Cậu tên là Santiago. Cậu đến ngôi nhà nhỏ hoang phế kia khi trời vừa nhá nhem tối. Cây dâu mọc trong cái phòng thay áo lễ trước kia vẫn còn đó. Qua cái mái đã sập một nửa người ta vẫn có thể thấy được sao trời. Cậu nhớ lại cách đây không lâu mình và lũ cừu đã ở đây một đêm rất yên bình – không kể giấc mộng. Bây giờ không có bầy cừu bên cậu nữa; trong tay cậu là một cái xẻng. Cậu nhìn lên trời một lúc, rồi lấy từ túi ra một chai vang, nhâm nhi. Cậu nhớ lại cái đêm nhìn trăng trong sa mạc, uống vang với nhà luyện kim đan; nhớ lại những chặng đường đã trải qua và cái phương cách lạ thường Chúa chọn để chỉ cho cậu kho tàng. Nếu không tin vào điều cậu hai lầnmơ thì cậu sẽ không bao giờ gặp bà lão Zigeuner, nhà vua già, gã bịp và những người khác trên con đường dài rong ruổi.
“Danh sách những người và việc mình đã gặp thì dài lắm. Nhưng đã có dấu hiệu chỉ mình hướng đi thì mình không thể nhầm lẫn được”, cậu tự nhủ.
Rồi cậu thiếp đi mà không hay. Khi mở mắt thì mặt trời đã lên cao. Cậu bắt đầu đào bới dưới gốc cây dâu
“Ông đúng là một lão phù thủy”, cậu thầm nghĩ. “Ông biết trước cả rồi. Thậm chí ông đã để lại cả vàng cho cháu để cháu có tiền đi đường, trở lại ngôi nhà thờ này. Người tu sĩ Côptic đã cười khi thấy cháu quay lại tu viện với quần áo rách bươm. Chẳng lẽ ông không thể miễn cho cháu những khốn khổ đó được à?”
“Không”, cậu nghe gió đáp. “Nếu ta cảnh báo cậu thì cậu sẽ chẳng bao giờ thấy được Kim Tự Tháp. Mà chúng đẹp biết bao, phải thế không?”
Đó là tiếng nhà luyện kim đan.
Cậu cười, đào tiếp. Sau nữa giờ lưỡi xẻng chạm phải vật gì cứng. Một giờ sau cậu đứng trước một cái hòm đầy tiền vàng cổ Tây Ban Nha. Có cả đá quí, mặt nạ vàng đính lông trắng, đỏ và cả những pho tượng cẩn ngọc. Đó là những thứ cướp bóc được trong thời kì xâm lược mà đất nước này đã quên từ lâu và những kẻ đi xâm lược cũng không kể lại cho con cháu họ.
Cậu moi bị lấy ra hai viên Urim và Thummim mà cậu chỉ dùng có mỗi một lần, vào một buổi sáng nọ ở bãi chợ. Đời cậu và con đường cậu trải qua đều rải đầy dấu hiệu. Cậu bỏ hai viên đá vào hòm. Chúng cũng là một phần của kho tàng vì chúng gợi cậu nhớ đến nhà vua già mà cậu hẳn sẽ không bao giờ gặp lại nữa.
“Đúng là cuộc đời rất hào phóng với người nào chịu theo đuổi vận mệnh mình”, cậu nghĩ. Rồi cậu nhớ rằng phải đến Tarifa để trả bà lão Zigeuner một phần mười kho báu.
“Sao họ tinh ranh thế nhỉ? Có lẽ vì họ đi nhiều”, cậu nghĩ.
Gió lại thổi, gió Levante từ châu Phi. Lần này gió không mang lại mùi sa mạc hay mối đe dọa xâm lược của người Mauren, mà mang đến một mùi thơm cậu rất quen, và một nụ hôn nhẹ nhàng chạm trên môi cậu. Cậu mỉm cười. Lần đầu tiên cô ấy hôn mình.
“Anh đến đây, Fatima “, cậu nói.