửi cho tôi, nàng Nanon đã gọi tôi là anh trai. Cô ấy tốt thật!…
– À phải! – Cauvignac nói – Con bé khá lắm và tôi rất hối hận vì đã không luôn luôn nghe theo lời dặn của nó, nhưng biết làm sao được, nếu ai cũng có thể đoán được tương lai, thì còn ai cần đến Chúa làm gì.
– Bây giờ nàng ra sao rồi? – Canolle hỏi.
– Làm sao biết được? Tội nghiệp, có lẽ giờ đây cô em tôi đang tuyệt vọng, không phải tôi bởi vì cô ấy đâu có biết tôi đã bị bắt giam, mà vì số phận của ông mà cô ấy biết rất rõ.
– Anh cứ an tâm. – Canolles nói – Lenet sẽ không nói với ai anh là anh của Nanon đâu. Về phần mình, ngài De La Rochefoucauld chẳng có lý do gì thù ghét anh cả. Sẽ không có ai biết chuyện này đâu.
– Nếu không ai biết gì về chuyện ấy thì, anh bạn cứ tin tôi, người ta cũng biết được những chuyện khác ví dụ như người ta cũng sẽ biết được tôi là người đã tặng một tờ khống chỉ, và tờ khống chỉ đó… nhưng mà thôi, chúng ta hãy ráng mà quên đi. Chỉ buồn là không có rượu! – Y vừa nói vừa đứng dậy tiến về phía cửa – Chỉ có rượu mới giúp chúng ta quên được.
– Nào, nào! – Canolles nói – Hãy can đảm lên chứ!
– Mẹ kiếp! Anh bạn cho rằng tôi thiếu can đảm hay sao? Anh bạn sẽ được thấy tôi vào giây phút quyết định đó, khi chúng ta làm một vòng ở pháp trường. Nhưng có một điều khiến tôi khá tò mò, không biết chúng ta sẽ bị chặt đầu hay treo cổ nhỉ?
– Treo cổ! – Canolles kêu lên – Trời ơi! Chúng ta thuộc vào hàng quý tộc, mà họ lại lăng nhục chúng ta như vậy sao?
– Đấy! Rồi ông bạn sẽ được thấy bọn họ còn có thể kiếm chuyện với tôi về vấn đề gia tộc của tôi… vả lại…
– Sao?
– Không biết là ông bạn hay là tôi sẽ đi trước nhỉ?
– Kìa, ông anh thân mến, xin đừng nghĩ mãi đến những chuyện đó làm gì! Cái chết ông anh đang bận tâm đó không có gì chắc chắn đâu, họ không thể xử án, không thể kết tội và hành hình tất cả trong một đêm như vậy.
– Hãy nghe đây! – Cauvignac trả lời – Tôi có mặt ở đấy khi họ xử án anh chàng Richon đáng thương. Cầu Chúa rước linh hồn ông ấy về trời! Đấy, hỏi cung, nghị án, treo cổ, tất cả kéo dài không quá ba bốn giờ đồng hồ. Cứ cho là vấn đề của chúng ta có chậm hơn một chút, bởi vì Anne D Autriche là hoàng hậu nước Pháp,còn phu nhân De Condé chỉ là một bà quận chúa, vậy cứ cho là chúng ta có được bốn, năm giờ đồng hồ. Thế nhưng, chúng ta cũng còn được thêm khoảng hai giờ nữa, mau quá nhỉ!
– Dẫu sao thì cũng đợi trời sáng để hành hình chứ?
– Ồ, điều đó không chắc lắm đâu, cuộc hành hình dưới ánh đuốc là một quang cảnh khá đẹp đấy, chuyện này thì tốn kha khá thật đấy. Nhưng vì phu nhân quận chúa hiện thời đang rất cần các ngài dân chúng thành Bordeaux, nên rất có thể bà ấy sẵn sàng bỏ ra món chi phí này.
– Suỵt! – Canolles nói – Tôi nghe có tiếng chân.
– Quỷ thật! – Cauvignac nói, mặt hơi tái đi.
– Có lẽ người ta đem rượu đến cho chúng ta. – Canolles nói.
– À phải! – Cauvignac nói, mắt dán về phía cửa, lại còn chuyện đó nữa – Nếu giám ngục lên cùng với rượu thì được, nhưng nếu ngược lại…
Cửa mở ra, giám ngục bước vào, không mang theo chai nào cả.
Canolles và Cauvignac trao đổi nhau một ánh mắt đầy ý nghĩa, nhưng viên giám ngục chẳng để ý gì… Ông ta có vẻ vội vàng, thời gian còn quá ít, trong xà lim lại tối quá…
Ông ta bước vào và đóng cửa lại.
Rồi rút trong túi ra một mảnh giấy và tiến đến gần hai tù nhân.
