Mật Mã Maya

Chương 14



– Phải rồi, – Marena đáp

– Xin lỗi, tôi không hiểu những điều ấy, – Laurence Boyle nói.

– Taro đang nói rằng…

– Chờ chút, – Boyle nói. Anh ta đang viết gì đó lên màn hình điện thoại. – Nghe này, tôi sẽ ghi âm lại tất cả để làm một bản ghi chép gửi cho trưởng lão Lindsay. May ra ai đó sẽ đoán được điều gì. Mọi người thấy có thể làm được không?

Mọi người gật đầu.

– Tốt rồi, xin các vị hãy nói thật rành rọt nhé. Còn tôi sẽ đảm bảo ông ta nghe nó bằng bên tai còn thính. – Anh ta cười toáng lên trước câu nói chẳng lấy gì làm hài hước của mình, đúng kiểu Mỹ. – Và chú ý đừng nói câu gì báng bổ nhé, được không? – Anh ta ấn nút trên máy điện thoại. – Được rồi, bắt đầu. Vậy việc là thế nào?

– Giả thiết là hiệu ứng cánh nỏ sẽ tạo ra những kẻ tin vào ngày tận thế…các vị gọi họ là gì nhỉ?

– Doomster, – Taro đáp.

– Đúng rồi, và rằng dù là kẻ nào gây ra chuyện này, hắn hẳn phải nghĩ hắn sắp huỷ diệt cả loài người, – Weiner nói. – Và giả thiết ở đây là đối tượng sắp đặt vụ rải polonium này có thể không phải là một người, bất kể đó là ai, nhưng cũng không thể là rất nhiều người, bằng không chúng đã bị nhận dạng.

– Phải, – Marena nói, – trò của những kẻ tin vào ngày tận thế…vấn đề là ngày càng có nhiều người thích thứ đó.

– Ngày càng nhiều người thích thứ gì cơ? – Boyle thắc mắc.

– Tức là ngày càng có nhiều người muốn phá phách và có phương tiện để phá phách, – cô ta giải thích, – đó là ý kiến của Taro.

– Không, cảm ơn, nhưng không phải đâu, – Taro đáp, – Đó không phải ý kiến của tôi. Vấn đề doomster đang ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực dựng mô hình thảm hoạ.

– Ừm, được rồi, vậy thì, – Boyle nói, mắt nhìn bản ghi điện tử trên điện thoại, – Giáo sư Taro, ông có thể giảng giải cho chúng tôi vấn đề đó một cách ngắn gọn không?

Taro ngừng một lát.

– Đây, anh uống cái này này, – Marena thì thào với tôi. – Tôi chưa động gì đến đâu. – Cô ta đẩy về phía tôi một cốc giấy đựng đồ uống.

– Hừm, một doomster tiềm năng, – Taro bắt đầu, – là người muốn giết tất cả loài người trên trái đất, kể cả bản thân hắn. Còn một doomster thật sự là người tìm được phương thức để thực hiện điều đó.

– Vâng, – Boyle nói, – nhưng không thể có quá nhiều kẻ điên khùng như thế được.

– Hừ, trước đây từng xảy ra những vụ tương tự rồi, – Taro nói. Giọng ông ta khoẻ hẳn lên khi bắt đầu thuyết giảng – ở Pakistan, hai lần, rồi ở Oaxaca. Và còn những vụ trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng như vô số trường hợp khác mà chúng ta không biết.

– Có thể lắm, – Boyle nói.

– Song vấn đề không hẳn nằm ở chỗ có, giả dụ, mười hay mười nghìn kẻ điên khùng như thế. Vấn đề là vào một thời điểm nào đó, một trong số những kẻ ấy sẽ tìm được cách thức để thực hiện điều hắn mong muốn. Và theo lý thuyết về hiệu ứng cánh nỏ, điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra sớm hơn là muộn.

– Ông nên giải thích cả thuật ngữ đó nữa, – Marena nói.

– Xin lỗi?

– Hiệu ứng cánh nỏ ấy.

