Bây giờ, nếu chúng ta theo các bà hoàng của gia đình Condé đến nơi lưu đày của họ, lâu đài Chantilly mà Richon đã mô tả lại với chàng tử tước qua một hình ảnh đáng sợ, thì đây là những gì chúng ta sẽ thấy.
Dưới hàng cây dẻ phủ đầy lên những lớp hoa như bụi tuyết, trên những thảm cỏ kéo dài đến những mặt hồ xanh ngắt, nhộn nhịp một đám đông người đi dạo, cười nói, hát đùa vui vẻ. Rải rác đây đó là những người đang đọc sách, khuất qua sau những tán lá xanh mà họ đang nghiến ngấu đọc, của hoặc là Cléopâtre tác giả là ông De La Calprenède, hoặc L Astree của ông D Urfé hay Grand của bà De Scudery (Chú thích: Cléopâtre, L Astree, Grand: Những tiểu thuyết tình cảm có tiếng vào thời bấy giờ); sau những vòm lá kim ngân và anh túc, vẳng ra những tiếng đàn thụ cầm và những giọng hát vô hình. Và, trên lối đi rộng rãi dẫn đến lâu đài, thỉnh thoảng thấy một người kỵ sĩ chuyển công văn chạy bắn qua như một tia chớp.
Trong khi đó, nơi hàng hiên, ba người phụ nữ y phục bằng sa tanh, có những tên người hầu kính cẩn theo sau một khoảng cách đang nghiêm trang dạo bước với những cử chỉ trịnh trọng và oai nghi. Ở giữa một phu nhân với dáng dấp cao quý mặc dù đã năm mươi bảy tuổi, đã bình luận một cách uyên bác về những vấn đề quốc gia, ở bên phải bà, một người phụ nữ trẻ, dáng điệu cứng cỏi, y phục màu tối, nhíu mày lắng nghe, bên trái là một bà già khác, dáng điệu cứng cỏi và chừng mực hơn cả, bởi vì bà ta không thuộc hàng quý phái tối cao, đang vừa nghe, vừa nói, vừa suy ngẫm.
Người đứng giữa là công chúa phu nhân, góa chồng và giàu có, mẹ của vị danh tướng đã từng chiến thắng các trận Rocroy, Norlingen và Lens, người đó, từ khi bị ngược đãi và sự ngược đãi đã đưa đến lâu đài Vincennes, đã được gọi là ngài đại Condé và hậu thế sẽ sẽ mãi danh xưng này, người phụ nữ đó, trên gương mặt vẫn còn có thể nhận ra những gì còn lại của một sắc đẹp đã gây nên tình yêu cuối cùng và cũng có thể là mối tình ngông cuồng nhất của vua Henri IV, đã bị tổn thương không những trong tình mẹ mà còn trong tánh kiêu hãnh của một bà công chúa bởi một tên người Ý mà người ta gọi là Mazarin khi còn là gia nhân của ngài hồng y Bentivog Lio và bây giờ thì được gọi là đức ông hồng y De Mazarin từ khi y trở thành người tình của hoàng hậu Anne D Autriche và là thủ tướng của vương quốc Pháp.
Chính lão là người dám giam cầm ngài Condé và lưu đày người mẹ cùng người vợ của người tù tại lâu đài Chantilly.
Người phụ nữ bên phải là Claire-Clémence De Maillé cũng là công chúa thuộc gia đình Condé mà mọi người vẫn thường gọi là quận chúa phu nhân. Bà luôn luôn là một người kiêu hãnh, nhưng từ khi bị tàn lụi, tánh kiêu căng đó đã lớn lên thêm và trở thành tánh cao ngạo.
Thực vậy, buộc phải đóng một vai trò thứ yếu từ khi ngài hoàng thân còn tự do, cảnh giam cầm của chồng đã đưa bà ta lên hàng chánh yếu, bà ta trở nên đáng thương hơn một bà góa và con trai bà, cậu bé quận công D Enghien, sắp lên bảy tuổi, đang được quan tâm đến hơn cả một đứa trẻ côi cút. Mọi người đều để ý đến bà, và ngại rằng sẽ trở nên khó coi, bà ăn bận như có tang. Từ khi Anne D Autriche buộc họ phải sống lưu đày, những tiếng than thở của họ đã biến thành những lời đe dọa ngấm ngầm, từ những kẻ bị đàn áp, họ trở nên những người chống đối. Công chúa phu nhân, vốn là một Thémistocle mặc váy, cũng có Miltiade (Chú thích: Thémistocle, Miltiade: Các danh tướng của Hy Lạp khoảng 480 trước Công nguyên) của mình và vòng nguyệt quế của phu nhân De Longueville (Chú thích: Phu nhân De Longueville: Chị của hoàng thân Condé) nữ hoàng của Paris một thời gian ngắn, đã làm cho họ điên lên.
Bà già bên trái là bà hầu tước De Tourville, một người phụ nữ không dám viết tiểu thuyết tình nhưng lại viết về chính trị. Bà đã không tự mình tham gia chiến tranh như lão Pompéc dũng cảm và không được lãnh một viên đạn như lão ở Corbie, nhưng chồng bà trước kia là một đại úy khá có tiếng, đã bị thương ở trận La Rochelle và bị tử thương ở Fribourg, rằng mình còn được thừa kế giả sản hương hoa của ông, bà nghĩ rằng mình còn được thừa kế cả thiên tài quân sự của chồng. Từ khi bà theo hầu hai vị công chúa ở Chantilly, bà đã vạch ra ba kế hoạch tác chiến đã khiến cho bao nhiêu bà tùy tùng phải hết lời khen ngợi nhưng đều bị không phải là bỏ đi mà hoãn lại cho đến giờ phút quyết liệt. Bà ta không dám mặc bộ quân phục của chồng dù đôi khi rất muốn đấy, nhưng vẫn treo thanh gươm của chồng ở trong phòng, nơi đầu giường, và thỉnh thoảng, khi chỉ còn lại một mình, bà ta rút nó ra khỏi bao với một điệu bộ đằng đằng sát khí.
