“Chạy theo hoài, vấp rất đau…”
Kể từ hôm tôi gặp Lan, hình ảnh đứa bé đó luôn xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Đứa bé chạy đến bên Dim, gọi Dim là bố với nụ cười đáng yêu của nó, dắt tay Dim đến chỗ Lan. Hình ảnh gia đình hạnh phúc đó ám ảnh tôi hàng đêm khiến tôi sợ hãi việc đi vào giấc ngủ, không muốn đặt lưng xuống và nhắm mắt lại dù chỉ một giây. Tôi khóc nhiều hơn mỗi khi Dim không có nhà. Không phải kiểu bật khóc nức nở mà bất cứ khi tôi làm việc gì, bất cứ lúc nào nước mắt tôi cũng tự động chạy dài chẳng vì lý do gì, cứ như nước mắt luôn ở đó, trực chờ tôi chớp mắt là vô thức rơi xuống. Tôi làm bạn với kính mắt mỗi khi ra ngoài để che giấu đôi mắt sưng húp vì khóc. Tôi yếu đuối nhưng lại sợ bị ai đó phát hiện ra.
– Dạo này có hãng kính mát nào nhờ cậu quảng cáo hộ à?
Phong vừa cùng tôi đi họp ở bên công ty tôi để hoàn tất việc hợp tác ra mắt kênh thời trang vào cuối tháng. Cuối cùng thì tôi không phải gặp cậu ấy thường xuyên, không phải trốn tránh mỗi khi chạm phải mặt cậu ấy.
Tôi không đáp lại, tập trung đọc lại tài liệu để duyệt. Bỗng chiếc kính trên mắt tôi bị lấy đi rất nhanh đến nỗi tôi không kịp giữ lại, chỉ biết ngẩng lên hoảng hốt.
– Mắt cậu làm sao vậy?
Phong cầm kính của tôi, ngạc nhiên khi nhìn thấy đôi mắt sưng đỏ của tôi. Tôi vội vàng lấy tập tài liệu che mặt, đi ra chỗ khác. Nếu cậu ấy thấy tôi như vậy, cậu ấy sẽ về nói với em gái cậu ấy thì tôi thật sự giống kẻ thua cuộc thê thảm. Tôi không muốn thấy Lan đến gặp tôi và cười cái nụ cười giễu cợt đó nữa. Tôi chán ngấy với cái việc phải phát điên lên vì cô ta.
Phong đi theo tôi, nâng cằm tôi lên nhìn kỹ khuôn mặt tôi, nghi hoặc hỏi.
– Cậu khóc cả đêm đấy à?
Không phải cả đêm, mà là mỗi đêm, sự thật là như thế. Tôi bực mình trước sự quan tâm thái quá của Phong, bực tức hất tay cậu ấy ra, nóng nảy nói.
– Đau mắt thôi!
Thấy thái độ của tôi không thoải mái, Phong cũng không nói gì, trả lại kính cho tôi rồi rời đi.
Cả buổi làm việc hôm đó Phong cũng không làm phiền tôi, chỉ yên lặng ngồi từ xa nhìn tôi. Gần cuối giờ, Phong đi từ đâu về, thở hồng hộc, tóc tai rối tung chạy tới trước bàn làm việc của tôi, đặt xuống một lọ thuốc nhỏ mắt cùng một mẩu giấy. Khi tôi còn chưa kịp ngạc nhiên với hành động kỳ lạ của cậu ấy thì cậu ấy đã bỏ về trước. Tôi cầm lọ thuốc, giở mẩu giấy ra đọc, trong đó vỏn vẻn năm chữ: “Đừng khóc nữa, được không?”