– Ồ, – ông ta đáp, – phải. Vào năm…vào năm…tôi nghĩ là 1139. Hội đồng Lateran đã tìm cách xếp cung nỏ vào loại vũ khí bất hợp pháp vì theo họ chúng sẽ dẫn tới sự chấm dứt của nền văn minh. Vì nhờ nó, một người lính bình thường cũng có thể giết chết một hiệp sĩ mặc áo giáp sắt trên mình ngựa.

– Nhưng thực sự cung nỏ có gây ra được chuyện gì đâu, – Marena nói.

– Đúng là không, – Taro đáp. – Và sau đó, đến những năm 1960, các nhà sản xuất vũ khí thường lấy chuyện đó làm ví dụ để chứng minh rằng không nên quá lo lắng về vũ khí hạt nhân.

– Vâng, – Boyle nói.

– Nhưng cung nỏ chỉ có thể giết được một người với một phát tên, – Taro nói. – và tính theo đầu mũi tên, như vậy là khá tốn kém so với thời kỳ đó. Vũ khí hạt nhân thì giết được rất nhiều, với chi phí thấp hơn nhiều cho mỗi mạng người. Chỉ khoảng vài đô la cho một cái chết. Nhưng như thế vẫn là hơi đắt. Còn ngày nay, chúng ta có vô số loại vũ khí có sức tàn phá mà lại rẻ tiền. Và dễ sản xuất nữa. Đây là điều đã xảy ra ở Iraq. Khi nước Mỹ dùng trò chơi chiến tranh để đặt kế hoạch chiếm đóng, họ đã bỏ qua không tính đến chuyện công nghệ đó, tức là các chất nổ plastic, thậm chí cả thuốc nổ, sẽ đến được tay rất nhiều người. Khi chất nổ plastic còn đắt đỏ, Lầu Năm góc vẫn dùng những kiểu vũ khí cổ điển hơn và khó kiếm hơn. Nhưng đến năm 2004, Thuốc nổ dẻo C4 trở nên rẻ mạt và dễ kiếm, đến mức chỉ một kẻ tấn công thôi cũng có thể giết rất nhiều người và gây thiệt hại hàng triệu đô la với chi phí rất phải chăng. Có thể diễn đạt theo cách khác rằng sự dân chủ hoá lan tràn công nghệ đã dẫn đến số lượng người dùng ngày càng đông. Đó là những kẻ đánh bom tự sát.

– Rất có thể, – Boyle nói, – nhưng chúng không bao giờ có thể phá huỷ tất cảmọi thứ được. Hơn nữa, không thể có quá nhiều kẻ muốn làm chuyện như vậy.

Taro ngừng một lát. Tôi nhấp một ngụm trong cái cốc. Đó là trà xanh ướp lạnh pha thêm hương liệu, trộn với các hạt bột sắn. Đồ dành cho con nít. Thôi, gì cũng được.

– Phần đông mọi người đều từng trải qua những giây phút giận dữ đến mức muốn phá huỷ tất cả mọi thứ, – Taro nói. – Theo những mô hình được dựng gần đây, vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần, những người, nói thế nào nhỉ, ít được vào khuôn phép hơn những người khác một chút và hiểu biết về công nghệ nhiều hơn người khác một chút, sẽ có cảm giác trên, và họ sẽ làm điều đó.

– Vậy nó sẽ xảy ra vào lúc nào? – Boyle hỏi.

– À, anh có thể biểu diễn nó trên biểu đồ, – Taro đáp. Ông ta bắt đầu phác hình trên màn hình điện thoại. – Thực tế, anh thậm chí có thể đơn giản hoá nó chỉ với ba vecto chính. Đây rồi, đường đậm này, vecto α, là khả năng tiếp cận công nghệ ngày càng rộng rãi. Nó được tính toán từ một tập hợp các biến số phụ, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng của internet, tốc độ giảm chi phí xây dựng, các phòng thí nghiệm chất nổ hoặc vắc-xin chiết xuất từ vi rút. Tiếp đó là đường nhạt, vecto ρ, hiển thị số lượng người có thể bị coi là căng thẳng, tức là có nguy cơ quá khích. Các doomster. Và đường thứ ba là vecto e, tức là đường đứt nét. Nó biểu thị nỗ lực ngăn chặn của DHS và các lực lượng cảnh sát, cơ quan chống khủng bố trên toàn thế giới. Ông ta gửi hình vẽ cho các điện thoại khác, Marena cho tôi xem trên điện thoại của cô ta.

