Họ bắt đầu đi chậm trên con đường lộng gió đến thung lũng với những bước chân nặng nề, mệt nhọc của con ngựa già. Charity cảm thấy mình chìm trong sự rã rời, và khi họ đi xuyên qua những cây cối xác xơ, có những khoảnh khắc nàng mất đi sự chính xác về các sự vật. Nàng thấy dường như mình đang ngồi bên cạnh người yêu dưới vòm cây rậm lá đang cúi xuống trên họ giữa mùa hè. Nhưng ảo tưởng này yếu ớt và phù du. Hầu hết những gì nàng có, chỉ là những cảm xúc bối rối của sự trượt chân xuống dòng xoáy mà không thể nào cưỡng lại được; và trong cảm giác vằn vặt đó, nàng quên mình là kẻ đào tẩu.
Ông Royall trở nên ít nói. Lần đầu tiên ông cho nàng có một cảm giác an toàn và bình yên vì sự hiện diện lặng lẽ của ông. Nàng biết, nơi nào có ông thì nơi đó tràn đầy sự ấm áp, yên tâm, tĩnh lặng; và trong chốc lát nàng thấy đó là tất cả những gì nàng muốn. Nàng nhắm mắt lại và những điều này mờ mờ đến với nàng.
Trên xe lửa, suốt con đường ngắn từ Creston đến Nettleton, nàng cảm thấy ấm áp và tỉnh táo, được ngồi chung với những người xa lạ đã cho nàng một chút sinh khí. Nàng ngồi thẳng, đối diện với ông Royall. Nàng nhìn vào vùng thôn dã trần trụi qua cửa sổ. Bốn mươi tám giờ trước đây, khi nàng đi ngang, nhiều cây vẫn còn đong đưa những chiếc lá vậy mà cơn gió mạnh hai đêm vừa qua đã tước sạch không còn một chiếc nào, phong cảnh hai bên đường rõ ràng giống như cảnh của tháng Mười Hai.
Một vài ngày lạnh lẽo của mùa thu đã xóa hết dấu vết trù phú trên những cánh đồng. Giờ chỉ còn lại những lùm cây đứng uể oải thiếu sinh khí mà trước đây nàng đã đi qua vào ngày Quốc khánh 4 tháng 7. Với khung cảnh ủ rũ như thế cũng làm cho con người mất đi sự sôi nổi mà u buồn lây theo nó. Nàng không còn tin rằng mình là người đã từng sông qua những giờ phút đó, nàng là một ai khác đã phạm phải sai lầm mà không thể sửa sai được. Nàng cũng không thể chông lại những gì đã xảy ra, nhưng rồi những dấu vết đó hầu như đã tan biến theo từng bước chân tiến về phía trước.
Khi xe lửa đến Nettleton, nàng đi vào quảng trường bên cạnh ông Royall với cảm giác không có thật càng lúc càng tăng không thể nào chế ngự được. Sự căng thẳng thể xác của một ngày, một đêm nhường chỗ cho những cảm giác mới và nàng theo sau ông Royall một cách thụ động như đứa trẻ đang mệt mỏi. Như một giấc mơ lộn xộn, trong chốc lát nàng thấy mình đang ngồi cùng ông trong một căn phòng dễ chịu, có thức ăn nóng và trà được đặt sẵn ở một cái bàn có phủ một tấm vải đỏ và trắng. Ông rót đầy cốc trà và cho thức ăn vào đĩa của nàng. Bất cứ khi nào nàng nhướn mắt lên thì nàng cũng thấy ông nhìn mình một cách dịu dàng, kiên định giống như khi họ đối mặt nhau trong nhà bếp của bà Hobart.
Đôi mắt đầy thất vọng, trong ý thức của nàng mọi vật càng lúc càng trở nên lộn xộn và vô hình giống như ánh sáng mờ ảo hòa tan vào trong thế giới. Sự hiện diện kiên quyết của ông Royall đã bắt đầu tháo gỡ mọi phiền phức cho nàng.
