– Sau khi xem xét toàn bộ quá trình, xét lời khai của các bị cáo tại phiên xét xử, HĐXX nhận thấy, việc Viện kiểm sát truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo: thành khẩn ăn năn hối cải, gia đình bồi thường thiệt hại để khắc phục một phần hậu quả… HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Trung Kiên mức án 5 tháng tù giam, chiếu theo thời gian tạm giam. Tòa tuyên bố phóng thích tại tòa – Vị thẩm phán dõng dạc tuyên án trước vẻ mặt lạnh tanh của nó. Tất cả những điều này nó đã được biết trước ngay từ khi được chuyển từ quận vào trại ít lâu. Mẹ nó đã dàn xếp êm xuôi tất cả theo một cách nào đó. Hơn hết vừa may mắn vừa cay đắng ng bị hại lại là người thân ruột thịt với cái đứa đang đứng trước vành móng ngựa này.
5 tháng tạm giam không phải là quá lâu cũng không phải là quá nhanh. Nói cho cùng nó cũng chẳng còn lạ lẫm gì nơi này nữa nhưng khác với lần trước, lần này nó thực sự mong ngóng được ra ngoài hơn cả. Cảm giác 5 tháng này đối với nó dài hơn cả 5 năm. Dù đây là lần đầu tiên mẹ đi thăm nuôi nó, cả thằng Hãn nữa nhưng không làm nó cảm thấy nhẹ lòng hơn lần trước. Tuy nhiên lại không có chị. Dương nữa. Nhưng nó đòi hỏi có Dương ở đây là thừa và lố bịch. Dương liệu có biết nó đang ở đây không? Dương liệu có chấp nhận nó không khi biết đời nó lại có thêm một vết nhơ dài. Chị đâu? Chị ra sao? Cái thai thế nào?… Hàng trăm câu hỏi đan xen cày xới tâm trí nó. Nhưng những phút thăm nuôi ngắn ngủi lại không cho phép nó đủ thời gian tìm hiểu mọi việc. Chiếc xe hơi hôm nay do thằng Hãn cầm lái chầm chậm đèo nó về phía nội thành sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết. Nó nhận lại đống đồ của mình và ôm khư khư trong lòng. Mẹ ngồi sát ngay bên cạnh nó, nó có thể mở miệng hỏi nhưng tất cả đều chọn cách im lặng để giết thời gian. Nó thiêm thiếp ngủ gục bên ô cửa kính lúc nào chẳng hay…
– Anh ơi – Thằng Hãn vỗ vỗ vai nó- Dậy anh ơi. Về đến nhà rồi.
Nó mở mắt nhìn xung quanh, đây là cái bãi đỗ xe quen thuộc của nhà nó. Chẳng có gì lạ, thâm chí một hàng cây ngọn cỏ sau gần 6 tháng vẫn y nguyên như cái đêm nó mới đi. Thằng Hãn cười
– Về nhà rồi anh, đường giờ này đang đông anh chịu khó đi bộ với bác về nhé. Em đi gửi xe.
– Ừ…
Nó rảo bước đi theo mẹ về nhà. Cánh cửa cuốn quen thuộc và ngứa mắt cứ chầm chậm kéo lên mang theo những tiếng lạch cạch quen thuộc nó chạy một mạch lên tầng hai khẽ khàng mở cửa phòng chị không ồn ào đập cửa hay đá tung nó như mọi khi. Nhưng cũng chẳng có tiếng chị the thé chửi rủa nó nữa. Căn phòng gọn gàng ngăn nắp nhưng tuyệt nhiên thiếu hơi người cũng đủ để ai đi vào ngửi thấy cái mùi lạnh toát và trống rỗng. Nó lặng lẽ đóng cửa bước về phòng.
