Nàng Iđo

Chương 15



Đúng chín giờ sáng, Tro-bo gõ cửa:

– Tôi đây, thưa tiểu thư, nếu như tiểu thư chưa thay áo, tôi sẽ xuống dưới đứng đợi.

I-đo mở hé cửa nhìn ra, Tro-bo nói tiếp:

– Tôi đã dạo chơi nửa giờ rồi. Lúc tám rưỡi tôi đã đến dưới cửa sổ, tôi nhìn thấy tiểu thư đang kéo rèm ra, vì thế tôi đi lại dưới đường đợi tiểu thư thay áo đã. Tiểu thư ngủ ngon chứ?

– Cám ơn ngài. – I-đo trả lời và mở to cánh cửa ra, định để cho Tro-bo bước vào.

Có thể nhìn thấy trong mắt Tro-bo vẫn còn đọng lại sự thiếu ngủ của đêm qua. Lẽ ra nàng phải hỏi lại: Thế ngài ngủ ra sao? – Nhưng nàng lại không nói, bởi vì nàng chợt nhớ ra điều giao ước: họ là hai người xa lạ nhau kia mà. Nếu mới tháng đầu mà nàng tỏ ra quen thân, thì ai có thể biết được, Tro-bo sẽ mạnh dạn tiến đến đâu? Nàng đã nghĩ có thể đến cuối năm, khi họ chia tay nhau, nàng sẽ cho chàng hôn tay nàng lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng. Nhưng còn phải để xem chàng có xứng đáng không đã chứ.

– Đã có buồng rồi. – Tro-bo vẫn đứng bên ngoài nói, – Tiểu thư hãy cho tất cả đồ đạc vào hòm đi. Quãng mười giờ, người ta sẽ đến đây lấy hành lý của chúng ta sang đó. Tiểu thư có cần tôi giúp đỡ không?…

Dưới giường là hai chiếc dép màu vàng, trên giường còn để chiếc váy ngủ cùng áo khoác nhẹ trong nhà của nàng. Nàng giật mình nói:

– Không cần đâu, ngài đừng có bước vào đây, ngài hãy đợi tôi ngoài hành lang một chút!

Nàng đỏ mặt, vội vàng thu nhặt những đồ đó gấp vào. Nàng cầm lấy lược đứng trước gương chải mớ tóc tơ phía trước trán.

– Tôi đã tìm thấy một buồng hai phòng ở khách sạn Be-le-vue. – Vừa đi xuống bậc thang, Tro-bo vừa báo tin. – Nhưng mà cũng không được yên tĩnh lắm đâu. Tàu điện chạy rầm rầm suốt ngày, tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm tìm thuê được nhà riêng yên tĩnh hơn.

Khi họ đã ngồi trong tiệm ăn, có một người phụ nữ trẻ mặc đồ đen đi bên cạnh cửa sổ tiệm ăn. Chị nhìn thấy họ, và mỉm cười, gật đầu chào I-đo. Nàng cũng gật đầu cười với chị. Đó là người phụ nữ có đôi mắt nhỏ như mắt chuột và khuôn mặt gầy như người Hi-lạp. Nàng nhớ tới câu chồng chị nói với chị tối hôm qua: “Không có hạt tiêu trong này đâu, ăn đi Mi-lus-ka của anh”.

– Tên chị ấy là gì nhỉ? – I-đo quay sang hỏi Tro-bo. – Có phải là Mi-lus-ka không?

Tro-bo nhún vai:

– Tôi cũng không biết, đây là người vợ thứ tư của Ken-đer đấy. Hình như tên chị ấy là Mi-lus-ka thật.

– Người vợ thứ tư à? Thế những người kia chết à, hay là li dị?

– Họ li dị nhau.

– Trông anh ấy ốm yếu thế cơ mà.

– Cơ thể yếu, nhưng trí tuệ vững. Cứ sống chung với cô nào là anh ấy tuyên bố: Chúng tớ yêu nhau là đủ, còn việc kết hôn để dành cho quỷ ở địa ngục!