Nàng đã luôn luôn nghĩ đến ông – khi nàng nghĩ tất cả về ông – thì ông là người đáng ghét và hay gây trở ngại. Ông là người mà nàng có thể đánh lừa và chiếm ưu thế khi nàng chọn kết quả. Duy nhất một lần, vào ngày kỷ niệm “Trở về Mái Nhà Xưa”, những câu ông ta nói, đã tản mạn trôi bềnh bồng trong trí óc buồn phiền của nàng. Nàng cho đó là những lời lẽ thông minh của kẻ thù mà kẻ thù đó lại là người nuôi dưỡng, bảo bọc nàng trong cuộc sống. Qua những giấc mơ của riêng nàng, ông chỉ là người đứng ngoài với thái độ bàng quang đáng kinh ngạc. Rồi trong một lúc, những gì ông nói – và điều gì đó trong cách nói của ông về nó – đã làm cho nàng thấy ông luôn luôn quật ngã nàng theo cách của một người đàn ông cô đơn. Nhưng màn sương mù bao phủ những giấc mơ của nàng giờ đây lại phủ kín ông, và nàng đã quên cảm giác mình là người đào tẩu.
Khi họ ngồi ở bàn, cảm giác cô đơn vô hạn trở lại với nàng, rồi nàng chợt cảm thấy có một sự gần gũi giữa hai người. Tuy nhiên những cảm giác này chỉ là những vệt sáng lờ mờ phát ra từ sự yếu đuôi của cơ thể nàng mà thôi. Chẳng mấy chốc, nàng nhận thấy ông Royall để nàng ngồi lại một mình bên cạnh bàn trong một căn phòng ấm áp. Một lúc sau, ông trở lại với một cỗ xe ngựa từ sân ga. Đó là một chiếc xe ngựa cho thuê có những bức màn che bằng tơ xanh màu bạc. Họ lái xe đến ngôi nhà có giàn dây leo đứng cạnh bên ngôi giáo đường có thảm cỏ phía trước. Chiếc xe ngựa chờ ở ngoài, họ ra khỏi nhà này, đi theo lối đi vào hành lang có ván ốp ở chân tường rồi vào căn phòng có rất nhiều sách. Trong phòng này, một vị tu sĩ mà Charity chưa hề gặp chào đón họ một cách vui vẻ, và mời họ ngồi chờ vài phút trong khi những người làm chứng được triệu tập đến.
Charity ngồi xuống một cách ngoan ngoãn vâng lời, còn ông Royall hai bàn tay để ra sau lưng, chầm chậm nhịp lên nhịp xuống trong căn phòng. Khi ông quay lại và đối diện với Charity, nàng phát hiện ra môi ông hơi run run: nhưng cái nhìn trong mắt của ông thì từ tốn và ngọt ngào. Rồi ông dừng lại trước nàng và nói một cách nhút nhát: “Tóc em bị gió làm tuột”. Nàng nhấc đôi bàn tay lên, cố gắng vuốt cho nó suôn về phía sau và cột chặt bằng dây cột tóc. Có một cái kính soi lồng trong một khung chạm khắc trên tường, nhưng nàng mắc cỡ không dám soi mình trong đó. Nàng ngồi hai tay khoanh trên gối cho đến khi vị giáo sĩ trở lại. Họ lại đi ra dọc theo hành lang có mái vòm rồi vào một căn phòng cũng được xây theo hình vòm có một cây thánh giá trên bàn thờ và nhiều dãy ghế. Vị giáo sĩ trong chốc lát lại xuất hiện trước bàn thờ trong bộ áo tế, và một phụ nữ có lẽ là vợ của ngài cùng một người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi xanh, người ấy đã gom những chiếc lá chết trong bãi cỏ, đến ngồi vào một trong những hàng ghế.
Vị giáo sĩ mở sách rồi ra dấu cho Charity và ông Royall đến gần. Ông Royall tiến về phía trước ít bước, và Charity theo sau như đã theo ông đến chiếc xe độc mã khi họ ra khỏi nhà bếp của bà Hobart; nàng cảm thấy rằng nếu nàng chần chừ không tiến bước gần ông và không làm theo những gì ông bảo thì thế giới sẽ sụp đổ dưới chân nàng.
