Trương Tùng Long được quân Phiên vào phi báo là có Dương Hổ và Dư Hóa
Long đến trước cửa ải khiêu chiến, lập tức lên ngựa, cho mở cửa ải kéo
quân ra giao chiến.
Dương Hổ không thèm nói nửa tiếng, cứ việc giục ngựa lướt tới đâm thẳng Trương Tùng Long. Trương Tùng Long cũng vung
song chùy đón đánh. Hai bên giao đấu đến hai mươi hiệp vẫn chưa phân
thắng bại. Dương Hổ nghĩ thầm:
“Thằng này giỏi thật, hèn chi Ngưu Cao thua nó cũng phải”.
Nghĩ rồi đâm bậy một thương giả chạy dài, Trương Tùng Long đắc thế giục ngựa đuổi gần kịp bị Dư Hóa Long phóng ra một mũi phi tiêu trúng ngay giữa
ngực.
Trương Tùng Long rú lên một tiếng thất thanh ngã nhào xuống
ngựa; Dương Hổ vội nhảy tới chém bồi một đao nữa, cắt lấy thủ cấp. Thừa
thắng, Dư Hóa Long xua quân tràn vào cướp ải. Quân Phiên vỡ tan bỏ ải
chạy thục mạng. Hai tướng dẫn quân vào ải an dinh.
Sáng hôm sau, hai tướng dắt nhau đến thăm Ngưu Cao. Ngưu Cao hỏi:
Nhị vị đến đây có việc chi?
Dư Hóa Long nói:
– Hai anh em tôi đã lấy được ải Ty Thủy quan rồi.
Ngưu Cao cười ha hả:
– Hai người đã lập công thì được nhờ, nói với tôi làm gì?
Dư Hóa Long nói:
– Vì hôm qua tôi nghe tướng quân oán trách Dương Hổ, nên hôm nay anh em
tôi phải đi lấy Tỵ Thủy quan cho tướng quân, một là phá vận đen, lấy lại vận may cho tướng quân, hai là anh em tôi mới tới đây không có chi phải lấy công ấy để làm lễ tấn kiến. Vậy từ nay về sau, xin chớ chửi mắng
Dương tướng quân nữa.
Ngưu Cao nghe nói lấy làm khoái lắm, nhưng lại e ngại nói:
– Nhưng đến lúc Nhạc Nguyên soái đến thì nói sao?
Dư Hóa Long đáp:
– Có gì khó đâu? Anh em tôi không đi báo công, để nhường lại cho huynh chứ sao?
Ngưu Cao nói:
– Nếu vậy thì cảm ơn chư đệ lắm.
Hai người tạ từ ra về, Ngưu Cao cũng dẫn binh ra khỏi đường lớn chờ Nhạc
Nguyên soái. Chẳng bao lâu, nghe quân vào báo đại binh của Nhạc Nguyên
soái đã đến.
Cả ba người đều ra nghênh tiếp, Nhạc Nguyên soái hỏi:
– Lấy được Tỵ Thủy quan là công lao của ai đó?
Hai người kia không nói đã đành, còn Ngưu Cao cũng ngỡ ngàng không thốt nên lời.
Thấy ba người không ai lên tiếng, Nhạc Nguyên soái hỏi lại:
– Ai lấy được ải Tỵ Thủy quan sao chẳng báo công?
Ngưu Cao nói:
– Thật tình đệ không nói dối được, nguyên là hai người này lấy được, song họ nhường lại cái công lao ấy cho đệ, nhưng đệ không muốn. Nguyên soái
hãy ghi công cho họ là xong.
Nhạc Nguyên soái nói:
– Thế thì ngay bây giờ ngươi hãy dẫn bộ binh qua cứu Ngẫu Đường quan, bổn soái sẽ theo sau.
Ngưu Cao vâng lệnh dẫn quân đi lập tức. Nhạc Nguyên soái bèn ghi công cho Dư Hóa Long và Dương Hổ rồi vỗ yên bá tính. Đoạn kéo quân qua Ngẫu Đường
quan.
Thấy Ngưu Cao kéo quân đến Ngẫu Đường quan, quân vào ải phi
báo, quan Tổng binh giữ ải tưởng là Nhạc Nguyên soái nên vội mở cửa ải
dẫn chư tướng ra quỳ gối nói:
– Tôi là quan Tổng binh Ngẫu Đường quan tên Kim Tiết đến nghênh đón Nguyên soái.