– Ai trong hai ông là nam tước De Canolles?
– A! Quỷ thật! – Cả hai cùng kêu lên và trao đổi nhau một ánh mắt.
Thế nhưng Canolles do dự trước khi trả lời, và Cauvignac cũng vậy, người thứ nhất đã mang cái tên đó quá lâu để còn nghi ngờ là lời gọi ấy dành cho mình, nhưng người sau cũng đã mang cái tên đó đủ để e sợ là người ta gọi mình.
Thế nhưng, Canolles hiểu là cần phải trả lời.
Người giám ngục tiến đến gần chàng:
– Ông đã từng là tổng đốc?
– Phải.
– Nhưng cả tôi cũng đã từng là tổng đốc, cả tôi cũng được gọi là Canolles. – Cauvignac nói – Nào, hãy giải thích rõ với tôi là quá đủ rồi, tôi không muốn nguyên nhân của cái chết nơi một người khác nữa.
– Vậy ông hiện tại có tên là Canolles? – Người giám ngục trả lời.
– Phải. – Canolles trả lời.
– Vậy, ông trước kia được gọi là Canolles? – Viên giám ngục lại hỏi Cauvignac.
– Phải. – Y trả lời – Phải, chỉ một ngày thôi, và tôi bắt đầu tin rằng hôm ấy tôi đã có một ý nghĩ thật ngu ngốc.
– Cả hai ông đều là tổng đốc?
– Phải! – Cả Cauvignac và Canolles cùng trả lời.
– Bây giờ, một câu hỏi cuối cùng sẽ làm sáng tỏ tất cả.
Cả hai tù nhân cùng im lặng.
– Ai trong hai người… – Người giám ngục nói – là anh của phu nhân De Lartigues?
Đến đây Cauvignac nhăn mặt, vào một thời điểm ít long trọng hơn hiện tại thì có lẽ trông khá buồn cười.
– Tôi đã chẳng nói với anh bạn. – Y nói với Canolles – Tôi đã nói với anh bạn mà, người ta tấn công tôi chính vào điểm này.
Rồi quay về viên giám ngục.
– Và nếu tôi là anh của bà Nanon De Lartigues thì ông sẽ nói gì với tôi đây, ông bạn?
– Tôi sẽ nói với ông là đi theo tôi ngay bây giờ.
– Nhưng cô ấy cũng đã từng gọi tôi là anh. – Canolles nói, cố gắng xua bớt cơn giông, rõ ràng là đang ụp xuống đầu của người bạn tù khốn khổ.
– Khoan đã, khoan đã! – Cauvignac nói, đi qua trước mặt viên giám ngục và kéo Canolles ra riêng một góc – Khoan đã ông bạn, ông bạn làm anh của Nanon vào lúc này là không đúng lúc. Từ trước đến giờ tôi đã bắt những kẻ khác trả giá cho tôi nhiều rồi, bây giờ phải đến lượt tôi.
– Anh muốn nói gì vậy? – Canolles hỏi.
– Ồ, nói ra thì dài lắm, vả lại, ông bạn cũng thấy là viên giám ngục của chúng ta đang sốt ruột và dậm chân… Được rồi, được rồi, tôi sẽ đi theo ông liền đây. Thôi vĩnh biệt nhé, bạn thân mến. – Cauvignac nói tiếp – Ít ra những thắc mắc của tôi cũng được ấn định rõ ràng ở một điểm, là tôi đi trước ông bạn. Cầu mong cho ông bạn đừng vội đi theo tôi. Bây giờ chỉ còn cần biết là sẽ chết cách nào thôi. Quỷ thật! Cầu mong cho không phải treo cổ. Mẹ kiếp, tôi đi đây! Làm gì mà hối hả dữ vậy!… Lời vĩnh biệt cuối cùng nhé!
Và Cauvignac tiến một bước về phía Canolles, đưa bàn tay ra. Canolles nắm lấy bàn tay ấy trong hai bàn tay mình và trìu mến siết chặt. Cauvignac nhìn chàng với một ánh mắt khác lạ.
– Anh muốn gì? – Canolles nói – Anh muốn nhờ tôi điều gì chăng?
– Phải! – Cauvignac nói.
– Vậy anh cứ nói đi.
– Có bao giờ cầu nguyện không? Cauvignac hỏi.
– Có! – Canolles trả lời.
– Vậy thì, khi bạn cầu nguyện… hãy nói giùm tôi một câu nhé.
Rồi quay về phía viên giám ngục đang mỗi lúc mỗi tỏ ra sốt ruột hơn:
– Chính tôi là anh của bà Nanon De Lartigues. – Y nói với người giám ngục – Nào, ta đi thôi.
Người giám ngục không chờ nói đến tiếng thứ hai, ông vội vàng đưa Cauvignac đi, từ ngưỡng cửa, y vẫy tay lần cuối cùng chào Canolles.
