Lại là một tầng cửa,
đời người phải chăng có một tầng cửa như thế này, bước vào trong là
không thể đi ra? Có cách nghĩ như thế thì vẫn chưa thể buông bỏ chấp
niệm. Thế sự non sông chìm nổi bất định, đợi đến khi sinh mệnh kết thúc, tất cả đều hạ màn, quay về với tự nhiên.
Ký Sướng viên vốn là
gia viên của họ Tần, chủ khu vườn này chắc chắn phải có một gia tài đồ
sộ, mới có thể gửi gắm tình cảm một cách khoáng đạt sảng khoái vào non
nước nơi đây. Phong cách của khu vườn cảnh này thuộc thời đại Minh,
Thanh, tuy đã trải qua mưa gió mấy trăm năm nhưng vẫn bảo tồn được
nguyên vẹn hiện trạng. Thủy tạ ca đài, lầu khắc thuyền hoa, vẫn là cảnh
trí Giang Nam thuở nào.
Hành lang quanh co, gió mát thông thoáng, chầm chậm dạo bước, không có mục đích. Hai bên hành lang trồng đầy trúc xanh, ánh nắng xuyên qua ngói xanh, chiếu những vệt nắng loang lổ trên
con đường đá, không ai có thể giẫm lên chiếc bóng của chính mình.
Mấy gian thư viện nho nhỏ, trên tường treo vài bức cổ họa tả ý. Cảnh trí
trong tranh đều là sông nước Giang Nam, những dãy nhà dân trùng trùng
điệp điệp, xây bên dòng nước, dựng bao quanh núi. Vài cây cầu nhỏ như ẩn như hiện, trải dài về phía vùng đất không rõ tên. Mấy chiếc thuyền chèo xuôi dòng, không biết sẽ đi về hướng nào, và sẽ cập bến nơi đâu?
Cổ tháp tọa lạc trên đỉnh Tích Sơn, im lặng cúi nhìn dòng kênh chảy suốt
nghìn năm đó và khung cảnh phồn hoa của thành cổ Vô Tích. Nhìn thỏi mực
quý của tiền nhân để lại, dạo chơi giữa ranh giới xưa và nay, những dấu
ấn của nền văn minh xa xưa đó nay đã thương tích chất chồng, dường như
tất cả trước mắt đều là sự bình tĩnh đã được ngụy trang. Nhưng chúng ta
không có cách nào xé bỏ cảnh tượng này, để cho sự phi thường của năm
tháng được phơi bày ra trước mặt.
Tiếp tục đi về phía trước theo
tiếng nước chảy, bạn sẽ thấy những bức tường đá chất tầng tầng lớp lớp
thành muôn hình vạn trạng. Những bức tường đá này không biết là do tự
nhiên tạo thành, hay là do con người cố ý tu chỉnh? Tuy cái đẹp của sinh mệnh bắt nguồn từ tự nhiên, nhưng nếu không trải qua sự nhào nặn của
năm tháng, tự nhiên cũng sẽ biến thành đơn điệu và vô vị. Duy chỉ có
dùng cái tâm thuần túy để thưởng thức, mới có thể phát hiện được chân ý
của cái đẹp.
Chọn một chiếc ghế đá sạch mát để ngồi, ngắm đàn cá
lượn lờ đùa trong nước. Chúng luôn được hưởng thụ những đồ ăn ngon của
du khách cho, không cần lo lắng bị bắt bởi lưới của người đời. Chỉ là có lẽ chúng sẽ thấy chán chường vùng tịnh thổ nhỏ bé này, thà vẫy vùng
trong sông hồ biển lớn, sống cuộc sống bình thường nhất từ xưa tới nay
còn hơn. Cá đã như thế, huống chi là người, vạn vật trên thế gian đều
phải tuân theo quy luật của tự nhiên mới có thể lâu dài vĩnh viễn.
Đường nhỏ vòng vèo, trên tường đá khắc rất nhiều bức thư pháp của danh gia
thời cổ, những thể chữ khác nhau ngụ chứa tâm tính khác nhau của họ.
