Người Cũ Đường Mới

Chương 10



.:. 10: Hình như cậu ấy nghĩ mình nói dối khó phân biệt lắm.:.

Buổi tối tôi rửa mặt ở dưới lầu xong, sợ làm ồn Lý Trì Thư nên cố tình đi nhẹ bước chân lên lầu, nhưng khi đi vào phòng vẫn bị em ấy nghe thấy. Lý Trì Thư không giống đang làm bài, nhận ra tôi đi vào việc đầu tiên làm là luống cuống nhét vật gì đó vào trong túi xách.

“Đang viết gì thế?” Tôi vừa lau tóc mới gội vừa hỏi em ấy.

“Không có gì.” Em đóng nắp bút lại quay người qua, “Cậu tắm xong rồi hả?”

Tôi gật đầu, ngồi xuống chân giường: “Cậu để máy sấy ở đâu?”

Lý Trì Thư nói: “Ngay trong ngăn tủ, chỗ ban đầu cậu để.”

Tôi chầm chậm ngửa ra sau, chống hai tay trên ga giường, nhắm mắt: “Mệt quá à, cậu lấy giúp mình nha.”

“Ừ.”

Tôi nghe tiếng tủ gỗ cũ kỹ vang lên, Lý Trì Thư cầm máy sấy đi đến trước mặt tôi.

Tôi ngẩng đầu lên mở hé mắt: “Cậu sấy cho mình nhé.”

Lý Trì Thư giữ nguyên hành động đưa máy sấy, rũ tầm mắt không lên tiếng, không nghe lời tôi.

Chậc.

Tôi nói: “Hôm nay vật lộn, không cầm nổi.”

Em ấy không tin, cãi lại: “Cậu vật lộn bao giờ?”

Tôi im lặng, cười nhìn em.

“…”

Lý Trì Thư câm nín.

Khoảng chừng ba giây sau, em ấy cúi đầu đi qua phía bên kia tủ đầu giường cắm phích máy sấy, đứng quay lưng với tôi một lúc mới ngoái đầu hỏi: “Cậu, cậu không qua đây đi…”

Tôi cúi đầu vuốt vuốt tóc: “Qua đó làm gì?”

“…” Giọng Lý Trì Thư trầm xuống, “Sấy tóc.”

Thôi, bà xã của mình, nếu còn tiếp tục bắt nạt sẽ rất quá đáng.

Tôi không cười nữa, hăng hái đi qua đó ngồi.

Lý Trì Thư mặt đối mặt với tôi, một cao một thấp, tôi d.ạng chân ra, em ấy đứng ở giữa sấy tóc cho tôi như thuở xưa.

“Vừa đủ chưa?” Ngón tay em vuốt xuôi những lọn tóc của tôi ra sau, giọng nói truyền xuống xuyên qua tiếng gió, “Có cần mình giảm nhiệt độ không?”

“Thế này đi.” Tâm tình tôi xáo động, mắt dán vào cúc áo trên áo ngủ em.

Lý Trì Thư 17 tuổi khung xương gầy yếu hơn khi lớn tuổi, áo ngủ trên người em ấy dư một khoảng, đặc biệt là eo, rộng đến độ không lần ra được đường nét cơ thể.

Muốn ôm.

Tôi bèn ôm luôn.

Eo Lý Trì Thư gầy đến nỗi hai cánh tay tôi có thể ôm trọn giam em lại, bàn tay cầm máy sấy của em run bắn, bất động.

“Lý Trì Thư,” tôi chôn mặt vào bụng em, “Nóng quá.”

Em vội dời máy sấy, phủ lên phần gáy bị em ấy sấy rất lâu, vừa xoa vừa xin lỗi: “Xin lỗi xin lỗi…”

“Ngày mai muốn ăn gì?” Tôi hỏi.

“Ngày mai?” Mạch suy nghĩ của Lý Trì Thư rất dễ bị tôi dẫn dắt, chỉ cần tung ra một vấn đề thì em ấy sẽ quên đi chuyện mình đang bị tôi ôm vào lòng.

