Những Quả Trứng Định Mệnh

Chương 1



Chiều tối ngày mười sáu tháng tư năm một nghìn chín trăm hai tám, giáo sư khoa Động vật học thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia số Bốn kiêm Viện trường Viện Động vật học Moskva Persicov bước vào phòng làm việc của mình ở Viện Động vật học tọa lạc trên phố Gersen. Giáo sư bật ngọn đèn tròn đục ở trên trần và đưa mắt nhìn quanh.

Khởi đầu của cả một chuỗi dài tai họa khủng khiếp, có thể nói, là đã có mầm mống vào ngay cái buổi tối định mệnh hôm đó, cũng như nguyên nhân khởi thủy của những thảm kịch này chính là giáo sư Vlađimir Ipatievich Persicov.

Năm nay giáo sư năm mươi tám tuổi. Một cái đầu tuyệt vời ngang bướng, trán hói bóng, những túm tóc hoe vàng lưa thưa hai bên tai. Râu ria cạo nhẵn, vành môi dưới dấu ra khiến cho nét mặt của ông bao giờ cũng như có một vẻ giận dỗi, trái tính trái nết. Cặp kính gọng bạc cổ lỗ sĩ bé xíu kẹp phía trên hai cánh mũi đỏ ửng, đôi mắt nhỏ tinh nhanh, dáng người dong dỏng, lưng hơi gù, giọng nam cao the thé, rin rít; và một trong nhiều thói quen kì quặc của Persicov là khi nói về điều gì đó chắc chấn và tự tin thì ngón trỏ bàn tay phải của ông liền biến thành một nhiếc móc câu nhỏ, và hai mắt ông nheo tít lại. Vì bao giờ giáo sư Persicov cũng nói hết sức chắc chắn và tự tin, bởi sự hiểu biết của ông trong các lĩnh vực ông quan tâm quả là phi thường, nên chiếc móc câu nhỏ rất hay xuất hiện trước mặt những người nói chuyện với ông. Mà ngoài lĩnh vực của ông, nghĩa là ngoài các bộ môn Động vật học, Phôi thai học, Giải phẫu học, Thực vật học và Địa lí học, giáo sư Persicov hầu như không nói gì bao giờ.

Báo chí giáo sư không đọc; phim ảnh, nhà hát giáo sư không xem; còn về chuyện gia đình thì năm một nghìn chín trăm mười ba vợ ông đã bỏ ông để chạy theo một giọng tenor của nhà hát opera Đimin, gửi lại cho ông một mẩu giấy với nội dung như sau:

“Lũ ếch nhái của ông khiến tôi kinh tởm không chịu nổi. Tôi sẽ suốt đời bất hạnh vì chúng.”

Giáo sư không có con và từ đó không lấy vợ nữa. Tính khí thất thường, dễ giận nhưng cũng dễ vui, thích uống chè với mứt dâu đất, sống trên phố Pretristenca trong căn hộ năm phòng. Một trong năm phòng đó dành cho người giúp việc già gầy đét đẹt là bà Maria Stepanovna. Bà chăm sóc giáo sư như một vú nuôi chăm trẻ.

Năm một nghìn chín trăm mười chín, người ta trưng thu ba trong số năm phòng của giáo sư. Lần đó ông đã tuyên bố với bà Maria Stepanovna:

– Nếu họ không chấm dứt ngay những trò quái gở này, Maria Stepanovna ạ, thì tôi sẽ ra nước ngoài!

Không có gì phải nghi ngờ, rằng nếu giáo sư thực hiện ý định đó thì ông đã rất dễ dàng kiếm được chỗ đứng ở các khoa Động vật học tại bất kì trường đại học nào trên thế giới, bởi vì ông là một nhà bác học siêu thặng, còn trong các lĩnh vực ít nhiều liên quan đến lớp lưỡng cư hoặc các loài bò sát khỏa bì, thì ông là người không ai sánh kịp, họa may chợt có các giáo sư Uyliam Veckl ở Cambridge và Giaeomo Bartolomeo Bekkari ở La Mã. Giáo sư đọc sách bằng bốn thứ tiếng, không kể tiếng Nga, còn tiếng Pháp và tiếng Đức ông nói như tiếng Nga. Nhưng cuối cùng thì Persicov đã không thực hiện ý định bỏ ra nước ngoài của mình, và năm một nghìn chín trăm hai mươi lại còn tồi tệ hơn năm một nghìn chín trăm mười chín. Nhiều sự kiện đã liên tục xảy ra. Đại lộ Nikitskaia đổi thành phố Gersen(*). Rồi chiếc đồng hồ gắn vào tường trên ngôi nhà ở ngã tư phố Gersen cắt phố Mokhovaia dừng lại ở mười một giờ mười lăm phút. Và cuối cùng, trong các khu nuôi thí nghiệm củaViện Động vật học, không chịu đựng nổi những biến cố dâu bể của năm một nghìn chín trăm mười chín lịch sử, đầu tiên là tám tiêu bản nhái tuyệt đẹp chầu trời, tiếp đó là mười lăm chàng cóc xám, và sau hết là một tiêu bản cực hiếm loài cóc Xurinam đều theo nhau từ bỏ thế giới này.

