Người Cô Độc

Chương 6



Ông Stoessel ngồi ở hàng ghế đầu, vì ông đã luống tuổi và điếc đặc. Ông mới chuyển đến từ châu Âu, tiếng Anh của ông tệ vô cùng.

Bà Netta Torres cũng đã luống tuổi. Có vẻ như bà đi học lớp Ngữ Văn này chỉ vì tò mò và để giết thì giờ. Bà mang trên mình vẻ mặt của một người phụ nữ trung niên đã li dị. Bà chọn ngồi ở đây vì bà hứng thú một cách lộ liễu với George. Bà thích được ngắm ông hơn là nghe ông. Bà thậm chí còn có vẻ như hay lẩm nhẩm lại từng lời ông nói, bắt chước từng cử chỉ và dáng điệu của ông. Sự hứng thú của bà không phải vì đam mê xác thịt trần tục mà vì đối với bà Torres, George giống như một đứa trẻ con, và rất dễ thương. George khao khát được đá vào đít bà và bảo bà thôi đừng đến lớp của ông nữa bằng việc cho điểm bà thật thấp. Nhưng ông không thể. Bà Torres nghe cũng giỏi chẳng kém nhìn; bà có thể lặp lại mọi thứ ông nói, từng từ một.

Kenny Potter ngồi ở hàng đầu, vì cậu ta là điển hình cho thứ mà ngày nay người ta gọi là “điên”. Cậu ta có xu hướng làm ngược lại những gì mà người khác làm; không phải xuất phát từ những khác biệt trong nguyên tắc đạo đức hay niềm tin, càng không phải vì thích nổi loạn. Nhiều khả năng vì cậu ta quá lơ đãng để chú ý đến cách hành xử và tục lệ của số đông, đồng thời cũng quá lười nhác để làm theo nó. Cậu ta có dáng người cao và thanh mảnh với đôi vai khom khom, mái tóc đỏ vàng, cái đầu nhỏ, đôi mắt xanh sáng. Cậu ta sẽ được coi là đẹp trai nếu không có cái mũi diều hâu; dù sao đó cũng khá đẹp, một món nội tạng to đến hài hước.

George thấy mình không ngừng để ý đến sự hiện diện của Kenny trong lớp, nhưng nó không có nghĩa là ông coi Kenny như một đồng minh. Ôi không, ông sẽ chẳng bao giờ có thể liều lĩnh mà mạo hiểm như vậy. Đôi lúc, khi George bông đùa và Kenny xổ ra tràng cười dài hào sảng của mình, George cảm thấy như cậu ta đang cười vào mặt ông. Lúc khác, khi tiếng cười đến chậm hơn một chút sau khi câu chuyện được kể, George có cảm giác rờn rợn rằng Kenny không cười vào bản thân câu chuyện mà cười vào cả hệ thống giáo dục trên đất nước này, vào nền kinh tế, chính trị, tâm lý mà đã đẩy bọn họ vào cùng một giảng đường này. Những lúc đó, George ngờ rằng Kenny thấu hiểu tận cùng ý nghĩa của cuộc sống, rằng cậu ta là một loại thiên tài nào đó (mặc dù bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ vậy nếu nhìn vào những bài tập về nhà của cậu ta). Nhưng dù sao, có lẽ Kenny cũng chỉ là một cậu nhóc với sự quyến rũ khiến ta sai lạc và ngớ ngẩn mà thôi.

Lois Yamaguchi ngồi cạnh Kenny vì cô ta là bạn gái của cậu. Họ hầu như lúc nào cũng dính lấy nhau. Cô ta mỉm cười với George theo kiểu khiến ông nghi ngờ liệu có phải bọn họ có những trò đùa riêng với nhau về ông. Nhưng ai mà biết chắc được trong đầu những người châu Á bí ẩn này nghĩ gì chứ? Alexander Mong cũng có nụ cười bí hiểm, cho dù cái đầu xinh đẹp của cậu ta hầu như chẳng chứa gì khác ngoài những bức tranh sơn dầu. Lois và Alexander có thể được coi là những tạo vật đẹp đẽ nhất trong giảng đường này; vẻ đẹp của họ tựa như vẻ đẹp của thực vật, không bị vướng bận bởi những chuyện phù hoa, lo lắng hay nỗ lực.