I-đo trầm ngâm nhìn tách chè.

Tro-bo châm điếu xì gà, rồi mỉm cười, bưng tách chè lên nhấp một ngụm nói tiếp:

– Anh Ken-đer này cũng là anh chàng lười. Anh ta chỉ làm việc khi bị bắt buộc. Cũng không phải là người đàn bà nào cũng đủ kiên nhẫn chịu đựng anh ấy đâu.

Chàng rút đồng hồ ra nhìn:

– Bây giờ còn sớm, chỗ nào họ cũng đang quét dọn thôi. Chúng ta cũng đừng bắt đầu công việc vào buổi sáng hôm nay.

I-đo cầm lấy đôi găng tay:

– Tôi phải đi đến nhà thờ bây giờ. Ngài không đi đến đó bao giờ ư?

– Không. Đối với người họa sĩ, ánh sáng ban ngày rất quí giá. Nhất là các buổi sáng. Tiểu thư cứ đi nhà thờ đi. Trong khi đó, tôi sẽ đi xem các bức tượng mới trong phòng lưu trữ của thành phố. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu? Hay là tôi đợi ở đây cho đến khi tiểu thư ở nhà thờ ra, chúng ta sẽ đi cùng nhau?

I-đo vẻ suy ngĩ, gài cúc bấm ở găng tay.

– Thôi, ngài đừng có đợi tôi, – nàng nhìn ra cửa sổ và nói, – ngài hẹn đi, trưa nay, chúng ta sẽ đợi nhau ở đâu? hay là ở khách sạn?…

Vừa lúc đó, vợ ngoài giá thú của Ken-đer chạy đến bên cửa sổ vẫy tay, rồi chị đi đến cửa lớn, bước vào, tay chị xách một cái túi lưới, trong túi thấy có cây xúp-lơ.

– Chị vội quá. – Chị thở hổn hển nói với I-đo, đôi mắt nhỏ thông minh ánh lên nét mừng rỡ, – chị rất mừng vì gặp em ở đây. Tối hôm qua lúc về nhà chị đã nói với chồng chị chuyện nhà cửa của em.

– Chị ngồi xuống đây đã, Mi-lus-ka. I-đo thân mật mời chị.

– … Chị bảo rằng em cần tìm một căn nhà có bốn buồng. Chồng chị bảo vì sao chị không nói ngay? Bởi vì nhà Pal-mer vừa đúng có bốn phòng. Pal-mer đã chuyển khỏi nhà ấy được một tuần nay. Vừa nãy, chị phải vội đi để mua xúp-lơ. Hôm qua chồng chị đã nhắc là anh ấy thấy xúp-lơ rất ngon mà rẻ ở chợ Schnei-đer, xúp-lơ nấu với sữa rất dễ tiêu hóa. Nào hãy đi theo chị. Tên phố thì chị quên mất rồi, nhưng chị biết ngôi nhà ấy. Còn một căn nhà khác cũng bốn buồng mà chị biết, đó là căn nhà của quan chánh án Đa-nau-er. Ông chánh án đã về hưu. Năm ngoái, anh Ken-đer đến đấy vẽ cô cháu dâu của quan chánh án. Từ tháng năm đến tháng mười một năm nay, vợ chồng ông chánh án ấy sống ở một làng nào đó. Họ định cho thuê ngôi nhà ấy. Ngôi nhà ấy ở gần vườn Ăng-lê. Vườn Ăng-lê ở trên đảo giữa sông I-sar. Cũng có hơi xa đôi chút, chị cũng không biết các em có nên chuyển đến đó không? Tất cả các cửa sổ của nhà đó đều mở ra vườn.

– Nhà đó tốt đấy. – Tro-bo hưởng ứng.

Chàng lại nhìn đồng hồ.

– Đến trưa các em hãy quay lại đây nhé. – Chàng nói với I-đo như một người chồng chu đáo.

