Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chương 3: Bồ đề hoa nở hoa lại rụng



Đều nói nhân gian là
sân khấu, những chúng sinh đi xuyên qua hồng trần, mỗi ngày đều bận rộn
diễn một vở kịch gọi là cuộc sống, đi qua biết bao cây cầu, nhìn qua vô
số mây bay, kinh qua trăm ngàn lần tụ tán, rồi một ngày, liệu có cần gỡ
bỏ trang sức đời người, trở lại với bản ngã thuần khiết thanh tịnh hay
không? Dưới gốc bồ đề bình thản tu hành, ngắm núi xanh che mặt trời,
nước biếc không gợn sóng.

Bốn mùa luân chuyển, những vách đá có
cây đã trải qua ngàn vạn năm đó, cũng chẳng tránh nổi vòng luân hồi
tháng năm. Kỳ thực, tất cả con người đều có lựa chọn của riêng mình, mỗi một bến đỗ đều là bản thân cam tâm tình nguyện dừng lại, nhân quả chưa
từng nợ chúng ta điều gì, chúng ta cũng không có lý do gì để oán trách.
Tu hành là một vị thuốc, vị thuốc này có thể biến kẻ ngu muội thành
người thông tuệ, khiến kẻ say sưa thành người tỉnh táo, khiến kẻ cuồng
si sớm được giác ngộ. Vì vậy chúng sinh nên lập tức cắt bỏ trần duyên,
đoạn tuyệt nợ nần, mang hành trang gọn nhẹ lên đường, đi tìm hoa bồ đề
nở đã từng thấy trong giấc mộng.

Tất cả của ngày hôm qua đều là
chuyện cũ xa xưa, trút bỏ mớ trang sức thời gian, ung dung bước ra khỏi
thế giới phù hoa, tâm hồn trong vắt như nước. Từ đó về sau, thuyền chài
xướng hoạ, thưởng trăng buông cần, mặc kệ hoa lau như tuyết, mây khói
bao trùm. Dưới gốc cây bồ đề, cỏ bồ vẫn như xưa, đây là một đạo tràng từ bi, vạn vật sinh linh trên thế gian đều có thể tu hành tại đây, chẳng
hề phân biệt. Những câu chuyện đã từng mơ hồ, nay bắt đầu sáng tỏ, những tình cảm đã từng mông lung vô định, nay cũng đã chấp nhận bỏ qua.

Tu hành là một sự siêu thoát tự do mà thanh cao. Cái gọi là đi đến nơi sơn cùng thuỷ tận, ngồi ngắm mây bay, chính là cảnh giới của tu Thiền. Cũng có nghĩa là tìm được vẻ đẹp giản đơn giữa thiên nhiên non nước trong lộ trình nhân sinh vốn quanh co gập ghềnh. Chứng ngộ thực sự, không chỉ là có được sự yên ổn giữa lúc nóng vội, cũng có được sự giải thoát từ
trong nỗi cô đơn; không chỉ là phóng thích sự nhiệt tình, mà còn làm
bình ổn sự lạnh lùng. Điều chúng ta cần, không phải là khiến bản thân
chuyên tâm tu luyện, lĩnh hội sâu sắc như thế nào, mà là phải loại bỏ
phồn tạp giữ lại giản đơn, ung dung tự tại.

Năm đó Lục Tổ Huệ
Năng từng có bài kệ rằng: “Bồ đề vốn không cây, gương sáng chẳng phải
đài. Vốn không phải một vật, chỗ nào bám bụi bặm?” Lục Tổ đang điểm hoá
chúng sinh, tất cả sự vật trên thế gian đều là hư ảo. Có người nói, tu
hành như thế nào mới có thể quên sạch mọi thứ của kiếp trước, thanh thản sống ở kiếp này. Vừa không phải tiêu cực trốn tránh, vừa không phải khó khăn chọn lựa, là đã có thể xoá sạch quá khứ rồi.

Uống một chén
canh Mạnh Bà, như thế có thực sự xoá bỏ được mọi ký ức, lãng quên mọi
yêu hận vui buồn hay không? Có lẽ bản nghĩa của canh Mạnh Bà không phải
là khiến mỗi con người dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, mà là hy vọng
mỗi con người có thể tẩy rửa hành trang phù phiếm trên mình. Từ đây cáo
biệt hoa cỏ tầm thường của hồng trần, được phục sinh dưới gốc cây bồ đề. Vậy hãy qua đò như Thế Âmà đi, rời khỏi cây cầu đơn sóng nhỏ, mây biếc
liễu xanh, ở bờ bên kia của mặt sông soi bóng bầu trời bao la, tìm được
đoá hoa bồ đề thuần khiết.