Mặc dầu mang một vẻ như ngày hội, Chantilly nói cho đúng có thể được xem như một trại lính rộng lớn, và nếu tìm kỹ, có thể sẽ tìm thấy thuốc súng giấu dưới hầm và lưỡi lê ngoài mấy luống rau.
Trên đường đi dạo của họ, ba người phụ nữ thường xuyên nhìn về phía cửa cổng chính của lâu đài, dường như chờ đợi một người liên lạc quan trọng nào đó. Đã nhiều lần, bà công chúa già vừa nói vừa thở dài:
– Chúng ta sẽ thua, con ạ, chúng ta sẽ nhục nhã vô cùng.
– Muốn vinh quang thì phải trả giá ít nhiều. – Bà De Tourville nói – Không bao giờ chiến thắng mà không phải chiến đấu.
– Nếu chúng ta thất bại – Phu nhân trẻ nói – nếu chúng ta thua, chúng ta sẽ trả thù.
– Con ạ! – Phu nhân công chúa già nói – Nếu chúng ta thua thì chính Thượng đế đã chiến thắng hoàng thân chồng con. Vậy con muốn trả thù Thượng đế hay sao?
Phu nhân trẻ nghiêng đầu trước thái độ khiêm tốn tuyệt diệu của bà mẹ chồng, và cả ba nhân vật đang cúi chào nhau và tự khen nhau như trông thật chẳng khác gì một vị giám mục với hai người trợ tá đang đem Thượng đế ra làm đề tài cho những lời khen ngợi mà họ trao đổi cho nhau.
– Chẳng thấy ông De Turenne, chẳng có ông De La Rochefoucauld, cũng chẳng có ông De Bouillon. – Phu nhân già lẩm bẩm – Tất cả đều vắng mặt cùng một lúc.
– Cũng chẳng có tiền. – Bà De Tourville nói.
– Mà biết trông cậy vào ai đây – Phu nhân trẻ lại nói – Nếu cả Claire cũng quên chúng ta?
– Con à, ai bảo với con là cô De Cambes quên con?
– Cô ấy không trở lại.
– Có lẽ cô ấy bị mắc kẹt, đường sá đều được canh phòng bởi quân đội của ông De Saint Aignan, con cũng biết rồi đấy.
– Ít ra cô ấy cũng phải viết thư.
– Làm sao cô ta có thể để lộ ra giấy một câu trả lời quan trọng như vậy được: Sự hợp tác của cả một tỉnh lớn như Bordeaux về cùng các ngài hoàng thân. Không, đó không phải là mặt chúng ta phải lo hơn cả.
– Hơn nữa – Bà De Tourville lại nói – Một trong ba kế hoạch tác chiến mà tôi có được hân hạnh trình lên phu nhân có mục tiêu không thể thiếu sót là sự nổi dậy của cả tỉnh Guyenne.
– Phải, phải, chúng ta sẽ nhớ đến khi cần thiết. – Phu nhân trả lời – Nhưng tôi đồng ý với ý kiến của mẹ tôi, và tôi bắt đầu tin rằng có lẽ Claire bị điều gì không may, nếu không thì cô ấy đã có mặt ở đây. Có thể là tá điền của cô, cô ấy đã thất hẹn, mấy tên khốn kiếp luôn luôn vớ lấy cơ hội nào đó để khỏi thanh toán nếu có thể. Có ai mà biết được vùng Guyenne sẽ làm hay không mặc dù đã hứa? Dân Gascogne ấy mà!…
– Những tên bẻm mép! – Bà Tourville nói – Vài tên cũng gan dạ đấy, nhưng đám lính thì rất tệ, chỉ biết kêu ngài hoàng thân muôn năm khi chúng bắt đầu sợ tên Tây Ban Nha, có thế thôi.
– Nhưng họ cũng ghét lão D Epernon lắm đó chứ! – Bà công chúa nói – Bởi vì họ đã treo cổ hình nộm của lão ở Agen, và thề sẽ treo cổ chính lão ở Bordeaux nếu một ngày nào đó lão trở về.
– Lão sẽ trở về và sẽ treo cổ chính bọn người đó! – Vị phu nhân trẻ giận dữ nói.
– Mà tất cả – Bà De Tourville lại nói – đều là do lỗi ở Lenet, lão Pierre Lenet, lão cố vấn ngoan cố mà phu nhân cứ muốn giữ lại, thế nhưng chỉ biết chống lại những dự định của chúng ta. Nếu lão đã không bác bỏ kế hoạch thứ nhì của tôi có mục tiêu là, có lẽ hai vị còn nhớ, chiếm thành lũy Vayres một cách bất ngờ, cả đảo Saint-George và thành lũy ở Blaye, thì bây giờ chúng ta đã bao vây Bordeaux và thế nào ở đấy cũng phải đầu hàng.
– Tôi nghĩ rằng, trừ phi hai vị phu nhân có ý kiến nào khác, tốt hơn hết là để họ tự nguyện theo chúng ta. – Vang lên sau lưng bà Tourville một giọng nói kính cẩn nhưng không thiếu châm biếm – Một thành phố đầu hàng trước sự tấn công bằng sức mạnh không giúp gì được cho chúng ta cả, một thành phố tự ý quy phục sẽ phải giữ lời và buộc theo cho đến phút cuối cùng.
