Những Đứa Con Của Tự Do

Chương 3



Hãy tin tôi đi, chiến tranh không bao giờ giống một bộ phim, không người bạn nào của tôi có gương mặt của Robert Mitchum, và giá như Odette có được dù chỉ là cặp chân của Lauren Bacall thôi, thì chắc tôi đã thử ôm hôn cô thay vì ngần ngại như một thằng ngu trước rạp chiếu bóng. Càng ngu hơn nữa bởi đó lại là hôm trước của buổi chiều mà hai tên quốc xã giết cô ở góc phố Xiêm Gai (Acacias). Từ đó, tôi không ưa cây xiêm gai.

Điều gay go nhất, tôi biết rằng thật khó tin, chính là tìm được lực lượng Kháng chiến.

Từ khi Caussat và bè bạn cậu mất tăm, em trai tôi và tôi phiền muộn lo lắng. Ở trường trung học, cuộc sống chẳng vui lắm, giữa những tư tưởng bài Do Thái của ông thầy sử – địa và những lời châm chọc của đám học trò ban triết mà bọn tôi thường đánh lộn. Các buổi tối tôi ngồi trước máy raio, để rình tin tức Luôn Đôn. Khi trường khai giảng, chúng tôi đã thấy trên bàn học những tờ giấy nhỏ mang tiêu đề “Chiến đấu”. Tôi đã nhìn thấy anh chàng đang lẻn ra khỏi lớp; đó là một cậu người Alsace tị nạn tên là Bergholtz. Tôi chạy ba chân bốn cẳng để đuổi kịp cậu ta trong sân, để bảo cậu rằng tôi muốn làm như cậu, phân phát truyền đơn cho Kháng chiến. Cậu đã cười cợt khi tôi nói thế, nhưng dù vậy tôi vẫn thành trợ thủ của cậu. Và những ngày sau đó, tan học, tôi đợi cậu bên lề đường. Cậu vừa đến góc phố, là tôi bắt đầu đi, còn cậu rảo bước để đuổi kịp tôi. Cùng nhau, chúng tôi luồn những tờ báo ủng hộ De Gaulle vào các hòm thư, thỉnh thoảng chúng tôi ném báo từ chỗ đứng ở đầu toa tàu điện trước khi nhảy xuống lúc tàu đang chạy và bỏ trốn.

Một chiều, Bergholtz không xuất hiện khi tan trường, và ngày hôm sau cũng không…

Từ đó, tan học, tôi cùng em Claude lên con tàu nhỏ đi dọc con đường Moissac. Chúng tôi lén lút đến “Trang viên”. Đó là một trú sở rộng lớn nơi sống ẩn náu khoảng ba chục đứa trẻ mà bố mẹ đã bị đi đày; các nữ hướng đạo sinh đã thu nạp và chăm sóc chúng. Claude và tôi đến xới đất nhặt cỏ trong vườn rau, thỉnh thoảng chúng tôi dạy toán và văn cho những đứa bé hơn. Tôi lợi dụng mỗi ngày ở Trang viên để van nài Josette, chị phụ trách, mách tôi một mối giúp tôi có thể tham gia Kháng chiến, và lần nào chị cũng nhìn tôi mà ngước mắt lên trời, làm ra vẻ chẳng hiểu tôi đang nói với chị cái gì.

Nhưng một hôm, Josette gọi riêng tôi vào văn phòng của chị.

– Chị nghĩ là chị có cái gì cho em đây. Hai giờ chiều nay em hãy đến trước số nhà 2phố Bayard. Một người qua đường sẽ hỏi em mấy giờ. Em sẽ trả lời rằng đồng hồ của em không chạy. Nếu người ấy bảo em “Cậu là Jeannot ư?” thì đúng người rồi đấy.

Và điều ấy đã xảy ra như thế đó…

Tôi đưa em trai theo và chúng tôi đã gặp Jacques trước số nhà 25 phố Bayard, ở Toulouse.

Anh đi vào con phố, khoác áo choàng màu xám và đội mũ dạ, một ống điếu ngậm bên khóe môi. Anh ném tờ báo của mình vào chiếc giỏ buộc ở cột đèn; tôi không nhặt vì không phải lời dặn. Lời dặn, đó là đợi anh hỏi giờ tôi. Anh dừng chân ngang tầm chỗ chúng tôi, ngắm kỹ chúng tôi và khi tôi trả lời rằng đồng hồ của tôi không chạy, anh bảo tên anh là Jacques và hỏi trong chúng tôi ai là Jeannot. Tôi lập tức bước lên một bước bởi Jeannot, chính là tôi.

Jacques đích thân tuyển mộ người tham gia. Anh không tin ai hết và anh có lý. Tôi biết rằng nói như vậy là không quảng đại lắm, nhưng phải đặt lại mình vào bối cảnh.

Vào khoảnh khắc ấy, tôi không biết rằng mấy ngày sau, một người kháng chiến tên là Marcel Langer sẽ bị kết án tử hình vì một viên chưởng lý Pháp đã đòi mạng anh và đã đạt được điều ấy. Và không một ai trên nước Pháp, tại vùng tự do hay không tự do, lại ngờ được rằng sau khi một người trong chúng tôi hạ được viên chưởng lý kia ở dưới nhà hắn, vào một ngày Chủ nhật, khi hắn đi đến nhà thờ dự lễ, thì không một Pháp đình nào còn dái xử tử một người kháng chiến bị bắt nữa.

Tôi cũng không biết rằng tôi sẽ đi diệt một tên đê tiện, giữ chức trách cao trong Dân binh, kẻ tố cáo và tàn sát bao thanh niên kháng chiến. Tên dân binh này không bao giờ biết rằng cái chết của y chỉ treo đầu sợi tóc. Rằng tôi sợ bắn đến nỗi có thể tè ra đấy, rằng tôi suýt buông rơi khẩu súng và nếu đồ rác rưởi ấy không nói “Xin rủ lòng thương”, y là kẻ đã không có lòng thương với ai hết, thì tôi đã không đủ giận dữ để hạ y bằng năm phát đạn vào bụng.

Chúng tôi đã giết. Tôi đã để nhiều năm mới nói lên điều này, nta không bao giờ quên khuôn mặt của kẻ nào đó mà mình sắp bắn. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ giết một người vô tội, ngay cả một kẻ ngu dại cũng không. Tôi biết như thế, các con tôi cũng sẽ biết như thế, đó là điều đáng kể.

Lúc này, Jacques đang nhìn tôi, cân nhắc xem xét tôi, gần như hít ngửi đánh hơi tôi tựa một động vật, anh tin ở bản năng của mình thế rồi anh ngạo nghễ đứng trước mặt tôi; điều anh sắp nói hai phút sau sẽ làm cuộc đời tôi chao đảo:

– Chính xác thì cậu muốn gì?

– Đến với Luân Đôn.

– tôi không giúp gì được cậu, Jacques nói. Luân Đôn ở xa mà tôi không có sự tiếp xúc nào hết.

Tôi chờ đợi anh quay lưng lại với tôi và bỏ đi nhưng Jacques vẫn đứng trước mặt tôi. Anh không rời mắt khỏi tôi, tôi thử vận may lần thứ hai.

– Anh có thể giúp tôi liên lạc với du kích được không? Tôi muốn đi đánh nhau cùng với họ.

– Việc ấy cũng không thể được, Jacques vừa châm lại ống điếu vừa đáp.

– Tại sao?

– Tại cậu bảo là cậu muốn đánh nhau. Ở chiến khu mọi người không đánh nhau; khá lắm là thu hồi các bao kiện được tiếp tế, chuyển các thông điệp, nhưng ở đó cuộc kháng chiến hãy còn thụ động. Nếu cậu muốn đánh nhau, thì là cùng chúng tôi.

