Mariana

Chương 9



Khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn giữ đôi mắt lờ đờ của mình nhắm chặt mỗi khi tỉnh giấc từ một cơn ác mộng, sợ rằng nếu tôi mở mắt sẽ phát hiện bóng ma khủng khiếp nào đó thực sự đang đứng bên cạnh giường. Cùng một loại bản năng ngây ngô đó đã ép chặt đôi mắt tôi lúc này. Tôi nằm yên như chết, thu mình sát lại bức tường, và máu chảy rần rật bên tai khi tôi sờ soạng tay sang bên cạnh.

Những ngón tay kiếm tìm của tôi chạm phải mặt sàn gỗ yếu ớt, lướt dọc một tấm thảm len xơ mòn, và yên tâm đặt tay lên một vật hình ống quen thuộc lành lạnh làm từ thép. Là do cả chiếc bàn vẽ của tôi bằng cách nào đó cũng tự chuyển mình về quá khứ. Đánh liều lần chót, tôi thận trọng hé mắt, chớp vài cái để tập trung.

Căn phòng rung chuyển một lần, rồi đứng yên. Với sự nhẹ nhõm dâng lên, tôi nhìn thấy các vật dụng của thế kỷ XX nằm hỗn độn xung quanh – thùng các tông, giấy tờ, bút vẽ la liệt khắp sàn. Ngẩng đầu thêm một chút, tôi vươn cổ để nhìn khắp phòng rõ hơn, rồi nằm lăn ra trên sàn gỗ cứng với tiếng thở dài rã rời.

Chỗ tôi buông người là một khoảnh sàn trống trơn ngay bên dưới cửa sổ trống không ở phía tây, lý giải cho cơn gió lạnh tôi cảm nhận trên mặt và cổ. Bên ngoài, từ bầu trời nhợt nhạt, những tia nắng yếu ớt đầu tiên của sớm mai rọi xuống mang cảm giác gần như không màu. Tôi vẫn mặc bộ quần áo tối hôm qua lúc đến nhà Vivien, chiếc áo len dài tay cùng váy nhăn nhúm và đầy nếp gấp như thể tôi đã mặc chúng đi ngủ.

Chỉ có mình tôi trong phòng.

Tôi chậm rãi đẩy người ngồi dậy, ngừng lại để thở và thận trọng tựa vào chiếc bàn vẽ để đứng lên. Tôi có cảm giác sững sờ và mất phương hướng hệt như nhân vật Ebenezer Scrooge[1] đã trải qua, khi ông ta cuối cùng cũng thức dậy vào buổi sáng Giáng sinh trong cuốn tiểu thuyết trứ danh ấy. Đây từng là góc kê chiếc giường ngủ của tôi, tôi nghĩ khi nhìn quanh; đây từng là nơi tôi cởi đồ và đặt chiếc váy màu xanh lá cây cáu bẩn ra xa; đây là khung cửa nơi cô gái tên Rachel đã đứng, thoáng nở nụ cười e thẹn với tôi.

[1]Nhân vật chính trong tác phẩm Achristmas Carol của nhà văn Charles Dickens: kẻ có máu lạnh, keo kiệt và căm ghét lễ Giáng sinh.

Bần thần ra ngoài hành lang, tôi đi xuống cầu thang trên đôi chân run rẩy. Nhà bếp trông nhỏ hơn những gì tôi nhớ và đứng nhíu mày một lúc cho đến khi sự lý giải đánh vào mình – nhà bếp tôi đứng tối qua không có phòng chứa thức ăn. Nhà bếp rõ ràng bị ngăn làm đôi cho đến triều đại nữ hoàng Victoria, nếu xét đến các ngăn tủ và đồ gỗ trang trí bên trong phòng chứa.

Tôi bước về phía phòng chứa thức ăn nhìn cho rõ và ngừng lại để vuốt bàn tay lên bức tường phía bắc. Không có khung cửa sổ nào ở đây, lớp thạch cao có cảm giác thô ráp và gồ ghề, như thể người ta đã trát lên thứ gì đó đã được thiết kế sẵn trong nhà. Một bếp lò lộ thiên, có lẽ thế…

“Chuyện gì đang xảy ra với mình thế này?” Tôi gần như chỉ thì thào những từ đó, nhưng chúng cứ vang vọng trong không gian vắng lặng.

