Mạnh Hơn Sợ Hãi

Chương 7



Quảng trường Washington, 20 giờ

Arnold Knopf dạo bước trên lối đi chính, liếc mắt dò xét tất cả những người mà ông chạm mặt trên đường. Một người vô gia cư đang ngủ trên góc bãi cỏ, giấu mình dưới chiếc chăn cũ kỹ; một nhạc công trôm pét đang ôn luyện các thang âm dưới một gốc cây; những người dẫn chó đi dạo gặp những kẻ nghiện thuốc cô đơn; hai cô cậu học trò ngồi trên gờ đài phun nước mà hôn nhau đắm đuối; một họa sĩ ngồi trước giá vẽ đang phác họa nên một thế giới màu sắc dưới ánh sáng mờ ảo tỏa ra từ ngọn đèn đường và một người đàn ông, hai tay giơ lên trời, chất vấn Đấng Tối Cao.

Suzie chờ ông trên một băng ghế, ánh mắt vô định.

– Ta nghĩ đã nghe thấy cháu nói muốn ta để cháu yên chứ nhỉ? Arnold Knopf vừa nói vừa ngồi xuống cạnh cô.

– Ông có tin chuyện những lời nguyền không, Arnold?

– Sau tất cả những gì đã chứng kiến suốt những năm tháng làm việc, giờ ta rất khó tin vào Chúa Trời.

– Tôi thì tin vào cả hai. Mà mọi thức xung quanh tôi dường như đều bị nguyền rủa. Gia đình tôi cũng như tất cả những ai gần gũi với họ.

– Cháu đã không ít lần mạo hiểm dại dột và đã phải nhận hậu quả vì điều đó. Điều khiển ta thấy thú vị, đó là cháu rất cứng đầu. Ánh mắt ấy là sao? Đừng nói với ta rằng cháu đang lo lắng cho anh chàng nhà báo kia?

– Tôi cần anh ta, cần lòng quyết tâm của anh ta, kỹ năng của anh ta, nhưng tôi không muốn đẩy anh ta tới chỗ nguy hiểm.

– Ta hiểu. Cháu muốn đơn thương độc mã đi săn, nhưng lại lợi dụng anh ta để anh ta xua con mồi ra. Nếu là ba mươi năm trước, hẳn cháu đã có một chân trong ê kíp của ta, nhưng đấy là ba mươi năm trước, Knopf cười khẩy nói thêm.

– Thói vô liêm sỉ đó khiến ông già đi đấy, Arnold.

– Ta đã bảy mươi bảy tuổi nhưng ta chắc chắn là nếu hai ta cùng thử một đoạn chạy nước rút ngăn ngắn đến chỗ hàng rào lưới sắt kia, ta sẽ đến đích trước.

– Chắc là trước đó tôi sẽ ngáng chân ông.

Knopf và Suzie lặng thinh. Knopf hít thật sâu và nhìn chăm chú ra rìa quảng trường.

– Làm sao khuyên can được cháu bây giờ? Cháu quá ngây thơ, Suzie tội nghiệp ạ.

– Tôi đã mất đi sự ngây thơ từ năm mười một tuổi. vào cái ngày lão chủ tiệm tạp hóa nơi chúng ta thường tới đó mua mấy thứ quà vặt đã gọi cảnh sát, vì hai thanh sô cô la. Tôi bị giải tới đồn.

– Ta vẫn nhớ rõ chuyện đó, ta đã tới đó đón cháu.

– Ông đã đến quá muộn, Arnold ạ. Tôi đã khai với viên cảnh sát thẩm vấn tôi điều đã thực sự diễn ra. Lão chủ tiệm tạp hóa thích tòm tem với đám nữ sinh cấp hai, lão bắt tôi sợ soạng, lão đã bịa ra vụ trộm đó khi tôi dọa sẽ tố cáo lão. Gã cảnh sát tát tôi và bảo tôi là con nhỏ hư hỏng láo toét. Về nhà, ông ngoại lại giáng thêm một cái tát nữa. Lão chủ tiệm Figetton là người không có điều gì đáng chê trách, người chưa từng bỏ một buổi lễ ngày Chủ nhật. Còn tôi ư, tôi chỉ là một con nhỏ trâng tráo, luôn hành xử mang tiếng mang tai. Ông ngoại dẫn tôi trờ lại hiện trường, bắt tôi phải xin lỗi, phải nhận là tôi đã bịa ra mọi chuyện. Ông tôi bồi thường cho Figetton rồi ông cháu tôi đi khỏi đó. Tôi chưa lúc nào quên được nụ cười của lão khi tôi bước lên ô tô, mặt bừng bừng.

– Sao cháu không kể gì với ta?

– Khi ấy ông sẽ tin tôi ư?

Knopf không trả lời.

– Buổi tối, tôi nhốt mình trong phòng, tôi không muốn gặp cũng chẳng muốn nói chuyện với ai nữa, tôi cũng chẳng muốn sống trên đời này nữa. Hai hôm sau, Mathilde về nhà. Tôi vẫn khóa cửa trong phòng. Tôi nghe thấy những tiếng gầm thét giữa bà ấy với ông ngoại. Chuyện cãi vã giữa họ vẫn như cơm bữa, nhưng đến mức này thì chưa bao giờ. Khuya hôm đó, bà đến ngồi bên giường tôi. Để an ủi tôi, bà kể với tôi nhiều chuyện bất công khác và, lần đầu tiên, bà tiết lộ chuyện xảy đến với mẹ của bà, chuyện mà gia đình tôi buộc phải chịu đựng. Đêm ấy, tôi đã thề sẽ trả thù cho bà ngoại của tôi. Tôi sẽ giữ lời thề ấy.