Ba người đàn bà quay lại và thấy Pierre Lenet, trong khi họ đang đi trên lối dẫn ra cổng chính của lâu đài, đã từ một khung cửa nhỏ dẫn ra hàng hiên và đến gần từ sau.
Những gì bà De Tourville nói có phần nào đúng. Pierre Lenet, cố vấn của ngài hoàng thân, một con người lạnh lùng, thông thái và nghiêm nghị, được người tù giao cho nhiệm vụ trông chừng cả bạn lẫn thù, và cần phải nói thêm rằng, ông ta gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn cản bè bạn của ông hoàng, mang họa đến cho lợi ích của ngài hơn là chiến đấu chống lại những âm mưu của kẻ thù. Nhưng khôn khéo và tinh anh như một nhà luật sư, đã quá quen với những chuyện gây gỗ và những âm mưu trong triều đình, ông ta thường là thắng thế, bằng một thái độ bất bạo động khó lòng lay chuyển. Vả lại, hơn nữa, chính ở Chantilly là nơi ông ta phải chiến đấu với đầu óc nhiều hơn cả. Tánh tự ái của bà De Tourville, tánh nóng nảy của vị phu nhân trẻ, thái độ cứng cỏi cao sang của bà công chúa già cũng khá tương xứng với mưu mẹo của Mazarin, cử chỉ kiêu căng của Anne D Autriche và những quyết định thiếu chính xác của nghị viện.
Có nhiệm vụ phải trông coi đến thư từ của các ông hoàng, Lenet tự buộc mình phải theo cái luật chỉ là thông báo các tin tức cho các vị công chúa vào những lúc cần thiết, và chính ông ta sẽ định ra thời khoảng tiện lợi đó, bởi vì đường lối ngoại giao của các bà không bao giờ tuân thủ theo nguyên tắc là giữ bí mật, nguyên tắc đầu tiên trong đường lối ngoại giao của các ông, và như vậy khá nhiều kế hoạch của Lenet đã bị tiết lộ cho kẻ thù qua những người cùng phe với ông.
Hai vị phu nhân, cũng không phải là nhận ra, mặc dầu vẫn thường xuyên gặp phải sự chống đối nơi ông ta, lòng tận tụy nhất là sự có mặt cần thiết của Lenet, nên tiếp đón ông với một cử chỉ thân mật, một nụ cười nhẹ hiện ra trên môi bà công chúa.
– Kìa, ông Lenet thân mến, ông đã nghe bà Tourville than phiền hoặc nói đúng hơn, than trách giùm chúng ta. Tất cả càng ngày càng tệ đi. Ôi! Công việc của chúng ta! Lenet thân mến, công việc của chúng ta tệ quá!
– Thưa phu nhân – Lenet nói – Tôi không muốn nhìn các sự kiện một cách bi quan như phu nhân đang nhìn. Tôi rất hy vọng vào thời gian và vào những ngày sáng sủa hơn sẽ trở lại. Phu nhân cũng biết câu tục ngữ rồi đấy: “Tất cả sẽ đến đúng lúc cho kẻ biết chờ đợi”?
– Thời gian, những ngày sáng sủa hơn, đó là triết lý thôi thưa ông Lenet, chứ không phải là chính trị. – Phu nhân trẻ kêu lên.
Lenet mỉm cười:
– Triết lý luôn cần thiết trong mọi vấn đề thưa phu nhân, và nhất là trong chính sự. Nó dạy cho chúng ta đừng kiêu căng với chiến thắng và đừng mất bình tĩnh khi bị thua.
– Ăn nhằm gì! – Bà Tourville nói – Tôi thích có được một tin tức tốt hơn là mấy câu ngụ ngôn của ông. Có phải vậy không, thưa phu nhân?
– Đúng, ta cũng mong như vậy. – Phu nhân trẻ trả lời.
– Như vậy phu nhân sẽ được hài lòng, vì sẽ nhận được ba tin trong ngày hôm nay. – Lenet trả lời, không mất vẻ bình tĩnh.
– Ba kia à?
– Vâng, thưa phu nhân. Người đưa tin thứ nhất đang trên đường từ Bordeaux về đây, người thứ hai từ Stenay và người thứ ba là ông De La Rochefoucauld gởi đến.
Cả hai vị phu nhân cùng thốt lên một tiếng kêu sung sướng. Bà Tourville cắn môi.
– Ông Lenet thân mến – Bà ta ngọt ngào nói để che giấu sự tức giận của mình và cái mỉa mai của những gì bà ta sắp nói ra, tôi cho rằng một nhà pháp luật tài ba như ông không nên dừng lại nửa vời như vậy, mà sau khi đã thông báo sẽ có ba bức công văn, thì ông cũng nên nói thêm về nội dung của chúng.
– Những hiểu biết của tôi, thưa bà, không giỏi giang như bà nghĩ đâu. – Ông ta khiêm tốn trả lời – nó chỉ giới hạn ở tư cách của một người đày tớ trung thành. Tôi chỉ báo chứ tôi không đoán.
Ngay khi đó, cứ như là Lenet có một tên quỷ trung thành phụ giúp, mọi người thấy hai kỵ sĩ đang băng qua cổng của lâu đài và phi nhanh ngựa vào. Thế là cả một đám người tò mò ùa đến để tìm hiểu tin tức.
Hai kỵ sĩ đặt chân xuống đất và một trong hai người trao cương ngựa cho người kia, có vẻ như một kẻ tùy tùng, chạy về phía các vị phu nhân cũng đang tiến đến gần.