Sau một thời gian dài làm việc chung với nhau, Phong không còn tự tiện với tình cảm của cậu ấy dành cho tôi mà thay vào đó, cậu ấy trở nên quan tâm tôi từ những cái nhỏ nhặt, đôi khi đùa nghịch với tôi nhưng rất biết giới hạn, không làm gì quá trớn nếu như tôi không thích. Cậu ấy tỏ ra yêu chiều và đối xử với tôi như thể tôi là người yêu của cậu ấy. Mọi người trong công ty vẫn thường gán ghép chúng tôi với nhau dù cho họ biết tôi đã là phụ nữ có gia đình. Có vài người còn rỉ tai tôi, bảo rằng Phong tốt với tôi như vậy, lại vì tôi mà đi xin xỏ, năn nỉ đám nhà báo từng người một đừng đăng tin tôi là người yêu của cậu ấy vì sợ cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng. Vì lần trước khi tôi và cậu ấy bị phát hiện đi ăn với nhau, các fan của cậu ấy đồn ầm lên rằng tôi là người yêu của cậu ấy nên đám nhà báo săn lùng được tin này. Ngày đó Phong giấu chuyện này với tôi nên tôi không biết được gì, chỉ cho tới khi mọi người thấy cậu ấy đối tốt với tôi mà tôi lại giữ nguyên sự xa cách với cậu ấy nên nói cho tôi biết. Tôi cảm thấy việc đó chẳng có gì là vì tôi mà hy sinh cả. Cậu ấy dẹp chuyện này phần lớn sẽ tốt cho cậu ấy chứ tôi thì ảnh hưởng gì. Tôi đã nghĩ như vậy trong một khoảng thời gian dài và yên tâm với việc để cậu ấy ở bên cạnh mà không suy nghĩ gì thêm. Nhưng dần dà cậu ấy lại biến thành người có xu hướng bảo vệ tôi mọi nơi mọi lúc khiến tôi lo lắng. Thứ tôi không muốn mắc nợ nhất trên đời này là tình cảm, không chỉ bởi vì nó khó trả mà bởi vì nó là gánh nặng, đặt trên vai hay để trong tim cũng đều không gánh được.
Tôi bước ra ngoài phố, ngao ngán thở dài một hơi, nhìn quanh quất không biết nên làm gì và nên đi đâu vì về nhà cũng chỉ có mình tôi cô đơn, ăn một mình, ngủ một mình, lại có thể nghĩ đến những điều không vui. Dim đã bay về Mỹ với một dòng tin nhắn ngắn gọn cho tôi: “Anh có việc phải về Mỹ mấy hôm.” Giờ chúng tôi trò chuyện với nhau theo kiểu gián tiếp, xa cách và mỗi cuộc trò chuyện cứ như là báo cáo thường nhật. Tôi tự hỏi nếu như không có điện thoại thì chúng tôi biết trò chuyện với nhau kiểu gì khi mà nhìn mặt nhau thôi cũng đã muốn khước từ việc trò chuyện. Thật ra chuyện này chỉ xuất phát từ nơi tôi vì mỗi khi Dim muốn nói chuyện hay quan tâm tôi thì tôi đều cố gắng nói những câu xã giao và tránh mặt thật nhanh. Tôi thừa nhận bản thân tôi đang trốn tránh Dim, sợ phải đối diện với anh ấy, sợ phải tỏ ra yếu đuối trước mặt anh ấy. Tôi ghét ai đó ở bên tôi vì tình thương. Vì vậy tôi tuyệt đối không để tình yêu của Dim dành cho tôi mai một thành loại tình thương đáng ghét đó. Đối với tôi mà nói, cảm giác người ta thương mình không phải loại cảm giác dễ chịu để hưởng thụ.
“Ing… ing…”
Điện thoại rung lên trong tay tôi.
Tôi biết ai đang gọi tới nhưng lại không có ý định nghe. Dạo gần đây tôi xuất hiện một thói quen xấu, đó là luôn có cảm giác muốn trốn tránh bất cứ điều gì khiến tôi cảm thấy áp lực, lo sợ. Tôi trốn tránh Dim, trốn tránh Phong và trốn tránh cả Vương. Ba người đàn ông xuất hiện trong cuộc đời tôi lần lượt khiến tôi rơi vào cảm giác đề phòng bởi vì trái tim tôi quá nhạy cảm với những nỗi đau.
– Alô.
Tôi mệt mỏi bắt máy.
– Em tan làm rồi phải không?
Vương dịu dàng nói vào trong điện thoại.
– Em tan làm rồi.
– Đi ăn tối với anh nhé?
Câu hỏi này, ngày nào Vương cũng gọi cho tôi và hỏi nhưng tôi luôn từ chối với đủ mọi lý do. Anh ấy thừa biết tôi có ý tránh né nhưng lại dùng hết sự kiên nhẫn của anh ấy vào việc chờ đợi sự đồng ý từ tôi.
Thấy tôi im lặng, Vương cũng phần nào hiểu được suy nghĩ của tôi, nhanh chóng lên tiếng.
– Anh biết rồi. Vậy, hẹn em hôm khác.