Những điều đã nói đó, những người đồng sinh cộng tử chốn nhân gian đó, cuối cùng chỉ còn lại một nụ cười cáo
biệt nhau, cùng lãng quên nhau trên chốn giang hồ. Có lẽ một ngày nào đó trên con đường cầu Phật, sẽ lần nữa trùng phùng, nhưng những lời thề
non hẹn biển của ngày hôm qua đã sớm bị lãng quên, ai vui chuyện người
nấy. Dưới gốc cây bồ đề, biết bao sinh mệnh ngu ngơ chậm chạp đều có thể được đốn ngộ. Họ bắt đầu tôn trọng mỗi loại sinh linh, bắt đầu tin rằng hết thảy mọi thứ trên đời đều là tự nhiên, không một chút cưỡng cầu.

Lưng đeo hành trang Thiền là bước ra khỏi nơi phàm trần sâu thẳm nhất, núi
xanh làm màn, nước chảy làm giường. Một mình buông câu trên sông Tuyết
là ta, chặt củi ở núi Nam là ta, dạo bước trong mây là ta, gối đầu lên
đá tảng cũng là ta. Chỉ có đồng hành cùng tự nhiên, mới có thể không bận tâm đến năm năm tháng tháng, để mặc bóng câu qua cửa, nội tâm như giếng cổ không gợn sóng. Nếu như lạc lối chốn đồng hoang hay say ngã trước
rừng phong, chỉ cần tìm được một gốc bồ đề là tìm được chốn về. Giữ một
khoảng trời tinh khiết, cảm nhận tự nhiên, ngắm nhìn vầng dương lặn,
ngọn gió mát lành, núi sông tĩnh mịch.

Độ lấy nước là đường, sen
là thuyền. Những người cùng bạn chung thuyền vượt sông năm đó, không ai
có thể đi với bạn đến điểm cuối cùng. Một số người giữa đường từ biệt,
một số người đi lướt qua nhau, một số người vô tình tụt lại. Nhưng chúng ta nên tin rằng, cho dù con đường có xa xôi bao nhiêu, chúng ta đều có
thể tìm được một bến bờ thuộc về riêng mình. Cho nên, đừng bao giờ nghi
ngờ sự thiện lương trong một con người, bởi vì đối diện với khốn cảnh,
chúng sinh sớm đã học được lòng khoan dung và tha thứ.

Tất cả
duyên phận trên thế gian vốn đều tầm thường và nhạt nhẽo. Vì có những
câu chuyện lưu chuyển đến nghìn năm, có những sự đợi chờ xoay vần đến
vạn kiếp, mới khiến người ta cảm thấy sự gặp gỡ của kiếp này không dễ gì có được. Những hạnh phúc và đau thương mà chúng ta chứng kiến cùng trôi dạt trên một dòng chảy, đến cuối cùng đều không tách bạch nổi ý nghĩa
của hai bên. Tháng năm trôi qua trong câm lặng, những người những việc
đã từng gặp, dần dần xa vời rồi trở nên nhạt nhoà. Chỉ có đoá hoa bồ đề
vẫn vĩnh viễn còn đó, năm tháng không thể mài mòn. Vẫn tu luyện trong
hồng trần, vẫn trong sáng thanh tịnh, vẫn an ổn vui vầy, bình yên hiền
hoà như cũ.

Phật nói: “Đời người sống trên trần thế như sống giữa bụi gai, tâm không động, người cũng không làm bừa, không động thì không bị thương; nếu tâm động thì người sẽ làm bừa, tổn thương thân thể, đau
đớn cốt tủy, thế nên lĩnh hội đủ mọi đau khổ trên thế gian.” Bất cứ lúc
nào đều phải làm một bản ngã đơn giản, trong sạch, đối đãi một cách
khoan dung với cuộc sống, trân trọng bản thân và mỗi người xung quanh
mình. Chỉ có như thế, mới có thể có một trái tim sạch sẽ trong sáng như
pha lê. Cho dù vô tình bị bụi bặm của thời gian che phủ, cũng trong đục
rõ ràng. Ba ngàn thế giới, bóng hình thoáng qua, cái chúng ta nhìn thấy
được chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi, một làn nước thu, một mảnh trăng
khuyết.

