Khi chiếc Hawker bay ở tầm trung, nhằm hướng nước Anh, Langdon thận trọng nhấc chiếc hộp bằng gỗ hồng mộc lên từ trong lòng – nơi ông bảo vệ nó trong suốt thời gian cất cánh của máy bay. Trong khi đặt nó lên bàn, ông cảm thấy Sophie và Teabing cũng cúi về phía trước, đón đợi.
Tháo chốt nắp và mở hộp, Langdon không hướng sự chú ý tới những cái đĩa có kí tự mà tới cái lỗ nhỏ xíu ở mặt dưới nắp hộp. Dùng đầu nhọn của một cái bút, ông thận trọng nạy hình khảm Hoa Hồng để lộ ra đoạn văn tự bên dưới. Sub Rosa-Dưới Hoa hồng, ông trầm ngâm suy nghĩ, hi vọng việc xem lại lần nữa có thể làm sáng tỏ văn bản trên. Tập trung hết năng lực, Langdon tìm hiểu dòng kí tự lạ lẫm.
Sau vài giây xem xét, ông bắt đầu cảm thấy nỗi thất vọng như lần đầu: “Leigh, tôi chịu không thể đoán ra”.
Từ chỗ Sophie ngồi mé bên kia bàn, cô không thể trông thấy đoạn văn tự, nhưng việc Langdon không thể nhận ra ngay ngôn ngữ đó làm cô ngạc nhiên. Ông mình lại biết một ngôn ngữ bí hiểm đến mức một nhà kí tượng học cũng không nhận ra được ư? Cô nhanh chóng nhận ra mình không nên coi đó là lạ. Đây đâu phải là bí mật đầu tiên mà Jacques Saunière giấu cháu gái.
Ngược lại với Sophie, Leigh Teabing cảm thấy mình sắp nổ tung. Hăm hở vì cơ hội được thấy những kí tự lạ, ông run lên vì phấn khích, cúi người, cố nhìn quanh Langdon đang khom mình trên chiếc hộp.
“Tôi không biết”, Langdon thì thầm náo nức, “dự đoán đầu tiên của tôi là kiểu kí tự Semitic nhưng bây giờ tôi không chắc lắm. Phần lớn kí tự Semitic nguyên thủy đều có neckkudot. Nhưng văn tự này lại không có.
“Chắc là rất cổ”, Teabing gợi ý.
“Neckkudot?”. Sophie hỏi.
Teabing không hề rời mắt khỏi chiếc hộp: “Đa số bảng chữ cái Semitic hiện đại không có nguyên âm, mà dùng nekkudot – những chấm nhỏ và gạch ngang được viết bên dưới hoặc ở giữa các phụ âm – để chỉ rõ âm của nguyên âm nào đi kèm với chúng. Nói theo quan điểm lịch sử, neckkudot là một bổ sung tương đối hiện đại cho ngôn ngữ”.
Langdon vẫn cắm cúi trên bản khắc: “Có lẽ một bản phiên tự chữ Sephardic chăng…?”.
Teabing không thể đợi lâu hơn được nữa: “Có lẽ nếu tôi…”. Với qua bàn, ông thận trọng đỡ lấy cái hộp và kéo nó về phía mình. Không nghi ngờ về việc Langdon hiểu biết sâu sắc các ngôn ngữ cổ chuẩn mực – Hy Lạp, Latinh, Roman – nhưng mới nhìn thoáng qua thứ ngôn ngữ này, Teabing nghĩ nó có vẻ chuyên môn hơn, có thể là chữ thảo Rashi hoặc STA”M với hình mũ miện.
Hít một hơi thật sâu, Teabing thích thú ngắm nhìn hình khắc. Ông không nói gì hồi lâu. Mỗi giây qua đi, Teabing lại cảm thấy sự tự tin của mình càng xẹp xuống. “Tôi rất kinh ngạc”, ông nói, “ngôn ngữ này không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy”.
Langdon ngồi phịch xuống.
“Tôi có thể xem được không?” Sophie hỏi.