Vị giáo sĩ bắt đầu đọc, trong lúc đó đầu óc choáng váng của nàng nổi lên hình ảnh ngài Miles đứng trong đêm trước căn nhà quạnh hiu của Núi, và đọc trong cùng một cuốn sách những lời mà nó có cùng một giọng kinh khiếp sau cùng:
“Tôi cần cho anh chị biết vào ngày phán xét cuối cùng kinh khiếp, mọi bí mật của con tim đều bị phơi trần mà mỗi người trong anh chị nếu có điều gì đó làm ngăn trở đăng ký giá thú thì việc kết hôn sẽ không hợp pháp.”
Charity nhướn mắt lên bắt gặp đôi mắt của ông Royall. Đôi mắt đó vẫn nhìn nàng tử tế và thiết tha. Một lúc sau, nàng nghe ông nói: “Tôi sẵn sàng!” nhưng rồi nàng không thể nắm bắt được những lời tiếp theo vì nàng đang bận tâm để hiểu cử chỉ của vị giáo sĩ đang ra hiệu cho nàng phải nói theo những gì ngài đọc. Sau đó người phụ nữ đứng lên, lấy bàn tay nàng đặt vào tay ông Royall. Bàn tay nàng nằm gọn trong lòng bàn tay khỏe mạnh, và nàng thấy một chiếc nhẫn rất lớn để nàng xỏ ngón tay thanh mảnh của mình vào. Rồi nàng hiểu mình đã kết hôn.
Vào buổi chiều muộn, Charity ngồi một mình trong phòng cô dâu của một khách sạn sang trọng nơi nàng và Harney đã tự mãn tìm một bàn vào ngày Quốc khánh. Trước đây nàng chưa bao giờ thấy một căn phòng trang hoàng đồ đạc đẹp đến như vậy. Cái kiếng trên bàn phấn phản chiếu một đầu giường bằng gỗ có đường vân với những chiếc gối trên cái giường đôi, và tấm trải giường trắng tinh không một chút tì ố đến nỗi nàng chần chừ không dám để mũ và áo khoác của mình lên đó. Lò sưởi kêu o o tỏa ra một bầu không khí ấm áp làm người dễ buồn ngủ, và qua cái cửa khép hờ nàng thấy những cái vòi nước mạ kền lấp lánh trên hai cái bồn rửa bằng cẩm thạch.
Trong một lúc, sự xôn xao rối loạn của ngày và đêm đã tuột khỏi nàng và nàng ngồi nhắm mắt, phó mặc cho sự quyến rũ ấm áp và yên tĩnh. Nhưng chẳng mấy chốc nàng tỉnh giấc sau cơn say ngủ vì mệt mỏi. Khi mở mắt ra, nằng lừ đừ nhìn lên bức ảnh treo trên đầu giường. Nó là một bức ảnh lớn chạm trổ với đường viền màu trắng, sáng chói bao quanh bởi một khung ảnh rộng bằng gỗ thích, bên trong có một chú chim. Bức chạm trổ miêu tả một chàng trai trẻ trong một chiếc thuyền trên mặt hồ mà phía trên có rất nhiều cây. Anh ta đang cúi mình xuống nhặt những đóa hoa thủy tiên cho một cô gái ăn mặc nhẹ nhàng nằm giữa nệm trong tư thế lạnh lùng. Cảnh tượng đầy ánh sáng rực rỡ của thời điểm giữa hè, và Charity ngoảnh đi không nhìn nó, nàng rời ghế và bắt đầu đi loanh quanh trong phòng.
Phòng nàng ở trên tầng thứ năm, có cửa sổ rộng với kính dầy nhìn xuống những mái nhà trong thành phố. Phía bên kia, phong cảnh đầy cây cối trải rộng, trong đó những đóm lửa cuối cùng của hoàng hôn đang lập lòe chờ tắt. Charity nhìn chăm chăm vào chùm ánh sáng với đôi mắt ngạc nhiên. Trong buổi chiều tàn, nàng nhận ra đường viền nhè nhẹ lượn quanh những ngọn đồi, và con đường trong đồng cỏ nghiêng dốc trên nó, đó là hồ Nettleton mà nàng đang nhìn ngắm.
Nàng đứng hồi lâu bên cửa sổ nhìn ra mặt hồ. Trong khoảnh khắc sự thôi thúc cũ về “chuyến bay xa” quét ngang nàng, nhưng đó chỉ là sự nhấc lên của đôi cánh gãy. Nàng nghe cửa mở phía sau mình và ông Royall bước vào.