Mơ một giấc mơ thanh khiết như nước, trong mộng không
biết bồ đề đã mấy độ nở hoa. Giữa xứ Phật mênh mông vạn Phật, nghìn năm
cũng chẳng qua là một sát na, mà sát na lại là vĩnh viễn. Luôn ngỡ rằng
trên đời này không có ân oán nào là không thể xoá tan, không có lòng
người nào là không thể lay động, những chuyện trăng gió cũ, những món nợ tiền duyên, qua thời gian đều có thể khuây khoả.

Đều nói đời
người là một màn kịch vĩnh viễn không kết thúc, cho nên dù giang sơn đổi chủ, bãi bể nương dâu, đều chỉ là quy luật tự nhiên. Lá rụng núi vắng,
đường nhỏ xanh râu, dù cho đã từng cáo biệt thì vẫn sẽ không hẹn mà gặp. Đợi đến khi bụi bặm của tháng năm đều được gạn lọc, hãy coi mỗi ngày
đều là một ngày đẹp, hãy coi mỗi người đều là lần đầu gặp gỡ trong cuộc
đời, hãy đổi mỗi đoá hoa thành muôn hồng ngàn tía.

Sau này mới
biết một bài hát tên là “Hoa bồ đề”. Thanh âm trong trẻo uyển chuyển cất lên kể hết sự tình ngàn năm, khiến người ta quên mất tu hành, không kìm được mà nảy sinh trần niệm. Nhưng cũng chỉ là sự tập trung tinh thần
trong thời gian ngắn ngủi, sau khi giai điệu rung động lòng người kết
thúc, chúng ta đều phải từ bỏ. Bất cứ lưu luyến nào đều bị đẩy vào vòng
luân hồi của thời gian, tu luyện nhiều năm cũng sẽ uổng hết công lao.
Cảnh giới của tu Thiền, không phải nước lặng chảy sâu, chỉ là tuỳ duyên
mà an.

Hoa bồ đề

Ta là hoa bồ đề trên cây bồ đề, lạnh lùng nhìn bụi trần ngàn năm chốn nhân thế.

Chàng lưu luyến dưới gốc cây, khoảnh khắc ngoái đầu nhìn nhau đó, khắp đất trời chỉ còn lại hàng mi như tranh vẽ của chàng.

Mặt hồ in bóng chiếc áo trắng tựa tuyết của chàng bên cạnh hoa sen, trần niệm nổi lên, hồng đậu vì ai mà nở.

Mặt hồ in ánh mắt như trăng soi bóng nước của chàng, từ đây khắc cốt ghi tâm, một đời vương vấn.

Ta quên mất sự tu hành nghìn năm, luân hồi thành người phàm trần.

Chỉ để tìm một người trong hồng trần, cùng đi đến chân trời góc bể.

Nhớ đến khi thêu rèm cửa sổ, bóng dáng thanh tú tĩnh lặng chìm khuất, ai người tiếp đón.

Giữa biển người mênh mông, nương dâu biến ảo, lại một mùa hạ trôi qua, bước chân ta đã loạng choạng, tóc bạc trắng như tơ.

Năm xưa dưới gốc cây bồ đề, ai đang uổng công than thở, trên mặt hồ thấp thoáng một đoá hoa bồ đề.

Ta là hoa bồ đề trên cây bồ đề, lạnh lùng nhìn bụi trần ngàn năm chốn nhân thế.

Chàng lưu luyến dưới gốc cây, khoảng khắc ngoái nhìn nhau đó, khắp đất trời chỉ còn lại hàng mi như tranh vẽ của chàng.

Trường đình mười dặm nhớ áo choàng của chàng tung bay đón ráng bình mình, rượu trong một chén cơn say gẩy tì bà.

Trường đình mười dặm nhớ áo mỏng của chàng buông trên tuấn mã, mưa dầm một trận biết bao lời tương tư.

Ta đã quên mất tu hành ngàn năm, để đi tìm chàng.

Có biết bao nam thanh nữ tú tình sâu như biển, lại trở thành kẻ xa lạ giữa nhân gian. Biết bao nhiêu lời hẹn ước dài lâu như trời đất, lại trở
thành tơ lả tả bay trong gió. Tất cả đều không quan trọng nữa, trước đức Phật từ bi, những chuyện vụn vặt hồng trần ấy đã sớm không là gì. Ngày
sau còn dài, nếu như có duyên, nguyện cho thế gian, cho bạn cho tôi, đều có thể tụ hội dưới gốc cây bồ đề, uống vài chén Thiền trà, đọc vài
chương kinh văn, ngắm hoa bồ đề rụng rồi lại nở.