– Chúng tôi?

– Cậu có sẵn sàng để chiến đấu trên các đường phố hay không?

– Điều tôi muốn, là giết một tên quốc xã trước khi chết. Tôi muốn một khẩu súng ngắn.

Tôi đã nói điều đó với vẻ tự hào, Jacques phá lên cười. Tôi thì tôi không hiểu có gì là ngộ nghĩnh ở đây, thậm chí tôi thấy điều này bi tráng thì đúng hơn. Chính cái đó lại khiến Jacques cười cợt.

– Cậu đã đọc quá nhiều sách đấy, sẽ phải tập cho cậu sử dụng cái đầu của mình.

Nhận xét mang tính gia trưởng của anh hơi làm tôi phật ý, nhưng chớ có để anh thấy điều này. Đã mấy tháng nay tôi tìm cách liên lạc với lực lượng Kháng chiến thế mà giờ đây tôi đang làm hỏng mọi chuyện.

Tôi tìm kiếm những từ ngữ xác đáng mà không ra, tìm một lời nói chứng tỏ mình là một người mà các chiến sĩ có thể tin cậy. Jacques đoán được ý tôi, anh mỉm cười, và trong mắt anh, đột nhiên tôi thấy như có một ánh trìu mến.

– Chúng ta không giao chiến để chết, mà vì cuộc sống, cậu hiểu chứ?

Chuyện cứ như chẳng có gì, nhưng cái câu ấy, tôi đã tiếp nhận nó như một cú đấm. Đó là những lời lẽ hy vọng đầu tiên tôi nghe thấy kể từ khi chiến tranh bắt đầu, kể từ khi tôi sống không quyền lợi, không phận vị, chẳng có bất kỳ căn cước nào trong cái đất nước mới ngày hôm qua còn là đất nước của tôi. Tôi nhớ cha tôi, nhớ cả gia đình tôi nữa. Chuyện gì đã xảy ra thế? Xung quanh tôi tất cả đã tan biến, người ta đã cướp đi cuộc sống của tôi, chỉ vì tôi là Do Thái và với đàn đàn lũ lũ những con người điều ấy là đủ để muốn tôi phải chết.

Đằng sau tôi, em tôi đang đợi. Nó rằng điều gì đó quan trọng đang diễn ra, thế là nó khẽ húng hắng để nhắc nhở rằng cả nó cũng đang ở đấy. Jacques đặt tay lên vai tôi.

– Đi nào, ta dừng lại ở chỗ này. Một trong những điều đầu tiên cậu cần phải học, là không bao giờ đứng im hết, như thế là làm mình bị phát hiện đấy. Một gã trai đợi chờ ngoài phố, vào thời buổi này, bao giờ cũng đáng khả nghi.

Thế là chúng tôi đi bộ dọc lề đường một con phố nhỏ tối tăm, có Claude theo sau.

– Có lẽ tôi có việc cho các cậu. Tối nay, các cậu sẽ đến ngủ ở số 15 phố Ruisseau, nhà bà lão Dublanc, bà ấy sẽ là chủ cho các cậu thuê nhà. Các cậu sẽ bảo bà ấy rằng cả hai cậu đều là sinh viên. Chắc chắn bà ấy sẽ hỏi là chuyện gì đã xảy ra với Jérôme. Hãy trả lời rằng các cậu thay vào chỗ cậu ấy, rằng cậu ấy về với gia đình ở miền Bắc.

Tôi đoán đó là một câu thần chú sẽ cho chúng tôi vào được một ngôi nhà và, biết đâu, còn vào được cả một gian phòng có lửa ấm nữa. Thế là, nhận vai trò của mình một cách rất nghiêm chỉnh, tôi hỏi xem cậu Jérôme kia là ai, chả là để sắm vai cho đúng nếu bà lão Dublanc định tìm hiểu thêm về các khách trọ mới của bà. Jacques lập tức dẫn tôi trở về với một thực tế sống sượng hơn.

– Cậu ấy chết hôm kia, cách đây hai dãy phố. và nếu câu trả lời của tôi “Cậu có muốn tiếp xúc trực tiếp với chiến tranh hay không?” cậu vẫn bảo có, thì ta hãy choi như đó là người mà giờ đây cậu thay thế. Tối nay, ai đó sẽ gõ cửa nhà cậu. Người ấy sẽ bảo cậu là do Jacques đến.

Với một âm sắc trong giọng nói như thế, thì tôi biết rõ đấy không phải là tên thật của anh, nhưng tôi cũng biết rằng khi ta tham gia Kháng chiến, thì cuộc đời trước đây của ta không tồn tại nữa, và họ tên ta cũng mất tăm cùng. Jacques luồn vào tay tôi một chiếc phong bì.

– Chừng nào cậu còn trả tiền thuê nhà, bà lão Dublanc sẽ không hỏi han gì cậu. Các cậu hãy đi chụp ảnh, có một phòng chụp ở nhà ga đấy. Bây giờ thì biến đi. Ta sẽ có dịp gặp lại nhau.

Jacques tiếp tục đi. Đến góc con phố nhỏ, dáng hình cao cao của anh mờ trong mưa bụi. Claude nói:

– Mình đi chứ?

Tôi đưa em trai vào một quán giải khát và chúng tôi chỉ uống vừa đủ chút gì cho ấm người. Ngồi bên chiếc bàn sát cửa kính, tôi nhìn tàu điện ngược lên đường phố lớn. Claude vừa ghé môi vào tác nước bốc khói vừa hỏi:

– Anh chắc chứ?

– Còn em?

– Em thì em chắc chắn rằng em sẽ chết, ngoài điều đó ra thì em không biết.

– Nếu chúng ta tham gia Kháng chiến, là để sống không phải để chết. Em hiểu chứ?

– Anh lấy ở đâu ra một điều như vậy?

– Anh Jacques vừa mới bảo at hế.

– À nếu là anh Jacques bảo…

Rồi thinh lặng một lúc lâu. Hai dân binh bước vào quán, chúng ngồi xuống chẳng để ý đến chúng tôi. Tôi sợ Claude làm trò gì ngu xuẩn, nhưng em chỉ nhún vai. Bụng em sôi òng ọc. Em nói:

– Em đói. Em đói không chịu được nữa.

Tôi hổ thẹn vì đối mặt mình là một thằng bé mười bảy tuổi ăn không đủ no, hổ thẹn vì tình trạng bất lực của mình; nhưng tối nay có thể rốt cuộc chúng tôi sẽ tham gia Kháng chiến và khi ấy, mọi sự rồi sẽ thay đổi, tôi tin chắc như vậy. Mùa xuân sẽ trở lại, một ngày nào đó Jacques sẽ nói thế, khi ấy, một ngày nào đó, tôi sẽ dẫn em trai vào một hiệu bánh, tôi sẽ đãi nó mọi thứ bánh trái trên thế gian mà nó sẽ ngốn ngấu cho đến ngắc ra không ăn được nữa, và mùa xuân ấy sẽ là mùa xuân đẹp nhất trong đời tôi.

Chúng tôi rời quán, và sau khi dừng ở sảnh nhà ga một lát ngắn, chúng tôi đến địa chỉ được Jacques dặn.

Bà lão Dublanc không hỏi han gì. Bà chỉ bảo chắc Jérôme chẳng thiết mấy đến đồ đạc của mình nên mới ra đi như vậy. Tôi đưa tiền cho bà còn bà giao cho tôi chìa khóa một gian phòng ở tầng trệt, nhìn ra phố. Bà nói thêm:

– Phòng cho một người ở thôi!

