Mùa Hè Mang Tên Em

Chương 44



Tối hôm đó ai nấy hưng phấn lạ thường, cả lớp hò hét sôi nổi.

Đột nhiên trở nên yên tĩnh thì chắc chắn có biến. Cả lớp vô thức nhìn ra cửa sau, quả nhiên Vương già đã khoanh tay đứng ngoài cửa, mặt mũi hầm hầm.

“Thịnh Hạ.” Giọng Vương già bỗng dịu lại, “Em ra đây một lát.”

Từ khi bị thương cô gặp khó khăn trong đi lại, vì vậy đã được miễn tiết mục “anh biết tuốt”. Đã rất lâu Vương Duy không gọi cô ra, giờ chắc vì có chuyện quan trọng.

Quả nhiên, Vương Duy vào thẳng chủ đề: “Chủ nhiệm Lý nói với thầy là em sắp ra nước ngoài, có gì cần nhà trường và thầy cô giúp đỡ thì cứ nói, thầy cũng mong tương lai các em đều tốt đẹp.”

Mới đó Vương Duy đã biết rồi…

Xem ra cuộc “bàn bạc” mà Thịnh Minh Phong nói không hề là để trưng cầu ý cô, mà chỉ là một lời thông báo.

Thịnh Hạ im lặng, Vương Duy coi như cô ngầm thừa nhận, “Thế những môn khác có thể tạm gác lại. Nhiều trường tuy cũng để ý điểm số cấp ba nhưng tỉ trọng trong xét điểm không cao, mà kết quả của chúng ta với họ cũng không có nhiều giá trị tham khảo. Em cứ học ngoại ngữ cho tốt thôi.”

“Dạ.”

Vương Duy: “Vốn là cô Phó đã tìm được suất tự chủ tuyển sinh cho em, chỉ là điều kiện rất nhiều, cũng rất khó. Bí thư Thịnh đã có sẵn kế hoạch cho em từ trước, ra nước ngoài thực chất là một lựa chọn rất tốt, đạt điều kiện thì qua đó có thể vào đại học rất tốt.”

Những lời sau Thịnh Hạ không nghe vào tai nổi, chỉ bắt lấy đúng một điểm tin tức: “Thầy Vương, tự chủ tuyển sinh vào đâu?”

“Vào đại học Hà Thanh, còn cụ thể chuyên ngành nào thì thầy không nhớ, nhưng cũng thuộc khối thiên xã hội.”

“Đại học Hà Thanh?”

Vương Duy cười nói: “Đúng vậy, nhưng thực ra đây là suất tuyển sinh do hiệu trưởng đề cử. Chỉ là lớp 10, 11 em học ở Nhị Trung, không thể coi như học sinh hoàn toàn do trường đào tạo, vì vậy cách này không được.”

Suất tuyển sinh do hiệu trưởng đề cử, chỉ trường trọng điểm của tỉnh mới có, nên Nhị Trung tất nhiên cũng không có.

Thịnh Hạ: “Có nghĩa là, còn có một, một cách khác ạ?”

Vương Duy loáng thoáng nhận ra, gương mặt bỗng nghiêm lại, nhìn cô: “Có phải em không muốn ra nước ngoài?”

Thịnh Hạ hơi cúi xuống, khẽ gật đầu.

Vương Duy thở dài, nhớ khi Thịnh Hạ mới chuyển tới, thầy đã hỏi tại sao chọn khối tự nhiên, câu trả lời của cô là: người nhà chọn.

Bây giờ lại trước một ngã rẽ quan trọng, thiếu nữ mười bảy, mười tám tuổi vẫn không có quyền tự quyết.

Nhưng Vương Duy cũng thấy Thịnh Hạ đã có điều gì đổi khác.

So với thái độ mặc cho số phận lúc ban đầu, giờ trong mắt cô có một nguồn lực chực chờ đập tan lực cản xông ra.

Dẫu nó yếu ớt, mịt mờ.

Vương Duy tiết lộ: “Cụ thể thì em đi hỏi cô Phó, nghe cô ấy nói điều kiện rất hà khắc, trong ba lớp cô ấy dạy không ai làm được, thậm chí cả trường cũng khó ai có thể đáp ứng.”

Điều kiện hà khắc, cả trường cũng khó có người đáp ứng được.

