Ngày Mai (Demain)

Chương 14: Ekaterina svatkovski



Bạn không thể nhòm ngó vợ hàng xóm

Thiên di, 20.17

Boston, 2010

11 giờ sáng

Mây giăng kín bầu trời với tốc độ đáng kinh ngạc. Vầng mặt trời chói lọi của buổi sớm mai đã nhường chỗ cho một màn ánh xà cừ dày đặc và chẳng mấy chốc những bông tuyết đầu tiên đã rơi xuống. Hiện tại, một màn tuyết mỏng và rơi mau đang quay cuồng trên những con phố khu South End.

Emma gạt những bông tuyết bám trên tóc cô rồi thắt lại khăn cho chặt. Cô đi lang thang đã được chừng hai mươi phút. Sau khi rời khỏi ngôi nhà của gia đình Shapiro, cô quay lại khách sạn nhưng phòng cô còn chưa dọn xong. Vậy nên cô quyết định dạo vài bước để có thể suy nghĩ trong không gian thoáng đãng. Rủi thay, cái lạnh buốt giá đến mức cô có cảm giác nó khiến trí não cô tê liệt.

Cô đi tới góc quảng trường Copley giao với phố Boylston, nơi mọc lên tòa nhà tôn nghiêm của thư viện thành phố. Không ngần ngại, cô bước lên những bậc thềm rồi tiến vào một đại sảnh được trang hoàng tráng lệ bằng những bức tượng và bích họa.

Ta cứ ngỡ vừa lọt vào một cung điện Ý thời Phục hưng. Cô bước vài bước vô định, vượt qua quầy lễ tân và quầy vé – đang bán vé vào cửa một triễn lãm đương đại – để tiến vào một khoảng sân trong nhỏ giống với hành lang một tu viện. Làm theo chỉ dẫn của một người gác cổng, cô bước qua cổng an ninh rồi lên cầu thang lớn bằng đá hoa cương dẫn tới phòng đọc.

Đại sảnh Bates là một căn phòng rộng thênh thang với chiều dài ngót bảy mươi mét bên dưới trần hình vòm cuốn. Mỗi bên kê một dãy vài chục bàn gỗ sẫm màu trang bị đèn đồng thau chụp thủy tinh trắng sữa.

Emma ngồi cuối phòng để tranh thủ ánh sáng tự nhiên. Cô rút điện thoại và laptop rồi bắt tay vào việc, cố gắng phân tích kỹ lưỡng mọi “tang chứng” cô đã thu thập được trong chuyến thám hiểm.

Điều đầu tiên khiến cô tò mò: gốc gác Nga của Kate hay nói đúng hơn là của người phụ nữ Mỹ hóa cái tên của mình, nhưng tên thật thực ra lại là Ekaterina Lyudmila Svatkovski.

Sinh ngày 6 tháng Năm 1975 tại Saint-Pétersburg (Nga).

Cô xem những bức ảnh chụp Kate thời thơ ấu. Lúc chừng sáu hoặc bảy tuổi, Kate đứng tạo dáng gần một nghệ sĩ dương cầm – hẳn là mẹ cô – trong những phòng hòa nhạc hoặc phòng diễn tập. Sau đó, có loạt ảnh chụp ngoại cảnh hai người phụ nữ, trên đó đôi khi thấy xuất hiện những tháp chuông hình vòm bát úp đặc trưng cho kiến trúc Chính giáo. Tiếp theo, khoảng mười một mười hai tuổi, cảnh trí có sự thay đổi. Tiếp nối cảnh đơn sắc màu ghi xám của Venice vùng Bắc Âu là cảnh đơn sắc của thành phố màu ngọc lục bảo. Emma thầm lặp lại hành trình này trong tâm trí: cuộc lưu vong từ Saint-Pétersburg tới Seattle.

Mắt nhìn vô định, Emma xoa cằm rồi gõ vào mục tìm kiếm Google: “Svatkovski + nghệ sĩ dương cầm”. Mẹ của Kate có hẳn một trang riêng trên Wikipedia. Cô tò mò đọc lướt qua.

Anna Irina Svatkovski (12 tháng Hai 1945 tại Saint-Pétersburg – 23 tháng Ba 1990 tại Seattle) là một nữ nghệ sĩ dương cầm người Nga. Bà qua đời do biến chứng liên quan tới xơ cứng rải rác.

