Hai ngày sau, Tứ a ca sai riêng Trương Đức Thắng đưa tấm bản đồ phong thủy của viện nàng ở qua cho nàng.
Lý Vi thấy tấm bản đồ này chính xác là của một căn nhà một trăm năm chục mét vuông gồm năm phòng ngủ, ba phòng khách, một phòng bếp và một phòng vệ sinh, cùng với đó là vườn hoa rộng khoảng chừng năm chục mét vuông.
Ba trong số năm phòng ngủ được bố trí như sau: ba gian phòng ngăn nhau bằng bức bình phong; gian giữa làm phòng chính, dùng tiếp khách; hai gian còn lại làm thư phòng và phòng ngủ; cộng thêm hai phòng góc.
Thế thì về sau dù có em bé rồi cũng vẫn ở được.
So với nơi ở hiện tại, ưu điểm của nhà mới không chỉ nằm ở chỗ rộng hơn, mà xung quanh còn được bao bọc bởi cây và hoa, về cơ bản đã là một tiểu viện độc lập.
“Khi hậu cung chung sống”…!với kiểu người da mặt tương đối mỏng như Lý Vi, đây thực sự phải gọi là tra tấn tâm lý.
Giờ ở một mình một cõi, Tứ a ca sang cũng chẳng còn gì đáng ngại nữa rồi ô ye!
Điều làm nàng đỏ bừng mặt, tim đập loạn nhịp còn là nét bút của Tứ a ca.
Chàng sử dụng kỹ pháp công bút vẽ một giàn nho đằng trước phòng chính, bên cạnh đề một dòng chữ bé li ti để ghi chú: “Trồng thêm cây nho”.
Đằng sau nhà cũng được tỉ mỉ vẽ thêm một cái cây, trên cây vẽ dăm ba quả lựu nom nhỏ tí, quả lựu há miệng, lấp ló hạt lựu bên trong, cũng ghi chú là: “Trồng một cây lựu trên mười năm tuổi”.
Tấm bản đồ này chắc do Tứ a ca tìm một người khác phóng to rồi sao chép lại.
Chứ không, mỗi một góc nhỏ của phủ đệ thôi đã nguyên một bản vẽ to trải kín được nửa cái sạp thế này, nếu là cả phủ đệ thì khéo có mà trải kín được nửa căn phòng luôn đấy nhỉ?
Nhìn vào tấm bản đồ, có lẽ Tứ a ca đã sắp đặt viện cho nàng ở gần như xong xuôi, những dòng chú giải của chàng xuất hiện chằng chịt khắp bản vẽ.
Phía trên phòng chính thường là chỗ kê bàn lớn ngồi dùng cơm mỗi bận Tứ a ca sang, thực ra bình thường chẳng dùng gì tới chỗ ấy.
Tứ a ca đánh dấu chia cách phòng chính và chái Tây: Giữa phòng chính và chái Tây không xây tường, mà được ngăn vách bằng một chiếc kệ nhiều ngăn cao chót vót.
Làm kiểu này, cái thứ nhất sẽ giúp không gian thêm rộng rãi, cái thứ hai thì nghĩ cũng biết, hiệu quả chiếu sáng chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.
Chái Tây thông thường chỉ dành cho những lúc Tứ a ca sang thì luyện chữ ở đấy, ngày thường nàng cũng vào đấy may vá thêu thùa.
Vậy nên dưới ô cửa sổ đặt cả một án thư dài, đối diện là chiếc sạp và tủ đồ nằm dưới cuối kê sát tường, những ngăn kéo lớn nhỏ khác nhau khả dĩ cất đựng mấy món đồ thêu và ít bạc vụn vặt của nàng.
Tứ a ca còn ghi chú phải đặt thêm bức bình phong trước sạp.
Lý Vi nhìn mà ngượng khôn tả.
Ở nơi này, đằng sau bình phong và bức mành cửa, hai người sẽ tha hồ vờn nhau trên sạp giữa ban ngày ban mặt.
Đúng chuẩn ý nghĩa của việc thêm bình phong chưa?
Giữa cửa phòng ngủ và giường cũng kê thêm một bức bình phong, nhằm ngăn không cho các cung nữ trông thấy tình cảnh trên giường mỗi khi đi vào.