Nó ngủ, 2 ngày liền cái kiểu ngủ nửa thức nửa tỉnh khốn nạn. Thôi coi như là ngủ bù cho 5 tháng sống và làm việc một cách khoa học theo quy định của nhà nước. Ngủ nhưng có lúc mắt mở thao láo vào đầu trống rỗng hoàn toàn. Nó vẫn biết mẹ nó thi thoảng mang khay đồ ăn lên nhẹ nhàng đặt đầu giường rồi lại lặng lẽ lên dọn nguyên cả khay ấy vào bữa tiếp theo. Nó không ăn, thi thoảng uống nước và bước vào wc. Chấm hết. Nó gọi đấy là ngủ vì nó không hề suy nghĩ gì trong suốt hai ngày ấy. Cánh tay trái gác lên trán nặng chình chịch thì nó đổi bên. Có lẽ cảm giác nặng chình chịch ấy là thứ duy nhất nó cảm nhận được trong hai ngày nằm liệt một chỗ. Cho đến buổi chiều hôm ấy khi mẹ nó bước vào phòng và thấy nó vẫn mở mắt thao láo, khôn giả vờ úp mặt xuống đệm nằm im như mọi khi. Nó cứ vô thức nhìn lên trên trần và dõi theo tường miếng viền thạch cao. Thì lúc đấy chắc bà mới dám ân cần hỏi
– 5 tháng xa nhà, có cảm thấy thay đổi được điều gì không?
– Dạ có mẹ ạ.
Rồi lại im lặng, chắc mẹ nó chưa chuẩn bị được gì cho kịch bản ấy nên chưa biết nói gì thêm. Ai mà nghĩ được nó sẽ ngoan ngoan đáp lời một cách gọn lỏn như thế. Bà đứng dậy kéo tấm ri đô che cửa ra. Nó lật người lại, xếp hai tay lên gối đầu nhìn trời áng chừng cũng đã chiều chiều
– Chị đâu hả mẹ.
– Chị ổn, tốt nhất con đừng bận tâm.
– Còn cái thai…
– Chuyện của con giờ không phải là lo nghĩ về điều ấy.
– Vâng…
– Chắc con cảm thấy không thoải mái khi mẹ ở nhà.
– Con không dám ạ.
– Mẹ cũng phải nói trước với con là mẹ sẽ ở nhà này, chắc chắn là như thế. Mẹ đang phải lo cho nhà hàng trên Linh Đàm và chỗ cổ phần còn lại trên bar của nhà mình. Vì thế không thể cứ nay đây mai đó được. Ở nhà này sẽ tiện hơn cả. Con cứ ở nhà nghỉ ngơi hoặc đi đâu đó cho khuây khỏa, rồi sau đó tính tiếp xem có làm tiếp trên bar hay không hoặc mẹ sẽ bán bớt cổ phần đi. Mẹ cũng yếu rồi không thể lo được một lúc nhiều việc. Còn nếu không- bà rút trong ngăn kéo ra một chùm chìa khóa đặt lên mặt bàn- đây là chìa khóa nhà dưới Hà Đông con có thể về đấy ở tạm cho thoải mái.
– Vâng con biết rồi mẹ ạ.
– Điện thoại của con trong ngăn kéo, mẹ vẫn phải nạp tiền để giữ số hàng tháng nhưng có người gọi nhiều quá nên mẹ tắt đi. Các tin nhắn của con mẹ cũng không đọc. Nếu có vấn đề gì quan trọng liên quan đến làm ăn thì con xem qua rồi thu xếp giải quyết.
– Con biết rồi – Nó bật dậy ra khỏi giường toan đi xuống nhà- Con xin phép đi ra ngoài ăn cái gì đó đã.
– Khoan đã – Mẹ nó gọi giật giọng khiến nó khựng lại và ngoái đầu lại nhìn và chờ đợi. Nhưng bà chỉ nhẹ nhàng nhắc- Nhà dưới đấy lâu ko có người ở rồi, gọi bà đồng nát nào qua mà dọn nhà. Ví và chìa khóa với điện thoại không cầm đi à? Mẹ để tiền trong tài khoản đấy.
– Con biết rồi – Nó quay lại mở ngăn kéo nhặt đống đồ cầm trên tay rồi lại bước thẳng.
Tận hưởng phố phường tận hưởng sự tự do, hít thở cái mùi bụi bụi của Hà Nội dù vẫn đang ngồi trong xe hơi và bật máy lạnh tưng bừng. Giờ không nhầm thì cũng đã cuối năm, chẳng hiểu sao trời vẫn oi như mới đầu hè. Không phải lần đầu tiên nó tận hưởng cái cảm giác này, cái cảm giác thoát ra khỏi một thứ gì đó kìm kẹp và đè nặng lên mình suốt một quãng thời gian dài, nhưng không phải vì thế mà nó không cảm thấy quý cái sự tự do dễ chịu này. Nó vừa lái xe vừa hý hoáy mở điện thoại (không khuyến khích các bạn trẻ làm điều này) vài trăm tin nhắn và cuộc gọi nhỡ. Phần lớn là của Dương, có vài email được cập nhật cũng như vài thông báo trên facebook. Nó ko quan tâm lắm lại tắt máy và ném chiếc điện thoại vào cái hộc trên xe. Nó vẫn chưa biết phải đối mặt với Dương thế nào. Nhỡ chẳng may, Dương gọi…
– Vẫn chivas 18 chứ anh? Một ly đầy? – Con bé ở quầy bar nhìn nó cười tươi- Chào mừng anh trở về nào.
