Miếu Hoang

Chương 24: Phổ truyền



Cơm nước xong xuôi, lúc này cũng đã là 7h tối, ông Vọng đóng kín các cửa, đóng cả cổng, ngồi trong nhà là thầy Lương, Sửu và Lực…..Đóng chặt cửa nẻo xong, ông Vọng nói:

– – Thưa thầy, đã đóng hết các cửa rồi.

Thầy Lương gật đầu rồi nhìn Sửu nói:

– – Cậu Sửu, để cái chậu nhôm xuống gần chỗ tôi. Lát nữa, khi tôi bóc lớp giấy dầu này ra, cậu lập tức đem ra ngoài đốt cháy nó nhé.

Sửu vâng dạ, tất cả đều chờ đợi xem rốt cuộc thứ được bọc trong giấy dầu là thứ gì. Đeo găng tay cao su, thầy Lương vừa khẽ bóc tách lớp giấy dầu bọc bên ngoài, ông nói:

– – Nhìn bên ngoài không có vẻ gì nguy hiểm, nhưng chạm tay không vào sẽ dính độc ngay. Tôi nghĩ, thứ này phải được chôn giấu ít nhất là 60 năm, vậy mà nhìn xem, không hề bị mục nát, phần bởi nó được giấu vào giữa tảng đá đặt nền móng, mọi người cũng thấy rồi đấy, loại đá chúng ta đào phải vẫn rất cứng, nền đất nơi đó khô ráo, vậy cho nên thứ này gần như không bị tổn hại. Dù đã giấu rất kỹ, vậy mà kẻ giấu vật này còn tẩm độc ra bên ngoài lớp giấy dầu. Chứng tỏ đây chắc hẳn là một vật cực kỳ quan trọng.

Lớp giấy dầu được bóc ra, thầy Lương vứt ngay xuống cái chậu dưới chân. Sau lớp giấy dầu là một tấm vải nhung màu đỏ, tấm vải này được thêu hình rồng phượng, thầy Lương ra hiệu cho Sửu đem đốt lớp giấy dầu được tẩm độc đi. Thầy Lương tháo găng tay, đặt tấm vải nhung được gấp thành hình chữ nhật lên mặt bàn, ông nói:

– – Rốt cuộc thì họ muốn giấu đi thứ gì…?

Không chờ đợi lâu, thầy Lương mở tấm vải nhung màu đỏ đó ra, trước mặt ông Vọng, Sửu và Lực, ở giữa tấm vải nhung là một tấm da thuộc có màu vàng nhạt được gấp làm đôi. Thầy Lương nhẹ nhàng cầm tấm da lên trên tay, ông trải toàn bộ tấm da lên mặt bàn rồi khẽ nói:

– – Là……Phổ Truyền.

Nhìn trên bề mặt tấm da tất cả các chữ đều là chữ Trung Quốc, nhưng nhìn sơ thì ông Vọng cũng hiểu được chút ít, ông Vọng hỏi:

– – Nhìn rất giống với bản gia phả…..Chỉ có điều ghi chép ở đây chi tiết và nhiều hơn..

Thầy Lương gật đầu:

– – Không sai, Phổ Truyền hay còn được gọi là Gia Phả….Chính là thứ này, nhưng đây không phải gia phả của dòng họ người Việt Nam….Nó là gia phả của một dòng họ người Trung Quốc, là ” Cao Tộc Phổ Ký ” ( Phả Ký Của Dòng Họ Cao). Tuy nhiên tấm Phổ Truyền này có lẽ chỉ là ghi chép của một chi họ mà thôi, người đứng đầu chi họ này là Cao Côn là người U Châu…….Chỗ này đã bị mờ nên không đọc tiếp được thân thế của ông ta, nhưng chẳng lẽ đây lại là người của dòng dõi Cao Biền.

Ông Vọng cùng Sửu và Lực tròn mắt hỏi:

– – Cao Biền là ai…?

