Nếu Em Không Phải Một Giấc Mơ (Và Nếu Như Chuyện Này Là Có Thật)

Chương 12



Thanh tra Pilguez có mặt ở bệnh viện vào lúc mười một một giờ. Bà trưởng ca trực đã gọi điện cho sở cảnh sát ngay khi nhận giao ca hồi sáu giờ sáng. Một bệnh nhân bị hôn mê đã biến mất khỏi bệnh viện, đây là một vụ bắt cóc. Pilguez tìm thấy thông báo trên bàn làm việc của ông khi đến sở, ông nhún vai tự hỏi tại sao những vụ việc kiểu này bao giờ cũng rơi vào đầu mình. Ông nổi đoá lên gắt gỏng với Nathalia, người điều phối những cú điện thoại ở trung tâm.

– Này cô, tôi đã làm gì cô mà cô lại cho tôi những việc như vậy vào một buổi sáng thứ hai ?

– Lẽ ra anh còn có thể gặp những cái hết hơi hơn nữa vào đầu tuần cơ- cô trả lời với nụ cười tươi tắn, vẻ biết lỗi.

– Câu trả lời hay nhỉ, tôi hy vọng là cô thích cái ghế quay của cô, vì tôi cảm thấy là cô còn phải dính vào đó lâu !

– Anh quả là một pho tượng mô tả sự nhã nhặn, George !

– Đúng, chính thế, và chính vì vậy mà tôi có quyền chọn những com chim sẻ ị lên đầu tôi !

Và ông quay gót. Một tuần lễ xấu bắt đầu, tiếp nối một tuần lễ xấu khác vừa kết thúc hai ngày trước đó.

Đối với Pilguez một tuần lễ tốt gồm những ngày mà người ta chỉ gọi cảnh sát đến để giải quyết những chuyện va chạm hàng xóm láng giềng hay vi phạm Luật dân sự. Sự tồn tại của phòng hình sự là một điều vô nghĩa, bởi vì điều đó có nghĩa là trong thành phố này có khá nhiều thằng điên để giết người, hiếp dâm, trộm cướp và bây giờ thì bắt cóc những người đang hôn mê ở trong bệnh viện. Đôi khi, ông tưởng rằng sau ba mươi năm trong nghề ông đã thấy đủ mọi thứ, nhưng mỗi một tuần lại đẩy lùi thêm giới hạn của sự điên rồ của con người.

– Nathalia !- từ bàn làm việc của mình, ông kêu lên.

– Gì vậy George ? – cô phụ trách điều phối trả lời- Anh vừa có một kỳ nghỉ cuối tuần tệ lắm hay sao ?

– Cô có thể chạy xuống dưới kia kiếm cho tôi mấy cái bánh rán được không ?

Mắt dán vào quyển sổ biên bản. miệng gặm cây bút, cô lắc đầu từ chối. “Nathalia!” ông lại kêu lên. Cô đang ghi lại mã số của những báo cáo hồi đêm vào trong cột dành cho mục này. Vì những ô kẻ quá hẹp, vị thủ trưởng của ” Quân khu bảy”, cấp trên của cô, như cô thường gọi ông một cách mỉa mai, có tính ương gàn, cho nên cô nắn nót viết những chữ nhỏ tí xíu để khỏi vượt ra ngoài cột. Không buồn ngẩng đầu lên, cô trả lời ông: ” Vâng, Goerge, cứ thông báo là anh sẽ về hưu tối nay đi”. Ông nhảy phắt dậy và ra đứng trước mặt cô.

– Thế này thì tệ thật !

– Anh có muốn mua một cái gì đó để trút hết bực dọc vào không ?

– Không, tôi sẽ trút hết lên đầu cô thì có, cô ăn năm mươi phần trăm tiền lương để làm việc này.

– Tôi sẽ tương những cái bánh rán của anh lên mặt anh cho mà xem, biết chưa hả vịt ?

– Chúng ta là gà (tiếng lóng gọi cảnh sát) chứ có phải là vịt đâu !

– Anh thì khác, anh là một con vịt xấu xí thậm chí đếch biết bay, anh bước lạch bạch như vịt ấy. Thôi anh đi làm việc đi và để cho tôi yên.

– Cô đẹp lắm Nathalia ạ.

– Thì đúng vậy, anh cũng vừa đẹp vừa vui tính.

– Nào, mặc cái áo ghilê của bà nội cô vào đi, tôi đưa cô xuống dưới kia uống cà phê.

– Thế còn điều phối, ai làm cho ?

– Đợi đấy, đừng nhúc nhích, tôi sẽ cho cô thấy.

Ông quay lưng bước vội về phía anh chàng thực tập trẻ tuổi đang ngồi xếp hồ sơ ở một góc phòng. Ông cầm tay anh ta và kéo anh ta đi qua gian phòng rộng đến chiếc bàn ở cạnh cửa ra vào.

– Này, cậu bạn, cậu sẽ ngồi bắt rễ vào cái ghế xoay có tay vịn này, hai tay vịn bọc vải hẳn hoi nhé, vì cô đây được thăng chức mà lại. Cậu có quyền được quay người trên đó, nhưng không được quay quá hai vòng theo cùng một hướng, cậu nhấc máy điện thoại khi nghe thấy nó kêu, cậu nói : “Xin chào, đây là Sở cảnh sát, phòng hình sự, tôi nghe đây”, câu nghe, cậu ghi lại tất cả vào giấy, và cậu không đi tè trước khi chúng tôi trở lại. Và nếu có ai hỏi Nathali ở đâu, cậu nói là cô ấy bất thình lình có những vấn để của đàn bà con gái nên cô ấy đang chạy ra hiệu thuốc. Cậu thấy liệu có đủ sức làm việc đó không ?

– Để không phải đi uống cà phê cùng ông, đến việc lau chùi toalét tôi cũng làm được, thưa ông thanh tra !

George không đáp lại, ông quay sang Nathalia và kéo cô ra cầu thang.

– Cái áo ghi lê này chắc hợp với bà nội cô lắm nhỉ ! – ông vừa nói với cô vừa mỉm cười.

– Khi nào người ta tống anh về hưu, công việc này sẽ làm tôi ngấy đến tận cổ, George ạ !

– Ở góc phố, một biển hiệu với dòng chữ bằng đèn nê-ông đỏ, kiểu những năm năm mươi, đang nhấp nháy. Những chữ cái rực sáng “The Finzy Bar” toả một quầng ánh sáng nhợt nhạt xuống tủ kính của quán rượu lâu đời này. Quán Finzy đã có một thời vẻ vang. Từ cái nơi cũ rích này chỉ còn lại những trang trí trên các bức tường và trên trần nhà ố vàng, ở những bậu cửa sổ bằng gỗ đã phai màu vì thời gian, ở những thanh gỗ lát sàn cũ mòn vì hàng nghìn bước chân say rượu và những gót giày nện của những cuộ gặp gỡ tối nào. Từ vỉa hàng đối diện nhìn sang, nơi này trông giống như một bức tranh của Hooper. Họ băng qua đường, ngồi vào cái quầy gỗ cũ và gọi hai cốc cà phê loãng.