– Ừ thì chào mừng- Nó cười gượng gạo nâng cốc với con bé và thằng Hãn- Cảm ơn vì giữ chỗ cho anh trong suốt gần nửa năm.
– Ok, em cạn rồi nhé- Con bé dốc ngược cốc sau khi tu một hơi dài- Hai anh ngồi tâm sự nhé, em ra đứng quầy đây.
– Ok, làm việc đi – Thằng Hãn phẩy tay.
Nó trầm ngâm ngồi nhấp nhấp từng ly nhỏ như mọi khi lấy lại cảm giác thân thuộc ở cái góc tối này. Khà một hơi nhẹ nhàng cho cái vị cay cay tan khỏi đầu lưỡi nó. Thằng Hãn cũng bắt chước làm theo và vỗ vỗ vai nó
– Cứ từ từ mà uống anh ơi. Trong đấy thì đào đâu ra chivas.
– Đm, có cuốc lủi mà uống đã là trọng tội rồi – Nó văng tục – Mày nghĩ mẹ tao bơm vào cho tao nhiều xèng lắm à? May là tao ko nghiện cỏ như mày đấy không chắc nhà tao bán nhà đi mua thuốc.
– Xời, em thì có baoh phải vào đấy đâu mà anh lo. Xoắn. Thôi anh ạ về là mừng, thi thoảng đi an dưỡng vài tháng về anh em nó lại nể thêm vài phần. Dính vào cái nghiệp này thi thoảng vào trường một vài tháng xá gì. Anh em ngoài này biết chuyện cả, ai cũng thông cảm và nể anh cực.
– Ờ.. – Như sực nhớ ra điều gì, nó nắm vai thằng Hãn hỏi- Mày có biết chị Linh đâu không?
– Ơ, anh là em ruột chị ấy còn không biết thì hỏi em, em biết trả lời sao? – Thằng Hãn tròn mắt ngạc nhiên- Hay anh hỏi bác xem sao?
– Mẹ tao không nói- Nó vỗ tay đồm độp lên trán. Mắt nhắm nghiền ra vẻ suy nghĩ – Đm, có thằng em nào như tao không xiên chị xong rồi đ’biết bà ấy giờ đang sống hay chết.
– Luyên thuyên, hôm ấy em đưa chị vào viện mà. Rồi bị triệu tập lấy lời khai nên không rõ có nặng không vì sau đó là bác vào viện kí sổ khám rồi. Mấy lần em định qua thăm cùng với mấy đứa nữa thì bác bảo chị đang ngủ không phiền nên chỉ tiếp bọn em dưới phòng khách thôi. Độ 2,3 tháng trước thấy chị qua chào mọi người, nghe bảo đi xa. Đấy là lần cuối em thấy chị Linh. Thề- Thằng Hãn giơ hai ngón tay lên làm dấu thề độc.
– 2,3 tháng trước- Nó nhẩm nhẩm tính toán trong đầu- Lúc ấy thì cũng phải được tầm 6,7 tháng rồi, mày có thấy bụng chị ấy to hay nhỏ không?
– Đợt đấy tự dưng rét đậm anh ạ. Ai cũng mặc áo bông to sù sụ. Chị anh thì phang nguyên cả cái áo lông thú, em chỉ loáng thoáng nhìn qua, không để ý lắm. Hôm ấy cũng bận nữa, cứ tưởng chị ấy qua bình thường thôi ai ngờ nghe mấy con bé PG nói lại mới biết chị ấy lặn luôn. Nhưng em nói thật là anh cũng nên xác định tinh thần. Hôm ấy vết đâm khá sâu, người lại văng lung tung, em cũng không dám đảm bảo…
– Mà đm mày, sao hôm ấy mày với con chị tao lại ở đấy. Muốn xách cổ mày đấm cho mấy phát – Nó tự nhiên nổi xung.