Rồi đóng cửa lại, tiếng chân họ vang lên ngoài hành lang rồi tất cả rơi vào cảnh im lặng, một cảnh im lặng chết chóc.
Canolles rơi vào một trạng thái buồn phiền gần như kinh hoảng. Cách thức đưa người đi như vậy, giữa ban đêm, không một tiếng động, không nghi thức, không lính canh, thật là đáng sợ hơn cả những chuẩn bị cho một cuộc hành hình vào ban ngày. Dẫu sao, tất cả những lo sợ của Canolles đều dành cho người bạn tù, bởi vì chàng quá tin tưởng vào phu nhân De Cambes từ khi chàng được gặp nàng và không lo sợ gì cho riêng mình nữa.
Bởi vậy điều duy nhất khiến cho chàng thực sự bận tâm vào lúc này là số phận dành cho người bạn tù vừa bị đưa đi. Thế là lời yêu cầu cuối cùng của Cauvignac trở lại tâm trí chàng, chàng liền quỳ xuống và cầu nguyện.
Một lát sau, chàng đứng dậy, cảm thấy được an ủi và bình tĩnh hơn, chỉ còn chờ đợi một điều, là sự giúp đỡ của Claire, hoặc là chính sự có mặt của nàng.
Trong thời gian đó, Cauvignac đi theo viên giám ngục trong hành lang âm u, không nói một lời nào, cố gắng suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Đến đầu hành lang, viên giám ngục đóng cánh cửa cẩn thận như đã đóng cánh cửa xà lim của Canolles và sau khi để tai nghe ngóng những tiếng động vọng lên từ tầng dưới.
– Nào đi thôi! – Ông ta nói – Đột ngột quay về phía Cauvignac.
– Tôi đã sẵn sàng. – Cauvignac nói một cách chững chạc.
– Đừng nói to như vậy! – Viên giám ngục nói – Và nhanh chân lên thôi.
Rồi ông ta theo cầu thang dẫn xuống những xà lim ở tầng ngầm.
“Ồ! Ồ!” – Cauvignac nghĩ bụng – “Hay là ngưòi ta định cắt cổ ta giữa hai bức vách hoặc là bỏ ta vào một ngục tối nào đây? Ta có nghe nói là thỉnh thoảng người ta chỉ cần trưng bày tứ chi ra cho thiên hạ xem thôi, như trước kia Cesar Bongie đã làm với Ramiso D Oréo vậy. Nào, chỉ có một mình tên giám ngục, y mang xâu chìa khóa nơi thắt lưng. Xâu chìa khóa đó chắc phải mở được một cánh cửa nào. Y nhỏ con, ta to con, y yếu ớt, ta mạnh mẽ, y đi trước, ta đi sau, nếu ta muốn, ta siết cổ y một cách dễ dàng. Ta có nên không nhỉ”?
Và Cauvignac sau khi tự trả lời rằng nên làm như vậy, đã toan giơ hai bàn tay xương xẩu ra để thực hiện dự định vừa nảy ra trong đầu, thì bỗng viên giám ngục quay lại với vẻ kinh hoàng.
– Suỵt! – Ông ta nói – Ông có nghe gì không?
“Đúng rồi” – Cauvignac lại nghĩ bụng – “Trong tất cả chuyện này có điều gì ám muội đây và những cử chỉ thận trọng nhân vậy, nếu không làm cho ta yên lòng thì phải khiến cho ta thêm lo lắng”.
Và dừng lại đột ngột.
– Này! – Y nói – Ông đưa tôi đi đâu vậy?
– Ông không thấy sao? – Viên giám ngục nói khi vào đến hầm.
– Chà! – Cauvignac kêu lên – Ông muốn chôn sống tôi à?
Viên giám ngục nhún vai, tiến vào những con đường hành lang chằng chịt, và đến gần một cánh cửa thấp, khóa chắc bên trong có những tiếng động mơ hồ, ông ta mở ra.
– Con sông! – Cauvignac kêu lên, sợ hãi trước dòng sông chảy xiết, đen ngòm chẳng khác gì Acheron con sông dưới âm phủ.
– Ừ, phải, sông đấy, ông có biết bơi không?
– Có… Không… có chứ… nghĩ là… Tại sao ông lại hỏi tôi như vậy chứ?
– Nghĩa là nếu ông không biết bơi, chúng ta buộc phải đợi một chiếc thuyền đang neo ở đằng kia, và như vậy là mất đi một khắc đồng hồ, đó là chưa nói đến việc người ta có thể nghe được tiếng súng hiệu mà tôi sắp sửa bắn, và như vậy sẽ bắt lại chúng ta.
– Bắt lại chúng ta! – Cauvignac kêu lên – Ông bạn, như vậy là chúng ta bỏ trốn đấy ư?