– Anh vừa có một ngày chủ nhật tệ thế cơ à, gấu to của tôi ?

– Kỳ nghỉ cuối tuần tôi buồn chán lắm cô bé ạ, giá như cô biết được ! Tôi cứ loanh quoanh luẩn quẩn một chỗ.

– Ấy là chủ nhật tôi không thể cùng đi ăn với anh được, phải không ?

Ông gật đầu công nhận.

– Sao anh không đi thăm viện bảo tàng, đi ra ngoài một chút chứ.

– Nếu tôi đi thăm viện bảo tàng, chỉ trong hai giây tôi sẽ phát hiện ra ngay mấy cái thằng móc túi, và tôi lại có mặt ở sở ngay lập tức.

– Đi xem phim vậy.

– Trong bóng tối tôi sẽ ngủ gật thôi.

– Thế thì đi dạo.

– Ừ, ý hay đấy, tôi sẽ đi dạo, như vậy tôi sẽ không có vẻ là một thằng ngốc lang thang trên hè phố. Anh làm gì vậy? Chả làm gì hết, tôi dạo chơi ! Thế mà cô gọi là kỳ nghỉ cuối tuần à ? Mọi việc trôi chảy với anh chàng bồ mới của cô chứ ?

– Không có gì đặc sắc cả, nhưng cũng có việc mà làm.

– Cô có biết cái gì là nhược điểm của đàn ông không ?

– Không, những gì vậy?

– Với một cô gái như cô, bọn đàn ông lẽ ra phải không biết thế nào là buồn chán; giá tôi trẻ đi mười lăm tuổi, tôi sẽ ghi tên vào danh sách bạn nhảy của cô !

– Nhưng anh trẻ hơn mười lăm tuổi so với cái mà anh tưởng đấy, George !

– Tôi có thể coi đó là một lời tán tỉnh được không ?

– Anh cứ coi là một lời khen, thế đã không phải là xoàng rồi. Thôi, tôi đi làm việc đây và anh thì đi đến bệnh viện đi, họ có vẻ hốt hoảng đấy.

George gặp nữ y tá trưởng Jarkowiski. Bà chăm chú nhìn người đàn ông râu không cạo kỹ, người tròn trịa nhưng lịch lãm.

– Thật là khủng khiếp,- bà nói- chưa bao giờ từng xảy ra một việc như vậy cả.

Vẫn bằng giọng như vậy, bà nói thêm là chủ tịch hội đồng đang hết sức xúc động, và muốn gặp ông chiều nay. Ông ấy cần phải trình bày vấn đề với các cấp quản lý vào buổi tối. ” Ông sẽ tìm được cô ấy cho chúng tôi chứ, ông thanh tra ?”

– Nếu bà bắt đầu bằng việc kể cho tôi nghe tất cả từ đầu thì có thể được.

Jarkowski kể rằng vụ bắt cóc chắc chắn là xảy ra vào lúc giao ca. Còn chưa liên hệ được với cô y tá trực buổi tối, nhưng cô trực ca đêm thì khẳng định rằng giường bệnh đã trống khi cô đi một vòng kiểm tra vào lúc quãng 2 giờ. Cô tưởng rằng bệnh nhân đã chết và giường thì chưa được dành cho bệnh nhân khác, theo tục lệ là phải để trống giường hai mươi tư giờ sau khi một bệnh nhân qua đời. Chính là trong khi đi kiểm tra vòng đầu tiên mà Jarkowski nhận ra ngay lập tức tai hoạ và lên tiếng báo động.

– Có thể cô ấy tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê và cô ấy đã chán ngấy cái khách sạn này, cô ấy bèn đi dạo chơi, điều đó cũng chính đáng thôi nếu như cô ấy đã phải nằm lâu quá rồi.

– Tôi rất thích sự khôi hài của ông, ông nên để cho bà mẹ cô ấy cùng hưởng với, bà ấy đang trong phòng làm việc của một người lãnh đạo khoa chúng tôi, vài phút nữa bà ấy sẽ đến đây thôi.

– Vâng, tất nhiên rồi – Pilguez vừa nói vừa nhìn xuống đôi giày của mình.- Nếu đó là một vụ bắt cóc thì nhằm lợi ích gì ?

– Biết chuyện đó thì được gì cơ chứ ?- y tá trưởng trả lời bằng một giọng bực bội, như thể là họ đang làm mất thời gian.

– Bà biết đấy,- ông vừa nói vừa tiếp tục nhìn xuống- dù điều đó kỳ lạ đến thế nào chăng nữa, thì chín mươi chín phần trăm các vụ phạm tội là có động cơ. Điều đó có nghĩa là, về nguyên tắc,người ta không đến xoáy một bệnh nhân đang hôn mê một tối chủ nhật mà cốt chỉ để đùa cho vui thôi. À mà bà có chắc là cô ấy không được chuyển sang một khoa khác không ?

– Tôi biết chắc, có những phiếu chuyển viện thường trực, cô ấy được chở đi bằng xe cứu thương.

– Công ty nào vậy ?- ông vừa hỏi vừa rút bút chì ra.

– Chẳng phải công ty nào cả.

Sáng nay khi bà đến, bà hoàn toàn không nghĩ tới chuyện có vụ bắt cóc. Được báo là phòng 505 đã trống, bà liền đi ra thường trực ngay, “tôi cho là không thề chấp nhận được việc người ta chuyển viện mà không báo cho tôi biết, nhưng ông biết đấy, thời buổi bây giờ thì sự tôn trọng cấp trên còn có được coi ra gì nữa đâu”. Cô thường trực trao cho bà các giấy tờ, và bà “thấy ngay lập tức” là có cái gì đó không ổn. Thiếu mất một loại giấy, và tờ xanh chưa điền hết. “Tôi tự hỏi là làm sao mà cái con ngu ấy lại để cho bị lợi dụng…” Pilguez muốn biết “con ngu” là ai.

Cô ta tên là Emmanuelle và trực hôm qua ở cửa ra vào. ” Chính cô ta đã để xảy ra chuỵên đó”

George đã phát ngấy những lời lẽ của y tá trưởng, và do bà ta vắng mặt khi xảy ra sự việc, ông ghi lại địa chỉ của toàn bộ nhân viên trực hôm đó rồi chào bà ta.

Từ trong ôtô của mình, ông gọi điện thoại cho Nathalia và yêu cầu cô mời tất cả những người này ghé qua sở cảnh sát trước khi đi làm việc.