– Em hôm ấy thì chỉ lo cho anh thôi, thấy anh cứ cầm con dao như thế. Em sợ anh sinh chuyện gì, nên mấy hôm liền em đều gọi điện báo chị Linh. Chị ấy nhắc em để mắt, thì em để mắt. Hôm nào anh về sớm em cũng phải len lén vác xác về theo xem anh đi đâu, sung sướng gì đâu. Lúc thấy anh núp đứng đợi ông Cường em đã sinh nghi rồi, báo ngay chị Linh vừa dòng được bà ấy định chạy qua chỗ anh thì thấy anh đã vác dao định xiên người ta rồi. Lúc đấy nói thì lâu lắm nhưng mà nhìn mọi việc nó nhanh như cắt ý, chị Linh thúc em đâm thẳng vào lão Cường may ra thì cứu được lão, nhưng em tay run với cả lúc ấy cũng nhụt đâm mẹ nó vào giữa hai người. Cứ tưởng phát ấy anh xiên vào em thì nhẹ nợ ai ngờ chị Linh lại dính. Rồi mỗi người văng ra một nơi, bỏ mẹ. May mà lúc ấy mấy con Chim Sẻ đến không dễ thằng Cường nó cho cả nhà mình nhai kẹo lắm – Thằng Hãn luyến thoắng một hồi mắt long lên sòng sọc đỏ ngầu hai thái dương lại giật giật.
Nó với vội tay lấy cốc nước đã úp cả lên đầu thẳng Hãn rồi nắm lấy hai tai nó giữ chặt, Nước lạnh chảy tong tong từ trán nó xuống đến cằm rơi lã chã xuống đất
– Bình tĩnh… Bình tĩnh… anh không trách gì mày cả… Nào bình tĩnh thở đi… Chậm thôi. Mày mà sùi ở đây thì không lấy được vợ đâu. Có cỏ trong người không làm một điếu cho ấm nào?
– Mang cỏ lên đây, nhỡ bị dích thì sập mẹ nó bar à? Em có ngu đâu. Cho em cốc nước đá. Mẹ, dạo này xấu giời dễ lên cơn quá.
– Rồi rồi. Thôi bỏ qua đi. Chị tao thì trốn tao đi đâu được. Kệ bà ấy, đi chán rồi về.
– Vâng, mà anh tính đi làm lại không?
– Đang xem thế nào đã. Trên này giờ ai quản lý.
– Thuê người ngoài anh ạ. Nhưng tốt hơn là để người nhà mình làm. Bọn ngoài phiền lắm. Anh cứ bảo bác họp cổ đông lại. Gì chứ đi tù chứ có phải là đi ăn cắp ăn trộm gì đâu mà sợ. Có thê tí tiền án tiền sự anh em càng nể.
– Cái đấy tính sau…
Nó chạnh lòng, đi tù… Ừ đúng rồi, với những đứa thuộc đáy xã hội như chúng nó hai từ ấy nhẹ như không vậy. Nhưng không phải là nó đã đang muốn leo lên khỏi cái đáy đấy rồi sao. Rồi giờ sao cứ tụt dần tụt dần xuống tiếp mãi thế. Chúng mày chấp nhận anh. Nhưng ngoài kia người ta có chấp nhận hay không. Tự nhiên điều ấy khiến nó cay đắng nghĩ đến Dương
– Có ai đến tìm anh không?
– Ai ạ? Không anh ạ. Mà em cũng không biết nữa. Em không thấy ai báo lại.
– Chuyện anh đi trại… bên ngoài có biết gì không?
– Chắc cả Hn biết anh ạ. Chả sót ai.
– Ý tao là người ngoài ý.
– Nếu anh muốn nói đến “chị dâu” ý. Em nói thật nếu chị ấy muốn tìm hiểu thì chả giấu được đâu. Anh xem dọc các quán trà đá từ đây về nhà anh. Ngồi xuống hỏi bừa một câu cũng ra chuyện.
– Ờ.. – Nó khẽ thờ dải, thực ra hỏi cho có chuyện chứ nó biết câu trả lời hẳn là như thế.