Vì trong cung chật chội quá chả chỗ kê, đâm ra lần nào Tứ a ca cũng phải che chắn nàng thật kỹ rồi mới gọi người, tránh để các cung nữ bắt gặp bộ dạng bất nhã.
Mặt khác, một điểm khiến Lý Vi rất thích đấy là có nhà vệ sinh thật.
Bên cạnh cửa hông phía Tây, có một góc nhỏ, trong góc ấy có bình phong, thùng nước và bô.
Quả đỡ hơn nhiều so với việc giải quyết nỗi buồn sau một bức bình phong.
Tuy còn dùng bô, nhưng cảm giác sạch sẽ hẳn.
Khi tắm rửa vẫn phải dùng thùng tắm trong phòng, dù sao phòng có giường sưởi, mùa đông tắm sẽ ấm áp hơn.
Tóm lại, sau khi nghía hết căn biệt thự nhỏ một tầng do Tứ a ca tự tay chọn và trang hoàng, Lý Vi cũng bắt đầu đếm ngày ra cung.
Nhưng trước mắt hãy còn một sự kiện quan trọng.
Một rạng sáng đầu tháng ba, trong viện còn mù sương.
Lúc ba giờ, viện phúc tấn vừa mới thắp đèn, cung nữ của Tống cách cách đã chạy vọt vào như chớp giật, vào tới phòng lập tức quỳ xuống, khóc mà rằng: “Phúc tấn, cách cách nhà chúng nô tỳ sắp sinh rồi ạ.”
Phúc tấn hết sức bình tĩnh xắn tay sắp xếp, vừa sai người sang thư phòng báo tin cho Tứ a ca, vừa vội vàng đi mời thái y, rồi dặn Phúc ma ma và đại ma ma dẫn người qua bên kia trước.
Ở đây, nàng tiếp tục hỏi cung nữ này: Tống cách cách có tin vào canh giờ nào? Tại sao chẳng thông báo?
Cung nữ thút tha thút thít.
Hóa ra hồi thai được bảy tháng có mấy ngày bị chảy máu, nhưng vì sắp sửa ăn Tết, không tiện gọi thái y.
Tống cách cách thấy máu ngưng thế là không nói gì.
Ra Tết cái là bụng cứ hay đau ngâm ngẩm, song thời gian mỗi lần đau tương đối ngắn.
Đêm qua khi cửa cung vừa khóa, bụng Tống cách cách cũng dần trở đau.
Giờ đấy đi gọi thái y kiểu gì đặng? Trong số các cung nữ, có người từng chứng kiến cảnh ngạch nương mình sinh nở hồi ở nhà, mới bảo rằng phải đau hẳn một ngày mới sinh.
Tống cách cách bèn chịu đựng vậy, nhịn suốt đến lúc phúc tấn dậy mới báo tin.
Lúc Phúc ma ma và đại ma ma qua, Tống cách cách đã bất tỉnh vì đau, Liễu ma ma trông ngay bên cạnh.
Từ tháng tư trở đi, vì có ma ma theo dõi nên nàng không dám ăn nhiều nữa, bấy giờ nằm chỗ này, người ngợm nom chả khác nào tờ giấy, bụng lại to khiếp hồn.
Phúc ma ma đưa tay sờ soạ.ng dưới mông nàng, đệm giường ướt sũng, sắc mặt bà ta thoắt biến.
Đại ma ma cũng sờ tấm đệm, sờ xong bèn sai người thu dọn lại phòng, giờ chẳng kịp đi thu xếp phòng sinh nữa.
Tạm thời chuyển toàn bộ những tủ những ghế để không ra ngoài hết, rồi nâng một bức bình phong vào chắn gió lùa qua cửa.
Sau đó gọi hai cung nữ của Tống cách cách tới thay quần áo và chăn đệm giúp nàng.
Xong xuôi mọi thứ, đại ma ma nói với Phúc ma ma: “Chúng ta đi báo với phúc tấn thôi.” Thai này của Tống cách cách, e sẽ gian nan đây.
Lúc Lý Vi hay tin, Tống cách cách đã tỉnh dậy dưới mũi kim châm của thái y, miệng cắn tấm gỗ bần, đang lâm bồn.