Tiếp liền theo những con cóc nhái đã kết thúc sự tồn tại cả bộ sưu tập thứ nhất lớp bò sát khỏa bì được gọi hoàn toàn đích đáng là lớp bò sát không đuôi, ông già Vlas, vốn không thuộc lớp bò sát khỏa bì, người gác cổng chung thân của Viện Động vật học, cũng sang thế giới bên kia nốt. Nguyên nhân cái chết của ông thực ra cũng là nguyên nhân cái chết của bầy bò sát tội nghiệp, và Persicov xác định ngay:

– Thiếu ăn!

Nhà bác học đã phán tuyệt đối đúng: Vlas cần phải được nuôi bằng bột mì, còn cóc thì nuôi bằng mọt bột, mà vì bột mì không còn nên mọt bột cũng biến mất. Ersicov đã định nuôi hai mươi mẫu nhái còn lại bầng gián, nhưng không hiểu sao loài gián cũng trốn đi đâu tiệt, dường như chúng muốn chứng tỏ thái độ thù địch đối với chủ nghĩa cộng sản thời chiến. Vì vậy, những mẫu vật cuối cùng buộc phải đem vứt ra hố rác ở góc sân của Viện. Tác động của những cái chết, đặc biệt là cái chết của mẫu cóc Xurinam, đối với Persicov là không bút mực nào tả nổi, và không hiểu sao ông lại đổ toàn bộ tội lỗi của tát cả những cái chết đó lên đầu người ủy viên Dân ủy(*) Giáo dục thời đó.

Đầu đội mũ lông, chân đi ủng cao su, đứng trong hành lang lạnh băng của Viện Động vật học, Persicov nói với viên trợ lí Ivanov của mình, một trang hào hoa hết mực với bộ râu nhọn màu hung vàng:

– Vì chuyện này xử tử hãy còn là nhẹ, Piot r Stepanovich ạ!

Họ đang làm chuyện gì vậy? Họ sẽ phá nát cái Viện này ra! Hừ!

Một con đực độc nhất vô nhị một bản mẫu đặc biệt của Pipa americana(*) có chiều dài đến mười ba centimet…

Tiếp đó càng ngày càng tệ. Sau khi Vlas mất đi; các căn phòng trong Viện Động vật học nguội tanh nguội ngất, những tảng băng nhiều màu bám cả vào mặt trong của các tám kính cửa sổ.

Thỏ, cáo chó sói, cá và toàn bộ lũ rắn nước theo nhau nghèo.

Persicov trở nên câm lặng suốt ngày, rồi ông bị viêm phổi nặng nhưng không chết. Sau khi bình phục, ông một tuần đến Viện hai lần và vẫn đi ủng cao su, đội mũ trùm tai, quàng khăn, miệng phả hơi trắng xóa, đọc loạt bài giảng Bò sát nhiệt đới cho tám người nghe trong giảng đường hình tròn, nơi không hiểu sao nhiệt độ thường xuyên không đổi là năm độ âm mặc cho ngoài trời có là bao nhiêu độ. Toàn bộ thời gian còn lại trong ngày, Persicov nằm dài ở nhà trên chiếc đi văng trong căn phòng sách chất đến tận trần, người khoác khăn choàng len, ho khoàng khoạc, nhìn trân trân vào miệng chiếc lò sưởi nhỏ mà bà Maria Stepanovna đốt bằng gỗ chẻ ra từ những chiếc ghế mạ vàng, và nhớ tiếc con cóc Xurinam xấu số nọ.

Nhưng rồi mọi cái trên đời đều phải đến lúc kết thúc. Hết năm một nghìn chín trăm hai mươi rồi năm một nghìn chín trăm hai mươi mốt, còn qua năm một nghìn chín trăm hai mươi hai thì thời thế đã bắt đầu một chuyển động có chiều hướng ngược lại.