Ngưu Cao nói:
– Chớ có quỳ lạy làm gì, ta đây chỉ là Đô thống Tiên phong Ngưu Cao, Nhạc Nguyên soái còn đi sau.
Kim Tiết nghe nói vùng đứng phắt dậy, vừa xấu hổ, vừa giận dữ, nghĩ thầm:
– “Hắn chỉ là tên Đô Thống mà gặp ta lẽ ra phải cúi đầu mới phải, có đâu
lại ngồi trên lưng ngựa chõ miệng nói xuống vô lễ đến thể’.
Để cho hả giận, Kim Tiết hùng hổ truyền quân đem tên phi báo chém lập tức.
Ngưu Cao nổi giận trợn mắt nói:
– Thôi, đừng giết nó làm gì. Nếu quả ngươi có tài cán sao còn triệu thỉnh chúng ta đến đây? Ta về đây!
Dứt lời truyền quân quay trở lại. Kim Tiết thấy thế thầm nghĩ:
– “Tên thất phu này nó là tướng tiên phong của Nhạc Nguyên soái, nếu ta chọc giận nó e sẽ gặp rắc rối sau này “.
Nghĩ rồi cắn răng nhịn nhục chạy theo gọi Ngưu Cao nói:
– Xin tướng quân bớt giận, chỉ vì tên quân phi báo không rõ nên tôi chiếu theo quân pháp trị tội, ngờ đâu tướng quân không bằng lòng. Vậy tôi xin chiều lòng tướng quân, tha cho nó vậy.
Vừa nói vừa truyền quân mở trói tha tên quân báo.
Ngưu Cao nói:
– ừ, có vậy mới phải chứ, nếu ngươi giết hắn thì còn chi thể diện của ta?
Kim Tiết xoa dịu:
– Vâng đó là lỗi tại tôi rồi, xin tướng quân hãy vào ải nghỉ binh.
Hai người làm lành trở lại rồi dắt tay nhau vào ải, Ngưu Cao đi đến nha môn vào giữa đại đường ngó thấy chỗ nào cũng có treo đèn kết hoa trông rất
đẹp mắt. Ngưu Cao đoán biết bọn này chỉ vì hay tin Nhạc Nguyên soái đến
nên dọn dẹp chỉnh tề như vậy.
Khi Ngưu Cao vào tận sân trong mới
chịu xuống ngựa bước vào đại điện ngồi ngay chính giữa, còn quan Tổng
binh chỉ ngồi ghé một bên.
Trà nước xong xuôi, quân sĩ dọn tiệc lên, Kim Tiết mời Ngưu Cao dự tiệc.
Ngồi vào bàn tiệc, Ngưu Cao cười ha hả nói:
– May mà ngươi mời ta dự cái tiệc này ta còn có cảm tình với ngươi, chứ
gặp Nguyên soái mà ngươi đãi tiệc thịnh soạn như thế này thì chắc ngươi
phải tội rồi.
Kim Tiết ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao vậy?
Ngưu Cao thong thả giải thích:
– Bữa ăn nào Nhạc Nguyên soái cũng quay mặt qua hướng Bắc khóc lóc, chỉ
vì Nhị Đế đang ở bên ấy bị nhốt dưới đáy giếng dòm trời, ăn uống chỉ
được ăn thịt trâu, uống nước bàng thịt ép khổ sở trăm chiều. Chúng ta là phận làm tôi, chỉ so sánh một bữa cơm chay cũng đã quá lắm rồi, có đâu
lại dám ăn cao lương mĩ vị như vậy! Bọn anh em ta thường hay khuyên
Nguyên soái nên ăn chút đỉnh thịt thà để bổ dưỡng sức khỏe, vì Nguyên
soái là rường cột quốc gia, đã khổ nhọc hết sức lại lo lắng hao tổn tinh thần nhiều, nếu rủi Nguyên soái đau ốm thì ai lo gánh vác giang sơn.
Nhờ bọn ta khuyên lắm hôm nay Nguyên soái mới dùng cá thịt chút đỉnh, nếu
người trông thấy cỗ bàn thịnh soạn như thế này lẽ nào lại không ghét.