Lúc này, sự căng thẳng cứ ngày càng gia tăng. George vẫn tiếp tục nhìn những kẻ đang nói chuyện riêng kia mà mỉm cười và vẫn giữ sự yên lặng khiêu khích của mình. Giờ thì, cuối cùng, sau gần bốn phút, sự im lặng của ông đã chế ngự được chúng. Tiếng nói chuyện hết dần. Những người đã dừng giờ đây quay sang nhắc kẻ chưa dừng hãy im lặng đi. George đã chiến thắng. Nhưng ông cũng chỉ giữ được nó trong một khoảnh khắc mà thôi. Bởi ông sắp phải phá bỏ chính bùa mê ông tạo ra. Ông sắp phải giũ bỏ vẻ bí hiểm và để cái kẻ mà cả lớp phải lắng nghe – cho dù hắn có nói xằng nói bậy hay lắp bắp không nên lời, hay với giọng điệu của một thiên thần đi nữa – ra mặt, ông lại phải là một giáo sư. Cả lớp phải lắng nghe George bởi nhờ cái sức mạnh quyền lực được trao vào tay ông trong địa hạt Bang California này, ông có thẩm quyền bắt chúng phải quy phục và tiếp thu thậm chí cả những định kiến ngu si và tính đồng bóng vô trách nhiệm của ông. Tất cả để giải quyết một vấn đề giá trị cốt lõi: Làm sao ta có thể gây ấn tượng, bợ đỡ ông giáo già khó tính này để có được điểm cao?

Phải, ông sẽ phải hủy hoại mọi thứ. Ông sẽ phải mở miệng nói.

“Thiên nga chết sau những ngày hè[14],” George thốt ra lời du dương, quyến rũ, như thể đang đọc những áng thơ của W. B Yeats[15] (Ông xuống giọng khi nói “chết”, nhấn mạnh nó để bù cho chữ “và” mà Aldous Huxley đã lược bỏ từ câu nguyên bản). Rồi bằng cách nào đó, sau khi cố tình khiến cho một vài sinh viên phải hoảng hốt hoặc xấu hổ, ông nhìn quanh căn phòng với nụ cười châm biếm và nói nhanh, “Tôi đoán là các cô cậu đều đã đọc cuốn tiểu thuyết này của Aldous Huxley như tôi đã dặn hơn ba tuần trước?” Ông thoáng thấy vẻ rụt rè e ngại của Buddy Sorensen, chẳng phải khó đoán trước, và sự bất ngờ chuyển sang giận dữ với cái nhún vai kiểu giờ-mới-được-nghe của Estelle Oxford, mà ông coi là đáng để bận tâm. Estelle là một trong những sinh viên sáng dạ nhất của ông. Và bởi vì cô sáng dạ, nên cô cũng ý thức được rõ hơn việc là một người da đen trong xã hội này hơn các sinh viên da màu khác. Thậm chí, cô quá nhạy cảm với nó. George ngờ rằng cô nghĩ ông phân biệt đối xử. Nhiều khả năng cô đã không có mặt trong lớp khi ông dặn mọi người về đọc cuốn tiểu thuyết này. Chết tiệt, đáng lẽ ông phải chú ý để nhắc cô sau đó.

Ông hơi sợ cô một chút. Ông cũng thích cô và cảm thấy tiếc cho cô. Ông cũng ghét cách mà cô khiến ông cảm thấy. “Ừ thì,” ông nói ôn tồn hết mức có thể, “nếu có ai trong số các cô cậu chưa kịp đọc thì cũng không quan trọng lắm. Cứ lắng nghe bài giảng hôm nay rồi sau đó các cô cậu có thể đọc sau để thấy mình tán thành hay không tán thành với quan điểm của tôi.”

[14] Nguyên gốc: After many a summer dies the swan là câu chuyện về một triệu phú Mỹ đi tìm kiếm sự bất tử.