Đến cuối ngày, ông đã nghe tất cả mọi người và được biết rằng, đêm chủ nhật sang ngày thứ hai, một bác sĩ giả mặc áo blu đánh cắp của một bác sĩ thật, ông này hơn thế nữa lại rất khó tính, bác sĩ giả đã xuất hiện cùng một nhân viên tải thương, đem theo những giấy tờ chuyển viện giả. Hai tên này đã mang đi không chút khó khăn cơ thể của cô Lauren Kline, một bệnh nhân bị hôn mê kéo dài. Những lời khai muộn màng của một sinh viên ngoại trú đã làm ông phải sửa lại những báo cáo của mình : bác sĩ giả này có thể là một bác sĩ thật, anh ta đã bị anh sinh viên nói trên gọi đến giúp, và đã giúp rất hiệu quả. Theo lời của cô y tá có tham dự vào cái cảnh không lường trước này, thì việc người ấy đặt đường truyền ở tĩnh mạch trung tâm một cách rất chính xác khiến cho cô nghĩ rằng anh ta phải là bác sĩ phẫu thuật hay chí ít cũng phải làm việc trong một khoa cấp cứu. Pilguez hỏi rằng một y tá bình thường có thể làm việc này được không, câu trả lời mà ông nghe thấy là y tá có được đào tạo để làm việc này, nhưng dù sao đi nữa thì cách lựa chọn giải pháp, những chỉ dẫn cho anh sinh viên và những động tác điêu luyện cho thấy người này thuộc về giới bác sĩ thì đúng hơn.

– Thế anh đã tìm được cái gì về vụ này rồi ? – Nathalia hỏi khi đang chuẩn bị ra về.

– Có cái gì đó không bình thường. Một bác sĩ đi đánh cắp một phụ nữ hôn mê trong bệnh viện. Một công việc chuyên nghiệp, xe cứu thương vờ, giấy tờ hành chính giả mạo.

– Anh nghĩ đến cái gì ?

– Có thể là vụ buôn bán các bộ phận cơ thể người. Bọn chúng ăn cắp cơ thể, chuyển vào một phòng thí nghiệm bí mật, mổ xẻ, lấy ra những bộ phận mà chúng cần, gan ,thận, tim, phổi, và tất cả sẽ được đem bán lại với giá đắt cho những bệnh viện ít thận trọng, nhưng cần tiền.

Ông yêu cầu cô tìm cách kiếm cho ông danh sách tất cả các bệnh viện tư có một phòng phẫu thuật xứng đáng với cái tên này và có những khó khăn tài chính.

– Hai mươi mốt giờ rồi, ông bạn quý ơi, tôi muốn đi về, chuyện đó để đến mai cũng được, những bệnh viện của anh họ không nộp báo cáo tổng kết ban đêm chứ ?

– Cô có thấy là cô hay thay đổi ý kiến đến thế nào không, sáng nay cô vừa ghi tên tôi vào danh sách bạn nhảy của cô và đến giờ thì cô lại từ chối ở lại cùng tôi một buổi tối tuyệt vời. Tôi cần cô, Nathalia, giúp tôi một tay nào, cô vui lòng chứ ?

– Anh là một người mưu mô, George ạ, sáng nay anh có nói bằng cái giọng như thế này đâu.

– Ừ, nhưng bây giờ là tối cơ mà, cô giúp tôi chứ ? Cởi cái áo ghilê của bà nội cô ra thôi và lại đây giúp tôi.

– Anh thấy đấy, yêu cầu một cách dễ thương như vậy thì thật khó mà từ chối. Chúc anh một buổi tối tốt lành nhé.

– Nathalia !

– Vâng, George !

– Cô tuyệt lắm !

– George, tim tôi không phải dành để được chinh phục đâu.

– Tôi có định nhằm cao đến thế đâu, cô bạn thân mến ạ !

– Câu đó anh tự nghĩ ra đấy à ?

– Không !

– Tôi cũng đã nghĩ là như vậy.

– Thôi, cô đi về nhà đi, tôi sẽ tự xoay xở.

Nathalia tiến về phía cửa, quay người lại :

– Anh có chắc là mọi việc sẽ ổn không ?

– Có chứ, đi về mà chăm sóc con mèo của cô đi !

– Tôi dụ ứng với mèo.

– Thế thì ở lại giúp tôi.

– Chúc anh một đêm tốt lành. George.

Cô chạy nhanh xuống cầu thang, bàn tay lướt trên lan can.

Đội trực đêm đóng ở tầng dưới cùng. Còn lại một mình trên gác, Pilguez bật màn hình máy vi tính và nối vào bộ phận lưu trữ dữ liệu trung tâm. Ông gõ từ “bệnh viện tư” lên bàn phím và châm một điếu thuốc lá trong khi đợi máy chủ thực hiện việc tìm kiếm. Vài phút sau máy in bắt đầu nhả ra chừng sáu mươi trang giấy in. Người đàn ông dáng dấp thô kệch bèn đi gom lại xấp giấy rồi đem về bàn làm việc của mình. “A, chỉ cần có thế thôi 1 Và để xác định những bệnh viện có thể đang gặp khó khăn, chỉ cần phải liên hệ với khoảng một trăm nhà băng trong vùng để hỏi xem danh sách những cơ sở tư nhân đã xin vay tiền trong vòng mười tháng qua.” Ông nói to thành tiếng, và ở lối ra vào dưới ánh đèn mờ ảo, ông nghe thấy tiếng Nathalia hỏi :

– Tại sao lại mười tháng vừa qua ?

– Tại vì bản năng cảnh sát là như thế. Tại sao cô quay lại ?

– Tại vì bản năng phụ nữ là như thế.

– Cô thật tốt bụng.

– Tất cả phụ thuộc vào việc sau đó anh sẽ đưa tôi đi ăn tối ở đâu. Anh nghĩ là anh đã có một hướng rồi à ?

Ông cảm thấy hướng hiện tại có vẻ quá đơn giản. Ông muốn Nathalia gọi điện cho phòng điều phối xe tuần tra của thành phố và hỏi xem trong hồ sơ của họ có lưu trữ dấu vết gì từ một báo cáo đêm chủ nhật về một chiếc xe cứu thương không. ” Bao giờ cũng có thể gặp may được”, ông nói. Nathalia nhấc máy điện thoại. Ở đầu bên kia dây nói viên cảnh sát trực thử tìm trên máy vi tính, nhưng không thấy một báo cáo nào cả. Nathalia yêu cầu anh ta mở rộng phạm vi tìm kiếm ra cả vùng, nhưng màn hình máy vi tính vẫn im bặt như cũ. Viên cảnh sát trực lấy làm áy náy, nhưng không có một chiếc xe cứu thương nào là đối tượng của một vụ vi phạm pháp luật hay bị kiểm tra vào đêm chủ nhật sang ngày thứ hai cả. Cô yêu cầu anh ta báo cho biết mọi thông tin mới liên quan đến chuyện này rồi dập máy.

– Tôi rất tiếc, họ chẳng có gì cả.

– Thế thì tôi sẽ đưa cô đi ăn tối, vì các nhà băng sẽ chẳng cho ta biết gì tối nay đâu

Họ đên quán Perry và ngồi vào gian phòng có cửa mở ra ngoài phối.