– Mẹ kiếp! Đích thị là chúng ta đang bỏ trốn.
– Đi đâu vậy?
– Tùy ý chúng ta.
– Vậy là tôi tự do ư?
– Tự do như không khí vậy.
– Ôi! Trời ơi! – Cauvignac kêu lên.
Và không thêm một lời nào vào tiếng kêu hàm chứa đầy ý nghĩa đó, chẳng cần nhìn chung quanh mình, chẳng quan tâm xem người kia có cùng theo không, y phóng xuống dòng sông. Viên giám ngục cũng nhảy xuống và sau một khắc đồng hồ lặng lẽ cố sức để cắt ngang dòng nước, cả hai tiến đến gần thuyền. Thế là viên giám ngục vừa bơi, vừa thổi ba tiếng còi, những người chèo thuyền, nhận ra hiệu lệnh, chèo đến đón họ, lẹ làng kéo họ lên thuyền và không một lời nào, chèo hết sức lực để không đến năm phút sau đặt họ lên bờ bên kia.
– Thế là thoát! – Cauvignac thốt lên những tiếng đầu tiên từ khi y bắt đầu nhảy xuống sông – Thế là thoát! Giám ngục yêu quý của tôi, trời sẽ ban thưởng cho ông.
– Trong khi chờ đợi trời ban thưởng – Viên giám ngục nói – Tôi đã nhận được một món tiền là bốn mươi ngàn livres có thể giúp tôi kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi đó.
– Bốn mươi ngàn livres! Cauvignac kinh ngạc kêu lên – Kẻ nào lại có thể vì ta mà bỏ ra bốn mươi ngàn livres vậy nhỉ?
Vài lời giải thích, và sau đó chúng ta trở lại diễn biến với câu chuyện.
Vả lại, cũng nên trở lại với Nanon De Lartigues, khi nhìn thấy Richon trút hơi thở cuối cùng dưới nhà lồng chợ ở Libourne, nàng kêu lên một tiếng và ngã ra bất tỉnh.
Thế nhưng, như chúng ta đã từng biết, Nanon không phải là một người mang tính chất yếu đuối, mặc dầu có thân hình thấp nhỏ và mảnh mai, nàng đã chịu đựng những chuỗi đau khổ dài, những mệt mỏi và những nguy hiểm nặng nề, và tâm hồn vừa đa tình, vừa cứng cỏi kia, với một khí phách khác thường, biết thu mình lại theo hoàn cảnh để rồi lại nhảy vọt lên khi định mệnh buông rơi.
Ngài công tước D Epernon vốn biết rõ nàng, hoặc nói đúng hơn là tưởng biết rõ nàng, nên có thể kinh ngạc khi thấy nàng xúc động đến như vậy trước một cái chết xa lạ, một con người như nàng, khi lâu đài của mình ở Agen bị đốt cháy, thiếu chút nữa thôi đã bị thiêu sống mà không thốt lên một tiếng, vì không muốn cho kẻ thù được vui mừng. Nàng Nanon giữa cảnh hỗn loạn đó, đã nhìn thấy hai người hầu của mình chết thay cho nàng mà không một cái cau mày…
Nanon ngất xỉu gần hai giờ đồng hồ, và sau đó nàng lên cơn động kinh dữ dội, không nói gì được mà chỉ thốt ra những tiếng kêu không rõ ràng. Đến nỗi đích thân hoàng hậu sau nhiều lần gởi lời hỏi thăm, đã thân chính đến thăm nàng, và cả ngài Mazarin cũng muốn đến bên giường nàng để kê thuốc.
Nhưng Nanon chỉ tỉnh lại khi đêm đã rất khuya. Sau đó, nàng còn mất một thời gian để ôn lại trí nhớ, và sau đó, nàng ôm lấy mặt trong hai bàn tay, kêu lên một tiếng xé lòng.
– Thôi rồi, họ giết mất anh ấy rồi!
May mắn thay, những tiếng ấy khá kỳ lạ đối với những người chung quanh, họ cho rằng đấy chỉ là câu mê sảng. Sáng hôm sau, khi ngài D Epernon trở về sau một cuộc tuần tra khiến cho ông phải xa Libourne từ ngày hôm qua, ông được người nhà tường thuật lại câu nói đó và ông hiểu hết tâm hồn đang sôi sục kia. Ông hiểu rằng có chuyện gì quan trọng hơn cả cơn mê sảng, và thừa dịp vắng người, ông đến bên Nanon.
– Kìa em! – Ông nói – Ta được biết em đã buồn khổ rất nhiều sau cái chết của Richon, người ta thật khinh suất khi để cảnh đó diễn ra dưới cửa sổ phòng em.
– Vâng, vâng! – Nanon kêu lên – Thật là khủng khiếp. Thật là ghê tởm.