Thịnh Hạ không biết cụ thể điều kiện là gì, cũng không có tự tin mình làm được. Nhưng cô Phó đã nghĩ tới cô, thế có phải là cô còn có một tia hi vọng? Có một thứ tên là “khao khát” dường hé lộ đôi sừng nhọn, cọ nó vào cô trêu chọc: Ê, bắt lấy ta đi!

Thịnh Hạ nôn nao khó tả.

“Tối nay cô Phó có giờ tự học không ạ?” Cô hỏi.

“Có, ở A22.”

Thịnh Hạ: “Thầy Vương, em muốn gặp cô Phó hỏi thử.”

“Ngay giờ à?” Vương Duy ngạc nhiên, mắt chuyển nhìn chân cô, “Không cần vội một lúc này, thầy gọi điện cho cô Phó, bảo cô ấy hết tiết xuống đây.”

“Không cần!” Thịnh Hạ vội nói, “Em sắp khỏi rồi, giờ không cần gậy cũng đi được.”

Vương Duy: “Thế em cẩn thận, gọi cả Trương Chú đi cùng.”

Thịnh Hạ: “Không cần đâu thầy, em đi một lát rồi về.”

Thịnh Hạ lên tầng. Cô không biết tại sao mình phải vội vã như vậy, cũng không biết tại sao cứ phải đích thân đi lên. Có lẽ vì thứ cảm xúc mang tên “muốn đánh cược”, cảm thấy bản thân cần trả giá thứ gì đó. Sau đó nói, ông trời ơi, niệm tình cháu đã cố gắng như thế, khát khao như thế, xin hãy cho cháu một tin tốt lành.

Nhưng hành động này không phải là lỗ m ãng. Hai hôm nay cô đã đi lấy nước mà không cần chống gậy, khi đi khi về đã không thấy đau nhiều nữa. Nhưng dù sao cũng phải đi lên tận năm tầng nên cô vẫn cẩn thận mang gậy theo, vịn cầu thang lò dò bước lên. Đến tầng năm, tầm nhìn trở nên thoáng rộng.

Cô vẫn chỉ ở tầng một, không biết rằng phong cảnh trên tầng năm trông như thế này.

Trung học phụ thuộc xây theo kiểu kiến trúc gắn kết thành một khối, tất cả các tòa dạy học, tòa văn phòng đều có hàng lang thông nhau, cho dù trời mưa vẫn có thể đi lại dễ dàng.

Từ tầng năm, mảng xanh trên mái hành lang thông giữa các tòa, những lùm cây và bụi hoa in trọn vẹn trong tầm mắt hệt một vườn hoa giữa không trung.

Cảnh sắc thế này, học hành mệt mỏi ra đây ngắm nghía thưởng thức, phải chăng cái mệt sẽ lập tức được rửa trôi?

Tuy tầng một cũng có vườn hoa, nhưng đó là một cảnh sắc khác hẳn.

Chỉ vì một điều ấy, lên đây chuyến này đã không là phí công.

A22 ở ngay cạnh cầu thang. Cô chống gậy trông rất nổi bật, Phó Tiệp nhìn một cái đã nhận ra ngay. Cô lập tức ra đón, dẫn Thịnh Hạ tới chỗ bàn ngoài hàng lang A22 ngồi xuống.

Các bạn trong lớp ló đầu ra, Phó Tiệp quát: “Lo học bài đi.”

Đa số các bạn thôi nhìn, quay về lo việc riêng, chỉ duy cậu chàng cao cao ngồi trong cùng còn duỗi dài cổ ra hóng.

Thịnh Hạ thoáng ngạc nhiên, đó là… Hàn Tiếu?

“Em tới hỏi chuyện tự chủ tuyển sinh của Hà đại đúng không?” Phó Tiệp đã biết chuyện, “Gọi điện cho cô là được rồi mà?”

Thịnh Hạ cúi đầu: “Trong lớp ngột ngạt, em lên đây hít khí cho khuây khỏa.”

Phó Tiệp tiếp lời ngay: “Trương Chú bắt nạt à?”

Thịnh Hạ giật mình, nhìn Phó Tiệp ngơ ngác.

“Hà hà, không chọc em nữa.” Phó Tiệp nghiêm mặt lại, “Lúc trước em từng thi giải viết văn Cây Ngô Đồng, được giải nhất đúng không?”

Thịnh Hạ gật đầu: “Dạ.”

“Nhưng bây giờ đã bỏ quy định tuyển thẳng học sinh đoạt giải của các cuộc thi viết văn.”

“Vâng, em biết ạ.”