– Bà ngoại của cháu mất năm 1966, cháu thậm chí còn không biết mặt bà ấy.

– Bị sát hại năm 1966!

– Bà ấy đã phản bội Tổ quốc, thời gian đó mọi chuyện rất khác. Chiến tranh lạnh là một cuộc chiến kiểu khác, nhưng là cuộc chiến thật sự.

– Bà tôi vô tội.

– Cháu không biết gì về chuyện đó đâu.

– Mathilde chưa từng nghi ngờ chuyện đó.

– Mẹ cháu nghiện rượu.

– Bà ấy trở nên như thế là do họ.

– Hồi ấy, mẹ cháu còn trẻ, mẹ cháu còn cả cuộc đời phía trước.

– Cuộc đời nào? Mathilde đã mất tất cả, đến cả cái tên, quyền được học tiếp, mọi hy vọng về sự nghiệp. Bà ấy mới mười chín tuổi khi họ bắn hạ mẹ bà ấy.

– Chúng ta vẫn chưa biết là trong hoàn cảnh nào…

– Bà ấy bị bắn hạ ư? Từ đó đúng mà, Arnold, không phải sao?

Knopf rút một hộp kẹo hương bạc hà ra và mời Suzie ăn.

– Thế bây giờ, ngay cả khi cháu tuyên bố bà ấy vô tội nhờ điều kỳ diệu nào thì ta không biết, cũng để làm gì chứ? Ông vừa nhai kẹo bạc hà vừa nói tiếp.

– Để khôi phục danh dự cho bà, để tôi được phép lấy lại họ tên, để buộc Nhà nước trả lại cho chúng tôi những thứ đã bị tịch thu.

– Cháu không thích họ Baker nữa à?

– Tôi sinh ra dưới cái họ đi mượn, để không phải chịu đựng những nhục nhã mà Mathilde đã phải chịu. Để những cách cửa không đóng lại với tôi, như họ đã sập cửa trước mặt mẹ tôi ngay khi bà khước từ danh tính. Đừng nói với tôi là với ông, danh dự không còn quan trọng bằng chuyện đó nữa.

– Cháu bảo ta đến đây gặp cháu là để làm gì? Knopf hỏi.

– Hãy đồng ý tiếp tay cho tôi.

– Câu trả lời là không, ta sẽ không tham gia vào mấy chuyện vặt vãnh của cháu. Ta đã hứa với ông ngoại cháu…

– … sẽ để mắt đến sự an toàn của ôi, ông đã nói câu này đến cả trăm lần…

– Và ta sẽ giữ lời hứa đó. Giúp cháu làm phi vụ này là đi ngược lại hoàn toàn điều ta đã hứa.

– Nhưng vì tôi sẽ không đổi ý, nên không giúp tôi tức là khiến tôi gặp nhiều nguy cơ hơn nữa.

– Đừng có cố điều khiển cả ta nữa. Trong trò chơi lần này, cháu không có chút cơ may nào đâu.

– Thật ra thì bà tôi đã làm gì, để đến nỗi họ hành quyết bà?

– Thật nực cười khi cháu cứ muốn ta phải nhắc đi nhắc lại với cháu một số chuyện hết lần này đến lần khác. Bà ấy đã định bán một số bí mật quốc gia. Bà ấy đã bị ngăn lại trước khi mắc phải lỗi lầm không thể sữa chữa. Bà ấy định trốn chạy, mọi chuyện đã chuyển xấu. Điều bà ấy làm khi đó thực sự rất nghiêm trọng. Những người đã can thiệp không còn cách nào khác để bảo vệ lợi ích của đất nước chúng ta và những nhân vật mà bà ấy định tố giác.

– Ông hiểu những điều mình nói chứ, Arnold? Cứ như trong tiểu thuyết phản gián ấy.

– Còn tội tệ hơn nhiều.

– Thật lố bịch, Lilly là người phụ nữ xuất sắc và có học thức, một người luôn tiên phong và có tấm lòng nhân hậu, người có lẽ chẳng bao giờ làm hại ai và còn lâu mới có chuyện phản bội tổ chức.

– Cháu biết gì về bà cháu?

– Mathilde không chỉ thổ lộ tâm tình vào những đêm say khướt. Ngay khi mẹ con tôi được ở riêng với nhau, bà lại kể cho tôi về người mẹ của bà. Chưa bao giờ tôi có may mắn được bà ngoại đặt ngồi trên đầu gối bà, nhưng tôi biết mọi chuyện của bà. Mùi hương tỏa ra từ người bà, cách bà ăn vận, những cuốn sách bà đọc, những lần đấu khẩu của bà và những tiếng cười giòn giã của bà.

– Đúng, bà ấy luôn đi trước thời đại, ta công nhận với cháu điều đó, và bà ấy cũng có cá tính mạnh.

– Bà ấy thích ông, tôi nghĩ thế.