Vốn là thần đồng dương cầm, bà học tại nhạc viện Rimsky – Korsakov thuộc Saint-Pétersburg, được thụ hướng sự chỉ dẫn của nhiều bậc kỳ cựu trong Học viện.

Bà khởi nghiệp solo ở tuồi mười sáu với bản concerto đầu tiên của Rachmaninow biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Saint-Pétersburg. Sau đó bà được mời tham dự nhiều festival và biểu diễn tại nhiều khán phòng danh giá như Philharmonie ở Berlin hay Carmegia Hall ở New York. Bà thu âm cho hãng Deutsche Grammophon bản ghi đầu tiên: bản Sonat cung Si thứ của Franz Liszt. Đĩa này vẫn được coi như một bản thu âm tham khảo không thể thiếu khi nhắc đến nhạc phẩm.

Khi sự nghiệp của bà đang thời kỳ đỉnh cao thì vào năm 1976 số phận bà đã có bước chao đảo: cơn kịch phát của chứng xơ cứng rải rác khởi phát khi bà vừa sinh con gái. Những biến chứng của căn bệnh đã buộc bà gạt sang cuộc sống của nghệ sĩ hòa tấu. Đầu những năm 1980, bà sang Mỹ để chạy chữa, nhưng đến năm 1990 thì qua đời sau khi đã trải qua những năm tháng cuối đời khốn khó.

Emma đã hình dung ra tuổi thơ và buổi đầu tuổi niên thiếu của Kate . Một cuộc sống khó khăn trong một đất nước xa lạ, mặc cảm tội lỗi vì tin rằng mình phải chịu trách nhiệm về căn bệnh của mẹ, rồi chấn thương tâm lý sau cái chết của mẹ hẳn đã khiến cô gái trẻ Kate chọn nghề bác sĩ. Cô xòe ngón tay ra mà tính. Nếu mẹ Kate mất vào năm 1990 thì khi ấy Kate mới chỉ mười bốn, mười lăm tuổi. Ai đã nuôi dạy Kate kể từ thời điểm đó? Người bố chăng? Có lẽ, nhưng chẳng có bức ảnh hay chỉ dẫn nào nhắc tới sự tồn tại của ông ta.

Những bức ảnh tiếp theo đã hạnh phúc hơn. Trong đó người ta thấy Kate tại trường đại học Berkeley danh giá, thường là cùng một cô gái, một sinh viên gốc Ấn. Phải chăng là cô nàng Joyce Wilkinson kia ? Emma tự hỏi khi nghĩ tới câu hỏi cuối cùng trong loạt “câu hỏi bí ẩn” của công ty giám sát. Có điều gì đó khang khác kích thích cô: trên bức ảnh này, rõ ràng là tuổi Kate đã quãng mười tám đôi mươi, nhưng đường nét gương mặt cô không giống hệt như bây giờ. Emma chuyển ảnh ra laptop để so sánh chúng với những bức ảnh chụp gần hiện tại hơn trên màn hình lớn. Rõ ràng là có sự thay đổi nhưng không phải dễ nhận ra: gò má cao hơn, khuôn mặt cân xứng hơn. Cô gái chắc chắn đã qua tay bác sĩ phẩu thuật thẫm mỹ. Nhưng vì lý do gì nhỉ ? Tại sao lại muốn trở nên “hoàn hảo hơn” trong khi người ta đã đẹp sẵn?

Có thể là một tai nạn đòi hỏi phẫu thuật phục hồi?

Cô để mặc câu hỏi lơ lửng mà không thể tìm ra câu trả lời, rồi để ý bức ảnh mê hoặc mà cô đã tải về màn hình laptop. Nhiều tuổi hơn những bức ảnh trước đó chút ít, Kate nhìn thẳng vào ống kính với vẻ thách thức. Hai bàn tay đan lại trên ngực và không che bụng cũng chẳng che vẻ nữ tính chớm hình thành. Bức ảnh toát ra một vẻ khiêu gợi khiến người ta bối rối.

Có thể bật ngón tay là sở hữu bất cứ người đàn ông nào thì phỏng có ích gì chứ ? Emma hỏi như thể đang trò chuyện cùng Kate. Phải chăng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn? Phải chăng ta đã nếm cùng những nỗi đau khổ với người trần mắt thịt?

Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu nhìn vào những thứ thuốc cô tìm thấy trong tủ thuốc…

Cô nhướn mày rồi ghé sát mặt vào màn hình sau khi đã phóng to bức ảnh. Vào thời đó, Kate có một hình xăm tại cẳng trên tay trái. Một dấu hiệu mà người ta không nhìn thấy trên bất kỳ bức ảnh nào khác. Đó là một hình xăm tạm cô đã xóa đi? Không thể nói chắc được. Ngược lại, Emma có lẽ đã đoán ra được nguyên do. Cô dùng chuột cảm ứng tách riêng vùng ra xăm để bo lại khung rồi phóng to hơn nữa. Một khuôn mặt ngựa với chiếc sừng xoắn hiện ra trên màn hình.

Một con kỳ lân…

Cô copy lại hình xăm mà không biết chi tiết này có tiết lộ giai thoại gì hoặc có thực sự quan trọng hay không. Rồi cô ngẩng lên khỏi màn hình laptop và day day mí mắt. Qua cửa sổ thư viện, cô nhận thấy tuyết đã rơi mỗi lúc một mau thêm. Cảnh tượng này khiến cô rùng mình. Tuy thế, ở đây vẫn dễ chịu. Hệ thống sưởi chạy ro ro. Nơi này khiến người ta yên tâm, thuận lợi cho việc suy nghĩ, gần như nồng hậu và tâm tình, bất chấp vẻ đồ sộ của nó, như thể một lạc bộ cổ của Anh đã hình thành tổng hành dinh của mình trong một nhà thờ. Emma níu lấy những yếu tố khiến cô yên tâm: hàng nghìn cuốn sách để san sát trên những tầng giá, tiếng lật trang sách loạt soạt, tiếng ngòi bút cào trên mặt giấy, tiếng gõ bàn phím máy tính.

Cô bỗng cần cảm thấy mình được che chở. Bởi khi phát hiện ra chiếc túi du lịch màu đỏ giấu trên lớp trần giả trong ngôi nhà của gia đình Shapiro, cô ý thức được rằng mình đã nhìn thấy điều không bao giờ nên thấy. Điều gì đó ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng.

Cô nhắm mắt rồi thẩm hồi tưởng cảnh tượng. Khi mở dây khóa kéo ra, cô đã nhìn thấy hàng chục tệp tiền 100 đô. Cô làm một phép tính nhẩm. Chiếc túi thể thao nặng ít nhất năm cân. Một tờ tiền mệnh giá 100 đô thì nặng chừng nào nhỉ? Khoảng một gam chăng? Vậy thì chiếc túi phải đựng tới gần 500,000 đô…

Nửa triệu đô…

Loại người nào sở hữu nửa triệu đô la giấu trên lớp trần giả của phòng để quần áo? Cô thắc mắc trong lúc ngắm nhìn bức ảnh chụp Kate với đôi mắt dường như nhìn thấu cô.

Thực ra cô là ai hả Kate Shapiro?

Thực ra cô là ai hả Ekaterina Lyudmila Svatkovski?

***

Emma thu dọn đồ đạc. Cô chuẩn bị cất laptop vào túi xách thì bỗng nhớ ra mình còn chưa xem những bức ảnh do Matthew lưu trong máy tính để bàn tại nhà. Cô cắm ổ usb để xem thử. Quá trình sao lưu bị gián đoạn vì vợ chồng Matthew về nhà đúng lúc đó, nhưng dù sao cô cũng đã cóp được vài trăm bức ảnh. Cô xem lướt theo trình tự thời gian từ gần ra xa: những cảnh sinh hoạt thường nhật phác nên bức tranh gia đình hạnh phúc kết nối xung quanh cô nhóc Emily. Emma tăng tốc độ xem để lần lại quá khứ xa xôi hơn: trước khi cô bé Emily chào đời, thậm chí trước cả đám cưới của Matthew và Kate. Và điều phát hiện được khiến cô sững sờ: Matthew đã từng kết hôn trước khi gặp Kate! Trên vài chục bức ảnh xuất hiện người phụ nữ nhỏ nhắn tóc nâu, mảnh dẻ, mái tóc dài thường xuyên tết lại thành bím. Ngay cả trên ảnh, chị ta cũng hiếm khi mỉm cười. Khuôn mặt chị ta góc cạnh, thường xuyên đóng khung trong một kiểu dáng khô khan khiến Emma nghĩ đến một nữ trí thức, một giáo viên tiểu học kiểu cũ hoặc một thủ thư miền tỉnh lẻ.