Teabing giả vờ như không nghe thấy: “Robert, lúc nãy anh nói rằng anh đã từng thấy một cái gì giống như thế?”.
Langdon có vẻ bực bội: “Tôi đã nghĩ vậy, tôi không chắc lắm. Cách nào đó, thứ chữ này trông quen quen”.
“Leigh?” Sophie nhắc lại, rõ ràng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc thảo luận. “Tôi có thể xem qua cái hộp do ông tôi làm không?”.
“Ồ, tất nhiên, cô bạn thân mến”, Teabing nói, đẩy cái hộp về phía cô. Ông không có ý định tỏ ra coi thường cô, tuy nhiên, Sophie Neveu đã đi quá xa khỏi địa hạt của mình. Nếu một nhà sử học Hoàng gia Anh và một nhà kí tượng học Harvard mà còn không thể nhận dạng được ngôn ngữ này thì…
“Aha!”. Sophie kêu lên, mấy giây sau khi xem kĩ chiếc hộp, “lẽ ra tôi phải đoán ra ngay chứ!”.
Teabing và Langdon cùng quay phắt lại, nhìn cô chằm chằm.
“Đoán ra cái gì?”, Teabing hỏi.
Sophie nhún vai: “Đoán ra rằng đây ắt là ngôn ngữ mà ông tôi sử dụng”.
“Cô nói là cô có thể đọc được văn bản này?”, Teabing thốt lên.
“Dễ ợt”, Sophie nói lanh lảnh, rõ ràng là rất thích thú với bản thân. “Ông đã dạy tôi ngôn ngữ này từ khi tôi mới sáu tuổi. Tôi thành thạo nó”. Cô cúi người qua mặt bàn và xoáy vào Teabing một cái nhìn trách cứ. “Thẳng thắn mà nói, thưa ngài, xét vì lòng trung thành của ngài với Nữ hoàng, tôi hơi ngạc nhiên thấy ngài không nhận ra nó!”.
Loáng một cái, Langdon hiểu ra.
Thảo nào cái thứ chữ này trông quen thế!
Mấy năm trước, Langdon có dự một sự kiện ở bảo tàng Fogg của Harvard. Bill Gates (1), người đã bỏ học nửa chừng ở Harvard, trở lại trường cũ để cho bảo tàng mượn một trong những bảo vật vô giá của ông – mười tám tờ giấy mà ông đã mua được trong buổi bán đấu giá ở Điền trang Armand Hammer.
Ông đã giành được khi lạnh lùng đưa ra cái giá 30.8 triệu $.
Tác giả của những trang giấy đó là Leonardo Da Vinci.
Tổng số mười tám trang – giờ đây được gọi là Cuốn sách chép tay Leiccster của Leonardo, đặt theo tên cựu chủ nhân nổi tiếng của chúng – bá tước Leicester – là tất cả những gì còn lại của một trong những sổ ghi chép hấp dẫn nhất của Leonardo: những tiểu luận cùng kí họa cho thấy khái quát những lý thuyết tiến bộ của Da Vinci về thiên văn học, địa chất học, khảo cổ học và thủy động học.
Langdon không bao giờ quên phản ứng của mình sau khi xếp hàng đợi và cuối cùng được nhìn thấy những tờ giấy da vô giá đó. Hoàn toàn thất vọng. Những trang này không thể hiểu được. Mặc dầu được bảo quản tuyệt vời và viết rõ từng nét đến độ hoàn hảo – mực đỏ thẫm trên giấy màu kem – cuốn sách chép tay này trông giống như trò vẽ lăng nhăng. Thoạt đầu, Langdon tưởng có thể đọc được bởi vì Da Vinci thường ghi sổ bằng tiếng Ý cổ. Nhưng sau khi xem xét kĩ hơn, ông nhận ra mình không thể xác định được lấy một từ Ý nào, hoặc thậm chí một chữ cái.
“Hãy thử cách này xem, thưa ngài”, nữ hướng dẫn viên ở chỗ tủ trưng bày thầm thì. Cô chỉ một cái gương cầm tay được để trước vật trưng bày trên ghế. Langdon cầm lấy để xem văn bản qua hình ảnh phán chiếu trong đó.