Phúc tấn hạ lệnh, nhằm tránh người đông lộn xộn, cấm kẻ không phận sự ở các nơi đi lại lung tung.
Khi nghe nói việc chẳng một ai hay chuyện Tống cách cách bị đau từ đêm qua tới tận ba giờ sáng hôm nay, nàng không biết nên tội nghiệp nàng ta, hay là nên trách cứ nàng ta.
Cũng giỏi nhịn quá đấy…!
Nàng ở trong phòng cũng thấp thỏm bồn chồn.
Tứ a ca vốn định hôm nay ra cung xem phủ đệ mới, nhận tin, chàng về ngay khi vừa xong công việc, ngồi ở thư phòng đợi tin tức.
Mãi đến hơn bảy giờ tối, mới hạ sinh được đứa nhỏ, là một cách cách.
Đứa nhỏ chào đời, tiếng khóc oang oang, nhưng thái y thăm khám rồi lại bảo nó bẩm sinh yếu ớt, qua đầy tháng sẽ đỡ hơn đôi phần.
Trong thư phòng, Tứ a ca đợi cả một ngày, nghe báo là cách cách song cũng không hề lấy đó làm thất vọng, dặn người săn sóc Tống cách cách, cử nhũ mẫu đi chăm tiểu cách cách.
Việc chăm nom tiểu cách cách khiến mọi người luôn ở trạng thái phấp phỏng nao nao.
Hai nhũ mẫu và hai ma ma ngày đêm theo dõi sít sao không rời mắt, chỉ mỗi chuyện này thôi cũng phải gặp thái y mỗi ngày một lần.
Nhưng thái y đến lại không biết làm sao, còn nhỏ thế kia, thậm chí chẳng thể dùng cả thuốc.
Sau cùng Tứ a ca lên tiếng, không cho gọi thái y vào tiếp nữa.
Tiểu cách cách, nuôi mạnh khỏe được là số, không được nữa…!cũng là số thôi.
Tống cách cách nằm hai hôm mới nhấc người dậy nổi.
Lúc sinh con, nàng hao hụt khá nhiều sức.
May thay phúc tấn và Tứ a ca ban thưởng thoáng tay, mười ngày sau đã trả về sắc mặt hồng hào như trước.
Lúc này nàng mới nghe nói chuyện sức khỏe tiểu cách cách yếu bẩm sinh, thái y cũng đành bó tay.
Với tính tình của nàng, ngày thường chẳng dám nói nhiều một câu, nghe xong lại khóc một trận.
Chỗ Lý Vi ở cách chỗ Tống cách cách ít xa, thi thoảng giữa đêm bỗng vang tiếng khóc yếu ớt rấm rứt của tiểu cách cách, nghe nẫu hết ruột gan.
Nom mặt mày Tứ a ca không tươi tỉnh là bao, trừ nỗi mừng vui nhen nhóm thoáng chốc hôm tiểu cách cách ra đời, ngày hôm sau dậy đã sa sầm mặt, trông nghiêm hệt giáo viên chủ nhiệm.
Đêm nay, hai người nằm trong màn mà chẳng có tâm trạng làm chuyện kia, chỉ kề sát vào nhau.
Lý Vi ngần ngừ hồi lâu, chợt nói: “Thiếp từng nghe nhũ mẫu của thiếp kể về một phương thuốc cổ truyền.”
Tứ a ca quay đầu, nói: “Phương thuốc gì? Nói xem.”
“Nhũ mẫu của thiếp bảo nếu đứa nhỏ sinh ra yếu người, chính do bị thiếu chất từ trong bụng mẹ.
Khi này phải ăn sữa mẹ, cho ăn đủ một năm là sẽ khỏe lên thôi.” Lý Vi đáp bừa.
Tiểu cách cách vừa sinh đã thiếu chất, bây giờ lại là đầu xuân, nghe nói vì tim phổi của tiểu cách cách yếu quá, nên vừa không dám đốt giường đất, vừa không dám dùng chậu than trong phòng.
Hễ đốt giường đất là nó bị nóng, dùng chậu than một lúc là ho hen.