[15] William Butler Yeats (13/6/1865 đến 28/1/1939): là nhà thơ, nhà soạn kịch người Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1923.

Ông nhìn Estelle và mỉm cười. Cô mỉm cười lại với ông. Vậy là lần này sẽ không có chuyện gì xảy ra cả.

“Tiêu đề cuốn tiểu thuyết dĩ nhiên được trích từ bài thơ của Tennyson, Tihonus. Nhân tiện, có ai biết Tihonus là ai?”

Im lặng. Ông nhìn hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác. Không một ai biết. Đến cả Dreyer cũng không biết. Chúa ơi, ông chẳng thấy ngạc nhiên chút nào! Tihonus chẳng khiến chúng bận tâm vì có hai bước gián tiếp tới chủ đề của họ. Huxley, Tennyson, Tihonus. Chúng đã chuẩn bị để đón nhận câu hỏi về Tennyson, nhưng xa hơn vậy là chúng chịu bó tay. Sự tò mò tìm hiểu của chúng chỉ đến đó. Bởi vì, căn bản là, chúng chả thèm quan tâm.

“Các cô cậu không định nói với tôi rằng không một ai biết Tihonus là ai chứ? Không một ai bận tâm tìm hiểu? Vậy thì, tôi khuyên các cô cậu hãy dành cuối tuần này để đọc Thần thoại Hi Lạp và bài thơ đó. Nhưng phải nói rằng, tôi không hiểu sao một người có thể giả vờ hứng thú với cuốn tiểu thuyết khi anh ta không thèm dừng lại một giây để hỏi tiêu đề cuốn tiểu thuyết đó có nghĩa là gì.”

Sự bùng nổ của cơn cáu giận này đã khiến George hoang mang ngay khi ông nghe chính mình thốt ra những lời đó. Ôi trời, ông đang dần bực mình! Và tệ nhất là, ông không biết khi nào thì ông sẽ lại hành xử như vừa rồi. Ông không có thời gian để nhìn lại chính mình. Ông đeo vào khuôn mặt tội lỗi và tránh nhìn vào mắt họ – đặc biệt là Kenny Potter, cậu ta đã ngoảnh mặt đi nhìn chăm chăm lên bức tường đối diện.

“Chuyện bắt đầu khi nữ thần Aphrodite bắt gặp người tình của mình đang trên giường với Eos, nữ thần của Bình minh (Nhân tiện, bạn cũng nên tìm hiểu về họ đi). Dĩ nhiên, Aphrodite đã rất tức giận và nguyền cho Eos trở nên say mê những chàng trai loài người trẻ trung – để dạy cho cô biết rằng hãy để cho các thần của người khác được yên” (Đến đây George nghe thấy tiếng cười khúc khích của một cô cậu nào đó và ông thấy nhẹ nhõm. Ông đã sợ họ sẽ thấy bị xúc phạm với những lời quở mắng và sẽ hờn dỗi ông). Không hạ tầm mắt xuống, ông tiếp tục với một tiếng cười nhếch mép trong giọng nói, “Eos đã rất xấu hổ, nhưng cô bắt đầu thấy mình không thể kiểm soát bản thân. Cô bắt đầu bắt cóc và quyến rũ những chàng trai dưới mặt đất. Tihonus là một trong số họ. Eos đồng thời cũng bắt cả Ganymede, em trai của Tihonus – để bầu bạn” (Lần này, nhiều tiếng khúc khích từ bốn phía căn phòng vang lên). “Nhưng không may, thần Zeus đã nhìn thấy Ganymede và yêu anh ta say đắm” (Thật tệ nếu sơ Maria có thấy choáng váng khi nghe đến đây. Nhưng George đã chẳng nhìn cô, mà thay vào đó ông nhìn Wally Bryant – người mà ông chắc chắn rằng đang nhấp nhỏm trong thích thú). “Biết mình sẽ phải từ bỏ Ganymede, nên Eos đã đòi Zeus (tội gì mà cô ta không mặc cả đôi chút) phải ban cho Tihonus sự sống vĩnh cửu. Zeus nói dĩ nhiên rồi, sao lại không chứ? Và ông đã thực hiện lời hứa của mình. Nhưng Eos đã quá ngu xuẩn, cô quên không đòi Zeus đồng thời ban cho Tihonus sự trẻ trung vĩnh cửu. Tình cờ là sự trẻ trung vĩnh cửu đó không bị bỏ phí. Selene, nữ thần mặt trăng đã xin nó về cho bạn trai Endymion của mình. Nhưng rắc rối là, Selene chẳng muốn làm việc gì hơn với Endymion ngoài hôn hít, mà anh chàng thì dĩ nhiên có nhiều ý tưởng phong phú hơn thế; nên cô đã đưa anh vào giấc ngủ vĩnh hằng để giữ anh im lặng. Và trẻ đẹp mãi cũng chẳng để làm gì nếu cô cậu thậm chí không thể thức dậy và ngắm mình trong gương” (Giờ thì hầu như ai cũng mỉm cười, thậm chí cả sơ Maria. George đã khiến họ thích thú trở lại. Ông rất ghét sự cãi cọ, khó chịu). “Tôi đang nói đến đâu rồi nhỉ? Ồ phải, vậy là Tihonus tội nghiệp dần dần trở thành một ông lão già nua ghê tởm vĩnh cửu…” (Những tiếng cười ầm ĩ rộ lên). “Và Eos, với sự nhẫn tâm đặc trưng của một nữ thần đã chán Tihonus và nhốt ông lại. Ông ngày càng già nua, giọng nói ngày càng the thé, cho đến một ngày kia, ông hóa thành con ve sầu.”