– Em hãy yên tâm. – Ông nói – Lần khác, ta sẽ bảo cho treo cổ bọn phiến loạn ở một nơi khác, chứ không tại nhà lồng chợ nữa. Nhưng em muốn nói đến ai khi em nói là họ đã giết mất anh ấy? Không phải là Richon, có đúng không? Bởi vì Richon có phải là gì của em đâu, dù chỉ là một chỗ quen biết.
– Em muốn nói đến anh ấy, thưa ngài, anh ấy! Chính ngài đã giết anh ấy! Ôi, khốn khổ cho anh ấy!
– Kìa, em làm cho ta sợ quá! Em nói gì vậy chứ?
– Em nói là ngài đã giết anh ấy. Ngài không hiểu sao?
– Không, ta không hiểu gì cả! – Ngài công tước lại nói, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nàng trong cơn mê sảng – Làm sao ta có thể giết người đó được trong khi ta không quen biết gì với y?
– Thế ngài quên rằng anh ấy đã bị bắt giữ làm tù binh hay sao? Ngài quên rằng anh ấy là đại úy, là tổng đốc, có cùng một cấp bậc, và những chức vụ như Richon hay sao? Và dân chúng thành Bordeaux sẽ đưa anh ấy ra để trả thù cho cái chết của Richon, bởi vì dù cho ngài có khoác lên cái chết đó một bề ngoài hợp pháp đi nữa, nhưng thật ra đấy giản dị chỉ là một trò giết người, ngài công tước ạ!
Bị bất ngờ trước câu trách móc và trước đôi mắt nẩy lửa kia, ngài công tước tái mặt lui lại.
– Trời! Đúng rồi! Đúng rồi! – Ông ta kêu lên, tay ôm lấy trán – Ông anh Canolles đáng thương, ta đã quên mất.
– Anh tôi! Ông anh yêu quý của tôi.
– Nàng đã nói đúng. Ngài công tước nói – Ta thật là ngu ngốc. Làm sao ta lại có thể quên như vậy được nhỉ? Nhưng không sao, vẫn còn kịp thời gian. Ở Bordeaux hiện giờ có lẽ họ chỉ mới biết tin thôi, còn phải có thời gian để nhóm họp, xử án… Vả lại, có khi họ sẽ do dự.
– Thế hoàng hậu có do dự hay không?
– Nhưng hoàng hậu là hoàng hậu, bà có quyền sống và quyền chết. Bọn kia chỉ là những tên phiến loạn.
– Hỡi ơi! – Nanon nói – Thêm lý do để bọn chúng không từ một điều gì cả.
– Nhưng, nào hãy nói xem, nàng định sẽ làm gì?
– Ôi! – Nanon vừa nói vừa cố gắng đứng dậy – Dù cho em có phải đích thân đến Bordeaux thay chỗ cho anh ấy, em cũng không từ đâu.
– Em hãy an tâm, em yêu quý, việc này cứ để ta lo. Ta đã làm điều tai hại, ta sẽ sửa sai, lời danh dự của nhà quý tộc. Hoàng hậu hãy còn vài người trung thành ở bên ấy, em đừng lo lắng nữa.
Ngài công tước đã thành thật hứa vậy.
– Ôi! Thưa đức ông! – Nanon kêu lên khi nhìn thấy sự thành thật và quả quyết trong ánh mắt của ngài và nàng hôn lên bàn tay ngài công tước – Nếu ngài thành công thì em yêu ngài nhiều lắm.
Ngài công tước cảm động đến muốn chảy nước mắt, đây là lần đầu tiên Nanon nhiệt tình và hứa hẹn với ngài như vậy.
Ông vội ra khỏi phòng sau khi đã trấn an Nanon thêm một lần nữa, rồi cho gọi đến một tên đầy tớ mà ông biết rõ tài khéo léo cũng như lòng trung thành, ông dặn hắn phải vào Bordeaux bằng bất cứ giá nào, dù cho có phải qua tường thành đi nữa, và giao lại cho Lavie mảnh giấy do chính tay ông viết:
“Hãy ngăn cản không để nguy hiểm đến với ông De Canolles, đại úy chỉ huy trong quân đội hoàng gia.
Nếu người ấy bị bắt giữ như tin đã báo, hãy tìm cách giải thoát bằng bất cứ giá nào, hãy mua chuộc bọn giám ngục bằng số vàng mà bọn chúng đòi hỏi, một triệu cũng được.
Nếu dùng vàng không được, hãy dùng đến vũ lực, không từ bất cứ hành động nào, vũ lực, pháo hỏa, giết người, đều không bị bắt tội.
Nhận dạng.
Vóc người cao, mắt sâu, mũi khoằm. Nếu nghi ngờ, hãy hỏi:
“Ông có phải là anh của Nanon không?”
