Năm Ấy Gặp Được Anh

Chương 2: Bạn học nam và bạn học nữ



Lên trung học phổ thông chúng tôi vẫn là bạn cùng lớp. Anh ở lại trường này vì nhà gần, còn tôi là vì không thi đỗ trường trọng điểm của tỉnh. Sau khi bước vào thời kỳ trưởng thành, cuộc sống của tôi lẳng lặng xuất hiện biến hóa. Bắt đầu có nam sinh kín đáo gửi thư cho tôi, tìm cớ chạm mặt trên đường tan học, mọi người bắt đầu tranh luận giữa tôi và một hoa khôi khác của trường ai đẹp hơn. Thậm chí một hôm, đột nhiên tôi phát hiện mình đã ngồi ở hàng trước mặt anh, tự tôi cũng buồn bực không hiểu mình đã thành ra dáng vẻ này từ khi nào?

Chúng tôi bắt đầu nói chuyện trong phạm vi bài vở. Tôi dốt đặc Vật lý, anh lại cực kỳ có thiên bẩm, chỉ ba câu đã giải thích rõ ràng. Trong khi những đề bài tương tự mà nhờ các nam sinh khác, họ ba hoa nửa ngày cũng không ra vấn đề, cuối cùng tôi vẫn phải trực tiếp đi hỏi anh. Tôi ngửa mặt lên trời thở dài, cùng một thầy dạy mà học sinh chênh lệch nhiều như thế, tôi có thể lí giải vẻ mặt nuối tiếc xót xa của phụ huynh và thầy cô dành cho anh.

Học kỳ hai lớp mười một, nhà tôi chuyển đi nơi khác. Tôi bắt đầu đạp xe đến trường. Lúc đi học hay ra về, tôi rất thường hay nhìn thấy bóng dáng anh. Anh rất cao, chân bên phải khỏe khoắn càng làm nổi chân trái dị dạng, anh chống nạng đi rất chậm nhưng vẫn đứng thẳng vững vàng. Có khi tôi sẽ cất tiếng chào khi đi qua anh, có khi giả vờ như không nhìn thấy. Nhưng tôi chưa từng xuống xe đi cùng anh. Cho tới một ngày.

Như thường lệ tôi đang chuẩn bị về nhà, chợt thấy bánh xe xẹp lép. Chuyện như vậy cũng thường xảy ra, quanh trường cũng có mấy hàng sửa xe. Ra khỏi cổng mới phát hiện ra vấn đề lớn: hôm nay cổng trường vắng ngắt, quang quẻ bất ngờ. Mấy quầy sửa xe đó vậy mà biến mất sạch, vào đúng thời điểm tôi cần đến họ. Tôi bất lực đứng giữa đường, làm gì bây giờ… Đúng lúc ấy tôi nhìn thấy anh. Chẳng có gì vui, bây giờ cái tôi cần là hoàng tử cưỡi xe đạp cơ. Tôi nghĩ anh sẽ theo vỉa hè đi ngang qua hoặc giả vờ không thấy, không ngờ anh chủ động dừng lại: “Xe thủng lốp à?” Tôi không lên tiếng, chỉ chán nản nhìn anh.

“Nhà tôi cách đây không xa, nếu cậu không ngại phiền thì dắt xe đi, tôi có thể sửa giúp cậu.”

“Cậu biết sửa xe?” Tôi giật mình nhìn anh chằm chằm.

“Miễn phí. Nhưng nếu cậu ngại thì thôi.” Nếu như đây là nói đùa thì mặt anh cũng quá nghiêm túc rồi.

“Sao có thể… Cảm ơn cậu nhé.” Tôi vội vàng nở một nụ cười lấy lòng.