Căn phòng im lặng. George đã không trông đợi sự hào hứng khi câu chuyện kết thúc, và đúng như ông đã nghĩ. Ông Stoessel phát điên lên vì không hiểu được và rủ rỉ vào tai Dreyer khẩn khoản mong được giải thích. Dreyer thì thầm lại vào tai ông, mà George ngờ là chỉ khiến ông rối mù hơn. Rồi cuối cùng ông Stoessel cũng hiểu và kêu lên, “Ồ, con ve!” bằng một giọng quở trách ngụ ý tại George và cái giọng Ăng lê của ông đã phát âm sai khiến ông không hiểu. George lại bắt đầu giảng với sự thay đổi trong giọng nói. Ông không còn cố giành lấy sự ưu ái của các sinh viên, không còn giải trí cho họ nữa; mà thay vào đó, ông nói với chúng bằng giọng bề trên, kẻ cả, giọng của một quan tòa đang ra lệnh cho bồi thẩm đoàn.

“Lý do Huxley chọn tựa đề này cho cuốn tiểu thuyết của mình đã quá rõ ràng. Nhưng dù sao, các cô cậu cũng sẽ phải tự hỏi, liệu sự tương quan giữa hai câu chuyện sẽ xa đến đâu ngoài việc có chung một tiêu đề như nhau? Ví dụ, bá tước nhà Goniar[16] có thể được coi như đại diện cho Tihonus, người đã kết thúc sự vĩnh cửu bằng việc biến thành một con khỉ, cũng giống như Tihonus đã hóa thành con côn trùng. Thế còn Jo Stoyte[17]? Và Obispo[18]? Ông ta giống Mephistopheles[19] của Geothe[20] hơn là giống Zeus. Và Eos? Chắc chắn không phải là Virginia Maunciple[21] rồi. Virginia không hay dậy sớm đến thế.” Không ai nhận ra câu nói đùa này của ông. Thi thoảng George hay chêm vào những câu nói đùa bằng phong cách Anh như vậy trong bài giảng của mình. Hơi phật ý vì không ai hưởng ứng, ông lại tiếp tục, bằng giọng kẻ cả hơn, “Nhưng, trước khi chúng ta có để đi sâu hơn, các cô cậu cần phải biết được cuốn tiểu thuyết này thực sự nói về điều gì.”

[16] Goniar: nhân vật trong tiểu thuyết, sống đến hơn 200 tuổi.

[17] Jo Stoyte: nhân vật triệu phú.

