Nỗi buồn thảm của tôi cũng chỉ mới đến về sau này và, cũng như luôn luôn là nguyên cớ, tôi nghĩ đến vô số sự kiện khi tôi đã không công bình với người bạn quá cố của tôi. Phải, anh đã gây ra những điều tệ hại cho mình, và không chỉ cái chết của anh mà thôi. Tôi đã trầm tư một thời gian dài về những điều này và không thể nào tìm ra bất kỳ điều gì lờ mờ hoặc có thể lý giải về định mệnh của anh ta, và tuy vậy tất cả đều là khủng khiếp và chua chát. Nó cũng không khác gì với đời tôi, với Gertrude, và của nhiều người khác. Định mệnh thì chẳng tử tế ân cần, đời sống thì phù du và khủng khiếp, và cũng chẳng có điều thiện hoặc lý tính trong thiên nhiên tạo vật nữa. Nhưng có điều thiện và lý tính trong chúng ta, ở loài người, mà với họ “trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán, chết đuối người trên cạn mà chơi”, và chúng ta có thể mạnh mẽ hơn là thiên nhiên và định mệnh, nếu chỉ có được một ít giờ thôi. Và chúng ta có thể đến gần với nhau vào những lúc cần đến, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, và sống để an ủi vỗ về lẫn nhau. Và thỉnh thoảng, khi những vực sâu tối đen im lặng, chúng ta còn có thể làm điều đó nhiều hơn nữa. Lúc bấy giờ chúng ta có thể là những vị thần trong những khoảnh khắc, chìa đôi tay tự chủ của ta ra và tạo nên những sự vật mà trước đây không có và, khi chúng được tạo ra, tiếp tục sinh tồn mà không cần đến chúng ta. Bên ngoài thanh âm, ngôn từ sự phù du và những vật vô giá trị khác, chúng ta có thể tạo nên những vật để chơi đùa – các ca khúc và những bài thơ có đầy ý nghĩa, an ủi vỗ về và điều thiện, đẹp đẽ và trường tồn hơn là cái trò chơi tàn nhẫn của vận may và định mệnh. Chúng ta có thể giữ vững tinh thần của Trời Phật trong tâm hồn chúng ta và, có lúc khi chúng ta có đầy đủ ngài, thì ngày có thể xuất hiện trong đôi mắt và những lời lẽ của chúng ta, và cũng nói với những kẻ khác họ không biết hay không muốn biết ngài. Chúng ta không thể nào đào thoát khỏi cái triều lưu của cuộc sống, song chúng ta có thể huấn luyện dạy dỗ mình để trực diện một cách không nao núng trên những sự việc đau đớn nhất. Cho nên trong những năm đã qua đó kể từ khi Heinrich Muoth qua đời tôi đã mang anh ta trở lại với đời sống hàng ngàn lần, và đã có thể nói với anh ta một cách khôn ngoan hơn và cảm tình hơn là tôi đã làm khi anh ta còn sống. Và cũng như thời gian thấm thoát trôi qua, người mẹ già nua của tôi cũng đã mệnh chung và cũng có cô gái xinh xắn Brigitte Teiser nữa, người mà sau nhiều năm đợi chờ và để vết thương lòng cho thời gian chữa trị, đã thành hôn với một nhạc sĩ và chẳng sống lâu hơn sự tiết chế đầu tiên của nàng. Gertrude đã vượt qua nỗi đau đớn nàng phải chịu đựng khi nàng tiếp nhận bông hoa của chúng tôi như một chào đón và sự cáo buộc từ người chết. Tôi không thường nói với nàng về chuyện đó mặc dù tôi gặp nàng mỗi ngày, song tôi tin rằng nàng có nhìn lại quãng thời gian xuân sắc của đời nàng như một thung lũng xa xôi được thấy trong cuộc hànhtrình trước đây đã lâu, và không phải là việc đánh mất khu vườn địa đàng. Nàng đã phục hồi sức mạnh và sự thanh thản của nàng và cũng hát ca trở lại nữa, nhưng kể từ khi cái nụ hôn lạnh lẽo đặt trên đôi môi người chết đó, thì nàng chẳng bao giờ hôn một người đàn ông nào khác nữa. Một hoặc hai lần, trong sự luân lưu của năm tháng, khi tinh thần nàng đã phục hồi và con người nàng lại toả ra cái quyến rũ cố hữu, các ý nghĩ của tôi đã lãng du theo những con đường bị ngăn cấm xa xưa và tôi đã tự hỏi mình: tại sao lại không nhỉ? Nhưng tôi đã biết câu trả lời, là không một đổi thay nào có thể xảy ra trong mối tương giao của chúng tôi với nhau. Nàng là bạn tôi, và sau những thời kỳ bất ổn, cô đơn, khi tôi nổi lên từ sự im lặng của tôi với một ca khúc hoặc một tấu minh khúc, thì trước và trên hết nó thuộc về cả hai chúng tôi. Muoth nói đúng. Trong tuổi già, người ta trở nên bằng lòng hơn là ở tuổi trẻ, điều mà do đấy tôi sẽ không nguyền rủa, bởi vì trong tất cả những giấc mơ của tôi, tôi từng nghe tuổi trẻ của tôi hệt như một khúc ca tuyệt vời mà hiện thời nó còn vang vọng và hoà điệu hơn là trong thực tế, và ngay cả còn dịu dàng hơn nữa.