Tôi dắt xe đi bên cạnh anh, điều chỉnh bước chân theo tiết tấu của anh. Dọc đường anh không nói lời nào cũng chẳng có biểu cảm gì, tôi nghĩ mãi xem nên nói gì, cuối cùng chỉ nói nhảm: “Nhà mình dọn đi, bằng không nhất định không gặp được cậu, trước đây mình ra cổng trường đều rẽ phải.” Anh không tiếp lời, tiếp tục đi đường của anh, tôi trợn mắt đằng sau rồi bước vội hai bước bám theo…

Nhà anh thật đúng là hang sâu ngõ hẻm, rẽ trái rẽ phải rẽ đến choáng váng đầu óc.

“Nhà cậu ở đâu vậy?”

“Nhiều ngõ thế.”

“Trời ơi mình bị choáng rồi.”

“Còn phải rẽ mấy lần nữa?”

“Thôi rồi, mình sẽ không về được.”

“Lát nữa cậu phải đưa mình ra nhé, không mình sẽ lạc đường.”

Tôi đang liến thoắng liên mồm, đột nhiên anh dừng lại, làm tôi giật cả mình.

“Đến rồi.”

“A”, không thể nào, chính là căn nhà mái bằng cũ nát có đến bảy tám bậc thang này?

Khiến tôi giật mình không phải là nó cũ hay nó nát, mà là những bậc thang bên ngoài.

“Cậu đứng đây đợi nhé, tôi sẽ mang dụng cụ xuống sửa cho.”

Sự thật chứng minh là tôi lo hão, cách anh đi lên cầu thang tuy không nhanh nhẹn gì nhưng chính xác là thành thạo. Nghĩ lại, nhiều năm sống ở đây rồi, nhắm mắt cũng đi được.

Đang lúc tôi nghĩ trên giời dưới biển, anh đã trở lại, còn mang theo chiếc ghế đẩu nho nhỏ.

Anh không ngẩng đầu lên, vừa lau tay vừa nói: “Xong rồi, bây giờ tôi đưa cậu ra ngoài.”

Sau khi rẽ n lần, chúng tôi rốt cục cũng trở ra đường cái, tôi thở ra thật dài.

“Bây giờ cậu biết đường về nhà rồi chứ.”

“Ừ.” Tôi có chút mất mát nhìn con đường rộng lớn.

“Mai gặp lại.” Anh xoay người trở vào trong ngõ nhỏ. Con người này, đúng là không dài dòng lan man.

Tôi nhìn tấm lưng anh, đầu tiên có chút sững sờ, sau lại tức giận. Sao lại không mời tôi vào nhà ngồi một lúc chứ, dù sao chúng tôi cũng là bạn học năm năm rồi cơ đấy.

Từ đó về sau, số lần tôi quay đầu lại trong lớp tăng đột biến, tôi tích cực hỏi chuyện anh, anh chỉ hỏi gì đáp nấy, không hỏi câm tịt, cuối cùng biến thành bạn cùng bàn anh tám chuyện cùng tôi. Anh không hứng thú với hầu hết đề tài của chúng tôi, chúng tôi tám chuyện ca sỹ diễn viên những ca khúc thịnh hành- anh cứ như không nghe thấy, tú lơ khơ cờ tướng cờ vây- anh không có biểu cảm, bóng đá bóng chuyền bóng bàn- thỉnh thoảng nhăn mày. Tôi hỏi anh có biết Lưu Đức Hoa- ngôi sao tôi thích nhất không, anh lắc đầu, tôi rất muốn chết.

“Đồng chí à, thành tích học tập có tốt đến đâu cũng chả có ích gì, phải phát triển mọi mặt đức trí thể!” Tôi thành khẩn khuyên. Anh còn chẳng buồn ngẩng đầu. Tôi nhận thua.