Đột nhiên cảm thấy nghẹt thở, bất chấp va quệt lung tung trong bếp, tôi xông đến giật mở cửa hậu và gần như ngã nhào trong sự gấp gáp ra khỏi căn nhà. Bước được vài bước thì tôi ngừng lại, vòng hai tay ôm lấy cơ thể đang run bần bật và hít vào những hơi thở sâu và thổn thức từ làn không khí ẩm ướt buổi sáng.

Ngay cả trước khi tóc kịp dựng đứng trên gáy, tôi vẫn biết mình đang bị theo dõi. Tôi quay phắt lại để đối mặt với cây sồi cùng người đàn ông tóc đen cưỡi con ngựa xám mà tôi biết chắc sẽ ở đó. Rồi nỗi giận dữ, mù quáng và cuồng nộ đột ngột như thủy triều cồn lên trong tôi.

“Cút đi!” Tôi thét về phía anh ta. “Cút đi và để tôi yên. Tôi không muốn anh ở đây!”

Từ từ, một cách miễn cưỡng, cả người lẫn ngựa rút lui vài bước, màn sương xám buổi sáng dâng lên lấp đầy nơi người và ngựa vừa đứng. Vẫn còn run rẩy do bị cảm xúc tác động, tôi ôm lấy mình chặt hơn và cụp mắt xuống.

Bên dưới chân tôi, những bông hoa dại màu xanh dương mong manh lưa thưa, ướt sương và nép mình dưới lớp cỏ um tùm. Mặt đất bằng phẳng và cứng rắn, có thể dễ dàng nhìn thấy nơi nào hơi lún xuống, và rất lâu về trước, dường như ai đó đã từng trồng một khu vườn ở đây…

Ngôi nhà của mục sư ở Elderwel, Hampshire là một tòa nhà vững chãi kiểu Victoria bằng gạch đỏ thẫm, tọa lạc gần đường và đối diện với nhà thờ St. Stephen trang nhã được xây dựng từ thế kỷ XV. Dây thường xuân tìm được căn cứ vững chắc ở mạn phía bắc của ngôi nhà, và đám dây leo chằng chịt sum suê lá, với ý chí kiên định gần như đã vươn tới ngưỡng cửa sổ tầng trên. Bên trên tầm với của dây thường xuân, những ô cửa sổ đầu hồi nép dưới phần mái dốc nghiêng nhìn về phía ngôi làng như những con mắt nhân từ và độ lượng.

Bên trong, ngôi nhà trông như một tổ kiến với nhiều căn phòng nhỏ tối đen, được thiết kết để làm nơi trú ngụ cho các đại gia đình trong thế kỷ trước. Bởi chưa kết hôn, anh Tom tự hài lòng với phần chính của căn nhà nhiều ngóc ngách, để các tầng phía trên cho cha phó cũng như các vị khách bất chợt và người vô gia cư trong giáo khu xử dụng. Phần lớn công việc trong nhà anh đều tự mình làm, nhưng thứ Hai hằng tuần, bà Pearce, người dọn dẹp, sẽ đến để làm công việc của mình.

Là bà Pearce, với khăn lau trong tay, đã trả lời tiếng gõ cửa của tôi sáng hôm nay và đưa tôi vào phòng làm việc được trang trí đầy nam tính nhưng rất thoải mái. Tôi kinh ngạc nhận ra bà Pearce có lối cư xử vô cùng khéo léo. Tôi trông như quỷ, và tự biết điều đó. Tôi chưa bao giờ biết làm sao mình có thể lái xe từ Exbury đến Elderwel mà không gây thiệt hại gì cho bản thân hay chiếc xe, nhưng khi tôi đến ngôi nhà dành cho mục sư thì đúng một giờ nữa mới đến thời điểm ăn sáng.

Lúc này sự kích động đã bắt đầu giảm dần, tôi vẫn đang run rẩy đến mức hầu như không thể kiểm soát bản thân, nhưng nếu nhận ra, bà Pearce cũng không bình luận gì. Bà kéo rèm, nhìn tôi ngồi xuống chiếc ghế bành yêu thích của Tom, lặng lẽ và ý nhị rút lui để đặt nồi lên bếp.

Vài phút sau, Tom xuất hiện trong lúc vẫn đang cài cúc áo. Anh, chắc chắn, đã định đùa cợt về sự xâm chiếm lúc tinh mơ của tôi vào chốn linh thiêng của mình, nhưng vừa nhìn thấy tôi thì nụ cười giễu cợt của anh đã tắt ngay trên môi.

“Làm sao thế?” Anh gấp gáp hỏi.