Tôi giải thích rằng Claude là em tôi, rằng em đến đây thăm tôi vài ngày. Tôi cho rằng bà lão Dublanc có ngờ vực đôi chút chúng tôi không phải là sinh viên, nhưng chừng nào mọi người trả đủ tiền nhà, thì cuộc sống của khách thuê nhà không liên quan đến bà. Gian phòng trông chẳng tươm tất gì, một bộ đồ trải giường cũ kỹ, một bình đựng nước và một chậu thau nhỏ. Đại tiểu tiện ở một túp nhà con cuối vườn.

Chúng tôi chờ đợi hết buổi chiều. Vào lúc mặt trời lặn, có người gõ cửa. Không phải cáic ách làm ta giật nảy người, không phải tiếng gõ cửa quả quyết của đám Dân binh khi chúng đến bắt giữ ta, chỉ đúng hai tiếng gõ khẽ vào khuông cửa. Claude ra mở. Émile bước vào và ngay lập tức tôi cảm thấy chúng tôi sẽ thân thiết với nhau.

Émile không cao lắm và cậu ghét mọi người bảo mình lùn. Đã hơn một năm nay cậu sống bất hợp pháp và mọi điều trong thái độ của cậu đều cho thấy cậu đã quen với tình trạng này. Émile điềm tĩnh, cậu nở một nụ cười kỳ cục, như thể chẳng có cái gì là quan trọng nữa.

Mười tuổi, cậu trốn khỏi Ba Lan vì ở đó họ ngược đãi những người thân của cậu. Chưa đầy mười lăm tuổi, nhìn quân đội Hitler diễu hành tại Paris, Émile hiểu rằng những kẻ từng muốn tước đoạt cuộc sống của cậu ở quê hương cậu đã đến tận đây để hoàn tất công việc bẩn thỉu của chúng. Đôi mắt nhóc con mới lớn của cậu mở to và không bao giờ cậu có thể nhắm hẳn lại được. Có lẽ vì thế mà cậu có nụ cười kỳ cục nọ; không, Émile không lùn, vóc người cậu thấp đậm.

Chính bà gác cổng đã cứu Émile. Phải nói rằng ở cái nước Pháp buồn thảm này, có những bà chủ nhà cực kỳ, những người nhìn chúng ta theo cách khác, không chấp nhận để thiên hạ giết những con người trung hậu, chỉ vì tôn giáo của họ khác biệt. Những người đàn bà không quên rằng một đứa trẻ là thiêng liêng, dù là kiều dân hay không là kiều dân.

Cha Émile đã nhận được thư của quận bắt ông phải đi mua những ngôi sao vàng để khâu lên áo khoác, ở ngang ngực, sao cho nhìn thật rõ, tờ thông tri bảo vậy. Thời ấy, Émile và gia đình sống tại Paris, phố Sainte-Marthe, quận X. Cha Émile đã đến sở cảnh sát ở phố Vellefaux; ông có bón con, vậy là họ giao cho ông bốn ngôi sao, thêm một ngôi cho ông và một ngôi nữa cho vợ ông. Cha Émile trả tiền các ngôi sao và ông quay về nhà, đầu cúi gằm, như một con vật đã bị đóng dấu sắt nung. Émile đeo ngôi sao của mình, rồi những cuộc vây ráp bắt đầu. Cậu đã phản kháng, bảo cha dứt bỏ cái vật bẩn thỉu ấy, song vô hiệu. Cha Émile là một người sống theo pháp luật, vả lại ông tin tưởng vào đất nước đã đón nhận ông; ở nơi đây, người ta không thể làm điều gì hại đến những người lương thiện.

Émile đã tìm được chỗ trú ngụ trong một căn phòng áp mái dành cho đầớ. Một hôm, khi cậu đang đi xuống, bà gác cổng đã lao theo cậu.

– Cháu trở lên ngay đi, họ đang bắt giữ tất cả những người Do Thái trong phố, đâu đâu cũng là cảnh sát. Họ điên rồi. Émile, lên nhà ẩn nấp nhanh đi.

Bà bảo cậu đóng cửa lại và không trả lời ai hết, bà sẽ mang cho cậu thứ gì đó để ăn. Vài ngày sau, Émile ra ngoài mà không đeo ngôi sao. Cậu quay về phố Sainte-Marthe, nhưng trong căn hộ của cha mẹ cậu, không còn ai nữa; không có cha, không có mẹ, không có hai em gái, một em sáu tuổi, em kia mười lăm, cả người anh trai mà cậu đã van nài hãy ở lại cùng cậu, đừng trở lại căn hộ phố Sainte-Marthe.

Émile chẳng còn một ai; tất cả bạn bè cậu đều bị bát, hai người trong số đó, đang tham gia cuộc biểu tình ở cửa ô Saint-Martin, đã tẩu thoát được qua phố Lancry khi bọn lính Đức cưỡi xe máy nã súng liên thanh vào đoàn người; nhưng họ bị bắt lại. Cuối cùng họ bị bắn chết bên một bức tường. Để phục thù, ngày hôm sau một người kháng chiến mang tên Fabien đã diệt một sĩ quan địch ở bến tàu điện ngầm ga Barbès, nhưng hai bạn của Émile chẳng vì thế mà hồi sinh được.

Không, Émile chẳng còn ai nữa, trừ André, một bạn học cuối cùng mà cậu từng học chung ở lớp kế toán. Thế là cậu đến gặp bạn, để tìm kiếm đôi chút giúp đỡ. Bà mẹ André mở cửa cho cậu.luôn Và khi Émile báo cho bà biết gia đình cậu đã bị vây bắt, cậu trơ trọi một mình, bà đã lấy tờ giấy khai sinh của con trai mình đưa cho Émile và khuyên cậu rời ngay Paris. “Cháu hãy làm điều gì cháu có thể với tờ giấy này, cũng có khi cháu xin được cả một thẻ căn cước đấy.” Họ của André là Berté, cậu không phải người Do Thái, thứng nhận là một giấy thông hành bằng vàng ròng.

Tại ga Austerlitz, Émile chờ cho đến khi chuyến tàu đi Toulouse móc nối xong các toa. Cậu có một ông chú ở Toulouse. Rồi cậu lên một toa và ẩn nấp dưới gầm ghế, không động cựa. Hành khách trong khoang không biết rằng nép sau chân họ là một thằng bé đang lo sợ cho mạng sống của nó.

Tàu chuyển bánh, Émile vẫn náu mình, bất động, nhiều giờ liền. Khi tàu đã vượt sang vùng tự do, cậu rời chỗ ẩn nấp. Hành khách ngỡ ngàng khi thấy thằng nhóc chui ra từ đâu không biết; cậu thú thật rằng cậu không có giấy tờ; một người đàn ông bảo cậu hãy lập tức trở lại chỗ ẩn náu, ông đi tuyến đường này đã quen và hiến binh sẽ sớm đi kiểm tra tiếp. Ông sẽ báo cho cậu biết khi nào có thể ra được.

Em thấy đó, ở cái nước Pháp buồn thảm này, chẳng những có những bà gác cổng và những bà chủ nhà tuyệt vời, mà còn có cả những bà mẹ quảng đại, những hành khách rất cừ, những con người vô danh kháng chiến theo cách của mình, những con người vô danh không chịu làm như người bên cạnh, những con người vô danh vi phạm phép tắc bởi những phép tắc này xấu xa và nhục nhã.