Khi ấy tham gia thi cũng không phải vì để được tuyển thẳng mà chỉ do sở thích.

“Chương trình tự chủ tuyển sinh của Hà Đại cũng có thể giảm điểm chuẩn, nhưng hơi khác với kế hoạch tự chủ tuyển sinh của những trường khác.” Phó Tiệp lấy điện thoại ra, vào trang web của đại học Hà Thanh.

Tối hôm đó, Thịnh Hạ đã đọc hết trang web của đại học Hà Thanh, chỉ duy mục “tuyển sinh” là không động vào, vì cảm thấy nó không thể dính dáng tới bản thân.

Từ diện nhà trường đề cử, thành viên đội văn nghệ cấp cao, đội thể thao cấp cao cho đến diện học sinh gốc Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, du học sinh, cách thức và đối tượng tuyển sinh của nhà trường rất rộng, không chỉ xét điểm thi đại học mà còn có kế hoạch tuyển sinh ngành cơ sở, học sinh hộ nghèo vượt khó, hầu hết là dành cho học sinh chăm chỉ thi đua.

Phó Tiệp vào mục kế hoạch tuyển sinh ngành cơ sở, trong các ngành tuyển sinh có thể nhìn thấy ngành lịch sử học, khảo cổ học, triết học, văn học ngôn ngữ Trung Quốc.

“Chính là ngành này, văn học ngôn ngữ Trung Quốc, nhưng không dễ đâu.” Phó Tiệp vào mục thể lệ tuyển sinh.

“Yêu cầu phải theo định hướng văn học Hán ngữ cổ, là chuyên ngành mới mở, trong thời gian ở trường không được chuyển ngành, tương lai sau khi ra trường vẫn là điều khó nói. Nghe tên chắc em cũng đoán được một phần rồi, ngành này có khả năng rất khô khan.”

Văn học Hán ngữ cổ, Thịnh Hạ đã có một khái niệm lờ mờ, “Em không sợ khô khan. Em thích Hán ngữ.”

Phó Tiệp cười cười, “Những mục tự chủ tuyển sinh khác chỉ cần có thành tích thi đua, sau đó thi viết và phỏng vấn. Ngành này thì khác, không thi viết cũng không phỏng vấn, đủ yêu cầu là có thể đăng kí, xét duyệt qua là được giảm điểm chuẩn. Nhưng điều kiện rất gắt gao, thi cử thì còn có thứ để vin vào, có lớp ôn luyện để theo học, còn ngành này thì không.”

Trong đối tượng tuyển sinh, trừ những điều kiện thường thấy như tốt nghiệp cấp ba chính quy, lý lịch sạch ra thì còn một số điều kiện khác, điều kiện thực sự cần chú ý là:

Có một bài viết đăng trên tạp chí văn học cấp quốc gia, hoặc năm bài viết trên tạp chí văn học cấp tỉnh;

Có một tác phẩm văn học (độ dài từ một trăm nghìn chữ) do các nhà xuất bản từ cấp B trở nên phát hành;

Đoạt giải từ hạng ba trở lên ở các giải văn học cấp tỉnh;

Giờ Thịnh Hạ mới hiểu thế nào là hà khắc.

Phải biết rằng, có bài viết đăng trên tạp chí văn học cấp quốc gia đã là tiêu chí xét vào hiệp hội văn học cấp tỉnh.

“Điều thứ ba thì em có rồi, bài viết trên tạp chí cấp tỉnh chắc là cũng đã có?” Phó Tiệp hỏi.

Thịnh Hạ trả lời: “Có, có bốn bài, nhưng trong đó một bài là thơ.”

Phó Tiệp bật ngón cái: “Năm bài thơ mới tính là một bài viết, mới một bài thì chưa tính lên được, tức là giờ đã có ba bài.”

Thịnh Hạ tỉnh táo phân tích: “Tạp chí cấp tỉnh có lẽ không phải khó…”

Phó Tiệp nghe thế mở tròn mắt, nhìn Thịnh Hạ vừa ngạc nhiên vừa trầm trồ. Lúc này Thịnh Hạ mới cảm thấy mình đã khoe khoang hơi quá đà, hơi xấu hổ, nói nhỏ: “Em còn một số bài viết sẵn, có thể gửi cho họ xem thử.”

Phó Tiệp nói: “Vậy khó là ở chỗ sách xuất bản.”