– Cháu quá lời rồi. Bà của cháu không mấy khi thích cái đám đàn ông lúc nào cũng vây quanh chồng, hay đúng hơn là quanh quyền lực của chồng, sự cung phụng của họ và lại càng không thích những phỉnh nịnh của họ. Bà ấy đánh giá cao sự kín đáo của ta. Thực ra, ta bộc lộ vẻ dè dặt ấy trước mặt bà cháy là vì ta rất ấn tượng với bà ấy.

– Bà rất đẹp, phải không?

– Cháu rất giống bà ấy, và không chỉ về ngoại hình, mà đó lại chính là điều khiến ta thấy bất an.

– Mathilde nói với tôi rằng ông là một trong những người hiếm hoi được Lilly tin cẩn.

– Bà ấy không tin cẩn ai cả và chuyện cháu gọi mẹ của cháu là “mẹ”, như tất cả mọi người, khiến cháu ngượng mồm à?

– Mathilde chưa bao giờ là một người mẹ “như tất cả mọi người”, với lại chính bà ấy thích tôi gọi bằng tên đấy chứ. Lilly tố cáo ai vậy?

– Bà ấy tự mình lên kế hoạch phản bội và ông cháu đã chẳng thể làm được gì để cứu bà ấy.

– Với ông ngoại, quyền lực là trên hết. Nhưng lẽ ra ông phải bảo vệ bà. Đó là vợ ông, mẹ của con gái ông, và ông có cách làm chuyện đó.

– Ta cấm cháu đưa ra những lời phán xét kiểu đó, Suzie! Knopf nói trong cơn giận bừng bừng. Lilly đã đi quá xa, đến mức không ai còn có thể làm gì giúp bà ấy. Nếu bà ấy bị bắt, tội phản bội có thể khiến bà ấy phải ngồi ghế điện. Còn về ông của cháu, ông ấy là nạn nhân đầu tiên của vụ này. Ông ấy đã phải bỏ lại cả sự nghiệp, gia tài và danh dự của mình. Đảng của ông ấy đã dành sẵn vị trí phó tổng thống bên cạnh Johnson cho ông ấy.

– Johnson đã không tranh cử tiếp. Sự nghiệp, gia tài và danh dự, thứ bậc dựa theo tầm quan trọng được ông chỉ ra như vậy mới đáng buồn làm sao. Các ông đã bị tẩy não hết rồi, tất cả những người làm việc trong những cơ quan chính phủ nham hiểm đó. Các ông chỉ nghĩ đến chuyện giành phần thắng trong các cuộc chiến nội bộ và hái huân huy chương cài lên ngực áo mình mà thôi.

– Thật ngu ngốc, tất cả những người đã ngã xuống để cháu được sống trong một thế giới tự do đều vô danh. Những con người trong bóng tối ấy đã phụng sự đất nước.

– Thế bao nhiêu người trong bóng tối đó góp mặt trong cái nhóm người chĩa súng vào bà tôi? Bao nhiêu người, những kẻ đầy tớ anh hùng của Tổ quốc, để hạ gục một phụ nữ không thể tự vệ chỉ đang cố trốn chạy khỏi họ?

– Ta nghe thế là đủ rồi, Knopf vừa nói vừa đứng dậy. Nếu nghe được những điều cháu nói tối hôm nay, hẳn ông cháy sẽ quật mồ sống dậy mất thôi.

– Ờ thì tôi sẽ rước ông ấy lại chỗ cũ thôi vì ông ấy cũng sẽ nghe thấy ông bảo vệ những kẻ đã giết vợ ông ấy!

Arnold Knopf bước đi xa dần. Suzie chạy đuổi theo ông.

– Hãy giúp tôi minh oan cho dòng họ của ông ấy, đó là tất cả những gì tôi đòi hỏi ở ông.

Knopf quay sang phía Suzie và nhìn cô hồi lâu.

– Một bài học hay về đức khiêm nhường sẽ là tốt nhất đối với cháu. Và để có nó, không có gì tốt hơn là đối mặt với thực tế lúc này, ông lẩm bẩm.

– Ông đang lẩm bẩm cái gì thế?

– Không có gì, ta đang suy nghĩ thành tiếng thôi, Knopf vừa nói vừa đi về phía quảng trường LaGuardia.

Đèn pha một chiếc ô tô bật sáng, ông ngồi vào hàng ghế sau và đi khuất hẳn.

*

10 giờ đêm, Andrew đang sửa soạn rời khỏi căn hộ của Simon.

– Cậu muốn về nhà tối nay thật á?

– Đây là lần thức năm cậu hỏi tớ câu này đấy, Simon.

– Tớ chỉ muốn chắc chắn chuyện đó thôi mà.

– Tớ tưởng cậu sẽ rất vui khi tớ giải phóng cho sàn nhà cậu, Andrew vừa nói vừa sập nắp vali. Mai tớ sẽ qua lấy nốt đồ.

– Cậu biết là nếu đổi ý, cậu vẫn có thể quay lại nhé.

– Tớ sẽ không đổi ý.

– Vậy thì tớ đến tiễn cậu.

– Không, cậu ở lại đi. Về đến nơi tớ sẽ gọi cho cậu, xin hứa.

– Nếu nửa tiếng nữa không nhận được tin tức gì từ cậu, tớ sẽ sang.

– Mọi chuyện sẽ ổn thôi, tớ đảm bảo.

– Tớ biết là mọi chuyện sẽ ổn, và cậu lại còn sắp được ngủ trên đống chăn ga mới nữa chứ!