Cô lướt qua nhanh các bức ảnh cho đến khi bắt gặp những bức ảnh chụp hôm đám cưới họ. Chúng đã được chụp cách đây lâu lắm rồi. Thậm chí không phải là ảnh kỹ thuật số mà là những bức ảnh chụp phim rồi scan lại. Trên một tấm, người ta nhìn thấy món tráng miệng khổng lồ được chuẩn bị cho hôn lễ: một chiếc bánh ga tô nhiều tầng, màu hồng kết hợp với trắng, ngồn ngộn kem. Một dòng chữ trên ô vuông bằng bột hạnh nhận ghi rõ:

Sarah + Matt

20 tháng Ba 1996

Nhờ có Internet, Emma lần ra được dấu vết của một “Sarah Shapiro” nào đó trong báo cáo trực tuyến về chuyến tham quan của học sinh lớp bốn thuộc trường tiểu học Roxbury. Tài liệu được đăng tải cách đây sáu năm, nhưng Emma vẫn thử gọi đến ngôi trường tiểu học đó xem sao. Mặc dù đang kỳ nghỉ nhưng phòng giáo vụ vẫn trả lời cuộc gọi của cô. Sarah Shapiro đã từng giảng dạy tại trường. Kể từ sau khi ly dị chồng, chị ta đã lấy lại họ thời con gái – Higgins – và yêu cầu được chuyển sang một trường khác. Họ cho Emma tên một ngôi trường khác. Lại một phòng giáo vụ khác. Không chỉ đúng là Sarah Higgins đang giảng dạy tại đó, mà thêm nữa, trường tiểu học vẫn tiếp tục chào đón các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Ngay lúc này, Sarah đang giám sát một chuyến tham quan của trường tiểu học tới sân trượt băng thành phố Wattapan.

***

Boston, 2011

11 giờ 15

Matthew trở về nhà với vẻ bơ phờ vì lo lắng. Anh mở cửa ra và phát hiện một mẩu giấy nhắn được ghim trên tấm bảng gỗ bần:

Con và cô dạo một vòng quanh chợ Giáng sinh trên phố Marlborough. Nếu bố ngoan, con và cô sẽ mang về tặng bố một chai rượu táo!

Hôn bố.

Emily + April.

Clovis, chú chó Shar-pei, tới dụi dụi mõm vào chân anh. Matthew xoa xoa đầu chú vẻ nghĩ ngợi. Chú chó đã làm đổ bát đựng nước; anh vừa lấy đầy bát nước cho chú ta vừa suy ngẫm. Vậy là chiếc laptop đã hỏng hẳn, nhưng anh vẫn có thể sử dụng máy tính để bàn cũ kỹ tại nhà để đọc nội dung ổ cứng. Anh bèn ngồi vào chiếc bàn nhỏ được dát gỗ trang trí nơi đặt chiếc máy tính của gia đình. Anh cắm thiết bị ngoại vi mà lão già hippie đưa cho ban nãy và bắt đầu tìm kiếm. Thiết bị hỗ trợ tin học đó gần như trống, anh không mất nhiều thời gian đã thấy file video (IMG_5662.MOV) cần tìm.

Anh cho phát đoạn phim rõ ràng được quay bằng điện thoại di động và ngồi lặng đi như hóa đá suốt ba phút thời lượng. Anh không tin nổi vào mắt mình! Kate đã ngồi tựa vào một người đàn ông mà anh không quen biết. Họ ôm hôn nhau, vuốt ve nhau, trao nhau những ánh mắt đắm đuối của lũ nhãi ranh.

– KHÔNG!

Anh vớ lấy thứ gần nhất trong tầm tay – một chiếc cốc sứ cắm bút chì – rồi thẳng tay ném vào tường. Chiếc cốc vỡ tan khiến Clovis sợ hãi nấp dưới chiếc bàn thấp. Matthew nhắm mắt, hai tay bưng mặt và lả đi hồi lâu. Trống rỗng.

