“Mỗi con người đếu có một toà thành thuộc về chính mình, cho dù toà thành đó rộng lớn hay nhỏ hẹp, phồn hoa hay lạnh lẽo. Chỉ cần trong thành có một người, một đoạn ký ức, một khoảng không gian mà mình nhung nhớ, thì đều nguyện một đời ở lại nơi đó.”
“Trà, bắt nguồn từ tự nhiên, trải tinh hoa năm tháng, tắm thử thách xuân thu, từ đó mà có linh tính như phách hồn non nước. Trà có thể dùng để gột bỏ bụi trần, gạn lọc tâm tình, kết nối thiện duyên. Cho nên, người biết cách thưởng trà, cũng là một người tình nguyện để bản thân sống một cách giản đơn và thuần khiết.”
Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên.
Phong cảnh tươi đẹp dường như luôn ở phía xa. Thế nên, có bao người lựa chọn
giữa mùa này an nhiên dạo bước ngắm cảnh hoa nở, lên thuyền thưởng ngoạn hồ nước sóng xuân? Dọc đường phong trần, để kịp ước hẹn với thời gian,
có người sẽ gói ghém áng mây nhàn nhã vào tay nải, có người lại đặt nặng nơi đầu vai. Họ đều đang tìm kiếm chốn cố hương thuộc về tâm hồn đó,
nhưng trong lúc vội vã, lại quên đi đường đến, lạc mất đường về.
Thưở niên thiếu ấy, một lòng chỉ muốn rời khỏi cây cầu đá của làng quê sông
nước, từ đây làm một lữ khách dạo bước nơi góc bể chân trời. Sau này
thực sự ra ngoài rồi, kinh qua gió mưa, lặn lội xuân thu, cũng đã ngắm
hết núi sông tươi đẹp, thì trái tim non nớt thuở nào đã bị năm tháng mài mòn, cũng trải qua biết bao tình cảnh, bao tâm trạng thê lương. Có lẽ
cũng từng nảy sinh tình cảm với non sông cây cỏ, ấp ủ dệt câu chuyện
cùng vạn vật muôn loài, nhưng đến phút cuối cùng, rốt cuộc vẫn chỉ là
những người lạ vô tình lướt qua nhau, người đến tôi đi, ai yên mệnh nấy…
Có một ngày, tôi chèo con thuyền mỏi mệt quay về, tự nói với chính mình,
không cần giả bộ trẻ trung, chờ đợi một cuộc tương phùng lê hoa trắng
tựa tuyết. Quên mất rất nhiều lời đã từng thề ước, nói với người đã từng nắm tay đồng hành rằng, cùng nhau an nhiên tự tại, chớ nên buồn bã sầu
lo. Và sau đó, bình yên sống trong căn nhà cũ nhỏ xinh, ngồi dưới khung
cửa sổ an nhàn, lấy nước xuân hãm một bình trà mới, ngâm hết thảy những
thế sự tháng năm trong đó. Rồi sau lại tin rằng, uống cạn ly trà này,
một cuộc sống mới sẽ lại bắt đầu từ đây.
Dưới ánh nắng mặt trời,
cược sách[1] pha trà, ngồi lặng nghỉ ngơi. Thi thoảng có khách lữ hành
đi ngang qua hiên nhà, chỉ để mượn cớ hỏi một câu: Hoa mai bên đường đã
nở hay chưa? Dương liễu ven hồ còn xanh chứ? Dưới tường xanh ngói đỏ,
cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này lại trở thành một phong cảnh tao nhã. Thời
gian có hạn, lại khiến tôi nhớ mãi sự tiêu diêu tự tại của một người
khách qua đường. Khoảnh khắc quay người, vẫn có thể cảm nhận được sự
luyến lưu thoảng qua trong ánh mắt của đôi bên.
[1] Nguyên văn
“Đổ thư bát trà”: Vợ chồng Lý Thanh Chiểu và Triệu Minh Thành đều thích
đọc sách sưu tầm sách, Lý Thanh Chiểu có trí nhớ hơn người, cho nên mỗi
lần ăn cơm xong, cùng nhau đun trà, lại dùng phương thức thi đấu để
quyết định ai là người uống trà trước, một người hỏi điển cố nào đó lấy
từ trong sách nào, quyển mấy, trang mấy, dòng thứ mấy, đối phương đáp
trúng thì được uống nước, nhưng người thắng luôn vì quá vui, làm rớt
nước trà lên người. Vì thế trở thành một giai thoại đẹp, dùng để hình
dung tình cảm vợ chồng hoà thuận, coi nhau như khách.
Sau này,
cuối cùng tôi cũng hiểu, hoá ra tôi mãi cho rằng mình quay lại cố hương, nhưng không phải, thực tế đôi bàn chân này vẫn luôn hướng về phía
trước. Điểm cuối của đời người, không phải là khi đi đến tận cùng non
nước, cũng không phải sau khi kết thúc sinh mạng, mà là khoảnh khắc trút bỏ hành trang đó. Khi bạn thực sự trút bỏ rồi, cho dù một đời lênh đênh phiêu bạt, cũng có thể nhạt như gió lành, tự tại yên ổn. Nếu như trong
tim có trăng sáng, hà cớ phải sợ ảo ảnh thế gian? Hồng trần khói lửa,
vẫn có thể lặng nhìn hoa rơi, thành thơi ngắm mây trắng đấy thôi.
Dường như đã đi rất lâu, phong cách vốn xa xôi, giờ rõ ràng có thể chạm tay
là tới, lại chần chừ cất bước. Chỉ bởi hẹn ước khó cất thành lời, bởi
bất cứ sự chờ đợi nào đều thúc giục con người già đi, già đi nhanh hơn
cả năm tháng. Những con người vội vã lướt qua nhau, đến như gió, đi như
gió, vì vậy càng nên trân trọng. Thế gian phong cảnh muôn vàn, tôi chỉ
nguyện, mỗi người đều có thể bước vào cuộc đời của chính mình. Một ngày
nào đó, dù là người rẽ lối, dù là người không còn trong tầm mắt tôi, tôi chỉ mong rằng con đường đó luôn suôn sẻ.
Thời gian rất ngắn,
chân trời rất xa. Mỗi non mỗi nước, mỗi sớm mỗi chiều về sau, hãy tự
mình yên lặng đi hết. Nếu như không cẩn thận lạc đường, rơi xuống nước,
cũng nên nhớ rằng, có một dòng chảy, gọi là trùng sinh. Thế gian này,
bất cứ nơi nào, đều có sự sống, bất cứ điểm đến nào, đều có thể là chốn
về.
Vậy thì, đừng đến tìm tôi, tôi cũng không đi tìm bạn. Giữ cho thời gian còn lại, năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên.
Bạch Lạc Mai
Thái Hồ, tháng Ba năm 2012