Sợi dây kiểm soát mong manh cuối cùng đứt đoạn và tôi bật khóc Sau đó, tôi đã ước mình mang theo một chiếc máy quay phim, để ghi lại biểu cảm trên gương mặt Tom – tôi ngờ rằng vẻ mặt tuyệt đối hoảng loạn của anh chỉ có trong những bộ phim câm.

Phản ứng của anh, đủ khôi hài, cũng hoàn toàn có thể thông cảm. Tôi chưa bao giờ khóc to thành tiếng. Thậm chí rất hiếm khi thút thí. Lần cuối cùng Tom nhìn thấy tôi chảy nước mắt là gần hai mươi năm về trước, khi anh vô tình dập cánh cửa ô tô vào tay tôi. Ngay cả khi đó, nước mắt trào ra cũng vừa phải, chứ không giống những tiếng thổn thức bột phát đầy đáng sợ và vặn xoắn tim gan mà anh đang phải chứng kiến lúc này.

“Julia?” Giọng anh không chắc chắn. Phải mất vài phút trước khi tôi có thể phục hồi bản thân đủ để trả lời.

“Em ổn, thật đấy”, tôi nói giữa những tiếng khịt mũi. “Em chỉ đang mất trí thôi.”

Tom ngồi xuống chiếc ghế đối diện và nhíu mày. “Cái gì?”

“Loạn óc”, tôi tỉ mỉ diễn giải. “Suy sụp. Không còn lời giải thích nào khác nữa.”

“Em làm anh rối trí.”

Những giọt nước mắt giờ đã rút hẳn, tôi hít vào một hơi sâu run rẩy và lấy cổ tay chùi gương mặt ướt nhẹp. “Em biết anh sẽ không tin nếu em kể anh nghe”, tôi nói.

“Thử xem nào.”

Tôi nhìn anh hồi lầu đầy đánh giá, rồi thử ra một hơi run run khác và bắt đầu kể. Tôi bắt đầu, từ khoảnh khắc đầu tiên tôi nhìn thấy người đàn ông cưỡi con ngựa xám, qua sự việc diễn ra ở ngõ Blackfriar, đến việc phát hiện ra ngôi mộ của Mariana Farr trong nghĩa địa và cơn mơ sống động tối qua. Bà Pearce yên lặng đi ra đi vào căn phòng, đặt bình trà, bánh quy và nhanh chóng mang phần thừa đi xa mà không một lần cắt ngang bài tường thuật của tôi, trong khi anh trai tôi lẳng lặng lắng nghe. Khi tôi kết thúc, anh trầm ngâm ngả lưng lên ghế và hạ thấp hàng lông mày vẫn nhướn lên nãy giờ.

“Những… trải nghiệm đó”, cuối cùng anh nói, “chúng đến đột ngột, hay em sẽ có vài cảnh báo trước khi chúng xảy ra?”

Tôi nỗ lực để ngẫm lại. Thôi thúc đầu tiên khiến tôi định nói không có bất cứ một dấu hiệu nào, nhưng… “Đôi khi em nghe thấy tiếng chuông bên tai”, tôi nói với anh. “hay một chút chóng mặt. Hoặc cả hai”.

“Em chắc chắn mình là người tham dự cả quá trình, chứ không phải khán thính giả đang theo dõi một vở kịch chứ?”

“Rõ ràng là không. Thực tế, em thậm chí không có cảm giác như mình là một diễn viên tham gia diễn xuất. Các diễn viên còn có kịch bản, chứ em thì một chút ý tưởng về chuyện gì sắp diễn ra cũng không biết. Nó giống hệt đời thực… như thế này!” Tôi ngửa hai bàn tay rồi xòe ra, trong một điệu bộ bao trùm cả căn phòng lẫn hai chúng tôi. “Ngay cả thời gian và không gian xung quanh cũng rất thật. Em rõ ràng đã dịch chuyển, bởi em bắt đầu ở bên ngoài ngôi nhà tối qua và kết thúc ở trong xưởng vẽ sáng nay.”

Tom ngẫm nghĩ về chuyện đó. “Và khi có những trải nghiệm đó, em không nhớ bất cứ điều gì về Julia Beckett sao?” Tôi lắc đầu. “Nhưng khi thoát ra, em có thể nhớ rành rọt mình đã biến thành một người phụ nữ khác?”

“Em nhớ tất cả mọi thứ.”

“Lúc này cứ đặt lập luận em bị điên sang một bên đã”, anh chậm rãi nói, “thế em nghĩ chuyện gì đang diễn ra?”