Làm một đoá sen xanh trước Phật

Có lẽ chúng ta đều biết, trong vạn vật, thứ được chúng sinh coi là có Phật tính nhất, đó là hoa sen xanh trước Phật. Làm một đoá sen xanh trước
Phật, mọc lên từ giữa dòng tịnh thuỷ, không chỉ là mơ ước của tín đồ, mà còn là tâm nguyện của chúng sinh.

Dường như bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, chỉ cần làm một đoá sen xanh trước Phật, là có thể cất giữ mọi quá khứ trong toà thành tên gọi là kiếp trước. Bất luận đã từng nếm
biết bao khói lửa nhân gian, đều có thể trở về thuần khiết chỉ trong sát na. Chúng sinh mê đắm phong cốt của hoa sen, yêu sự thanh tĩnh, mát
lành, độc lập của nó.

Nhiều năm trước, Phật và hoa sen đã có tình cảm thắm thiết. Thắng cảnh Linh Sơn, vạn Phật ngồi nghiêm trên đài sen, chúng sinh cúi lạy. Chư Phật ban phát yêu thương, không khước từ những
người thấp hèn, giảm nỗi khổ bị giày vò cho chúng sinh, tránh những luân hồi không cần thiết. Từng có lúc, Phật cũng đã du lịch chốn trần ai xa
thẳm của nhân gian, đã từng trải qua buồn vui tan hợp. Nhờ độ hoá cho
loài sinh vật nào đó trở nên lương thiện, mới từ bỏ vọng tưởng và chấp
trước, có được sự bình thản và an nhàn như ngày nay.

Làm một đoá
sen xanh trong nước, ở yên một góc trước Phật, mỗi ngày nghe tiếng gió
vi vu khe khẽ thổi qua nơi góc thềm, nhìn ngắm bóng trăng mơ hồ thưa
thớt. Cho dù ngày tháng bên ngoài lan can trôi qua chậm chạp bao lâu,
hoặc là đi nhanh bao nhiêu, sen vẫn luôn như thế. Những người từ hồng
trần đến trước Phật gỡ mọi hành trang thế tục xuống, trở về với bản
nguyên, cùng một đoá sen bắt đầu cuộc đối thoại bằng tâm hồn, vừa kéo
dài vừa thanh tịnh.

Sen dùng từ bi để thanh tỉnh tự chủ, nghe
quen tiếng trống chiều chuông sớm, đọc kỹ kinh kệ thi văn, sớm đã tịnh
hoá thành vật thuần khiết, có linh tính. Sen trồng trong “nước Nhược ba
ngàn[20]”, một đời thanh bạch, khiến sinh linh ly tán trong nhân gian
không còn âm thầm đau thương nữa. Cây sen xanh đó cũng không biết mình
đã tu luyện bao nhiêu năm trước Phật, ngâm sâu trong nước, đâm thẳng lên cao, từ đây luân hồi cũng thành tươi đẹp.

[20] Nước Nhược ba
ngàn: Thời cổ có rất nhiều dòng sông nước nông mà chảy xiết, không thể
dùng thuyền mà phải dùng bè để vượt qua, người cổ cho rằng vì nước sông
quá yếu nên không chở nổi thuyền, vì thế gọi là Nhược Thuỷ. Dần dần,
trong văn học cổ dùng Nhược Thuỷ để chỉ những dòng nước xiết mà xa xôi,
trong “Hồng lâu mộng” lại dùng để ví với tình yêu sâu tựa biển.

Khi một người đối diện với trần thế bận rộn không cách nào thoát ra được,
so với thoả hiệp để mình ngã sâu vào bể nhuộm, chẳng thà thấu hiểu mà
buông tay. Giữa bốn mùa luân chuyển, ngắm nhìn mây phiêu du bên trời,
trăng treo trên ngọn cây, một cành mai xanh như có như không ngả vào sân vắng. nếu như phàm trần thực sự có biết bao điều không nỡ từ bỏ như
thế, có thể lựa chọn ở lại, chỉ cần không khăng khăng chuyện được mất.
Từ đó về sau, mấy quyển kinh thư, một ly trà trong, tháng năm bình dị,
đạm bạc, giản đơn tĩnh lặng qua ngày, không cầu gì khác.