Những vết khắc sâu có nông có đó không che giấu nổi cuộc đời chìm nổi và cả vận mệnh phóng khoáng của họ. Mỗi một hàng văn tự dường như đều có
thể cho thấy hình bóng thu nhỏ của cuộc đời những con người ấy. Có lẽ
người xưa cũng chưa từng nghĩ rằng, sau vài năm, ở nơi này sẽ lại có một lần tụ hội.
Cổ thụ um tùm, nơi sâu nhất của khu vườn cảnh lại
càng thanh vắng. Đi qua hành lang, đi qua cầu đá, trên mặt đầm có mấy
chiếc lá đỏ rụng, trôi dập dềnh trên mặt nước. Lá đỏ dường như luôn có
mối liên quan đến mùa thu, giữa cái se se lạnh của mùa thu luôn mang
theo chút buồn man mác. Mà những người dạo chơi trong khu vườn không
biết là sẽ làm kinh động giấc mộng của ai.
Lòng vòng quanh hang
núi suối khe, khi đi ra, lại về con đường lúc mới đến. Đời người tựa như một vòng luân hồi, bốn mùa luân chuyển, triều đại đổi thay, cho dù
phong vân biến ảo như thế nào, đến một ngày nào đó, đều quay trở về
phẳng lặng. Ký Sướng viên cũng như vậy, trải qua phồn thịnh và suy
thoái, kế đó lại được những người của các triều đại khác nhau tu sửa và
phá hỏng, làm sao còn có thể như lúc ban đầu? Khi chúng ta nhìn thấy
những kiến trúc cổ được tân trang đó, rất nhiều thợ thuyền đương nhiệt
tình ra sức tu sửa trang trí. Vài năm sau, gạch xanh ngói đen dần dần
thay đổi, lại không nhìn ra nổi những vật cũ của năm nào. Những người
đến tìm mộng năm đó, còn có thể tìm được những gì?
Đường đến là
đường về, có lẽ Ký Sướng viên vẫn còn rất nhiều phong cảnh, đợi chúng ta đến khám phá; và còn có rất nhiều câu chuyện, chờ được chúng ta phát
giác. Nhưng đời người khó tránh khỏi lầm lỡ, chúng ta không cần phải cố ý kiếm tìm.
Đều là khách qua đường, nên chẳng thể là người trở về
của chốn này, cũng không cần quyến luyến với cây cỏ nơi đây. Cho dù
tương lai có thể trùng phùng hay không, chỉ cần lưu giữ lại ký ức về non nước lầu gác, ung dung qua ngày, thưởng thức niềm vui của đời người là
tốt rồi.
Đi ra khỏi khu vườn Giang Nam, trong con ngõ nhỏ lát đá
xanh kéo dài tít tắp là những ngôi nhà vùng sông nước. Ở cửa ra vào bày
những chiếc ghế tre cao thấp khác nhau, các cụ già túm tụm uống trà trò
chuyện. Không biết trên chiếc sào phơi áo vắt trên cửa sổ gỗ kia treo
chiếc váy hoa của nhà ai, đang phất phơ bay bay trong làn gió nhẹ. Không hay những người khách qua đường lưng đeo tay nải ấy, bến tiếp theo sẽ
đi về đâu?
Tháng năm như nước, sẽ có một ngày chúng ta đặt hành
trang của thế tục xuống, trở về thị trấn nhỏ có ngói đen tường trắng
này. Khi ấy, uống một ly trà nhàn nhã từ sớm hôm tới hoàng hôn, cùng bầy én bay về hồi tưởng lại đoạn quá khứ mây nước đó.