– Như vậy, ông đang muốn nói rằng về cơ bản nó là một trào lưu đúng không, – Marena nói. – Giống như, ông biết đấy, giết người hàng loạt là một nghề được ưa chuộng trong những năm 1990, đến những năm 2000 thì khủng bố, còn bây giờ thì việc quan trọng là làm sao trở thành một doomster và kéo mọi người cùng chết theo.

– Gượm hẵng, – Michael Weiner nói. – Có bao nhiêu người thực sự muốn phá huỷ tất cả mọi thứ?

– Phải đấy, – Boyle tiếp lời. – Các vị thực sự cho rằng người ta có thể làm được điều đó ư?

– Dĩ nhiên, – Marena đáp, – rất nhiều người làm được đấy.

– Nhiều người đã thực sự bày tỏ ý muốn ấy, – Taro nói, – và không phải tất cả bọn họ đều đang ở trong tù hay trại tâm thần.

– Hai mươi năm truớc, tạo ra virus máy tính là một trò hay ho, – Marena nói, – còn bây giờ thì tạo ra virus sinh học mới là điều hay ho nhất.

– Cho nên, ngày nay, chỉ cần kiến thức về sinh hoá tương đương với một sinh viên chưa tốt nghiệp và một phòng thí nghiệm tại nhà tiêu tốn khoảng năm ngàn đô la, người ta cũng có thể tạo ra một hệ thống đủ tiêu diệt cả loài người. – Taro nói. – Có hơn năm mươi triệu người trên toàn thế giới có trình độ học vấn ở mức như vậy và ít nhất một vài trong số họ chỉ lăm le muốn làm điều kia.

– Choáng thật đấy. – Micheal Weiner nói.

– Vấn đề là, trước đây, phải có một nhà bác học điên mới làm nổi chuyện đó, – Marena nói, – còn bây giờ, chỉ cần một thằng điên học ngành sinh học. – Cô ta thêm vào những câu dễ nhớ để Lindsay hay bất kỳ ai khác có thể sử dụng khi họp ban lãnh đạo hoặc những dịp tương tự.

– Có thể nói như vậy, – Taro đồng tình. – Hoặc làm theo một cách khác, hãy hình dung nếu anh đưa cho mỗi người trên thế giới một quả bom huỷ diệt cho ngày tận thế, thì chắc chắn sẽ có người châm ngòi sau vài phút. Thực tế, nhiều người sẽ vội vã làm việc đó chỉ vì muốn mình là người đầu tiên. Và thậm chí nếu để độ không chắc chắn cao hơn mức cần thiết thì các đường cong cũng sẽ gặp nhau tại một thời điểm rất gần. Có thể chỉ là vài tháng nữa…

– Và nó rơi đúng vào khoảng ngày cuối cùng của lịch Maya, – Marena nói.

– Phải, mặc dù nếu bàn về việc chính xác ngày nào sự kiện đó sẽ xảy ra, thì nó chỉ có tính tương đối thôi, đương nhiên. Nhưng nó hoàn toàn thuyết phục về mặt số liệu. Nghĩa là, sự kiện đó sẽ xảy ra, và xảy ra trong khoảng một thời gian không bao xa nữa.

– Nhưng có những người đang nỗ lực ngăn cản lũ điên ấy – Boyle nói.

– Phải, – Taro đáp, – đó chính là đường cong e.Nhưng như các vị thấy đấy, nó không hề cắt hai đường kia trước khi tất cả cùng gặp nhau ở điểm cuối.