“Ngày mai…” Em suy nghĩ vô cùng nghiêm túc, “Ngày mai để mình nấu ăn đi.”

“Cậu nấu?”

“Ừ.” Em đáp, “Cậu nấu nhiều lần rồi, cũng nên đến lượt mình.”

Tôi không tỏ ý kiến: “Cậu tính nấu gì?”

Nhắc đến đây em ấy lại mất tự nhiên: “Mình… mình không biết nấu nhiều. Khoai tây thái sợi xào, xào thịt… Còn biết nấu mì.”

Tôi im lặng lắng nghe, hóa ra giai đoạn sống đơn độc từ thuở nhỏ Lý Trì Thư đối phó với bản thân như thế.

Trẻ nhà nghèo gánh vác gia đình từ sớm quả không sai, nhưng em ấy cũng không biết nấu nhiều món ăn.

Trên con đường từ năm 7 tuổi đến mãi về sau, đừng nói vạn sự khởi đầu nan —— Mà thiên thiên vạn vạn sự, đến người gõ cửa nhà em ấy còn không có. Kỹ năng sinh tồn tựa bụi gai, nội chuyện lớn lên cũng đủ khiến em ấy đầu rơi máu chảy.

“Được.” Tôi nói, “Mình muốn ăn mì cậu nấu, khoai tây thái sợi xào thịt.”

Sáng sớm hôm sau chuông báo thức điện thoại em ấy vang lên đúng giờ, sau khi ấn tắt cứ tưởng Lý Trì Thư sẽ cách xa tôi đề phòng lặp lại cảnh ngộ ngày hôm trước, không ngờ em ấy chẳng hề có dấu hiệu dịch ra xa.

Tôi không mở mắt, nghe em ấy không dịch vị trí nằm quay lưng với mình một hồi rồi trở người cực chậm, ấy thế mà lại mặt đối mặt với tôi.

Lại trôi qua không biết bao lâu, Lý Trì Thư chạm vào chóp mũi tôi.

Bàn tay sau lớp chăn liều mạng ngắt bắp đùi mình đề phòng không nín được phì cười bị Lý Trì Thư phát hiện.

—— Lý Trì Thư, to gan hơn tí đi! Hôn anh đi! Hôn anh! Mau đấu vật môi lên mặt anh đi!

Khi đầu ngón tay em chạm vào lông mày tôi, tôi hết nhịn nổi chuyển động con ngươi.

Có lẽ em ấy bị dọa sợ, sợ tôi bất ngờ tỉnh giấc nên rút tay về, đi xuống giường.

Tôi từ từ hé mắt, xắn quần ngủ lên nhìn bắp đùi suýt bị mình ngắt xuất huyết.

… Bụng chó không chứa nổi hai lạng dầu mè mà, rõ ràng chỉ một chút nữa thôi là bà xã hôn mình rồi.

Mì Lý Trì Thư nấu có mùi vị thơm ngon, nêm gia vị rất đơn giản, sợi mì cũng rất mềm, đến đoạn này em ấy cười giải thích: “Thỉnh thoảng bà ngoại sẽ về, mình nấu mì cho bà. Người già ăn đồ mềm, mình quen nấu mềm mềm một chút.”

Ăn hít hà tô mì xong, tôi bảo Lý Trì Thư lên lầu làm bài tập, em ấy lưu luyến: “Cậu muốn đi đào khoai tây hả?”

Tôi nói phải, em ấy lại chạy đến: “Mình đi với cậu.”

Tôi hỏi: “Không làm bài?”

Em đáp: “Hôm qua đã làm trước một ít bài ngày hôm nay, không cần lo.”

Bình thường Lý Trì Thư mà nói “một ít” thì nghĩa là gần như làm xong. Ở khía cạnh học tập không cần nghi ngờ mức độ khắt khe của Lý Trì Thư, tôi cũng không từ chối dẫn em ấy đi cùng.