Bắt đầu
từ lúc nào, chúng sinh ngưỡng mộ sen xanh trước Phật, tuy ngâm mình giữa bùn, mà cách xa khói lửa, thanh khiết như băng như ngọc. Có lẽ trong
những ngày tháng núi cao trăng khuất đó, sen cũng sẽ cô đơn, nhưng trước sau vẫn giữ mình tỉnh táo tự chủ, không kinh sợ, không phiền não. Khi
cô đơn thì tựa vào lan can, ngắm chim én bay về phương Nam tìm tổ ẩm,
hoặc quỳ trên nệm bồ đoàn, nghe Phật Đà giảng chuyện bồ đề năm xưa.

Bờ bên kia lửa đèn sáng rực, bờ bên này gió mát trăng thanh. Xưa nay hồng
trần và cõi Phật đều chỉ cách nhau một bước chân, đành trông vào Phật
duyên và tạo hoá của chúng sinh. Người giác ngộ sớm đã vượt sông lên bờ, dừng lại bên hoa sen mà sống. Còn kẻ u mê vẫn trôi nổi giữa dòng, không nơi neo đậu. Có người nói, đợi đến khi đoá hoa cuối cùng rơi rụng, ly
trà cuối cùng lạnh ngắt, mối tình cuối cùng đứt đoạn, là siêu thoát.
Nhưng sự chờ đợi ấy khiến tóc xanh biến thành tơ trắng. Thời gian trôi
mãi trôi mãi, Phật duyên kiếp này cũng không trở lại.

Tuy nói
siêu thoát càng sớm càng tốt nhưng vạn sự trong nhân gian rốt cuộc vẫn
coi trọng duyên pháp. Không phải vào trong đền miếu là có thể tâm tĩnh
vô trần, dứt bỏ lo âu. Cũng không phải rơi vào lưới trần là vẩn đục
nhiễm tục, không thể giải thoát. Chúng sinh bình đẳng, hoa sen trước
Phật, hoa sen của hồng trần, không hề phân chia cao quý hay thấp hèn. Ai giác ngộ trước người đó có thể ra khỏi bờ bến nhân gian trước, đến cửa
Niết Bàn, từ đó về sau không đến không đi, không buồn không vui.

“Kinh Nghiêm Hoa” viết: “Hết thảy chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, nhưng đều vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể chứng ngộ.” Cùng là sen xanh, cùng nghe Phật Tổ giảng pháp, có đoá chỉ nghe một lần là
giác ngộ, có đoá lại nghe ngàn vạn lần mà vẫn không thấu hiểu. Vì không
chịu được sự tịch liêu lẻ bóng, hay vì tham luyến khói lửa phàm trần,
mọi loại tiền duyên đều tự mình gánh vác. Thiền là gương sáng, có thể
soi thấu ảo tượng mơ hồ của nhân gian, khiến cho cái gì nên ở lại thì ở
lại, cái gì nên đi thì sẽ đi.

Siêu thoát, không cần nhét thêm
hành lý, mà là bỏ tay nải xuống, gột tẩy tâm linh, bỏ qua tất cả. Siêu
thoát là bước ra khỏi hoa rơi, không hỏi tới chuyện hồng trần, làm người đứng ngoài thế tục. Giác ngộ triệt để là không còn mê hoặc vì thế thái, bất cứ lúc nào cũng bộc lộ bản ngã chân thực. Cảnh giới của Thiền, quý
giá nhất không gì hơn tự nhiên thấu tỏ. Cho dù bất đắc dĩ không thể siêu thoát, rơi vào giữa phố chợ cũng sẽ đứng ngoài cuộc, Thiền tâm như nước lặng.

Tâm như sen nở, từng lá từng hoa đều là Thiền. Mọi chúng
sinh yêu hoa sen chính vì sự tự tại thản nhiên một nửa nhập trần, một
nửa thoát tục của nó. Hoa sen chưa bao giờ cho chúng sinh bất cứ lời hứa nào, không định bất cứ ước hẹn nào, bởi vì tất cả chờ đợi hư vô đều là
vô tội. Có lẽ bởi vì hoa sen có Phật tính và sự thanh khiết đặc biệt,
khiến chúng sinh vừa nhìn đã say mê, cho nên họ cầu nguyện, đời này có
thể làm một đoá sen xanh trước Phật, cô độc đếm những ngày tháng tĩnh
lặng tuyệt mỹ, trăng khuyết rồi trăng lại tròn.

Có lẽ chúng sinh
không hiểu, tại sao cây sen xanh đó kinh qua bao bãi bể hoá nương dâu,
vẫn có thể không hẹn mà gặp ở mùa hoa, hơn nữa vĩnh viễn gió nhạt mây
nhàn như thế, không hề bận tâm. Người tu hành giống như hoa sen, rũ bỏ
hết phù hoa, an nhiên mà nở, tự tại mà rụng. Ngồi trên nệm bồ đoàn, độ
cho hết thảy những người có thể độ.

