Ngắm Hoa Nở Trong Sương

Chương 4



Trong năm nội dung thi, thế mạnh của Ngải Mễ là đọc, dịch và nghe nói.

Đọc là thế mạnh do từ lâu các bài đọc trong tiếng Anh đã có kiểu thi trắc nghiệm. Ngải Mễ rất biết ơn người đã phát minh ra kiểu thi trắc nghiệm này, chắc chắc là phát minh cho những người làm gì cũng hậu đậu, vô tâm như cô. Bạn thử nghĩ mà xem, mấy đáp án đều đã đưa ra hết rồi, chỉ cần khoanh tròn là xong, còn việc nào dễ hơn việc khoanh tròn? Đến AQ cũng biết khoanh. Nếu bắt Ngải Mễ viết ra ý chính của bài thì rất có thể cô sẽ lạc đề, có khi lại viết sai mấy chữ cũng chưa biết chừng, nhưng nếu bắt cô lựa chọn một đáp án đã được người khác viết thì kể cả không hiểu, cô vẫn làm được tám mươi, chín mươi phần trăm.

Khi còn đi học, bạn bè cùng phòng đều ngưỡ mộ số cô may mắn, vì có một số đề, bốn câu chọn một, mọi người đều chẳng biết câu nào, toàn đoán mò, trong khi Ngải Mễ toàn mò đúng, còn người khác lại mò sai. Vương Hân, bạn cùng phòng với Ngải Mễ, thường nói cô có “số ăn cứt chó”, ở quê Vương Hân thường dùng cụm từ này để nói về người có số may mắn đến mức khó tin.

Dịch là thế mạnh của cô, có thể là vì bố mẹ cô, một người chuyên về tiếng Anh, một người chuyên về tiếng Trung. Ngay từ khi Ngải Mễ còn rất nhỏ, mẹ cô đã “tắm” tiếng Anh cho cô. Không những đặt cho cô một cái tên không ra Tây cũng chẳng ra Tàu, mà còn cố gắng nói tiếng Anh với cô, trong nhà chỗ nào cũng dán rất nhiều từ vựng tiếng Anh, dán vào bàn là “table”, dán vào cửa sổ là “window”, dán vào trước cửa ra vào từ “come”, mặt sau của cửa thì dán từ “go”…

Hồi nhỏ Ngải Mễ cũng rất thích phương pháp học dán giấy kiểu này, thường viết chữ “Dad” nghiêng ngả rồi dán lên lưng bố, khiến có hôm bố cô lên lớp mà còn mang theo chữ “Dad” sau lưng giảng bài thao thao bất tuyệt, bị sinh viên phát hiện ra rồi cả lớp cười nghiêng ngả. Có một lần, Ngải Mễ hớt hải chạy đi mách mẹ rằng “Dad” bị ngã từ trên nhà xuống đất, khiến mẹ cô được một phen suýt ngất, cuối cùng mới phát hiện ra là mẩu giấy ghi chữ “Dad” bị bay từ trên ban công nhà xuống đất rồi.

Còn bố Ngải Mễ thì rất tích cực “tắm” tiếng Trung cho cô, ngày ngày ông đều bắt cô học thuộc văn thơ cổ, luyện thư pháp, rồi còn phải viết nhật ký nữa, hơn nữa ngày nào cũng kiểm tra xem Ngải Mễ viết gì trong nhật ký, thế có còn gọi là nhật ký nữa không? Gọi là xã luận có khi còn phù hợp hơn. Và thế là ngay từ nhỏ Ngải Mễ đã phải viết hai cuốn nhật ký, một cuốn là “nhật ký cách mạng” để bố kiểm tra, cuốn “nhật ký phản cách mạng” kia mới được gọi là nơi thổ lộ tâm tình. May mà mẹ cô không bắt cô viết nhật ký bằng tiếng Anh, nếu không mỗi ngày cô sẽ phải viết bốn cuốn nhật ký.

Tình huống hay gặp nhất là, trong “nhật ký cách mạng”, cô nắn nót viết: “Tớ yêu bố tớ, yêu cả mẹ tớ…” Nếu viết trôi chảy quá thì ngày mai bố lại yêu cầu cao hơn.

Còn trong “nhật ký phản cách mạng” thì cô rầu rĩ than: “Thế gian này có cô bé nào đau khổ hơn mình không? Nỗi dày vò mà mình phải chịu đựng không những đến từ hai người, mà còn là Bilingual (hai ngôn ngữ)! Đến Anne Frank[1] cũng chỉ phải viết một cuốn nhật ký, còn mình thì phải viết những hai cuốn. Đen tối quá! Bi thảm quá! Thế này thì còn gì là người nữa!”

[1] Anne Frank là một cô bé người Đức gốc Do Thái, trở nên nổi tiếng vì cuốn nhật ký của cô đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian chạy trốn ở Hà Lan – mảnh đất bị Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai dưới ách thống trị của Đức Quốc Xã.