– Chính xác.

– Và cậu đã hứa với tớ sẽ mời cô gái tặng chăn ga cho cậu ăn tối!

– Cũng đúng. Nhân chủ đề này, cậu chưa từng nghĩ đến chuyện gọi lại cho cô nàng Kathy Steinbeck đó à?

– Ý tưởng lạ lùng quá, sao cậu lại nói với tớ về cô ấy?

– Chả vì sao, bất chợt tớ nghĩ ra thôi, nhưng hãy cân nhắc chuyện đó nhé.

Simon nhìn cậu bạn, vẻ lúng túng.

Andrew xách hành lý và rời khỏi căn hộ.

Khi về đến chân tòa nhà anh ở, anh ngẩng đầu nhìn lên cửa sổ nhà mình, rèm cửa sổ đã được kéo. Anh hít thật sâu trước khi bước vào.

Cầu thang tòa nhà chìm trong bóng tối cho đến tận tầng bốn. Lên đến thềm nghỉ tầng mình ở, Andrew đặt va li xuống để tìm chìa khóa.

Cánh cửa nhà anh đột ngột bật mở với gương mặt một người đàn ông, gã đẩy mạnh vào ngực anh. Andrew bật ngửa ra sau và va phải lan can. Thời gian như ngừng trôi trong lúc cơ thể anh mất thằng bằng. Kẻ tấn công tóm được cổ anh và quăng anh xuống sàn rồi vội vả chạy lại cầu thang. Andrew nhảy xổ về phía gã và bấu được vào vai gã, nhưng kẻ tấn công xoay người lại giáng cho anh một cú đấm trực diện. Anh nghĩ mắt mình đã bị đấm thụt cả vào sọ, anh nén cơn đau và cố giữ chặt đối thủ. Một cú đấm móc vào mạng sườn, khiến anh chùn bước. Anh oằn người xuống và chấp nhận từ bỏ trận chiến.

Người đàn ông chạy thục mạng xuống các bậc thang, cánh cửa hướng ra phố đóng sập lại trong tiếng cót két.

Andrew chờ lấy lại hơi. Anh đứng dậy, nhặt lại va li rồi vào nhà.

– Chào mừng về nhà, anh lẩm bẩm qua lớp râu rậm.

Căn hộ không khác nào một mớ hổ lốn, các ngăn kéo bàn làm việc của anh bị lục tung và các tập tài liệu tung tóe trên mặt sàn.

Andrew đi vào bếp, mở tủ lạnh, bọc mấy viên nước đá vào khan rồi áp lên mí mắt. Rồi anh vào đánh giá mức độ thiệt hại qua tấm gương phòng tắm.

*

Anh dọn dẹp lại mọi thức cho ngăn nắp được một tiếng đồng hồ thì có tiếng chuông cửa. Andrew lấy áo khoác và tìm khẩu súng lục trong túi áo. Anh giắt súng vào lưng quần rồi mở hé cửa.

– Cậu đang làm cái quái gì vậy? Tớ gọi cho cậu đến mười cuộc rồi đấy, Simon hỏi.

Rồi anh nhìn Andrew.

– Cậu đánh nhau à?

– Tớ bị đánh, đúng ra là thế.

Andrew để Simon vào nhà.

– Cậu có nhìn thấy cái thằng ôn làm thế với cậu không?

– Hắn cao tầm tớ, tóc nâu, tớ nghĩ thế. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, cầu thang lại không được sáng sủa cho lắm.

– Hắn cuỗm mất cái gì của cậu?

– Cậu muốn hắn cuỗm được cái gì ở đây?

– Cậu đã kiểm tra xem những căn hộ khác của tòa nhà này có bị đột nhập hay không chưa?

– Tớ không nghĩ đến chuyện đó.

– Cậu gọi cảnh sát chưa?

– Chưa.

– Tớ sẽ đi xem cửa mấy nhà khác có bị phá không, Simon nói. Tớ sẽ quay lại ngay.

Trong lúc Simon đi kiểm tra các tầng khác, Andrew vào cất vũ khí về chỗ cũ và tiện đường nhặt khung ảnh bị rơi xuống chân lò sưởi.

– Em có nhìn thấy chuyện đã xảy ra không, em yêu? Gã đó tìm gì? Anh lẩm bẩm khi nhìn vào gương mặt tươi cười của vợ cũ.

Simon bước đến sau lưng anh.

– Đi thôi, chúng ta về nhà tớ, anh vừa nói vừa nhấc bức ảnh ra khỏi tay Andrew.

– Không, tớ dọn cho xong rồi đi ngủ.

– Cậu muốn tớ ở lại không?

– Chuyện sẽ ổn thôi, Andrew vừa đáp vừa lấy lại khung ảnh.

Anh đặt nó lại chỗ cũ và tiễn Simon ra cửa.

– Mai tớ gọi cho cậu, hứa đấy.

– Tớ thấy cái này trên bậc cầu thang, Simon vừa nói vừa chìa cho Andrew một phong bì đã nhàu nhĩ, có lẽ nó rơi ra từ túi của tên trộm. Tớ đã cẩn trọng cầm nhóm một góc phong bì… để không làm hỏng các dấu vân tay.

