Miếu Hoang

Chương 36: Đánh đổi mạng sống



Sáng sớm ngày hôm sau, ông Vọng dậy trước khi gà kịp gáy. Bên ngoài trời vẫn còn mờ hơi sương, thầy Lương đã thấy ông Vọng chuẩn bị đồ đạc gì đó, thầy Lương hỏi:

– – Bác chuẩn bị lên huyện phải không..?

Ông Vọng khẽ gật đầu đáp:

– – Đúng rồi thưa thầy, hôm qua tôi cũng có báo cho những người trong làng, sáng nay tập trung xây bể chứa ở sân đình. Còn tôi sẽ lên trên huyện thuê máy bơm rồi bảo người ta chở về đây. Việc trong làng, có gì thầy cứ nói với cậu Sửu. Tôi đi chắc đến chiều là về.

Nét mặt của ông Vọng thoáng buồn, cũng phải thôi, mọi thứ đột ngột ập đến một cách bất ngờ. Có lẽ cả đêm qua ông Vọng trằn trọc không ngủ nổi, nhưng con người nhân hậu ấy vẫn cố gắng một lòng lo cho làng Văn Thái. Đi cùng với ông Vọng ra đình, trời sáng hơn một chút, Sửu, Lực cùng một vài người nữa đã có mặt, họ đẩy những chiếc xe bò chở nào gạch, cát, xi măng, chở cả nước để chuẩn bị xây bể chứa ngay giữa sân đình. Bàn tính xong xuôi, ông Vọng giao lại việc cho Sửu cùng mọi người dưới sự chỉ đạo của thầy Lương. Còn ông bắt đầu đi lên huyện để thuê máy bơm. Sửu muốn đi theo nhưng ông Vọng nói việc trong làng gấp rút hơn, Sửu cần ở lại làm cùng mọi người.

Không để tốn thêm thời gian, Sửu cùng mọi người lập tức bắt tay vào làm việc. Những ngày qua làng Văn Thái trở nên tiêu điều, vắng lặng, sau sự việc Mão chết dưới giếng ngày hôm qua bà con lại càng sợ hãi hơn. Đường làng giờ đây ngoài mấy người ra đình để xây bể chứa thì chẳng có ai qua lại. Thông tin một hai hộ gia đình bỏ làng ra đi cũng lan truyền đến tai cả làng Văn Thái. Tát nhiên đó là lựa chọn tốt nhất trong hoàn cảnh này, nhưng không phải ai cũng có chỗ để đi. Dân làng Văn Thái xưa nay bám lấy quê cha, đất tổ làm nông, đồng ruộng mưu sinh qua ngày. Chỉ mới 2-3 năm gần đây, số ít thanh niên mới nghĩ đến chuyện thoát ly, đi tìm công việc mới bên ngoài. Còn lại những người trung niên, hầu hết mọi người đều không biết phải đi đâu nếu không ở lại làng.

Giờ đây nỗi sợ bao trùm lên tất cả những con người khốn khổ ấy, vừa mất mùa đã trăm thứ khổ đổ lên đầu, giờ đây họ còn phải nơm nớp sống trong lo lắng vì cứ mỗi ngày trôi qua, trong làng lại có một người phải chết và cái chết của họ đều khó giải thích. Lang Phan thì tự tử không rõ nguyên nhân mặc dù trước đó vẫn còn vui vẻ, ăn uống nhậu nhẹt, cái chết của cụ Cẩn cũng trùng hợp vào lúc làng đang xảy ra chuyện nên dù cụ Cẩn có chết già cũng khiến người ta phải suy đoán, rồi mới hôm qua, khi mở bạt che miệng giếng ra, họ kinh hãi bởi dưới giếng có một cái xác đã chết nổi, trương phình, đó là xác của Mão. Mà nghe đâu lúc dưa xác lên còn xảy ra một chuyện cực kỳ ghê rợn. Thế cho nên đối với dân làng Văn Thái, lúc này đây cứ ở trong nhà là an toàn nhất. Dẫu sao họ cũng được trưởng làng trấn an, mọi chuyện sẽ có cách giải quyết.

Để đề phòng, thầy Lương yêu cầu mọi người xây một cái bể thật lớn, gần bằng với diện tích của sân đình. Cũng may, trong làng có một nhà buôn bán vật liệu, tuy nhỏ nhưng người này cũng vì làng mà ủng hộ hết những gì mình có, bên cạnh đó, ở quê, nhà nào cũng trữ một ít gạch để tiện xây sửa, được trưởng làng huy động, bà con ai có gì góp nấy. Nhờ vậy mà công việc xây bể chứa không gặp trở ngại hay khó khăn nào. Chỉ có vấn đề nước là hơi ngặt, nhưng sau khi thử kiểm tra nguồn nước ở kênh mương, thầy Lương nhận thấy nước ở đây vẫn chưa nhiễm độc nên có thể dùng. Đó cũng là một điều may mắn nữa cho làng Văn Thái.