Không thể nào…

Anh ngẩng đầu lên. Phải có cách lý giải. Ngay cả những hình ảnh rõ ràng nhất đôi khi vẫn có thể mang một ý nghĩa ẩn khuất nào đó. Trước hết là đoạn phim này được ghi lại từ bao giờ? Trong mail, Emma nói rằng cô vừa quay xong. Vậy thì đoạn phim được ghi lại vào buổi sáng ngày 23 tháng Mười hai năm 2010, tức là chưa đầy một ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn dẫn tới cái chết của Kate. Sau đó là địa điểm. Những tấm gỗ lát nhắc anh nhớ tới quán Grill 23 hoặc McKinty’s nơi thỉnh thoảng họ ghé qua, nhưng nhìn kỹ hơn, tấm gương và chiếc đồng hồ treo tường không khớp với hai địa chỉ trên. Gã đàn ông: cao lớn, tóc vàng cắt ngắn, măng tô da màu đen. Anh có biết hắn không nhỉ? Có lẽ, nhưng anh không thể gắn cho khuôn mặt hắn một cái tên. Cuối cùng là cử chỉ của họ, điều khiến anh khó lòng chịu đựng nổi nhất. Sự tâm đầu ý hợp giữa họ quá hiển nhiên, hơi thở họ quyện vào nhau, hai trái tim họ run cùng nhịp đập. Mối quan hệ này kéo dài được bao lâu rồi nhỉ? Làm sao anh có thể không hề ngờ đến chuyện này?

Anh siết chặt nắm đấm, để mặc cho cơn giận dữ và nỗi thất vọng lớn lao xâm chiếm. Kate, tình yêu của đời anh, đã phản bội anh, còn anh thì mãi đến giờ mới biết được điều đó, một năm sau cái chết của cô! Cảm giác bị phản bội nhường chỗ cho nỗi ghê tởm. Vẫn đang sốc, anh lê bước ra hiên nhà rồi mở rộng ô cửa kính. Anh cần không khí trong lành, như một tay thợ lặn đã ngưng thở quá lâu. Anh thở dốc, hai chân bủn rủn, anh liền ngồi phịch xuống một chiếc ghế kê ngoài vườn. Cơ thể anh rung lên bởi những tràng nức nở, những giọt nước mắt lăn dài trên má mà anh không thể ngăn được. Miệng anh trào lên vị chua chát.

Bỗng từ phòng khách vang lên tiếng reo.

– Bố ơi bố ơi, con và cô đã mua cho bố rượu táo với bánh gừng này! Emily reo lên trong lúc lao ra sân hiên.

Con bé lao vào vòng tay anh, anh liền vùi khuôn mặt xinh xắn của con gái vào hõm cổ mình, tranh thủ dùng tay áo lâu sạch nước mắt.

April nhận ra nỗi buồn của anh nên nhìn anh dò hỏi.

– Anh-sẽ-kể-với-em-sau, anh dằn từng từ không thành tiếng để cô có thể đọc được từ môi anh.

– Bố đã sửa được máy tính chưa ạ?

Anh lắc đầu.

– Chưa con ạ, nhưng chuyện không có gì nghiêm trọng.

– Con xin lỗi, cô nhóc nói, đôi mắt cụp xuống buồn bã.

– Những chuyện như vậy có thể xảy ra mà, con yêu. Mọi người ai cũng mắc sai lầm. Đó là bài học để lần sau con không tái phạm nữa.

– Chuyện đó thì chắc chắn rồi ạ! Cô nhóc đáp, ngước khuôn mặt xinh xắn về phía mặt trời.

Như thường lệ, sự tiếp xúc với ánh sáng tràn ngập lại khiến cô nhóc muốn hắt hơi.

– Cơm muối nhé, bé con.

– Con có còn là bé con nữa đâu!

Cái hắt hơi này…

Matthew nheo mắt, rồi sừng người, bị đóng đinh tại chỗ bởi một ký ức bị kìm nén vừa bùng nổ ngay trước mắt như một quả lựu đạn.

***

Sáu tháng trước, ngày 4 tháng Bảy năm 2011, ngày Quốc khánh, anh đã nhận lời mời của Rachel Smith, một đồng nghiệp tại Harvard tới dự một bữa tiệc nướng tổ chức tại ngôi nhà nghỉ nông thôn của Cap Cod: một ngọn hải đăng cũ nép trên một eo biển lởm chởm đá, đại dương trải dài hút tầm mắt. Trong khi cánh đàn ông lo nướng thịt, cánh phụ nữ chuyện phiếm gần bờ nước, còn lũ trẻ chơi trong ngọn hải đăng, được một cô giữ trẻ của gia đình để mắt trông nom.

– Ai muốn ăn gà nướng đây? Ai muốn ăn xúc xích nóng hổi nào? David Smith hô lên trống không, một anh chàng dễ mến, lúc nào cũng điềm tĩnh, là bác sĩ đa khoa tại Charlestown.