° ° °

Chính trong căn phòng bà lão Dublanc cho tôi thuê được vài tiếng đồng hồ, Émile vừa bước vào, cùng với toàn bộ câu chuyện của cậu, cùng với toàn bộ quá khứ của cậu. Và ngay cả nếu tôi chưa biết nó, chưa biết câu chuyện của Émile, thì qua ánh mắt cậu tôi vẫn hiểu rằng chúng tôi sẽ rất hợp ý nhau.

– Vậy người mới là cậu hả? Émile hỏi.

– Là chúng tôi, em tôi sửa lại, nó chán ngấy chuyện mọi người làm như không có nó ở đấy.

– Các cậu có ảnh chứ? Émile hỏi lại.

Rồi cậu rút trong túi ra hai thẻ căn cước, các phiếu thực phẩm và một con dấu. Giấy tờ làm xong, cậu đứng lên, xoay chiếc ghế dựa và lại ngồi xuống, chân choãi sang hai bên.

– Ta hãy bàn về nhiệm vụ đầu tiên của cậu. À thôi, vì các cậu có hai người, hãy nói là nhiệm vụ đầu tiên của các cậu.

Mắt em tôi sáng lo lanh, tôi không biết do cái đói hành hạ dạ dày nó không ngừng hay do niềm háo hức mới mẻ của một hy vọng được hành động, nhưng tôi thấy rõ, mắt nó sáng long lanh.

– Sẽ phải đi lấy cắp xe đạp, Émile nói.

Claude quay lại giường, mặt ỉu x

– Kháng chiến là thế này à? Là chôm xe đạp ư? Tôi đã đi cả chặng đường này để mọi người bảo tôi là kẻ cắp ư?

– Vì cậu tưởng là cậu sẽ đi xe hơi mà hành động hả? Xe đạp, đó là bạn tốt nhất của người kháng chiến. Hãy suy nghĩ hai giây đồng hồ đi, nếu như vậy không phải là đòi hỏi cậu quá nhiều. Chẳng ai để ý đến một người đàn ông đi xe đạp; cậu chỉ là một gã đang từ nhà máy về nhà hay đang đi làm tùy theo giờ giấc. Một người đi xe đạp hòa mình vào đám đông, anh ta cơ động, luồn lách khắp nơi. Cậu đánh miếng đòn của cậu, cậu chuồn bằng xe đạp, và trong lúc mọi người chỉ mới hiểu được sơ sơ điều vừa xảy ra, thì cậu đã ở đầu bên kia thành phố rồi. Vậy nếu cậu muốn mọi người giao cho mình những nhiệm vụ quan trọng, thì hãy khởi đầu bằng việc đi chôm chiếc xe đạp của mình!

Thế đó, bài bọc vừa được dạy. Còn phải biết mình sẽ đi chôm xe đạp ở đâu. Chắc Émile đã đoán trước câu hỏi của tôi. Cậu đã dò được chỗ và chỉ cho chúng tôi hành lang một tòa nhà nơi ba chiếc xe đạp nằm đấy, không bao giờ khóa. Chúng tôi cần hành động tức thời; nếu mọi chuyện ổn, thì chập tối chúng tôi phải gặp lại cậu ở nhà một người bạn mà cậu yêu cầu tôi học thuộc lòng địa chỉ. Nơi đó cách đây vài cây số, mạn ngoại ô Toulouse, một nhà ga nhỏ bỏ không ở khu Loubers. Émile nhấn mạnh: “Các cậu làm gấp đi, các cậu sẽ phải đến được chỗ ấy trước giờ giới nghiêm.” Đang là mùa xuân, còn nhiều giờ nữa trời mới tối và tòa nhà có xe đạp cách đây không xa. Émile ra đi còn em tôi tiếp tục giận dỗi.

Tôi thuyết phục được Claude rằng Émile không sai đâu, và có lẽ đây là một sự thử thách. Em tôi cảu nhảu nhưng đồng ý đi theo tôi.

Chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tiên này. Claude nấp ngoài phố, dù sao chúng tôi cũng có thể bị hai năm tù về tội ăn cắp xe đạp. Hành lang vắng ngắt và, như Émile đã báo trước, đúng là có ba chiếc xe đạp, cái nọ để sát cái kia, không hề khóa buộc gì.

Émile đã bảo tôi chôm hai chiếc xe đầu tiên, nhưng chiếc thứ ba, dựng sát tường, là một xe kiểu thể thao khung màu đỏ rực và tay lái có nắm cầm bằng da. Tôi dịch chiếc xe đầu tiên, nó đổ xuống trong tiếng loảng xoảng hãi hùng. Tôi đã thấy mình buộc lòng phải bịt miệng người gác cổng, thật may, phòng gác không người và chẳng ai đến quấy rầy công việc của tôi. Chiếc xe tôi thích không dễ lấy ra được. Khi ta sợ, bàn tay kém khéo léo. Các bàn đạp vướng víu vào nhau và tôi chẳng làm thế nào tách rời được hai cái xe. Với trăm ngàn nỗ lực, cố làm dịu đến đâu hay đến đấy những nhịp đập của con tim, tôi đạt mục đích. Em tôi thò mặt vào, vì thấy thời gian thật dài khi chầu chực một mình bên lề đường.

– Khiếp, anh làm cái quái gì thế?

– Này, thay vì cảu nhảu thì em hãy cầm lấy xe của mình đi.

– Thế tại sao em lại không có cái đỏ chứ?

– Vì nó quá cao đối với em

Claude vẫn còn cảu nhảu, tôi lưu ý nó rằng chúng tôi đang làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh và không phải lúc tranh cãi. Em nhún vai rồi lên xe. Mười lăm phút sau, đạp hết tốc lực, chúng tôi đi dọc con đường sắt đã bỏ không sử dụng, hướng về nhà ga nhỏ cũ Loubers.

Émile mở cửa cho chúng tôi.

– Cậu xem những cái xe này, Émile!

Bộ dạng Émile kỳ cục, như thể cậu có vẻ không hài lòng khi gặp chúng tôi, thế rồi cậu để chúng tôi vào. Jan, một người cao, mảnh dẻ, mỉm cười nhìn chúng tôi. Jacques cũng đang ở trong nhà; anh khen ngợi cả hai chúng tôi rồi, thấy chiếc xe đỏ tôi chọn, anh lại phá lên cười.

– Charles sẽ hóa trang để chúng thành không nhận ra được, anh nói thêm và càng cười rũ rượi.

Tôi vẫn không thấy ra điều gì và kỳ cục và nhìn bộ dạng Émile thì chắc hẳn cậu ta cũng vậy.

Một người đàn ông mặc áo nịt sát người bước xuống cầu thang, chính anh ở đây, trong nhà ga nhỏ bỏ không này và lần đầu tiên tôi gặp người sửa chữa chế tác của đội. Người tháo rời và lắp lại các xe đạp, người tạo ra bom để làm nổ các đầu tàu, người giảng giải cách phá hoại, trên các sàn toa xe lửa, những khoang máy bay lắp ráp tại các nhà máy địa phặc cách cắt dây cáp ở cánh những phi cơ ném bom để một khi được lắp bên Đức, máy bay của Hitler không sớm rời mặt đất. Tôi sẽ phải nói với em về Charles, anh bạn đã mất hết răng cửa trong cuộc chiến Tây Ban Nha, anh bạn từng đi qua nhiều xứ sở đến mức anh đã trộn lẫn các thứ tiếng để sáng tạo ra phương ngữ riêng của mình, thành thứ chẳng ai hiểu anh thực sự. Tôi sẽ phải nói với em về Charles vì, nếu như không có anh, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ thực hiện được tất cả những gì chúng tôi sắp làm trong những tháng tiếp theo.