Kim Tiết nghe nói tạ ơn và nói:
– Tôi vốn không biết, xin nhờ tướng công dạy bảo mọi điều.
Ngưu Cao lại nói:
– Ta cho ngươi biết, Nguyên soái chỉ ưa nhất là món đậu phụ. Khi còn ở
Hoàng huyện, người chỉ dùng có món đậu phụ ấy qua tháng ngày luyện tập
để ra ứng thí trạng võ ở Biện Kinh. Vậy thì nhờ ăn món đậu phụ màthành
danh đấy, cho nên người thường nói: “Quân tử bất vong kỳ bổn”. Bởi lẽ
ấy, Nhạc Nguyên soái ưa thích loại đậu phụ lắm.
Kim Tiết nói:
– Được tướng quân chỉ bảo, thật rất cảm ơn.
Ngưu Cao nhìn vào mâm cỗ hồi lâu rồi nói:
– Quý Tổng binh có thiệt tình đãi ta cái tiệc này không?
Kim Tiết đáp:
– Vâng, tôi thiệt tình mời, xin tướng quân chớ ngại.
Ngưu Cao nói:
– Nếu quả thiệt tình thì hãy đem cái bát lớn ra đây cho ta.
Kim Tiết vội gọi kẻ gia đinh đem ra. Ngưu Cao uống luôn một hơi hai mươi bát rượu, Kim Tiết nghĩ thầm:
– “Tại sao Nhạc Nguyên soái lại dùng chi cái thằng tham ăn tục uống và
ngu xuẩn đến thế đi làm tướng tiên phong thật là lạ lùng”.
Ngưu Cao uống mãi cho đến giờ ngọ mới sực nhớ ra, nói với Kim Tiết:
– Quý Tổng binh ơi, tí nữa ta quên phắt đi mất! Ngươi làm ơn cho những binh gia của ta nó ăn uống với.
Kim Tiết nói:
– Được rồi, để tôi phát tiền cho chúng nó mua dùng cũng được.
Ngưu Cao gật đầu khen:
– Nếu vậy thì ngươi hậu tình lắm đấy.
Lúc bấy giờ con ma men nó đã nhập vào đến tận huyết quản của Ngưu Cao rồi. Đột nhiên quân sĩ vào phi báo:
– Bẩm lão gia, quân Kim đã đến gần ải ta rồi!
Kim Tiết thấy Ngưu Cao ngồi nghiêng ngửa, biết chắc con người ấy vô dụng
trong lúc này rồi, nên lén ra ngoài, truyền quân sĩ canh phòng nghiêm
mật.
Ngưu Cao nhìn Kim Tiết mỉm cười hỏi:
– Kim Tiết, ngươi
làm gì mà coi bộ nhớn nhác như vậy? Ngươi không muốn đãi khách nữa hay
có việc gì thì cứ việc nói thẳng ra, có gì đáng ngại?
Kim Tiết nói:
– Tôi thấy tướng quân đã say quá rồi nên không dám nói, chứ quân Phiên đã kéo đến rồi.
Ngưu Cao cười ha hả:
– Chỉ có vậy mà sợ sệt đến thế ư? Hãy đem thêm rượu đây cho ta uống rồi ta sẽ đi giết quân Phiên.
Kim Tiết thấy Ngưu Cao nói với giọng liều lĩnh nên đáp:
-Thưa tướng quân rượu đã hết rồi!
Ngưu Cao nói:
– Người ta thường bảo: phải có đủ mười phần rượu mới có đủ mười phần khí lực, hãy đem rượu ra đây mau.
Kim Tiết cau mày nói thầm:
– “Tên thất phu này điên đến thế là cùng, thôi hắn muốn chết ta cho hắn chết luôn”.
Rồi Kim Tiết bưng một hũ rượu đầy để trước mặt Ngưu Cao. Ngưu Cao cười đắc
chí, bưng cả hũ rượu nốc một hơi hết nửa hũ rồi kêu gia tướng dặn:
– Còn nửa hũ này các con hãy đem theo cho ông, để ông nghỉ giây phút, ông sẽ uống.
Nói rồi, đứng dậy xiên qua xẹo lại bước ra khỏi đại đường, tướng sĩ chạy
đến đỡ lên ngựa, ba quân cũng theo sau kéo ra ngoài thành. Còn Kim Tiết
thì lên trên thành đứng quan sát.