George nghe Nathalia một cách lơ đãng, thả cái nhìn bồng bềnh xuyên ra ngoài cửa kính.

– Chúng ta quen nhau bao lâu rồi nhỉ,George nhỉ ?

– Đó là loại câu hỏi không bao giờ nên đặt ra,cô bé ạ.

– Tại sao vậy ?

– Khi người ta yêu, người ta không tính.

– Bao lâu rồi?

– Đủ để cho cô dung thứ được tôi,chưa đủ để cho cô không chịu nổi tôi!

– Không còn lâu hơn thế nhiều!

– Chuyện các bệnh viện tư có vẻ như không ăn nhập mấy.Tôi vấp phải vấn đề động cơ,có lợi ích gì ở đây?

– Anh đã gặp bà mẹ chưa?

– Chưa, sáng mai mơi gặp.

– Có thể đó là bà ta,bà ta đã chán ngấy đi đến bệnh viện.

– Đừng có nói ngớ ngẩn thế, không thể là người mẹ được, như vậy quá mạo hiểm.

– Tôi muốn nói là có thể bà ấy muốn chấm dứt cho xong. Ngày nào cũng phải đến nhìn con mình trong tình trạng này. Đôi khi người ta phải muốn thôi điều đó đi còn hơn chấp nhận ý nghĩ về cái chết.

– Thế cô có thấy người mẹ nào dựng lên một cú như vậy để giết con gái mình không ?

– Không, anh có lý, như vậy thì quá điên rồ.

– Không có động cơ thì ta không thể tìm ra được.

– Vẫn còn hướng các bệnh viện tư của anh đấy.

– Tôi nghĩ đó là ngõ cụt, tôi không cảm thấy gì ở đây cả.

– Tại sao anh nói thế ? Lúc trước anh muốn tôi ở lại làm việc cùng anh tối nay cơ mà !

– Tôi muốn cô ăn tối với tôi hôm nay đấy chứ ! Tại vì việc này quá rõ ràng. Bọn chúng sẽ không thể tiếp tục được, tất cả các bệnh viện trong vùng sẽ rất cảnh giác, và tôi không nghĩ giá của một cơ thể duy nhất đáng để phải liều, bao nhiêu tiền một quả thận nhỉ ?

– Hai thận, một gan, một lá lách, một tim ,tất cả có thể được chừng một trăm năm mươi nghìn đôla.

– Thế thì đắt hơn ở hàng thịt đấy chứ !

– Anh thật là kinh tởm

– Cô thấy không, điều đó cũng không hợp lý, đối với một bệnh viện đang gặp khó khăn thì một trăm năm mươi nghìn đôla chẳng thay đổi được gì hết. Đây không phải là chuyện tiền bạc.

– Có thể đó là chuyện cần dùng.

Cô trình bày ý của mình : một người có thể sống hay chết tuỳ thuộc vào việc có tìm được một bộ phận cơ thể phù hợp hay không. Có người chết do không thể kiếm được kịp thời một quả thận hay một lá gan mà họ cần. Một người có đủ năng lực tài chính có thể trả tiền thuê bắt cóc một bệnh nhân hôn mê vô vọng để cứu con họ hay cứu chính họ. Pilguez cho rằng hướng này phức tạp nhưng có cơ sở. Nathalia không thấy thuyết của cô phức tạp ở chỗ nào. Nó phức tạp với Pilguez. Một hướng như vậy sẽ mở rộng đáng kể danh sách những kẻ bị tình nghi, họ sẽ không nhất thiết đi tìm một kẻ tội phạm nữa. Để sống được hay để cứu sống con mình, nhiều người có thể bị cám dỗ bởi việc loại bỏ một người đã được công nhận là chết về mặt lâm sàng. Tác giả có thể tự cảm thấy được gột sạch khỏi khái niệm giết người, khi xét đến mục đích cuối cùng của hành động của mình.

– Anh nghĩ là phải đi tất cả các bệnh viện tư để nhận diện một bệnh nhân kinh tế khá giả đang đợi ghép một bộ phận à ?- cô hỏi

– Tôi không mong thế vì đó là một việc công phu trong một lãnh vực nhạy cảm.

Máy điện thoại di động của Nathalia reo lên, cô xin lỗi và nhấc máy, nghe chăm chú, ghi lại trên khăn trải bàn, và cám ơn nhiều lần người đối thoại của mình.

– Ai thế ?

– Anh chàng trực ở phòng điều phối, người mà tôi gọi điện cho lúc nãy ấy.

– Thế có chuyện gì ?

Nhân viên điều phối đã nảy ra ý nhắn tin cho các xe tuần tra ban đêm, chỉ cốt kiểm tra xem có đội nào thấy gì đáng nghi ngờ ở một xe cứu thương, nhưng không đáng ghi lại vào biên bản không.

– Thế rồi sao ?

– Vậy là anh ta đã có một sáng kiến rất hay, vì có một xe tuần tra đã giữ lại rồi theo dõi một xe cứu thương kiểu từ hồi sau chiến tranh, cái xe này cứ lượn đi lượn lại ở khu vực Green street, Filbert, Union street tối hôm qua.

– Có vẻ hấp dẫn đấy nhỉ, thế đội tuần tra nói gì ?

– Nói rằng họ đã đi theo người lái xe cứu thương này, anh ta kể là cái xe đang đi về hưu sau mười năm phục vụ tận tuỵ. Họ nghĩ là người lái xe quyến luyến cái xe của mình nên anh ta lôi nó đi lang thang trước khi đưa nó đến xưởng sửa chữa lần cuối cùng.

– Đó là xe gì vậy ?

– Xe Ford 71.

Pilguez nhẩm tính nhanh trong đầu. Nếu chiếc xe Ford được cho về vườn tối qua sau mười năm hoạt động là xe 71 thì điều đó có nghĩa là nó đã nằm trong vỏ bọc mười sáu năm trước khi được đem ra sử dụng. Người lái xe đã cho mấy cảnh sát ăn quả lừa rồi. Ông đã có một hướng.

– Tôi còn có cái hay hơn nữa cơ- nữ đồng nghiệp của ông nói thêm.

– Gì vậy ?

– Họ đã đi theo anh ta đến tận xưởng mà anh ta để xe vào. Và họ có địa chỉ xưởng này.

– Cô biết không, Nathalia, thật may mà chúng ta không sống cùng nhau, cô và tôi.

– Tại sao bây giờ anh lại nói thế ?

– Tại vì nếu không thì bây giờ tôi sẽ có một bằng chứng là tôi bị mọc sừng.

– Anh biết không, George ? Anh là một thằng ngu chính cống. Anh muốn đi đến đó ngay bây giờ à ?

– Không, sáng mai, xưởng sửa chữa chắc phải đóng cửa rồi và không có lệnh thì tôi chẳng làm gì được cả. Với lại tôi thích đến đó mà không gây chú ý hơn. Tôi không định tóm cái xe mà là tóm những kẻ đã sử dụng nó. Đến đó tham quan thì tốt hơn là làm cho lũ thỏ rừng chạy trốn vào hang.