Tối hôm đó, trong gian phòng tầng trệt một nhà ga cũ bỏ không, tất cả chúng tôi đều ở tuổi mười bảy và hai mươi, chúng tôi sắp chiến đấu và mặc dù vừa rồi anh đã phá lên cười khi nhìn thấy chiếc xe đạp đỏ của tôi, song Jacques có vẻ lo lắng. Tôi sẽ hiểu ngay tại sao.

Có người gõ cửa và lần này Catherine bước vào. Catherine đẹp, vả chăng, cứ nhìn ánh mắt cô trao đổi với Jan, tôi dám thề họ là một cặp, nhưng điều đó không thể được. Quy tắc số một, không có chuyện yêu đương khi ta hoạt động kháng chiến ngầm, ở bàn ăn Jan sẽ giải thích trong lúc chỉ vẽ cho chúng tôi cách xử sự. Như thế quá nguy hiểm, nếu bị bắt ta có nguy cơ khai ra để cứ chàng trai hay cô gái mà ta yêu. “Điều kiện của người kháng chiến, đó là không gắn bó”, Jan nsoi vậy. Tuy nhiên, anh gắn bó với mỗi người trong chúng tôi và điều ấy tôi đã đoán hiểu được rồi. Em tôi chẳng nghe gì hết, nó ngốn ngấu món trứng tráng của Charles; có những lúc tôi tự nhủ nếu mình không ngăn nó lại, thì cuối cùng nó ăn cả nĩa mất. Tôi nhìn thấy nó liếc trộm cái chảo. Charles cũng nhìn thấy, anh mỉm cười, đứng dậy và lấy cho nó thêm một phần nữa. Quả thực món trứng tráng của Charles ngon tuyệt, còn ngon hơn nữa đối vớibụng rỗng từ lâu của chúng tôi. Đằng sau nhà ga, Charles trồng một vườn rau, anh nuôi ba con gà mái và cả những con thỏ. Charles làm vườn, rốt cuộc, đó là vỏ bọc của anh và những người dân địa phương rất yêu mến anh, mặc dù giọng anh có một âm sắc ngoại quốc kinh khủng. Anh cho họ các loại rau sống. Với lại vườn rau của anh, đó là một mảng sắc màu ở các khu buồn tẻ này, thế là những người dân địa phương rất yêu mến anh, chàng họa sĩ tô màu ngẫu hứng, mặc dù giọng anh có một âm sắc ngoại quốc kinh khủng.

Jan nói với giọng từ tốn. Anh chỉ lớn hơn tôi đôi chút nhưng đã có dáng vẻ của một người đứng tuổi, sự điềm tĩnh của anh buộc người ta phải kính trọng. Những gì anh nói khiến chúng tôi say mê, quanh anh như có một không khí huyền bí. Những từ ngữ của Jan ghê gớm, khi anh kể cho chúng tôi các nhiệm vụ mà Marcel Langer và các thành viên đầu tiên của đội đã thực hiện. Một năm nay rồi họ đã hoạt động ở miền Toulouse, Marcel, Jan, Charles và José Linarez. Trong mười hai tháng trời đó họ đã ném lựu đạn vào một bữa tiệc của các sĩ quan quốc xã, châm lửa vào một sà lan chở đầy xăng, đốt cháy một nhà để xe tải Đức. Rất nhiều hoạt động, mà riêng danh sách thôi cũng không thể nói hết chỉ trong một buổi tối; chúng thật ghê gớm những từ ngữ của Jan, ấy thế mà, từ anh tỏa ra một thứ thương mến mà tất cả chúng tôi ở đây đều thiếu, chúng tôi những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Jan đã ngừng lời, Catherine từ thành phố về đem theo tin tức của Marcel Langer, chỉ huy đội. Anh bị giam ở nhà ngục Saint-Michel.

Thật ngớ ngẩn hết sức, cái cách mà anh bị tóm. Anh đã đến nhà ga Saint-Agne để nhận một va li doô gái trong đội chuyên chở. Va li đựng chất nổ, những thỏi cốt mìn, chất ablonite EG chống đông có đường kính hai mươi tư milimet. Các thỏi nặng sáu mươi gram này được một vài thợ mỏ Tây Ban Nha ủng hộ kháng chiến, làm việc trong công xưởng của các mỏ đá ở Paulilles, để dành ra.

Chính José Linarez đã tổ chức công tác nhận hàng. Anh không chịu để Marcel lên đoàn tàu nhỏ đảm nhận việc qua lại giữa các thành phố miền Pyrénées; cô gái và một chiến hữu Tây Ban Nha đã thực hiện một mình chuyến khứ hồi cho đến Luchon và lấy kiện hàng; việc chuyển giao phải diễn ra ở Saint-Agne. Điểm đỗ Saint-Agne thuộc về nơi đường xe lửa cắt ngang đường cái thì đúng hơn là một nhà ga. Không có đông người ở mảnh đất thôn quê mới đô thị hóa chút ít này; Marcel đứng đợi phía sau rào chắn. Hai hiến binh đi tuần, rình chặn những hành khách biết đâu lại vận chuyển lương thực cho chợ đen trong vùng. Khi cô gái xuống tàu, ánh mắt cô bắt gặp ánh mắt gã hiến binh. Cảm thấy mình bị quan sát, cô lùi lại một bước, khiến tay kia lập tức để ý. Marcel hiểu ngay rằng cô sẽ bị kiểm tra, thế là anh đi đến trước mặt cô. Anh ra hiệu cho cô đến gần thanh chắn ngăn điểm đố với đường cái, lấy chiếc va li từ tay cô và hạ lệnh cho cô cuốn xéo. Gã hiến binh không bỏ sót điều gì trong cảnh này và xông đến bên Marcel. Khi hắn hỏi anh va li đựng gì. Marcel trả lời là anh không có chìa khóa. Gã hiến binh muốn anh đi theo hắn, lúc ấy Marcel bảo rằng đây là đồ gửi cho Kháng chiến và phải để anh đi.

Gã hiến binh không tin, Marcel bị dẫn về sở cảnh sát chính. Bản báo cáo đánh máy nói rõ là một tên khủng bố sở hữu sáu mươi thỏi cốt mìn đã bị bắt giữ tại ga Saint-Agne.

Vụ việc có tầm quan trọng. Một viên cẩm tên là Caussié đến thay phiên, và ròng rã nhiều ngày liền Marcel bị đánh đập. Anh không hở ra một cái tên nào, một địa chỉ nào. Viên cẩm Caussié cẩn thận đi đến Lyon để xin ý kiến cấp trên. Cuối cùng cảnh sát Pháp và Gestapo 1 cũng nắm được một trường hợp kiểu mẫu: một tên ngoại quốc sở hữu chất nổ, lai còn là Do Thái và cộng sản nữa; cũng bằng như nói đó là một tên khủng bố hoàn hảo và một thí dụ hùng hồn mà họ sẽ sử dụng để dẹp yên mọi mong muốn kháng chiến trong dân chúng.

Quy tội rồi, Marcel bị đưa ra xử ở bộ phận đặc biệt của viện công tố Toulouse. Viên biện lý Pespinasse, kẻ theo phái cực hữu, kịch liệt phản đối, tận tâm với chế độ Vichy, sẽ là vị chưởng lý lý tưởng, chính phủ của Thống chế có thể tin cậy ở sự trung thành của y. Với y, luật pháp sẽ được thi hành không có sự dè dặt nào, không có tình tiết giảm nhẹ nào, không quan tâm đến bối cảnh. Chức trách vừa được phê chuẩn, Lespinasse, dương dương tự đắc, thề với mình sẽ đòi được mạng Marcel trước Tòa.