Ông Royall đã đi đến tiệm hớt tóc để cạo râu, và mái tóc bạc rễ tre của ông được cắt tỉa và chải chuốt.
Ông ta di chuyển mạnh bạo và nhanh, thẳng vai và đầu ngẩng cao như thể là ông ta không muốn đi qua mà không ai nhận thấy.
“Em đang làm gì trong bóng tối vậy?” – ông Royall nói lớn với một giọng vui vẻ. Charity không trả lời. Ông đến bên cửa sổ kéo màn và đặt ngón tay trên bức tường, và rồi ánh sáng chiếu ra ngập tràn từ cái đèn chùm chính giữa phòng. Trong sự rực rỡ không quen thuộc này, chồng và vợ mặt nhìn mặt một cách lúng túng trong một lúc; rồi ông Royall nói: “Chúng ta sẽ đi xuống và ăn tối nếu em muốn.”
Nghe nói đến thức ăn nàng cảm thấy ghê sợ muốn ói nhưng không dám thú nhận, nàng vuốt tóc mình và theo ông vào thang máy.
Một giờ sau, ra khỏi phòng ăn sáng choang, nàng chờ trong hành lang đá hoa có kính trong khi ông Royall đứng trước hàng rào mắt cáo bằng đồng của một góc quày để chọn xì gà và mua báo buổi tối. Những người đàn ông đang đi thơ thẩn trong những chiếc ghế đá dưới các ngọn đèn chùm đang chiếu sáng, kẻ đến người đi, chuông reo, những người khuân vác lê bước bên cạnh hành lý. Khi ông Royall đứng tựa vào quày, qua vai ông, một cô gái tóc búi cao đang cười điệu với người đánh trông ăn mặc bảnh bao rồi lấy chìa khóa của anh ta ở bàn và đi ngang qua sảnh.
Charity đứng giữa những dòng tư tưởng đối lập này của cuộc sống, bất động và trơ cứng như thể nàng là một trong những chiếc bàn bị xoắn đinh ốc chặt vào sàn nhà đá hoa. Tất cả linh hồn nàng bị gom lại thành một cảm giác yếu đau đi dần vào cõi chết. Nàng nhìn ông Royall trong dáng vẻ quyến rũ kinh hồn khi ông kẹp điếu xì gà và mở tờ báo buổi tối với một bàn tay vững chắc.
Một lúc sau, ông quay sang nói với nàng: “Em lên phòng ngủ nhé – anh sẽ ngồi dưới này một lúc để hút xì gà.” Ông nói nghe dễ chịu và tự nhiên như thể họ là đôi vợ chồng già, mỗi người đều hiểu tánh ý của nhau lâu năm, và trái tim yếu đuối của nàng cảm thấy có một sự khuây khỏa. Nàng theo ông đến thang máy, đưa nàng vào và bấm nút, rồi sau đó một cậu con trai mặc trang phục có viền dẫn nàng đến phòng mình.
Nàng mò mẫm tìm lối đi trong bóng đêm, quên mất nút bấm điện nằm ở đâu và cũng không biết làm thế nào để thao tác nó. Nhưng trăng thu đã ló dạng, và bầu trời sáng trong rọi ánh sáng nhàn nhạt vào phòng. Nàng thay y phục và xếp lại những chiếc gối có viền ren rồi rụt rè bò lên chiếc khăn trải giường không một vết dơ. Nàng chưa bao giờ cảm thấy những tấm khăn mịn màng, trơn bóng và những chiếc mền nhẹ, ấm áp như vậy, nhưng chiếc giường êm ái không làm dịu đi cơn đau của nàng. Nàng nằm đó run rẩy với một nỗi sợ chạy khắp cùng mạch máu giống như băng tuyết. “Mình đã làm gì vậy? Ôi, tôi đã làm gì?”- nàng thều thào, run bắn lên, vùi mặt vào gối để che đi khung cảnh mờ nhạt bên ngoài cửa sổ, nàng nằm trong bóng tối bịt hai tai và giũ bỏ mọi bước chân đến gần.