– Thế anh không đi cùng em ư? – Nàng hỏi như một người vợ hiền.

– Để làm gì? Anh chỉ cần nói cho em rõ yêu cầu của một họa sĩ thế này: Anh chỉ cần một phòng để vừa làm việc vừa vẽ, vì thế em hãy chọn ngôi nhà nào vừa ý em. Còn đây là tiền tiêu vặt, năm mươi mác là đủ đấy.

– Buổi trưa chúng mình sẽ gặp nhau ở đâu?

– Thì em cứ quay lại chỗ này nhé…

– Được rồi, em sẽ quay lại.

Họ chia làm hai phía, I-đo đi với chị Mi-lus-ka.

Tro-bo đi xem phòng triển lãm tượng. Tất cả các tượng chàng đều chăm chú nhìn, nhưng chàng cảm thấy bồn chồn trong suy nghĩ, vì các bức điêu khắc mới không khiến chàng tìm thấy ở mình một sự đam mê như hôm nào nữa.

Chàng cảm thấy trong tất cả các bức điêu khắc đều có một cái gì đó như những con nhện lạnh lẽo, vô hồn. Không một tác phẩm nào khiến chàng rung động về giá trị tâm hồn của nó.

Khoảng mười một giờ, chàng đã chán. Chàng đi sang phòng tranh của thành phố để xem các bức tranh mà các bạn chàng đã giới thiệu tối hôm qua.

Bức họa của họa sĩ Pháp Dag-nan Bou-ve-ret ,chàng thấy phía trước đôi giày Ma-ri-a đất như dựng lên. Ma-ri-a bế một đứa trẻ sơ sinh đang ngủ, quấn trong một chiếc khăn lớn màu nâu. Từ trong khăn, xuyên qua lần vải ánh hào quang từ người đứa bé tỏa ra sáng rực.

Đúng là bức tranh không có sự hấp dẫn mê hồn ngay về hình thức. Khuôn mặt Ma-ri-a không phải là một khuôn mặt đẹp… Bức tranh này… nhưng chàng sửng sốt bởi cái đep trong sự suy nghĩ, nổi bật đó là cái hồn của tranh.

Vẻ đẹp của ý nghĩ. – Chàng lẩm bẩm một mình.

Còn tranh của họa sĩ Xi-nhe Mer-se không có hồn, không có suy nghĩ, chỉ có màu và màu. Màu sắc ở đây thay thế sự suy nghĩ. Cơ thể người phụ nữ được thể hiện bằng màu sắc.

Tranh của họa sĩ Po-chir-ta có những đám mây bay trên thảm cỏ. Màu xanh sẫm trên nền thảm cỏ màu xanh lá. Còn trong bức tranh của Cuor-bet, Bas-ti-en Le-pa-ge Manet, Xê-za-ne Gô-ganh chàng không nhìn thấy có sự suy nghĩ tưởng tượng trong tranh.

Vì sao những bức tranh của họ không làm rung động tâm hồn người xem?

Cho đến giờ người ta vẫn thích đi tìm xem những bức tranh của các danh họa châu Âu từ hàng trăm năm trước đây. Bây giờ có những tranh mới để so sánh với tranh cũ, và trên bức tranh người ta sẽ biết được danh họa nào sẽ bất tử, lưu danh muôn thuở!

Không phải màu sắc đóng vai trò quyết định, cũng chẳng phải do hình họa được một bàn tay lão luyện quyết định. Khuôn mặt Ma-ri-a là khuôn mặt của một người phụ nữ trần giới. Người họa sĩ đã không nghĩ đến sắc đẹp của thiên nhiên. Đúng là kiểu dùng rìu để bổ bức tường, thực tế rõ ràng trên tranh… thiếu trí tưởng tượng… Mà trí tưởng tượng được phơi bày lại là sức mạnh của tư tưởng!…

Sức mạnh của tư tưởng!…

Sức mạnh của tư tưởng là quyết định để cho bức tranh có tồn tại vĩnh viễn hay không. Nhưng sự bất tử là gì?…

Chàng nhìn đồng hồ. Đã mười hai giờ ba mươi phút.