Bỗng có bốn đứa nhóc chạy ra khỏi chỗ nấp để lao về phía đồ ăn. Đó là một ngày hè tuyệt đẹp. Nắng chói chang. Vừa ra tới chỗ có nắng, Emily đưa tay che miệng rồi hắt hơi hai cái liền.

– Mỗi lần con bé di chuyển từ chỗ bóng râm ra nơi có nắng là lại hắt hơi vậy đó, Matthew nhận xét. Thật kỳ lạ phải không?

– Anh đừng lo, David bảo anh. Đó là một hiện tượng thường thấy: cứ bốn người lại có một người bị hắt hơi khi ra chỗ có nắng mà. Đó là một đặc điểm di truyền không có hại gì. Trong ngành y, người ta gọi đó là phản xạ ảnh hắt hơi.

– Anh giải thích phản xạ đó như thế nào?

Bác sĩ khua cái nĩa dài nướng bít tết như thể đang đứng trước bảng đen.

– Được rồi, anh có nhìn thấy các dây thần kinh thị giác không? Chúng ở gần một dây thần kinh đại não: dây thần kinh sinh ba kiểm soát độ nhạy của toàn bộ khuôn mặt. Thí dụ chính nó cho phép sản xuất nước mắt và nước bọt cũng như các biểu cảm của gương mặt. Và chính dây thần kinh này phát động những cú hắt hơi.

– Nhất trí, Matthew gật đầu.

David tiếp tục, chỉ lên mặt trời.

– Khi một luồng sáng mạnh chiếu vào, ở một vài người xuất hiện dạng giao thoa giữa hai dây thần kinh này: độ sáng kích thích dây thần kinh thị giác khiến nó “chạm mạch” dây thần kinh sinh ba và gây hắt hơi.

– Giống như hai dây điện?

– Anh hiểu đúng rồi đấy, bạn thân mến.

– Anh dám chắc chuyện không nghiêm trọng chứ?

– Chắc chứ! Đó chỉ là một dị tật bẩm sinh nhỏ ở mức độ thần kinh não bộ thôi mà. Vả lại, hẳn là anh cũng gặp phải vấn đề đó chứ?

– Không hề, tôi chưa bao giờ gặp phải triệu chứng đó.

– Vậy thì nhất định là Kate phải có, chắc chắn là vậy.

– Tại sao?

– Bởi vì người ta gọi đó là di truyền tính trội.

– Nghĩa là sao?

– Nghĩa là tất cả những người gặp phải bất thường này đều phải có ít nhất hoặc bố hoặc mẹ đã mắc trước. Từ đó suy ra, nếu anh không mắc, bắt buộc Kate phải mắc. Này, lật miếng bít tết của anh đi kẻo cháy bây giờ.

Matthew gật đầu rồi lảng ra chỗ khác một lát. Vẽ nghĩ ngợi. Suốt bốn năm qua, anh chưa bao giờ thấy Kate bị hắt hơi khi ra ngoài chỗ sáng…

– Bố ơi, nhìn miếng xúc xích to đùng của con này! Emily vừa reo lên vừa lao vào vòng tay anh, trong đà lao tới đã làm bắn một tia sốt cà lên áo sơ mi của bố. Ôi…

– Không sao đâu con, nhưng con phải chú ý nhé, con đang hoạt động nhanh quá đấy.

Anh vừa chùi vệt xốt cà trên áo vừa nhớ lại những gì vị bác sĩ vừa kể. Rồi anh chọn cách không thắc mắc chuyện đó nữa và đẩy nó vào một vùng ký ức xa xăm.

***

Giờ thì cảnh tượng ấy đột ngột hiện ra trong tâm trí anh.

Quay về với thực tại. Quay trở về với cơn giận. Với nỗi chán ngán rã rời. Nhất là nỗi đau khổ. Một nỗi nghi hoặc tàn bạo hình thành trong anh. Thế nếu Emily không phải con anh? Anh lần hồi trong ký ức. Anh gặp Kate vào tháng Mười năm 2006. Theo những gì cô kể, Emily được thụ thai ngày 29 tháng Mười. Tám tháng sau con bé chào đời, ngày Hạ chí 21 tháng Sáu. Trẻ sinh non một tháng là chuyện thường gặp. Chỉ trừ chuyện Emily không có vẻ gì của một bé sơ sinh thiếu tháng: lúc sinh ra đã nặng 3,4kg, dài 52cm, con bé không phải giữ lại lâu ở bệnh viện để theo dõi. Nhưng lúc bấy giờ thì đang vui mừng vì được làm cha, anh không hề phiền lòng với những “chi tiết” này.

