Người Đọc

Chương 27



Tôi không nhớ gì về các buổi học của lớp chuyên đề vào thứ Sáu. Ngay cả khi tưởng tượng ra phiên tòa tôi cũng không nhớ ra là chúng tôi thảo luận khoa học về cái gì. Chúng tôi nói về đề tài gì nhỉ? Muốn biết gì? Giáo sư đã dạy gì?

Nhưng các Chủ nhật thì tôi nhớ. Từ những ngày ở tòa án tôi mang theo về sự thèm khát mới mẻ về sắc màu và mùi vị của thiên nhiên. Vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy tôi đã học đuổi những gì bị lỡ do vắng mặt ở trường, đủ để theo kịp trong giờ làm bài tập và hoàn tất được chương trình của học kỳ. Chủ nhật là lúc tôi lên đường.

Núi Heiligenberg, nhà thờ Thánh Michael, tháp Bismarck, đường Philosophenweg, bờ sông – tôi ít thay đổi đường đi từ Chủ nhật này đến Chủ nhật sau. Tôi tìm ra đủ sự phong phú trên đường, vì từ tuần này qua tuần sau đã thấy cây lá màu mỡ hơn, bình nguyên sông Rhein khi thì trong hơi nước nóng rực, khi thì trải dài dưới trời mây dông. Tôi ngửi hương dâu và hoa trong rừng khi mặt trời thiêu đốt, mùi đất và lá mục của năm ngoái khi có mưa. Nói chung, tôi ít cần và ít tìm sự phong phú. Mỗi chuyến đi lại xa hơn chuyến đi trước một chút, kỳ nghỉ này ở nơi mà kỳ trước tôi đã phát hiện và thích nó – một thời gian dài tôi cho là mình nên táo bạo hơn và ép mình đến tận Ceylon, Ai Cập và Brazil, trước khi chuyển sang làm quen kỹ hơn những địa phương mà tôi đã quen. Ở đó tôi nhìn thấy nhiều hơn.

Tôi đã tìm thấy một địa điểm trong rừng, nơi bí mật của Hanna chợt bừng lên trước mắt tôi. Địa điểm ấy không có gì đặc biệt, hồi xưa cũng không có gì đặc biệt, chẳng có một thân cây hay mỏm đá với dáng độc đáo hoặc tầm nhìn khác lạ về hướng thành phố và xuống bình nguyên, chẳng có tí gì khơi gợi liên tưởng bất ngời. Trong khi suy tư về Hanna, luôn quẩn quanh hết tuần này đến tuần sau trên những con đường cũ, một ý nghĩ đã tách ra, đi theo con đường riêng của nó và rốt cuộc dẫn đến kết quả. Khi ý nghĩ đó đã chín là nó đã chín. Chuyện có thể xảy ra mọi nơi hay ít nhấy thì cũng ở mọi nơi mà môi trường quen thuộc và khung cảnh cho phép nhận diện và đón lấy sự bất ngờ. Sự bất ngờ ấy không ập lên ta từ bên ngoài, mà phát triển từ bên trong. Chuyện xảy ra trên một con đường dốc lên núi, cắt ngang đường ô tô, qua một cái giếng, ban đầu còn luồn dưới những cây cổ thụ, cao và rậm lá, sau đó đi qua đám cây lưa thưa.

Hanna không biết đọc và viết.

Vì thế cô nhờ người khác đọc truyện cho mình. Vì thế cô để tôi đọc và viết trong chuyến đi xe đạp, và hôm thứ Hai ở khách sạn cô phát sốt lên khi bắt được mảnh giấy của tôi, mường tượng ra cảnh tôi mong đợi là cô hiểu nội dung mảnh giấy đủ để sợ bị bẽ mặt. Vì thế mà cô trốn tránh đề nghị nâng cấp ở công ty tàu điện; khi làm soát vé thì điểm yếu của cô có thể còn giấu được, trong lớp đào tạo lái tàu ắt sẽ lộ ra. Vì thế mà cô trốn tránh đề nghị nâng cấp ở Siemens và trở thành quản tù. Vì thế mà cô thừa nhận đã viết bản báo cáo để khỏi phải đối mặt với giám định viên. Phải chăng đó là lý do để cô nói văng mạng trong phiên tòa? Vì cô không đọc được cuốn sách của cô gái cũng như bản cáo trạng, không mong đợi gì vào cơ may bào chữa và không được chuẩn bị trước khi ra tòa? Phải chăng đó là lý do mà cô chuyển những cô gái đọc truyện đi Auschwitz để bịt mồm họ, nếu họ chẳng may nhận ra dấu hiệu gì? Và vì thế mà cô chọn ra những cô gái ốm yếu?