Chàng vội vàng quay ra, suýt nữa chàng húc phải I-đo.

– Ồ, tiểu thư làm sao mà lại ở đây?

I- đo chớp mắt chống chế:

– Không phải tôi tự đến, mà chúng tôi đang ngồi trên tàu điện đi qua đây. Chị Mi-lus-ka gặp một bà bạn người Đức. Chị ấy hỏi bà này xem căn hộ đó đã có ai thuê chưa, bởi vì bà ấy sống cùng trong căn nhà này. Bà bạn ấy trả lời rằng ngày hôm qua đã có một người chủ tiệm kẹo bánh thuê rồi. Thế là tôi xuống tàu luôn.

– Thế không đi xem ngôi nhà của ông chánh án ư?

– Tôi chưa xem.

– Thế tiểu thư làm gì cả buổi sáng tới giờ?

– Tôi đi nhà thờ.

-Tiểu thư ở trong nhà thờ lâu thế ư?

– Không, chỉ xong lễ Mi-sa thôi. Rồi tôi đi ra và định sẽ đợi ngài ở quảng trường, nhưng tôi nhìn thấy ngài đi vào đây, thế là tôi cũng mua một vé vào theo.

– Ồ tôi đứng xem ở đây đã được một tiếng rưỡi rồi cơ mà.

I-đo nhún vai:

– Thì tôi cũng ở đây từ lúc đó.

– Ở đâu?

– Ở đây, sau lưng ngài.

– Thế sao tiểu thư không gọi tôi?

– Tôi không muốn quấy rầy ngài…

Tro-bo ngạc nhiên, sau đó nói:

– Thú vị đấy, điều đó hay đấy, xin cảm ơn tiểu thư.

Đôi mắt I-đo hiện lên một vẻ ấm áp, chàng nhìn lên khuôn mặt bình thản trong trắng của I-đo. Lần đầu tiên chàng nhìn với ánh mắt như vậy. Nhưng nét mặt chàng lại lạnh ngay. Chàng nói:

– Chúng mình đi ăn trưa thôi.

Chỉ có hai người ngồi ăn trưa trong tiệm. Họ yêu cầu các món ăn riêng như mọi khi, thỉnh thoảng cũng có lúc họ nói: Tôi cũng muốn ăn thứ này.

– Sau khi ăn trưa. – Tro-bo bắt đầu nói khi ăn xúp. – Chúng ta sẽ đi tìm nhà vì ngủ ở trong khách sạn ồn lắm. Tiểu thư muốn chúng ta thuê loại nhà thế nào, có sẵn đồ gỗ, hay không có đồ gỗ?

I-đo ngớ ra nhìn Tro-bo, nàng không hiểu.

– Tùy ý ngài.

– Không phải đơn giản như thế, thưa tiểu thư. Nếu mà phải thuê cả đồ gỗ thì sẽ rất đắt đấy. Bốn phòng mà có đồ gỗ thì rất tốn kém.

– Thế thì thuê không có đồ gỗ.

– Tôi thấy tiểu thư không hiểu vấn đề. Nếu như tôi sống có một mình, tôi chỉ cần có một phòng thôi. Nhiều nhất là hai phòng. Đối với tôi, không cần phải đặt ra vấn đề đồ gỗ trong nhà có phải bằng gỗ hồ đào hay là gỗ thông rẻ tiền. Đối với tôi, cửa sổ là quan trọng nhất. Còn với tiểu thư lại khác, tiểu thư cần có phòng khách, cần có phòng ngủ rieng, và tất nhiên đồ gỗ trong phòng cũng phải sang trọng như khi tiểu thư ở nhà vậy.