– Vậy tất cả những gì chúng ta cần làm là nâng cái đường cong e ấy lên, – Marena nói. Cô ta đã xé chiếc cốc giấy đựng nước trà của mình thành một dải hình xoắn ốc với đường viền mấp mô lượn sóng.

– Chúng ta, hoặc ai khác, – Taro đáp. – Phải. Nâng thật mạnh.

Không một ai nói gì nữa. Tôi xé mấy gói Jelly Belly. KẸO DẺO HẠT ĐẬU CHÍNH GỐC DÀNH CHO NGƯỜI SÀNH ĂN – trên bao bì viết như vậy – VỊ HOA QUẢ NHIỆT ĐỚI. Tôi ăn ba viên, cảm thấy mình hơi ích kỷ, liền quẳng nốt chỗ còn lại lên bàn. Chúng có hình tròn không đều nhau và nhuộm đủ màu như đá quý.

– Có ai muốn làm vài viên không? – Tôi mời.

Chẳng ai muốn cả.

– Cảm ơn thông tin của các vị, – Boyle nói. – Nhưng tôi cũng xin có ý kiến rằng, trước những tình huống như thế này, người ta thường nói: lúc nào chẳng có người hô hoán lên rằng trời sắp sập, rồi lần nào họ cũng nhầm. Thiên hạ luôn cho rằng: sắp đến ngày tận thế rồi. Họ từng nói bom nguyên tử là tận thế. Năm 2000 là tận thế. Vụ sập máy gia tốc ở Mexico đã tạo ra một lỗ hổng nhỏ ở trung tâm trái đất, và đó cũng sẽ là tận thế.

Anh ta nhìn quanh bàn. Không có ai nói gì.

” Hừ, hơi lạ đây, – tôi tự nhủ. Tôi không ngờ anh chàng Boyle này lại là người đứng ra phản đối, bởi anh ta là một con chiên Mormon ngoan đạo. Mà nói chung thì Những Vị Thánh Ngày cuối vẫn thuộc loại nhẹ dạ cả tin. Họ luôn nghĩ ngày tận thế sắp cận kề. Vậy mà cái thằng cha này lại quay ra ngờ vực. Hừ, có lẽ mình nhìn người hơi cứng nhắc rồi. Marena há miệng ra rồi lại ngậm lại. Tôi có cảm giác cô ta định nói một câu cửa miệng đại loại như: “Thôi cứ chấp nhận đi, đồ nghếch, điều này vượt quá sức hiểu của anh”. Tôi quyết định làm không khí bớt căng thẳng.

– Chúng ta đừng nên dùng từ hố “đen”, – tôi nói – Nghe xúc phạm quá. Ta nên gọi là hố “màu” thôi. (Một kiểu chơi chữ xuất phát từ cách dùng từ “da màu” thay vì “da đen” ở Mỹ vì e ngại xúc phạm sắc tộc)

Chẳng ai cười. Hay nhếch mép. Hay có bất cứ biểu hiện nào khác. Mình đúng là tên lố bịch. – tôi nghĩ.

Taro lên tiếng.

– Ừ, đúng là từ rất lâu rồi, có những kẻ cứ tuyên truyền với tất cả mọi người rằng thế giới sắp đến ngày chấm dứt. Và đến nay, như chúng ta biết, thế giới vẫn chưa chấm dứt. Nhưng đó chỉ là ảo giác cảm tính thôi. Anh không thể…

– Thuật ngữ đó nghĩa là gì vậy ? – Marena hỏi.

– Nghĩa là, nó giống như con gà của Russell ấy mà, – ông ta đáp. – Đơn giản là anh chỉ việc lờ đi tranh cãi cho rằng…

– Xin lỗi, nhưng ông nên giải thích cho cuốn băng ghi âm về con gà ấy. – Marena nói.