Tuy nhiên nỗi dày vò hai ngôn ngữ đã khiến sau này cô có kinh nghiệm hơn những thanh niên khác trong vấn đề dịch thuật, cô không còn hận bố mẹ mình nữa, bộ “nhật ký cách mạng” và “phản cách mạng” kia cũng không biết thất lạc đi đâu.

Kỹ năng nghe nói của cô cũng không tồi, là do Allan đã từng làm gia sư tiếng Anh cho cô một thời gian.

Còn kỹ năng viết thì phải xem gu của người chấm bài thế nào, người thích kiểu viết của cô sẽ nói văn phong khoáng đạt, người không thích sẽ bảo văn phong rườm rà, thế nên cô không dám chắc về môn viết.

Văn học cũng vậy, nếu là những vấn đề rộng và nông thì rơi đúng vào sở trường của cô, trên trời dưới đất, cổ kim đông tây, cô đều biết một số, toàn là những kiến thức sơ đẳng. Nếu bạn hỏi những vấn đề sâu thì cô cũng có thể phán được vài câu, đưa ra những lời đánh giá có vẻ như rất sâu sắc. Tuy nhiên nếu người nào chấm thi kĩ sẽ phát hiện ra đó không phải là câu trả lời sâu sắc mà chỉ cố làm ra vẻ uyên bác mà thôi. Người chấm thi không kĩ thì sẽ chẳng hiểu gì và chắc chắn sẽ không cho điểm cao.

Tập trung ôn thi cật lực một tuần rồi lại cật lực trải qua năm bài thi, sau đó lại chờ đợi mấy ngày trong sự hồi hộp, cuối cùng đã có kết quả: Bốn giảng viên của khoa đã qua được vòng sơ tuyển, cả bốn người này phải đến gặp giáo sư Harrod đến từ Học viện Harvard Yenching hiện đang ở thành phố N để tham gia vòng thi phỏng vấn. Vật lộn bao nhiêu thời gian như vậy cũng mới chỉ là bước được bước đầu tiên trong cuộc trường chinh ngàn dặm. Sao hồi đầu nghe cứ như là chỉ cần thi qua vòng của khoa là giành được học bổng của Harvard Yenching vậy?

Tiếp sau đó khoa lại thông báo rằng, trong lúc chờ đợi kết quả vòng thi phỏng vấn, đề nghị mọi người tranh thủ thời gian thi GRE và TOEFL đi. Mấy ứng cử viên đều suýt ngất, loanh quanh một hồi vẫn phải thi GRE, TOEFL ư? Thế thì khác gì tự mình thi lấy học bổng? Hai trong số bốn ứng cử viên liền tuyên bố thẳng thừng: “Em xin rút thôi, mọi người làm cái trò gì vậy, định đùa cợt nhau à? Nếu nói ngay từ trước là phải thi GRE, TOEFL thì còn mất công thi mấy cái đó làm gì nữa?”

Ngải Mễ nghĩ, đã bị đùa cợt đến nước này rồi, rút lui cũng bị đùa cợt, không rút lui cũng vẫn bị đùa cợt, nếu không thi thì người ta lại tưởng mình không dám thi. Thế nên cô vẫn vui vẻ đăng ký và thi cả GRE lẫn TOEFL trước thời gian quy định. Tiếp theo đó là nhờ người viết giấy giới thiệu, lo bảng điểm…, xong xuôi thì nộp hết cho khoa và gửi sang Học viện Harvard Yenching.

Sang năm mới, gần như ngày nào trường cũng được nghe thông tin ai đó nhận được thư từ chối, hóa ra một suất đi học ở Harvard Yenching đó không phải dành riêng cho khoa tiếng Anh, mà là cho rất nhiều khoa của trường, thảo nào khoa lại tổ chức thi minh bạch như thế, hóa ra là vì cơ hội rất mong manh, cộng với việc nhiều khoa như vậy, dĩ nhiên là phải minh bạch rồi.

Khi chín mươi lăm phần trăm số người đã nhận được thư từ chối thì Ngải Mễ vẫn chưa nhận được gì, không những người khác cho rằng cô có hy vọng mà đến bản thân cô cũng bắt đầu tin rằng mình có hy vọng. Đột nhiên một hôm, một ứng cử viên cùng khoa là Lưu Phương rầu rĩ than thở với cô rằng: “Chán quá, tớ không được gọi vì trường M yêu cầu phải có điểm GRE chuyên ngành mà tớ lại không có.”

Ngải Mễ liền thắc mắc: “Sao cậu lại biết trường Đại học M cần điểm GRE chuyên ngành? Mà tự nhiên cậu lại lôi trường M ra làm gì, tớ tưởng là Havard Yenching chứ?”