Thình lình nàng ngồi dậy ấn hai bàn tay vào trái tim đang run sợ. Một tiếng động nhỏ cho nàng biết có ai đó trong phòng, ắt hẳn là nàng đã ngủ trong một lúc nên không biết có người vào phòng. Mặt trăng đang chễm chệ ngồi ngoài kia trên những mái nhà, và trong bóng đêm, bên ô cửa sổ vuông màu xám nàng thấy một dáng người ngồi trên chiếc ghế đá. Dáng dấp đó không động đậy: ngồi sâu vào ghế, đầu cúi xuống và hai tay khoanh lại. Ông Royall ngồi đó. Ông không cởi đồ, nhưng lấy cái mền ở chân giường và đắp nó trên hai đầu gối. Run rẩy và nén hơi thở nàng nhìn ông, sợ ông bị đánh thức bởi động tác của mình. Ông Royall không nhúc nhích và nàng kết luận rằng ông muốn nàng nghĩ là ông đang ngủ.
Tiếp tục nhìn ông, nàng thấy khuây khỏa không thể tả được, những dây thần kinh căng thẳng và thể xác kiệt sức giờ đã được thư giãn. Ông biết, rồi ông biết, ông đã cưới nàng, và rằng ông ngồi đó trong bóng tối để cho nàng biết mình được an toàn khi ở cùng ông. Qua khối óc mệt mỏi của mình, nàng đang xao xuyến về ông. Thận trọng, không một tiếng động, nàng để đầu mình vùi sâu vào trong gối.
Khi nàng thức dậy thì căn phòng chan hòa ánh sáng, và cái nhìn đầu tiên cho nàng biết chỉ có một mình nàng trong đó. Nàng đứng lên và thay đồ, khi nàng cột dây áo thì cửa mở, và ông Royall bước vào. Ông có vẻ già và mệt mỏi trong ánh sáng ban ngày, nhưng gương mặt vẫn mang nét buồn buồn, thân thiện mà đã gây cảm giác an toàn cho nàng khi ở trên Núi.
Họ xuống lầu vào phòng ăn để dùng điểm tâm, và sau bữa ăn ông Royall bảo nàng rằng ông có một vài công việc bảo hiểm phải làm. “Anh nghĩ khi anh bận công việc thì em nên bước ra ngoài và tự mua sắm bất cứ thứ gì em cần.” Ông mỉm cười và nói thêm một cách ngường ngượng: “Anh luôn muốn em đánh bại tất cả các cô gái khác.” Ông rút trong túi hai tờ giấy bạc hai mươi đô la, và đẩy nó ngang qua bàn cho nàng. “Nếu chưa đủ, anh sẽ đưa thêm – anh muốn em đánh bại họ ở mọi thung lũng.” – ông ta lặp lại.
Nàng đỏ mặt và lắp bắp nói lời cám ơn, nhưng ông đẩy ghế ra sau và bước thẳng ra khỏi phòng ăn. Trong sảnh, ông dừng lại một chút để nói rằng nếu nàng thấy thích thì họ sẽ đáp chuyến xe lửa ba giờ chiều để về lại North Dormer. Ông lấy mũ và áo khoác từ trên cái giá áo và đi ra.
Một vài phút sau, Charity cũng đi ra. Nàng ngó xem ông Royall đi hướng nào, rồi đi hướng ngược lại và đi nhanh xuống con đường chính đến tòa nhà gạch trên góc đại lộ Lake. Ở đó nàng nhìn lên nhìn xuống một cách cẩn thận con đường lớn, rồi leo lên cầu thang bọc đồng đến cửa phòng bác sĩ Merkle. Cũng cái đầu tổ quạ, cô gái da trắng lai đen ra tiếp nàng. Sau một lúc ngồi chờ ở phòng khách có những ghế lông, nàng được triệu vào phòng của bác sĩ Merkle. Bác sĩ tiếp nàng không chút ngạc nhiên, và dẫn nàng vào bên trong nơi “thiêng liêng” có phủ vải nhung đỏ.
“Tôi nghĩ cô sẽ trở lại mà, nhưng cô đến quá sớm: Tôi bảo cô phải kiên nhẫn và không được cáu kỉnh.” – bà ta quan sát bằng cái nhìn nhức nhối thấu xương.