Lý Cao đời Đường viết một bài thơ hỏi về đạo[21] rằng: “Luyện đắc thân hình tự hạc hình, thiên chu
tùng hạ lưỡng hàm kinh. Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết, vân tại thanh
thiên thuỷ tại bình.” (Luyện được hình như thân hạc, dưới ngàn gốc tùng
hai hòm kinh. Tôi đến hỏi đạo ngài chỉ nói, mây ở trời xanh nước ở
hình). Sự tồn tại của Thiền, chính là tự nhiên như thế, như mây trắng
trên trời, như tịnh thuỷ trong bình, rõ ràng trong sáng, giản đơn thuần
phác. Vạn vật nhân gian luôn hướng tới Thiền, người tư thiền, chẳng chia sang hèn, chẳng màng thâm sâu, chỉ cần có một trái tim thuần khiết
hướng đạo.

[21] Bài “Tặng Dược sơn cao tăng Duy Nghiễm”, bài số một.

Vầng trăng bồ đề treo ngoài cửa sổ, đoá sen diệu tâm tĩnh lặng trong nước.
Năm tháng như tuyết, đun trên lửa lò, hết thảy bi hoan đều bị bốc hơi,
chừa lại thứ nước tinh khiết trong vắt cho chúng sinh thưởng thức. Thiền có thể trị thương, có thể giải độc, có thể mang ngọn gió đến cho người
ao ước sự mát lành, đem ánh nắng đến cho người chờ đợi sự ấm áp. Vĩnh
viễn không cần thiền tâm của một người hoài nghi, cũng vĩnh viễn không
cần hỏi nên tu thiền như thế nào, bởi vì thiền là nước chảy mây trôi, là tự tại an nhiên.

Phật nói, cực lạc của kiếp này chính là hoá
sinh thành liên hoa trong Thất bảo trì[22]. Mỗi một người là một đoá
tịnh liên, nếu tư chất tốt, sẽ nở sớm một chút, nếu ngộ tính kém cỏi, sẽ nở muộn một chút. Cùng trên con đường tu hành, cho dù là Thiền định
sóng cả chẳng kinh, hay là khổ hạnh dầm sương dãi gió, chốn về, cũng đều giống nhau. Dù hoá thần vạn triệu lần, cũng chìm đắm trong Công Đức
thuỷ[23] đợi một lần gặp duyên mà bừng nở.

[22] Thất Bảo trì:
Thuật ngữ Phật giáo, chỉ đầm hoa sen do bảy bảo vật tạo thành ở tịnh thổ Tây phương, những người đầu sinh nơi tịnh thổ sẽ được hoá thành hoa sen trong đầm này.

[23] Công Đức Thuỷ: Tức bát nước Công Đức. Trong
thế giới Tây phương cực lạc của Phật giáo, nơi nơi đều có Thất Diệu Bảo
trì, Bát Công Đức thuỷ chày đầy trong đó. Nước này tinh khiết, lạnh
buốt, ngọt lịm, mềm dịu, trơn nhuận, an hoà, khi uống ngoài giải khát,
còn có thể tăng thêm thiện lương.

“Kinh Kim Cương” viết: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, kiến chư tướng phi tướng, tắc kiến Như
Lai.” ( Phàm là cái gì có tướng, đều là hư dối, thấy mọi thứ có tướng mà lại không phải tướng, tức là thấy Phật). Có nghĩa là cảnh giới của
Thiền, cho dù quá trình như thế nào, non nước trùng lặp hay là ngàn vách đá vạn khe sâu, đến cuối cùng, vạn dòng đồng tôn, vạn pháp quy nhất.
Cho nên, trong mỗi một ngày tu hành, không cần trèo đèo lội suối, chỉ
cần hiện tại an ổn, an nhiên nhìn mưa phùn gió nhẹ, mây đến mây đi bên
ngoài cửa sổ mà thôi.

Xuyên qua rừng cây nhân sinh gai góc dày
đặc, phía trước đã là đồng bằng thẳng cánh, trời cao bể rộng. Buông bỏ
chấp ngã, tuỳ duyên tự tại. Kiếp sau nguyện hoá thành đài sen, ngồi dưới thân Di Đà nghe kinh. Dùng tâm từ bi bồ đề, độ chúng sinh như hoa sen.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.