Lưu Phương đáp: “Havard Yenching chỉ là nơi chi tiền, vẫn phải có trường chịu nhận cậu mới xin được tiền của họ chứ.”

Ngải Mễ sững sờ, có chuyện đó ư? Tại sao không có người nào nói với cô sớm chứ? Nhưng Lưu Phương nói khoa có phát quyển sổ thông báo ghi rõ điều đó. Cô chạy về nhà lục tung đồ đạc lên tìm quyển sổ thông báo đó, quả nhiên không sai, bên trên ghi rõ là một chương trình học bổng của Học viện Harvard Yenching có tên Doctoral scholars program (Học bổng tiến sĩ) kéo dài ba năm rưỡi cho các tiến sĩ được trường đại học ở Mỹ gọi nhập học. Đến giờ cô mới hiểu ra vấn đề, hóa ra mãi mình không nhận được thư từ chối là vì bản thân mình có theo đuổi gì đâu?

Sau khi biết chuyện này, bố cô bực không nói được lời nào. “Cái thói hậu đậu, vô tâm sớm muộn gì cũng làm cuộc đời mày hỏng thôi con ạ.” Nghe cứ như là hiện tại chưa hỏng vậy.

Mẹ chỉ vào bố, nói: “Nó không giống ông thì còn giống ai? Ông cũng có kém phần đâu, hồi còn yêu tôi, mười lần thì đến chín lần nhớ sai địa điểm…” Sau đó bố mẹ lại đi đấu văn đấu võ với nhau.

Nói thực là Ngải Mễ cũng không buồn lắm, cả trường có nhiều khoa như vậy mà chỉ có một suất học bổng, kể cả được trường đại học của Mỹ tiếp nhận thì cũng chưa chắc xin được suất này, thôi thì cứ như mình còn hơn, chẳng đăng ký trường nào, nói gì đến chuyện được gọi. Việc này giống như đem lòng yêu một người nhưng không theo đuổi anh ta, dĩ nhiên là không có được tình yêu của người ta, nhưng đồng thời cũng không phải chịu rủi ro bị từ chối, có thể nói một cách tự phụ rằng, anh đừng có mà đắc ý, tôi có theo đuổi anh đâu mà anh nói đến chuyện đồng ý hay từ chối.

Không theo đuổi nên cũng chẳng có gì phải sợ, không theo đuổi nên cũng không lo bị từ chối.

Những người chơi thân với Ngải Mễ đều khuyên cô nên tự xin học bổng, nói em đã thi GRE, TOEFL rồi, sao không thử tự xin học bổng xem thế nào? Ngải Mễ nghĩ cũng hay, nên bắt đầu lo thủ tục.

Trong các vấn đề khác, Ngải Mễ tiêu tiền không tính toán nhưng trong những chuyện liên quan đến học hành thì cô lại rất chắt chiu, chắt chiu đến mức hà tiện. Lúc đăng ký, cô tiếc tiền nên không nộp hồ sơ cho quá nhiều trường mà chỉ chọn năm trường, ba trường của Mỹ, hai trường của Canada.

Có thể đúng là có “số ăn cứt chó” thật, hạt giống được gieo xạ lại nảy mầm, đơm hoa. Ngải Mễ nhận được giấy gọi của ba trường, một trường cho học bổng toàn phần, một trường miễn học phí, trường còn lại cũng là trường cô khá thích thì không cho gì cả.

Xem ra việc du học chẳng khác gì tìm người yêu, anh chàng mà bạn thích lại không thích bạn, anh chàng thích bạn thì bạn lại không ưng ý. Con người đi tìm sự thống nhất, sự hoàn mỹ trong các mối quan hệ mâu thuẫn này, cuối cùng hầu hết là “bất đắc dĩ mà tìm cái tàm tạm”.

Dựa trên phương châm học hành tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, Ngải Mễ quyết định sang học tại trường Đại học C vì trường này cho cô học bổng toàn phần. Cô đã tìm ra thành phố nhỏ đó trên bản đồ, lấy bút đỏ khoanh tròn và nghĩ bụng, thôi cứ liều một phen, sống ở thành phố to bằng bàn tay này vài năm cho biết mùi Tây rồi cố gắng kiếm cái bằng về nước. Cô đã nghiên cứu chương trình tiến sĩ của khoa tiếng Anh trường Đại học C và dự đoán rằng nếu tập trung học thì mất khoảng năm năm sẽ lấy được bằng tiến sĩ.

Ngải Mễ nghĩ, năm năm thì năm năm, lúc đó mình đã hai mươi tám tuổi, có thể tự tin tìm Allan và nói rằng: “Em đã trưởng thành, đã đủ chín chắn rồi, biết tình yêu là gì rồi, chúng mình hãy bắt đầu lại từ đầu nhé!”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.