Khẩn cấp! không được để một giây phút nào cả”.
Người liên lạc lên đường. Ba giờ sau, hắn đã đến Bordeaux. Hắn vào một trang trại, thay đổi y phục nông dân và vào thành với một chiếc xe bò chở đầy bột.
Lavie nhận được lá thư quyết định của tòa án quân sự mười lăm phút. Ông ta đến nhà tù, nói chuyện với viên giám ngục, đề nghị hai mươi ngàn livres, người này từ chối, ba mươi ngàn, lại từ chối và sau cùng được chấp thuận với giá bốn mươi ngàn.
Có thể hiểu rằng, theo D Epernon danh xưng “Ông có phải là anh của Nanon không?” sẽ tránh được mọi lầm lẫn. Cauvignac trong một ý nghĩ từ tâm có lẽ là duy nhất trong suốt cuộc đời mình, đã trả lời: “Phải” và như vậy, đã chiếm chỗ của Canolles để thoát ra ngoài, trong bụng vô cùng ngạc nhiên.
Cauvignac được một con ngựa chạy hết tốc lực đưa đến ngôi làng Saint-Loubes, thuộc những người theo phe ngài D Epernon. Ở đấy một liên lạc của ngài công tước đã đợi sẵn.
– Người ấy đã thoát chưa? – Y hỏi viên trưởng nhóm hộ tống Cauvignac về đây.
– Rồi! – Người này trả lời – Chúng tôi đã đưa được ông ấy về đây.
Người liên lạc chỉ biết có từng đó, y quay ngựa lại và chạy nhanh về hướng Libourne. Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, con ngựa mệt mỏi ngã xuống ngay cổng thành làm cho người liên lạc rơi xuống ngay chân ngài D Epernon đang sốt ruột chờ đợi một tiếng. Thoát rồi! Và ngài chạy vội về ngôi nhà nơi Nanon đang trú ngụ, nàng vẫn nằm trên giường, con mắt đờ đẫn hướng về phía cửa phòng.
– Thoát rồi! – Ngài công tước kêu lên – Anh ấy thoát rồi, em sắp được gặp anh trai rồi!
Nanon nhỏm dậy vì quá vui sướng, những tiếng ngắn ngủi kia cất đi cái gánh đè nặng lên tim nàng, nàng đưa hai tay lên trời và kêu lên:
– Ôi, tạ ơn Chúa! Tạ ơn Chúa!
Sau đó, hạ thấp ánh mắt xuống, nàng nhìn thấy bên cạnh mình ngài công tước đang vui vì hạnh phúc của nàng, đến khi đó một ý nghĩ lo âu mới hiện ra trong đầu nàng:
“Ngài công tước sẽ tưởng thưởng về lòng tốt của mình như thế nào khi thấy một kẻ xa lạ thay cho người anh, sự tráo trở, thay vì tình anh em là một tình yêu điên cuồng”.
Ngay khi đó, đám đông người giúp việc túm tụm nơi cửa dãn ra, và một người bổ nhào vào phòng, vừa kêu lên:
– Ôi! Nanon em gái ta.
Nanon nhỏm dậy, mở to đôi mắt kinh hoàng, trở nên trắng bệch hơn mặt gối thêu trên giường, và một lần nữa, ngã vật ra, miệng lẩm bẩm:
– Cauvignac, trời ơi, Cauvignac!
– Cauvignac! – Ngài công tước lập lại, ngạc nhiên đưa mắt nhìn chung quanh mình, muốn biết xem ai là người mang cái tên Cauvignac đó! – Ông nói – Ở đây ai là Cauvignac vậy?
Cauvignac giữ ý tứ không trả lời, y thấy mình chưa hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy để cho phép một câu thành thật, y hiểu rằng nếu trả lời thật y sẽ mang lại tai họa cho em gái mình, và chính y cũng sẽ không thoát, thông minh là như vậy, nhưng y cũng đành cứng miệng, đành để cho Nanon lãnh trách nhiệm tự sửa sai lầm lẫn.
– Còn ông De Canolles đâu? – Nàng kêu lên bằng một giọng trách móc giận dữ và nhìn y với đôi mắt tóe lửa.
Ngài công tước cau mày. Tất cả những người có mặt, ngoại trừ Francinette mặt tái nhợt và Cauvignac đang cố hết sức để giữ cho khỏi tái đi, đều không hiểu cơn giận dữ bất chợt kia và nhìn nhau ngạc nhiên.
– Tội nghiệp cho em tôi! – Cauvignac nói nho nhỏ vào tai ngài công tước – Cô ấy lo lắng cho tôi quá nên đã mê sảng và không hiểu mình đang nói gì nữa.
– Hãy trả lời với tôi đây này! – Nanon la lớn – Tên khốn nạn! Hãy trả lời cho tôi rõ! Ông De Canolles đâu? Số phận ông ấy ra sao rồi? Hãy trả lời, trả lời đi chứ?