Cứ để vậy hoài, không cảm mạo mới lạ.
Nhưng lại không dám kê thuốc, dùng một lần chắc chắn sẽ nguy hiểm.
Sữa mẹ có khả năng giúp nó mau chóng thành lập hệ miễn dịch…!Tóm lại, còn nước là còn tát.
Nói xong, nàng dè dặt nhìn Tứ a ca.
Tứ a ca nằm nghĩ ngợi chốc lát, bỗng dưng ngồi dậy xuống giường, khoác áo đi ra phòng chính gọi Tô Bồi Thịnh.
Tô Bồi Thịnh khá ngạc nhiên, vì đây là lần đầu Tứ a ca nghỉ ở chỗ Lý cách cách mà giữa chừng lại bước ra.
Hắn nhanh chân vào phòng, khom lưng đợi Tứ gia giao phó.
Tứ a ca nói: “Ngươi sang chỗ Tống thị, bảo ma ma hỏi nàng ấy có sữa không? Nếu không có sữa, sáng mai mời thái y vào kê thuốc thông sữa cho nàng ấy.”
Dặn gì chẳng đầu chẳng đuôi…!
Não Tô Bồi Thịnh thiếu điều xoắn xuýt, đội gió đêm rét tái tê chạy sang chỗ Tống cách cách.
Trước tiên hắn gọi Liễu ma ma tới, một người đứng trong phòng, một người ngoài cửa sổ, một hỏi một đáp.
Tống cách cách không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng thấy Tô Bồi Thịnh sang, nghĩ chắc là được Tứ a ca sai bảo, bèn trả lời Liễu ma ma rằng mình không có sữa.
Liễu ma ma nói tiếng “nô tỳ mạo phạm”, liền chui vào màn cởi vạt áo nàng ra, nhìn kỹ hai bên ngực.
Thấy quầng ngực đã lan rộng, bầu ng.ực cũng nở nang hơn nhiều, đoán chừng sẽ thông được sữa.
Bà ta đi ra nói với Tô Bồi Thịnh: “Bên đây có ta trông coi, thái y vào khám xong kê thuốc hẵng xem có sữa hay không.”
Ngày hôm sau, thái y tới, kê toa thuốc thông sữa.
Giờ đây Tống cách cách mới biết đây là phương thuyết cổ truyền Tứ a ca tìm về điều trị cho tiểu cách cách, nói rằng đứa nhỏ yếu từ lúc mang thai nên bắt buộc phải được nuôi bằng sữa mẹ ruột.
Uống thuốc theo toa hai hôm, Tống cách cách dần thấy ngực đau.
Liễu ma ma sờ cũng thấy c.ăng trư.ớng, bảo có sữa rồi, đoạn đi bế tiểu cách cách qua.
Nhưng vốn dĩ tiểu cách cách yếu sức không bú nổi, Liễu ma ma đành tự ra tay trước, thông sữa cho Tống cách cách xong mới cho tiểu cách cách bú sữa.
Sữa của Tống cách cách ngày một nhiều, cũng đủ cho tiểu cách cách bú no.
Chẳng biết do tâm lý ảnh hưởng hay tiểu cách cách thật sự khỏe lên, trước đầy tháng thái y có vào khám cho tiểu cách cách, bảo rằng tim phổi vẫn hơi yếu, không chịu rét được, cũng chưa dứt bệnh hẳn.
Nhưng quả thực, nó đã vượt qua được giai đoạn khó khăn để đón ngày đầy tháng.
Vì trước đó thái y bảo qua đầy tháng tình hình sẽ khởi sắc hơn, ngày hôm ấy Tứ a ca sung sướng khôn xiết, thưởng nhiều bạc hơn cả ngày tiểu cách cách chào đời.
Tối, sau khi đi thăm tiểu cách cách, chàng sang chỗ Lý Vi, cố ý giải thích với nàng: “Không thưởng cho nàng cũng vì muốn tốt cho nàng.
Ý tốt của nàng, gia ghi lòng tạc dạ, yên tâm.”