Thầy Lương giải thích:

– – Cao Biền là một tướng lĩnh đời nhà Đường bên Trung Quốc, ông ta còn là một chính trị gia và là một nhà phong thủy đại tài. Mọi người nếu ai tìm hiểu về phong thủy thì ít nhiều cũng từng nghe đến tên người này. Những câu chuyện về việc Cao Biền trấn yểm long mạch của Việt Nam cho đến tận bây giờ vẫn còn là một bí ẩn. Tương truyền rằng, vua Đường Ý Tông muốn xâm chiếm nước Nam, nhưng vua nhận thấy địa mạch của nước Nam vượng phát, linh khí ngút trời, thời nào cũng sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt. Bởi vậy, vua Đường muốn tìm cách trân yểm linh khí của nước Nam. Và vua Đường đã phong cho Cao Biền làm Tiết Độ Sứ đi sang nước Nam nhằm tìm cách cắt đứt long mạch của nước này, trấn yểm những nơi linh khí hội tụ để nước Nam không còn sinh ra những bậc hào kiệt nữa. Người xưa nói rằng, Cao Biền cưỡi diều bay trên không trung, nhìn xuống bao quát toàn bộ các vùng đất của nước Nam. Hễ thấy nơi đâu có long mạch, ông ta sẽ đáp xuống cắt đứt long mạch ở đó. Nay đến làng Văn Thái lại đào được một bản gia phả thuộc dòng họ Cao, cùng với đó việc long mạch nơi đây bị ẩn giấu, làng gặp tai họa, nước ngầm nhiễm độc, gia súc gia cầm chết phơi thây…..Thật khó để mà không nghĩ tới họ Cao này là dòng dõi của Cao Biền năm xưa.

Ông Vọng lo lắng hỏi:

– – Nhưng nếu như lời thầy nói, tại sao họ Cao kia lại dùng bùa phép để trấn yểm làng chúng tôi….?

Thầy Lương khẽ đáp:

– – Như tôi đã nói, địa mạch là tinh khí của đất trời….Kẻ nắm giữ được long mạch sẽ khiến cho gia tộc, dòng họ trở nên cường thịnh, thậm chí còn có thể kiểm soát cả một vùng đất. Trước khi trả lời câu hỏi của trưởng làng, trưởng làng cho tôi hỏi một câu.

Ông Vọng vội nói:

– – Có gì xin thầy cứ hỏi.

Thầy Lương tiếp:

– – Chẳng hay trong làng này còn ai sống đến 90 tuổi hoặc có ai họ Cao còn sống hay không..?

Ông Vọng lập tức lắc đầu:

– – Không còn ai nữa, người già nhất trong làng này còn sống cũng chỉ độ 85 tuổi mà thôi…..Đó là cụ Cẩn, còn họ Cao thì tôi chắc chắn trong làng này không có ai mang họ Cao cả, nhưng sao thầy lại hỏi vậy…?

Thầy Lương trả lời:

– – Mọi người lặng im nghe tôi phân tích, tại Bãi Hoang chúng ta đã đào thấy nền móng của một công trình, mà theo như những gì trưởng làng biết, ngay từ khi trưởng làng còn nhỏ, nơi đó đã được gọi là Bãi Hoang, không có nhà cửa hay ai sinh sống ở đó cả, kể cả là người trong làng. Tiếp đó chúng ta đào được phổ truyền của chi họ Cao, căn cứ vào những ghi chép trong phổ truyền này thì người đứng đầu họ Cao kia tính cho đến này là 150 tuổi. Mọi người còn nhớ tôi từng nói, nền móng mà chúng ta đào thấy chắc chắn người xây dựng nó phải rất giàu có, thậm chí còn có thể là quan lại có tước vị. Vấn đề ở đây chính là tại sao những gì từng có trên Bãi Hoang đó lại biến mất, nếu như dòng họ Cao này đã gắn bó với làng Văn Thái lâu như vậy thì tại sao cho đến giờ, trong làng hầu như không còn vết tích gì của họ. Bằng chứng đó là khi hỏi đến Bãi Hoang, ngay cả trưởng làng cũng không biết gì về nơi đó. Nếu làng đã tồn tại 100 năm, trong suốt 100 năm đó, có sự hiện diện của dòng họ Cao…..Vậy, nếu muốn biết đã xảy ra chuyện gì trong quá khứ, chỉ còn một cách duy nhất đó là hỏi những bậc bô lão trong làng, những cụ già có tuổi đời đi cùng với sự hình thành của làng…..Như vậy chúng ta mới có thể tìm hiểu về dòng họ Cao này.

Quả đúng như lời thầy Lương nói, rõ ràng bí mật về Bãi Hoang còn quá nhiều bí ẩn kể từ khi Sửu và Lực đào bới và phát hiện ra những bằng chứng chứng minh rằng, Bãi Hoang từng có cả một kiến trúc lớn. Ông Vọng run giọng:

– – Chẳng lẽ….chẳng lẽ những gì mà các cụ trong làng lúc còn sống khuyến người dân không được ra Bãi Hoang là có nguyên nhân của nó.