Hôm nay tiết trời rất đẹp, không nhiều nắng cũng không âm u, gió nhẹ mơn man, tôi còn thả hai gói đồ ăn vặt ở trong túi Lý Trì Thư.

Đào khoai tây được một nửa, một vị khách không mời mà đến.

Lúc đó tôi đang cầm hai củ khoai tây nhỏ mới đào bỏ vào trong túi đan ở gần đây, cất chúng xong quay người lại, Lý Trì Thư đang chơi với con chó vàng không biết chui từ đâu ra từ lúc nào.

Còn xé gói bánh tôi chọn cho em ấy cho chó ăn.

Con chó vàng nhìn là biết đã mai phục thời gian dài, thấy tôi rời đi mới phóng ra chạy đến bên Lý Trì Thư. Chỉ riêng đôi mắt tròn xoe đã đủ toát ra mùi âm mưu đen tối, khi đối mắt với tôi nó rên to ư ử, dụi vào người Lý Trì Thư.

Lý Trì Thư xoa đầu nó, bị tôi ấn cánh tay: “Bẩn như vậy mà cũng sờ, cẩn thận người nó có bọ chét.”

Em mím môi cười, rút tay, đổ gói bánh xuống đất đợi chó vàng liế.m khô từng miếng từng miếng.

Tôi nhìn xuống mái tóc đen của Lý Trì Thư, hỏi: “Cậu muốn mang về không?”

“Mang về?” Em ngước cổ nhìn tôi rồi nhìn xung quanh, lắc đầu, “Khỏi đi, ngoan thế này chắc không phải chó hoang, có khi là của nhà nào ở quanh đây nuôi.”

“Bẩn thế mà còn không phải chó hoang,” tôi đỡ Lý Trì Thư đứng dậy, phủi sau quần dính tro bụi cho em ấy, “Dù là của nhà nào quanh đây nuôi, đến giờ nó cũng sẽ tự tìm đường về.”

Lý Trì Thư vẫn cười nói: “Thôi khỏi.”

Quay vào nhà bếp, tôi đang đun nước ở nhà bếp thì Lý Trì Thư vịn cửa ló đầu ra nhìn.

Tôi đang tính hỏi em ấy muốn nói gì thì ở ngưỡng cửa chỗ chân em ló lên hai lỗ tai chó.

“…”

Bữa tối nấu nhiều hơn, ngoại trừ cho người ăn còn phải cho chó ăn.

Tôi nhìn Lý Trì Thư ăn không được mấy đũa lại quay sang nghịch chó, chuyển tầm mắt qua con chó vàng ở bên chân.

Xấu thì không xấu nhưng mình lấm lem bùn đất, may mà chịu nghe lời, xoay vòng tròn chọc Lý Trì Thư vui vẻ, một khi để tay ở gần đầu sẽ tự vươn đầu dụi, không sủa bậy, biết trong hai người ở trước mặt ai dễ tính hơn, rất nịnh nọt.

Tôi hỏi lại Lý Trì Thư: “Cậu muốn mang về nuôi không?”

Em ấy đang cúi đầu chơi với chó, nghe câu đó thì sửng sốt trong phút chốc, sau đó xác nhận lại với tôi: “Mang về nhà?”

“Mang về nhà.” Tôi khẳng định.

Em thoáng suy tư: “Thôi khỏi đi, bình thường mình trọ trong trường, mang về cũng ——”

“Mang về nhà mình.” Tôi ngắt lời, “Nhà mình có thím, mình cũng ở ngoại trú mỗi ngày, cậu nhớ nó thì đến nhà mình thăm nó.”

Dù sao sớm muộn gì nhà anh cũng thành nhà em.

“Nhưng làm vậy có phiền phức không…”

“Mình không nuôi nổi một con chó à,” tôi gắp miếng thịt trong đĩa ra quăng xuống cái khay tìm tạm thời cho nó, “Nuôi thêm một người nữa còn không thành vấn đề nữa là.”