“Em cho rằng… em cho rằng đó có thể là một hồn ma.”

“Em đang nhắc đến Thiếu Phụ Xanh, người được tất cả dân làng đề cập đấy à?”

Tôi gật đầu. “Chiếc váy em mặc tối qua, khi e là cô ấy… khi em là Mariana… có màu xanh. Em không biết nữa. Anh có nghĩ một hồn ma có thể chiếm hữu thân thể một người đang sống không?”

“Anh hầu như không am hiểu về vấn đề này”, Tom thừa nhận. “Anh nghĩ là có thể, nhưng trong trường hợp của em, anh sẽ không cho là như vậy. Trừ khi hồn ma theo em từ Luân Đôn về đây từ tuần trước.” Anh nhíu mày. “Còn có một khả năng em vẫn chưa tính đến.”

“Là gì?”

Anh ngẩng đầu lên và nhìn tôi. “Rằng mọi thứ em nhìn thấy. mọi thứ em trải qua, rất có thể đến từ chính ký ức của em. Rằng thực tế, em rất có thể là Mariana.”

“Anh đùa em đấy à?”

“Sao không? Đầu thai là một hiện tượng được chấp nhận rộng rãi trong rất nhiều nền văn hóa. Thậm chí anh có thể kể tên vài nhà thờ chuyên biệt ở Anh đều ủng hộ học thuyết này.”

“Và điều anh tin là gì?” Tôi thách thức.

“Hừm…” Anh mỉm cười. “Một trong các đòi hỏi ở công việc của anh đó là anh tin vào sự sống trường tồn của linh hồn con người. Và điểm đến của linh hồn sau khi con người qua đời là câu hỏi chỉ cái chết mới có thể trả lời.”

“Vậy tức là anh nghĩ trong một kiếp nào đó của em, em có thể đã sống trong ngôi nhà đó sao?” Nghe thật nực cười, nhưng biểu cảm của Tom rất nghiêm túc.

“Phải, anh nghĩ ý tưởng ấy rất đáng nghiên cứu đấy. Sau cùng, nếu em cảm thấy mình đã từng ở nơi nào đó trước đây, giải thích logic thường là em đã ở đó trước đây.”

Tôi nhíu mày. “Em cho rằng nó có thể lý giải vì sao em bị ngôi nhà hấp dẫn.”

“Và vì sao em biết vị trí của khu vườn cũ. Vì sao em chọn xưởng vẽ trong căn phòng bé xíu ở mặt sau ngôi nhà, thay vì sử dụng một trong số các căn phòng đẹp hơn ở mặt trước.”

Khi anh trai nói những lời đó, một hình ảnh trôi lơ lửng ngay trước mắt tôi, viên phụ tá trẻ của bên vận chuyển đang bê cái ghế trong phòng ngủ của tôi và hỏi với giọng bối rối, “Cô có chắc ý cô là phòng ngủ đầu tiên bên tay phải không…?”

Tôi giật mình, bản thân trở về hiện tại. “Chúa lòng lành”, tôi thất thần thốt lên.

“Anh có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này cho em”, Tom đề nghị. “Bọn anh có một thủ thư lập dị ở đây rất thích săn lùng những mẩu thông tin lạ lùng.”

“Anh tin có kiếp trước thật đấy à?” Tôi hỏi và anh nhún vai.

“Chúa chuyển dịch theo nhiều cách bí ẩn lắm.” Anh mỉm cười trả lời.

“Ôi, điều đó nhắc em”, tôi thốt lên, ngồi thẳng dậy. “Anh đã từng nghe đoạn nào trong Kinh Thánh bắt đầu với Thổi kèn trên thiên đường hay câu nào tương tự chưa? Em không nhớ phần còn lai, thứ gì đó về loài người run rẩy và ngày phán quết.”

Tom đảo tròn mắt. “Nghe như một trong những chương diệt vong -và- tăm tối trong kinh Cựu Ước”, anh suy đoán. “Rất có thể là lời tiên tri của Micah hoặc Joel.” Đứng dậy khỏi ghế, anh đến chỗ làm việc và cầm một bản in Kinh Thánh vua James[2] nhàu nát lên. Vài phút sau, anh im lặng lật vài trang. Sau cùng, tôi đang định đến chỗ anh để bảo cũng chẳng có gì quan trọng thì anh đột ngột ấn mạnh một ngón tay thắng lợi lên một trang. “A ha! Lời tiên tri của Joel. Chương hai, khổ một. Em xem này.”