Đêm hôm ấy nó vẫn về nhà, dù có muốn cũng không thể dông ngay xuống Hà Đông đêm nay được. Ít nhất phải dọn dẹp và mua vài món đồ thiết yếu, chưa kể không biết dưới đấy mạng mủng, điện đóm, nước nôi máy tính có hết chưa. Nó về nhà nằm vắt tay lên trán rồi thiếp đi lúc nào không hay. Bất giác chuông điện thoại đổ. Nó nhìn điện thoại 00h38 phút, Dương đang gọi. Tay nó run run chưa biết có nên nhấc máy hay không thì đã vô thức bấm vào nút nghe lúc nào không hay.
– Anh à.
– Dương.. – Nó khẽ trả lời.
– Anh về rồi à?
– Sao em biết. Ai nói anh đi.
– Chị Linh bảo. Anh đừng trách chị ấy, tại em lo quá nên hỏi chị ấy mãi nên chị ấy phải nói.
– Có gì đâu, anh mới có lỗi mà, anh xin lỗi.
– Anh về bình an là tốt rồi. Em lo quá.
– Chị ấy cũng bảo em là anh về à.
– Không… Đêm nào giờ này em cũng gọi cho anh. Anh quên rồi sao?
– Kể cả khi em biết là anh không có nhà, em vẫn gọi à?
– Em còn cách nào nữa đâu, nếu anh về nhất định anh sẽ nhấc máy.
Nó im lặng, sự nghẹn ngào từ trong lòng như muốn trào ra khỏi hai hốc mắt. Tuy rằng nó đã kìm lại được nhưng có tiếng gì cứ nấc nấc nơi cổ họng. Con bé lại thoảng thốt hỏi
– Anh sao thế, anh khóc à?
– Không, không có gì đâu.. – Nó cố chối cãi nhưng giọng nói của nó thì lại thú nhận tất cả.
– Mọi việc ổn rồi, ổn rồi mà anh.
– Ổn ư? Em nghĩ thế à? Em đừng liên lạc với anh nữa. Anh không dám nhìn mặt em nữa đâu. Thật đấy.
– Anh… Khi yêu anh, em đã chấp nhận tất cả. Hơn nữa em cũng nghe chị Linh kể lại mọi việc – Chả biết bà ấy lại xuyên tạc cái gì- Em chỉ mong anh hãy trưởng thành hơn thôi.
– Em không hiểu… bản chất con người ăn vào máu… Bây giờ anh nhận ra. Anh thật sự không thuộc về thế giới của em đâu. Dương ạ…
– Anh nói cái gì thế. Chỉ cần anh thay đổi, thay đổi một chút thôi mà – Con bé cũng bật khóc nức nở.
– Em biết không- Nó thở dài- Bố anh, người yêu cũ và giờ là cả chị gái, những người yêu thương anh và anh yêu thương nhất, rồi cũng dời xa anh mà đi… Anh tin là… rồi một ngày… em cũng như thế… bởi vì… em cũng giống như họ…
– Anh im đi, anh làm sao thê? Anh ngày xưa có thể đâu? Sao giờ động một chút là anh yếu đuối thế.
Im lặng… 5 phút… 10 phút… 15 phút…
– Em xin lỗi, em quá lời.
– Không sao, em nói đúng mà. Anh thấy anh càng ngày càng khác. Chỉ có điều máu anh vẫn thế. Anh không thuộc thế giới của em.
– Lần trước anh và em đã nói gì? Anh quên rồi à? Em có phải nhắc lại không?
Im lặng
– Em biết anh mới về, mọi thứ vẫn chưa ổn định. Em xin lỗi. Tại hôm nay em xúc động quá. Em không kìm được. Em sẽ đợi anh. Em nhất định sẽ không từ bỏ con đường em đã đi. Chỉ cần anh đừng làm chân em đau, em sẽ đi tiếp. Còn nếu anh làm em đau, dù phải đi bằng cả hai tay, em sẽ vẫn đi tiếp. Em bướng lắm. Em sẽ đợi anh phía cuối con đường hoặc sẽ đi sau đủn anh đi kì được thì thôi. Anh nhớ đấy. Em sẽ không buông tha anh dễ dàng như người khác đâu.
– Ừm.. – Nó hờ hững cúp máy mắt thất thần nhìn ra ô cửa sổ quen thuộc với những ánh đèn đường loang loáng.
