Hôm sau là cuối tuần, Kiều Kinh Ngọc nằm ườn đến tận trưa mới dậy ăn cơm.
Kiều Trân chê mạnh: “Mẹ tưởng con ở núi cả nghỉ hè, tốt xấu gì cũng thay đổi một chút chứ, sao vẫn lười chảy thây vậy.”
“Lạc Hải toàn cho con ngủ đến trưa.” Giọng Kiều Kinh Ngọc uể oải, vừa ăn vừa xem điện thoại, từ khi về nhà Lạc Hải không liên lạc với cậu.
“Ai?” Kiều Trân nghe thấy một cái tên xa lạ, cô hỏi: “Nhà con ở nhờ?”
“Vâng.” Kiều Kinh Ngọc gật đầu: “Là một… anh trai.”
Cậu cau mày, không biết vì sao nếu gọi Lạc Hải là “anh” lại hơi xấu hổ
Ăn trưa xong Kiều Kinh Ngọc cùng Kiều Trân đến nhà bà ngoại, tối nay ăn tối ở nhà bà, gia đình bác cũng tới, vừa là liên hoan gia đình vừa là tiệc mừng Kiều Kinh Ngọc đỗ đại học.
Lẽ ra trong nhà đã muốn tổ chức tiệc mừng đỗ đại học cho cậu từ khi nhận giấy báo trúng tuyển, nhưng cậu bỏ nhà đi nên không làm được, thôi thì nhân dịp cuối tuần mọi người đều rảnh cùng ăn bữa cơm.
Lúc Kiều Kinh Ngọc đến nhà bà ngoại, biệt thự đã vô cùng náo nhiệt, nhà bác đến sớm hơn mẹ con cậu.
Phòng khách tầng một được dày công trang trí, còn giăng biểu ngữ bằng dải lụa màu viết “Nhiệt liệt chúc mừng bé Kiều đỗ Đại học R!”
Biểu ngữ màu đỏ tươi không hề ăn nhập với ngôi nhà.
Kiều Kinh Ngọc sốc: “Mọi người làm gì vậy, thế này có khoa trương quá không.”
“Có gì khoa trương đâu, đáng lẽ nên đãi mấy chục mâm mà mẹ con nói con không thích, cả nhà mới làm đơn giản.” Bà ngoại đi từ tầng hai xuống, thấy Kiều Kinh Ngọc bèn vội vàng tiến lên: “Xem cháu tôi gầy đi này, bố mẹ con nhẫn tâm quá, mấy tháng hè ném con vào núi không lo không hỏi.”
Bà rất có ý kiến với cách giáo dục của vợ chồng Kiều Trân, vì việc này mà đã nổi giận với Kiều Trân và Giang Bác Thần mấy lần. Lần này thấy cháu trai về thì thơm lấy thơm để.
“Bé ngoan nhớ bà ngoại không?” Bà kéo tay Kiều Kinh Ngọc sờ chỗ nọ ngắm chỗ kia, mắt cũng đỏ hoe: “Lần này ở ngoài chịu khổ rồi đúng không? Về sau đừng chạy lung tung nữa nghe chưa.”
“Ôi mẹ làm gì thế?” Bác đi sang khuyên: “Trẻ con đi chơi ấy mà, có gì mà khổ với không, đúng không Kinh Ngọc?”
“Bà ơi con không chịu khổ, chỗ đấy tốt lắm.” Kiều Kinh Ngọc nói lời trái với lòng, đưa hộp đồ xách trong tay cho bà: “Bố con mua cho bà ạ.”
“Chao ôi, Bác Thần vẫn chu đáo như ngày nào.” Nhắc đến con rể cũ, bà cụ nhìn con gái mà thầm thở dài.
Thật ra bà rất vừa ý anh con rể này, tuy lúc đầu cũng không mấy tán thành vì điều kiện gia đình hai bên chênh lệch nhau quá, nhưng cuối cùng vẫn tôn trọng ý muốn của con gái.
Chuyện ly hôn bà và chồng cũng không hỏi quá nhiều, từ nhỏ con gái đã có chính kiến, không bao giờ nghe khuyên bảo, vợ chồng bà cũng chỉ có thể chiều theo con.
“Mẹ, bố con đâu?” Kiều Trần đến nhà nhưng không thấy ông cụ, bèn nhìn lên tầng hai: “Trên tầng hả mẹ?”