Thầy Lương thở dài:

– – Bác trưởng làng bắt đầu hiểu ra vấn đề rồi đó. Chỉ đáng tiếc, có lẽ họ không còn sống đến bây giờ để cho chúng ta biết sự thật. Giờ chỉ còn hi vọng vào cụ Cẩn mà trưởng làng nói ban nãy, biết đâu cụ Cẩn còn nhớ được điều gì đó quan trọng. Ngày mai, bác trưởng làng dẫn tôi đến nhà cụ Cẩn để hỏi chuyện, sau đó tôi muốn đến đình làng để tìm hiểu xem, liệu trên bia công đức của đình có ghi chép gì về dòng họ Cao này hay không…?

Lúc này cũng đã gần 9h tối, Sửu và Lực xin phép quay về nhà bởi đã đi cả ngày hôm nay. Trước khi họ ra về, thầy Lương cẩn thận dặn dò họ tạm thời đừng kể chuyện này cho ai biết, tránh việc bà con lo lắng mà hành động không hay. Cả hai nghe xong vâng dạ và hứa sẽ không nói những gì họ biết cho bất cứ ai.

Quay lại trong nhà, ông Vọng lúc này mới hỏi:

– – Tôi vẫn chưa hiểu, tại sao họ lại đem gia phả giấu đi như vậy…?

Thầy Lương ngồi xuống rồi khẽ đáp:

– – Gia phả là một vật cực kỳ quan trọng của một dòng họ, một gia tộc…..Ở đây, tấm gia phả này còn quan trọng hơn gấp bội phần, bởi vì họ Cao kia có thể đã làm điều gì đó không đúng với đạo lý, ngược lại ý trời nên họ sợ rằng, nếu như tấm gia phả này lộ ra, con cháu đời sau sẽ gặp phải nguy hiểm. Tuy chưa dám khẳng định, nhưng nếu quả thực việc họ giấu đi long mạch, rồi trấn yểm long mạch nơi đây suốt 100 năm qua thì việc họ phải giấu gia phả không có gì khó hiểu. Bởi nếu người nào biết về phong thủy, biết thuật trấn yểm thì họ có thể khiến cho họ Cao này phải điêu đứng. Bởi trong tấm gia phả này còn ghi rõ cả mộ phần, nơi chôn cất của Cao Côn, người đứng đầu chi họ.

Ông Vọng tròn mắt:

– – Nói như vậy là thầy Lương cũng có thể yểm lại họ khi có trong tay tấm gia phả này phải không..?

Thầy Lương đáp:

– – Đúng vậy, với những ghi chép rõ ràng về năm sinh, tên tuổi, nơi chôn cất như thế này thì tôi chỉ cần đến mộ phần của Cao Côn là có thể khiến cho họ Cao bị điêu đứng, nếu đang hưng thịnh thì sẽ sụp đổ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng đây không phải là điều tôi muốn làm, hơn nữa, hiện tại chẳng phải họ Cao đó đã phải trả giá rồi sao. ” Giấu Long Mạch ” là điều đại cấm kỵ, thật đáng tiếc cho họ Cao, có tài nhưng lại không thoát khỏi sự tham lam, ích kỷ. u cũng là ý trời, đáng buồn thay.

Ông Vọng bực tức nói:

– – Họ thật là những kẻ xấu xa, tại sao lại muốn hại dân làng của tôi cơ chứ…?

Thầy Lương khẽ trả lời:

– – Bác trưởng làng đừng vội trách móc, cũng như cơn mưa rào dài ngày đã giúp dân làng có nước để uống, để duy trì sự sống. Việc gì cũng có nguyên nhân của nó, bác trưởng làng đã tự hỏi, tại sao dòng họ Cao đó lại biến mất không một vết tích, mặc dù tôi có thể chắc chắn rằng, trước đó họ cực kỳ hưng thịnh, giàu có. Tai ương mà dân làng phải gánh chịu cũng đều có lý do, nhân quả báo ứng…..Ban nãy khi bác trưởng làng hỏi tôi liệu tôi có thể trấn yểm lại được họ Cao, tôi có thể nhưng đó không phải cách tôi ở đây. Dù tôi có khiến cho mồ mả của Cao Côn chịu bùa yểm cũng không khiến cho làng Văn Thái thoát được kiếp nạn này. Muốn giải quyết triệt để, chúng ta cần tìm hiểu được gốc rễ của vụ việc…Ai sai, ai đúng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tôi không muốn làng ta tiếp tục mắc sai lầm…..Cũng muộn rồi, bác trưởng làng nghỉ ngơi sớm đi, ngày mai chúng ta còn nhiều thứ phải bận rộn lắm đấy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.