Kim Tiết thấy Ngưu Cao ngồi trên
lưng ngựa say bí tỉ còn bên kia Nguyên soái của Kim quốc tên Trảm Trước
Ma Lợi mình cao một trượng lẫm liệt oai phong, tay cầm cây hỗn thiết côn nặng hơn trăm cân. Tướng ấy không thèm cưỡi ngựa, cứ việc đi bộ ra giữa trận. Vừa trông thấy Ngưu Cao say ‘ mèm ngồi trên ngựa còn không vững,
liền cười khanh khách nói:
– Cái thằng Nam man này vì say quá không biết sợ chết nữa chắc.
Rồi hắn chống cây thiết côn xuống đất hỏi gằn từng tiếng:
– Mi làm gì vậy hỡi tên Nam man?
Ngưu Cao không thèm đáp, quay qua gọi quân sĩ:
– Hãy đem hũ rượu ra đây cho ông mau lên.
Tên tướng Phiên thấy thế càng tức cười hơn nữa. Còn Ngưu Cao cứ việc bưng
hũ rượu uống hết. Chẳng dè Ngưu Cao đã quá say lại uống đầy bụng, phần
thì gió lạnh nên mửa vọt ra một vòi xối vào mặt tên tướng Phiên.
Hôi quá tên tướng Phiên chịu không nổi phải lấy tay chùi mặt, ngờ đâu Ngưu
Cao vừa mửa ra được, trong người hơi tỉnh chàng mở mắt ra trông thấy tên Phiên tướng đang đứng trước mặt liền rút nhanh cây giản đánh bổ xuống
giữa đỉnh đầu đối phương vỡ sọ chết tươi.
Ngưu Cao thừa thế giục
ngựa vào dinh Phiên chém giết một hồi, thây chết nằm chật đất, máu chảy
thành sông, rồi rượt theo ngoài hai mươi dặm mới thu binh trở lại truyền quân thu nhặt đồ binh khí, ngựa xe, lương thảo rất nhiều.
Kim Tiết bước ra thành nghênh tiếp và nói:
– Tướng quân quả là thần nhân, trên đời ít ai bì kịp.
Ngưu Cao nghe khen khoái trí càng khoác lác:
– Nếu uống thêm vài ba hũ nữa thì đã giết sạch quân Phiên rồi.
Khi vào ải, Kim Tiết đưa Ngưu Cao vào quán dịch nghỉ ngơi còn ba quân thì đóng dinh tại giáo trường.
Sắp đặt xong xuôi, Kim Tiết trở về nhà cùng với vợ là Thích Thị phu nhân
dùng cơm tối. Kim Tổng binh vừa ăn vừa nói chuyện với vợ:
– Tướng
Tiên phong của Nhạc nguyên soái tên Ngưu Cao tính tình rất lỗ mãng, ngờ
đâu y là một viên phúc tướng uống rượu say mèm mà giết chết mấy ngàn
quân giặc, lập chiến công hiển hách.
Thích Thị phu nhân nói:
– Ấy là phúc của chúa thượng nên mới được người như vậy phò tá.
Ăn xong, Kim Tiết bảo phu nhân:
– Vì có giặc Kim Phiên nên lắm lúc nửa đêm tôi cũng phải thăng đường biện sự, cho nên tôi cần phải ra thư phòng nghỉ cho tiện.
Nói rồi Kim Tiết đi ra ngoài, phu nhân vào phòng nghỉ.
Qua đến canh ba, bỗng nghe ai gõ cửa phòng. Phu nhân vội bảo a hoàn mở cửa
xem, thì thấy em gái mình tên Thích Thoại Ngọc, hớt hải chạy vào kêu phu nhân nói:
– Chị ơi em sợ quá, xin chị cho em ngủ chung với cho có bạn.
Phu nhân tỏ vẻ không bằng lòng:
– Tuy em nhờ anh rể em nuôi dưỡng từ bé nay em cũng đã lớn rồi, phải
tránh sự hiềm nghi, may mà đêm nay anh ấy nghỉ tại thư phòng chứ như có
nghỉ ở đây, em cũng vào gõ cửa như vậy sao?
Thoại Ngọc nói:
–
Chẳng phải em không rõ việc đời, nhưng lúc em còn đang ngủ bỗng chiêm
bao thấy con cọp đen nhảy bổ vào ôm em chặt cứng nên em sợ quá phải vào
đây kêu chị.