Tất nhiên Lý Trì Thư không hiểu nửa vế sau tôi nói, đôi mắt trông mong xác nhận với tôi: “Có thật là được không?”

Tôi dừng đũa, nghiêm túc nói với em: “Được.”

Đối với bất kỳ chuyện gì bản thân khao khát, điều Lý Trì Thư cần không phải là lời hứa suông, cũng không phải vài câu đáp đùa giỡn, cảm giác bất an mãnh liệt với thế giới khiến em ấy phải nghe được câu trả lời chắc chắn, khẳng định thì mới bằng lòng tin tưởng chuyện mình mong đợi sẽ có kết quả.

Cảm giác bất an bắt nguồn từ trước năm 7 tuổi, cha mẹ hứa là sẽ về nhà nhưng luôn vắng mặt vào nghỉ đông và nghỉ hè, hay sau năm 7 tuổi khoản tiền trợ cấp dây dưa mãi cũng không chịu phát, hoặc mùa hè năm 18 khổ cực vất vả làm thêm dưới trời nắng chang chang nửa tháng sau bị người chủ lấy đủ loại lý do cắt xén đi phần lớn tiền công, mà đa số là tất cả những thứ mvô số bạn bằng lứa quen thuộc nhưng mười mấy năm qua em ấy chưa từng có được, chẳng hạn như lời khen ngợi, cổ vũ trên con đường trưởng thành, dũng khí có thể thụt lại đằng sau, và cả tình yêu thương chắc chắn sẽ không bao giờ bị phản bội đến từ máu mủ chí thân.

Vậy nên khi Lý Trì Thư hỏi dù là câu hỏi nào, Thẩm Bão Sơn cũng sẽ nhớ buông tay tất cả mọi chuyện đang làm, chuyển tầm mắt tập trung lên mặt Lý Trì Thư, trả lời em ấy bằng ngữ điệu chắc nịch chân thành rằng: Anh ta sẽ nhớ đáp ứng tất cả yêu cầu của em.

Tôi nói: “Ánh mắt đầu tiên nhìn thấy con chó này, mình đã biết nó phải đi về nhà với mình.”

Lý Trì Thư hỏi: “Vì sao?”

“Vì cậu thích chứ sao.” Tôi lại cầm đũa lên, gắp cái được cái không, trầm giọng xuống nói với ngữ điệu vô cùng khoa trương, “Trong mắt cậu viết rõ mồn một ‘Thẩm Bão Sơn mình thích lắm cậu mau cho mình mang nó về nhà đi mình xin cậu đó Thẩm Bão Sơn!’ chứ gì nữa.”

Lý Trì Thư cười cong cả mắt: “Mình có vậy đâu.”

“Cậu không có cậu không có.” Tôi nhìn chó con, xác nhận mình với nó hiện vẫn đang ở giai đoạn ngứa mắt lẫn nhau, “Là mình thích nó quá được chưa —— Đừng giỡn nữa, lo ăn đi.”

Thật ra Lý Trì Thư năm 27 tuổi từng muốn nuôi một chú chó.

Có đoạn thời gian em ấy nói với tôi hai lần: “Em muốn nuôi chó.”

Sau khi sinh bệnh em ấy nhắc đến rất nhiều chuyện đều là do nổi hứng nhất thời, đến khi tôi nghiêm túc hỏi lại em sẽ chợt đổi ý. Nhưng Lý Trì Thư nhắc chuyện này hai lần làm tôi chú ý.

Bởi thế khi ấy tôi ngừng tay làm việc, hỏi: “Muốn nuôi giống gì? Anh cho người chọn.”

“Ừm…” Em ấy đắp kín thảm ngồi trên sofa, cầm một tách cà phê gần như không uống, phòng khách đen kịt, chỉ có ánh sáng u ám phủ khắp mặt em từ màn hình điện thoại —— Em không thích bật đèn, sau khi sinh bệnh thói quen này vô cùng nghiêm trọng.