Andrew ngước mắt lên trời, vẻ rụng rời. Anh cầm lấy phong bì bằng cả bàn tay và dưới lớp phong bao anh phát hiện một tấm ảnh chụp anh và Suzie, dưới chân tòa nhà, vào buổi tối anh giao chìa khóa nhà cho cô. Nước ảnh tối, chế độ chụp không đèn flash.

– Cái gì đấy? Simon hỏi.

– Tờ rơi quảng cáo ấy mà, Andrew vừa đáp vừa nhét phong bì vào túi.

Sau khi Simon đi khỏi, anh ngồi vào bàn để xem bức ảnh cho kỹ hơn. Người chụp bức ảnh này đã rình họ từ góc giao giữa phố Perry và phố West 4. Anh lật ngược bức ảnh và thấy ở mặt sau ba vệt bút dạ đen. Đưa bức ảnh lại gần đèn, anh cố đoán xem thứ bị gạch đi là gì, nhưng vô ích.

Cơn thèm rượu trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Andrew mở hết các ngăn kéo tủ trong bếp. Người giúp việc đã lảm tốt công biệc của mình và anh chỉ thấy có bát đĩa trong các ngăn kéo tủ trong bếp. Người giúp việc đã làm tốt công việc của mình và anh chỉ thấy có bát đĩa trong các ngăn tủ. Quán rượu gần nhất nằm ở góc phố Christopher, nhưng đã quá nửa đêm, có lẽ quán đã đóng cửa.

Anh có cảm giác không thể ngủ nổi nếu không được uống thứ gì. Anh máy móc mở tủ lạnh thì tìm được một chai vodka kèm một lời nhắn treo trên cổ chai.

“Chúc đêm đầu tiên của anh thật đẹp. Cảm ơn vì tất cả. Suzie”

Andrew không thích vodka, nhưng có còn hơn không. Anh rót một cốc lớn và ra ngồi ở xô pha phòng khách.

*

Sáng hôm sau, ngồi dưới chân cột, trên những bậc thang lớn của thư viện thành phố, cốc cà phê trên tay và một tờ nhật báo trên đầu gối, Andrew chốc chốc lại ngước mắt quan sát xung quanh rất đều đặn.

Khi nhìn thấy Suzie Baker đang lên cầu thang, anh tiến lại phía cô. Anh khiến cô giật nảy khi tóm lấy cánh tay cô.

– Xin lỗi, tôi không có ý là cô sợ.

– Đã xảy ra chuyện gì vậy? Cô hỏi khi nhìn thấy những vết bầm tím trên mặt anh.

– Tôi cũng đang định hỏi cô câu đó đây.

Suzie nhíu mày trong khi Andrew kéo cô đi ra phía đường.

– Trong phòng đọc không được nói chuyện mà hai ta thì có nhiều điều phải nói với nhau. Tôi cần bỏ bụng thứ gì đó, có một hàng bán xúc xích phía đằng kia, anh vừa nói vừa chỉ về hướng ngã tư.

– Vào giờ này ư?

– Tại sao, xúc xích lúc 9 giờ sáng không ngon bằng lúc 12 giờ trưa à?

– Là vấn đề sở thích thôi mà.

Andrew mua cho mình một suất Jumbo rưới sốt gia vị và mời Suzie một chiếc, cô thì bằng lòng với một cốc cà phê.

– Một cuốc dạo ngắn ở Công viên Trung tâm, cô thấy sao? Andrew gợi ý.

– Tôi có việc phải làm, nhưng tôi nghĩ chuyện đó có thể chờ thêm một lúc.

Andrew và Suzie ngược lên đại lộ Năm. Cơn mưa phùn mùa đông lất phất rơi. Suzie dựng cổ áo khoác lên.

– Thật sự không phải là thời tiết lý tưởng để đi dạo, cô nói khi họ đã đến rìa công viên.

– Tôi những muốn chiêu đãi cô bữa sáng ở Plaza, nhưng tôi hết đói rồi. Buồn cười thật, đã bao nhiêu năm sống ở New York rồi mà tôi vẫn chưa từng đi xe ngựa lần nào cả, Andrew vừa nói vừa chỉ mấy xà ích đang bận rộn bên lũ ngựa kéo của họ. Cô lại đây, chúng ta sẽ tránh đi.

– Tránh mưa ư? Tôi nghi ngờ chuyện đó.

– Tránh tai vách mạch rừng, Andrew vừa đáp vừa băng ngang phố 59.

Người xà ích đỡ Suzie ngồi vào băng ghế và, ngay khi Andrew lên ngồi cùng cô, ông ta căng một tấm màn che đến đầu gối họ rồi ngồi vào chỗ của mình.

Chiếc roi vung lên vun vút và cỗ xe tiến bước.

– Một cái xúc xích cho bữa sáng, tiếp đó là chuyến đi dạo cho xuôi bụng trên xe ngựa, rốt cuộc thì sao lại không nghỉ, Suzie buông lời.

– Cô có tin vào những điều trùng hợp không, cô Baker?

– Không.

– Tôi cũng không. Ngay cả khi số vụ trộm cắp xảy ra mỗi ngày ở Manhattan chẳng có cớ gì mà cấm được chuyện hai chúng ta đều là nạn nhân của một vụ bẻ khóa trong cùng một tuần.

– Nhà anh bị trộm ư?

– Cô nghĩ tôi bị đập mặt vào bàn đầu giường chắc?