Phu nhân nghe vậy giật nẩy người nói:
– Lạ thật,
chính chị cũng vừa chiêm bao thấy con cọp đen nhảy ra nhà sau, còn đang
kinh hãi, thì em đến gõ cửa chẳng biết điềm lành hay dữ?
Nói rồi cho phép Thoại Ngọc vào phòng nghỉ với mình cho có bạn.
Sáng ra, vừa rửa mặt xong đã thấy Kim Tiết vào
nhà sau dùng cơm điểm tâm, phu nhân nói:
– Hồi hôm Thoại Ngọc chiêm bao thấy con cọp đen ôm chặt cứng, không biết điềm ấy lành hay dữ?
Kim Tiết cũng ngạc nhiên nói:
– Việc này cũng lạ thật, chính tôi đây cũng chiêm bao thấy con cọp đen, hay là em của phu nhân có duyên nợ với người ấy chăng?
Phu nhân hỏi:
– Tướng công bảo người ấy là người nào?
Kim Tiết đáp:
– Ta đoán người ấy là Ngưu Cao, vì Ngưu Cao mặt đen, râu vằn thường mặc
áo bào đen, thật rõ ràng là hắc hổ. Ta nhắm tướng Ngưu Cao tuy tình tình hơi lỗ mãng, song ngày sau chắc chắn áo tía đai vàng, chi bằng đem
Thoại Ngọc gả phắt cho y để em nó được nhờ tấm thân mà vợ chồng chúng ta rảnh đi được một mối lo.
Phu nhân nói:
– Bao giờ tướng công cũng nhìn xa thấy rộng hơn thiếp, mong tướng công xây dựng tương lai cho em nó, thiếp sẽ đội ơn.
Kim Tiết nói:
– Để ta dò xem y đã có vợ chưa, nếu chưa vợ và sẵn hôm nay ngày Hoàng đạo ta tính luôn cho rồi. Phu nhân mừng rỡ trở vào phòng nói rõ cho Thoại
Ngọc hay. Còn Kim Tiết thì ra ngoài hỏi thăm gia tướng. Khi biết được
Ngưu Cao chưa có vợ nên mừng lắm, vội sai gia đinh trang trí chỗ động
phòng hoa chúc rồi sai người mang mũ sa mão và áo tràng ra nơi quán dịch trao cho Ngưu Cao.
Kim Tiết căn dặn:
– Ngươi ra ngoài quán
dịch đừng đả động gì đến việc này cả, cứ việc mời Ngưu Cao đến đây uống
rượu thôi. Lúc nào tướng quân đến, sẽ lạy trời đất làm lễ thành hôn.
Gia nhân vâng lệnh ra quán dịch dâng áo mũ cho Ngưu Cao và mời đến uống rượu.
Ngưu Cao thắc mắc nói:
– Tại Bao mời ta đi uống rượu lại bảo ta mặc y phục quan văn làm gì? Thôi ngươi cứ đi về trước rồi ta sẽ đến.
Gia nhân về bẩm:
– Ngưu lão gia bằng lòng đến.
Kim Tiết mừng rỡ, hối quân treo đèn kết hoa trang hoàng chỗ động phòng hoa
chúc trong ngoài rực rỡ. Lát sau Ngưu Cao đến trước cửa viên môn xuống
ngựa, Kim Tiết bước ra nghênh tiếp.
Vào đến đại đường, Ngưu Cao trông thấy cảnh trí trang hoàng rực rỡ nghĩ thầm:
– “Có lẽ hôm nay trong nhà có đám cưới chi đây nên mời ta đến uống rượu chúc mừng thì phải”.
Ngưu Cao nói:
– Hôm nay trong quý phủ có lễ gả cưới mà tôi không hay nên không sắm được đồ mừng thật là có lỗi.
Kim Tiết nói:
– Hôm nay ngày Hoàng đạo tốt lắm, tôi có một đứa em vợ muốn dâng cho
tướng quân nên mời tướng quân đến đây làm lễ động phòng hoa chúc, nếu
tướng quân không chê, tôi xin đi mời em nó ra đây cho tướng quân xem
mặt.
Ngưu Cao nghe nói đỏ mặt chạy thẳng ra ngoài nhảy lên ngựa trở về quán dịch.