Có thể nói rằng điều kiện tuyển sinh này chỉ dành cho người đã có chuẩn bị, còn dạng nước đến chân mới nhảy thì không thể đáp ứng điều kiện.

Tạm không bàn hai yêu cầu đầu tiên khó khăn cỡ nào, chỉ riêng điều kiện thứ ba là giải văn học cấp tỉnh, nếu lúc trước chưa từng tham gia thì giờ cố mấy cũng vô vọng.

Còn nhà xuất bản cấp A và cấp B thì có yêu cầu về tính văn học rất cao, quy trình để xuất bản một quyển sách ít cũng phải nửa năm. Tức cho dù có quan hệ để đẩy nhanh thì nhanh nhất cũng phải mất ba tháng.

Thông báo tuyển sinh này mới đăng cuối tháng 12, thời gian đăng kí từ ngày 10 tháng 4 tới ngày 15 tháng 4. Xuất bản một cuốn sách trong thời gian này, quả thực như điều không tưởng.

Trừ phi có bản thảo sẵn.

“Cô Phó, em từng viết một số bài phê bình thơ, lúc trước cũng có biên tập liên hệ mời xuất bản sách, có thể xuất bản thành một tuyển tập. Nhưng đó là nhà xuất bản cấp C, hơn nữa vẫn chưa đủ số chữ.” Thịnh Hạ bình tĩnh phân tích.

Lúc trước cô từng có ý định là thi đại học xong sẽ chỉnh sửa lại, viết thêm ít nữa rồi gửi bản thảo đi.

Phó Tiệp phát hiện cô trò ngày thường im lặng ít nói này quả là một báu vật, “Được bao nhiêu rồi?”

“Ba mươi mấy bài, một bài trên dưới hai nghìn chữ, tính ra chắc tầm sáu mươi nghìn chữ?”

“Trời ạ!” Phó Tiệp mừng rỡ nhìn sang, tuy chưa đủ số chữ nhưng một học sinh cấp ba mà viết được hơn ba mươi bài phê bình thơ đã là rất đáng để kinh ngạc, “Nếu viết thêm cho đủ số chữ, em sẽ mất bao nhiêu thời gian?”

Thịnh Hạ nhẩm tính, “Một bài, buổi tối về nhà khoảng hai đến ba giờ là viết xong, cộng thêm thời gian chỉnh sửa, mất khoảng một tháng.”

Một tháng, thời gian rất gấp. Tính ra thì cuối tháng 4 là có thể xuất bản. Nhưng vẫn quá gấp rút.

Phó Tiệp ngần ngừ.

Tuy tốc độ này đã là điều người khác mong mỏi, nhưng cuối cùng có xuất bản được không vẫn còn là vấn đề. Bỏ ra bao công sức như vậy, ở thời điểm này không khác gì đánh cược.

Phải biết rằng thời gian này mà dùng để củng cố và ôn tập ắt mang lại hiệu quả đáng kể. Hơn nữa điểm số của Thịnh Hạ lên xuống thất thường, có khi vẫn có thể đậu nguyện vọng một, nếu mải chạy theo điều kiện tự chủ tuyển sinh mà để rớt nguyện vọng một thì coi như đã cố gắng vô ích.

“Rất mạo hiểm.” Phó Tiệp tổng kết.

Đôi mắt Thịnh Hạ lấp lánh tia sáng, lời nói ra dịu dàng nhưng kiên quyết: “Cô Phó, em muốn thử một lần.”

Phó Tiệp nhìn thẳng vào mắt cô, cảm thấy lời mình nói lúc trước sai rồi. Thiếu nữ trước mặt không phải hoa nhài mà giống nhành tuyết mai khẳng khiu chờ ngày đơm nở.

Đắt giá nhưng bền bỉ, một khi hoa nở sẽ tươi sắc rất lâu.

“Được, cô liên hệ với nhà xuất bản cho em.” Phó Tiệp đồng ý.

“Em cảm ơn, à phải rồi, tiêu chuẩn xét duyệt của một số nhà xuất bản không phải ra sách mà là hiệu đính xin được mã số xuất bản, cô hỏi các thầy cô tuyển sinh ở Hà đại hộ em xem là tiêu chí đánh giá xét duyệt của trường ở khâu này thế nào.”

Phó Tiệp ngạc nhiên vì sự hiểu biết của Thịnh Hạ ở lĩnh vực này. Cô ăn nói câu nào ra câu đấy, toàn thân toát lên sự ung dung và tự tin. Phó Tiệp gật đầu nhận lời, “Vậy em…”

Phó Tiệp chưa nói hết câu, một bóng dáng đã xông lên từ dưới cầu thang.