– Claire! – Vị phu nhân trẻ kêu lên.
– Vâng, thưa phu nhân, xin nhận nơi em lòng kính trọng sâu xa.
Và quỳ gối xuống đất, chàng trai trẻ có ý nắm bàn tay của vị phu nhân để đưa lên môi hôn một cách kính cẩn.
– Lại đây, tử tước thân mến, để ta được ôm em! – Phu nhân trẻ kêu lên và đỡ nàng dậy.
Sau khi để phu nhân ôm hôn, người kỵ sĩ quay lại kính cẩn cúi chào bà công chúa.
– Nào, nói nhanh đi, Claire. – Bà này bảo.
– Phải đấy, em nói đi! – Phu nhân trẻ nói – Em có gặp Richon không?
– Thưa phu nhân, có ạ, và ông ấy đã giao cho em một tin mang về cho phu nhân.
– Tốt hay xấu?
– Em cũng không biết, nó chỉ cần hai tiếng.
– Nói đi! Ta sốt ruột lắm rồi!
Vẻ lo âu cực độ hiện rõ trên mặt của hai phu nhân.
– Bordeaux! Có! – Claire nói ra, cũng lo lắng về hiệu quả của hai tiếng này.
Nhưng nàng yên tâm ngay, bởi vì hai vị phu nhân đáp lại hai tiếng đó bằng những tiếng kêu chiến thắng khiến cho Lenet phải chạy đến.
– Ông Lenet! Ông Lenet! Lại đây. – Phu nhân trẻ kêu lên – Ông có biết Claire mang đến cho chúng ta tin tức gì không?
– Biết chứ, thưa phu nhân! – Lenet mỉm cười nói – Tôi biết rồi, bởi vậy nên tôi vội đến đây.
– Sao? Ông biết trước rồi à?
– Bordeaux – Có! Có phải vậy không?
– Ôi, ông Pierre, ông đúng thật là một gã phù thủy! – Bà công chúa già bảo.
– Nếu ông đã biết trước, ông Lenet – Phu nhân trẻ nói với giọng trách móc – tại sao biết chúng tôi lo âu như vậy ông lại không nói ra?
– Bởi vì tôi muốn dành cho nữ tử tước, phần thưởng công lao khó nhọc của cô ấy. – Lenet trả lời, vừa cúi chào Claire – Mà cũng bởi vì tôi ngại rằng từ ngoài hàng hiên, mọi người sẽ thấy cử chỉ vui mừng thái quá của hai vị phu nhân.
– Ông có lý, luôn luôn có lý, Lenet à! Thôi chúng ta đừng nói nữa!
– Có đúng là chúng ta phải mang ơn Richon về việc này không? – Bà công chúa già nói – Ông cũng hài lòng chứ Lenet? Richon đã hành động thật khéo, phải vậy không?
– Richon là một người ngoan cường và biết hành động, thưa phu nhân. – Lenet nói – Và nếu không tin tưởng thì tôi đã không giới thiệu người ấy với phu nhân.
– Chúng ta sẽ làm gì cho ông ấy bây giờ? – Phu nhân trẻ nói.
– Phải cho ông ta một chức vụ quan trọng nào đó. – Phu nhân già nói.
– Một chức vụ quan trọng!… Phu nhân quên rồi sao? – Bà De Tourville nói với một giọng chua như giấm, phu nhân quên rằng Richon không thuộc hàng quý tộc hay sao?
– Cả tôi nữa, thưa bà, tôi cũng không thuộc hàng quý tộc. – Lenet trả lời – Nhưng điều đó không ngăn cản ngài hoàng thân đặt tin tưởng nơi tôi. Quả thật là tôi rất mến phục hàng quý tộc của nước Pháp, nhưng trong vài trường hợp tôi dám nói rằng trái tim dũng cảm đáng giá hơn cả một cái huy hiệu của quý tộc.
– Mà tại sao ông ấy không thân chinh đến báo với chúng ta tin mừng đó? – Phu nhân trẻ nói.
– Ông ta ở lại Guyenne để chiêu mộ một số người. Ông ta bảo với tôi rằng đã tập họp được gần ba trăm binh lính, có điều ông ta bảo rằng, vào thời gian gấp rút, họ sẽ không được huấn luyện kỹ để tham gia chiến trận và ông ta thích được bổ nhiệm làm chỉ huy ở một nơi như Vayres hoặc đảo Saint George hơn. Ở những vị trí đó, ta đoán chắc rằng sẽ có ích cho các vị phu nhân hơn.
– Nhưng làm sao xin được điều đó? – Phu nhân trẻ nói – Chúng ta bây giờ có được triều đình coi trọng để có thể xin bổ nhiệm bất cứ ai, mà người được chúng ta xin sẽ bị họ nghi ngờ ngay.
– Thưa phu nhân! – Nữ tử tước nói – Có lẽ còn một cách mà chính Richon đã gợi ý cho em.
– Em nói thử coi.
– Ngài D Epernon hình như… – Nàng tử tước nói tiếp và đỏ mặt – đang yêu mê mệt một cô nào đó.
– A phải, người đẹp Nanon – Phu nhân trẻ khinh miệt nói – chúng ta đã biết chuyện.
– Thì đấy, hình như ngài D Epernon không từ chối điều gì với người phụ nữ ấy cả và người phụ nữ ấy nhận tất cả những gì mà người ta bỏ tiền ra mua. Chúng ta có thể mua một giấy ủy nhiệm cho ông Richon được không?
– Tiền đầu tư rất đúng chỗ. – Lenet nói.
– Vâng, nhưng quỹ cạn rồi, ngài cũng biết rồi đấy ngài cố vấn ạ! – Bà Tourville nói.