Thành cổ Đại Lý
Mỗi con người đều có một tòa thành thuộc về chính mình, cho dù tòa thành đó rộng rãi hay nhỏ hẹp, phồn hoa hay lạnh lẽo. Chỉ cần trong thành có một người, một ký ức, một phong cảnh mà mình nhung nhớ, thì đều nguyện một
đời ở lại nơi đó. Đại Lý, từng là một tòa hoàng thành, và cũng là một
tòa Phật quốc, đã từng có phong hoa tuyết nguyệt, lại ẩn chứa Vân Thủy
Thiền Tâm. Biết bao người bước vào tòa thành này liền không kìm được yêu mến nó. Có lẽ nó không phải tòa thành định mệnh của bạn, nhưng chắc
chắn rằng, tất cả mọi người đến đây đều không thể quên được nó. Đến Đại
Lý là vì mối duyên tình không dứt từ kiếp trước.
(1) Thương Sơn Nhĩ Hải
Đây là một thành thị nổi danh nhờ phong hoa tuyết nguyệt, chỉ cần bước vào
Đại Lý, giơ tay ra là có thể sờ được vào sự lãng mạn, cúi mày là có thể
chạm tới sự dịu dàng. Nói đến Đại Lý, rất nhiều người đều nhớ đến “Thiên Long Bát Bộ[19]”, nhớ đến Lục Mạch thần kiếm, nhớ đến hoa trà của Đại
Lý, nhớ đến Đoàn Dự văn nhã đa tình. Một tiểu quốc phía Nam, cho dù là
giang hồ mưa máu gió tanh cũng chưa từng càn quét nơi này. Dường như nó
luôn là một vương giả vô tâm, không thích phân tranh chiến loạn. Cho nên từ rất nhiều năm về trước, nó đã trút bỏ sự uy nghiêm của đế vương,
đóng cổ thành thành một cuốn sách năm tháng êm dịu, để muôn vàn bách
tính cùng điềm tĩnh ngồi đọc.
[19] Thiên Long Bát Bộ: Tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng của Kim Dung.
Thương Sơn Nhĩ Hải (núi Thương biển Nhĩ), là phong cảnh tự nhiên của Đại Lý,
chỉ riêng chúng đã đủ sức để mang lại sự lãng mạn tuyệt đẹp cho thành
phố này. Tuyết Thương Sơn ngàn năm không tan, trăng Nhĩ Hải vạn cổ
trường tổn, còn có suối Hồ Điệp trong vắt mát rượi, chúng đồng hành với
thời gian của Đại Lý, nuôi dưỡng tinh thần của cổ thành, khi rất nhiều
thành thị trong lịch sử dần dần đánh mất dung mạo thuở xưa, Đại Lý vẫn
giữ được khuôn trang thanh tân như thuở ban đầu. Những chúng sinh mê đắm trong phồn hoa đó, trong những tháng ngày hối hả, đến cả vui buồn cũng
đều vội vã. Khi họ bước chân vào Đại Lý, liền cảm thấy yêu sự đơn giản
và yên bình, tĩnh lặng nơi này. Mới biết rằng, hóa ra cuộc sống cũng có
thể chậm lại như thế, dạo bước sân vắng chính là trạng thái nhân sinh
hoàn mỹ.
Tuyết Thương Sơn óng ánh nhuần nhã; mây Thương Sơn biến
ảo đa dạng; suối Thương Sơn ngọt ngào tinh khiết. Chi cần vô tình tới
thăm, không cần một lời hẹn ước, mỗi du khách đều có thể tan vào Thương
Sơn. Để bản thân ngọc khiết băng thanh như tuyết, yểu điệu rung động như mây, tâm sáng kiến tính như suối. Nước Nhĩ Hải phẳng lặng xanh biếc;
gió Nhĩ Hải ôn tồn êm ái; trăng Nhĩ Hải trong vắt sáng soi. Nước nơi này cũng từng sóng lớn ập bờ, nhưng càng lâu về sau, lại càng phẳng lặng
không gợn. Gió nơi này có thể trị thương, ngồi trên thuyền, những nỗi
buồn thương của mặt hồ xanh thẳm của quá khứ, dần dần được xoa dịu trong gió. Trăng nơi này trong sáng đến mức có thể cầm sách ngồi đọc, nhóm lò nấu trà. Lúc yên ả, cũng có thể thưởng thức hương trà, gối đầu lên ánh
trăng mà ngủ thiếp đi.