Pilguez trả tiền ăn và cả hai đi ra ngoài hè phố. Nơi mà chiếc xe cứu thương bị kiểm tra nằm cách chỗ họ vừa ăn một ngã tư đường, và George nhìn góc phố như đang tìm kiếm một hình ảnh.

– Anh biết điều gì có thể làm cho tôi vui lòng không ?

– Không, nhưng cô sẽ cho tôi biết.

– Đó là anh đến ngủ ở nhà tôi, tôi không muốn ngủ một mình tối nay

– Cô có một cái bàn chải đánh răng chứ ?

– Tôi có cái của anh !

– Tôi rất thích chọc ghẹo cô, chỉ có với cô là tôi vui đùa được. Lại đây, ta đi thôi, tôi cũng vậy, tôi muốn ở lại với cô tối nay. Đã lâu rồi đấy nhỉ.

– Từ thứ năm trước

– Tôi cũng bảo thế.

Khi họ tắt đèn, một tiếng rưỡi sau đó, George đã tin chắc rằng ông sẽ giải quyết được điều bí ẩn này, và những niềm tin của ông thường là cứ hai lần là có một lần đúng sự thực. Thứ ba là một ngày làm việc hiệu quả. Sau khi gặp bà Kline, ông loại bỏ mọi nghi ngờ đối với người đàn bà ấy, ông được biết rằng chính các bác sĩ cũng đề nghị chấm dứt ca bệnh này. Từ hai năm nay luật pháp nhắm mắt trong những trường hợp tương tự. Người mẹ đã có thái độ hợp tác, trông bà rõ ràng là rất xáo động, và Pilguez biết phân biệt những người thành thực với những kẻ cố tạo ra đau đớn tinh thần. Bà hoàn toàn không phù hợp với một kẻ có khả năng tổ chức một phi vụ như vậy. Ở xưởng sữa chữa, ông đã xác định chiếc xe mà bọn tội phạm sử dụng. Khi đi vào xưởng, ông đã bị bất ngờ : ở đây chuyên sửa chữa các loại xe cứu viện; xưởng thùng xe này chỉ có toàn những xe cứu thương phải tu sửa thôi. Bốn mươi thợ cơ khí và quãng một chục nhân viên hành chính làm việc ở đây. Tổng cộng lại, có gần năm mươi con người có thể bị tình nghi. Ông chủ xưởng, vẻ hoài nghi, nghe câu chuyện của viên thanh tra xong và thắc mắc là điều gì có thể thúc đẩy tác giả của vụ tội phạm ngoan ngoãn mang xe về trả mà không phi tang nó đi. Pilguez trả lời rằng việc xe bị mất trộm sẽ báo động cảnh sát và cảnh sát có thể tìm ra môi liên hệ. Một người làm việc trong xưởng có thể tham gia vào âm mưu này và đã hy vọng rằng việc “mượn tạm” sẽ không bị phát hiện.

Chỉ cần xem ai đã dính vào đây. Theo ông giám đốc thì không có ai cả, ổ khoá không có dấu vết bị bẻ và không ai có chìa khoá xưởng để đi vào đó ban đêm. Ông hỏi chủ xưởng xem điều gì đã có thể khiến cho những kẻ đi “mượn” chọn cái xe kiểu cũ ấy, ông này giải thích rằng đó là cái xe duy nhất mà cách lái xe giống một ôtô bình thường. Pilguez thấy đó là một dáu hiệu thêm nữa chứng tỏ rằng một nhân viên của xưởng là tòng phạm trong “vụ án của ông”. Trả lời câu hỏi liệu có khả năng là một người thó chìa khoá và đánh lại một chìa khác trong ngày được không, chủ xưởng trả lời là được : “Có thể là thế được, vào buổi trưa, khi chúng tôi đóng cửa chính.” Như vậy tất cả đều là đối tượng tình nghi. Pilguez yêu cầu đem cho ông hồ sơ nhân sự, và ông xếp lớp trên cùng hồ sơ của những nhân viên đã rời xưởng trong vòng hai năm qua. Ông trở về sở cảnh sát vào quãng mười bốn giờ. Nathalia đi nghỉ ăn trưa vẫn chưa quay lại, ông đắm mình vào việc phân tích kỹ càng năm mươi bảy túi hồ sơ màu nâu mà ông đặt trên bàn. Cô đến quãng mười lăm giờ, trang điểm bằng một kiểu tóc mới và sẵn sàng lãnh chịu những lời châm chọc của ông bạn đồng nghiệp của mình.

– Im miệng nhé, George, anh lại sắp nói một nhảm nhí đấy- cô nói khi vừa mới bước vào, thậm chí chưa kịp đặt túi của mình xuống nữa.

Ông rời mắt khỏi chồng giấy của mình, nhìn cô chăm chú và nở một nụ cười. Trước khi ông kịp nói bất cứ điều gì, cố đến gần ông và đặt ngón tay trỏ của mình lên miệng ông để ông không thốt được một lời: “Có một cái sẽ làm anh quan tâm hơn kiểu tóc của tôi nhiều, và tôi chỉ nói cho anh biết nếu anh miễn cho mọi lời bình luận, đồng ý chứ?” Ông làm ra vẻ bị bịt miệng và phát ra một tiếng làu nhàu đồng nghĩa với sự chấp thuận của những điều kiện giao kèo.

– Bà mẹ của cô gái gọi điện đến, bà ấy nhớ ra một chi tiết quan trọng cho việc điều tra của anh và bà ấy muốn anh gọi điện lại cho bà ấy. Bà ấy ở nhà và đợi cú điện thoại của anh.

– Nhưng tôi mê kiểu tóc của cô lắm, nó rất hợp với cô

Nathalia mỉm cười và trở về bàn làm việc của mình ở máy điện thoại, bà Kline báo cho Pilguez biết về cuộc nói chuyện kỳ lạ của bà với một người đàn ông trẻ tuổi tình cờ gặp ở khu Marina, người này đã thuyết giáo rất sôi nổi cho bà về euthanasie.

Bà kể cho ông từng chi tiết về cuộc gặp gỡ với một kiến trúc sư mà có thể Lauren đã quen ở khoa cấp cứu vì một vết thương do dao rọc giấy. Anh ta bảo rằng thường ăn trưa với con gái bà. Mặc dù con chó có vẻ nhận ra anh ta, nhưng bà thấy không chắc một khi con gái bà không bao giờ nói về anh ta cả, nhất là nếu đúng như anh ta nói thì họ đã gặp nhau từ hai năm trước đây. Chi tiết này hẳn là sẽ làm cho cuộc điều tra trở nên dễ dàng hơn. “Xem nào”, viên cảnh sát tức khắc lầm bầm. “Đại thể là,- ông kết luận – bà yêu cầu tôi đi tìm một kiến trúc sư bị một vết thương cách đây hai năm, được con gái bà chữa trị, và chúng ta cần phải nghi ngờ, vì trong cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên với bà, anh ta đã tỏ ra phản đối euthanasie ?”