Lenet mỉm cười quay về phía nữ tử tước De Cambes.
– Đây chính là lúc – Ông ta nói – để bà chứng tỏ với các vị phu nhân rằng bà đã quan tâm đến mọi việc.
– Ông muốn nói gì chứ Lenet?
– Ông ấy muốn nói rằng, thưa phu nhân, em rất lấy làm sung sướng được có thể biếu phu nhân một món tiền nhỏ mọn mà khó khăn lắm mới lấy được từ những người tá điền. Lễ vật khiêm tốn, nhưng em không biết làm sao hơn. Hai mươi ngàn livres! – Nữ tử tước tiếp tục nói, mắt nhìn xuống, ngập ngừng do sự xấu hổ vì chỉ có thể biếu một món tiền nhỏ như vậy cho hai vị phu nhân thật cao thượng, chỉ thua có hoàng hậu trong vương quốc này.
– Hai mươi ngàn livres! – Hai vị phu nhân kêu lên.
– Nhưng đây là cả một gia tài vào thời loạn như chúng ta hiện tại! – Bà công chúa kêu lên.
– Claire yêu quý! – Phu nhân trẻ kêu lên – Làm sao chúng ta có thể trả được món nợ này?
– Sau này phu nhân sẽ nghĩ đến vậy.
– Món tiền ấy đâu? – Bà De Tourville hỏi.
– Trong phòng của phu nhân, Pompéc, người tùy tùng của em đã được lệnh mang vào đấy.
– Lenet, ông hãy nhớ là chúng ta nợ cô De Cambes món tiền ấy nhé.
– Việc đó đã được làm rồi – Lenet nói vừa lôi trong túi ra một cuốn sổ và chỉ cho thấy, bên dưới hàng chữ ghi ngày tháng, hàng số hai mươi ngàn livres trong một hàng cột số mà tổng số sẽ làm kinh hoảng các vị phu nhân nếu họ bỏ công cộng lại.
– Nhưng làm sao mà em qua được, em của ta? – Phu nhân trẻ tuổi nói – Bởi vì chúng ta được biết dư rằng ông Saint Aignan canh chừng con đường và cho khám xét tất cả người và vật?
– Thưa phu nhân, nhờ vào sự khôn ngoan của Pompéc, chúng em đã tránh được cái nạn đó. Chúng em đã đánh một vòng rộng, bởi vậy đã phải trừ hết một ngày rưỡi, nhưng chuyến đi được an toàn. Nếu không chúng em đã đến với phu nhân từ ngày hôm kia.
– Xin bà cứ yên tâm – Lenet nói – Chưa mất thời gian nhiều lắm đâu, việc quan trọng bây giờ là sử dụng đúng ngày hôm nay và ngày mai. Hôm nay xin các vị phu nhân nhớ cho, chúng ta chờ ba nguồn tin: nguồn tin thứ nhất đã đến, như vậy còn hai nữa.
– Mà có thể nào biết được tên của hai người đưa tin kia không, thưa ông? – Bà De Tourville hỏi, hy vọng sẽ bắt lỗi được ông Lenet, người mà bà đang tuyên chiến, một trận chiến, dù không được tuyên bố, vẫn có thật.
– Người thứ nhất, nếu lời đoán của tôi không lầm – Lenet trả lời – thì sẽ là Courville, ông này được ngài De La Rochefoucauld gởi đến.
– Ông muốn nói ông hoàng De Marsillac? – Bà De Tourville lại nói.
– Ông hoàng De Marsillac bây giờ là công tước De La Rochofoucauld thưa bà.
– Bố ông ta mất rồi à?
– Đã được tám ngày.
– Ở Verteuil.
– Con người thứ hai? – Phu nhân trẻ hỏi.
– Người thứ hai là Blanchefort, đại úy vệ binh của ngài hoàng thân. Ông ta từ Stenay, do ngài De Turenne phái đến.
– Nếu vậy – Bà De Tourville nói – tôi tin rằng, để khỏi mất thì giờ, chúng ta có thể xét lại kế hoạch thứ nhất của tôi, trong trường hợp cả Bordeaux cùng các ông De Turenne và De Marsillac cùng hợp lực với nhau.
Lenet mỉm cười như thói quen.
– Xin thứ lỗi cho tôi, thưa bà! – Ông ta lịch sự nói – Nhưng những kế hoạch do chính ngài hoàng thân vạch ra hiện giờ đang được thi hành và chắc chắn sẽ mang lại kết quả lớn.
– Các kế hoạch do ngài hoàng thân vạch ra – Bà Tourville nói với giọng chua như giấm – của ngài hoàng thân đang ở trong tháp cao của lâu đài Vincennes và không được liên lạc với ai?
– Đây là lệnh của ngài, do chính tay ngài viết mới hôm qua đây! – Lenet nói và rút từ trong túi ra – Một lá thư của hoàng thân Condé mà tôi vừa nhận được sáng nay. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau.
Tờ giấy gần như bị giật khỏi tay của ông cố vấn bởi hai bà công chúa, họ đọc ngấu nghiến, chảy nước mắt vì vui sướng.
– Nhưng mà, hình như cái túi của ông Lenet chứa đựng cả vương quốc Pháp này sao ấy? – Bà công chúa mỉm cười nói.
– Chưa đâu, thưa phu nhân, chưa đâu – Ông cố vấn trả lời – nhưng nếu có Trời giúp, tôi sẽ làm cho túi tôi đủ rộng để đựng được tất cả. Bây giờ… – Ông ta nói tiếp và chỉ nữ tử tước – bây giờ, bà đây cần được nghỉ ngơi, bởi vì đường dài…
Vị tử tước hiểu ý định của Lenet muốn được ở lại riêng với hai vị phu nhân, và sau một nụ cười của bà công chúa xác nhận ý kiến đó, cô cúi chào và lui ra.