Ở Đại Lý, Thương Sơn Nhĩ Hải, có thể nấu
thế vị nồng đậm thành một bát trà nhạt. Người đến Đại Lý, từ ngày đầu
tiên sẽ yêu ngay bát trà này. Trà này, giống như cuộc sống ở Đại Lý,
thanh đạm, yên ả, êm đềm.
(2) Ba tháp chùa Sùng Thánh
Đại
Lý, nhờ có chùa Sùng Thánh, nên mới có danh hiệu Diệu Hương Phật Quốc.
Mà ba ngọn tháp ở chùa Sùng Thánh sừng sững tọa lạc trong thành cổ với
một khí thế vững vàng phi thường, lưng dựa Thương Sơn, mặt đối Nhĩ Hải,
chứng kiến văn hóa Phật giáo của Đại Lý, phong tình nghìn năm của Vân
Nam.
Đây thực sự là một tòa Phật đô, năm đó phong trào sùng Phật
hưng khởi, chùa Phật lớn nhỏ có đến hơn ba ngàn ngôi, phân bố khắp trong nội cảnh Vân Nam. Phật gia chú trọng duyên pháp, tin vào nhân quả,
trong thành Đại Lý trên từ đế vương khanh tướng, dưới xuống bình dân
bách tính, đều kết túc duyên sâu đậm với Phật. Trong hai mươi hai đời
quốc vương Đoàn thị của nước Đại Lý, có chín vị hoàng đế từ bỏ hoàng vị, đến chùa Sùng Thánh xuất gia. Chúng ta cơ hồ có thể tưởng tượng được,
Đại Lý khi đó gần như bị khói hương bao trùm, khắp nơi là Thiền vị từ bi thấm đẫm.
Tâm có bồ đề mới có thể giác ngộ nhân sinh. Tu Phật,
tức tại tu tâm, không phải là tránh đời, không phải né trần, mà là vì
siêu thoát cho bản thân, độ hóa cho muôn vàn chúng sinh. Ngước trông ba
tháp, dưới bầu trời xanh, trong làn nước biếc, khiến lòng người chợt nảy sinh một cảm giác thanh tĩnh xa xôi và đầy sức sống. Dường như Đại
Thiên thế giới, vạn vật ảo diệu, đều dung nạp trong đó. Trên thế gian
này, không một độ cao nào có thể vượt qua nó; không một loại tâm tình
nào có thể đuổi kịp nó.
Tháp chính của ba tòa tháp có một cái tên rất nặng tình, gọi là Thiên Tầm (nghĩa là: nghìn lần tìm kiếm). Không
biết năm đó ai đã đặt một cái tên sinh động đến vậy cho bảo tháp, có thể là một vị cao tăng, có thể là một vị đế vương, hoặc có thể chỉ là một
kiến trúc sư bình thường. Thiên Tầm, Thiên Tầm, không ai biết nội dung
sâu sắc ký gửi đằng sau hai chữ Thiên Tầm là gì, có lẽ phải là một câu
chuyện đầy xúc động. Chỉ là, qua mây nước nghìn năm, tên ngọn tháp này
vẫn làm cảm động vô số người.
Ba tòa tháp của chùa Sùng Thánh có
tạo hình tương tự với Đại Nhạn tháp, Tiểu Nhạn tháp ở Tây An, là kiến
trúc mang phong cách đời Đường, dát vàng đỉnh tháp, thể hiện sự tôn quý
và hoa lệ một cách rõ ràng. Ba ngọn tháp mạnh mẽ, vươn thẳng vào trời
xanh, khí thế hùng hồn. Trên tầng mây, dường như đang có nghìn Phật tĩnh tọa đài sen, lặng ngắm phàm trần suy thịnh. Những người ngồi nhìn hai
bờ của thời gian đó, năm năm tháng tháng, đã không biết đổi thay bao
lần. Mà ba tòa bảo tháp trải qua ngàn năm mưa gió, vẫn nguy nga sừng
sững. Không tìm kiếm nữa, không đợi chờ nữa, chỉ vì ở Phật quốc này, tu
một đoạn duyên phận, độ một người qua đường, đổi lấy một khoảng mát
lành.