Cauvignac chọn một giải pháp tuyệt vọng, cần phải chơi cho trót mưu mô của mình thôi, bởi vì thú nhận sự thật với ngài D Epernon có nghĩa là muốn đi theo Richon nơi giá treo cổ dưới vòm chợ. Bởi vậy y đến gần ngài D Epernon, nước mắt chảy dài.
– Ôi, ngài ơi! – Y nói – Đây không phải là mê sảng nữa, mà là điên loạn rồi, và đau khổ, như ngài thấy đó, đã khiến cho em tôi không nhận ra ngay cả người thân nữa. Ngài cũng hiểu là chỉ có tôi mới có thể giúp cô ấy tỉnh trí lại, vậy xin ngài hãy cho mấy người kia lui ra, ngoại trừ Francinette để giúp tôi đỡ em tôi những chuyện cần thiết.
Có thể ngài công tước không dễ dàng tin vào Cauvignac như vậy, ông đã bắt đầu nghi ngờ, thì ngay khi đó một người liên lạc đến báo với ông rằng hoàng hậu cho mời ông đến vì ngài Mazarin đang cho nhóm một hội đồng bất thường.
Trong khi người liên lạc đang nói, Cauvignac cúi xuống bên Nanon và nói nhanh:
– Em hãy bình tĩnh để chúng ta trao đổi với nhau vài lời, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi.
Nanon nằm xuống giường, chưa bình tĩnh nhưng ít ra nàng cũng làm chủ được mình, bởi vì hy vọng dù ít ỏi đến đâu, cũng là thứ thuốc xoa dịu mọi đau khổ. Ngài công tước quay về phía nàng và nói.
– Thôi, cơn khủng hoảng đã qua rồi, em hãy bình tĩnh lại và trò chuyện với người anh yêu quý của em nhé. Hoàng hậu vừa cho gọi ta. Em hãy tin rằng vào giờ phút này thì chỉ có mệnh lệnh của hoàng hậu mới khiến ta rời khỏi em được.
Nanon cảm thấy tim mình như muốn ngừng đập. Nàng không còn hơi sức để trả lời ngài công tước nữa, và chỉ có thể siết chặt bàn tay của Cauvignac như muốn nói:
– Anh không lừa dối em đấy chứ? Em thực sự có thể mong đợi được à?
Cauvignac cũng siết tay nàng để đáp lại, và nói với ngài D Epernon.
– Vâng, thưa đức ông! – Y nói – Cơn khủng hoảng nặng qua rồi, em tôi đã hiểu rằng mình có một người bạn tận tụy và trung thành sẵn sàng làm tất cả để mang lại cho cô ấy tự do và hạnh phúc.
Nanon không thể gượng được hơn nữa, nàng bật lên những tiếng khóc nức nở, với con mắt lạnh lùng và đầu óc minh mẫn, nhưng bao nhiêu biến cố dồn dập, và nàng trở lại là một phụ nữ bình thường, nghĩa là yếu đuối và cần được khóc. Ngài D Epernon bước ra ngaòi, vừa lắc đầu vừa nhìn Cauvignac chiều gửi gấm. Ông vừa ra khỏi cửa thì.
– Ôi! Sao mà ông ta làm cho tôi khổ thế! – Nàng kêu lên – Ông ta còn ở thêm một phút nữa thì chắc tôi đã chết mất.
Cauvignac đưa tay ra hiệu bảo nàng im lặng, rồi y đến dán tai vào cửa như để biết chắc là ngài D Epernon đã đi xa rồi.
– Ôi! Ông ta có nghe hay không thì ăn nhằm gì. Anh đã nói nhỏ với em hai tiếng để an tâm, nào, nói đi, anh nghĩ rằng sẽ làm gì được bây giờ chứ?
– Em à! – Cauvignac trả lời, bộ mặt nghiêm nghị, thật khác hẳn với tánh nết của y – Anh không dám hứa là chắc chắn thành công, nhưng anh xin nhắc lại, điều anh vừa nói, anh sẽ làm tất cả để được điều đó.
– Làm được điều gì? – Nanon hỏi – Lần này thì chúng ta hiểu rõ nhau quá để còn có chuyện hiểu lầm nữa phải không?
– Cứu anh De Canolles khốn khổ.
Nanon nhìn y đăm đăm một cách dễ sợ.
– Anh ấy đang ở trong một tình trạng nguy kịch có đúng vậy không?
– Than ôi! – Cauvignac trả lời – Nếu em muốn biết ý nghĩ thành thật của anh, thì anh xin thú thật rằng tình trạng khá là xấu.
– Chà, hãy nghe anh ta nói kìa! – Nanon kêu lên – Nhưng anh có biết người ấy đối với tôi là như thế nào không?