Bà De Tourville ở lại và hy vọng sẽ được biết nhiều hơn về những tin tức bí mật; nhưng sau một cử chỉ ra dấu khó nhận biết của bà công chúa đối với con dâu, cả hai với một cái cúi chào thật lịch sự báo với bà De Tourville rằng buổi hội kiến về chính sự mà được mời tham dự đã chấm dứt. Người đàn bà đầu óc đầy lý thuyết hoàn toàn hiểu, cúi chào lại một cách trịnh trọng và nghiêm trang hơn rồi rút lui, kêu trời làm chứng cho thói bạc bẽo của các vị vương hầu.
Hai vị phu nhân quay về phòng làm việc và Lenet đi theo họ.
– Bây giờ – Lenet nói sau khi đã đóng kín cửa lại – xin các vị vui lòng tiếp Courville, ông ta đã đến và đã thay y phục, vì không dám đến trình diện trong bộ y phục đi đường.
– Ông ta mang tin gì đến?
– Rằng ngài De La Rochefoucauld sẽ đến đây chiều nay hoặc ngày mai, cùng với năm trăm người.
– Năm trăm người! – Phu nhân trẻ kêu lên – Cả một đội quân!
– Sẽ khiến cho chuyến ra đi của chúng ta trở nên khó khăn. Tôi cho rằng năm hoặc sáu người theo hầu thì hay hơn là cả một đoàn như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng tránh được ông Saint Aignan hơn. Bây giờ thì khó mà đến được vùng Midi mà không bị làm khó dễ.
– Nếu họ làm khó dễ chúng ta thì càng tốt chứ sao! – Vị phu nhân trẻ kêu lên – bởi vì nếu họ làm khó dễ chúng ta, chúng ta sẽ chiến đấu và sẽ thắng, tinh thần của ngài Condé sẽ cùng ở với chúng ta.
Lenet nhìn bà công chúa già như để hỏi ý kiến, nhưng Charlotte De Montmorency, lớn lên trong thời nội chiến của vua Louis XIII, và đã từng được thấy bao nhiêu cái đầu cao ngạo phải cúi xuống hoặc lên đoạn đầu đài chỉ bởi vì luôn luôn đứng thẳng, buồn bã đưa một bàn tay lên vầng trán u ám những kỷ niệm nặng nề.
– Phải! – Bà nói – Chúng ta buộc phải như vậy thôi. Trốn tránh, hoặc chiến đấu: một hành động khủng khiếp. Trước kia chúng ta sống yên ổn, với một chút danh vọng mà Thượng đế đã ban cho chúng ta; chúng ta chẳng đòi hỏi gì hơn là được ở vào giai cấp mà chúng ta sinh ra, và thế mà may rủi của thời thế đã khiến chúng ta phải chiến đấu chống lại chủ nhân của chúng ta…
– Thưa mẹ! – Vị phu nhân trẻ hung hăng nói – Con không cho rằng cảnh khó khăn mà chúng ta bị dồn vào là đáng buồn như mẹ nghĩ. Chồng và anh con đang phải chịu một cảnh giam cầm nhục nhã; người chồng và người anh đó đều là con trai mẹ; ngoài ra con dâu mẹ còn bị ngược đãi. Những điều này sẽ bào chữa cho mọi dự định mà chúng ta toan tính.
– Phải! – Bà phu nhân già nói với một giọng buồn bã, nhẫn nhịn – Phải ta kiên nhẫn chịu đựng tất cả mọi điều đó hơn là con, nhưng hình như ta cho rằng số phận của chúng ta là bị ngược đãi và giam cầm. Khi ta vừa về làm vợ của bố chồng con thì ta phải rời nước Pháp, bị đeo đuổi bởi tình yêu của vua Henri IV. Chúng ta vừa trở về thì phải vào Vincennes, bởi lòng thù hận của hồng y De Riechelieu. Con trai ta, hiện giờ ở trong tù đã sinh ra ở trong tù và sau ba mươi hai năm đã nhìn thấy căn phòng nơi mình sinh ra. Than ôi! Bố chồng con đã nói đúng trong những lời tiên tri của mình: Khi ông được báo tin thắng trận tại Rocroy, khi ông được dẫn vào gian phòng trang hoàng những lá cờ lấy được của Tây Ban Nha, ông đã nói với mẹ: “Có Thượng đế biết được niềm vui mà chiến thắng của con trai tôi mang lại cho tôi nhưng phu nhân hãy nhớ, rằng vinh quang của nhà ta càng cao bao nhiêu, thì chúng ta càng gặp nhiều tai họa bấy nhiêu. Tôi đã muốn huy hiệu nhà mình mang hình một con ó, với hàng chữ: Fama Nocet (Chú thích: Tiếng La Tinh hư danh – ý nói rằng tiếng tăm đó chỉ mang đến điều tác hại). Chúng ta đã gây nhiều tiếng vang quá con ạ, và đó là điều mang họa đến cho chúng ta. Ông có đồng ý với tôi không Lenet?