[18] Obispo: vị bác sĩ được Jo Stoyte thuê để nghiên cứu về sự bất tử.

[19] Mephistopheles: con quỷ trong văn học dân gian Đức.

[20] Geothe (28/08/1749 đến 22/03/1832): nhà văn, nhà thơ và nhà hoạt động chính trị người Đức.

[21] Virginia Maunciple: người tình trẻ của Jo Stoyte.

Họ dành phần còn lại của tiết học để biết được điều đó.

Ban đầu, như thường lệ, sự im lặng bao trùm. Cả lớp học ngồi dán mắt vào sách nhằm bóc mẽ nội dung từng câu chữ. Về gì? Cuốn tiểu thuyết này nói về điều gì? George muốn họ nói gì về cuốn sách? Chúng sẽ nói bất cứ thứ gì ông muốn, bất cứ thứ gì. Hầu hết trong số chúng, bất chấp những yêu cầu bắt buộc phải học, tận sâu trong đáy lòng, chúng vẫn coi đây như một trò chơi tẻ nhạt, buồn chán. Một số ít còn lại, những kẻ có nhận thức sắc sảo hơn, những kẻ đang mơ mộng một ngày kia sẽ viết nên một cuốn tiểu thuyết của riêng mình, như Faulkner, James hay Conrad, đang tỏ ra chắc nịch rằng, những tác phẩm trước đó về đề tài này chẳng đáng một đồng xu – chúng sẽ không nói gì thêm trong một khoảng thời gian nữa. Chúng đang đợi đến khoảnh khắc khi chúng có thể bước ra dưới ánh đèn như một thám tử ngôi sao đưa ra lời giải cho vụ án Huxley này. Cho tới lúc đó, hãy cứ để những kẻ ngu si khác lúng túng với câu đố, hãy cứ để đống bùn được khuấy lên trước đã.

Đống bùn được khuấy lên đầu tiên bởi Alexander Mong. Dĩ nhiên cậu ta nhận thức được việc mình đang làm, cậu ta không phải là thằng ngốc. Thậm chí có thể một phần triết lý của một họa sĩ tranh sơn dầu như cậu ta là phải nhìn nhận và hành xử mọi việc dưới lớp vỏ của một đứa trẻ con. Một người da trắng sẽ có thể trở nên hung hãn vì vấn đề này, nhưng Alexander thì không. Bằng một nụ cười phương Đông tuyệt đẹp, cậu ta nói, “Cuốn tiểu thuyết này nói về một ông già nổi đóa ghen tuông vì sự rằng ông ta đã quá già đối với cô bạn gái. Lão ta bỏ tiền ra thuê người tìm cách biến lão trở nên trẻ trung hơn. Nhưng vô ích. Trong khi ông bác sĩ của lão thì đang bem cô người yêu của lão. Uất quá lão ta mới định giết ông bác sĩ, ai dè bắn nhầm tên trợ lý. Ông bác sĩ vì tiền đã bao che cho lão rồi tất cả bọn họ biến sang Anh để tìm tên bá tước, người đang làm trò khỉ với một cô gái trẻ trong hầm rượu…”

Sự hưng phấn gầm lên khi Alexander nói đến đây. George mỉm cười độ lượng và nói, “Cậu bỏ qua Pordage và Propter, vai trò của họ trong câu chuyện là gì?”

“Pordage? Ồ phải, hắn ta là người phát hiện ra việc tên bá tước ăn những con cá điên…”

“Cá chép.”

“Phải rồi. Và Propter,” Alexander cười toe toét và gãi đầu bỡn cợt. “Xin giáo sư bỏ quá, chứ em cũng chưa đọc cuốn sách này cho đến mãi tận hai rưỡi sáng nay, cố lắm mới nhét vào đầu được chừng đó. Trời, phải nói là em chẳng khoái món này cho lắm.”

Nhiều tiếng cười nữa vang lên. Alexander đã làm tròn chức năng của mình. Cậu đã lôi chủ đề ra bằng sự dốt nát lỗ mãng. Giờ thì nhiều cái miệng đã giãn ra và cuộc điều tra đã có thể bắt đầu.