Lý Vi sực nhớ ra là nhờ “phương thuốc cổ truyền” nàng dâng hiến, liên tục xua tay, nói: “Thiếp nói có phải vì muốn Tứ gia thưởng đâu chứ.” Một đứa trẻ chỉ mới lọt lòng, ai lại đang tâm? Huống chi, lúc nhắc về “phương thuốc cổ truyền” kia, nàng hoàn toàn không chắc rằng sẽ chữa khỏi bệnh cho tiểu cách cách, chỉ muốn tăng thêm tính an toàn.
Nhưng hiện giờ, có kẻ nào dám nói tiểu cách cách thực sự không bị sao nữa? Thể chất yếu bẩm sinh của con bé ấy là thật, bú sữa mẹ chưa chắc đã khỏe lên được.
Tuy vậy, giờ Tứ a ca đang vui, ai dám gây chuyện xúi quẩy? Chỉ mong từ đây về sau tiểu cách cách thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế.
Rốt cuộc, mọi người cũng được yên lòng về chuyện tiểu cách cách, chuyện ra cung lại gần ngay trước mắt.
Tuy hãy chưa chính thức hạ chỉ, nhưng đâu thể đợi hạ chỉ mới gấp rút chuẩn bị chuyển nhà? Thế nên các phòng các viện cũng bắt tay gói ghém đồ đạc.
Thêm vì số lượng thái giám đưa ra cung có hạn, nên trừ số thái giám bên chỗ Tứ a ca và phúc tấn giữ nguyên, các nơi khác đều phải cắt giảm hợp lý.
Tam viện, chính nơi được gọi bằng cái tên “chỗ của những nô tài làm công việc nặng nhọc”, tất cả thái giám ở lại cung.
Có thể đưa cung nữ của các cách cách đi theo, nhưng thái giám chỉ được đưa một người.
Lý Vi muốn đưa Triệu Toàn Bảo đi, lại phải nghĩ cách lo liệu cho những người khác nữa mới được.
Thái giám bị trả về Nội vụ phủ có những con đường tương lai riêng mình, người một bước lên mây chẳng thiếu, dĩ nhiên cũng có kẻ một bước xuống địa ngục.
Kẻ nào hầu hạ tốt ắt sẽ tạo dựng được tên tuổi với chủ tử, tự khắc thăng tiến dần dần, khỏi cần lui về chen chúc với bọn tiểu thái giám, cũng dễ dựa dẫm luồn cúi.
Lúc bấy giờ rất cần chọn lựa kỹ càng.
Hứa Chiếu Sơn không nhất thiết phải đi theo.
Vốn thân phận của tiểu cách cách chẳng đáng để mắt, so ra còn kém thấp hơn cả “Đáp ứng” trong cung, gọi là “chủ tử” thì còn thiếu mất một quãng nữa.
Hắn bèn bước theo con đường của Lưu thái giám, ở lại thiện phòng của A Ca Sở.
Về tên thái giám nuôi chim tên Chu Toàn kia, dẫu Lý Vi không quá tin tưởng vào hắn, nhưng cảm xúc của người này thực là phong phú lắm thay.
Có lẽ cũng do đau lòng thật, nghe đâu ngày ngày nằm trùm chăn khóc rưng rức, làm mắt mù lòa đến nơi.
Lý Vi cảm động thì cảm động, song chả hiểu rút cục trước kia ở Nội vụ phủ hắn sống kiểu gì? Khổ sở thế ư?
Đã thương đành thương cho trót, Lý Vi vẫn nhờ Tô Bồi Thịnh đưa Chu Toàn sang phòng chăm hoa nuôi chim.
Đi nuôi chim, vậy là chẳng còn chủ tử nào lại chê bôi hắn mắt tịt nom không tí nào linh lợi nữa.
Đồng Xuyên sớm tìm được một chỗ để đi, cậy nhờ đồng hương cho sang Trữ Tú cung.
Bên đấy hiếm khi cần dùng đến người, cũng là một nơi ít thị phi rắc rối.
Thông qua nơi đi của những thái giám này, Lý Vi phát hiện, người ôm lòng cầu danh lợi luôn mong muốn bước lên cao dù họ có ở bất cứ nơi nào, nên mới càng lăn xả càng tiến bộ.
Còn kẻ toàn ăn rồi chờ chết, họa chăng chỉ có nước ngày một bết bát hơn.