– Ông không thấy đó là một hướng đáng chú ý à ?- bà hỏi.

– Không, không thật đáng chú ý lắm,- và ông dập máy.

– Thế nào, có chuyện gì vậy ?- Nathalia hỏi.

– Dù sao thì kiểu tóc lửng của cô trông cũng được lắm.

– Đồng ý, vậy là mừng hụt.

Ông lại lao vào đống hồ sơ của mình, nhưng không một hồ sơ nào có điều gì nghi vấn. Bực mình, ông vớ lấy ống điện thoại, kẹp giữa tai và cằm, rồi bấm số máy tổng đài của bệnh viện. Cô trực tổng đài trả lời sau hồi chuông thứ chín.

– Này, tốt nhất là không nên chết với cô !

– Không, để chết thì ông cứ gọi thẳng đến nhà xác – cô trực tổng đài đối lại chan chát.

Ông tự giới thiệu, và hỏi cô gái xem liệu hệ thống máy tính ở chỗ cô có cho phép tìm kiếm về những ca được nhận vào khao cấp cứu theo nghề nghiệp và loại thương tích không. “Chuyện đó phụ thuộc vào khoảng thời gian mà ông tìm kiếm”, cô trả lời. Rồi cô nói thêm là dù sao thì luật bí mật y tế cũng ngăn cô tiết lộ thông tin, nhất là qua điện thoại. Ông dập phắt máy điện thoại, lấy áo khoác và đi ra cửa. Chạy nhanh xuống cầu thang, ông đi ra chỗ đậu xe, và hối hả bước về phía xe ôtô của mình. Ông phóng xe qua thành phố, miệng không ngớt chửi rủa, đèn xoay sáng lên trên mái và còi ôtô rú lên ầm ĩ. Chưa đầy mười phút sau ông đã đến bệnh viện Memorial và đứng trước quầy đón tiếp.

– Các vị yêu cầu tôi tìm một cô gái bị hôn mê mà người ta nẫng đi của các vị đêm chủ nhật này; hoặc là ở đây các vị giúp đỡ tôi, và đừng làm tôi bực mình với cái bí mật thầy lang nhảm nhí của các vị, hoặc là tôi đi làm việc khác.

– Tôi có thể làm gì được cho ông ?- bà Jarkowski vừa xuất hiện ở cửa bèn hỏi.

– Cho tôi biết là liệu máy vi tính của các ông bà có thể tìm một kiến trúc sư mà có vẻ là đã từng bị thương và từng được người hiện đang mất tích của các ông bà nhận chữa được không ?

– Lúc nào ?

– Cứ cho là trong vòng hai năm trở lại đây ?

Bà nghiêng người xuống máy vi tính và gõ vào mấy phím trên bàn phím.

– Ta sẽ xem những ca nhập viện, và tìm một kiến trúc sư-bà nói- việc này sẽ mất vài phút.

– Tôi đợi.

Màn hình trả lời sau sáu phút. Không có một kiến trúc sư nào được chữa về loại vết thương này trong vòng hai năm qua.

– Bà có chắc không?

Bà khẳng định dứt khoát, mục “nghề nghiệp” là bắt buộc phải khai, do việc bảo hiểm và để làm thống kê về những tai nạn nghề nghiệp. Pilguez cảm ơn bà và quay ngay về sở cảnh sát. Trên đường về, câu chuyện này bắt đầu làm ông day dứt không yên. Kiểu day dứt mà chỉ trong chốc lát đã huy động toàn bộ sự tập trung của ông và làm ông quên đi tất cả những hướng có thể khác, ngay khi ông cảm thấy có được một mắt xích thực sự trong chuỗi điều tra của mình. Ông lấy điện thoại di động và bấm số máy của Nathalia.

– Tìm cho tôi xem có kiến trúc sư nào sống ở trong khu vực mà chiếc xe cứu thương bị phát hiện không. Tôi đợi ở máy.

– Đó là Union, Filbert và Green phải không ?

– Và Webster nữa, nhưng mở rộng tìm kiếm thêm ra cả hai phố bên cạnh.

– Tôi sẽ gọi lại cho anh, cô nói rồi dập máy.

Ba văn phòng kiến trúc sư và nhà ở của một kiến trúc sư phù hợp với yêu cầu, chỉ có nhà của kiến trúc sư là nằm trong phạm vi nghiên cứu đầu tiên. Một văn phòng thì nằm ở phố sát bên cạnh, hai văn phòng khác thì cách đó hai phố. Về đến phòng làm việc ông bèn liên hệ với ba văn phòng này để tính số người làm việc tại đó. Hai mươi bảy người cả thảy. Tóm lại, đến lúc mười tám giờ ba mươi phút ông đã có gần tám chục đối tượng tình nghi, một người trong số đó có thể đang đợi được ghép một bộ phận cơ thể hoặc có người thân đang trong tình trạng đó. Ông suy nghĩ giây lát rồi nói với Nathalia.

– Dịp này ta đang có thừa một thực tập sinh phải không ?

– Ta chả bao giờ có thừa người cả ! Nếu không tôi đã có thể về nhà sớm sủa được, và tôi sẽ không phải sống như một cô gái già.

– Cô cứ tự làm khổ mình, cô bạn thân mến ạ, cô cử cho tôi một người đi cắm chốt trước cửa cái nhà gã sống trong khu vực ấy, và bảo thử chụp cho tôi một bức ảnh của gã khi nào gã đi về nhà.

Sáng hôm sau Pilguez được biết rằng cậu thực tập sinh đã tốn công vô ích, người kiến trúc sư ấy đã không về nhà ban đêm.

– Ra vậy,- ông nói với chàng thực tập sinh trẻ – tối nay cậu phải cho tôi tất cả thông tin về gã này, gã bao nhiêu tuổi. xem gã có phải là pêđê không, có xì ke ma tuý hay không, gã làm việc ở đâu, gã có nuôi chó mèo hay nuôi vẹt, hiện giờ gã đang ở đâu, việc học hành của gã thế nào, gã có từng vào quân đội hay không, tất cả những thói tật của gã. Cậu gọi điện cho bên quân đội, cho FBI, gì cũng được, tôi mặc kệ, nhưng tôi muốn biết tất cả.

– Tôi chính là pêđê đấy, thưa ông thanh tra ! – cậu thực tập trả lời với đôi chút hãnh diện.- Nhưng điều đó không ngăn cản công việc mà ông yêu cầu tôi.

Viên thanh tra, vẻ mặt cau có, cả phần còn lại của ngày dùng vào việc lập ra một bảng tổng hợp những hướng mà ông đã có, nhưng không có gì cho phép ông lạc quan được cả. Nếu như chiếc xe cứu thương đã được nhận diện nhờ một sự may mắn bất chợt, thì không có một hồ sơ nhân sự nào của xưởng sửa chữa chỉ ra được một đối tượng nghi vấn giả định, điều đó dẫn đến việc phải dự kiến một số lượng lớn các cuộc thẩm vấn ở địa bàn đã được phát hiện. Hơn sáu chục kiến trúc sư sẽ bị hỏi vì đã làm việc ở những vùng phụ cận hay sống chính trong khu vực nơi chiếc xe cứu thương lượn đi lượn lại buổi tối xảy ra vụ bắt cóc.