Đây là một số những nhận định được đưa ra:

Propter không nên nói rằng cái tôi và bản ngã là hão huyền, điều này chứng tỏ ông không có niềm tin vào bản chất con người.

Cuốn tiểu thuyết này thật vô vị và không thực tế. Chúng ta cần sự vĩnh cửu để làm gì chứ?

Cuốn tiểu thuyết này rất sâu sắc nhưng hơi cay nghiệt. Huxley nên đào sâu vào các cảm xúc tốt đẹp của con người hơn.

Cuốn tiểu thuyết này là một bài học đạo đức sâu sắc. Nó dạy chúng ta đừng nên tò mò với những bí ẩn của cuộc sống, đừng đùa giỡn với sự vĩnh cửu.

Huxley là kẻ quái gở lập dị. Ông muốn loại bỏ loài người để thế giới trở nên an toàn hơn cho động vật và các linh hồn.

Nói thời gian là ác quỷ vì ác quỷ tồn tại trong thời gian thì giống như nói đại dương là cá vì cá sống trong đại dương.

Propter không có cuộc sống tình dục. Việc xây dựng nhân vật này có vẻ khiên cưỡng quá.

Cuộc sống tình dục của Propter là khiên cưỡng.

Propter là người theo đảng dân chủ, ủng hộ Thomas Jefferson[22], một kẻ Bolshevik, một kẻ John Bircher sơ khai.

[22] Thomas Jefferson (1743-1826) là tổng thống thứ 3 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, người sáng lập ra Đảng Dân chủ-Cộng hòa Hoa Kỳ.

Propter là người theo phái thoát li thực tế. Điển hình là trong câu chuyện của ông với Pete về Cuộc Nội chiến ở Tây Ban Nha. Pete là một người tốt cho đến khi Propter tẩy não anh, khiến anh mất đi lòng can đảm và bắt đầu tin tưởng ở Chúa.

Huxley thực sự hiểu đàn bà rất rõ. Việc ông cho Virginia một cái xe máy tay ga màu hoa hồng quả là cao tay.

Và nhiều nhiều những nhận xét khác nữa…

George đứng đó mỉm cười im lặng để cho họ tận hưởng ý kiến của chính mình và của nhau, chỉ thi thoảng ông mới lên tiếng. Ông đứng đó chủ trì cuộc tranh luận như thể ông đang quản lý quầy bán hàng ở lễ hội, khuyến khích đám đông ném và nghiền nát mục tiêu của mình; đó quả là thú vui khôn xiết. Nhưng dù sao thì vẫn cần phải có những luật lệ nhất định cho cuộc chơi. Khi có ai đó bắt đầu ném hơi cay và a-xít, ngầm chỉ rằng Huxley đang gần chạm đến ngưỡng cửa của một tên nghiện ma túy, George ngay lập tức dập tắt suy nghĩ đó. Hay khi có người dè dặt muốn ngụ ý nói cuốn tiểu thuyết này là một vở nhạc kịch tình yêu – có không? Chẳng phải mối liên kết giữa quý cô lăng nhăng và cuộc hành sát Pete của Jo Stoyte cũng lãng mạn lắm sao? – George nói ngay rằng không đời nào, rằng chuyện cổ tích trong văn chương đã nổ banh xác từ những năm 30 rồi.

Và cuối cùng cũng đến lượt câu hỏi mà George đang chờ đợi. Nó được hỏi bởi Myron Hirsch, dĩ nhiên rồi, còn ai khác ngoài cậu sinh viên Do Thái luôn thắc mắc không biết mỏi mệt. “Thưa giáo sư, ở trang 79, Propter có nói rằng, câu ngu xuẩn nhất trong kinh thánh là ‘họ ghét tôi mà không vì lý do gì.’ Liệu có phải nó hàm ý rằng những tên phát xít đã đúng khi ghét người Do Thái? Có phải Huxley cũng kỳ thị người Do Thái?”

George hít một hơi dài rồi ôn tồn đáp, “Không.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.