(3) Nhà ở của dân tộc Bạch ở Hỷ Châu
Nói đến dân tộc Bạch, rất nhiều người sẽ nghĩ tới bộ phim “Năm đóa kim hoa” nổi tiếng
trong và ngoài nước, bộ phim này đã phô bày cho khán giả xem phong tục
nhân tình của dân tộc Bạch giỏi ca múa, khiến những người chưa từng tới
Đại Lý càng thêm phần ngưỡng mộ đối với văn hóa lịch sử mê hồn của tòa
thành này. Những người đến đây càng nguyện ý trồng cho mình một cái cây, nhuộm một tấm vải, hái một cành hoa, chỉ vì muốn một ngày nào đó trong
tương lai, có một lý do để mà nhung nhớ.
Hỷ Châu, một tiểu trấn
tọa lạc giữa vùng non nước, giống như chốn đào nguyên thế ngoại, người
biết đến nó có lẽ không nhiều. Nhưng dân cư Hỷ Châu lại đặc trưng cho
phong cách của dân tộc Bạch ở thành Đại Lý, người đến Đại Lý nhất định
sẽ tìm đến nơi này. Nó im lặng giữ gìn thời gian xa xưa của thị trấn,
đợi chờ tri kỷ một đời trong duyên phận của mình.
Trời Hỷ Châu
xanh ngăn ngắt, mây bay la đà, hễ bạn vươn tay ra là có thể hái được một áng mây bạn muốn. Nhà nhà ở Hỷ Châu đều có đình viện, họ trồng hy vọng
trong sân, cày xới xuân thu, truyền ngày tháng thu hoạch lại cho đời
sau. Đình viện nơi đây rất xưa cũ, gạch xanh ngói đen, và còn những bình phong, cửa sổ điêu khắc hoa văn tinh xảo, cho dù trầm lặng, nhưng không phút nào giây nào quên nói cho khách đến biết quá khứ xa xăm của tiểu
trấn Hỷ Châu.
Phố cổ Hỷ Châu là một người già biết bao câu
chuyện, đi ngang qua đó, những năm tháng lịch sử xa xôi ấy sẽ chậm rãi
xuất hiện, dường như không cần xét đoán, cũng biết được câu chuyện đời
này kiếp trước của Hỷ Châu. Cỏ cây, tường núi, lầu cửa, phường nhuộm nơi này, sẽ không hề mệt mỏi đem những ký ức đã cất giấu giao phó cho mỗi
người đi tìm nó.
Người dân tộc Bạch chất phác, sống cuộc đời hạnh phúc nơi cổ trấn Hỷ Châu. Sự yên tĩnh, bình yên và cổ kính nơi đây
khiến người ta cảm thấy thân thiết và yêu thích tự đáy lòng. Thời gian
thật có tình, sẽ không vội vã trôi qua. Chúng ta có thể thong thả ngắm
nhìn những người già trồng hoa chăm cỏ trong những khoảnh sân vườn,
những bà mẹ rửa rau bên khe suối, những cô gái nhuộm vải trong phường
vải, những đứa trẻ nô đùa bên góc tường. Cho đến khi sự xúc động trong
trái tim dâng đầy đôi mắt, khoảnh khắc này, bạn cũng đã chìm vào những
câu chuyện trăm năm của Hỷ Châu. Từ đây về sau, chỉ cần nhắc đến ký ức
này, cho dù mê lạc nơi nào, đều có một bến đò dẫn dắt bạn lên bờ.