Em nói tiếp: “Shiba, Corgi hay Samoyed đều được —— Nhưng hình như hơi ngốc nhỉ. Nếu có thể nhận nuôi chó hoang thì chọn chó hoang trước.”

Tôi dẫn em đến chuồng chó hoang đợi được nhận nuôi, em đến trước cửa thì chùn chân: “Khỏi đi.”

“Khỏi gì?” Tôi hỏi.

“Em… không muốn nuôi, cảm thấy nuôi động vật phiền lắm.” Em đổi giọng, nở nụ cười mang theo chút áy náy.

Về sau trong những ngày em rời đi tôi đã hiểu ra, từ khi đó Lý Trì Thư đã biết có một ngày mình sẽ vứt bỏ nhân gian sống 20, 30 năm, em lựa chọn không nuôi chó là vì không muốn có thêm một sinh mệnh nào liên quan đến mình, dẫu sao chuyện vĩnh biệt cần tốn rất nhiều sức lực, từ biệt một Thẩm Bão Sơn đã đủ làm em lưu luyến và đau đầu, đừng nói chi là chó con khóc sủa sẽ càng làm em không thể trấn an.

Hoặc là lúc đó em ấy muốn tự cứu lấy mình, cứu mình bằng cách nuôi một chú chó —— Có lẽ Lý Trì Thư nghĩ trong nhà còn một mối bận lòng, không chừng thời gian mình bằng lòng ở lại sẽ dài hơn.

Nhưng tôi không phải mối bận lòng lớn nhất của em ư?

Ngay cả tôi mà em ấy còn cam lòng vứt bỏ, thì nào có chuyện chịu ở lại vì cái khác.

Trước khi đi vào chuồng chó, em cũng thông suốt đạo lý này nên mới không cho một chú chó nào ở bên trong cơ hội.

Còn tôi hiện tại thì sao? Tôi đang “có bệnh vái tứ phương”. Mỗi một chút thứ có thể dính dáng đến Lý Trì Thư ở thế giới này, tôi không muốn buông tha. Chó cũng được, đồ ăn cũng được, dù chỉ là một bộ quần áo ngủ thoải mái hoặc một bát sủi cảo, càng nhiều thứ sẽ càng làm em ấy có nhiều mong nhớ thế giới này hơn, đợi một ngày em ấy muốn rời đi, khả năng tôi kéo em cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Ngày 3 tháng 10, trời quang

Hôm nay đến căn tin muộn, món ăn duy nhất ở căn tin cũng bị dọn đi, đến siêu thị mua một gói mì, giá rẻ nhất cũng phải 1 tệ 5.

Nếu đi căn tin sớm một chút sẽ chỉ tốn 8 hào.

Ngày 3 tháng 10, trời quang

Hôm nay nấu mì cho Thẩm Bão Sơn, còn làm khoai tây thái sợi xào thịt, cậu ấy nói rất ngon.

Còn nhặt được một chú chó con, Thẩm Bão Sơn nói cậu ấy mang về nuôi, không biết có thật không, nhưng cậu ấy bảo mình đặt tên cho nó, nói mình là chủ của nó.

Không ngờ mình cũng có một chú chó.

Mình đặt tên cho nó là Khoai Tây, vì gặp nó lúc đang đào khoai tây, hình như Thẩm Bão Sơn rất hài lòng với cái tên này, không biết Khoai Tây có thích tên mới của nó không.

Thẩm Bão Sơn còn nói cậu ấy sẽ mang nó về tiêm phòng, tìm người cắt tỉa tạo hình, mua thức ăn riêng cho chó, không biết lúc về cậu ấy có quên không.

Nhưng thật sự có người cắt tỉa tạo hình cho chó sao? Cái này tốn bao nhiêu tiền? Không biết Thẩm Bão Sơn có thể nói thật với mình không, mỗi lần hỏi giá cả dáng điệu cậu ấy có vẻ không giống đang nói thật.

Hình như cậu ấy nghĩ mình nói dối khó phân biệt lắm.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.