Trong thời gian ấy, cô gái đã thoát được vụ bắt giữ đến báo cho đội. Bạn bè lập tức tìm cách tiếp xúc với trưởng đoàn luật sư Arnal, một trong những luật sư giỏi nhất đoàn. Với ông, kẻ địch là Đức, và đã đến lúc bày tỏ rõ lập trường bênh vực những người bị ngược đãi vô cớ. Đôi đã bị mất Marcel, nhưng vừa tranh thủ được cho chính nghĩa một người có tầm ảnh hưởng, được kính trọngphố. Khi Catherine nói với ông về thù lao, Arnal đã từ chối không để mọi người trả tiền ông.

Buổi sáng ngày 11 tháng Sáu năm 1943 sẽ khủng khiếp, nó khủng khiếp trong ký ức các chiến sĩ. Mỗi người sống cuộc đời của mình và các số phận sắp giao nhau. Marcel đang ở trong ngục, anh nhìn trời hửng sáng qua khuôn cửa nhỏ trổ trên mái, hôm nay họ xét xử anh. Anh biết họ sẽ kết án anh, anh chẳng có mấy hy vọng. Ở một căn hộ không xa nơi đó, vị luật sư già sắp đảm trách việc biện hộ hco anh đang tập hợp lại các bản ghi chép của mình. Bà giúp việc bước vào văn phòng và hỏi xem luật sư có muốn bà sửa soạn bữa điểm tâm cho ông hay không. Nhưng luật sư Arnal không thấy đói vào buổi sáng ngày 11 tháng Sáu năm 1943 ấy. Suốt đêm ông nghe thấy giọng nói của viên biện lý đòi lấy mạng khách hàng của ông; suốt đêm ông trăn trở trên giường, tìm những lời lẽ mạnh, những lời lẽ xác đáng sẽ ngăn cản được bản buộc tội từ địch thủ của ông, chưởng lý Lespinasse.

Và trong lúc luật sư Arnal xem lại và xem lại nữa, thì tay Lespinasse đáng sợ bước vào phòng ăn trong ngôi nhà sang trọng của y. Y ngồi vào bàn, mở tờ báo và uống tách cà phê buổi sáng do vợ y phục vụ, ở phòng ăn trong ngôi nhà sang trọng của y.

Trong ngục, Marcel cũng uống thức uống nóng mà người cai ngục mang cho anh. Một nhân viên vừa trao cho anh giấy triệu tập ra trước Pháp đình đặc biệt của tòa án Toulouse. Marcel nhìn qua khuôn cửa trổ trên mái, bầu trời cao hơn ban nãy một chút. Anh nghĩ đến cô con gái nhỏ của mình, đến vợ anh, ở đâu đó tại Tây Ban Nha, bên kia những dãy núi.

Vợ Lespinasseứng dậy hôn vào má chồng, cô ta đi dự một cuộc họp từ thiện. Viên biện lý khoác áo choàng ngoài, soi gương, tự hào vì dáng vẻ lịch sự của mình, tin chắc sẽ thắng. Y thuộc lòng bài nói của y, nghịch lý kỳ lạ đối với một kẻ chẳng có mấy tấm lòng. Một xe Citröoen đen đợi trước nhà và đã đưa y đến Tòa án.

Ở đầu bên kia thành phố, một hiến binh đang chọn trong tủ quần áo chiếc sơ mi đẹp nhất của mình, áo trắng, cổ hồ bột. Chính anh ta đã bắt giữ bị cáo và hôm nay được gọi ra hầu tòa. Trong lúc thắt cà vạt, tay anh ta dấp dính ướt, tay hiến binh trẻ Cabannac ấy. Có cái gì đó không ổn trong những điều sắp diễn ra, cái gì đó xấu, anh biết như thế, Cabannac; vả chăng, nếu như được làm lại, có lẽ anh sẽ để cho hắn chuồn đi, cái gã có chiếc va li đen ấy. Kẻ địch, đó là bọn Đức, đâu phải những gã trai như hắn. Nhưng anh nghĩ đến Quốc gia Pháp và đến cơ chế hành chính của Quốc gia. Anh thì anh chỉ là một bánh xe nhỏ và anh không thể thiếu sót được. Anh ta hiểu rõ cơ chế, anh hiến binh Cabannac, bố anh đã dạy cho anh mọi thứ, và cả đạo lý đi cùng cơ chế ấy. Những ngày nghỉ cuối tuần, anh rất thích sửa chiếc xe máy của anh trong nhà để xe của ông bố. Anh biết rõ là nếu thiếu một bộ phận, thì toàn bộ máy móc kẹt cứng lại. Vậy là, hai bàn tay dấp dính ướt, Cabannac thắt lại nút cà vạt trên chiếc cổ hồ bột của áo sơ mi trắng đẹp rồi tiến về phía ga tàu điện.

Một xe Citröoen đen lướt nhanh từ xa và vượt đoàn tàu điện. Ở phía sau toa tàu, ngồi trên chiếc ghế dài gỗ nhỏ, một ông già đang đọc lại các bản ghi chép. Luật sư Arnal ngẩng đầu rồi lại cắm cúi đọc tiếp. Cuộc đấu xem chừng ráo riết nhưng chưa có gì là thất bại. Không thể tưởng tượng được một Tòa án Pháp lại kết tội chết một người yêu nước. Langer là một người can đảm, một trong những con người hành động vì họ dũng cảm. Ông đã biết điều đó ngay khi vừa mới gặp anh trong ngục. Mặt anh biến dạng hẳn đi; dưới đôi gò má, người ta đoán được những nắm đấm đã giáng xuống đấy, cặp môi rách bầm tím, sưng phồng. Ông tự hỏi Marcel trông như thế nào trước khi họ đánh đập anh như vậy, trước khi gương mặt anh biến dạng, mang dấu vết sự bạo hành mà anh đã phải chịu đựng. Cứt thật, họ chiến đấu cho tự do của chúng ta, Arnal nghiền ngẫm, dù sao cũng chẳng khó khăn gì để nhận ra điều ấy. Nếu Tòa còn chưa thấy ra, thì ông cam đoan là mình sẽ mở mắt cho họ. Thì cứ kết một án tù cho anh ta để làm gương, đồng ý, sẽ giữ được thể diện, nhưng tội chết, thì không. Đó sẽ là một sự xét xử không xứng đáng với các quan tòa Pháp. Trong lúc tàu dừng với tiếng kim loại rít ken két ở bến đỗ Pháp đình, luật sư Arnal đã khôi phục được niềm tin cần thiết để việc biện hộ của ông tiến hành được tốt đẹp. Ông sẽ thắng vụ này, ông sẽ đọ kiếm với đối thủ của mình, biện lý Lespinasse, và ông sẽ cứu mạng chàng thanh niên ấy. Marcel Langer, ông khẽ nhắc lại trong khi trèo lên các bậc thềm.

Trong lúc luật sư Arnal tiến bước trong hành lang dài của Pháp đình, thì Marcel, bị khóa tay vào một hiến binh, đang đợi trong một văn phòng nhỏ.