Đúng là xông lên.

Thiếu niên thở hồng hộc chạy lên, suýt đã không phanh kịp mà va ầm vào tường. Cậu chống hai tay lên tường, cơ thể đàn hồi bật lại rồi dáo dác nhìn quanh.

Nhìn thấy Thịnh Hạ yên lặng ngồi bên bàn, thiếu niên thở phào, hổn hển chạy tới, chống nạnh đứng ngay cạnh bàn, “Cậu chạy đi đâu thế hả, giỏi thật, một hơi lên được tận tầng năm mà lưng không mỏi chân không đau, có biết là lên tầng dễ xuống tầng khó không? Lát nữa vào tiết thì toàn người là người, lỡ ngã ra đấy định què thêm hai tháng nữa hả?”

Thịnh Hạ chỉ biết ngơ ngác nhìn Trương Chú nổi giận.

Cậu lại lên cơn gì thế?

Phó Tiệp mím môi cười, nhìn thiếu niên quát mắng hùng hổ mà thích thú nói: “Trương Chú, thấy cô giáo không chào hả?”

“Chào cô ạ.” Trương Chú ngoãn ngoãn nghe lời dù giọng nói thì nghe rất bất cần, đôi mắt không thèm ngó nghiêng mà nhìn thẳng vào Thịnh Hạ không chớp.

Lúc này, hội ngỗng cổ dài của A22 đã nhiều lên, cả đám duỗi dài cô nhìn ra, bá vai bá cổ thì thầm to nhỏ, gương mặt viết rõ hai chữ: hóng hớt.

Hàn Tiếu khoe ra hàng răng trắng bóc, bật ngón cái với Trương Chú.

Phó Tiệp thở dài: “Được rồi, hai em xuống đi, đừng để học sinh lớp cô nghĩ vẩn nghĩ vơ.” Đứa nào đứa nấy hóng chuyện điên luôn rồi.

“Có đi không?” Trương Chú nhìn cô bạn vẫn lặng im như pho tượng.

Thịnh Hạ ngập ngừng đứng dậy.

Cả hai đi tới đầu cầu thang.

Trương Chú ngồi xổm xuống trước mắt cô, ngoảnh lại nhìn, “Lên đi.”

“Mình tự đi được.” Độ này cô vẫn tự lên xuống cầu thang ở quán ăn, đâu phải cậu không biết điều ấy.

“Mau, lên!” Có vẻ cậu đã mất kiên nhẫn.

Thịnh Hạ nhìn tấm lưng rắn rỏi phía trước, chẳng hiểu sao mũi bỗng cay cay.

Tâm sự đã dồn nén mấy ngày bỗng ùa lên.

Sự quan tâm của cậu dành cho, đôi khi quả là quá mức. Đã không chỉ một mình cô hiểu lầm, mà dường như từ hôm hội thao, cô luôn phải nhận lấy những cái nhìn tò mò thích thú, những lời nói trêu chọc của người xung quanh.

Tuy chưa từng hẹn hò với ai, Thịnh Hạ cũng từng có mấy lần kinh nghiệm được người ta thích, được các bạn ghép đôi.

Mới đầu cô còn có lời nói hay hành động phản ứng lại, lâu dần thì như đã chai lì, chỉ vờ như không nhìn thấy, không nghe thấy.

Rốt thì những lời trêu chọc và đồn đoán không cần trả giá thứ gì. Còn đáp lại và phản bác thì sẽ rất tốn công.

Cô không muốn sử dụng sức lực quý giá vốn đã thiếu thốn của mình cho những điều không đúng sự thật.

Nhưng hành động lời nói của cậu thì luôn khiến cô mất phương hướng, vắt óc nghĩ suy.

Kể từ hôm đi quảng trường ven sông về, cô cảm thấy giữa mình và Trương Chú đã có điều gì khác trước.

Cách đơn giản nhất để hai người thực sự thân thiết với nhau là hiểu biết về bí mật của đôi bên. Cậu kể về gia đình giúp cô hiểu hơn cảm xúc của cậu – cậu cũng từng thấy áp lực như cô, từng bị nó bủa vây quấy nhiễu.

Tim cô âm ỉ cơn đau nhức nhối, đồng thời ra sức gom lòng can đảm để tiến lên thay đổi hiện trạng.