Lập tức, tất cả trở nên rõ ràng.
Langdon đã quá hăm hở nghiên cứu một số ý tưởng của nhà tư tưởng vĩ đại đến nỗi quên mất một trong nhiều tài của Leonardo là khả năng viết kiểu chữ phản chiếu trong gương, rất khó đọc với bất cứ ai ngoài chính ông. Các nhà sử học vẫn còn tranh luận xem Da Vinci đã viết theo cách này đơn giản là để giải trí hay để giữ cho mọi người khỏi nhòm ngó qua vai ông và đánh cắp ý tưởng của ông, nhưng vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Da Vinci đã làm như ông thích.
Sophie cười thầm khi thấy Robert hiểu ý cô: “Tôi có thể đọc vài từ đầu tiên, cô nói. “Đó là tiếng Anh”.
Teabing vẫn còn lắp bắp: “Cái gì đang diễn ra vậy?”.
Chữ viết ngược”, Langdon nói, “chúng ta cần một cái gương”.
“Không, không cần đâu”. Sophie nói. “Tôi cá là cái vỏ này đủ mỏng”. Cô nâng cái hộp bằng gỗ hồng mộc lên ánh sáng đèn trên tường và bắt đầu xem xét mặt dưới nắp. Ông cô không thể viết ngược được, cho nên bao giờ ông cũng dùng mẹo bằng cách viết một cách bình thường và sau đó lật tờ giấy để tô lại.
Suy đoán của Sophie là ông đã dùng phương pháp khắc lửa để viết chữ bình thường lên một lát gỗ và sau đó dùng máy mài mài mặt sau của lát gỗ cho đến khi nó mỏng như tờ giấy và những chữ khắc lửa có thể thấy được xuyên qua gỗ. Sau đó đơn giản là ông lật xấp lát gỗ và đặt nó vào chỗ.
Khi Sophie đưa cái nắp lại gần ngọn đèn, cô thấy mình đã đúng. Tia sáng rọi qua lớp gỗ mỏng và những dòng chữ xuất hiện đảo ngược ở mặt dưới chiếc nắp.
Lập tức trở nên đọc được.
“Tiếng Anh”, Teabing rền rĩ, đầu rũ xuống vì xấu hổ, “tiếng mẹ đẻ của mình”.
***
Ở đằng sau máy bay, Rémy Legaludec cố sức để nghe qua tiếng động cơ đang rung ầm ầm, nhưng vẫn không thể nghe thấy được đoạn đối thoại phía trước. Rémy không thích cách tiến triển của sự việc. Không một chút nào. Ông ta nhìn gã tu sĩ nằm dưới chân. Người đàn ông này vẫn nằm yên hoàn toàn như thể đành chấp nhận, hay có lẽ, đang lặng lẽ cầu nguyện để được giải thoát.
Chú thích:
(1) Tỷ phú Mỹ nổi tiếng thế giới.
Ở độ cao năm nghìn mét trên bầu trời, Robert Langdon cảm thấy thế giới vật chất như mờ dần khi tất cả suy nghĩ của Ông đều tập trung vào bài thơ chiếu-gương của Saunière, hiện sáng qua nắp hộp.
Sophie nhanh chóng tìm thấy một tờ giấy và chép lại bằng chữ viết thường. Khi cô chép xong, ba người lần lượt đọc đoạn văn: Nó giống như một thứ ô chữ khảo cổ… Một câu đố hứa hẹn tiết lộ cách mở hộp mật mã. Langdon chậm rãi đọc đoạn thơ.
Một từ thông thái cổ giải thoát cuộn giấy này… Và giúp ta giữ vẹn toàn dòng họ của nàng. Một tấm bia Templar ca ngợi là chìa khóa… Và Atbash sẽ tiết lộ sự thật cho người.
Trước khi Langdon kịp ngẫm nghĩ xem mật khẩu cổ xưa mà đoạn thơ cố gắng tiết lộ là gì, ông đã cảm thấy một cái gì đó còn cơ bản hơn vang vọng trong lòng mình – thể thơ ngũ bộ mười âm theo nhịp iabic(1).