– Tôi có đòi hỏi gì đâu. Tôi chỉ cần có một phòng riêng nho nhỏ thôi mà…

– Chúng ta vẫn chưa hiểu nhau. Tôi chỉ muốn bàn xem chúng ta nên thuê một căn nhà có sẵn đồ gỗ hay là chỉ thuê nhà rồi mua đồ gỗ đặt vào? Bởi vì nếu một năm sau, tiểu thư trở về với bố đẻ, hoặc đi lấy người khác thì tiểu thư cũng trở về nước Hung, đúng chưa nào? Bởi vì nếu chúng ta trở về nước, thì việc chuyển đồ gỗ về sẽ rất tốn kém, gấp mấy lần số tiền mà ở trong nước chúng ta sẽ mua được đồ gỗ mới.

– Thế thì… Nhưng mà, tôi đã nói rồi, tôi hoàn toàn tin ở ngài: trong một năm, ngài hãy tự lo lắng sắp xếp lấy, bởi vì ngài là người chồng kia mà.

Một nụ cười phớt qua môi nàng.

Tro-bo lắc đầu:

– Tôi không phải là chồng tiểu thư. Tôi không phải là người lo lắng cho tương lai sau này của tiểu thư, mặc dù, tôi sẽ đứng ra thuê nhà. Tiền thuê nhà, tôi sẽ ghi hai phòng sang hóa đơn của tiểu thư, còn hai phòng khác sẽ ghi vào hóa đơn của tôi. Nếu có cả nhà bếp nữa, thì khoản này chúng ta sẽ chia nhau mỗi người một nửa tiền phí tổn. Chúng ta vẫn còn chưa bàn xem, chúng ta nấu ăn ở nhà hay là ra hiệu. Việc này tôi hoàn toàn giao phó cho tiểu thư.

– Tùy theo ý ngài muốn.

– Theo ý tiểu thư mới đúng. Nhưng chúng ta hãy quay trở về chủ đề trên đã. Vậy thì tiểu thu hãy tự lo sắp xếp đồ gỗ cho phòng ngủ của tiểu thư và phòng khách, tùy theo ý tiểu thư. Tiểu thư muốn mua đồ gỗ riêng hay là thuê, thì tiểu thư sẽ chịu món chi phí về hai phòng đó.

Đôi mắt I-đo mở to kinh ngạc:

– Tôi chi phí ư?

– Tôi rất tiếc phải nói những điều này, nhưng tiền nong chi tiêu phải rõ ràng sòng phẳng… Từ hôm cưới tới giờ tôi đã không đả động đến vấn đề này, nhưng bây giờ chúng ta bắt buộc phải chung sống, chi tiêu, vì vậy tôi không muốn tiểu thư hiểu lầm tư cách của tôi…

– Tôi không hiểu, thưa ngài.

– Tiểu thư không hiểu gì?

– Tôi không hiểu về hai món chi phí riêng mà ngài nói. Thế ngần ấy tiền không đủ sao?

– Tiền ư? Số tiền một trăm cua-ron mà cha tiểu thư đã cho ấy ư? Đủ chứ, thừa đủ để sống. Chắc tiểu thư đã biết, sống ở đây rất dễ chịu, mọi thứ đều rẻ.

– Thế thì hai hóa đơn tính tiền là thế nào?

– Một của tôi, một của tiểu thư. Tiểu thư sẽ thấy mỗi lần chi tiêu, tôi sẽ ghi ra hai hóa đơn. Cái gì tiểu thư mua sẽ ghi lên hóa đơn tên tiểu thư, còn cái gì tôi tiêu, tôi sẽ ghi lên hóa đơn tên tôi. Xin tiểu thư đừng ngạc nhiên như vậy. Nếu tôi không bị lâm vào tình thế quẫn bách tiền nong, thì tôi cũng không nghĩ đến chuyện ghi riêng hóa đơn cho tiểu thư đâu. Nhưng tôi còn chưa thể biết, tôi có thể thoát ra khỏi sự túng bấn đó không, vì vậy tôi bắt buộc phải làm cho rõ ràng từng món chi tiêu.