Đầu tiên là thay vào chỗ ông già Vlas quá cố xuất hiện anh chàng Pankrat, anh này hãy còn trẻ nhưng đã tỏ ra là một chân gác cổng Viện Động vật học đầy triển vọng; rồi ngôi nhà của Viện dần dần được sưởi ấm ít nhiều. Đến mùa hè, với sự giúp sức của Pankrat, giáo sư Persicov đã bắt được mười bốn con cóc thông thường ở Kliazma. Trong các khu nuôi vật mẫu thí nghiệm, cuộc sống lại bất đầu sôi động…

Vào năm một nghìn chín trăm hai mươi ba Persicov đã đọc bài giảng tám lần một tuần – ba lần ở Viện và năm lần ở trường Đại học Tổng hợp; năm một nghìn chín trám hai tư – mười ba lần một tuần, chưa kể ở các khóa hàm thụ; còn mùa xuân năm một nghìn chín trăm hai lăm ông nổi danh như cồn vì đã đánh trượt bảy mươi sáu sinh viên, mà tất cả đều ở chuyên đề bò sát khỏa bì.

– Thế nào, anh không thể phân biệt được loài bò sát khỏa bì với loài bò sát lượng thê à? – Persicov hỏi. – Thật buồn cười anh bạn ạ. Bò sát khoả bì không có hậu thận. Không có, hiểu không!

Thật xấu hổ. Hình như anh là đảng viên mác xít?

– Vâng, – anh chàng bị đánh trượt lí nhí đáp.

– Vậy thì mùa thu mời anh thi lại, – Persicon lịch sự kết luận và cao giọng gọi Pankrat: – Cho người tiếp theo vào!

Giống như loài lưỡng cư hồi sinh lại sau đợt hạn kéo dài bỗng được gặp cơn mưa tươi tốt, giáo sư Persicov cũng hồi sinh vào năm một nghìn chín trăm hai sáu khi Công ty liên doanh Mỹ-Nga xây những ngôi nhà mười lăm tầng ở trung tâm Moskva, bắt đầu từ góc phố Tverskaia gặp ngõ Nhật Báo, và ba trăm khu biệt thự nhỏ ở ngoại ô, mỗi khu tám căn hộ, vĩnh viễn kết thúc cuộc khủng hoảng nhà cửa khủng khiếp và buồn cười đã hành hạ người dân Moskva vào những năm một nghìn chín trăm mười chín – một nghìn chín trăm hai lăm.

Nói chung đó là một mùa hè tuyệt vời trong cuộc đời của Persicov, và thỉnh thoảng ông xoa xoa hai bàn tay vào nhau cất tiếng cười khẽ khàng, mãn nguyện nhớ lại những lúc ông cùng với bà Ma ria Stepanovna phải khốn khổ trong hai căn buồng. Bây giờ giáo sư đã nhận lại cả năm buồng, được mở rộng thêm, sử dụng một tủ sách hai nghìn rưởi quyển, vô số thú nhồi, giản đồ, máy móc; ngọn đèn xanh trong phòng làm việc của ông lại được thấp sáng như xưa.

Và cả ngôi nhà của Viện cũng thay đổi đến không nhận ra nữa: nó được phủ một lớp sơn màu kem sữa, nước được dẫn theo đường ống đặc biệt vào phòng nuôi bò sát thí nghiệm, tất cả kính được thay mới, nhận về thêm năm cỗ kính hiển vi, nhiều bàn kính tiêu bản, bóng đèn hai ngàn oát với kính phản xạ, lò sưởi, tủ lưu trữ.

Persicov đã hồi sinh, và cả thế giới bất ngờ được biết điều đó khi vào tháng Mười năm một nghìn chín trăm hai sáu xuất hiện cuốn sách nhỏ: “Nói thêm về sự sinh sản của loài bò sát cóc da đốm hay Tonicella marmorea”, 126 trang. Nội san trường Đại học Tổng hợp số Bốn. Còn mùa thu năm một nghìn chín trăm hai bảy ông cho ấn hành công trình cơ bản ba trăm năm mươi trang, được dịch ra sáu thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Nhật: “Phôi thai học peloleates fuscus, cóc châu Mĩ và ếch”. Giá ba rúp. Nhà xuất bản Quốc gia. Còn mùa hè năm một nghìn chín trăm hai tám thì xảy ra câu chuyện lạ lùng, khủng khiếp dưới đây…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.