Lúc dọn hành lý bỗng phát sinh một chuyện không to cũng chẳng nhỏ.
Phúc tấn phái người sang chỗ các cách cách, lập sổ sách, ghi chép hết những món đồ cỡ lớn, những thứ quý giá vào trong, phòng lúc chuyển nhà lại đánh rơi đồ này thứ nọ.
Đồ trong phòng Lý Vi đã chuyển ra hết.
Nàng một thân một mình vào A Ca Sở, dốc hết số bạc tám đời tổ tông Lý gia kiếm được ra đây cũng chưa chắc mua nổi một món bảo bối trong căn phòng này.
Cung nữ phụ trách ghi sổ phân công một người điểm danh, một người đánh dấu.
Giọng đọc ban đầu hùng hồn cao vót, dần về sau giọng mỗi lúc một nhỏ.
Ghi chép đồ của phòng nàng xong, thế mà lại không đủ thời gian sang chỗ Võ cách cách, đành để ngày mai sang.
Lúc hai cung nữ rời đi, tay chân khúm núm, nhún người thật thấp chào Lý Vi.
Nàng hăng hái nhủ bụng: Đây chính là truyền thuyết mang tên cả giang hồ này của chị tất…!
Nàng cứ nghĩ phúc tấn sẽ sai người đến hỏi đống đồ của nàng từ đâu mà ra, kết quả từ ấy lại không thấy tin tức gì.
Lẽ nào đang đợi thu sang sẽ tính sổ?
Đương lúc Lý Vi lo âu, Tứ a ca sang, nàng bèn bảo rằng kỳ thực đây đều là đồ Tứ a ca đặt ở chỗ nàng, giờ lập sổ mà ghi hết thành của nàng, liệu có không ổn hay chăng?
“Sửa lại thì vẫn hơn ạ.” Đúng đấy, toàn đồ của Tứ gia, cùng lắm là chàng cho nàng mượn trưng để ngắm thôi, sao ghi thành của nàng được?
Tứ a ca càng thêm 囧.
Hồi lâu mới chậm rãi nói: “Gia không có thói quen lấy về những đồ đã tặng cho cách cách…” Chàng bủn xịn vậy à? Đưa tí đồ cho cách cách bày biện, sau cùng còn phải đòi lại ư?
Thế là, Lý Vi bỗng nhặt được một đống bảo bối giá ngàn vàng, nhiều món còn được đóng dấu hoàng cung nữa cơ đấy…!Nhưng món nào món nấy cũng toàn đồ cho phái nữ dùng thôi, chả lẽ là của Hiếu Ý hoàng hậu? Không thể nào! Của hoàng hậu thật thì sao cho cách cách đem về trưng được? Đáng ra phải đem dâng lên trên chứ?
Nhưng Tứ a ca cũng đâu còn chỗ nào khác để đi tìm đồ trang trí đắt đỏ dành cho đàn bà con gái như này?
Hay là đồ Đức phi cho?
Lý Vi nhìn chăm chăm sổ ghi chép, mới nhận ra có đánh dấu một bức bình phong do hoàng cung chế tạo vào một ngày, một tháng, một năm Khang Hi nào đó.
Vắt óc nghĩ vẫn không biết nguồn gốc của nó, và nó từng được vị đại thần nào sử dụng.
Đầu tháng năm, đợi mãi cũng có người truyền lời, rằng chuyển nhà được rồi.
Ba nhà từ Tam a ca, Tứ a ca và Ngũ a ca tiến hành khiêng đồ ra ngoài.
Nội vụ phủ cử mấy trăm thái giám khỏe mạnh sang, đầu tiên là khiêng những đồ cồng kềnh ở nhà kho hoặc không thường dùng ra, sau đó những tiểu cách cách như Lý Vi sẽ theo cung nữ qua nhà mới trước.
Tống cách cách vì phải chăm con, nên phúc tấn bảo nàng đi cùng Lý Vi.
Thực ra Lý Vi cảm thấy chi bằng qua sớm hơn, ở trong cung đây ngày nào cũng phải chuyển đồ đạc rắc rối lỉnh kỉnh.
Lần đầu tiên nàng ngồi xe la vào Tử Cấm Thành, từ đấy không được ra ngoài nữa.