Thích phu nhân thấy Ngưu Cao quá e thẹn bỏ đi, nên buồn bã nói với Kim Tiết:
– Nếu Ngưu tướng quân không thuận lòng thì duyên của em thiếp bị dở dang biết liệu sao đây?
Kim Tiết nói:
– Phu nhân chớ lo, để Nhạc Nguyên soái đến đẩy tôi bẩm với người thì việc ấy ắt xong.
Vợ chồng đang chuyện vãn, bỗng có quân vào báo:
– Thưa lão gia, Nhạc Nguyên soái đã đến.
Kim Tổng binh nghe báo cả mừng không kịp thay y giáp, cứ việc mặc lễ phục lên ngựa ra ngoài thành quỳ trước Nhạc Phi bẩm:
Tôi là Tổng binh Ngẫu Đường quan tên Kim Tiết xin đến nghênh đón Nguyên soái.
Nhạc Phi nói:
– Tổng binh hãy bình thân.
Nhạc Phi trông thấy có một mình quan Tổng binh ra nghênh tiếp trong lòng hơi lo ngại, nghĩ thầm: “Tại sao không có mặt Ngưu Cao ở đây? Hay hắn bại
trận nữa rồi?”
Lại thấy y phục của Tổng binh, lấy làm lạ hỏi:
– Tại sao Tổng binh lại mặc lễ phục để làm gì? Và Ngưu Cao ở đâu không thấy?
Kim Tiết thưa:
– Bẩm Nguyên soái, Ngưu Tiên phong đến đây rất vô lễ ăn uống tại công
đường thì giành ngồi ở giữa lại uống rượu say mèm. Lúc ấy tướng Phiên
vừa kéo mười ngàn binh đến trước ải, tướng ấy mình cao một trượng vô
cùng lợi hại. Nhưng khi giáp trận, Ngưu Tiên phong sợ bẩn vùng mửa vọt
vào mặt đối phương khiến tướng Phiên sợ bẩn lấy tay chùi mặt thì bị Ngưu Tiên phong nhanh tay bổ một giản trúng óc chết tươi, rồi qua giết quân
Phiên cả ngàn tên. Bọn chúng khiếp sợ bỏ chạy. Đêm hôm ấy cả nhà tôi đều chiêm bao thấy cọp đen, mà tôi có đứa em vợ, đoán biết đó là điềm hôn
nhân nay muốn đem gả cho Ngưu Tiên phong. Nhân ngày Hoàng đạo tôi mời
Ngưu tướng quân đến làm lễ thành hôn, không biết vì cớ gì người bỏ chạy
về, mong Nguyên soái lo liệu cho, tôi đội ơn vô cùng.
Nhạc Nguyên soái gật đầu đáp:
– Tổng binh hãy an tâm về đi, chốc nữa ta sẽ đưa hắn đến làm lễ động phòng hoa chúc.
Kim Tiết tạ ơn về nha môn nói lại cho vợ hay, vợ chồng mừng rỡ vô cùng.
Nhạc Nguyên soái truyền quân đóng dinh trại xong vội sai Thang Hoài đi gọi
Ngưu Cao đến. Thang Hoài vâng lệnh lên ngựa đến quán dịch hỏi quân sĩ:
– Lão gia của các ngươi đâu?
Quân sĩ cúi đầu thưa:
– Thưa lão gia của chúng tôi ở phía sau trướng.
Thang Hoài bảo:
– Chúng bay khỏi phải vào thông báo, để ta đi vào thôi.
Vừa nói, Thang Hoài vừa bước thẳng ra phía sau trướng nhìn Ngưu Cao mỉm cười nói:
– Hôm nay hiền đệ ăn mặc đẹp quá nhỉ!
Ngưu Cao ngước mặt lên thấy Thang Hoài nửa mừng, nửa xấu hổ vội hỏi:
– Thang nhị ca đến bao giờ vậy?
– Ta mới đến khi nãy. Nhạc đại huynh bảo ta đi gọi hiền đệ gấp.
Ngưu Cao nói:
– Nếu vậy để đệ đi thay y giáp đã.
Thang Hoài xua tay:
– Thay làm gì, để vậy tốt hơn.
Vừa nói vừa kéo Ngưu Cao ra khỏi quán dịch lên ngựa thẳng đến đại dinh.