– Thưa phu nhân – Lenet lại nói phiền muộn vì những kỷ niệm mà bà công chúa vừa gợi lại – Phu nhân nói đúng, bây giờ thì chúng ta đã tiến xa để có thể lùi lại; hơn thế nữa trong những tình huống tương tự của chúng ta, vấn đề là phải có một quyết định nhanh gọn: Chúng ta không được che giấu tình thế của chúng ta. Chúng ta chỉ tự do qua bề ngoài, hoàng hậu luôn luôn nhìn ngó đến chúng ta, và ông Saint D Aignan cản đường chúng ta. Đấy! Vấn đề bây giờ là phải thoát khỏi Chantilly mặc cho sự giám sát của hoàng hậu và cảnh vây hãm của lão Saint D Aignan.
– Chúng ta hãy ra khỏi Chantilly, nhưng phải ngẩng cao đầu! – Phu nhân trẻ kêu lên.
– Ta cũng đồng ý với ý kiến đó! – Vị công chúa già nói – Nhà Condé không phải như mấy tên Tây Ban Nha và không phản bội bao giờ. Cũng không phải như những tên người Ý nên không bao giờ mưu mô xảo quyệt… Những gì nhà ta làm là giữa thanh thiên bạch nhật và luôn luôn ngẩng cao đầu.
– Thưa phu nhân – Lenet nói giọng hoàn toàn tin tưởng – Có Thượng đế làm chứng cho tôi rằng tôi sẽ là người đầu tiên thực hiện mọi mệnh lệnh của phu nhân; nhưng để ra khỏi Chantilly theo ý muốn của phu nhân, cần phải chiến đấu… Có lẽ các vị phu nhân không muốn làm nữ giới trong ngày chiến đấu, sau khi đã tỏ ra mình không thua kém gì nam giới trong việc tham mưu… Các vị sẽ đi đầu trận chiến… Nhưng các vị quên rằng, bên cạnh mạng sống quý báu của các vị bắt đầu vừa chớm một mạng sống quý báu không thua kém: Đó là cậu quận công D Enghien, con trai và là cháu nội của các vị… Có thể nào các vị sẽ liều cả hiện tại và tương lai của nhà Condé vào cùng một nấm mồ?… Chẳng lẽ các vị lại không biết rằng người cha sẽ bị Mazarin coi như con tin và sẽ bị đem ra xử trảm trước những âm mưu dùng vũ lực của người con? Có lẽ nào các vị đã quên những hầm tối của lâu đài Vicennes?… Không đâu, thưa các phu nhân… – Lenet chắp hai tay lại nói tiếp – Không được đâu, xin các vị hãy nghe theo ý kiến của người đầy tớ già này: Các vị sẽ ra khỏi Chantilly một cách phù hợp với tư cách của những người phụ nữ bị sát hại… Xin hãy nhớ rằng vũ khí chắc chắn nhất của quý vị là sự yếu đuối… Một người con bị mất cha, một người vợ mất chồng, một người mẹ mất con, cố tìm mọi cách để trốn thoát khỏi cái bẫy mà họ bị giữ lại… Muốn hành động và ăn nói một cách cao ngạo, xin các vị hãy chờ đến lúc không còn là vật bảo chứng cho kẻ mạnh mẽ… Kế hoạch của chúng ta đã được bàn với Courville… Chúng ta chắc chắn sẽ có được một đội quân hộ tống tốt, và sẽ không bị làm khó dễ ở dọc đường… Bởi vì hiện nay, có cả hai mươi phe phái khác nhau đang tham chiến và khó mà phân biệt được ai là bạn ai là thù… Xin hãy nghe theo tôi. Tất cả đều đã sẵn sàng.
– Lén lút ra đi như những tên tội phạm vậy! – Vị phu nhân trẻ kêu lên – Ôi! Ngài hoàng thân sẽ nói sao đây khi biết được rằng mẹ, vợ và con mình sẽ phải chịu một nỗi nhục nhã như thế này?
– Tôi không biết ngài sẽ nói như thế nào; nhưng nếu các vị thành công, ngài sẽ phải chịu ơn các vị vì sự tự do của ngài, và nhất là địa vị, như các vị sẽ bị mất trong một trận chiến.
Bà công chúa già suy nghĩ một hồi với một nét buồn trên mặt.
– Ông Lenet thân mến! – Bà nói – Ông hãy cố gắng thuyết phục con dâu ta, bởi vì ta, ta sẽ ở Lại đây. Ta đã chiến đấu cho đến bây giờ, nhưng ta đã phải đầu hàng, nỗi đau khổ đã từng gặm nhấm ta mà cố hết sức giấu diếm để khỏi làm nản lòng những kẻ chung quanh ta, sẽ giữ ta lại trên giường bệnh, và có lẽ cũng là nơi ta trút hơi thở cuối cùng nhưng như ông đã nói: Trước hết, cần phải cứu gia sản của nhà Condé. Con dâu và cháu nội ta sẽ rời Chantilly và ta hy vọng rằng họ sẽ có đủ khôn ngoan để nghe theo lời khuyên của ông, ta còn nói hơn thế nữa, lệnh của ông. Hãy ra lệnh đi Lenet, mọi người sẽ tuân theo.
– Phu nhân xanh quá! – Lenet kêu lên và đỡ bà công chúa.
– Phải! – Bà nói mỗi lúc mỗi yếu thêm – Phải, nhưng tin mừng của hôm nay đã làm cho ta đau đớn hơn cả những nỗi lo của các ngày vừa qua. Ta cảm thấy cơn sốt đang dày vò ta, nhưng đừng để lộ ra điều đó trong tình trạng hiện thời có thể làm hại đến chúng ta.