Lời của Dương nói khiến nó không ngủ được, hết lăn bên trái rồi lại bên phải. Cuối cùng bực mình quá, nó vùng dậy mở toang cửa ra đứng ngoài ban công và hít thở cái không khí lành lạnh của trời chớm đông. Cảm giác đóng băng cửa khuôn ngực. Nó bắt đầu lần sờ cái điện thoại để giết thời gian.
Vài trăm tin nhắn, ngoài mấy tin hỏi han xã giao và của nhà mạng… Còn lại toàn của Dương… Bỏ qua
Vài trăm cuộc gọi nhỡ, ít hơn số tn. Nhưng cũng phần lớn vẫn là của Dương… Nó cũng nhìn thoáng qua rồi xóa hết…
Facebook thì chả buồn check, nó không có thói quen dùng face cho lắm. Cùng lắm lại mấy con PG trên bar tag tủng nó vào mấy cái vớ vẩn. Nexttt
Nó định bỏ qua luôn chả buồn check mail vì nó có baoh liên lạc với ai qua mail đâu mà phải check nhưng mà nhìn mấy cái đỏ đỏ ngứa mắt quá, nó đành mở mail lên để xóa đi cho nó gọn. Bất ngờ ngay mail đầu tiên đập vào mắt nó
Người gửi : Chị gái
Ngày nhận: hai tháng trước
Tiêu đề: Đọc nhé em trai ^^
Nó run run nhấn vào mở mail lên và đọc như nuốt từng chữ
” Chào đứa em trai bướng bỉnh. Chị viết những dòng này khi đã lo xong mọi thủ tục cho em, à dĩ nhiên là với sự trợ giúp của mẹ. Chắc hẳn khi em đọc được mấy dòng này em của chị đã bình an rồi. Yên tâm đi, chị rất vui vì điều đó.
Đừng buồn vì ngày đón em chị không có mặt ở bên, cũng đừng trách móc chị vì suốt ngần ấy thời gian chị đã không vào thăm em nổi một lần, đừng hoài nghi bất cứ điều gì về tình cảm ruột thịt giữa hai chị em mình. Chị không oán trách hay giận dỗi gì em đâu, hy vọng đứa em trai ngốc nghếch của chị cũng thế. Chị có lí do của mình để trốn tránh- không chỉ riêng em mà rất nhiều người ngoài kia nữa. Chị xin lỗi nhé.
Đã bao lâu rồi kể từ cái ngày mà chị em mình vẫn còn có thể cùng nhau vô tư vô lo vô nghĩ cạy cửa trốn mẹ đi chơi trốn tìm ngoài phố để rồi về nhà cùng ăn đòn tét đít và khóc oa oa? Đã bao lâu rồi kể từ khi hai chị em chỉ rình rình lúc bố mẹ đi vắng là ở nhà nấu vụng chè ăn đến nỗi suýt cháy khét cả bếp? Đã bao lâu rồi kể từ khi hai chị em mình chưa biết đến ngoài xã hội kia bao la và rộng lớn đến thế nào. Nhiều cái đã bao lâu rồi lắm ý, và chị đang ngồi tự đếm một mình. Giá mà có em ở đây.Hai chị em lại leo tót lên sân thượng mà ngồi nhẩm nhẩm với nhau thì chắc cũng sẽ ra. Em nhỉ?
Chị chỉ biết là từ đó đến giờ. Hai chị em mình đã khác đi nhiều quá. Chị mải mê toan tính với cuộc sống này và những suy nghĩ riêng của mình mà quên chia sẻ với em nhờ em kề vai đỡ giúp chị một phần nhỏ nhoi. Chắc hẳn có nhiều lúc em mắng chị là máu lạnh, là toan tính là nhỏ nhen. Ừ, thôi ngốc để chị nhận hết. Là tại chị quá ích kỉ muốn giành lấy hết một mình. Chị cứ cục cằn nhớ về cái thời xa xưa của nhà mình, mà quên mất khả năng của chị ở hiện tại chỉ có thể. Chị cứ gò ép mình phải thế này phải thế kia để được như bố mẹ mà quên mất để được như ngày hôm nay Người (chị viết hoa) đã phải trả giá rất nhiều không chỉ bằng mồ hôi và nước mắt. Chị có lúc trách móc mình không đủ sức gánh vác và trách móc em còn quá thơ dại để có thể cùng mình làm lên một cái gì đó mà quên mất rằng mỗi con người đều có một suy nghĩ, một ước mơ, một nguyện vọng, một khả năng và một con đường khác nhau. Chị đã sai và đã phải trả giá quá nhiều.