Charity rút tiền từ trong ngực ra: “Tôi đến để chuộc lại kim cài áo màu xanh của tôi.” – nàng nói và đỏ mặt.
“Kim cài áo của cô?” – bác sĩ Merkle làm như không nhớ – “Tôi, ừ – tôi lấy rất nhiều loại đó. ừ, em cưng, cô sẽ chờ để tôi lấy nó ra khỏi tủ sắt. Tôi không để những vật có giá như thế ở quanh đây như “tờ báu” này.”
Bà ta biến đi trong chốc lát rồi trở ra với một gói nhỏ bọc giấy lụa và lấy kim cài áo ra.
Charity, khi nhìn thấy nó, cảm thấy ấm lòng. Nàng hăm hở cầm nó trong bàn tay.
“Bà có tiền lẻ không?” – nàng hỏi với một chút hụt hơi khi để một tờ hai mươi đô la trên bàn.
“Tiền lẻ? Tại sao tôi phải có tiền lẻ chứ? Tôi chỉ thấy có hai mươi đô la thôi.” – bác sĩ Merkle nói một cách rành rọt như thế.
Charity ngập ngừng, bối rối: “Tôi nghĩ bà nói chỉ có năm đô la cho một lần khám.”
“Cho cô, như một ân huệ – Tôi đã làm rồi đó. Nhưng trách nhiệm và bảo hiểm thì sao? Tôi cho là cô chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Kim cài áo này trị giá một trăm đôla dễ như chơi. Nếu nó mất hay bị đánh cắp thì tôi biết tìm đâu ra khi cô trở lại hỏi nó chứ?”
Charity vẫn im lặng, lúng túng, nửa tin nửa ngờ vào cuộc bàn luận, và bác sĩ nhanh chóng tiếp tục lợi thế của mình: “Tôi đã không yêu cầu cô để lại kim cài áo mà, em cưng. Tôi thích người ta trả cho tôi tiền theo cách bình thường hơn là họ đặt tôi vào tất cả sự phiền phức này.”
Bà ta ngừng lại và Charity chộp lấy cơ hội để chuồn đi với vẻ thất vọng, nàng nhấc chân lên và lấy ra thêm một tờ giấy bạc.
“Bà lấy nó chứ?” – nàng hỏi.
“Không, tôi sẽ không lấy nó, em cưng, nhưng tôi sẽ lấy nó với tờ kia, và tôi sẽ đưa cho cô một biên lai có chữ ký nếu cô không tin tôi.”
“Ôi, tôi không thể – đó là tất cả những gì tôi có.” – Charity tuyên bố.
Từ ghế sô pha bác sĩ nhìn lên nàng một cách vui sướng: “Hình như cô đã kết hôn hôm qua, tận trên nhà thờ Piscopal cơ đấy! Tôi nghe tất cả về lễ cưới này từ người làm việc nhà của vị mục sư. Sẽ thật là đáng thương nếu để cho ông Royall biết cô đã chạy đến đây, phải vậy không? Tôi chỉ đưa nó cho cô như người mẹ ruột có thể làm như vậy.”
Cơn giận bừng lên trong Charity, và trong chốc lát nàng nghĩ sẽ bỏ lại kim cài áo và cứ để cho bác sĩ Merkle làm việc tồi tệ nhứt của bà ta. Nhưng làm sao nàng có thể bỏ đi vật quý giá như vậy cho người đàn bà ma quỷ này? Nàng muốn để dành nó cho con nàng: nàng nghĩ trong cách huyền bí nào đó, nó sẽ là mối dây liên lạc giữa đứa con của Harney và người cha không biết mặt. Run rẩy và căm ghét mình khi làm việc đó, nàng để tiền của ông Royall trên bàn, và chộp lấy cái kim cài áo chạy ra khỏi phòng và ra khỏi nhà.
Ra tới đường, nàng đứng như trời trồng, bàng hoàng về chuyến phiêu lưu cuối cùng này. Nhưng kim cài áo nằm trong ngực nàng như lá bùa hộ mệnh, và nàng cảm thấy con tim nhẹ nhàng một cách bí ẩn. Nó cho nàng sức mạnh. Một lúc sau nàng đi chầm chậm về hướng bưu điện và đi thẳng vào cửa. Nàng mua một tờ giấy viết thư, một phong bì và một con tem ở một trong những cửa sổ, rồi ngồi xuống bàn và chấm ngòi viết rỉ sét của bưu điện vào lọ mực.