° ° °

Phiên tòa xử kín. Marcel ở trong khuông của các bị cáo, Lespinasse đứng lên và không mảy may nhìn anh; y coi khinh con người mà y muốn kết án, nhất là y không muốn biết kẻ đó. Trước mặt y, chỉ có gọi là vài tờ ghi chép. Thoạt tiên y tỏ lòng tôn kính sự sáng suốt của hiến binh, đã vô hiệu hóa được hoạt động phá hoại của một tên khủng bố nguy hiểm, thế rồi y nhắc nhở bổn phận của Tòa, bổn phận tuân thủ pháp luật, làm cho pháp luật được tôn trọng. Chỉ tay vào bị cáo mà vẫn không hề nhìn anh, viên biện lý Lespinasse kết tội. Y liệt kê danh sách dài những vụ xâm hại mà nạn nhân là người Đức, y cũng nhắc nhở rằng nước Pháp đã ký kết đình chiến trong danh dự và bị cáo, thậm chí chẳng phải là người Pháp, không có một quyền gì đặt lại vấn đề về uy lực của Quốc gia. Cho anh ta hưởng tình tiết giảm nhẹ sẽ tương đương với việc nhạo báng lời của Thống chế. “Nếu như Thống chế đã ký kết đình chiến, đó là vì lợi ích của Dân tộc”, Lespinasse hung hăng nói tiếp. “Và không phải một tên khủng bố ngoại quốc có thể nhận định điều ngược lại.”

Để thêm vào đôi chút hài hước, cuối cùng y nhắc nhở rằng không phải Marcel Langer chuyên chở pháo cho ngày 14 tháng Bảy 2, mà là chất nổ để phá hủy các thiết bị của người Đức, vậy để gây rối loạn cho sự an bình của các công dân. Marcel mỉm cười. Thật xa vời biết mấy những ánh pháo hoa ngày 14 tháng Bảy.

Trong trường hợp phía biện hộ có thể đưa ra một số lập luận thuộc phạm trù ái quốc nhằm mục đích cho Langer được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, thì Lespinasse lại nhắc nhở thêm với Tòa rằng bị cáo là kẻ không quốc tịch, rằng y đã ưng bỏ vợ và con gái lại bên Tây Ban Nha, nơi mà, mặc dù là người Ba Lan và ở bên ngoài cuộc xung đột, y đã đến để kích động thêm tình hình. Rằng nước Pháp, với lòng khoan hòa, đã đón nhận y, nhưng không phải để y đến đây, trên đất nước của chúng ta, gieo rắc lộn xộn và hỗn loạn. “Làm sao một người vô tổ quốc lại có thể tự nhận là đã hành động vì lý tưởng ái quốc được?” Và Lespinasse cười khẩy vì lời nói hay của mình, về cách hành văn của mình. Sợ rằng Tòa mắc chứng mất trí nhớ, thì đây y nhắc lại bản cáo trạng, nêu lên các đạo luật kết vào tội chết những hành vi như vậy, lấy làm mừng vì tính nghiêm khắc của các văn bản pháp luật hiện hành. Rồi y dừng một chút, quay về phía người bị y kết tội và cuối cùng chịu nhìn người ấy. “Anh là người ngoại quốc, cộng sản và kháng chiến, ba lý do mà mỗi lý do cũng đủ để tôi đòi mạng anh trước Tòa.” Lần này, y xoay người lại, hướng về các quan tòa và bằng giọng điềm tĩnh yêu cầu xử tử Marcel Langer.

Luật sư Arnal tái nhợt người, ông đứng lên đúng lúc Lespinasse, thỏa mãn, đang ngồi xuống. Vị luật sư già lim dim, cằm chúi về phía trước, bàn tay siết chặt trước miệng. Phiên tòa lặng lẽ, bất động; viên lục sự chỉ hơi dám đặt bút xuống. Ngay các hiến binh cũng nín thở, chờ ông nói. Nhưng lúc này, luật sư Arnal cũng chẳng thể nói gì hết, ông thấy buồn

Vậy ông là người cuối cùng tại đây hiểu ra rằng phép tắc bị giả mạo, rằng án đã quyết rồi. Thế mà trong nhà ngục, Langer đã bảo ông điều ấy, anh biết rằng mình bị kết tội trước. Nhưng vị luật sư già vẫn còn tin ở công lý và không ngừng cam đoan với anh rằng anh lầm, rằng ông sẽ bênh vực anh theo đúng lẽ và ông sẽ thắng. Sau lưng ông, luật sư Arnal cảm nhận sự hiện diện của Marcel, ông tưởng như nghe thấy tiếng anh thì thầm: “Ông thấy đó, tôi đúng, nhưng tôi không trách ông đâu, dù thế nào đi nữa, ông cũng chẳng làm gì được.”

Thế là ông giơ hai cánh tay lên, những ống tay áo dường như bồng bềnh phơ phất trong không khí, ông hít vào và bắt đầu bài biện hộ tối hậu. Làm sao khen ngợi được việc làm của hiến binh, khi ta nhìn thấy trên mặt bị cáo vết tích những sự bạo hành anh đã phải chịu? Làm sao dám đùa cợt về ngày 14 tháng Bảy tại cái nước Pháp không còn quyền làm lễ mừng ngày ấy? Và vị chưởng lý biết được điều gì thực sự về những người ngoại quốc mà ông ta kết tội?

Trong khi tìm hiểu Langer ở phòng gặp gỡ, ông đã khám phá ra rằng những người không quốc tịch, như Lespinasse nói, yêu quý biết mấy đất nước đã đón nhận họ; đến mức, giống như Marcel Langer, hy sinh đời họ để bảo vệ đất nước ấy. Bị cáo không phải là kẻ mà chưởng lý đã miêu tả. Đó là một con người chân thành và lương thiện, một người cha yêu vợ mình và con gái của mình. Anh đã không đến Tây Ban Nha để kích động thêm tình hình, mà vì anh yêu nhân loại và tự do của con người hơn hết thảy. Gần đây thôi nước Pháp chẳng vẫn là đất nước của quyền con người hay sao? Kết tội chết cho Marcel Langer, đó là kết tội niềm hy vọng vào một thế giới tốt đẹ

Arnal đã biện hộ hơn một giờ đồng hồ, sử dụng cho đến những sức lực cuối cùng của ông; nhưng giọng nói ông vang lên không tiếng đồng vọng trong cái tòa án đã phán quyết rồi. Buồn thảm thay ngày 11 tháng Sáu năm 1943 ấy. Án đã tuyên, Marcel sẽ bị đưa lên máy chém. Khi Catherine biết được tin này tại văn phòng của Arnal, môi cô mím chặt lại, cô chịu miếng đòn. Luật sư thề rằng ông chưa thôi đâu, rằng ông sẽ đến Vichy cãi đòi đặc xá.

° ° °

Tối hôm ấy, tại nhà ga nhỏ được cải dụng làm nơi ở và xưởng của Charles, bàn ăn thêm người. Từ khi Marcel bị bắt, Jan chỉ huy đội. Catherine ngồi cạnh anh. Qua ánh mắt họ trao cho nhau, lần này tôi hiểu là họ yêu nhau. Tuy thế, ánh mắt Catherine buồn bã, môi cô chỉ hơi dám phát âm những tiếng mà cô phải nói với chúng tôi. Chính cô báo cho chúng tôi biết Marcel bị kết tội chết bởi một viên chưởng lý Pháp. Tôi không biết Marcel, nhưng cũng như tất cả bạn bè ngồi quanh bàn, lòng tôi trĩu nặng còn em tôi, nó chẳng thấy thèm ăn gì nữa.

Jan đi lại quanh phòng. Tất cả mọi người nín nặng, chờ anh nói.

– Nếu chúng đi đến cùng, sẽ phải diệt Lespinasse, để làm chúng hoảng; nếu không bọn đê tiện ấy sẽ ử tội chết tất cả những người kháng chiến rơi vào tay chúng.

– Trong khi Arnal yêu cầu đặc xá, chúng ta có thể chuẩn bị hành động, Jacques nói tiếp.