“Trong phòng sách ấy.” Bà ghét bỏ ra mặt: “Ai biết ông ấy bận vớ vẩn cái gì, con cháu đến hết rồi còn làm bộ làm tịch.”
Bà đang quở trách thì ông cụ đi từ phòng sách ra, đứng ở đầu cầu thang gọi: “Kinh Ngọc, con lên đây.”
“Dạ, con lên ngay ông ơi.” Kiều Kinh Ngọc nói với bà: “Con lên tầng xem sao.”
“Đi nhanh, chưa biết chừng có đồ quý cho cháu đấy.” Bác trêu.
Quả nhiên, Kiều Kinh Ngọc vừa vào phòng đã thấy trên mặt bàn làm việc có một chiếc hộp nhỏ.
“Kinh Ngọc, qua đây ngồi.” Ông cụ mỉm cười trỏ ghế gỗ cạnh bàn.
Kiều Kinh Ngọc ngồi xuống ghế dựa đặt hai tay lên bàn, tự nhiên có cảm giác về thăm chốn xưa. Hồi thơ bé ông ngoại từng dạy cậu luyện chữ trên chính chiếc bàn này.
Ông đẩy chiếc hộp nhỏ đến trước mặt cậu: “Đây là quà nhập học ông ngoại tặng con, mở ra xem đi.”
Kiều Kinh Ngọc rất tò mò: “Ông ơi, gì đây ạ?”
Đừng bảo là thẻ ngân hàng cho cậu quẹt thoải mái nhé?
Kiều Kinh Ngọc mở hộp, hơi há hốc.
Trong hộp là một chiếc đồng hồ nằm lẳng lặng trên lớp nhung màu lam thẫm. Đồng hồ khảm hai mươi ba viên đá quý, vỏ màu vàng hồng, mặt đồng hồ mạ bạc, vạch số bằng vàng in nổi phối với chốt khóa vàng 18K, đường nét mềm mại mang phong cách cổ điển nhẹ nhàng.
“Thích không?” Ông cười nhìn cậu: “Ông mua hồi đi học ở nước ngoài, tuổi của nó còn lớn hơn tuổi mẹ con.”
“Ông ngoại.” Kiều Kinh Ngọc ngắm chiếc đồng hồ đeo tay trải qua năm tháng, nhớ lại lần đầu nhìn thấy nó.
Khi ấy cậu mới đi học, trông thấy chiếc đồng hồ này trong phòng sách của ông, từ bé cậu đã thích những thứ đẹp đẽ lộng lẫy nên lập tức nói với ông là mình muốn.
Ông lấy đồng hồ đeo cho Kiều Kinh Ngọc: “Bây giờ con đã vào đại học, ông ngoại tặng nó cho con. Mười năm rồi, cuối cùng ông cũng làm tròn lời hứa của mình.”
Kiều Kinh Ngọc nhớ khi ấy ông ngoại nói: “Chờ con lên đại học ông sẽ tặng con.”
“Con cảm ơn ông.” Kiều Kinh Ngọc cúi đầu: “Con sẽ quý trọng nó cẩn thận.”
Món đồ cổ này cực kỳ quý giá, không chỉ vì hiện nay có thể bán đấu giá với giá cao mà càng vì nó là món đồ theo sát ông thời đi học.
Mười năm đằng đẵng ông vẫn nhớ lời hứa với cậu ngày xưa. Bây giờ cậu đã lớn, nhưng ông lại già rồi.
Kiều Kinh Ngọc buồn lắm.
“Ra ngoài chơi đi.” Ông xoa đầu cậu.
Lúc này cách giờ cơm vẫn sớm, cả nhà ngồi trong phòng khách uống trà. Kiều Hoành đang pha trà, thấy Kiều Kinh Ngọc xuống tầng thì hếch cằm với cậu: “Qua đây.”
Kiều Kinh Ngọc quen nghe anh họ sai bảo từ nhỏ bèn ngoan ngoãn đi sang. Kiều Hoành đứng dậy, kéo cậu đến trước người để so: “Cao lên rồi.”
“Thật không?” Kiều Kinh Ngọc hơi bất ngờ, vẻ ủ rũ ban nãy nhanh chóng biến mất.