Giây phút ấy cô cảm nhận rõ mình gần cậu đến thế nào.

Kể từ hôm ấy, mối quan hệ bạn cùng bàn giữa họ dường nứt ra một kẽ, đôi bên đều đang quan sát, dò xét nhau qua kẽ hở ấy một cách thận trọng.

Tiến không được, lùi không cam.

Cô biết, giai đoạn này tên là “mập mờ”.

Nhưng dạo này, dường như Trương Chú muốn tự tay lấp kín kẽ hở ấy. Cậu đã lùi bước trước.

Tại sao như vậy? Bởi vì người cậu thực sự thích giờ đã chủ động với cậu rồi? Còn cậu, phải chăng đang đắn đo lựa chọn?

Thịnh Hạ không đủ sáng suốt ở những việc này, tuy thế rất nhạy cảm.

Cô có thể nhận thấy là dường như cậu hơi hơi thích cô; nhưng cũng dường như thích còn chưa đủ.

Chí ít, là có lẽ không bằng người cậu đã thích tận mấy năm.

Vì vậy một đôi khi cậu cáu gắt quát nạt, đôi lúc khác thì đối xử với cô rất tốt.

Thịnh Hạ nhìn xuống chân mình, chắc bởi vì nó chăng.

Bởi vì ý muốn bảo vệ người yếu thế sẵn có của phái nam, bởi vì sự áy náy với cô, những thứ ấy đã thành mảnh đất nuôi dưỡng tình cảm hời hợt nhất thời trong cậu?

Chẳng mấy nữa rồi chân cô sẽ khỏi. Chẳng mấy nữa rồi học kì này sẽ kết thúc. Chẳng mấy nữa rồi cậu sẽ dứt nỗi đắn đo ấy.

Chẳng mấy nữa, đốm lửa nhỏ nhen nhóm trong cô rồi sẽ tắt lụi.

Dẫu vậy, tới lúc này rồi lòng cô vẫn tham lam cảm giác được cậu quan tâm.

Chờ khi chân cô khỏi hẳn, có lẽ sẽ không còn cơ hội được trên lưng cậu cõng đi nữa?

Thịnh Hạ tự buông thả bản thân, cho phép mình từ từ ngả lên tấm lưng rộng lớn.

Cậu bước đi rất yên ổn. Thịnh Hạ vòng tay ôm chặt lấy cổ cậu.

Lúc này các bạn đã vào lớp hết cả, cầu thang lặng thinh không bóng người.

Cầu thang được thiết kế ngoài trời theo hình xoắn ốc, ngoài hàng lan can là tầm nhìn thoáng rộng, khung cảnh thay đổi theo mỗi bước đi.

Cô ở trên lưng cậu, trông hết phong cảnh nhìn từ tầng năm, tầng bốn, tầng ba, tầng hai.

Trời đã tối mịt, từ thành phố lên đèn rực rỡ và mặt sông lấp lánh phản quang phía xa xa đến con đường với hàng long não được đèn đường phủ bóng, đến trảng cỏ được những chụp đèn âm đất tô điểm trông như bầu trời lấp lánh sao đêm… tất cả ở trọn trong đôi mắt.

Mỗi hình ảnh hệt như cảnh quay chậm trong phim, đẹp đẽ khiến người ta ngơ ngẩn. Trong những hình ảnh hoặc rõ nét hoặc mờ nhòe ấy, lưng cậu biến thành tiêu điểm vĩnh hằng.

Cảnh sắc ấy, có lẽ cả đời này Thịnh Hạ không thể quên.

Khi sắp tới tầng một, Thịnh Hạ lấy hết can đảm hỏi thật khẽ: “Trương Chú…”

Sống lưng thiếu niên đờ ra, đã một thời gian không được nghe cô gọi tên một cách dịu dàng như thế.

“Sao vậy?” Giọng cậu dịu đi.

“Có phải cậu rất mong chân mình mau khỏi không?”

“Nói thừa.” Cậu trả lời.

Tuy biết câu trả lời của cậu không có ý khác mà chỉ đơn giản chúc cô mau khỏi.

Thịnh Hạ vẫn thấy lòng mình thắt lại không rõ nguyên do.

Từ trước cô đã biết, thích, có lẽ không phải một cảm xúc tốt đẹp.

Nhưng vẫn không ngờ nó xót xa đến thế.

Không thể tiếp tục như thế nữa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.