Một người trong số họ có thể bị nghi ngờ vì đã vuốt ve con chó của bà mẹ nạn nhân, và đã tỏ rõ sự phản đối của euthanasie, điều mà, Pilguez tự thú nhận với chính mình, không thể xác định được là động cơ của vụ bắt cóc. Đúng là “một cuộc điều tra chết tiệt”, nói chính xác theo cách của ông thì là như vậy.

Buổi sáng thứ tư ấy, mặt trời nhô lên ở phía làng Carmel đang bị phủ một làn sương mỏng. Lauren thức dậy sớm. Cô ra đi khỏi phòng để khỏi làm Arthur thức giấc, và bực bội vì không thể chuẩn bị được cho anh dù chỉ một bữa sáng đơn giản. Sau cùng, nếu phải lựa chọn, cô tự thú nhận rằng cô biết ơn vì trong cái tình trạng bất bình thường như thế này mà anh vẫn có thể chạm vào cô, cảm thấy cô, và yêu cô như một phụ nữ hoàn toàn cuộc sống của mình. Có cả một loạt hiện tượng mà cô sẽ không bao giờ hiểu và cũng chẳng tìm cách hiểu làm gì nữa. Cô nhớ lại điều mà một hôm cha cô nói với cô:

“Không có gì là không thể, duy chỉ có những giới hạn trí tuệ chúng ta là xác định một số thứ như là không thể tưởng tượng được mà thôi. Phải thường xuyên giải quyết nhiều phương trình để chấp nhận một lập luận mới. Đó là một vấn đề của thời gian và của những giới hạn trong bộ óc của chúng ta. Ghép tim, làm cho một chiếc máy bay nặng ba trăm năm mươi tấn bay được, đi trên mặt trăng, những cái đó đòi hỏi rất nhiều công lao, nhưng nhất là phải có trí tưởng tượng. Vì thế khi các nhà thông thái của chúng ta tuyên bố rằng không thể ghép não, bay với tốc độ ánh sáng, nhân bản một con người, bố nghĩ rằng rốt cục họ không biết gì hết về những hạn chế của chính họ, hạn chế trong việc dự kiến rằng tất cả đều có thể và đó chỉ là vấn đề thời gian, thời gian để hiểu làm sao mà có thể được”

Tất cả những gì mà cô đang nếm trải và thử nghiệm đều phi logic, không thể giải thích được, trái với mọi nền tảng tri thức khoa học của cô, nhưng nó đã xảy ra. Và từ hai ngày nay, cô làm tình với một người đàn ông và có những cảm xúc và cảm giác mà cô chưa từng biết đến, ngay cả khi cô sống bình thường, khi linh hồn và thể xác chỉ là một. Cái quan trọng nhất đối với cô, khi cô ngắm nhìn quả cầu lửa đang nhô lên phía chân trời kia, đó là điều này kéo dài.

Anh dậy sau cô một lát, tìm cô trong giường, khoác vào người chiếc áo choàng mặc nhà và đi ra thềm. Những sợi tóc của Arthur rối tung chả ra nề nếp gì cả, anh bèn lấy tay vuốt lên để thiết lập lại trật tự. Anh ra gặp cô bên bờ vách đá và ôm ghì lấy cô khi cô còn chưa kịp trông thấy anh.

– Thật là một cảnh gây ấn tượng, anh nói.

– Anh biết không, em nghĩ là nếu như không thể dự kiến được tương lai, ta có thể khép lại chiếc vali và sống với hiện tại. Anh có muốn uống một tách cà phê không ?

– Anh nghĩ đó là điều nhất thiết phải làm. Sau đó thì dẫn em đi xem những con sư tử biển bơi ở phía mũi đá.

– Sư tử biển thật à ?

– Cả chó biển nữa, và chim bồ nông, và… trước kia em chưa bao giờ đến đây à ?

– Em đã thử một lần nhưng điều đó chẳng đem lại gì cho em cả.

– Cái ấy cũng tương đối thôi, còn phụ thuộc vào chuyện em nhìn sự việc dưới góc độ nào nữa. Với lại, anh tưởng rằng chúng ta phải khép lại những chiếc vali và sống với hiện tại chứ ?

Cũng buổi sáng thứ tư ấy, anh thực tập sinh đặt, không một tiếng động, tập hồ sơ dày mà anh ta đã tập hợp lên trên bàn làm việc của Pilguez.

– Kết quả thế nào?- Pilguez hỏi trước khi đọc lướt qua.

– Ông sẽ thất vọng và đồng thời sẽ vui mừng.

Để biểu lộ sự sốt ruột của mình đã đến sát ranh giới của sự bực tức, Pilguez vỗ vỗ vào nút cavát của ông: “Một hai, một hai, tốt rồi anh bạn ạ, micro của tôi dùng được rồi, tôi ngeh cậu!” Anh thực tập đọc những gì đã ghi chép của mình : gã kiến trúc sư của ông chẳng có gì đáng ngờ cả. Đó là một người mọi thứ đều bình thường, anh ta không xì ke ma tuý, anh ta có quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng, tất nhiên là không có tiền án. Anh ta đã học ở California, đã sống một thời gian ở Châu âu trước khi trở về lập nghiệp ở thành phố quê hương mình. Anh ta không thuộc về một đảng phái chính trị nào, không phải là thành viên của một giáo phái nào, không tham gia ủng hộ một hoạt động nào. Anh ta trả thuế, trả tiền phạt đầy đủ, và thậm chưa hề bị phạt trong tình trạng say rượu hay lái xe quá tốc độ. “Tóm lại đó là một gã nhạt nhẽo”

– Thế tại sao tôi sẽ vui mừng ?

– Anh ta thậm chí không phải là pêđê nữa!

– Nhưng tôi có phản đối pêđê đâu chứ, thổ tả, thôi cái trò ấy đi ! Còn có cái gì nữa trong báo cáo của cậu ?

Địa chỉ cũ của anh ta, ảnh anh ta, hơi cũ một chút, tôi lấy được ở phòng đăng ký xe, ảnh này cách đây bốn năm, anh ta cần phải đổi bằng lái xe mới vào cuối năm nay; môt bài báo mà anh ta đăng trong Architectural Digest, bản sao bằng cấp của anh ta, và danh sách các tài sản nhà băng cùng các giấy chứng thực quyền sở hữu của anh ta.

– Làm thế nào cậu có được những cái đó ?

– Tôi có thằng bạn làm việc ở Sở thuế. Gã kiến trúc sư của ông mồ côi cha mẹ, và anh ta được thừa kế một ngôi nhà ở vịnh Monterey.