“Thật.” Kiều Hoành ước lượng bằng ngón cái và ngón trỏ: “Cao lên tầm này.” Khoảng 2cm.
“Xem ra sống trong núi tốt quá nhỉ, người cao cả lên.” Bác nói: “Nghe bảo cháu ở nhờ nhà dân trong thôn?”
“Vâng, họ tốt với cháu lắm.” Kiều Kinh Ngọc đáp.
“Làm phiền người ta nhiều, cháu cảm ơn người ta đàng hoàng chưa?” Bác hỏi. Bác biết cháu nhà mình rắc rối cỡ nào, thật sự làm khó người ta chăm sóc mấy tháng hè.
Kiều Trân nói: “Giang Bác Thần nhờ bạn đi cùng đưa trưởng thôn một ít tiền rồi, bảo trưởng thôn chuyển cho người ta, xem như phí sinh hoạt trong thời gian ở nhờ.”
“Cũng đúng, làm phiền người ta không công là không hay.” Bà ngoại tán thành cách làm này.
“Mẹ.” Kiều Kinh Ngọc không hay biết chuyện này: “Sao mẹ không nói với con.”
“Mẹ cũng vừa mới biết, hôm qua bố con mới nói mẹ nghe. Thằng nhóc vô lo vô nghĩ nhà con, nói thì con có thể làm gì? Con có nghĩ ra cần cảm ơn người ta hẳn hoi không?” Kiều Trân hỏi.
“Nhưng mà…” Kiều Kinh Ngọc muốn nói lại thôi, nhưng mà như thế chẳng khác nào mua bán, cho tiền làm gì.
Cậu và Lạc Hải là bạn bè mà.
Lạc Hải sẽ nghĩ sao về cậu?
Kiều Kinh Ngọc gãi đầu, nhấc tay để lộ đồng hồ.
Bác tinh mắt trông thấy ngay: “Ơ kìa, ông cụ thiên vị thế, thằng Hoành lại ghen tị mất thôi.”
Bác nhìn con trai đang rót trà cho mọi người, mặt mũi đầy vẻ gây chia rẽ.
“Con bớt ở đây chia rẽ đi.” Bà ngoại cũng nhìn thấy đồng hồ trên cổ tay Kiều Kinh Ngọc: “Thảo nào hôm qua lôi đồ cổ này ra lau, hóa ra là muốn tặng bé Ngọc. Đồng hồ đeo lên cổ tay thằng bé đẹp miễn chê nhỉ, trước đây mẹ luôn cảm thấy nó lộng lẫy quá, dù sao cũng hơi màu mè.”
Kiều Hoành nói: “Da thằng Ngọc trắng, đồng hồ tôn da nó.”
Kiều Hoành không thích những thứ quá tinh xảo, đồng hồ rất hợp với Kiều Kinh Ngọc, hồi anh đỗ đại học ông cũng tặng quà anh rồi.
Cách gia đình giáo dục hai anh em khác nhau, hy vọng gửi gắm cũng không giống, Kiều Hoành chưa bao giờ có suy nghĩ tranh giành gì với em trai.
Cũng vì biết điều này nên bố anh mới không chút kiêng dè trêu hai anh em.
Ở nhà họ lên một cấp học mới là việc lớn, mỗi giai đoạn đều có quà nhập học. Quà của các thành viên khác tặng tuy không quý như của ông nhưng đều rất có lòng.
Quà của bác ở gần chót, bác tặng Kiều Kinh Ngọc một chiếc xe.
Kiều Trân tịch thu chìa khóa xe ngay tại chỗ: “Anh cứ thế là chiều hư con trẻ đấy, tuổi còn nhỏ, vẫn đang là học sinh phải ra dáng học sinh, lái xe đi học hợp lý sao?”
“Đúng vậy, thằng bé còn chưa có bằng nữa.” Bà ngoại nói: “Xe cho Kiều Hoành đi trước.”
Bác nói: “Nó không ham đâu mẹ, suốt ngày chỉ mê cái mô tô đểu của nó thôi.”
“Bố hiểu cái gì?” Kiều Hoành cau có, anh cà khịa: “Tặng xe cho trẻ vị thành niên, bố hay thật.”
Hai bố con mỗi người một câu, nói mãi nói mãi sắp diễn “cha hiền con thảo” đến nơi. May thay có cả nhà khuyên nhủ.