Đây là lần thứ hai chị suýt mất em. Lần trước chị đã không ở bên em, không nắm giữ được tay em khi em vấp ngã, không dựng được em dậy khi em hụt hẫng. là lỗi của chị, lỗi do sự vô tâm của chị chứ không ai hết. Do chị cứ mải mê chạy theo những cái phù phiếm không đâu mà quên mất mình có một đứa em to xác mà còn ngốc nghếch lắm.
Còn lần này, vì chị, vì những toan tính ích kỉ của chị, mà chị lại suýt đẩy em vào con đường chết thêm một lần nữa. Đến khi này có thời gian ngồi lại một mình, chị mới thấm cái chị cần nhất là GIA ĐÌNH là EM TRAI chứ không phải là cái gì khác…
Cho nên nếu em có thấy chị tránh mặt em, thì hãy hiểu là vì chị đã quá xấu hổ với bản thân mình rồi. Chứ không phải vì một điều gì khác cả. Chị cần có một khoảng thời gian yên tĩnh, cần một nơi nào đó riêng tư để suy nghĩ lại về tất cả. Hiểu cho chị, đứa em trai bướng bỉnh nhé. Khi chị quay về chị hứa, chị sẽ khác xưa rất nhiều. Dù thế nào chị vẫn yêu quý em của chị nhất.
Thế nên… Vì không có chị ở bên em hãy học cách thức khuya mà không có cốc café của chị pha, dậy sớm mà không có ổ bánh mì ốp-lết đặt sẵn trong lồng bàn. Có thể sẽ không có thịt bò được để sẵn trong tủ lạnh, không có đồ ăn đợi em mỗi bữa như mọi ngày… Sẽ không có chị cùng em tung tăng đi ăn đêm hoặc ngồi sau nhắc em lái xe cẩn thận trên phố. Sẽ không có người cùng em thức khuya ngồi vắt vẻo trên ban công ngắm phố đêm hay đạp tung chăn khua em dậy mỗi sáng. Sẽ không có đứa nào đạp cửa phòng chị vô duyên xông vào để rồi nghe chị chửi eo éo hàng ngày. Sẽ không… Ừm… Sẽ không còn nhiều lắm… Em hãy cố quen với những điều ấy nhé. Vì chị có thể đi sẽ lâu, lâu lắm đấy… Nhưng nhất định chị sẽ về.
Chị cũng muốn em đừng giận mẹ, em mang nỗi hận ấy trong lòng quá lâu rồi mà chị cũng bất lực nhìn em không thể giải tỏa được. Chị biết em không muốn chị nhắc đến điều này quá nhiều nên chị chỉ viết một vài dòng về nó thôi. Không có cha mẹ nào không yêu thương đứa con do mình dứt ruột đẻ ra cả, mẹ mình thì chị càng chắc chắn điều ấy. Đừng để phải trả giá quá đắt như chị mới nhận ra giá trị của hai chữ gia đình.
Chị cũng muốn thấy em sẽ trưởng thành hơn, không phải để thay chị gánh vác mọi việc. mà để em làm chủ được bản thân mình. Đừng làm gì theo cảm tính nữa, hãy dùng lý tính nhiều hơn. Chị biết em có một người con gái, đừng đẩy người ấy đi xa quá vì những hành động ngốc nghếch của mình.
Chị dài dòng quá rồi, chắc em đọc và mỏi mắt lắm. Dù viết cái gì, có thể em nhớ, hoặc em quên. Nhưng chị chỉ muốn những dòng chữ cuối cùng này còn đọng lại trong tâm trí em
“Chị yêu quý em của chị nhất, nhất định chị sẽ quay về, không quá lâu đâu, hãy trưởng thành hơn em nhé”
Chào nhóc con to xác nhưng ngốc nghếch của chị
Chị Gái”
Nó đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần bức thư ấy trong đêm, và cả sau này nữa nó vẫn đọc lại. Tay nó nắm chặt chiếc điện thoại như muốn bóp vụn ra. Miệng nói không lên lời. Chỉ còn hai chữ như chảy ra cùng với nước mắt từ tận sâu trong tim… ” Chị ơi… “