– Cậu nghĩ là anh ta đang đi nghỉ ở đó à ?

– Anh ta đang ở đó, và cái duy nhất sẽ làm ông bị kích động, đó chính là cái lều này.

– Tại sao ?

– Tại vì ở đó anh ta không có điện thoại, điều mà tôi cảm thấy kì lạ đối với một ngôi nhà biệt lập, điện thoại bị cắt từ hơn mười năm nay và chưa bao giờ được nối lại cả. Ngược lại, anh ta đã yêu cầu cho lại điện hôm thứ sáu tuần trước, cả nước cũng thế. Anh ta trở lại ngôi nhà này lần đầu tiên kể từ rất lâu rồi vào cuối tuần vừa qua. Nhưng đó không phải là một tội ác.

– Này, cậu thấy đấy, chính cái thông tin cuối cùng này làm cho tôi vui mình !

– Thì chính thế !

– Cậu đã làm việc cừ đấy, nhất định cậu sẽ thành một cảnh sát tốt một khi đầu óc cậu gàn dở như vậy.

– Từ miệng ông phát ra, tôi chắc rằng tôi cần phải coi đó là một lời khen.

– Cậu có thể coi như thế được !- Nathalia nói.

– Cậu mang bức ảnh đến gặp bà Kline đi, và hỏi xem đó có phải là người không thích euthanasie ở khu Marian không, nếu bà ấy nhận diện đúng anh ta thì ta sẽ có một đầu mối quan trọng đấy.

Anh thực tập rời sở cảnh sát và Goerge pilguez vùi đầu vào tập hồ sơ của Arthur. Sáng ngày thứ năm có rất nhiều kết quả. Vào những giờ đầu tiên, anh thực tập báo cáo với ông rằng bà Kline đã nhận diện dứt khoát người trong ảnh. Nhưng cái tin mới thực sự thì xuất hiện với ông đúng trước khi ông đưa Nathalia đi ăn trưa. Chi tiết này ở dưới mắt ông từ lâu nhưng trước đây ông không nhìn thấy mối liên hệ. Địa chỉ của cô gái trẻ bị bắt cóc chính là địa chỉ của người kiến trúc sư trẻ. Điều đó làm nên quá nhiều dấu hiệu để anh ta không xa lạ với vụ này.

– Anh cần phải vui mừng chứ, cuộc điều tra của anh có vẻ tiến triển cơ mà. Tại sao anh lại cau có thế ?- Nathalia vừa hỏi vừa nhấm nháp Coca.

– Tại vì tôi không thấy lợi ích của anh ta ở đâu. Anh chàng này không có vẻ là một kẻ loạn óc. Người ta không đi xoáy một cơ thể hôn mê trong bệnh viện một cách vô cớ để chọc cười bạn bè. Cần phải có một lý do thực sự. Thêm nữa theo lời của những người ở bệnh viện thì cần phải có một kinh nghiệm nhất định để đặt cái cầu trung tâm này.

– Đó là đường truyền trung tâm, không phải là cầu. Anh ta có phải là bồ của cô gái không ?

Bà Kline đã đảm bảo điều trái lại, và bà ấy hết sức khẳng định về điểm này. Bà gần như chắc chắn rằng họ không quen nhau.

– Có mối quan hệ gì với căn hộ không ?

– Cũng không có nốt, viên thanh tra nói tiếp, anh ta là người thuê nhà và theo như hãng bất động sản thì hoàn toàn tình cờ anh ta dọn vào chỗ ấy. Anh ta đangd 9ịnh ký một hợp đồng thuê cái nhà khác ở Filbert cơ, và chính một nhân viên sốt sắng của hãng đã nhất quyết muốn chỉ cho anh ta xem cái nhà này “mà vừa vào lô của họ “..đúng trước lúc anh ta ký. Cô biết đấy, loại người khác đời, hơi tỏ vẻ, muốn lấy lòng tin của khách hàng bằng cách thực sự tận tâm.

– Như vậy là không hề có chủ ý trước đối với chuyện địa chỉ.

– Không, đó thực sự là trùng hợp thôi.

– Thế thì liệu có phải là anh ta được không ?

“Không, không thể nói là phải được”, ông trả lời ngắn gọn, không một yếu tố nào riêng biệt chứng tỏ rằng anh ta có dính líu. Nhưng sự chồng chéo của các mảnh làm thành bức tranh ghép thì thật đáng bàng hoàng.Điều đó có nghĩa là không tìm được động cơ thì Pilguez không thể làm gì được cả. “Không thể buộc tội một người vì vài tháng nay anh ta thuê căn hộ của một phụ nữ bị bắt cóc đầu tuần này. Rút cục tôi sẽ khó lòng tìm được một vị kiểm sát trưởng chịu nghe lời tôi. Cô gợi ý ông thẩm vấn anh ta và làm anh ta không chịu được nữa phải phun ra “dưới ánh đèn”. Viên cảnh sát già cười khẩy.

– Tôi hình dung ra phần đầu cuộc thẩm vấn của tôi: Thưa ông, ông thuê căn hộ của một phụ nữ trẻ đang bị hôn mê, người này đã bị bắt cóc đêm ngày chủ nhật rạng sáng ngày thứ hai. Ông đã cho nối lại điện và nước ngôi nhà ở làng của ông ngày thứ sáu trước khi xảy ra vụ tội phạm. Tại sao thế ? Thế là anh ta giương mắt lên mà nhìn tôi rồi bảo rằng anh ta không hoàn toàn tin là đã hiểu ý nghĩa câu hỏi của tôi. Tôi chỉ còn nước là nói toẹt ra với anh ta rằng anh ta là đầu mối duy nhất của tôi và sẽ rất tiện cho tôi nếu anh ta đã làm cái vụ ấy.

– Dành hai ngày để theo dõi anh ta xem !

– Không có ý kiến của kiểm sát trưởng, tất cả những gì tôi mang về đều vô hiệu và coi như không có.

– Không phải vậy nếu anh mang được cơ thề về và cô ta hãy còn sống !

– Cô tin đó là anh ta à ?

– Tôi tin vào sự nhạy bén của anh, tôi tin vào các dấu hiệu, và tôi tin rằng khi anh có vẻ mặt như vậy tức là anh biết rằng anh đã có thủ phạm nhưng anh còn chưa biết làm sao tóm được hắn. George, điều quan trọng nhất là tìm được cô gái, dù đang bị hôn mê thì đó cũng là một con tin, anh thanh toán tiền rồi đến làng ấy đi.

Pilguez đứng dậy, hôn lên trán Nathalia, đặt tiền lên bàn và đi ra phố một cách vội vã.

Trong ba tiếng rưỡi đồng hồ đưa ông đến Carmel, ông không ngừng tìm kiếm một động cơ tội phạm, rồi ông nghĩ về cách tiếp cận con mồi của mình mà không làm cho hắn sợ hãi, không khêu gợi sự chú ý của hắn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.