– Chuyệng nài xé đòi hõi nhều xời dang hơng, Charles thì thầm bằng thứ tiếng kỳ lạ của anh.

– Và trong khi chờ đợi, ta không làm gì sao? Catherine xen vào, cô là người duy nhất hiểu được anh nói gì.

Jan ngẫm nghĩ và tiếp tục sải bước quanh phòng.

– Phải hành động bây giờ. Bởi chúng đã kết án Marcel, ta cũng kết án một tên trong bọn chúng. Ngày mai, ta sẽ hạ một tên sĩ quan Đức ngay giữa phố và sẽ phân phát một tờ truyền đơn để giải thích hành động của chúng ta.

Tất nhiên tôi chẳng có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động chính trị, nhưng một ý tưởng luẩn quẩn trong đầu tôi và tôi đánh bạo nói lên.

– Nếu ta muốn làm bọn chúng hoảng thực sự, thì tung truyền đơn trước, rồi hạ tên sĩ quan Đức sau, còn hay hơn nữa.

– Và như thế thì tất cả bọn chúng sẽ cảnh giác. Cậu còn những ý tưởng cùng kiểu ấy nữa chứ? Émile trách, dường như cậu quyết nổi cáu với tôi.

– Nó không dở đâu, ý tưởng ấy, không dở nếu các hành động chỉ cách nhau vài phút à được thi hành đâu ra đấy. Tôi xin nói rõ. Nếu khử tên Đức trước rồi tung truyền đơn sau, chúng ta sẽ bị coi như hèn nhát. Trong mắt dân chúng, trước hết Marcel đã được đưa ra xét xử rồi sau đó mới bị kết án.

Tôi không chắc tờ Điện tín đưa tin về việc kết án tùy tiện một người kháng chiến anh dũng. Họ sẽ thông báo là một tên khủng bố đã bị một tòa án kết tội. Thế thì ta hãy chơi bằng các luật chơi của họ, thành phố phải đứng về phía ta, chứ không chống chúng ta.

Émile muốn ngắt lời tôi nhưng Jan ra hiệu cho cậu cứ để tôi nói. Lập luận của tôi logic, tôi chỉ còn phải tìm ra lời lẽ chính xác để giải thích với các bạn điều tôi có trong đầu.

– Ngay sáng mai ta hãy in một cáo thị thông báo rằng để trả thù việc kết tội Marcel Langer, lực lượng Kháng chiến đã kết tội chết một sĩ quan Đức. Ta cũng thông báo rằng án sẽ được thi hành ngay buổi chiều. Tôi lo việc tên sĩ quan, còn các anh, cùng lúc ấy, các anh tung truyền đơn khắp nơi. Mọi người sẽ xem truyền đơn ngay lập tức, trong khi tin tức về hành động phải mất nhiều thời gian hơn để lan truyền trong thành phố. Báo chí sẽ chỉ nói về hành động trong số ra ngày hôm sau, thứ tự thời gian của các sự kiện sẽ được tôn trọng, theo bề ngoài.

Jan lần lượt tham khảo ý kiến của các thành viên quanh bàn ăn, cuối cùng ánh mắt anh gặp mắt tôi. Tôi biết là anh tán thành lập luận của tôi, trừ một chi tiết, có lẽ: anh đã hơi nhăn mặt lúc tôi phát bỉêu rằng chính tôi sẽ diệt tên Đức

Dù thế nào đi nữa, nếu anh quá ngần ngại, tôi có một lý lẽ không thể bác bỏ; xét cho cùng, ý tưởng là của tôi, thế rồi tôi đã lấy cắp được chiếc xe đạp của mình, với đội tôi theo đúng thể thức.

Jan nhìn Émile, Alonso, Robert, rồi Catherine, cô gật đầu đồng ý. Charles chẳng bỏ sót điều gì trong cảnh này. Anh đứng lên, tiến về phía gầm cầu thang rồi quay lại với một hộp đựng giày. Anh giơ ra cho tôi một khẩu súng tay có ổ chứa đạn.

– Tối nai, iêm cậu và cậu ngũ lại đơơi xì tôốc hơng.

Jan lại gần tôi.

– Cậu sẽ là người bắn, và cậu, chàng Tây Ban Nha, anh vừa nói với chỉ Alonso, là người canh gác, còn cậu người ít tuổi nhất, cậu sẽ giữ xe đạp ở hướng chạy trốn.

Vậy đó. Tất nhiên, nói lên như thế này, thì vô thưởng vô phạt, trừ chuyện đêm đến Jan và Catherine lại ra đi, còn tôi bây giờ có trong tay một khẩu súng với sáu viên đạn và thằng em ngu ngốc cứ muốn xem súng vận hành thế nào. Alonso nghiêng mình sang tôi và hỏi làm thế nào Jan lại biết được cậu là người Tây Ban Nha, khi mà cả buổi tối cậu không nói một tiếng nào hết. “Thì làm thế nào anh ấy biết được rằng người bắn sẽ là tớ?” tôi vừa nói vừa nhún vai. Tôi đã không trả lời câu bạn hỏi nhưng sự im lặng của cậu chứng tỏ câu hỏi của tôi chắc hẳn đã thắng được câu hỏi của cậu.

Tối hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi ngủ trong phòng ăn nhà Charles. Lúc đi nằm tôi mệt lử, nhưng dù thế nào vẫn thấy nặng trĩu trên ngực; trước hết là cái đầu của thằng em đã mắc thói quen tồi tệ đeo dính lấy tôi mà thiếp ngủ từ khi chúng tôi xa lìa bố mẹ, và tệ hơn nữa là khẩu súng có ổ chứa đạn ở túi bên trái áo ngắn. Ngay dù súng không có đạn, tôi vẫn sợ là trong khi tôi ngủ, nó bắn thủng đầu thằng em tôi.

Khi tất cả mọi người đã thiếp ngủ thực sự, tôi rón rén dậy và đi ra mảnh vườn phía sau nhà. Charles có một chú chó thật dễ thương và cũng thật ngốc nghếch.

Tôi nghĩ đến nó vì tối hôm ấy, tôi cần ghê cần gớm cái mõm chó xù của nó. Tôi ngồi xuống chiếc ghế dựa ở bên dưới dây phơi quần áo, tôi nhìn trời rồi lấy súng trong túi ra. Con chó đến hít ngửi nòng súng, tôi bèn xoa đầu nó và bảo nó rằng có lẽ nó là sinh vật duy nhất có thể hít ngửi nòng vũ khí của tôi khi tôi còn sống. Tôi nói thế vì lúc ấy tôi thực sự cần ra vẻ vững vàng.

Cuối một buổi chiều, bằng cách lấy cắp hai chiếc xe đạp, tôi đã gia nhập Kháng chiến, và chỉ trong lúc nghe tiếng ngáy trẻ thơ ngạt mũi của thằng em, tôi mới nhận ra điều ấy. Jeannot, thuộc đội Marcel Langer; trong những tháng sắp tới, tôi sẽ làm nổ những toa tàu, những cột điện, sẽ phá hoại động cơ và cánh các máy bay.

Tôi tham gia một nhóm bạn bè, là nhóm duy nhất đã hạ được các máy bay ném bom Đức… với chiếc xe đạ

— —— —— —— ——-

1 Cách viết tắt của Geheime Staatspolizei “Cảnh sát mật quốc gia”: cảnh sát chính trị thành lập năm 1933, do Himmler và Heydrich cải tổ năm 1936, hoành hành tại Đức và tất cả các lãnh thổ bị lực lượng quốc xã chiếm đóng.

2 Ngày Quốc khánh Pháp.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.