– Anh có biết là người mà em yêu quý hơn anh trai của em bởi vì em muốn cứu người đó hơn là anh, và khi nhìn thấy anh, em đã đón tiếp anh với những câu chửi rủa.
Nanon phác một cử chỉ nóng nảy.
– Chà! Mẹ kiếp! Em có lý lắm! – Cauvignac lại nói – Mà anh nói như vậy không phải để trách móc em đâu, chỉ là một câu nhận xét vậy thôi, bởi vì anh dám đem lương tâm ra mà thề với em, nếu cả hai chúng tôi còn ở trong ngục tối của xà lim nhà tù, mà biết được điều anh vừa biết, thì anh đã nói với ngài De Canolles: Thưa ông, ông đã được Nanon gọi bằng anh, chính ông là người được người ta đến giải đi thoát chứ không phải là tôi, và như vậy người đó sẽ đến đây, còn anh thì sẽ chết thay cho người đó.
– Như vậy là anh ấy sẽ chết! Nanon kêu lên – Vậy là anh ấy sẽ phải chết!
– Em à! Cauvignac trả lời – Đây là tất cả những gì anh được biết và chúng ta sẽ căn cứ vào đó mà mưu định hành động, anh rời khỏi nơi đó đã được hai giờ đồng hồ, nhiều chuyện có thể xảy ra trong khoảng thời gian đó. Kìa, đừng âu sầu nữa, bởi vì cũng có thể không có chuyện gì xảy ra cả. Anh vừa nghĩ ra một kế.
– Nói nhanh đi!
– Cách Bordeaux một dặm, anh có một nhóm quân một trăm người với một chàng trung úy.
– Một người tin cẩn chứ?
– Ferguzon.
– Thì sao?
– Thì anh nghĩ rằng, nếu hy sinh một nửa số quân đó, anh có thể cứu được ông Canolles.
– Ôi! Anh lầm rồi, anh sẽ không làm được đâu!… Không được đâu!…
– Anh sẽ làm được! Nếu không thì thà rằng anh chết.
– Hỡi ôi! Cái chết của anh sẽ chứng tỏ với em thiện chí của anh, nhưng cái chết của anh sẽ không cứu được anh ấy! Anh ấy sẽ phải chết thôi!
– Còn anh, anh nói với em là anh ta sẽ không chết, dù cho anh có phải nộp mình thay cho anh ta! – Cauvignac kêu lên, bị thúc đẩy bất ngờ bởi một ý nghĩ cao thượng khiến cho chính y phải ngạc nhiên.
– Anh! Anh tự nộp mình?
– Phải, có thể lắm, bởi vì dẫu sao không ai có một lý do gì để thù ghét ông De Canolles cả, mọi người đều yêu mến anh ta, trái lại anh thì mọi người đều ghét.
– Anh! Mà tại sao người ta lại ghét anh?
– Giản dị thôi, bởi vì anh được vinh dự là một người ruột thịt của em.
– Khoan đã! – Nanon chầm chậm nói – Như vậy anh vừa muốn nói là em bị dân chúng ở Bordeaux rất thù ghét, có đúng không?
– Phải.
– À, hay lắm! – Nanon kêu lên với một nụ cười nửa suy tư, nửa sung sướng.
– Anh không nghĩ là mình vừa nói một điều gì dễ chịu với em.
– Có chứ, có chứ! Nếu không dễ chịu thì cũng là đúng. Phải, anh có lý! – Nàng tiếp tục nói như với chính mình hơn là với ông anh – Người ta không thù ghét ông De Canolles, cũng không thù ghét anh. Khoan đã, khoan đã!
Nàng đứng dậy và đến bên bàn viết, nàng viết vội vã vài hàng mà qua vẻ mặt của nàng, Cauvignac đoán là khá quan trọng.
– Anh hãy cầm lá thư này! – Nàng dán thư lại và nói – Hãy lên đường một mình, không mang theo lính cũng như hộ tống, trong chuồng có một con ngựa nòi có thể chạy từ đây đến Bordeaux trong vòng một giờ. Anh hãy trình lên phu nhân quận chúa lá thư n ày và ông De Canolles sẽ được cứu thoát.
Cauvignac ngạc nhiên nhìn người em gái, nhưng vì y vốn biết rõ tài phán đoán của đầu óc minh mẫn ấy nên y không thể mất thì giờ tìm hiểu những câu nói của cô em. Y vào chuồng ngựa và nửa giờ sau y đã chạy được nửa đường. Nàng quỳ gối xuống. Nàng một kẻ vô thần, đọc một câu kinh ngắn, rồi nàng gom tất cả vàng bạc nữ trang vào một hộp nhỏ, cho lệnh chuẩn bị xe bảo Francinette giúp mình thay một bộ y phục lộng lẫy nhất.