Lần nào cũng là Vương kết thúc cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, lần nào cũng như vậy. Tôi không muốn từ chối anh ấy quá thẳng thừng, cũng không muốn tạo cho anh ấy hy vọng và để anh ấy nuôi cái hy vọng mờ ảo đó. Tôi cũng đã từng rất yêu anh ấy, chờ đợi anh ấy và lẽo đẽo đi theo anh ấy suốt thời gian dài để nhận được lời chấp nhận tình cảm của anh ấy. Nhưng, đó dù sao cũng vẫn chỉ nằm trong chữ “từng”, không hơn không kém. Tôi có thể trong tình yêu mà vẫy vùng đủ kiểu cách nhưng nếu đã bước ra khỏi tình yêu thì tuyệt nhiên một cái ngoảnh mặt lại cũng không bao giờ có. Tôi đã yêu là chỉ yêu một người. Và người mà tôi yêu, là Dim. Nếu có đau khổ vì yêu thì cũng nhất định phải là vì đau trong tình yêu với Dim. Tôi là một kẻ cứng đầu như thế nên đau cũng phải đau hơn người ta đôi ba phần.
Tôi ăn tối một mình ở một quán vỉa hè, với một bát phở giá năm mươi nghìn đồng lèo tèo vài cọng hành và hai miếng thịt bò. Khi tôi quyết định ngồi xuống ghế nhựa thì họ đã không cho tôi còn đường đứng dậy đi về vì đã giục tôi gọi món. Tôi vốn dĩ không phải người chi ly tính toán hay thích tiết kiệm nhưng việc ăn một bát phở giá năm mươi nghìn như vậy vào lúc không đói thì quả là rất xót tiền. Tôi rất nhớ những món ăn của Dim, thích cách anh ấy đặt cả tấm lòng của anh ấy vào món ăn để làm tôi ngon miệng. Thích cái vẻ mặt tẩn ngẩn chờ đợi lời nhận xét của tôi rồi kiểu gì cũng hớn hở mặc kệ tôi khen hay chê. Thích khoảnh khắc nước mắt anh ấy chảy dài trên mặt vì thái hành rồi mướt mát mồ hôi vì luộc gà cho tôi ăn. Dù anh ấy bận bịu hay thảnh thơi, tôi đều thích nhìn ngắm anh ấy. Bởi vì mỗi khi anh ấy nhìn tôi, tôi đều có thể tìm được trong ánh mắt anh ấy có hình bóng của tôi, tìm thấy trong nụ cười của anh ấy có niềm vui từ tôi. Tôi đã yêu Dim như vậy nên giờ ăn một bát phở lạ, ở ngoài phố một mình mà trong lòng cảm thấy đầy vị mất mát.
Thành phố mới sáu giờ tối đã lên đèn nhộn nhịp, người với người chen nhau qua ngõ nhỏ, va vào nhau buột miệng câu xin lỗi rồi đi qua. Vậy đấy, nỗi buổn khổ của bản thân thì nên tự mình chăm sóc, chẳng một người lạ nào có thể dừng lại nhíu mày chỉ vì vẻ mặt của bạn dường như không vui. Họ bận lắm, bận lắm với những rối ren và tất bận của cuộc sống của họ, thời gian và hơi sức đâu để quan tâm đến nỗi đau của người khác. Nhiều tình cảm nhất là con người và vô tình nhất cũng vẫn là con người.
Trong một vài thời gian tâm trạng tôi không tốt, tôi thường đút tay vào túi áo đi dạo một mình qua những con ngõ nhỏ rồi cáu kỉnh với bất cứ người nào va phải tôi, nói những câu khó chịu khi họ chỉ xin lỗi mà chẳng buồn nhìn mặt tôi xem tôi có cảm thấy tốt hơn sau lời xin lỗi của họ không. Vì thế, tôi đã chửi rất nhiều người không quen và đa số là toàn tự tôi nói tự tôi nghe. Tôi bực mình trước sự thờ ơ của họ, giận đùng đùng với bất cứ ánh nhìn của họ vô tình chạm phải ánh mắt tôi. Trong mắt họ, tôi hoàn toàn có thể nhìn ra sự chán ghét của họ khi nhìn thấy một “bà cô ba mươi” khó tính và khó chịu như tôi. Còn tôi thì vẫn mặc kệ, vẫn đi dạo và vẫn cáu gắt như thường.
Dần dần tôi không còn xấu tính như trước. Tôi đi dạo nhiều, có nhiều cái chạm vai, nhận nhiều lời xin lỗi, tôi cảm thấy quen thuộc. Sự bực tức ngày xưa mà tôi luôn sẵn sàng bùng nổ với mọi người giờ mất đi, thay vào đó, tôi cũng trở thành người vô cảm như họ, tôi nhận lời xin lỗi rồi mỉm cười bỏ đi. Thật sự chẳng hơn.