– Bố không sao chứ ạ? Bố có muốn nếm thử món bánh gừng không?

Câu hỏi của Emily không hoàn toàn kéo anh ra khỏi dòng suy tư.

– Để sau đi con, anh lẩm bẩm.

Anh quay sang April thông báo mà không hề giải thích:

– Anh phải đi mua thứ này.

***

Boston, 2010

12 giờ 30

Chiếc taxi thả Emma xuống phố Somerset thuộc trung tâm Wattapan. Nằm ở cực Nam của Boston, khu phố này không phải là nơi được các cẩm nang du lịch dành cho nhiều trang viết. Vì đang có tuyết rơi nên phố xá hầu như vắng tanh. Emma không cảm thấy nguy hiểm, nhưng cảnh trí cũng không thuộc loại sáng loáng nhất: những tòa nhà thấp xây bằng gạch đang chờ được tu sửa, những nhà kho, những ngôi nhà lợp mái tôn, những bức tường chi chít hình vẽ graffiti cùng những hàng giậu bao quanh những khu đất trống.

Trên đường ngược lên đại lộ để tìm sân trượt băng, cô gặp một nhóm người vô gia cư đang chiếm dụng vỉa hè để sưởi ấm quanh một bếp lò, vừa thả xuống những lon bia giấu trong túi giấy bồi. Những tiếng chửi rủa nồng nặc mùi rượu loang ra trên lối cô đi, nhưng thế vẫn chưa đủ để hăm dọa cô hoặc khiến cô bỏ cuộc.

Rốt cuộc, cô cũng tới trước tòa nhà có sân trượt băng của thành phố. Một nhà kho lớn bằng kim loại với mặt tiền “được sơn lại” bằng những bức tranh nề của lũ nhóc lêu lổng trong khu phố. Emma bước vào bên trong. Cô mua một vé để có thể vào phòng trượt, rồi xuống thẳng các bậc thang mà không qua phòng gửi đồ.

Tiếng trẻ em reo hò vang lên ầm ĩ từ sân trượt. Trên mặt băng, môt nửa diện tích sân được dành cho một học sinh tầm sáu, bảy tuổi đang theo học khóa nhập môn hockey do một thầy giáo trẻ hướng dẫn. Hai cô giáo tiểu học theo sát, đỡ những nhóc tì bị ngã, cố định lưỡi trượt, chỉnh mũ bảo hiểm hoặc miếng che ống chân cho chúng.

Emma lại gần mép sân trượt. Giữa hai cô giáo phụ trách, cô nhận ra ngay Sarah Higgins. Cô ta đã cắt tóc rất ngắn và sụt đi vài cân. Mặc quần jean, áo len sợi thô, dễ nhận thấy cô ta đã hơi già đi so với ảnh.

– Bà Shapiro phải không?

Cô ta quay phắt lại như có điện giật và nhìn Emma trân trối. Đã bao lâu rồi người ta không còn gọi cô ta như thế nữa?

– Cô là ai? Cô giáo tiểu học vừa hỏi vừa trượt lại gần mép sân.

– Một người bạn của Matthew. Tôi nghĩ Matthew gặp phiền phức và tôi muốn giúp anh ấy.

– Chuyện đó chẳng hề can hệ gì tới tôi.

– Chị cho tôi xin năm phút được không?

– Không phải lúc này. Cô cũng thấy rồi đó, tôi đang làm việc.

– Chuyện thực sự quan trọng, Emma cố nài.

Sarah thở dài nhẫn nhịn.

– Trên kia có một nơi giống như bar. Cô cứ lên đó đợi trước. Khoảng mười lắm phút nữa tôi sẽ lên đó gặp cô.

***

Hai mươi phút sau

– Tôi đã kết hôn với Matthew gần mười năm nhưng tôi quen biết anh ấy từ trước đó khá lâu, Sarah lên tiếng trước khi uống một ngụm trà.

Ngồi phía đối diện, Emma chăm chú lắng nghe cô trong lúc bồn chồn giằm chiếc ống hút đang dập dềnh trong cốc Coca.