Thời trung học lẫn lộn giữa màu hồng và xám. Màu xám, là vì áp lực khổng lồ, màu hồng, là vì mọi người bắt đầu biết rung động, tràn đầy tò mò với người khác phái. Trong lớp lác đác có người yêu sớm, các bạn học sôi nổi truyền tai, giáo viên bắt đầu lặng lẽ tìm mấy học sinh trao đổi, dĩ nhiên đều chỉ là mưa rơi thoáng qua không còn dấu vết dưới những bài kiểm tra, thi thử, khảo sát chất lượng… Thời giờ trôi như lật sách, nghỉ hè và nghỉ đông như cách gọi khác của thời điểm đi học thêm. Chỉ có một ngoại lệ: Kỷ Thế Phàm từ trước tới nay chưa tham gia bất cứ lớp học thêm nào, điều kỳ lạ là thầy cô hình như cũng không yêu cầu anh phải tham gia. Lại một lần nữa tôi ngửa mặt lên trời, bao giờ tôi mới được đối xử như vậy? Tôi mà không đi học chắc sẽ bị xử chết bởi ánh mắt của bố mẹ. Có lúc tôi cũng tự hỏi không biết thời gian nghỉ anh làm gì?

Lại là trên đường tan học, tôi gọi anh từ đằng sau “Kỷ Thế Phàm”. Anh hơi ngạc nhiên nhìn tôi: “Cậu không đạp xe? Xe lại hỏng rồi à?” Anh thế mà chủ động đặt câu hỏi kia đấy, hơn nữa còn tận hai câu, đáng giận hơn tôi thấy rất vui sướng. Tôi có chút bi ai phát hiện, tiếp xúc với anh thời gian dài, tôi có khuynh hướng chịu ngược.

“Mất rồi, mình bắt đầu đi xe buýt.” Tôi bật nói dối mà mặt không đỏ tim không nhảy. Thật ra em xe của tôi đang ngoan ngoãn nằm ở nhà, chỉ là sáng nay tôi dậy muộn nên bố lái xe đưa đến trường.

Anh khôi phục lại vẻ mặt xin mọi người cách xa ngàn dặm, tiếp tục bước đi. Tôi từ từ theo sau. Đột nhiên anh dừng lại: “Tôi đi chậm, cậu phải đuổi theo xe buýt, cậu đi trước đi.”

“Mình…” Nghẹn chết mất, may đầu óc tôi phản ứng nhanh da mặt cũng dày: “Có mấy bài mình không hiểu lắm, cậu giúp mình được không? Về nhà cậu đi, nhà mình xa quá.”

Anh cũng không hề nghĩ ngợi: “Không còn sớm nữa, sáng mai cậu hỏi vẫn kịp mà.”

“Mình không làm được sẽ trằn trọc suy nghĩ cả đêm mất.” Tôi giãy giụa.

Anh liếc nhìn tôi: “Cậu kém vật lý như thế sao không chọn học ban xã hội mà lại chọn ban tự nhiên?”

Hỏi đúng trọng điểm.

“Đấy là bố mẹ mình chọn, bảo học vật lý tương lai có thể làm nhiều công việc. Hơn nữa họ nói không phải mình không học được mà là thiếu nghiêm túc, có tâm lý sợ khó. Mình không học được thật đấy chứ.”

“Mình biết, cậu cũng nghĩ mình rất kém cỏi.” Tôi ủ rũ cúi đầu, giả vờ cũng không làm được vẻ mặt này, nói đến vật lý thì tôi đang hăng hái đến đâu cũng lập tức biến thành ủ rũ.

Anh không lên tiếng.

“Còn cậu, thành tích của cậu tốt thế, tương lai cậu muốn làm gì?”

“Chưa nghĩ đến. Tôi chỉ muốn cố gắng sống mà thôi.” Tôi không khỏi ngẩng đầu nhìn anh. Dĩ nhiên tôi không hiểu thế nào là cố gắng sống, tôi chỉ biết cố gắng học, phiền não lớn nhất trong đời tôi chính là phân số, những thứ khác? Không có. Rất nhiều năm về sau, mỗi lần nhớ lại những lời này tôi đều thấy đau lòng, bởi cuối cùng tôi cũng hiểu rõ cuộc sống của anh khó khăn đến thế nào. Cố gắng sống- ba chữ này thấm đầy những cay đắng ngọt bùi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.