– Ồ, phải, – Taro đáp. – Bertrand Russell là người đã kể câu chuyện về một con gà tin tưởng người nông dân là bạn nó. Vì rõ ràng ông ta cho nó ăn hàng ngày và chả bao giờ làm gì hại nó cả. Con gà tin rằng người nông dân sẽ tiếp tục làm thế mãi. Nhưng rồi…một ngày, thay vì cho nó ăn, người nông dân đã cắt cổ nó. Ý nghĩa của câu chuyện này là cảm tính thường sai lầm về mặc lô-gic.

– Tôi không chắc là tôi, hay ban lãnh đạo, có thế hiểu được chuyện này, – Boyle nói.

Im lặng, tôi quay lại nhìn Marena. Bốn mắt gặp nhau trong một giây. Mẹ kiếp, cặp mắt cô ta nói, cái gã con hoang Boyle này muốn từ chối chúng ta đây mà. Hắn không muốn dự án này được thông qua, chắc vì như vậy sẽ làm bớt ngân sách chi cho cái phòng nhảm nhí của hắn, cho nên hắn mới lẽo đẽo bám càng chúng ta, và bây giờ hắn muốn lừa chúng ta nói ra điều gì ngu xuẩn hoặc, hoặc quá chắc mẩm, và hễ chúng ta hở mồm ra, hắn sẽ chạy đến chỗ Lindsay và phun vào tai ông ta những lời độc địa.

Chúng tôi quay ra nhìn Boyle. Hắn bắt đầu nói câu gì đó, nhưng Marena ngắt lời.

– Anh nghe này, – cô ta nói. – Luôn có những thằng tâm thần rêu rao rằng sắp có sao băng va vào trái đất, ngay ngày mai chẳng hạn. Và đến giờ chuyện đó vẫn chưa xảy ra. Nhưng nếu anh ngẩng đầu lên và trông thấy một ngôi sao băng khổng lồ đang lao xuống thì anh không thể nói nó sẽ không lao vào chúng ta chỉ vì có những thằng tâm thần từng nhắc đến khả năng đó. Phải không?

– Chính xác, – Taro nói. – Chúng ta cần đánh giá tình hình dựa trên bản chất của nó, chứ không phải theo những gì thiên hạ vẫn nói năm này qua năm khác. Chẳng hạn như, chúng ta có tìm thấy dấu vết nào của nền văn minh ngoài trái đất đâu, bất chấp bao nhiêu lợi thế cho sự phát triển của họ. Rất có thể, những nền văn minh đó đều đã tự huỷ diệt trước khi bước đến giai đoạn phát triển như chúng ta hiện thời.

Một phút im lặng nặng nề.

– Ê, nhìn xem anh làm được gì này, – Marena nói. Tôi nhận ra là cô ta đang nói với tôi.

– Gì cơ ? – tôi thắc mắc.

– Chúng được phân loại hết này, – cô ta vỗ tay lên bàn. – Nhìn xem này, – cô ta nói với tất cả mọi người, trừ tôi.

Tôi nhìn xuống. Quả đúng vậy, tôi đã sắp xếp những viên kẹo hạt đậu thành một ô kẻ ca rô rộng, phân thành từng cột theo màu sắc, hình dáng và những viên có hình dáng và màu sắc trùng nhau thì được phân theo kích cỡ.

– Oa, khiếp thật, – Boyle nói.

– Ồ, phải, – tôi nói – Chúng lộn xộn quá, làm tôi khó chịu. – Tôi vun tất cả cái đống chết tiệt trên bàn vào tay. – Xin lỗi.

– Và một trong những lý lẽ thuyết phục nhất ủng hộ thuyết ngày tận thế, – Taro tiếp tục, vẫn miên man với dòng suy nghĩ của mình, theo thói quen. – là chúng ta chưa hề bắt gặp ai đến từ tương lai.

– Nguyên nhân chẳng phải do Novikov sao ? – Boyle hỏi lại.

– Hừ, có lẽ chuyện… – Marena xen vào.

– Không, – Taro cắt ngang, không để Marena kịp nói hết từ. – Không, định luật đó không áp dụng cho chúng ta trong hiện tại. Nguyên nhân khả dĩ nhất giải thích tại sao không có vị khách nào đến từ tương lai vì không hề có tương lai.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.