Nàng đến đó trong nỗi sợ như có ma ám từ khi nàng mang chiếc nhẫn của ông Royall: nỗi lo sợ rằng Harney sẽ được tự do và tìm về với nàng. Đó là khả năng mà không bao giờ xảy ra cho nàng suốt những giờ khắc đau buồn sau khi nàng nhận được lá thư của anh ta; chỉ khi có quyết định dứt khoát nàng đã trở lại mong muốn hiểu được sự kiện bất ngờ xảy ra. Nàng đề địa chỉ trên phong bì và trên tờ giấy nàng viết:
Em đã lấy ông Royall. Em sẽ luôn nhớ anh.
Những lời cuối trong thư chưa phải là lời cuối cùng nàng muốn viết, chúng tự theo ngòi bút của nàng mà không thể nào cưỡng lại được. Nàng không có sức mạnh để hoàn thành sự hy sinh của mình; nhưng cuối cùng, chuyện gì sẽ xảy ra? Bây giờ không có cơ hội để gặp lại Harney thì tại sao nàng không bảo cho anh ta biết sự thật?
Nàng bỏ lá thư vào thùng, bước ra con đường nhộn nhịp chan hòa ánh nắng và đi về khách sạn. Phía sau những cửa sổ kiếng của các cửa hàng, nàng thấy y phục phụ nữ trưng bày bắt mắt với những chất liệu đẹp làm nhen lên ngọn lửa tưởng tượng của nàng vào ngày nàng và Harney đã nhìn ngắm chúng. Rồi chúng cũng nhắc cho nàng nhớ huấn thị của ông Royall là nàng hãy ra ngoài và mua những gì nàng cần. Nàng nhìn xuống cái áo sờn mòn của mình và tự hỏi nàng sẽ phải nói gì khi ông nhìn thấy nàng trở về tay không. Khi về đến gần khách sạn, nàng thấy ông đứng chờ trên ngưỡng cửa, và tim nàng bắt đầu đập với nỗi e sợ.
Ông gật đầu và vẫy tay khi nàng đến gần, rồi họ đi qua sảnh và lên lầu để lấy đồ đạc của họ. Ông Royall có lẽ bỏ lại chìa khóa phòng khi họ lại đi xuống để dùng bữa ăn trưa.
Trong phòng ngủ, khi nàng ném vào túi một vài thứ linh tinh mà nàng đã mua cho “chuyến bay xa” của mình thì thình lình nàng thấy đôi mắt ông nhìn mình và sắp nói. Nàng đứng đờ ra, trong tay cầm cái áo ngủ gấp hờ, trong khi máu chạy dồn lên đôi má hốc hác.
“Ồ, em đã đi ra ngoài mua sắm hào phóng chứ? Sao anh không thấy gói đồ nào hết vậy?” – ông ta nói một cách khôi hài.
“Ồ, em thích để cho Ally Hawes may vài thứ mà em muốn.” – nàng trả lời.
“Vậy sao?” – ông ta nhìn nàng một cách nghĩ ngợi một lúc, và đôi lông mày dựng lên trong sự cáu tiết. Nhưng rồi gương mặt trở lại thân thiện như cũ. “Ừ, anh muốn em trở về nom có vẻ hợp thời trang hơn bất cứ cô gái nào ở đó, nhưng anh nghĩ em đúng. Em là một cô gái tốt, Charity.”
Đôi mắt họ gặp nhau, và có một điều gì đó nổi dậy trong ông mà nàng chưa bao giờ thấy: một cái nhìn làm nàng cảm thấy thẹn thùng và có cảm giác an toàn.
“Em cũng nghĩ anh tốt.” – nàng nói nhanh và có vẻ mắc cỡ. Ông mỉm cười không trả lời, và họ cùng nhau rời phòng và đi xuống sảnh bằng thang máy sáng trưng.
Trong đêm trăng thu lạnh muộn màng hôm đó, họ về đến cửa ngôi nhà màu đỏ.