– Tôi nghĩ là anh đánh lộn.

– Đôi khi đêm hôm khuya khoắt tôi có hơi quá chén, nhưng tôi chưa bao giờ là kẻ nghiện ngập.

– Tôi không có ý nói như thế.

– Tôi nhường cô bình luận về những điểm trùng hợp này, Andrew vừa nói vừa chìa cho cô một phong bì.

Suzie xem bức ảnh bên trong phong bì.

– Ai gửi cho anh thứ này?

– Cái gã tẩn tôi một trận đã đánh rơi nó trong lúc động thủ.

– Tôi không biết phải nói gì với anh, cô ấp úng.

– Cố gắng một chút đi.

Nhưng Suzie vẫn lặng im.

– Thôi được, tôi sẽ giúp cô, hai người chung tay bao giờ cũng dễ hơn. Tình cờ làm sao cô lại ngồi đối diện tôi trong thư viện. Bốn trăm bàn trong phòng đọc lớn và chính tôi là người trúng quả. Có người báo với cô là nhà cô bị đột nhập, và lại thật tình cờ tôi cũng ngồi cùng cô vào đúng lúc đó. Cô về nhà, không gọi cảnh sát vì người quản lý toàn nhà và cũng vì cảnh ngộ bấp bênh của mình. Cô vừa rời khỏi nhà tôi thì nhà tôi lại bị trộm, hệt như nhà cô. Vì chúng ta không còn đơn thuần là tình cờ, nên phương pháp bẻ khóa giống nhau và nhà chúng ta bị xới tung lên mà không có thứ gì bị đánh cắp hết. Một tay chơi có hạng, cái anh tình cờ ấy. Tôi nói tiếp chứ?

– Thế tình cờ buộc anh bắt chuyện với tôi ở thư viện sao? Cũng chính tình cờ đã xui khiến anh đi theo tôi đến tận chân tòa nhà tôi ở ư? Vẫn chính tình tờ bắt anh lục tung quá khứ của tôi, mời tôi ăn trưa và cho tôi ở nhờ nhà sao?

– Không, tất cả những chuyện đó chỉ là do mình tôi thôi, Andrew lúng túng đáp.

– Vậy thì anh đang bóng gió gì chứ?

– Nói thẳng với cô là tôi cũng không rõ nữa.

– Theo những gì tôi biết thì tôi chẳng đòi hỏi gì ở anh. Dừng cái cỗ xe nồng nặc mùi ngựa ướt sũng này đi, để tôi về và để cho tôi được yên.

– Tôi rất thích mùi ngựa, hồi trước tôi thấy sợ, nhưng giờ thì hết rồi. Tôi đã mua cả một tua trọn gói, và nếu từ giờ đến lúc đó cô vẫn chưa trả lời các câu hỏi của tôi, thì chúng ta sẽ đi tiếp vòng thứ hai, tôi đang rảnh.

– Với vận tốc như rùa bò lúc này, tôi có thể tự leo xuống, anh biết đấy.

– Cô thực sự là một kẻ bướng bĩnh đấy!

– Di truyền rồi.

– Được thôi, hãy bắt đầu lại từ đầu cuộc nói chuyện có khởi đầu dở tệ này nhé.

– Lỗi là của ai kia chứ?

– Một bên mắt tôi đang sưng húp rồi đây, cô muốn tôi xin lỗi cô chắc?

– Dẫu sao tôi cũng không phải là người hành hung anh?

– Không, nhưng cô không định nói với tôi rằng bức ảnh này không liên quan gì tới cô đấy chứ?

Suzie Baker mỉm cười trả lại bức ảnh cho Andrew.

– Trông anh thoải mái hơn rồi đấy!

– Đêm qua tôi ngủ ngon hơn rồi, và không phải băng gạc lên mặt.

– Anh còn đau không? Suzie vừa hỏi vừa đặt nhẹ tay lên cung lông mày Andrew.

– Nếu cô ấn vào đó, thì đau.

Andrew gạt bàn tay khỏi mặt anh.

– Cô đã dính vào chuyện gì vậy, cô Baker? Kẻ rình mò và đột nhập nhà chúng ta là ai?

– Chuyện đó không liên quan gì tới anh, tôi lấy làm tiếc vì chuyện đã xảy ra. Ngày mai, tôi sẽ yêu cầu đổi bàn ở thư viện. Anh hãy giữ khoảng cách với tôi và anh sẽ được yên. Giờ thì anh bảo tay xà ích này cho tôi xuống xe.

– Người đàn ông ra khỏi tiệm tạp hóa ngay trước cô là ai, vào buổi tối mà chúng ta gặp nhau tại đó ấy?

– Tôi không biết anh đang nhắc đến ai.

– Người này, Andrew vặc lại đồng thời lấy từ túi ra những bức ảnh mà anh nhận được từ Pháp.

Suzie nhìn chăm chú mấy bức ảnh và vẻ mặt cô sa sầm lại.

– Anh đang làm việc cho ai vậy, anh Stilman? Cô vặn hỏi.

– Cho tờ The New York Times, thưa cô Baker, mặc dù hiện tại tôi đang trong kỳ nghỉ phép dưỡng bệnh.

– Vậy thì, cứ an phận với mấy bài báo của anh đi, cô bảo anh rồi ra lệnh cho người xà ích dừng cỗ xe ngựa lại.