– Chúng tôi gặp nhau năm 1992 hồi chung đại học Massachusetts. Matt học Triết còn tôi chuyên ngành Khoa học giáo dục.

– Tiếng sét ái tình chăng?

– Giống sức hấp dẫn đến từ trí tuệ thì đúng hơn. Chúng tôi đọc sách giống nhau, có cùng suy nghĩ, cùng những ưu tiên chính trị. Vả lại, lần đầu tiên chúng tôi hôn nhau là vào một buổi tối Bill Clinton trúng cử lần đầu. Cả hai chúng tôi đều là tình nguyện viên trong ủy ban hỗ trợ của ông ấy…

Sarah ngoảnh mặt đi rồi thoáng khép mắt. Toàn bộ chuyện này có vẻ như chưa cách ngày hôm nay bao lâu.

Emma lại gặng hỏi:

– Hai người chia tay nhau đã bốn năm rồi, phải vậy không?

– Hơn bốn năm một chút. Toàn bộ chuyện này thực ra hết sức đột ngột. Hết sức bất ngờ.

– Hai người đã có một quãng thời gian khó hòa hợp chăng?

– Thậm chí không có giai đoạn đó. Chúng tôi đang sống yên ổn, chúng tôi vẫn đang hạnh phúc. Ít ra là từ phía mình tôi nhận thấy thế…

– Matthew không ra đi ngày một ngày hai đấy chứ? Sarah bật cười kích động.

– Thực ra đó chính là cách diễn đạt phù hợp đấy. Một buổi tối, anh ta trở về nhà, thú nhận với tôi là đã gặp một phụ nữ, anh ta đã phải lòng cô ta, và anh ta muốn sống cùng với cô nàng đó. Anh ta kiên quyết, tự tin. Anh ta đâu có để cho tôi lựa chọn.

– Người phụ nữ đó là Kate hả?

– Dĩ nhiên! Vài ngày trước anh ta đã gặp cô nàng ở bệnh viện. Anh ta bị thương khi dùng kéo tỉa cây để làm vườn và chính cô nàng đã chữa trị cho anh ta. Và trời xui đất khiến thế nào mà hôm đó tôi lại chính là người năn nỉ đưa anh ta đi cấp cứu cơ chứ! Matt bảo đó là vết đứt tay vớ vẩn nên đã không muốn tới bệnh viện…

Emma không ngăn được mình giục giã Sarah.

– Chị đã không đấu tranh để giữ Matthew lại sao?

Sarah nhún vai.

– Cô đã nhìn thấy người đàn bà đó chưa? Tôi không được trang bị vũ khí nào để chống lại cả. Cô ta trẻ hơn, đẹp hơn, xuất sắc hơn tôi. Vả lại, suốt mấy năm chung sống, chúng tôi đã cố gắng có con với nhau mà không được, vậy nên…

Giọng Sarah nghẹn lại, nhưng cô vẫn nói tiếp:

– Matthew là người lãng mạng và có lý tưởng chủ nghĩa. Khi gặp Kate, anh ta tin chắc đã tìm thấy tâm hồn đồng điệu. Và nhìn bề ngoài, cô nàng cũng yêu anh ta. Có lẽ còn hơn cả tôi yêu anh ta. Nói gì thì nói, cô ta cũng biết cách thể hiện cho anh ta thấy điều đó rõ hơn.

Lúc này, mắt Sarah đã ngân ngấn nước.

– Trong một khoảng thời gian, tôi từng hy vọng toàn bộ chuyện đó chỉ là ý thích nhất thời thôi, rồi khi biết tin Kate mang thai, tôi hiểu ra rằng mọi chuyện giữa Matt và tôi đã hoàn toàn kết thúc.

Bỗng nhiên, nhóm trẻ ùa vào quầy bar trong tiếng hò hét ầm ĩ. Sarah nhìn đồng hồ đeo tay rồi đứng dậy:

– Được rồi, tôi phải đi đây. Tại sao cô lại cho là Matthew đang gặp rắc tối?

– Tôi… tôi chưa thể nói cho chị biết được. Chị vẫn liên lạc với anh ấy chứ?

Sarah lắc đầu.

– Cô đùa hay sao? Những năm qua chẳng khác nào ác mộng và tôi vừa mới tĩnh tâm lại kể từ sau cuộc ly hôn đó. Đã bốn năm nay tôi không nói chuyện với Matthew, và tôi định vẫn sẽ tiếp tục làm vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.