Đội thợ 6 người chỉ tập trung vào xây bể, trong số đó có 3 thợ xây lành nghề nên đến cuối chiều, mọi việc gần như hoàn tất. Lúc này, ông Vọng cũng đã quay về, ông ngồi trên một chiếc công nông chở theo cái máy bơm cỡ lớn thuê từ trên huyện về. Nhìn thấy mọi người cũng đã xong công việc, ông Vọng mừng lắm. Mọi công tác chuẩn bị đều được hoàn thiện ngay trong ngày hôm đó. Máy bơm đã lắp ống dẫn, căng dây điện chỉ chờ đến ngày mai, khi xi măng nơi bể chứa khô là lập tức bơm nước giếng đổ vào bể.

Cẩn tắc vô áy náy, ông Vọng muốn cắt cử một người ngủ lại trong đình để trông coi máy bơm cũng như bể chứa. Lưỡng lự một lúc không ai dám nhận bởi có gan đến mấy thì chuyện người chết dưới giếng, cũng như việc lang Phan treo cổ trên cây nhãn cũng đều là những sự việc diễn ra khu vực gần với đình làng.

Nhưng rồi cuối cùng người lãnh trách nhiệm này chính là Sửu, Sửu nói:

– – Chỉ là ngủ lại một đêm ở đình thôi mà, có gì đâu…..Đêm nay tôi sẽ ở lại đây.

Tuy nói vậy nhưng khuôn mặt Sửu có chút hơi tái, đợi những người kia ra về, còn lại thầy Lương, Sửu và ông Vọng, thầy Lương đáp:

– – Đình làng vẫn là nơi linh thiêng nhất, tuy hiện tại trong làng xảy ra nhiều chuyện bất ổn nhưng nơi đây là nơi thờ cúng cả trăm năm qua. Tuy nhiên cẩn tắc vô áy náy, tôi có một đạo bùa trừ ma, chỉ cần cậu đeo nó bên người thì ma quỷ sẽ không nhìn thấy mà quấy phá cậu được.

Nghe thấy thế Sửu mừng hẳn, cả đời chưa gặp ma bao giờ, bản thân Sửu cũng rất tin vào tâm linh. Nhưng nay vì mọi người, Sửu đành nhận công việc ngủ lại đình để trông coi, nói thế không phải là Sửu không sợ, thầy Lương lấy trong tay nải ra một cái túi vải có nhiều màu sắc. Miệng túi vải có một sợi dây buộ, cũng là để đeo vào tay.

Thầy Lương nói:

– – Đây là bùa ngũ sắc, một loại bùa tránh tà, trừ ma. Túi vải này được may bằng chỉ ngũ sắc. Bên trong này có bỏ một số loại hạt như hạt mùi, hồng hoang và quả hồng khô. Đeo thứ này bên mình cậu sẽ không bị ma quỷ quấy rầy, ngoài ra mùi hương từ bùa ngũ sắc còn giúp cho người đeo nó tránh được rắn độc, nhện độc muốn lại gần. Nhưng nhớ lời tôi dặn, ban đêm đừng bước chân ra khỏi khuôn viên của đình làng.

Sửu nhận lá bùa rồi cúi đầu cảm ơn thầy Lương rối rít. Cũng đã chập tối, cả ba người cùng nhau rời khỏi đình, Sửu thì về nhà ăn cơm xong sẽ quay trở lại đình luôn.

Buổi tối hôm ấy, sau bữa cơm đạm bạc, ông Vọng hỏi thầy Lương một lần nữa:

– – Thầy Lương này…? Thực sự tôi sẽ cứu được làng Văn Thái phải không…?

Thầy Lương đáp:

– – Bác là con cháu của Cao Gia, lại là cháu đích tôn của Cao Côn thì điều đó chắc chắn sẽ được. Tôi cũng đã xem ngày giờ, sáng mai tiến hành bơm nước, đến chính Ngọ, lúc đó là lúc dương khí cực thịnh, chướng khí sẽ bị trấn áp, khi ấy trưởng làng xuống giếng sẽ an toàn hơn. Còn điều này, vào chính Ngọ, lúc phá giải bùa yểm, không được ai có mặt tại khu vực đó. Cao Côn đã yểm long mạch suốt 100 năm qua, kể cả khi bùa yểm được hóa giải cũng sẽ khiến cho linh khí bị áp chế cả trăm năm được giải phóng, bởi long mạch biến tướng xấu, có chứa độc nên nếu bà con nán lại xem sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Vọng hỏi:

– – Vậy có phải lập đàn, làm lễ trước khi phá giải bùa yểm hay không, thưa thầy..?