Thang Hoài vào trước phục lệnh, Ngưu Cao vào sau quỳ xuống cúi đầu.
Nhạc Nguyên soái bước tới vỗ vai Ngưu Cao âu yếm nói:
– Việc vợ chồng là ngũ luân rất trọng, sao hiền đệ lại bỏ chạy đi đâu,
làm như vậy hỏng cả cuộc đời tiểu thư đó còn gì. Thôi, để hôm nay ta
tính cho hiền đệ.
Nói rồi đi thay y phục, dẫn Ngưu Cao đến nha Tổng binh. Kim Tiết ra đón vào đại đường lạy mừng Nhạc Nguyên soái rồi mời
tiểu thư ra cùng Ngưu Cao làm lễ động phòng hoa chúc.
Nhạc Nguyên soái nói:
– Hôm nay tình cờ ta không kịp sắm lễ vật, thôi để bữa khác ta sẽ bổ khuyết.
Kim Tiết nói:
– Thưa Nguyên soái, tôi đâu dám.
Nhạc Nguyên soái từ biệt trở về dinh gọi hết chư tướng đến bảo:
– Từ nay về sau, nếu các hiền đệ có gặp nơi nào xứng đôi vừa lứa muốn
tính việc hôn nhân thì cứ việc tự tiện chớ nên đợi chờ bẩm báo làm gì.
Vì anh em chúng mình ra đi phen này là quyết liều thân đánh giặc Phiên
nô để đón Nhị Đế về, đã chắc gì tính mạng được toàn vẹn? Bởi vậy cho nên hễ gặp chỗ nào tiện thì cưới, may ra có con cái nếu có rủi ro bề nào
cũng có người nối dõi.
Chư tướng vâng lệnh lui ra, ai về dinh nấy an nghỉ.
Nói về Lưu Dự, từ ngày đầu hàng Kim Phiên được Ngột Truật phong cho chức Lỗ Vương trấn thủ tại Sơn Đông, ỷ mình quyền quý, tàn bạo bất nhân, hãm
hại lương dân không kể xiết; lại thêm thằng con trai thứ hai là Lưu Nghê lấy thế của cha làm điều xằng bậy, chiếm đoạt ruộng đất của nhân dân,
hãm hiếp đàn bà con gái, không có một hành động bất nhân nào mà hắn
không làm.
Một hôm, Lưu Nghê dẫn ba trăm gia tướng vào rẫy săn bắn. Khi đến ven rừng ban Mạnh gia trang, Lưu Nghê truyền thả chó và chim
ứng ra săn mồi.
Tên tráng đinh nhà họ Mạnh đang bừa cỏ dưới ruộng
sâu chợt thấy con chim ưng đang cắn lộn xâu xé với một con chim khác
cũng to tướng, hai con đều la chí chóe trên lưng trời, rồi hai con cùng
sà xuống cắn nhau trước mặt của hắn.
Tên tráng đinh dừng trâu lại mỉm cười lẩm bẩm:
“Thế là hôm nay trời cho ta một bữa thịt chim ngon lành”.
Tên tráng đinh này quê mùa có biết chim săn này của ai đâu, hắn xách roi
xốc tới đập chết cả hai rồi lại mừng quýnh nhìn bốn bắp đùi chim béo
mập. Hắn xách mỗi tay một con đi về nhà, vừa đi vừa tính:
– Hôm nay cả nhà ta đánh chén cho đã thèm cũng không hết.
Bọn gia tướng của Lưu Nghê thấy mất chim ưng vội chạy đi tìm, bắt gặp tên tráng đinh đang xách trong tay, chúng quát lớn:
– Tên khốn kiếp này sao mi dám cả gan đập chết chim ưng của gia chủ ta?
Tên tráng đinh trợn mắt đáp:
– Ô hay, “chim trời cá nước” ai bắt được nấy ăn, can chi các chú lại hỏi?
Bon gia tướng Lưu Nghê gằn giọng:
– Thằng này thật tới số rồi’ Nhà mi ở đâu?
Tráng đinh thật thà đáp:
– Ta là tráng đinh của Mạnh Thái Công ở tại Mạnh gia trang, các người hỏi có việc gì cần không?