[2] Bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh theo yêu cầu của vua James I in lần đầu năm 1611.

Anh đưa quyển Kinh Thánh vẫn đang mở rộng cho tôi và chỉ vào chỗ đó. Khi tôi đọc đoạn thơ ngắn gọn, u ám đó, Tom lại ngồi xuống, bất giác gãi trán. “Cha phó trước kia của anh thường rất thích đọc những trích đoạn của Joel”, anh nhớ lại. “Thực tế là thể loại địa-ngục-cùng sự nguyền rủa, khó mà gây cảm hứng cho giáo đoàn. Dẫu vậy anh có vẻ vẫn nhớ phần đó được cái ông Joel già cỗi viết suốt giai đoạn diễn ra nạn dịch châu chấu, nên anh nghĩ ông ta có quyền trở nên sầu muộn.”

Nạn dịch… cụm từ đó đột ngột rống lên một hồi chuông trong ký ức của tôi và tôi ngước mắt lên khỏi trang giấy. “Anh có biết thời điểm diễn ra nạn đại dịch ở Luân Đôn không?”

“Anh nghĩ cũng có vài lần”, Tom đáp. “Đương nhiên có nạn dịch hạch vào thế kỷ XIII.” Tôi khép hờ mắt, tua lại những cảnh tượng trong tâm trí, cố gắng tập trung vào quần áo mọi người mặc, kiểu tóc của họ, đồ đạc trong nhà…

“Không.” Tôi lắc đầu. “Nạn dịch em nghĩ xảy ra muộn hơn.”

“Sau đó thì có một nạn dịch khá lớn vào giữa thế kỷ XVII, ngay trước trận Đại Hỏa Hoạn[3].”

[3] Trận hỏa hoạn lớn năm 1666 ở Luân Đôn.

“Chính là nó.” Tôi không chắc làm sao hay lý do nào mình lại biết, nhưng tôi khẳng định chính là nó.

“Em muốn biết gì về nó nào?”

“Tất cả mọi thứ.”

Tôi vươn vai rộng hơn. “Giai đoạn lịch sử đó em không am hiểu lắm. Và em đảm bảo đấy là khoảng thời gian Mariana đã sống. Mẹ cô ấy đã chết vì dịch bệnh”

“Bản thân anh cũng mù mờ về thế kỷ XVII. Anh chỉ nhớ một chút về cuộc nội chiến và vụ chém đầu Charles I, đương nhiên cả Cromwell, nhưng nếu liên quan đến nạn dịch… Chờ đã”, anh bỗng rạng rỡ chen thêm. “Anh có một bản in nhật ký Pepys[4] vứt đâu đó. Anh nghĩ ông ấy đã ghi chép khá chi tiết về năm diễn ra nạn dịch. Để xem anh có thể tìm cho em không nhé.

[4] Samuel Pepys (1633-1703) là một tác giả nổi tiếng người Anh chuyên viết nhật ký ghi lại cuộc đời cũng như các sự kiện quan trọng diễn ra trong giai đoạn ông sống, cung cấp rất nhiều thông tin giá trị cho các nhà nghiên cứu sau này.

Anh đứng dậy khỏi ngế lần thứ hai và xem xét kỹ lượng giá sách quá tải của mình ở phía xa tít tắp trong phòng. Sau cộc tìm kiếm dài hơi, anh rút ra một cuốn và lật giở tờ bìa. “Nó đây rồi. Bản in cũng đẹp đấy chứ. Anh mua nó tại một đợt giảm giá sách ở Oxford.” Anh đưa nó cho tôi, quyển sách nhỏ nép mình thoải mái trong bàn tay mở rộng của tôi. Giở trang tiêu đề, tôi đọc to:

“Nhật ký của ông Samuel Pepys, T.H.K.H. “T.H.K.H” là gì vậy?”

“Thành viên Hiệp hội Khoa học Hoàng gia”, Tom dẫn chứng. “Ông ta làm việc ở văn phòng của Bộ Hải quân và giữ cuốn nhật ký từ năm 1659 đến 1669, cho đến khi thị lực bắt đầu giảm sút. Bản gốc còn gồm mấy tập liền cơ. Quyển của anh là bản đã chỉnh sửa, anh e là thế, đã bị cắt tất cả các chi tiết sinh động, nhưng đọc vẫn rất hấp dẫn.”

“Cám ơn.” Tôi gấp sách, giữ nó thật chặt.