– Lạy chúa tôi, tôi vẫn hiểu được thứ ngôn ngữ mà ngài đang nói đấy chứ! – I-đo nhắm mắt vào nói giọng khổ sở.

-Tôi vẫn nói rõ ràng dễ hiểu đấy chứ. Trong hôn nhân của chúng ra có ba vấn đề sau:

1. Trong một năm sống chung này chúng ta có 100 nghìn cua-ron tiền hồi môn của tiểu thư. 2. Thực tế, chúng ta không phải là vợ chồng thật, tôi không là chồng của tiểu thư, cho nên tôi chỉ là người quản lý tiền nong cho tiểu thư mà thôi. 3. Sau đây một năm, chúng ta sẽ tính toán lại từng khoản, để xem chúng ta tiêu hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu tôi xin trả hểt cho tiểu thư. Ngoài ra, tôi tiêu hết bao nhiêu, tôi cũng sẽ tính riêng để rồi, lạy chúa, nếu chúa cho tôi đặc ân, tôi sẽ có tiền trả lại cho tiểu thư đầy đủ. Còn nếu như đức chúa không ban ân huệ cho tôi, thì tôi xin ghi giấy nợ và sẽ định thời hạn trả cho tiểu thư đến hết.

I-đo mặt biến sắc:

– Tôi không đồng ý, – nàng nói lắp bắp như người nghẹt thở. – Tôi không thể chấp nhận được việc làm ấy, bởi vì như thế tôi sẽ tự cảm thấy tôi như một món hàng mà ngài đã mua chịu.

Tro-bo nhún vai:

– Nếu tiểu thư không nhận số tiền nợ, thì tôi sẽ xin gửi số tiền ấy qua ngân hàng dưới tên của tiểu thư, rồi người ta sẽ trao tiền lại cho tiểu thư.

Trong khi nói câu chuyện trên, họ vẫn tiếp tục ăn xúp rau với thịt bò xay. Họ ăn như cái máy, không hiểu mình nhấc thìa lên, đặt xuống ra sao. Họ đều cảm thấy căng thẳng.

I-đo không biết mình gọi món ăn gì. Nàng nói với bồi bàn một cách máy móc sau khi thấy Tro-bo gọi món ăn gì đó:

– Mich auch

Câu nói cuối cùng của Tro-bo dường như đã làm nàng kiệt sức.

Tro-bo cũng cảm thấy khó chịu trong chuyện tính toán sòng phẳng, lạnh lùng như vậy, cho nên khi uống cà phê đen, chàng bắt đầu chuyển hướng câu chuyện:

– Vì sao tiểu thư vẫn chưa đi xem nhà của ông chánh án?

I-đo nhăn mặt:

– Tôi không thích chị ta nữa.

– Ai kia, vợ Ken-đer ư? Nhưng chị ấy thân thiết và hiền thế cơ mà?

– Đúng vậy, nhưng…

– Chồng chị ấy là một con gà trắng ốm yếu tội nghiệp.

I-đo ngập ngừng vừa định nói, vừa muốn im lặng, cuối cùng, nàng khó nhọc thốt ra:

– Vừa nãy, ngài có kể cho tôi nghe về mối quan hệ giữa ông Ken-đer và phụ nữ, ngài bảo rằng chị Mi-lus-ka và ông Ken-đer yêu nhau.

– Đúng, tôi tưởng đối với phụ nữ những chuyện như vậy rất thú vị.

– Nhưng ngài cũng bảo rằng họ sống chung với nhau mà không có giá thú.

Nàng lại nghiêm trang nhìn xuống chiếc cốc.

Tro-bo ngạc nhiên.

– Thì cũng như tiểu thư đã kết hôn với tôi đấy thôi?

I-đo bình tĩnh đưa ánh mắt nhìn từ chiếc cốc lên mặt Tro-bo rồi trả lời:

– Tôi đã là vợ của ngài chưa? Chưa hề, tôi không phải là vợ ngài cho dù chúng ta có giá thú.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.