Thầy Lương trả lời:

– – Không cần, cả ngày hôm nay tôi đã xem xét kỹ vị trí, địa hình xung quanh giếng làng, cũng đã bày bố những điểm trọng yếu xung quanh long mạch, việc làm lễ không cần đến nữa. Chỉ cần trưởng làng thực hiện đúng với những gì mà tôi dặn sau đây. Khi xuống đến đáy giếng, nếu thấy một hòn đá có hình đầu lâu, trên hòn đá có chữ “高” thì đầu tiên hãy gõ vào hòn đá 3 lần. Nếu hòn đá đầu lâu đó tách hoặc vỡ ra thì tiếp tục nhìn vào trong đó. Bên trong hòn đá đầu lâu sẽ có một đoạn xương cắm vào lòng giếng. Muốn hoá giải bùa yểm thì cần phải rút đoạn xương đó ra khỏi đáy giếng. Nhưng trưởng làng không được rút ngay, trước khi rút, trưởng làng phải nhỏ lên đoạn xương đó 3 giọt máu của mình. Máu thấm hết vào xương thì khi ấy mới được rút đoạn xương đó lên. Còn một chuyện nữa…..

Thấy thầy Lương bất chợt dừng lại, ông Vọng gặng hỏi:

— Còn điều gì thầy cứ nói.

Thầy Lương đăm chiêu nhìn ông Vọng, lát sau thầy tiếp tục:

— Như tôi đã nói trước đây, kẻ nào giấu long mạch, kẻ đó sẽ bị rút ngắn tuổi thọ. Một người như Cao Côn, am hiểu phong thuỷ, địa mạch, dương thọ của ông ta chắc chắn phải hơn 100 tuổi. Nhưng theo phổ truyền, Cao Côn chỉ thọ 70 tuổi. Đó là vì Cao Côn đã dùng tuổi thọ của mình để trấn yểm long mạch. Việc phá giải cũng như vậy, để rút được đoạn xương đó ra, trưởng làng cũng sẽ bị rút ngắn tuổi thọ. Năm nay trưởng làng đã ngoài 50 tuổi. Tôi e rằng….nếu phá giải bùa yểm xong….sợ rằng….

Ông Vọng nhắm mắt lại, ông khẽ cúi xuống đan hai bàn tay vào nhau, rồi ông ngẩng lên nhìn thầy Lương mỉm cười:

– – Thầy lo rằng tôi sẽ chết nếu hóa giải bùa yểm của ông nội mình phải không..? Không sao đâu, nếu đó là việc mà tôi có thể làm để cứu lấy toàn bộ dân làng Văn Thái, để mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên được bình yên thì chẳng có gì phải suy nghĩ cả. Hơn nữa, ngay từ đầu là họ Cao đã sai, tôi là người duy nhất còn sống của Cao Gia, và tôi phải kết thúc chuyện này. Có lẽ đây là lý do mà ông trời để tôi sống đến tận bây giờ.

Vừa nói ông Vọng khẽ rơi nước mắt nhưng ông vội gạt đi ngay. Dù có thế nào đi nữa thì ông Vọng vẫn là máu mủ của Cao Gia. Cả họ Cao trong đó có cả bố mẹ ông đều bị dân làng Văn Thái giết chết, nhưng bản thân ông lại được chính người dân làng Văn Thái nuôi nấng. Dù chưa từng biết mặt bố mẹ đẻ, nhưng trong lòng ông Vọng không khỏi đau xót cho số phận của Cao Gia.

Đứng dậy, ông Vọng thắp hương rồi quỳ trước ban thờ bố mẹ mình, ông nói:

– – Con không biết tại sao Cao Gia bị thảm sát, nhưng suốt bao năm qua, bố mẹ không một lần nói cho con về bí mật này chắc hẳn bố mẹ không muốn con gặp nguy hiểm. Từ nhỏ, con lớn lên trong sự bảo bọc của hai người, chưa bao giờ con dám nghĩ con không phải con của bố mẹ. Cảm ơn bố mẹ đã cho con được sống đến ngày hôm nay, nếu lỡ ngày mai con không còn sống được nữa, con hi vọng ở dưới suối vàng, lúc con đứng bên hoàng tuyền, bên kia là bố mẹ đang đợi con.

Quỳ gối lạy ba lạy, ông Vọng đứng lên cắm nhang vào bát hương, nước mắt ông không ngừng rơi xuống. Bản thân thầy Lương cũng cảm kích vô cùng trước hành động của ông Vọng. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, ít ai dám hi sinh bản thân vì mọi người như ông Vọng.

Nhìn ông Vọng, thầy Lương khẽ gật đầu, ông im lặng không nói gì thêm bởi những gì cần dặn dò ông đã nói hết rồi…….Mọi chuyện sẽ chờ đến ngày mai.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.