Tom tư lự nhìn tôi. “Em biết luôn được chào đón ở lại vài ngày mà”, anh nói. “Là thế, nếu em muốn…”

“Cám ơn anh. Để em xem thế nào đã.”

Bà Pearce xuất hiện nơi khung cửa. “Tôi đã dọn giường trong phòng ngủ xanh dương dành cho khách”, bà ấy điềm nhiên nói, như thể việc em gái mục sư đột ngột ghé thăm vào bữa sáng và ngủ lại vào ban ngày là chuyện bình thường vậy. “Cô có cần dùng phòng tắm trước khi tôi bắt đầu dọn dẹp trong đó không?”

“Không, cảm ơn bà”, tôi mỉm cười. “Giường ngủ nghe cứ như thiên đường với tôi vậy.”

“Người phụ nữ diệu kỳ”, Tom nói, khi bà giúp việc đi ra. Anh nhìn tôi và nhe răng cười. “Anh cá ngay cả lãnh chúa của trang viên Exbury cũng không được nhân viên đối xử như vậy đâu.”

“Ôi, lạy chúa!” Tôi đứng bật dậy. “Mấy giờ rồi?”

“Vừa qua trưa. Sao thế?”

“Em có thể sử dụng điện thoại của anh không?”

Phải mất vài phút để người trực tổng đài tìm thấy số của lâu đài Crofton, thêm vài phút nữa để cô ta nối máy cho tôi và tám hồi chuông dài để ai đó ở đầu bên kia trả lời điện thoại.

“Xin chào?”

“Xin chào. Geoff đấy à?”

Ngừng một chút. “Không, tôi xin lỗi”, giọng đáp cẩn thận, với trọng âm của người Scotland không lẫn đi đâu được. “Giờ cậu ấy không có ở nhà. Tôi có thể nhận lời nhắn không?”

“Iain”, tôi nói, “tôi là Julia Beckett đây. Anh làm ơn nói với Geoff giúp tôi là tôi không thể đến tham quan chiều nay được không? Anh ấy sẽ hiểu ý của tôi. Có một… tình trạng khẩn nho nhỏ trong gia đình và tôi phải đến chỗ của anh trai ở Hampshire.”

“Không có gì nghiêm trọng chứ, tôi hy vọng thế?”

Anh ta nghe có vẻ rất lo lắng và tôi cảm thấy thật tội lỗi vì đã nói dối.

“Ôi, không đâu”, tôi đáp. “Sáng mai tôi sẽ có mặt ở nhà.”

“Được rồi. Vậy tôi sẽ chuyển lời nhắn hộ cô.”

“Cảm ơn.” Tôi cúp máy, cảm thấy đầu óc thư thái hơn một chút và quay sang, để rồi phát hiện anh trai đang quan sát mình.

“Mọi chuyện vẫn ổn chứ?” Anh hỏi.

“Ổn.”

“Vậy em đi nghỉ thôi”, anh nói. “Trông em như thể sắp lăn ra đất đến nơi rồi ấy.”

Trong khoảng thời gian ngắn đến ngạc nhiên, tôi thấy mình đang rúc gọn bên dưới những tấm chăn bằng len có mùi rất ngọt ngào trên chiếc giường rộng bằng đồng trong căn phòng ngủ xanh dương dành cho khách ở trên tầng, mặc một chiếc áo ngủ rộng rãi của anh tôi với tay áo xắn lên đến khuỷu.

Bà Pearce đã kéo những tấm rèm xuống để phủ bóng tối lên căn phòng cho tôi dễ ngủ, nhưng vẫn còn đủ ánh sáng để đọc sách.

Tôi thở dài, khoan khoái lim dim mắt và quờ quạng vươn tay về phía cuốn sách nhỏ đã bỏ lại trên chiếc bàn cạnh giường. Mở bất kỳ một trang trong cuốn nhật ký của Samuel Pepys, tôi đọc dòng mở đầu cho ngày 6 tháng Tư năm 1665:

Câu chuyện kỳ thú về một ngôi sao chổi mới, ông đã viết, và trong điều kiện thuận lợi nhất, nó chắc chắn sẽ sáng rực như ngôi sao chổi mới xuất hiện gần đây; nhưng tôi không được tự mình chứng kiến. Hai sao chổi…

Tôi bất giác xoay người trên những chiếc gối, gáy tôi rộn rạo như thể một bàn tay lạnh băng vừa vuốt qua. Tất cả mệt mỏi bay biến, tôi siết cuốn sách chặt hơn trong tay và bắt đầu đọc.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.