Suzie nhảy xuống và ngược lên lối đi chính. Người xà ích quay lại nhìn hành khách, chờ đợi chỉ thị.

– Hãy tử tế đi, Andrew nói với ông ta, hãy hỏi tôi xem tôi sẽ còn đi đâm đầu vào vũng bùn nào nữa. tôi cần nghe cô ấy nói với tôi.

– Xin lỗi ông, ý ông là? Người xà ích, vốn chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện vị khách nói với ông, hỏi lại.

– Thêm hai mươi đô la, ông có thể cho ngựa của ông quay ngược lại chứ?

– Ba mươi đô la, tôi thậm chí có thể đuổi kịp quý cô kia.

– Hai mươi lăm!

– Chốt giá!

Người xà ích vung roi và cỗ xe lại đi nước kiệu rồi đi chậm lại khi đến ngang tầm Suzie.

– Lên xe đi! Andrew nói.

– Cứ mặc tôi, anh Stilman, tôi đem lại xui xẻo đấy.

– Tôi chẳng sợ, tôi sinh ra cùng vận rủi. tôi bảo cô lên xe đi, cô ướt hết người đến nơi rồi.

– Tôi đã ướt sẵn rồi.

– Vậy thì càng có thêm lý do, hãy lên trú mưa dưới màn che, cô sẽ bị cảm lạnh mất thôi.

Suzie run lập cập, cô bước lên bậc để chân, ngồi vào chỗ trên băng ghế và co ro trong chiếc chăn choàng.

– Sau vụ tai nạn, cô đã được hồi hương trên chuyến bay của một công ty có vẻ hơi đặc biệt. Loại vé đó không thể mua được ở các đại lý vé, đúng không?

– Đấy là anh nói thế.

– Arnold Knopf là ai?

– Một người thân tín của gia đình tôi; tôi không biết mặt bố đẻ, Knopf giống như người đỡ đầu cho tôi.

– Chính xác thì cô là ai vậy, cô Baker?

– Cô cháu gái côi cút của thượng nghị sĩ Walker

– Tên ông ấy hẳn phải gợi nhắc điều gì cho tôi chứ nhỉ?

– Ông ấy là một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống Johnson.

– Lyndon Baines Johnson, người kế nhiệm Kennedy?

– Chính thế.

– Giữa người ông là thượng nghị sĩ đó với chuyện của cô thì có liên quan gì?

– Nực cười hay cho một phóng viên, anh không đọc báo à?

– Cuộc bầu cử của Johnson diễn ra vào năm 1964. Hồi ấy tôi chưa đọc báo từ hai hòn bi của bố tôi.

– Gia đình tôi là nguyên nhân của một vụ bê bối cấp quốc gia. Ông tôi đã phải từ bỏ sự nghiệp.

– Nhân tình, lạm dụng công quỹ, hay là cả hai?

– Vợ ông bị cáo buộc phản bội quốc gia và bị ám sát khi bà đang định bỏ trốn.

– Đúng là không phải chuyện thường. Liên quan gì tới cô chứ, hồi đó cô thậm chí còn chưa ra đời?

– Bà tôi vô tội, tôi đã thể sẽ tìm được bằng chứng chứng minh điều đó.

– Sao lại không. Và bốn mươi sáu năm sau, chuyện đó vẫn gây hại cho không ít người?

– Có vẻ đúng như vậy.

– Phản bội kiểu gì?

– Người ta cho rằng bà tôi khi ấy đang chuẩn bị bán một số bí mật quân sự cho phía Liên Xô và Trung Quốc. Hồi ấy, chúng ta đang tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, bà là vợ của một cố vấn cấp cao trong chính phủ, bà đã nghe được nhiều chuyện người ta bàn thảo trong nhà mình.

– Bà cô theo cộng sản à?

– Tôi chưa bao giờ nghĩ như thế. Bà tôi kịch liệt phản đối chiến tranh và đấu tranh chống lại những bất bình đẳng trong xã hội. Bà cũng có ảnh hưởng nhất định đến chồng, nhưng điều đó thì có tội tình gì.

– Còn phụ thuộc vào chuyện dưới mắt nhìn của ai, Andrew đáp. Cô nghĩ rằng đó là một vố người ta dựng ra vì tầm anh hưởng của bà ấy tới ông cô sao?

– Mathilde tin chắc như vậy.

– Mathilde ư?

– Con gái họ, mẹ tôi.

– Tạm gác những đoan chắc của mẹ cô lại, cô có gì cụ thể không?

– Một số giấy tờ từng thuộc về Lilly và lời nhắn cuối cùng mà bà để lại trước khi chạy trốn. Đó là một từ viết tay mà đến giờ tôi vẫn chưa tài nào hiểu nổi.

– Đó không phải thứ mà tôi gọi là những bằng chứng xác thực.

– Anh Stilman này, tôi phải thú nhận với anh một điều. Tôi đã nói dối anh một chuyện.

– Duy nhất một chuyện ư?