Langdon đã thường xuyên gặp thể thơ này qua những năm tháng nghiên cứu về các hội kín ở khắp Châu Âu, kể cả năm ngoái, khi tiếp cận kho Lưu trữ tư liệu bí mật của Vatican. Suốt hàng thế kỷ nay, thể thơ ngũ bộ mười âm tiết theo nhịp iambic đã trở thành thể thơ ưa thích của các văn nhân bộc trực ở khắp hành tinh, từ nhà văn thời cổ Hy Lạp Archilochus tới Shakespeare, Milton, Chaucer và Voltaire – những tâm hồn quả cảm, những người chọn viết những bình luận xã hội của mình bằng một thể thơ mà nhiều người cùng thời tin là có những thuộc tính huyền bí. Thể thơ ngũ bộ theo nhịp iambic có nguồn gốc thế tục sâu xa.
Thể thơ ngũ bộ theo nhịp iambic. Hai âm tiết với sự nhấn âm ngược nhau. Nhấn và không nhấn. Dương và âm. Một cặp cân bằng được sắp xếp thành những dãy năm. Số năm cho hình sao năm cánh của Venus và tính nữ thiêng liêng.
“Đó là thể thơ ngũ bộ?”. Teabing thốt lên, quay sang Langdon. “Và thơ bằng tiếng Anh! La lingua purat”(2).
Langdon gật đầu. Tu viện Sion, giống như nhiều hội kín khác ở châu Âu chống đối Giáo hội, đã xem tiếng Anh là ngôn ngữ châu Âu tinh khiết duy nhất trong nhiều thế kỷ. Không giống như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý có nguồn gốc Latinh – tiếng mẹ đẻ của Giáo hội – tiếng Anh bị loại bỏ khỏi bộ máy tuyên truyền của Roma, và do đó đã trở nên một thứ tiếng bí mật, thiêng liêng đối với các hội kín có đủ học vấn để học nó.
“Bài thơ này”, Teabing bật ra, “đề cập tới không chỉ Chén Thánh mà cả các Hiệp sĩ Templar và gia đình bị ly tán của Mary Magdelene? Chúng ta còn có thể đòi hỏi gì hơn?”.
“Mật khẩu”, Sophie nói, nhìn lại bài thơ, “nghe có vẻ như chúng ta cần một loại từ cổ thông thái nào đó”.
“Thần chú chăng?” Teabing đoán liều, mắt lấp lánh.
Một từ gồm có năm chữ cái, Langdon nghĩ, cân nhắc số lượng khổng lồ những từ cổ có thể được coi là từ thông thái – chọn lọc từ các tụng ca huyền bí, những lời tiên tri chiêm tinh, những lời sấm của các hội kín, những câu thần chú Wicca, những câu thần chú ma thuật của người Ai Cập, những câu thần chú của người ngoại đạo – danh sách đó là vô tận.
“Mật khẩu này”, Sophie nói, “hình như có liên quan gì đó đến các Hiệp sĩ Templar”. Cô đọc to lại câu: “Một tấm bia Templar ca ngợi là chìa khóa”.
“Leigh”. Langdon nói, “ngài là chuyên gia về các Hiệp sĩ Templar. Ngài có ý tưởng gì không?”.
Teabing im lặng vài giây rồi thở dài: “Phải, một tấm bia hiển nhiên là vật để đánh dấu mộ. Có thể bài thơ đề cập đến một phiến đá mà các Hiệp sĩ Templar ca ngợi ở ngôi mộ của Magdalene, nhưng điều này cũng chẳng giúp gì nhiều cho chúng ta bởi vì chúng ta chẳng biết mộ của bà ấy ở đâu”.
“Câu cuối”, Sophie nói, “nói rằng Atbash sẽ hé mở sự thật. Tôi đã nghe thấy từ này. Atbash”.
“Tôi chẳng ngạc nhiên”, Langdon đáp, “chắc cô đã nghe thấy nó trong cuốn Những ẩn ý khó hiểu 101. Mật mã Atbash là một trong những mật mã cổ xưa nhất mà con người đã từng biết đến”.