Lần này là lần thứ hai ngồi xe la ra ngoài, tới lần thứ ba lại trở vào nữa, chắc cũng là lúc Tứ a ca thành hoàng đế rồi.
Khi những âm thanh ồn ào truyền vào từ ngoại thành, Lý Vi chợt sinh cảm tưởng như vừa rời núi xuống cõi trần tục.
Trong cung, người nàng trông thấy, gặp gỡ chỉ có chủ tử và cung nữ thái giám.
Mà ra ngoài cung nàng mới biết, hóa ra thế giới này còn nhiều người tới vậy.
Bị nhốt lâu đến độ suýt thành ngu người, nay được quay về trần gian, Lý Vi mừng không để đâu cho hết.
So với đủ loại thức ăn đẹp đẽ tinh tế mà thiện phòng trong cung làm, những món rang xào dân dã bán đầy trên phố vẫn hấp dẫn nàng hơn.
Ngọc Bình ngồi xe với nàng, hỏi: “Cách cách, người nhìn gì thế ạ?”
Lý Vi bảo nàng ta nhìn ngoài cửa sổ kia.
Ngọc Bình vừa thấy cũng cười, cất giọng hoài niệm: “Ôi hương xuân* kìa, giờ già hết cả rồi, lúc non ăn ngon lắm.”
*Hương xuân: một loại thực vật.
“Già vẫn ăn được mà.” Lý Vi nhớ biết bao món sủi cảo nhân hương xuân, trong cung lại chẳng có món ấy.
Ngọc Bình an ủi nàng: “Đợi khi nào mọi việc ổn thỏa đâu vào đấy, sẽ sai người đi mua ngay ạ.”
Lý Vi hơi lưỡng lự: “Được không đấy?” Sau khi khai phủ, chắc người của thiện phòng ở đây sẽ về tay phúc tấn hết nhỉ? Không như trong cung, bên kia là căn tin lớn của đơn vị, bên này là nhà bếp của gia đình nhỏ, chỉ được nghe lời nữ chủ nhân.
“Sao không được ạ? Người chỉ việc chờ thôi.” Ngọc Bình nở nụ cười vô cùng tự tin.
Cách cách vẫn chưa rõ, với địa vị của cách cách hiện tại, đừng nói là ăn hương xuân, dù có đòi ăn gan rồng gan phượng chăng nữa, người ở thiện phòng của Bối lặc phủ cũng không dám làm trái lệnh.
Con đường phía trước Bối lặc phủ vắng lặng, người của Bộ quân thống lĩnh nha môn đuổi hết người đi đường và người bán hàng rong.
Có kẻ to gan đứng dồn đống bên lề đường, chỉ chỉ trỏ trỏ hàng dài xe la rồng rắn tiến lại.
“Vị chân long nào giáng trần ấy thế?” Một người Mãn khoác áo choàng da dê, lấy tay làm ống nhòm, hỏi.
“Nghe bảo là Hoàng Tứ a ca.” Một người mặc trường bào đứng cạnh anh ta nói.
Người khoác áo da dê tỏ vẻ coi khinh, liếc xéo người kia một cái.
Người kia thấy anh ta vậy, vội vã rụt cổ lủi khỏi đám người.
Xe la của Lý Vi đi vào từ cửa hông.
Qua hai cửa sau, tại một lối đi nhỏ hẹp dài, xe la dừng bánh để đổi sang ngồi kiệu.
Lúc dìu nàng lên kiệu, Ngọc Bình nhỏ giọng nhắc: “Cách cách bước khéo ạ.”
Nàng lại ngoái đầu nhìn bức tường vây cao ngất.
Lối đi nhỏ được tạo bởi hai bức tường, ánh mặt trời bị chắn hết phía ngoài.
Nàng chỉ nhìn thấy mỗi vạt nắng hắt xuống mái hiên cao cao, mấy con chim nhỏ trên nóc nhà nô đùa nhảy nhót.
Vậy ra chỉ là đang đổi từ thành vây này sang một thành vây khác mà thôi.
Lý Vi bỗng nảy một niềm vui thích khi mình được người khác giấu kỹ.
(còn tiếp).