Một tên trong bọn lớn tiếng nói:
– Hơi đâu mà nói dông dài với nó, hãy bắt trói quách đem về nạp cho công tử cho rồi.
Tên tráng đinh ra vẻ ngạc nhiên:
– Mấy chú này ngang ngược, ta có tội lỗi gì mà bắt ta? Nếu như các chú có thèm thịt lắm thì cứ việc đến nhà ta cùng đánh chén với nhau cũng được
chứ có hề chi mà hành hung như vậy; chẳng lẽ phép vua luật nước không có sao mà các chú muốn làm gì cũng được?
Bọn gia tướng không thèm nói năng gì cả, chúng cùng hô lên một tiếng xông vào vây đánh tên tráng
đinh nhà họ Mạnh túi bụi. Đứa đấm, đứa đá, khiến tên tráng đinh ngã lăn. Cuối cùng có một đứa nhằm bàng quang tên tráng đinh đá mạnh, khiến y
hộc máu chết ngay, rồi dắt nhau trở lại báo với Lưu Nghê:
– Con
chim ưng đã bị tên tráng đinh của Mạnh Thái Công đập chết rồi. Chúng tôi bảo hắn bồi thường, hắn đã không không thường lại còn chửi luôn đến
công tử nữa, chúng tôi nổi giận choảng cho hắn vài tát tai, ngờ đâu hắn
bị vấp ngã trúng yếu huyệt chết rồi.
Lưu Nghê nói:
– Nếu nó chết rồi thì bắt chủ nó phải bồi thường con chim ưng cho ta.
Nói rồi liền dắt gia nhân thẳng đến Mạnh gia trang.
Vừa đến cổng, bọn gia nhân đã lớn tiếng kêu:
– Có thằng khốn kiếp nào coi cửa đó không? Hãy vào báo cho chủ mi hay
rằng: con chim ưng của Lưu công tử bị tên tráng đinh trong nhà này đánh
chết, hãy bồi thường cho mau thì mọi việc êm xuôi, bằng chậm trễ để cho
người báo với Tứ hoàng tử Kim Quốc thì cả nhà này bị phân thây muôn đoạn đấy.
Tráng định vội vã chạy vào báo đầu đuôi mọi việc với Mạnh Thái Công. Mạnh Thái Công nghĩ thầm:
– Tên gian thần Lưu Dự đầu hàng bọn Phiên bang cầu vinh mãi quốc, thậm
chí đến con nó cũng ỷ thế cậy thần, hiếp đáp lương dân, để ta ra xem vì
sao hắn bắt thường con chim ưng cho biết.
Nghĩ rồi bước ra ngoài trang môn. Lưu Nghê thoáng thấy liền lớn tiếng gọi:
– Lão già kia, có tên tráng đinh của ngươi đánh chết chim ưng của ta, hãy bồi thường cho mau.
Mạnh Thái Công hỏi:
Tại sao công tử biết tên tráng đinh của ta đánh chết chim ưng của công tử?
Lưu Nghê trầm giọng bảo:
– Gia nhân của ta đã thấy rõ ràng lão còn muốn chối nữa sao?
Thái công nói:
– Nếu quả tên tráng đinh của ta đánh chết thì ta bồi thường, nhưng để ta hỏi lại nó đã.
Lưu Nghê cười gằn:
– Tên ấy vô lễ bị gia nhân của ta đập chết rồi còn hỏi gì nữa.
Mạnh Thái Công nghe nói tên tráng đinh của mình bị đánh chết thì giận quá nói:
– Quân khốn nạn coi mạng người như cỏ rác. Mi giết chết người không thường mạng lại đến đây bắt bồi thường chim ưng nữa sao?
Lưu Nghê chỉ vào mặt Thái Công nói:
– Lão già này ngu đần đến thế là cùng, ngay cả hoàng đế nhà Tống kia còn
chưa làm gì được ta huống chi ngươi lại dám buông lời vô lễ với ta sao?
Thái độ ngang ngược ngạo mạn của con trai tên gian thần bán nước làm cho Thái công căm gan, tím ruột, còn chưa biết xử trí ra sao thì tên Lưu
Nghê đã giục ngựa xông tới toan bắt Thái Công. Thái Công hoảng hốt lùi
lại, không ngờ vấp phải cọng cỏ đã bị ngã vập xuống va đầu vào tảng đá
máu tuôn trào và ngất xỉu.