Vì thế sao? Tôi hiểu được rằng cô xấu hổ do không biết đọc biết viết nên thà xua đuổi tôi còn hơn bị bẽ mặt. Xấu hổ là lý do cho lối hành xử trốn tránh, chống đỡ, giấu giếm, ngụy tạo và cả xúc phạm nữa, tôi biết cả. Nhưng Hanna xấu hổ không biết đọc biết viết, và đó là lý do cho hành vi của cô trước tòa và trong trại giam? Sự bẽ mặt của một tội phạm sinh ra từ nỗi sợ bẽ mặt do mù chữ? Phạm tội vì sợ bẽ mặt do mù chữ?

Hồi đó và từ đó đến nay đã bao lần tôi tự đặt cho mình những câu hỏi lặp lại. Nếu động cơ của Hanna bắt nguồn từ nỗi sợ bẽ mặt là người mù chữ, tại sao không chọn sự bẽ mặt nho nhỏ do mù chữ thay vì sự bẽ mặt khủng khiếp là tội phạm? Hay cô tưởng là mọi sự sẽ trôi chảy mà không phải chịu bẽ mặt? Hay đơn giản là cô ngu dốt? Liệu cô có hoang tưởng và độc ác đến mức trở thành tội phạm chỉ để trốn tránh nỗi bẽ bàng?

Tôi đã gạt bỏ suy nghĩ đó, từ hồi ấy và luôn luôn từ hồi ấy đến nay. Không, tôi tự nhủ, Hanna không chọn con đường phạm tội. Cô không chọn việc nâng cấp ở Siemens và chẳng may sa chân vào công việc quản tù. Và cô không chuyển những cô gái gầy yếu đi Auschwitz vì trước đó họ đã đọc truyện cho cô nghe, mà chọn họ cho đọc truyện để những tháng cuối cùng trong đời họ được được thanh thản, trước khi đằng nào cũng bị đưa đến Auschwitz. Và trước tòa Hanna không cân nhắc giữa sự bẽ bàng do mù chữ và sự bẽ bàng của tội phạm. Đó không phải là tính toán và chiến thuật. Cô chấp nhận bị quy trách nhiệm, không chỉ muốn phải nhận thêm vào do nỗi bẽ bàng. Cô không theo đuổi ý muốn riêng mà đấu tranh cho sự thật và công lý của riêng cô. Sự thật là, công lý ấy – chỉ vì cô luôn luôn phải ngụy tạo chút ít, vì cô không bao giờ được hoàn toàn cởi mở, không bao giờ được là chính mình – là một chân lý thê thảm, một công lý thê thảm, nhưng là của riêng cô, và cuộc đấu tranh giành lấy chân lý và công lý ấy là cuộc đấu tranh của riêng cô.

Chắc chắn là cô đã hoàn toàn kiệt sức. Cô không chỉ đấu tranh trước tòa, cô đã và vẫn luôn đấu tranh, không để chứng minh năng lực của mình, mà để che giấu những bất lực của mình. Một cuộc đời mà những lúc vùng dậy là những cuộc rút lui hiên ngang, những chiến tháng là những thất bại che đậy.

Giữa sự giằng xé của Hanna khi rời bỏ thành phố quê hương tôi và những tưởng tượng suy diễn của tôi ngày ấy là một ngịch lý làm tôi xúc động khó tả. Tôi đã từng tin chắc là mình đã hắt hủi Hanna qua hành động phản bội và chối bỏ cô, song thực tế là cô chỉ muốn tránh sự bẽ bàng ở công ty tàu điện. Tuy vậy, dù tôi không hắt hủi cô thì cũng chẳng vì thế mà tôi không phản bội cô. Tôi vẫn có tội. Còn nếu tôi không có tội – vì phản bội lại một kẻ tội phạm không quy thành tội – thì tôi vẫn có tội vì đã từng yêu một kẻ tội phạm.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.