Có lẽ, chúng ta đều không phải là chủ nhân của nơi này, nhưng đời này đã
định rằng sẽ có một đoạn tình duyên như bèo tụ. Ngỡ rằng năm tháng âm
thầm thay đổi, quay người, hóa ra năm tháng vẫn nơi đây.
(4) Thành cổ Đại Lý
Ai cũng nói nói thành Đại Lý bốn mùa như xuân, có gió dịu nhẹ, có mây bảy
màu, hoa cỏ xinh tươi và ánh dương trong sáng. Đến nơi này là có thể
lãng quên giang hồ, vứt bỏ quá khứ rối rắm, chuyên tâm làm một người
cuồng nhiệt yêu mến cuộc sống.
Đi qua tường thành cổ kính của Đại Lý, lịch sử của cả vương quốc Đại Lý như một cuốn sách không có chữ,
khắc hết thảy nền văn hóa lâu dài vào bức tường cổ này. Đứng ở phía bên
trong tường thành có thể thực sự chạm được vào mây khói yên tĩnh, sự mềm dịu tinh tế và cả sự dịu dàng ngày hôm qua của tòa thành này. Thành cổ
Đại Lý mộc mạc cổ kính mà u tĩnh, hoa cỏ phủ kín khắp thành, nước suối
trong vắt chảy róc rách. Người Đại Lý trồng rất nhiều loại hoa trong sân vườn nhà mình, sống cuộc sống chậm rãi. Hàng ngày, trên gương mặt mỗi
người đều ánh lên nụ cười bình thản, thật lòng yêu mến cuộc sống của
mình.
Đây là tòa thành mà người ta không nhẫn tâm phụ bạc, cũng
không thể phụ bạc. Từ khi tỉnh dậy ban sớm, đón nhận tia nắng đầu tiên
của thành cổ, là đã định trước bị tòa thành này cảm nhiễm. Nó không cần
nghiêng thành vì bạn, chỉ cần dưới bầu trời Đại Lý, nói chuyện với một
đóa mây trắng, uống một chén sương trong lành của trà hoa núi, đánh một
ván cờ với một cụ già dưới bóng cây, hay nhặt một làn rau cùng cụ bà
trong một khoảng sân. Một ngày bình dị được người Đại Lý ngâm trong ly
trà, vẽ lên cửa sổ, nhuộm mài trong vải. Lúc hoàng hôn, tiểu thành thong thả lại càng yên tĩnh hơn trong sắc chiều. Những dây leo xanh thẫm leo
trên tường luôn nhắc nhở chúng ta nhớ về một cuộc gặp gỡ không thể nào
quên của nhiều năm về trước. Người trở về, ngửi thấy hương hoa, giẫm lên ánh tà dương như dát vàng, là đang tiễn biệt hoàng hôn, nghênh đón ánh
trăng.
Đây là một tòa tiểu thành đắm chìm trong hồi ức, mỗi một
phong cảnh của nó đều khiến thời gian muốn dừng bước, hoài cổ một cách
dịu dàng với nó. Đã thấy phong hoa tuyết nguyệt, lại thấy Thiền Tâm Vân
Thủy, hành trang của năm tháng đã ních đầy. Sân khấu của lịch sử, mỗi
ngày đều đổi thay nhân vật, Đại Lý, nhất định còn có rất nhiều truyền kỳ mà người ta không biết. Những câu chuyện đó được cất giấu trong đóa mây bảy sắc, cất giấu trong đời sống vụn vặt, hết thảy đều gửi gắm cho ngày tháng, thưởng thức từng chút từng chút một.
Nếu như có thể, hãy
để bản thân biến thành một chú bướm màu bay lượn bên Hồ Điệp, hoặc là
một đóa mây trắng lướt qua tường thành, chuyên chở cuộc gặp gỡ và ly
biệt này. Chỉ cần không bay qua Thương Sơn Nhĩ Hải, lúc vươn tay, chúng
ta có thể chạm vào tòa thành tên là Đại Lý này, tòa thành cả đời chẳng
thể nào quên.