Tất nhiên rồi! Sophie nghĩ. Hệ thông mã hóa Hebre nổi tiếng.
Mật mã Atbash thực ra là một phần trong khóa huấn luyện mật mã của Sophie. Mật mã này ra đời từ năm 500 trước Công nguyên và đến bây giờ vẫn được dùng như một ví dụ tại lớp về cách cơ bản thay thế luân phiên. Là một dạng thức phổ biến trong tài liệu được mã hoá của người Do Thái, mật mã Atbash là một loại mật mã thay thế đơn giản dựa trên bảng chữ cái Hebrew gồm hai mươi hai kí tự chữ cái. Trong mật mã Atbash, chữ cái đầu tiên được thay thế bằng chữ cái cuối cùng, chữ cái thứ hai được thay thế bằng chữ cái kế tiếp chữ cái cuối cùng và cứ như vậy.
“Mật mã Atbash thật là thích hợp”, Teabing nói, “văn bản được mã hóa với hệ thống mật mã Atbash được tìm thấy ở cuộn giấy Kabbala, vùng biển Chết, và thậm chí cả kinh Cựu ước.
Các học giả Do Thái về chúc thư cổ và những nhà mặc khải thần linh vẫn đang tìm kiếm ý nghĩa ẩn giấu trong việc sử dụng mật mã này. Tu viện Sion chắc chắn sẽ coi mật mã Atbash như một phần trong những giáo huấn của họ”.
“Vấn đề duy nhất”, Langdon nói, “là chúng ta không có bất cứ cái gì để áp dụng mật mã này”.
Teabing thở dài: “Chắc chắn phải có một từ mật mã trên tấm bia. Chúng ta phải tìm ra tấm bia được các Hiệp sĩ Templar ca ngợi”.
Qua vẻ nghiêm nghị trên mặt Langdon, Sophie cảm thấy việc tìm tấm bia của các Hiệp sĩ Templar sẽ không phải là một thành tích nhỏ.
Atbash là chìa khóa, Sophie nghĩ. Những chúng ta không có cánh cửa.
Sau ba phút, Teabing thốt ra một tiếng thở dài thất vọng và lắc đầu: “Các bạn của tôi, tôi hoàn toàn bế tắc. Hãy để tôi suy nghĩ thêm về điều này trong lúc tôi kiếm vài thứ ăn vặt và kiểm tra Rémy cùng vị khách của chúng ta”. Ông đứng dậy tiến về đằng sau máy bay.
Sophie cảm thấy mệt mỏi khi cô nhìn ông đi.
Bên ngoài cửa sổ máy bay, bóng tối trước bình minh vẫn ngự trị. Sophie cảm thấy như mình lạc trong không gian và không biết sẽ hạ cánh xuống đâu. Vốn từ bé đến lớn đã quen giải những câu đố của ông mình, cô cảm thấy khó chịu khi mà ngay lúc này đây, bài thơ chứa đựng thông tin nằm trước mắt họ mà họ không nhìn ra.
Ở đây còn có cái gì nữa cơ, cô tự nhủ. Tàng ẩn rất tài tình … nhưng dù sao vẫn hiện diện.
Tâm tư cô còn bị một nỗi sợ hãi khác quấy rối: cái mà chung cuộc họ tìm thấy bên trong hộp mật mã có thể không chỉ đơn giản là “bản đồ dẫn tới Chén Thánh”. Mặc dầu Teabing và Langdon tin rằng sự thật nằm ngay trong viên đá cẩm thạch hình trụ, nhưng Sophie đã chơi trò săn tìm báu vật của ông mình quá đủ để hiểu rằng Jacques Saunière không bao giờ dễ dàng từ bỏ bí mật của mình.
Chú thích:
(1) Nhịp iambic: tiết tấu hai âm tiết theo kết cấu một âm dài đi theo một âm ngắn hoặc một mạnh đi theo một yếu.
(2) Ngôn ngữ tinh khiết.
——————————————————————————–