– Chuyến leo Mont- Blanc của tôi chẳng có gì đáng gọi là một cuộc hành hương, với Shamir thì lại càng không. Mathilde uống rất nhiều, tôi đã nói với anh điều này rồi nhỉ. Tôi không thể đếm nổi đã bao nhiêu lần tôi tới đón bà ở những quán bar đó, nơi bà ngủ gục luôn trên quầy, nếu không phải là trong xe của bà, lọt thỏm giữa một bãi đổ. Mỗi lần bà rơi xuống đáy cùng, tôi luôn là người bà gọi tới. Những lúc đó, bà thường kể với tôi về bà ngoại. Đa phần là những câu rời rạc và những câu chuyện khó mà hiểu nổi. Một đêm say sưa hơn thường lệ, bà muốn đi tắm ở cảng Boston. Vào 3 giờ sáng, giữa tháng Giêng giá buốt, chính xác thì là ngày 24. Một đội tuần tra đi ngang qua đó, một cảnh sát đã vớt bà lên vừa kịp lúc.

– Bà ấy say rượu hay bà ấy muốn chấm dứt cuộc đời?

– Cả hai.

– Tại sao lại là đêm hôm đó.

– Đúng thế, tại sao lại là đêm hôm đó? Tôi đã hỏi bà câu hỏi ấy, bà đáp hôm đó tròn bốn mươi năm của hy vọng cuối cùng.

– Nghĩa là sao?

– Bằng chứng duy nhất có thể chứng minh mẹ bà vô tội để trên một chiếc máy bay đã tan xác trên Mont- Blanc vào ngày 24 tháng Giêng năm 1966. Sau ý định tự sát của mẹ tôi, tôi bắt đầu tìm hiểu.

– Cô đi leo Mont- Blanc để tìm lại một bằng chứng có trên một chiếc máy bay, bốn mươi sáu năm sau vụ rơi chiếc máy bay đó? Nghe hơi quái nhỉ.

– Tôi đã tìm hiểu về vụ rơi máy bay này trong suốt nhiều năm và đã thu thập được nhiều tài liệu hơn bất kỳ người nào quan tâm đến chủ đề này. Tháng tháng tôi đều ghi chép những dịch chuyển của dòng sông băng thống kê từng mảnh vỡ mà nó nhả ra.

– Một chiếc máy bay đâm vào một ngọn núi, cô muốn nó còn lại thứ gì chứ?

– Chiếc Kanchenjunga đã để lại một vệt kéo lê dài 800 mét trên sườn núi. Nó không đâm trực diện vào núi. Khi nhận ra đỉnh núi, viên phi công hẳn đã chếch mũi máy bay lên trên. Đuôi máy bay mới là thứ đâm vào núi trước tiên. Trong số hàng nghìn mảnh vụn được tìm thấy suốt bốn mươi năm qua, không hề có thứ gì xuất phát từ buồng lái, không hề! Khi xảy ra va chạm, khoang trước máy bay nhất định đã bị cắt đứt khỏi phần còn lại, và tôi đã hiểu ra rằng nó đã kết thúc cú trượt dài trong một khe núi, dưới khu vực mỏm đá Tournette. Sau nhiều năm đọc các báo cáo, lời chứng, các phân tích và ảnh chụp, tôi hầu như đã chắc chắn tìm được lối vào khe núi đó. Điều tôi không dự tính được, đó là chính chúng tôi lại bị rơi xuống khe núi đó.

– Cứ cho là thế, Andrew nói, vẻ hoài nghi. Cô đã tìm thấy nó rồi sao, khoang lái của chiếc Kanchenjunga ấy?

– Đúng, chúng tôi đã tìm thấy nó, cả khoang khách hạng sang nữa, gần như còn nguyên vẹn. Không may là bằng chứng mà tôi tìm kiếm lại không tỏ ra thuyết phục như tôi từng hy vọng.

– Nó là cái gì?

– Một lá thư nằm trong chiếc cặp tài liệu của nhà ngoại giao Ấn Độ có mặt trong danh sách của anh.

– Cô đọc được tiếng Hindi à?

– Tài liệu đó viết bằng tiếng Anh.

– Và cô nghĩ rằng lá thư đó chính là thứ mà vị khách không mời của chúng ta đến tìm ở nhà tôi và nhà cô? Hắn tìm thấy nó rồi à?

– Tôi giấu nó trong nhà anh.

– Cô nói gì kia?

– Tôi muốn cất giữ nó ở một nơi an toàn. Nó được giấu sau tủ lạnh nhà anh, chính anh đã cho tôi ý tưởng đó. Tôi không biết mình bị theo dõi và càng không biết anh cũng bị như thế.

– Cô Baker này, tôi không phải thám tử tư, mà là phóng viên, và giờ tôi cũng đang trong thời gian không khỏe mạnh gì. Đặc biệt là, tôi sắp nghe theo cái giọng rủ rỉ này, nó nhắc nhở tôi nên quan tâm đến việc của mình và cứ để mặc cô lo việc của gia đình cô.

Cỗ xe ra khỏi Công viên Trung tâm và đỗ dọc phố 59. Andrew đỡ Suzie xuống xe và vẫy một chiếc taxi.

– Bức thư ấy, cô ấy nói trong lúc chào Andrew, tôi cần phải lấy lại nó.

– Mai tôi sẽ trả lại nó cho cô ở thư viện.

– Vậy thì hẹn gặp ngày mai, Suzie vừa nói vừa đóng cửa xe.

Andrew vẫn đứng trên vỉa hè, suy nghĩ mien man, và những ý nghĩ của anh lẩn quẩn vòng quanh. Anh nhìn taxi chở Suzie đi xa dần rồi gọi cho Dolorès Salazar.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.