Tôi ăn xong, nán lại một lúc chơi với mấy anh chị nhà bác Lâm rồi tản bộ về nhà. Quả nhiên, khung cảnh đầu tiền khi bước vào mà tôi thấy là ba tôi đang tức giận chỉ vào đống đồ ăn la mắng, Tống Liên cúi gằm mặt im lặng.
“Cô rỗi hơi bày biện ra như vậy hả?! Sao cô rảnh vậy?! Tiền đi chợ là tôi cấp, cô không làm được gì mà lại tiêu xài phung phí như thế này hả?!” Ba tôi mắng.
Tôi khóa cửa nhà lại, chào ông một cái rồi lên lầu.
Tống Thư đang đứng trước cửa phòng tôi. Anh nhìn tôi: “Em đã đi đâu? Sao giờ này mới về?”
“Anh không nghe em nói hả? Em sang nhà mẹ, mà anh quan tâm tới việc em làm gì làm chi?” Tôi nghiêng đầu hỏi.
Anh im lặng nhìn tôi một lúc rồi nói: “Anh có ca mổ gấp, khuya mới về”
“Ờ” Tôi gật đầu, tiến về phía anh: “Vậy, mời anh tránh ra, em còn phải vào ngủ”
Tống Thư nhìn tôi rồi tránh sang bên, tôi nhún vai rồi vào phòng mình, khóa trái cửa lại.
Tôi và Tống Thư vẫn cư xử rất bình thường với nhau, hay đúng hơn là đeo mặt nạ lên mà cười với nhau. Đơn giản là vậy.
Tôi cảm thấy mừng vì anh biết điều, biết thân biết phận và im lặng, tôi cũng không muốn tạo ấn tượng xấu cho anh tí nào đâu. Hi hi.
Tôi ra khỏi phòng vì khát nước, vì phòng tôi và Tống Thư ở trên lầu 2, phòng Tống Liên và ba ở lầu 1 nên mỗi lần tôi xuống là cứ phải đi ngang qua đó. Đi lướt qua phòng của Tống Liên thì thấy ả đang ủi đồ cho ba tôi, tôi chợt nhớ đến mẹ, mẹ tôi từng nói lúc ba mẹ cãi nhau, ba tự ủi đồ và than là mình ủi nhăn quá. Có lẽ, ba lấy ả ta về cũng chỉ để ủi đồ cho mình thôi.
Tôi xuống bếp, thấy tất cả chén dĩa đã dọn sạch, đồ ăn thì bị vứt đi, tôi mỉm cười. Thấy không, phải khôn ngoan như vậy, tôi không rỗi hơi mà vờ điên lên rồi hất đổ bàn ăn của ả, mà phải để ả tự tay đổ, như thế mới vui chứ.
Ba tôi đang ở ngoài phóng khách xem TV, thấy tôi cũng không nói gì, thái độ của tôi và ba khi nào cũng vậy, nên tôi cũng chẳng nói gì. Tôi lấy mấy chai nước đem lên lầu, đi ngang qua phòng Tống Liên, đúng lúc ả đang treo đồ lên, trên mặt ả vẫn là nụ cười như lúc dọn món ăn ra. Tôi cảm thấy rất khó hiểu.
Quay về phòng mình, tôi nằm trên giường ngẫm nghĩ. Vì sao bị hành như vầy mà ả còn có thể nở nụ cười đó ra? Cuồng ngược sao?
Tôi đột nhiên trầm mặc.
Không lẽ… Ả ta yêu ba tôi?
Yêu nên mới cười khi nghĩ rằng mình sẽ được đón một sinh nhật thật ấm cúng bên người đó, nên mới cười khi được tự tay ủi quần áo cho người đó?
Tôi im lặng. Có phải không? Ả thật sự yêu ba tôi chứ? Nhưng mà dù cho có vậy thì tôi cũng đâu thể vì nó mà tha thứ cho ả? Ả giật chồng mẹ tôi còn gì?
Nhưng mà… Sao ba tôi lại chấp nhận đem ả về? Cứ cho là để thế chỗ cho oshin đi, thì vì sao ả vẫn chấp nhận?
Tôi không biết, tôi cũng không muốn quan tâm nữa! Tôi chỉ biết Tống Liên là người xấu, ả khiến gia đình tôi tan nát, hơn nữa, ả còn làm cái nghề nhục nhã như vậy nữa.
Mẹ tôi từng chỉ cho tôi những cô gái đứng đường trên đường đi đến quán ăn, thở dài: “Mẹ không hiểu sao mà mấy người đó lại chọn cái nghề này, vẫn còn rất nhiều nghề khác để chọn mà”
Tôi lúc đó 12 tuổi, vừa đọc xong cuốn “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” của Tào Đình, lập tức lên tiếng bênh vực: “Người ta có hoàn cảnh riêng của người ta, có thể người ta bị xã hội ghét bỏ hay có hoàn cảnh đặc biệt”
“Nhưng mà sao lại đi vào cái nghề đó?” Mẹ tôi chỉ vào mấy quán ăn ven đường: “Vào đó làm không được hay sao? Những quán đó đâu đòi hỏi yêu cầu cao, rửa chén cũng có lương rồi. Hơn nữa họ còn làm gia đình người ta tan nát, nguyên nhân khiến mấy ông chồng ngoại tình, như ba con”
Tôi im lặng suy nghĩ, đúng là vậy thật, nhưng tôi không chịu thua mẹ, nói: “Có thể có người ghét việc nặng hay nghiện sex, ai biết được”
Mẹ tôi gật gù.
Từ đó tôi rất có ác cảm với cái nghề này. Nội nghĩ đến việc phá hoại hạnh phúc gia đình người khác là tôi đã thấy ghét rồi. Tôi ghét tiểu tam.
Tôi nằm trên giường vẽ nháp lại bản vẽ một lúc rồi ngủ thiếp đi.