– Thưa phu nhân – Lenet nói nhỏ – việc phu nhân khó ở sẽ có lợi cho chúng ta nếu như phu nhân không cảm thấy đau đớn quá. Phu nhân hãy nằm nghỉ, hãy báo tin về căn bệnh này. Còn phu nhân – Ông ta nói tiếp và quay về phía vị phu nhân trẻ – xin phu nhân hãy cho gọi ông y sĩ Bourdelot, và vì chúng ta sẽ cần đến ngựa, hãy thông báo đi khắp nơi rằng phu nhân sẽ tổ chức một cuộc săn hươu trong khuôn viên, như vậy sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy người ngựa và khí giới đang được chuẩn bị.
– Xin ông hãy tự ra lệnh Lenet à! Nhưng tại sao một người sáng suốt như ông lại không nghĩ rằng mọi người sẽ thắc mắc về cuộc đi săn lạ lùng này trong khi mẹ tôi đang ngã bệnh?
– Bởi vậy, mọi chuyện đều được tính trước thưa phu nhân. Có phải rằng ngày kia cậu công tước D Enghien sẽ được bảy tuổi và sẽ rời khỏi tay các nhủ mẫu cùng mẹ mình?
– Phải.
– Vậy chúng ta hãy nói rằng buổi đi săn này được tổ chức để mừng dịp hoàng tử trẻ lần đầu tiên dự một cuộc đi săn, vị phu nhân lớn nhấn mạnh để bịnh tình của mình không mang điềm xấu đến cho tính cách quan trọng của buổi lễ đó và phu nhân đã nghe theo lời dạy của ngài.
– Ý kiến rất tuyệt! – Vị phu nhân già kêu lên với một nụ cười sung sướng – Phải, lý do này rất tốt, và Lenet à, phải nói rằng ông thật xứng đáng là một người cố vấn tài ba.
– Nhưng nếu theo cuộc đi săn, quận công D Enghien phải ngồi xe thì sao? – Phu nhân trẻ hỏi.
– Không, thưa phu nhân, sẽ đi ngựa. Xin trái tim người mẹ đừng sợ gì cả. Tôi đã nghĩ ra một cái yên nhỏ mà Vialas, tên lính hầu của cậu sẽ đặt phía trước yên của hắn, như vậy mọi người sẽ nhìn thấy quận công D Enghien và tối đến chúng ta sẽ được an toàn ra đi, bởi vì nếu đi xe, cậu sẽ bị cản lại một cách dễ dàng.
– Như vậy ông cho rằng nên ra đi à?
– Tối ngày kia, thưa phu nhân, nếu phu nhân không có lý do nào khác để hoãn lại chuyến đi.
– Ồ, không, trái lại chúng ta hãy rời khỏi nhà tù này càng sớm càng tốt.
– Một khi rời khỏi Chantilly rồi, ông sẽ làm gì? – Bà công chúa hỏi.
– Chúng tôi sẽ vượt qua khỏi đội quân của ngài Saint D Aignan và sẽ tìm cách bịt mắt ông ta lại. Chúng tôi sẽ về cùng với ngài De La Rochefoucauld và sẽ cùng về Bordeaux nơi mọi người đang chờ chúng ta. Một khi về đến thủ đô của Midi rồi, chúng tôi sẽ thương lượng hoặc chiến đấu tùy theo ý các vị, dẫu sao, thưa phu nhân, tôi cũng xin được phép nhắc lại với các vị rằng ngay cả ở Bordeaux, chúng ta cũng sẽ không có được may mắn cầm cự lâu dài nếu như ở chung quanh không có những nơi khác lôi kéo sự chú ý của đội quân của đức vua. Có hai nơi thuộc vào hàng quan trọng nhất: Vayres cai quản cả sông Dordogne và giúp cho các vật thực đến được thành phố, và đảo Saint Georges mà người dân Bordeaux xem như chìa khóa của thành phố họ. Nhưng chúng ta sẽ lo đến điều đó sau này, tạm thời chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến việc ra khỏi đây.
– Theo tôi, thì chẳng có gì là dễ hơn. – Vị phu nhân trẻ nói – Dù cho ông có nói sao đi nữa, Lenet, chỉ có chúng ta là chủ ở đây.
– Xin phu nhân đừng trông cậy vào điều gì cả trước khi vào đến Bordeaux; chẳng có điều gì là dễ dàng trước đầu óc quỷ quyệt của ngài Mazarin, và nếu tôi phải chờ đợi cho đến khi chỉ còn lại mấy người chung quanh ta mới đưa ra các kế hoạch của tôi, là để cho lương tâm tôi được yên ổn. Tôi xin thề là như vậy, bởi vì tôi rất e ngại cho những dự định mà chỉ có đầu óc tôi mới nghĩ ra và chỉ có các vị là những người duy nhất được nghe. Ngài Mazarin không cần biết các tin tức lão ta đoán ra.
– Nhưng tôi thách ông ta làm hỏng kế hoạch lần này! – Vị phu nhân trẻ nói – Xin hãy giúp mẹ tôi trở về phòng bà, ngay hôm nay tôi sẽ loan tin về cuộc đi săn sắp tới của chúng ta vào ngày kia. Lenet à, ông hãy lo việc mời khách nhé!
– Xin phu nhân hãy để tôi lo.
Vị phu nhân già trở về phòng và lên giường nằm nghỉ. Bourdelot, y sĩ của gia đình Condé và là thày dậy của quận công D Enghien, được mời đến; tin tức về tình trạng mệt yếu của bà phu nhân lan ra khắp Chantilly và trong vòng nửa tiếng, các bụi cây, các vườn hoa đều vắng người, các vị khách vội vã tuôn đến tiền phòng của người bệnh.
Lenet bỏ cả ngày hôm ấy và cả tối nữa để viết hơn năm mươi lá thư mời gởi đi khắp nơi nhà đám gia nhân đông đảo của gia đình hoàng gia.