Kiều Trân lén bảo chị dâu: “Hai bố con nói chưa đầy ba câu đã cãi nhau, bình thường chị chịu đựng kiểu gì vậy?”
“Thằng này bình thường toàn ở ký túc xá chứ có về nhà đâu em.” Bác dâu cũng câm nín lắm: “Tùy bố con nó đi, chị cũng kệ rồi, Kiều Hoành chắc là… tuổi nổi loạn hơi dài.”
Qua ngày cuối tuần, Kiều Kinh Ngọc bắt đầu đi học.
Cuộc sống đại học vừa vén màn, Kiều Kinh Ngọc cần thích nghi rất nhiều thứ, cộng thêm đủ loại hoạt động và hội họp đầu năm học khiến cậu bận bù đầu bù cổ.
Vất vả lắm mới đến kỳ nghỉ quốc khánh, Kiều Hoành rủ cậu đi chơi. Kiều Hoành học Đại học A, trường của hai anh em gần nhau, Kiều Hoành thuộc nằm lòng khu vực xung quanh trường nên dẫn cậu hết mua sắm lại ăn uống, đến nỗi cậu không muốn ăn trưa nữa.
Nhưng dạ dày của Kiều Hoành rất to, khăng khăng đòi ăn, còn không thể qua loa tùy tiện, anh nói bữa trưa là bữa chính, bắt buộc phải ngồi xuống ăn đàng hoàng.
Kiều Kinh Ngọc chỉ đành theo anh vào một trung tâm thương mại, nghe nói tầng trên cùng có nhà hàng nổi tiếng trên mạng rất ngon, Kiều Hoành đặt chỗ trước rồi.
Thang máy lên thẳng đông người, hai anh em đi thang cuốn.
Lúc đi qua tầng ba, cửa hàng đối diện đập vào mắt Kiều Kinh Ngọc.
Cậu dừng chân nhìn áo phông ngắn tay màu trắng mặc trên người ma nơ canh trong tủ kính trước cửa, rồi cậu nhớ đến áo Nake của Lạc Hải.
“Làm gì đấy? Sao không đi?” Kiều Hoành ngoái đầu không thấy cậu đi theo bèn quay lại kéo cậu.
Kiều Kinh Ngọc không nhúc nhích.
Kiều Hoành nhìn theo tầm mắt cậu: “Muốn mua quần áo à?”
“Mua quần áo thì em nói chứ.” Kiều Hoành dắt cậu vào cửa hàng: “Em có tiết thể dục nhỉ, có quần áo thể thao chưa? Mua một bộ thể thao đi.”
Kiều Kinh Ngọc gọi nhân viên cửa hàng, chỉ áo phông trên người ma nơ canh: “Tôi lấy cái áo ngắn tay kia.”
“Đây ạ?” Nhân viên cửa hàng nhìn Kiều Kinh Ngọc: “Mẫu này hết cỡ rồi, chắc là không còn cỡ của anh đâu ạ.”
Kiều Hoành nói: “Mấy bữa nữa là phải mặc áo dài tay, em mua cái này làm gì?”
“Em làm áo mặc bên trong.” Kiều Kinh Ngọc chỉ Kiều Hoành: “Không cần cỡ của tôi, có cỡ của anh ấy không?”
Nhân viên nói: “Cỡ của anh đẹp trai đây chắc là có, để tôi xem giúp anh.”
“Em mua rộng thế á?” Kiều Hoành không hiểu.
“Vâng.” Kiều Kinh Ngọc gật đầu: “Sang năm em mặc, sang năm là cao.”
Kiều Hoành nói: “Một năm em có thể cao 20cm? Nằm mơ đi.”
Kiều Kinh Ngọc không buồn để ý anh, nhân viên cửa hàng đã tìm được một cỡ mang ra cho Kiều Hoành thử.
Vừa nãy Kiều Kinh Ngọc nói lấy cỡ của Kiều Hoành, nhân viên cửa hàng tưởng Kiều Hoành muốn mua áo.
Kiều Kinh Ngọc nói: “Không cần thử đâu.”
Cậu áng chừng bằng mắt, có lẽ vừa rồi, dù sao mẫu áo phông ngắn tay này chỉ cần không quá rộng hoặc quá nhỏ thì sao cũng được.